Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

TT&HĐ III - 27/b

                                                      Tinh Túy Võ Thuật Trung Hoa

                                             

                                   Những điều bí ẩn về Thiếu Lâm Tự không phải ai cũng biết

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG VI: MIỀN ĐẤT VÕ


“Nay con đã khôn lớn và có bản lĩnh hơn người. Hãy xuống núi mà đem tài đức giúp đời giúp người. Con sống xứng đáng thì thầy chết cũng yên lòng”
(Hòa thượng- võ sư Thiện Hoa căn dặn đệ tử. Thiện Tâm, người sau này là thượng tọa Thích Thiện Tánh - tức võ sư Mai Văn Phát)


“Càng sống, tôi càng nhận ra rằng học võ không phải để múa hay, đánh giỏi, hạ nhanh và nhất là để có con rắn đen tự mãn trong máu thịt, mà chính học võ cốt biến được con rắn đen xấu xí kia thành “thanh gươm trí tuệ” chém tan bức màn vô minh, nhìn thấy được thực tướng của sự vật. Môn võ tuyệt thế chính là môn võ để chiến thắng chính mình. Và đó cũng chính là câu chuyện về thánh võ Kadgapa (một trong 84 vị thánh của Tây Tạng) khi người đi tìm môn võ tuyệt thế trong thiên hạ”
(Lời thổ lộ của nữ võ sư Phạm Cô Gia, khi bà đã 90 tuổi)


Tôi không sợ những người đàn ông đã thực hiện 10.000 cú đá chỉ trong một lần, nhưng tôi lo sợ những người đàn ông đã thực hiện một cú đá đến 10.000 lần. (Lý Tiểu Long)

Nên nhớ rằng những cây cứng nhất lại dễ bị nứt nhất trong khi tre hay nứa lại có thể uốn cong theo chiều gió. (Lý Tiểu Long)

 Tôi ghét từng phút giây tôi luyện tập, nhưng tôi đã tự nhủ: “Đừng bỏ cuộc. Chịu đựng nó và ta sẽ sống cả phần đời còn lại như một nhà vô địch”. (Huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali).

 

 

(Tiếp theo)

                                                                           
                                                 ***
 

Vết tích khảo cổ xưa nhất về quyền thuật Trung Hoa là một cây lược bằng gỗ; trên cây lược nầy có khắc hình hai người, mình trần, đang ôm vật dưới sự giám định của một trọng tài. Cây lược này được tìm thấy vào năm 1975 trong ngồi mộ thời triều đại nhà Tần (221-207 trước CN).

Thời nhà Hán (206 trước Tây Lịch-220 sau CN), môn vật lấy tên là Tương Phốc (Xiangpu) (Tương Phốc có nghĩa là xô đẩy lẫn nhau). Hai chữ Xiangpu đọc theo tiếng Nhật là Sumo, như vậy môn Sumo hiện nay có thể cho ta một khái niệm về môn vật của Trung Hoa thời nhà Hán. Vả lại những lực sĩ môn Tương Phốc thời nhà Đường (618-907) mang y phục của những lực sĩ môn Sumo hiện nay.

Dưới thời nhà Tống (960-1279), những võ sĩ mới bắt đầu mang áo để tiện níu kéo. Như vậy những kỹ thuật đấu vật thời đó từ từ biến đổi và giống những kỹ thuật đấu vật hiện nay.

Trung Hoa là đất nước có nền võ học cổ truyền hết sức rực rỡ. Xét về mặt lịch sử thì nền võ học đó cũng đã có từ lâu đời, xâm nhập mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến hầu hết các nền võ học cổ truyền của các nước phương Đông khác, thậm chí là nguồn gốc cốt lõi của không ít nền võ học cổ truyền đó, chẳng hạn như của Triều Tiên, Nhật Bản…
Ngày nay, qua quan sát võ thuật Thiếu Lâm Trung Hoa và võ thuật Kalari Ấn Độ, thấy giữa hai môn võ này có nhiều động tác chân tay, đòn thế giống nhau, nên nhiều nhà nghiên cứu võ học cho rằng có thể võ học Trung Hoa thời sơ khai bắt nguồn từ võ Kalari Ấn Độ. Điều này có thể đúng, nhưng chỉ đúng một phần, vì sự giống nhau ấy cũng có thể là môn võ Kalari đã học hỏi trở lại từ nền võ học Trung Hoa trong suốt hàng ngàn năm giao lưu.
Tương truyền rằng Bồ Đề Lạt Ma, vị sư tổ đời thứ 28 của Phật giáo Ấn Độ là người đã sang Trung Quốc truyền giáo và lập nên phái Thiền tông (người Nhật gọi là Zen), ảnh hưởng sâu xa đến toàn bộ tư tưởng Phật giáo Phương Đông.
Vào năm 495, hoàng đế Hiếu Văn đã cho xây dựng ngôi chùa tại vùng núi Tung Sơn, thành phố cấp huyện Đăng Phong, địa cấp thị Trịnh Châu, Hà Nam, trung tâm Trung Quốc, nổi tiếng từ lâu nhờ mối liên hệ với Phật giáo Thiền tông và võ thuật, đặt tên là chùa Thiếu Lâm (phiên âm Hán-Việt: Thiếu Lâm tự; dịch nghĩa: "chùa trong rừng gần đỉnh Thiếu Thất"). Ngôi chùa bị hủy diệt và trùng tu vài lần, trở thành một trong những ngôi chùa xưa nhất của Trung Quốc và là cái nôi của Thiền tông Trung Hoa, có lẽ nó là một cơ sở Phật Giáo nổi tiếng nhất đối với phương Tây. Tuy nhiên, võ thuật của Thiếu Lâm tự lại được biết đến nhiều nhất đối với người Á Đông, chùa Thiếu Lâm với võ phái Thiếu Lâm được xem là nguồn gốc các phái võ Trung Quốc hiện nay. Từng có câu thành ngữ nói về điều đó: "Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm" (mọi công phu võ thuật trong thiên hạ đều khởi phát từ Thiếu Lâm). Người trụ trì chùa Thiếu Lâm đầu tiên là một vị sư gốc Ấn, tên là Bạt Đà (người Trung Hoa gọi là Phật Đà). Ông này có vẻ mặt vui vẻ, thân hình mập mạp. 
Khoảng phần tư thể kỷ sau, Bồ Đề Lạt Ma đến trụ trì tại đây, giảng dạy Phật pháp và đề xướng ra phái Thiền Tông. Để đảm bảo sức khỏe cho các vị sư ở đây trong quá trình tụ tập, thiền định, chịu đựng được điều kiện thời tiết, khí hậu những lúc khắc nghiệt, Bồ Đề Lạt Ma đã truyền dạy cả môn võ Kalari và kỹ thuật luyện khí (hít thở) tăng cường sức đề kháng cho các đệ tử. Kỹ thuật luyện khí ấy, Bồ Đề Lạt Ma rút tỉa từ đâu? Từ môn Yoga chăng? Thế còn Yoga? 


                          Cổng chính của chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam (Trung Quốc).
Theo một cuốn sách thì Yoga có nguồn gốc chìm sâu trong buổi tối sơ của lịch sử đất nước Ấn Độ, vào khoảng 4000 năm trước Công Nguyên, tức là trước khi có cuộc xâm nhập của người Aryen vào tây - bắc nước Đông Á này, thuộc vùng Penjab, thượng lưu sông Indus. Yoga là phương pháp rèn luyện tâm - thân bằng kỹ thuật thở (điều tức) cùng với kỹ thuật chế ngự ý nghĩ (điều tâm), kết hợp với những động tác chân tay, tư thế thân thể (điều thân), nhằm tăng cường sức đề kháng ẩn chứa tiềm tàng trong con người, để từ đó có thể thích nghi được với những khắc nghiệt của môi trường, điều trị bệnh tật, sống khỏe sống vui. Về sau, Yoga còn được sử dụng như phương pháp khổ luyện để làm hình thành nên những công năng đặc dị ở con người (và thực tiễn đã chứng tỏ nó thực sự có khả năng đó), để đưa tâm thần lên trạng thái tỉnh thức cao độ mà thấu tỏ chân lý (?). Hay có thể nói rằng phương châm của rèn luyện Yoga là trừu xuất bản thân mình ra ngoài thế tục để nối liền, để liên kết, để hợp nhất con người với vũ trụ, để tìm lại sự quân bình trong chính nó, nghĩa là hướng tinh thần về phía nội tâm, thay vì để nó bị cuốn hút về phía ngoại giới, tập trung và phóng xuất tất cả năng lượng hàm chứa trong nó lên chính nó (lên từng bộ phận của nó), để nó học biết được cái bản chất đặc hữu của nó, phát hiện được cái bí mật thầm kín nhất, sâu xa nhất, ẩn dấu nhất của nó; để thẩm thấu đến tận cùng tâm thức nó mà tự nó chiêm nghiệm, kiến nhận ra chân lý thực sự là chân lý (không bị sự nhiễu loạn của ngoại giới làm cho mê lầm, che khuất!).
Đức Phật Thích Ca, dựa trên nền tảng của phương pháp rèn luyện Yoga, đã cải cách thành phương pháp tu thiền - nhập định trong việc tiếp cận, giác ngộ chân lý nhà Phật (về vấn đề này, chúng ta có ý kiến khác, nhưng nếu có điều kiện, sẽ trình bày sau hoặc cũng có thể là không bao giờ vì… không đủ thời gian!). Cũng có thể xem Yoga như là kỹ thuật nhập thần (entase), (khác với phép xuất thần (extase) của người lên đồng với những cơn co giật cơ thể…), tức là thu hút tinh thần trở lại bản thân nó, lấy chính nó làm đối tượng chiêm nghiệm tiếp xúc của nó (nghe rắc rối thế nhưng thực ra đó là sự hàm chứa cái tư tưởng siêu phàm “vô vi vô bất vi” của Lão Tử!).
Võ thuật có nguồn gốc từ thiên nhiên hoang dã và buổi đầu là nhờ học hỏi thiên nhiên hoang dã. Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng trong sự hình thành và phát triển võ học phương Đông cổ truyền là bắt chước những động tác của muông thú trong hoạt động sinh tồn của chúng, phỏng theo những động tác, những hành động ấy mà nghiền ngẫm, rút tỉa, sáng tạo thành những động tác, chiêu thức, đòn thế, bài quyền cước chiến đấu đầy hiệu quả trong thực tiễn áp dụng.
Theo truyền thuyết của Phật giáo Thiền Tông Trung Hoa, sau khi từ biệt Lương Vũ Đế, Bồ Đề Đạt Ma đã vượt sông Trường Giang (Dương Tử Giang) trên một ngọn cỏ lau (cước đạp lô diệp quá giang) đi đến chùa Thiếu Lâm và  tịnh tu ở đó. Ngày nay ở Thiếu Lâm tự vẫn còn bức tượng "cước đạp lô diệp quá giang" miêu tả tích này. Tại ngôi chùa này, ông đã thực hành thiền định trong chín năm liền quay mặt vào vách núi (cửu niên diện bích).
Trong thời gian trụ trì và thuyết pháp, nhận thấy các tăng nhân trong chùa có thể lực rất yếu kém không thể chống chọi nổi với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt của vùng núi rừng hiểm trở, ngài đã kết hợp các bài tập luyện thở Yoga và một số môn võ tay không của Ấn Độ gọi là Cửu Long sáng tạo nên một số bài tập để rèn luyện tăng cường sức khỏe phục vụ cho quá trình tu hành.
Các bài tập của Bồ Đề Đạt Ma cho đến hiện nay vẫn chưa thể xác định được.
Tuy nhiên có một điểm cần lưu ý là các bài tập của Bồ Đề Đạt Ma có kèm theo một số các thủ thuật xoa bóp và điểm huyệt gọi là Án Ma Pháp , giống như phương pháp châm cứu và bấm huyệt của Đông y học Trung Quốc và phương pháp massage của phương Tây ngày nay. Do vậy trong các bài quyền của hầu hết các hệ phái Thiếu Lâm sau này thường hay có những động tác vỗ chân vỗ tay nhằm kích hoạt (activate) lên các huyệt đạo để phát động nguồn Khí lực trong cơ thể đồng thời để tạo khí thế khi diễn tập với mục đích làm cường kiện thân thể.
Các bài tập thở và xoa bóp huyệt đạo để đả thông khí huyết trong hệ kinh mạch của võ Thiếu Lâm có liên hệ mật thiết sau này với các phương pháp của trường phái triết học Trung Hoa cổ đại là phái Đạo Gia với Phép đạo dẫn mà nó chính là phương pháp luyện tập hơi thở và truyền dẫn nguồn năng lượng nội sinh (Inner Power) trong cơ thể được gọi là khí (tiếng Trung Hoa phát âm là Qi, tiếng Nhật là Ki cũng gần như nhau). Đó chính là phương pháp Khí công chỉ chuyên luyện nội khí, vận khí (dẫn khí), dụng khí hóa kình trong quyền thuật và Điểm Huyệt của võ Thiếu Lâm. Hai môn này hiện nay đang được các trường Đại học của Trung Quốc và Đài Loan (Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa của Trung Hoa Đại Lục, Đại học Đài Bắc của Đài Loan Dân Quốc) nghiên cứu.
Trong thời gian vị tổ sư Bồ Đề Đạt Ma trụ trì, truyền thụ võ thuật và khí công, tại chùa Thiếu Lâm dần xuất hiện những yếu tố đầu tiên, làm cơ sở cho nền võ học Trung Hoa sau này, được gọi là Thiếu Lâm quyền pháp cổ thức. Theo các nhà khảo cứu võ thuật Trung Hoa (cũng chính là người Trung Hoa) thì các tài liệu đời sau đều gán công lao cho vị sư tổ này sáng tạo ra môn Dịch Cân Pháp Tẩy Tủy Kinh (Marrow Cleasing and Muscle Change Classic) mà tục gọi tắt là Dịch Cân KinhLa Hán Thập Bát Thủ (mười tám thế tay của phật La Hán). Song cho đến giờ vẫn chưa có tài liệu nào xác minh được nguồn gốc chân thật của hai phương pháp này là do Bồ Đề Đạt Ma truyền lại mà chỉ có tác phẩm Võ thuật Tùng Thư của Quảng Từ Lão Ni xác nhận Bồ Đề Đạt Ma là nhân vật sáng tác Dịch Cân KinhThập Bát La Hán Quyền (?) theo lời kể của võ sư Đoàn Tâm Ảnh (thuộc hệ phái Thiếu Lâm Côn Luân) kể lại cho học trò của ông là giáo sư Vũ Đức (cũng là môn đồ cao cấp của võ Karate) thuật lại, nhưng điều này cũng không có gì làm bằng chứng xác thực.
Chỉ có một điều duy nhất rõ ràng hiển nhiên rằng là La Hán Thập Bát Thủ (Shaolin 18 Arhat Form) chính là bài quyền hoàn chỉnh đầu tiên của Thiếu Lâm quyền được sáng tạo bởi các võ tăng Thiếu Lâm tự vào thời nhà Tùy (581-618).
Chuyện kể rằng Bồ-đề-đạt-ma ngồi thiền quay mặt vào tường trong một hang đá cạnh chùa trong chín năm, sau đó ông giới thiệu một hệ thống các bài tập thể dục được cho là thập bát La-hán chưởng hay là các bài tập co giãn cơ bắp kinh điển Đạt-ma. Dần dần những động tác này phát triển thành võ thuật. Theo truyền thống, các nhà sư Thiếu Lâm phát triển kỹ năng võ thuật để phòng thủ sự tấn công của kẻ địch, như là một phương tiện giữ gìn sức khỏe, và như là một kỉ luật về tinh thần và thể chất. Những cơ sở võ học và khí công đầu tiên đó ngày một được nghiên cứu sâu rộng, nhanh chóng phát triển thành một hệ thống quyền pháp - võ thuật hoàn chỉnh mang tên Thiếu Lâm Kungfu Ngũ Hình Quyền (khí công đã phát triển song đôi với võ thuật, trở thành bộ phận trọng yếu, không thể thiếu được trong võ học Trung Hoa, làm nên cái thần diệu của võ thuật Trung Hoa). Có thể cho rằng Thiếu Lâm Kungfu Ngũ Hình Quyền chính là nền móng võ học Trung Hoa ngày nay.

Tiếng tăm về quân sự của chùa bắt đầu vào đầu đời nhà Đường (618–907). Tấm bia của Thiếu Lâm tự năm 728 miêu tả chuyện các nhà sư chiến đấu giúp cho vị hoàng đế tương lai là Lý Thế Dân chống lại đối thủ của ông là Vương Thế Sung.

Khi lên ngôi, vị vua biết ơn và cho mở rộng khuôn viên chùa và cho phép một số nhà sư tiếp tục việc huấn luyện quân sự. Võ công của Thiếu Lâm tự đạt đến đỉnh cao vào đời nhà Minh (1368–1644), khi vài trăm nhà sư Thiếu Lâm được phong hàm như trong quân đội và đích thân họ chỉ huy các chiến dịch chống lại quân nổi loạn và quân cướp từ Nhật Bản. Vào thời điểm này, các nhà sư Thiếu Lâm đã phát triển môn võ Thiếu Lâm với phong cách riêng biệt.

Nguồn gốc xuất xứ võ thuật Ngũ Hình Quyền có hai truyền thuyết. Truyền thuyết thứ nhất: tương truyền Bồ Đề Đạt Ma thấy dân Trung Quốc bấy giờ có tập luyện Ngũ Cầm Hí (năm loài cầm thú: gấu, hạc, hổ, nai, vượn), mới theo đó cải biên, kết hợp với võ thuật hiện có mà thành. Nhiều người nghiên cứu lịch sử võ học cho rằng truyền thuyết thứ hai có tính thuyết phục hơn. Cuối đời Tống, một công tử đất Nghiêm Châu xuống tóc tu học ở chùa Thiếu Lâm với pháp danh Giác Viễn Thượng Nhân. Bình sinh vốn đam mê võ thuật, nhận thấy học võ công ở chùa chưa đủ, bèn xuống núi tầm sư học thêm trong dân gian. Vị này gặp được một danh sư tại Lan Châu, đất Thiểm Tây tên là Lý Tẩu, học một thời gian lại được Lý Tẩu giới thiệu đến Lạc Dương thọ giáo danh sư khác tên là Bạch Ngọc Phong. Về sau, sư Giác Viễn vời cả hai người Lý Tẩu và Bạch Ngọc Phong về chùa Thiếu Lâm để truyền thụ tuyệt kỹ công phu (kungphu) cho sư tăng. Bạch Ngọc Phong trở thành đại sư của chùa Thiếu Lâm và chính trong thời gian này Bạch Ngọc Phong đã hệ thống hóa võ thuật, đúc kết thành Ngũ Hình Quyền (võ thuật mang hình tượng năm con thú: long, xà, hổ, báo, hạc). Trong lịch sử của chùa này còn ghi lời dạy của đại sư Bạch Ngọc Phong: “Tinh lực khí cốt của con người tích tụ theo thể ngũ hình: Long luyện thần, hổ luyện cốt, báo luyện lực, xà luyện khí, hạc luyện tinh. Con người phải hằng tâm tu luyện cho năm hình giao thoa hòa nhập mới đạt được thượng thừa thần hóa”.
Nhưng Ngũ Cầm Hí là một bài luyện võ công hay là cái gì? Chúng ta đều biết Hoa Đà là một danh y thời Tam Quốc, người Đông Hán, ở đất Tiều Quân, nước Bái (tức Nguyên Hóa). Ông nổi tiếng về nghề bốc thuốc, thuật châm cứu… trị bệnh cứu người. Sách “Tam Quốc chí” có ghi: “Hoa Đà có thuật vận khí hô hấp để chữa bệnh”. Thuật đó chính là Ngũ Cầm Hí công pháp. Như vậy Ngũ Cầm Hí là phương pháp luyện thở (điều tức) kết hợp với vận động thân thể (điều thân) để có sức khỏe tốt phòng chống bệnh tật và cũng là biện pháp trị liệu chữa bệnh.
 
Hoa Đà
HuaTuo.jpg
Tên
Tự Nguyên Hóa (元化)
Thông tin chung
Chức vụ Thầy thuốc cuối thời Đông Hán
Sinh 145
Huyện Tiếu, nước Phái
Mất 208
Ngũ Cầm Hí đã được lưu truyền phổ biến trong dân gian từ rất lâu, đến hàng ngàn năm, nên nó cũng có nhiều dị bản. Các bản đó có những nét khác nhau nhưng tựu trung thì vẫn đồng nhất về nội dung cốt yếu, lấy ý dẫn khí thông qua các động tác thân thể tay chân. Tuy nhiên, người ta cho rằng bản giống nhất với Ngũ Cầm Hí công pháp của Hoa Đà là bản đời Nam Bắc Triều trong sách “Dưỡng tính điều mệnh lục” của Đào Hoằng Cảnh, được trước tác sau Hoa Đà 300 năm.
Có sách nói thuật Ngũ Cầm Hí là sáng tạo của Hoa Đà, nhưng cũng có những sách khác, khi bàn về dưỡng sinh lại nói nó có trước thời Hoa Đà, là sáng tạo của những hiền triết lập nên phái Đạo gia, thậm chí là có trước cả thời Lão Tử. Không biết thuyết nào đúng, nhưng chắc chắn rằng Ngũ Cầm Hí nếu là của Hoa Đà thì ít ra cũng phải có một tiền thân ở thời Tiên Tần và sự luyện thở (điều tức) dưới những dạng thức sơ khai sẽ còn sớm hơn nữa, rất sâu về phía cội nguồn.
Ai đã từng đọc “Tam Quốc chí” đều biết câu chuyện Hoa Đà chữa cánh tay bị thương do tên độc bắn trúng của Quan Công, một danh tướng thời đó. Một thời gian sau khi chữa lành vết thương cho Quan Công, Hoa Đà được Tào Tháo, vì nghe danh tiếng, vời đến chữa bệnh cho mình. Bệnh của Tào Tháo là đau đầu dữ dội sau khi đến Đàm Dược Long cho đốn cây (trong đó có cây lê thần!) để xây dựng điện Kiến Thủy. Chỉ vì quá đa nghi, nghĩ Hoa Đà định lợi dụng việc chữa trị để giết mình mà Tào Tháo đã ra tay sát hại một thần y. Trong khi Hoa Đà bị giam cầm ở cấm ngục, có người coi ngục tên là Ngô Áp Ngục vẫn hàng ngày lén mang rượu thịt vào thết đãi. Hoa Đà vô cùng cảm kích, biết mình trước sau cũng chết, liền nói với coi ngục họ Ngô:
- Ta sắp chết đến nơi, chỉ tiếc bộ sách Thanh Nang chưa truyền lại cho đời. Hậu tình của ông, chẳng biết lấy gì báo đáp. vậy tôi viết một bức thư để ông trao lại cho vợ tôi ở nhà. Vợ tôi sẽ đưa ông bộ sách ấy, coi như tôi tặng ông để ông nối lấy nghề thuốc.
Ngô Áp Ngục mừng rỡ nói:
- Nếu được bộ sách Thanh Nang, tôi sẽ bỏ đây, đi khắp thiên hạ chữa bệnh giúp người, để truyền cái đức của tiên sinh.
Mười ngày sau Hoa Đà chết. Ngô Áp Ngục mua quan tài về khâm liệm, đem mai táng tử tế rồi bỏ việc, y lời Hoa Đà dặn, nhận được bộ sách Thanh Nang. Học chưa kịp nghề thuốc thì một hôm về đến cổng nhà thấy vợ đang đốt bộ sách. Ngô Áp Ngục thất kinh, chạy vào dập lửa thì bộ sách đã cháy gần hết, chỉ còn vài trang. Họ Ngô mắng vợ thì vợ đáp:
- Mình có học được nghề thuốc giỏi như Hoa Đà rồi cũng đến chết trong ngục thất, quí báu gì thứ sách này mà giữ!
Do vậy, toàn bộ kinh nghiệm y thuật của Hoa Đà đã bị mai một. Rất may trong vài trang còn sót lại đó, còn nguyên phần chỉ dạy về phương pháp luyện khí công Ngũ Cầm Hí.
Trong mục “Nghệ Văn Chí” của sách “Hán Thư”, phần “Phương Thuật liệt truyện” có ghi lời Hoa Đà: “Con người vốn ham muốn vận động nhưng chớ quá sức. Có vận động thì khí cốc mới trao đổi, máu huyết mới lưu thông, bệnh tật nhờ thế mới không dễ dàng xâm nhập, như bản lề của cánh cửa thường xuyên đóng mở, không kẹt rít vậy. Cho nên bậc thần tiên ví vận động như hình ảnh con gấu uốn vặn mình mẩy để được mạnh khỏe. Nay ta có thuật Ngũ Cầm Hí gồm một là gấu, hai là hạc, ba là nai, bốn là hổ, năm là vượn. Bắt chước năm con này mà độ dẫn, sẽ tiêu trừ mọi bệnh tật, tay chân lại thêm linh hoạt nữa. Nếu thấy trong người phần nào không khỏe, có thể lựa lấy con thú hoặc cầm thích hợp mà tập luyện theo, đến đổ mồ hôi. Tập xong sẽ thấy người nhẹ nhàng khoan khoái và có khi còn thèm ăn nữa. Tập đều đặn liên tục, cho dù tới tuổi 90 thì người vẫn khỏe, tai mắt vẫn tinh tường, răng lợi vẫn y nguyên”.
Ngày nay, các nhà khí công dưỡng sinh đã giảng giải như sau về công dụng của phương pháp rèn luyện thân thể theo thuật Ngũ Cầm Hí:
- Gấu là biểu tượng hồn hậu, yên lắng của tâm hồn. Trông bề ngoài có vẻ phục phịch, nặng nề, nhưng thực ra gấu vận động mềm mại, xoay sở linh lợi. Bắt chước gấu rùng mình và đưa đẩy, ta luyện sự thâm hậu của nội lực. Trong lúc làm các động tác, ta vận động được toàn thân, vận kình rung các cơ khớp của vai, tay, mông, háng, và cả chân. Vận động theo loại hình gấu kết hợp nhịp nhàng với hơi thở có tác dụng trung hòa khí mạch, tăng cường chức năng tì vị.
- Khi nói đến hạc, chúng ta thường nghĩ tới sự nhẹ nhàng, bay bổng liệng đáp trong những bức tranh thủy mặc, sự thanh thoát trong hình tượng hạc đứng một chân bên cội tùng, trên lưng rùa, thường thấy trước bệ thờ ở đình chùa. Hạc tiêu biểu cho sự tĩnh mặc, thanh thoát, nên khi luyện loại hình này, động tác không gò bó, nặng nề, cương cơ mà trái lại là tinh thần an nhiên tự tại, dụng ý nhẹ nhàng. Ý nhẹ nhàng thì khí không trì trệ, kinh mạch thông thoáng, khí huyết điều hòa.
- Nai là biểu tượng của sự hồn nhiên. Nai tơ “ngơ ngác” giữa đồng cỏ, thanh thản uống nước bên bờ suối, nhưng một tiếng động nhỏ cũng làm nó nghểnh cổ lắng nghe. Khi tập luyện theo loại hình nai, toàn thân phải buông lỏng, thoải mái, thư giãn hoàn toàn thân tâm. Các động tác kết hợp với nhịp thở trong loại hình này có tác dụng giãn gân cốt, an thần.
- Hổ là biểu tượng của sư uy nghi, dũng mãnh. Hổ là chúa sơn lâm, có trí tuệ và sức mạnh vô địch, lúc động như vũ bão, lúc tĩnh như đêm trăng vắng lặng. Vì thế các động tác của loại hình này trông mềm mại mà có kình lực “miên lí tàng kim” (bông gòn bọc thép). Nếu dày công luyện tập sẽ tăng cường nội lực, tạo sự tự tin, loại bỏ những tư tưởng yếu hèn.
- Trong cầm thú, vượn được coi như tương cận với con người về nhiều mặt. Vượn khôn ngoan hơn nhiều loài vật, có thể bắt chước người dễ dàng. Cho nên con vượn là biểu tượng của sự khôn lanh. Vượn luôn táy máy, động đậy chân tay mình mẩy. Đó là biểu thị của “động”. Nhưng trong động có tĩnh, có sự tỉnh táo của trí khôn để ứng phó kịp thời. Vượn cũng như khỉ, là một loài khỉ, có tiếng lanh lợi. Động tác của loại hình này gọn gàng, có tác dụng làm cho thần kinh minh mẫn, thân thể tứ chi linh hoạt, khai thông huyết mạch, thần thái tươi tắn, lạc quan.
Trên cơ sở nền móng Thiếu Lâm Kungfu Ngũ Hình Quyền, cũng như sự xuất hiện của nó đóng vai trò kích thích như chất xúc tác, nền võ học Trung Hoa đã có những bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và rộng khắp với đủ các trường phái, môn phái, đủ các cách thức tu luyện công pháp, quyền cước, binh khí, phong phú về nội dung và đa dạng về chiêu thức, đòn thế. Sau này, thường khi bàn về võ học Trung Hoa, người ta chia ra thành hai nhánh lớn là Nam phái và Bắc phái hoặc Nội gia quyền và Ngoại gia quyền. Sự phân chia đó chỉ là tương đối vì sự phát triển của võ học là học hỏi, giao lưu, lan tỏa, đan xen nhau.
Thiếu Lâm Kungfu Ngũ Hình Quyền vẫn tiếp tục sự phát triển của nó và trong sự phát triển sôi động của nền võ học Trung Hoa nói chung, nó dần chỉ còn đóng vai trò như một trong nhiều môn phái võ thuật của đất nước Trung Hoa. Nhưng dù có thế nào chăng nữa thì Thiếu Lâm Kungfu vẫn luôn được người đời ngợi ca là ngôi sao bắc đẩu trên nền trời võ học Trung Hoa.
Chùa Thiếu Lâm, với lịch sử bi hùng của nó; đã trở thành hiện tượng có một không hai: vừa là nơi xuất phát của Thiền tông, phái Phật Giáo có ảnh hưởng bao trùm không riêng gì ở đất nước Trung Hoa mà còn ở nhiều nước Đông Á, vừa là cái nôi của một nền võ học lớn nhất thế giới và cũng vô cùng thâm hậu, nguồn gốc của không ít nền võ học hiện tại ở các nước khác.
Vào thời cực thịnh của mình, cách nay khoảng 1300 năm, chùa Thiếu Lâm có đến khoảng 1500 vị sư tăng tụ tập, trong đó ít nhất có 500 vị được học võ nghệ đạt đến tuyệt luân. Hoàng đế Thái Tông nhà Đường đã cho phép nhà chùa được truyền dạy võ học cho các sư tăng. Điều này được ghi trên một bia ký còn lưu giữ được tại chùa Thiếu Lâm.
(Còn tiếp)
---------------------------------------------------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét