Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

TT&HĐIII - 25/v

                                            

                      Số Phận Bi Thương Của 2 Hoàng Hậu Nhà Hậu Lê - Thâm Cung Bí Sử

                                                         Oan khúc LỆ CHI VIÊN.

 

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG IV: ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

“Thủ đô là cái đại tập thành của cả đất nước từ khí non sông tụ lại. Không bàn tán về những thành phố khác, mà nói về Hà Nội thì không ai không nhớ đến bài ca chính khí của nó…
Hà Nội không phải là một đất thánh, theo cái nghĩa tín đồ hành hương, nhưng Hà Nội là một đất thiêng, kẻ ngoài nào mà xúc phạm vào nó là phải đền tội”
“Khi một giống nòi bị dồn đến chỗ chỉ có thể lựa chọn cái chết và nô lệ thì xông vào cái chết là dũng cảm hơn. Nơi nào mà nó không phải là thiết yếu thì bạo lực mới bị lên án. Có những trường hợp phải công nhận bạo lực bởi vì không còn cách nào khác”

"Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?"
                                                         (Khuyết danh)

 

 

 

(Tiếp theo)



***


Sau khi được Thái Tổ “xét rõ đáy lòng”, Nguyễn Trãi được trả tự do và được phục hồi chức tước như cũ. Tuy nhiên, từ trước đó, Nguyễn Trãi đã không còn được Lê Lợi trọng dụng như thời kháng chiến nữa. Giờ đây, sau biến cố đau đớn, mối quan hệ giữa hai người càng lạnh nhạt và Nguyễn Trãi đã dần nhận ra cái hoài bão lớn của ông, cái mộng tôi sáng vua hiền tận tâm với nước, “lo trước điều thiên hạ phải lo”, là khó lòng thực hiện được, dù rằng có thể ông chưa thấu tỏ được sự biến đổi rất sâu trong tâm hồn Lê Lợi.
Thất sủng rồi nhưng Nguyễn Trãi vẫn làm quan, không còn được tin dùng nhưng vẫn làm tròn phận sự. Hình như ông vẫn cố gắng làm được đến đâu hay đến đấy những điều tốt đẹp nhất cho triều đình như một kẻ bất đắc chí nhưng chưa thối chí, vì tấm lòng hướng về Đại Chúng, tư tưởng đại nhân đại nghĩa ở ông vẫn còn nguyên vẹn đó. Cũng vì thế mà ông sống thanh liêm, trong sáng và dù giàu sang phú quí đã không đến với ông thì ông vẫn hài lòng với cuộc sống có phần đạm bạc của mình. Một tâm hồn tham quyền cố vị chỉ chăm chăm vơ vét danh lợi vật chất thông thường sẽ không thể làm được những câu thơ “trần tình” nhưng rất “nhẹ” như Nguyễn Trãi đã làm:
                              “Bữa ăn dù có dưa muối
                              Áo mặc nài chi gấm là”
Và:
                              “Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh
                              Áo bô quen cật vận xênh xang”
                  Hay:
                              “Góc thành Nam lều một gian
                              No nước uống thiếu cơm ăn
                              Con đòi trốn đường ai quyến
                              Bầy ngựa gầy thiếu kẻ chăn
                              Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
                              Nhà quen xú xứa ngại nuôi vằn
                           Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải
                              Góc thành Nam lều một gian”
Nguyễn Trãi không thể không biết câu “công thành thân thoái”, không thể không biết câu chuyện Việt vương - Phạm Lãi, và rõ ràng với lối sống thanh đạm, ông cũng luôn luôn thấy đủ. Vậy thì vì sao lúc bấy giờ ông không lui về Côn Sơn từ sớm mà mãi sau mới về đó ngao du, vui thú với cảnh vật thiên nhiên? Tại sao ông không chịu ra khỏi thời cuộc mà cứ phải “đem thân về với triều đình” để mà buồn man mác ở “góc thành Nam lều một gian”?
Nếu thực sự bất cứ hành động nào của con người cũng vì danh lợi thì Nguyễn Trãi hành động như vậy phải là vì danh lợi gì đó. Nhưng là danh lợi gì? Chúng ta nên nhớ, trong thời Hồ Quí Ly tư tưởng Nho Giáo đã được truyền bá sâu rộng vào nước ta và trở thành như một quốc giáo!
Nguyễn Trãi có một hoài bão lớn. Mong muốn tột bậc của ông là được đem hết tài năng ra để thực hiện hoài bão ấy. Mười năm tham gia kháng chiến là mười năm tài năng của ông được thỏa sức thăng hoa vỗ cánh và thực sự đã góp được công lao to lớn, đã phụng sự được một cách đắc lực cho công cuộc cứu dân, cứu nước. Chắc rằng đó là khoảng đời hồ hởi nhất, dù gian khổ nhưng sảng khoái nhất của người anh hùng. Văn thơ thư tịch ông viết trong thời kỳ này đã phản ánh rất rõ cái trạng thái tâm lý ấy, trong đó, “Bình Ngô đại cáo” là tiêu biểu nhất, được đương thời và đời sau thán phục, ngợi ca hết lời và thượng tôn là “thiên cổ hùng văn”.
Nước nhà giải phóng, trước mắt Nguyễn Trãi mở ra con đường thênh thang, cho mong ước của ông: tiếp tục được thực hiện để cái hoài bão lớn lao mà ông đeo đuổi và đang dở dang sớm trở thành hiện thực một cách trọn vẹn. Tinh thần ông lúc này chắc càng thêm phấn chấn với một hy vọng tràn trề. Nhưng cái khoảng khắc ấy mau chóng qua đi trước cái biến thái cũng mau chóng không kém của thực tại. Nhất là sau khi bị buộc tội và hạ ngục, danh dự bị tổn thương, thân phận bị bẽ bàng, thì trong tâm hồn Nguyễn Trãi đã có nhiều vỡ lở khó mà hàn gắn được, lần đầu tiên, có thể ông đã cảm nhận được điều ông mong ước là vô vọng.
Vô vọng rồi thì mục đích làm quan của Nguyễn Trãi cũng không còn. Vậy thì tại sao ông không rời bỏ chốn quan trường mà về đi có hơn không? Hay tại Thái Tổ không cho về vì hình bóng lớn lao của Nguyễn Trãi thời kháng chiến vẫn còn đậm nét trong lòng người, nên trước bàn dân thiên hạ, giữ Nguyễn Trãi ở lại “ngồi chơi xơi nước”, “triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải” có lợi hơn là cho về vườn?
Nếu đó là nguyên nhân thì cũng không phải là duy nhất, còn một nguyên nhân khác nữa.
Danh lợi, hiểu theo nghĩa rộng nhất, là bất cứ thứ gì mà một con người ước muốn. Mong ước cuối cùng của Nguyễn Trãi là đem hết tài năng để góp công tạo dựng nên một triều đình thực sự vì dân, một xã hội thanh bình tươi sáng để dân tình được yên vui, mọi người cùng chung hưởng hạnh phúc. Mục đích làm quan của Nguyễn Trãi chính là vì thế và cái danh lợi mà ông đeo đuổi cũng chính là như thế. Chúng ta cho rằng đó là cái danh lợi cao nhất, tuyệt đỉnh  mà một con người hướng thiện trong xã hội có thể mơ ước được và đồng thời cũng chính là sự thể hiện toàn vẹn nhất của Đức Huyền Diệu, tức đạo đức xã hội.
Mọi sự vật - hiện tượng đều có thể hiện hữu, mọi sự việc đều có thể xảy ra nếu chúng hợp Đạo Lý (Lẽ Tự Nhiên hay Nguyên Lý Tự Nhiên). Tuy nhiên, hợp Đạo Lý chưa chắc đã là hợp Đức Huyền Diệu. Hợp Đức Huyền Diệu mà không hợp Đạo Lý thì bất cứ thứ gì cũng không thể thực hiện được mà chỉ là hiện hữu ảo, là lý tưởng, ảo tưởng, không tưởng… Trong cái môi trường hàm chứa đầy ắp thị phi chốn cung đình, cụ thể là triều đình Thái Tổ, nơi chính vua là người đã (có thể là vô tình!) mở cửa, dung túng cho những mưu cầu hèn kém nhất, phi nhân nhất, thì ước mơ của ông quan “hữu danh vô thực” Nguyễn Trãi hoàn toàn vô vọng là chuyện đương nhiên.
Xét theo hướng ấy, nếu đối với nhiều người khác ở địa vị như Nguyễn Trãi đã là công thành danh toại, thì đối với Nguyễn Trãi là công chưa thành và vì thế mà thân chưa muốn thoái. Nguyễn Trãi đích thị là một nhà nho thuần túy. Quan niệm, cũng như việc đối nhân xử thế của ông hoàn toàn theo Nho Giáo: biết vô vọng rồi mà vẫn cố làm cho được đến đâu hay đến đấy, biết không theo được nữa vẫn cố theo để giữ tiếng trung quân, cô đơn giữa đám loạn thần vẫn “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã” để bảo tồn chữ dũng, nghĩa phu phụ đã bạc mà vẫn già nhân ngãi để ôm cho vẹn lòng nhân nghĩa. Có thể nói Nguyễn Trãi là con người lấy chính danh, nhập thế làm lẽ sống. Ngay cả khi về già, “xuất thế” đối với ông cũng chỉ là miễn cưỡng, “lực bất tòng tâm”. Ông xuất thế mà lòng còn vọng động, xuất thế mà không tròn được chữ “vô vi”, xuất thế mà vẫn không ra khỏi được vòng nhập thế.
Ôi danh lợi! Thơm ngon mà cũng thối tha, cay đắng quá chừng!
Nguyễn Trãi là một cuộc đời đáng được ghi tạc công lao, đáng kính phục về tài năng đức độ, đáng xót thương vì bị số phận bạc đãi. Chúng ta càng kính phục, cảm thương ông hơn khi đọc những tâm sự mà ông đã gửi gắm vào văn thơ do chính ông sáng tác ở giai đoạn nửa cuối cuộc đời mình.
Là một nhà nho, tin theo tuyệt đối tư tưởng của Nho Giáo và phục tùng cái hệ thống luân lý máy móc của nó, Nguyễn Trãi đã ưu tiên lựa chọn phương châm sống là nhập thế hữu vi. Nhưng trước hết, Nguyễn Trãi là một con người như mọi người khác, hơn nữa là con người đa sầu, đa cảm, nặng lòng với quê hương và yêu thích cảnh sống thanh dã, gần gũi với thiên nhiên. Cho nên trước cái nhân tình thế thái đầy nhiễu nhương và sặc mùi danh lợi tầm thường chốn triều đình, trong nỗi thất vọng, chán nản trên con đường hoạn lộ đã hầu như mất hết mục đích, con người Nguyễn Trãi, một cách tự nhiên, không thể không bị cái ý tưởng xuất thế, trở về dân dã vui buồn với cảnh đẹp thiên nhiên, kêu réo thiết tha, thúc dục. Giằng xé giữa nhập thế và xuất thế, giữa bổn phận với đất nước theo tư tưởng Nho gia và ao ước tự nhiên muốn rời xa cảnh đời đen bạc, đã là mâu thuẫn lớn nhất, gây khổ đau nhất cho tâm hồn Nguyễn Trãi. Và cái tên hiệu Ức Trai của ông đã như một điềm báo trước. Dưới đây chúng ta trích dẫn một số vần thơ của Ức Trai để phần nào thấy được tâm trạng ẩn ức đó của ông cũng như cái hay, cái đẹp của thơ ông.
Đây là đạo làm người của Ức Trai:
“Một thân lẩn quất đường khoa mục
Hai chữ mơ màng việc quốc gia”
(Ngôn chí, bài 7)
“Bui có một niềm chang nở trễ
Đạo làm con mấy đạo làm tôi”
(Ngôn chí, 1)
“Tôi ngươi hết tấc lòng trung hiếu
Ai há liệu nơi thịnh suy”
(Tự thán, 30)
“Tôi ngươi thề một lòng trung hiếu
Mưa để nghìn đời tiếng hô han”
(Tự thán, 27)
“Quân thân chưa báo lòng canh cánh,
Tình phụ cơm trời, áo cha”
(ngôn chí, 7)
“Quân thân tại niệm chốn tâm đan”
(Hải khẩu dạ bạc hữu cảm, 1)
(Nghĩa quân thần luôn ghi tạc ở tấm lòng son)
(Đêm ở cửa bể, cảm tác, 1)
Và đây là những nỗi niềm của ông:
“Ở thế nhiều phen thấy khóc cười
Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi
Lòng người một sự yêm chưng một,
Đèn khách mười thu lạnh hết mười!
Phượng những tiếc cao diều hãy lượn
Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi!”
(Tự thuật, 9)


(Đối với hai câu cuối, có người giải nghĩa: ở trong lòng địch, nơi cao không thấy “phượng hoàng” mà chỉ thấy “diều hâu” lượn (!), bọn tham quan như loài cỏ xấu, cứ mọc lên xanh tươi (!). Theo chúng ta thì hiểu như thế là sai. Hai câu đó là sự “than thở” xa xôi về cái nghịch cảnh mà Ức Trai đang “vướng” vào. Ông ví mình như hoa héo, phượng hoàng sa cơ chỉ lượn được như cánh diều)
“Lòng thế bạc đen dầu nợ biến
Ta thì nhân nghĩa chớ loàn đan”
(Trần tình, 3)
“Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc
Cho hay đường lợi cực quanh co”
(Ngôn chí, 19)
“Thấy biển triều quan đã ngại vượt
Trong dòng phẳng có phong ba”
(Bảo Kính cảnh giới, 41)
“Biển học, trường văn hàng nhật bới
Đường danh, lối lợi hiểu khôn lầm”
(Bảo kính cảnh giới, 23)
“Gia sơn thục bất hoài tang tử
Trung hiếu hà tàng hữu cố câm?”
(Đề Hà Hiệu úy “Bạch vân tư thân”)
(Tình quê hương: ai mà chẳng nhớ cây dâu, cây thị
Lòng trung hiếu: nào từng có phân biệt xưa nay)
(Đề tập thơ “Bạch Vân tư thân” của quan Hiệu ứng họ Hà)
“Ký thác mộng hồn, tâm cố lý
Không tương huyết lệ tẩy tiên oanh”
(Quy Côn Sơn chu trung tác)
(Bao lần trong chiêm bao, tìm về làng cũ
Luống đem nước mắt lẫn máu rửa mồ tổ tiên)
(Trong thuyền về Trung Sơn cảm tác)
“Mả mồ nghìn dặm khôn thăm viếng
Thân cựu mười năm thảy rụng rời”
(Thanh Minh)
“Còn một lòng âu lo việc nước
Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung”
(Trích trong “Quốc âm thi tập”)
“Người sao còn chửa đi về
Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc
Muôn chung nghìn đỉnh có làm gì
Nước là cơm rau miễn tri túc…”
(Trích trong một bài thơ chữ Hán, Đào Duy Anh dịch)
“Biển lùa gió bấc, thổi băng băng
Nhẹ kéo buồm thơ vịnh Bạch Đằng
Ngọc chặt kình băm non lởm chởm
Dáo chìm gươm gãy bãi dăng dăng
Quan hà hiểm trở trời kia dựng
Hào kiệt công danh đất ấy từng
Việc cũ ngoảnh đầu ôi, đã dứt!
Dòng trôi tìm bóng dạ bâng khuâng”
(“Cửa biển Bạch Đằng”, dịch từ chữ Hán)
“Niềm cũ sinh linh đeo ắt nặng
Cật trưng hồ hải đạt chưa an
Những vì Chúa thánh âu đời trị
Há kẻ thân nhàn tiếc tuổi tàn
Thừa chỉ ai rằng thời khó ngạt
Túi thơ chứa hết mọi giang san”
(Tự thán, 2)
“Lão khứ cuồng ngôn hữu quái ngã
Lân ký ngã diệc Thượng thừa hiền”
(Tống tăng Đạo Khiêm qui sơn)
(Lúc già hay nói ngông, đừng ngạc nhiên nhé
Tới chỗ rẽ, ta cùng đi tu thiền của phái Thượng Thừa)
(Tiễn sự Đạo Khiêm về núi)
“Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu
Dưới công danh đeo khổ nhục
Trong dầu dãi có phong lưu”
(Trích trong “Quốc âm thi tập”)

Dù có thể là đã chán ghét cảnh quan trường, chướng tai gai mắt trước thế sự dở ương, trắc trở bởi những mưu mô ti tiện, lập bè kéo cánh, nhưng nhân cách một nhà nho đã ràng buộc Ức Trai ở lại, thực hiện bổn phận để giữ đạo vua tôi, tỏ trọn lòng trung nghĩa. Tuy nhiên, trong chốn sâu thẳm nhất của tâm hồn Ức Trai, vẫn canh cánh một ao ước được trở về với thiên nhiên, xứ sở, sống cảnh “thanh bần cực lạc” cùng thiên nhiên. Mãi đến khi về già, khi được coi là đã tròn bổn phận, ông mới lui được về Côn Sơn. Niềm ao ước tưởng rồi cũng toại nguyện trong những năm tháng cuối đời, ai ngờ là dang dang dở dở để rồi đột ngột chấm dứt trong bi phẫn tột cùng…
Đây là tình tự của Ức Trai về phong cảnh thiên nhiên và nỗi ao ước được hòa vào cảnh sắc thiên nhiên ấy:
“Côn Sơn có khe
Tiếng nước chảy rì rầm
Ta lấy làm đàn cầm
Côn Sơn có đá
Mưa xối rên xanh đậm
Ta lấy làm chiếc thảm
Trong núi có thông
Muôn dặm rờn rờn biếc một vùng
Ta tha hồ nghỉ ngơi ở trong
Trong rừng có trúc
Nghìn mẫu in biếc lụa
Ta tha hồ ngâm nga bên gốc…”
(Trích “Côn Sơn ca”, Đào Duy Anh dịch từ chữ Hán)
“Quét trúc bước qua lòng suối
Thưởng mai về đạp bóng trăng”
(Ngôn chí, 15)
“Núi láng giềng, chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam”
(Thuật hứng, 19)
“Rủ viên hạc, xin phương giải tục
Quyến mai trúc, kết bạn tri âm”
(Tự thuật, 8)

Trong “Quốc âm thi tập” còn rất nhiều câu thơ trữ tình, nghe sâu lắng nhưng xốn xang lòng người, chẳng hạn:
                              “Đêm thanh nguyệt hiện ngoài hiên trúc
                              Ngày vắng chim kêu cuối khóm hoa”
                              “Trì, tham nguyệt hiện, chăng buông cá
                              Rừng, tiếc chim về, ngại phát cây”
                              “Án sách cây đèn, hai bạn cũ
                              Song mai hiên trúc, một lòng thanh”
                              “Tà dương bóng ngả áp giang lâu
                              Thế giới đông nên ngọc một bầu
                              Tuyết sóc leo cây điểm phấn
                              Cỏi đông dải nguyệt in câu!
                              Khói chìm thủy quốc quyến phẳng
                              Nhạn triện hư không gió thâu
                              Thuyền mọn còn chèo chăng khừng đỡ
                              Trời ban tối biết về đâu?”
                              “Nước biếc, non xanh, thuyền gối bãi
                              Đêm thanh, nguyệt bạc, khách lên lầu”
Nhưng than ôi, Ức Trai! Đã về tu tiên rồi mà sao lòng vẫn chưa dứt được nợ trần; sao cứ phải:
“Tự văn chưa mất lòng còn đoái
Định mệnh thôi đành chết cũng cam”?
Hơn ba thế kỷ sau, đại thi hào Nguyễn Du có viết trong “Đoạn trường tân thanh” (Truyện Thúy Kiều) như một đúc kết về thân phận con người cõi trần thế:
“Ngẫm hay muôn sự tại Trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao
Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài, chữ mệnh, dồi dào cả hai
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa…”
***

Tư Tề là con trưởng của Lê Lợi, đã từng lăn lộn từ những ngày đầu kháng chiến, giữ chức Tư đồ, rồi được thăng Hữu tướng quốc. Đến năm Kỷ Dậu (1429), Tư Tề được Lê Lợi cử làm Quốc vương, tạm coi việc nước (trùng với năm Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo bị bức tử, Nguyễn Trãi bị hạ ngục; không biết có điều gì uẩn khuất ở đây không?!). Rồi nghe đâu Tư Tề mắc chứng cuồng. giết bừa các tỳ thiếp (kể cũng thật lạ!). Thái Tổ không ưa, bèn phế bỏ, lập Nguyên Long, người con thứ hai lên ngôi Thế tử.
Lê Nguyên Long lên ngôi vua ngày 8 tháng 9 năm Quí Sửu (1433), gọi là Thái Tông, lấy niên hiệu là Thiệu Bình. Khi lên ngôi, Thái Tông mới 11 tuổi, quyền hành nằm trong tay nhiếp chính Đại Tư đồ Lê Sát và phụ tá nhiếp chính, Đô đốc Lê Vấn. cả hai đều là nhạc phụ của nhà vua.
Lê Sát xin phục chức cho bọn Lê Quốc Khí, Trịnh Hoành Bá, Lê Đức Dư…, nhưng tuân theo di huấn của Thái Tổ, vua Thái Tông không nghe. Đến năm 15 tuổi, nhà vua đã xét đoán rành rẽ mọi việc mà Lê Sát vẫn khư khư quyền nhiếp chính, tiếm quyền. Thái Tông bất bình kết tội Sát, bãi hết chức tước, cho tự tử ở nhà, điền sản bị sung công. Những kẻ thuộc bè đảng của Lê Sát cũng đều bị bãi chức, đồng thời phục chức quan cho Bùi Ư Đái, Bùi Cầm Hổ… Hành động đó chứng tỏ nhà vua tuy còn ít tuổi nhưng đã biết quyết đoán. Về nhân cách của Lê Thái Tông, sử cũ nhất loạt nhận xét: “Vua tư chất sáng suốt tinh khôn; khi cầm quyền chính: trong ngăn ngừa kẻ cường thần, ngoài dẹp yên các man động; trọng đạo; chuộng Nho, đặt khoa thi, chọn kẻ sĩ, chế lễ nhạc, rõ chính hình; văn vật rực rỡ đủ cả, đáng khen là vua hiền”. Điều này có khơi gợi lại hy vọng về một triều đình có tôi sáng vua hiền trong lòng Nguyễn Trãi không?
Tuy nhiên trong triều đình không còn đám Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bảng… thì lại xuất hiện đám Lê Cảnh Xước, Nguyễn Thúc Huệ, Lương Đăng… và nạn bè phái, tìm cách triệt hạ nhau trong hậu cung, lăm le quanh ngai vàng, trong dòng tộc, thân bằng quyến thuộc của nhà vua thì chưa bao giờ chấm dứt.
Sau khi Thái Tổ băng hà, Nguyễn Trãi vẫn tiếp tục làm quan dưới triều Thái Tông cho đến năm 1438, khi nhà vua đã đủ lớn và tự quyết rành rẽ mọi việc triều chính, thì mới cáo lui về Côn Sơn (Hải Dương) an trí. Có nhiều khả năng trong khoảng thời gian từ năm 1433 đến năm 1434, Nguyễn Trãi đã gặp Nguyễn Thị Lộ và nhận về làm thiếp.
Tương truyền, một chiều xâm xẩm tối, tan chầu về, Ức Trai bắt gặp một người con gái bán chiếu, nhan sắc tuyệt trần. Tức cảnh sinh tình, ông hỏi bỡn bằng 4 câu thơ:
“Ả ở đâu đi bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân thu chừng độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa, được mấy con?”
Hỏi vui thế, không ngờ cô gái bán chiếu ứng khẩu, đáp luôn cũng bằng 4 câu thơ không kém phần láu lỉnh:
“Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu mới độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, nói chi con!”
Lời đáp ấy đã là một tiếng sét ái tình đánh trúng ông quan luống tuổi, đang “nhàn nhã” đồng thời là nhà thi hào đa tình. Ức Trai đã đem lòng mê mẩn người con gái sắc sảo “mới độ trăng tròn lẻ” ấy. Còn người con gái ấy có bị tiếng sét ái tình đánh trúng không? Chúng ta đoán là không! Nhưng trước một Ức Trai lừng lẫy công danh như thế, chắc là nàng phải động lòng. Và chắc trong lòng nàng cũng trỗi dậy một ước vọng về tương lai… Lịch sử lu mờ đã không cho chúng ta biết được nhiều điều. Dù sao đi nữa thì họ đã nên vợ nên chồng.
Người con gái ấy chính là Nguyễn Thị Lộ. Thị Lộ vốn là con nhà gia giáo, có học, ở làng Hải Triều tức làng Hới, một làng có tiếng làm chiếu (nay thuộc xã Phạm Lễ, huyện Quỳnh Thụ, Thái Bình). Trước Thị Lộ, Ức Trai đã có 3 bà vợ, đều có con với ba bà ấy. Thị Lộ không có con, sau này được Ngô Thị Ngọc Dao giới thiệu cho cô cháu là Ngô Chi Lan làm con nuôi. Ngô Chi Lan đổi tên là Nguyễn Hà Huệ về sau lấy Phú Thúc Hoành, một người học giỏi, từng làm Bác sĩ giảng kinh sử ở Quốc Tử Giám thời Lê Thánh Tông. Bản thân Ngô Chi Lan lúc đó làm Lễ Nghi học sĩ (giống Thị Lộ đã từng giữ thời Thái Tông), đồng thời là nữ thi sĩ có tài.
Vua Lê Thái Tông thấy Thị Lộ xinh đẹp lại có văn tài, nên có lòng yêu mến, bèn phong làm Lễ Nghi học sĩ, được phép tự do ra vào cung và (có sách nói) ngày đêm hầu bên cạnh. Sự yêu mến của nhà vua đối với Thị Lộ đến mức độ nào, đã chung chăn gối chưa? Sử cũ, không nói rõ nhưng phần đông các sử gia đều ám chỉ rằng có. Nhưng dù có hay không thì cũng không nên kết tội Thị Lộ giết vua với những lời lẽ nặng nề cay độc quá. Thị Lộ là một thiếu nữ tài hoa và nếu biết dùng nhan sắc của mình để được vua sủng ái mà tiến thân, vươn tới một địa vị nào đó trong xã hội thì cũng là chuyện thường tình. Thái Tông là một ông vua có thể là “đam mê tửu sắc”, nhưng với khối lượng công việc triều chính và điều hành đất nước mà sử đã ghi chép thì không phải là ông vua mất nhân cách, bê tha, sa đọa. Có thể nhìn thấy Thị Lộ qua tấm gương phản chiếu nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương được chăng?...
Theo nhà sử học Phan Huy Chú thì: “Khi ông (tức Nguyễn Trãi) lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh nàng (tức Thị Lộ), đều được dự nhuận sắc”. Có thể vì thấy thế mà vua bèn “thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ Nghi học sĩ” (Đại Việt sử ký toàn thư). (Người thường cũng thích chứ huống gì vua! Các “sếp” bây giờ chúa là thích nữ thư ký xinh đẹp. Tuy nhiên không phải cứ như thế là họ hư hỏng!).
 
Đầu năm Đinh Tỵ (1437), nhà vua giao cho Nguyễn Trãi và hoạn quan Lương Đăng đốc xuất làm loan giá, thẩm định nhã nhạc. (Có thể Thị Lộ được phong chức Lễ Nghi học sĩ vào dịp này). Đến đây, một phần là do mâu thuẫn không hòa được với đám triều thần nịnh vua, xu thời, một phần đã có Thị Lộ cáng đáng được những công việc lễ nghi triều chính; một phần nữa là đã già và quá chán nản việc quan, Ức Trai xin từ quan về trí sĩ ở Côn Sơn (vườn Lệ Chi).
Thái Tông đồng ý cho về, nhưng lâu lâu, khi cần, vẫn cho vời Ức Trai trở lại kinh thành giúp việc triều đình trong những khoảng thời gian ngắn nhất định.
Có một sự kiện đáng chú ý: cuối năm 1440, Nguyễn Thị Anh, người vợ thứ tư của Thái Tông (Thái Tông có 5 người vợ chính thức) sinh ra Bang Cơ (sau này là Lê Nhân Tông). Ngay tháng sau, Thái Tông tước ngôi Đông Cung thái tử của Nghi Dân (con người vợ thứ 3) để lập Bang Cơ làm Thái tử. Cũng trong năm đó, người vợ thứ 5 của Thái Tông là Ngô Thị Ngọc Dao có mang. Thị Anh sợ Ngọc Dao sinh quí tử dẫn đến Bang Cơ mất ngôi Thái tử, nên tìm cách vu khống, xin vua khép vào tội voi dày. Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ thấy oan uổng (sử cũ cho rằng cả Ức Trai tham gia trực tiếp vào vụ này, nhưng chắc là không phải thế!) đã xin Thái Tông để cứu Ngọc Dao. Chắc là nể Thị Lộ, vua đổi hình phạt, cho Ngọc Dao an trí (thực chất là giam lỏng) ở chùa Huy Văn (gần Văn Miếu). Sợ chưa yên, Thị Lộ sai người đưa Ngọc Dao vào An Bang (Quảng yên). Về sau, Ngọc Dao sinh ra Tư Thành (sau này là vua Lê Thánh Tông)
Những việc đó đều đến tai Thị Anh. Từ đó mà sinh mối thù ghét của Thị Anh với Thị Lộ (và lây sang cả Nguyễn Trãi). Như vậy, Nguyễn Trãi đã vô tình không biết rằng mình là tâm điểm mối thâm thù của bè lũ Thị Anh và triều thần cùng phe cánh. Mầm tai họa đã kết tụ chờ ngày phát tác. Chỉ có điều chưa biết phát tác lúc nào và mức độ phát tác ra sao mà thôi.
Mối quan hệ gần gũi, mật thiết giữa ông vua còn quá trẻ và Lễ Nghi nữ học sĩ tài sắc đang ở độ tuổi sung mãn nhất không thể thoát được lời đàm tếu, gièm pha, vẽ vời thêm, thổi phồng lên của bọn người ghét ghen. Chắc chắn những đàm tếu, thị phi đó cũng đã đến tai Ức Trai trong những ngày hưu trí ở Côn Sơn. Trong bài thơ gửi Thị Lộ chúng ta thấy toát lên nỗi buồn xót xa và vừa thương vừa oán trách nàng nhẹ dạ, mê vui theo bả hư vinh:
“…
Ngày vắng chim bay khoảng trống, nỗi ta những ngóng tăm hơi
Đêm khuya trăng khuất tầng mây, nỗi nàng thấu chăng u uất?
Như tấm gương, như quả cân: chưa soi, chưa chỉnh
Như mặt trời, mặt trăng đương chiếu, đương lên
Lời thề khắc Nam Sơn, sừng sững Nam Sơn vẫn đó
Lời nguyền ghi Đông Hải, bao la Đông Hải còn đây.
Lòng ta đã không sờn,
Chí nàng đi chẳng đổi…”
Nhưng than ôi:
“Tình đời lắt léo,
Lòng gái không thường
Có kẻ tình ngoại giết chồng, nào sợ trời xanh lồng lộng.
Có người mê chơi bỏ nghĩa, chẳng hay vầng nhật sáng choang choang
Tưng bừng vườn Hán dạo chơi,
Hớn hở lầu Tần vui cuộc
Nỗi riêng do kế đoản, nên việc được việc mất sinh ra
Lại vì kẻ mưu sâu, để chuyện ta, chuyện mình xảy đến
Giữa trần ai, ai biết người quân tử
Trong đám ngọc, ai biết đá vũ phu?
Thân không chính lấy thân, khổ thay hờn duyên tủi phận
Nghĩa chẳng còn là nghĩa, chỉ toan oán trời, trách người
Chuyện ngày xưa đã đành,
Việc ngày nay đáng trách…”


Hình như đã có điềm báo và với bộ óc mẫn tiệp, từng trải của mình, Ức Trai đã linh cảm được điều bất thường.
Và đây là lời phân trần, biện bạch của Thị Lộ (ở chiều rất sâu, có thể cảm nhận được cái hơi thở hừng hực thanh xuân trong thân phận éo le của nàng):
“Chỉ xin chàng nên:
Lấy quân tử làm lòng
Lấy thánh hiền làm đạo
Vua Thuấn xưa hai vợ mà tình chăn chiếu vẫn đường hoàng
Đời Ngu có ông chồng mà nỗi buồng the không đắm đuối
Đọc kinh sử thông kim bác cổ
Lấy trung thứ sinh ra ta người
Mối tình muộn màng nào quên, núi tuy khuất mà lòng thiếp không khuất
Lời thề đinh ninh khó nhạt, sông dù vơi mà ý thiếp không vơi
Còn gì liệu đáng băn khoăn
Phải chăng tự mình chuốc lấy?
Chỉ riêng mong
Xe thư một mối
Văn giáo cùng đường
Dù kín mít như rồng ẩn vực sâu
Sẽ sáng lòa như đầu xuân nắng mới
Vốn nhân, vốn kính, ngoài là vua vua, tôi tôi
Càng mến càng thân, trong là chồng chồng vợ vợ.
Nền có chắc thì nước mới vững
Nhà có hòa thì việc mới thành
Nghe gà gáy để đọc Tề thi, thiếp mong học hiền phi lập đức
Nhìn móng lân giữ nếp công tư, thiếp xin theo thánh mẫu ban nhân
Cũng mong sáng chói nghìn đời
Để lại tiếng tăm muôn thưở…”


Ngày 27 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quan ở thành Chí Linh. Ngày 4 tháng 8, nhà vua cùng với Thị Lộ về đến Lệ Chi Viên (nơi ở của Ức Trai, tục gọi là Trại Vải ở làng Đại Lại, huyện Gia Bình, tỉnh bắc Dinh, nay là huyện Gia Lương, Hà Bắc), “thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà, các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến Kinh Sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Đó là cái chết đột ngột, bất đắc kỳ tử. Nguyên nhân của nó cho đến tận ngày nay vẫn là bí ẩn lịch sử. Dù có nhiều lý giải, nhận định về cái chết của Thái Tông như do thượng mã phong, sốt rét, cảm, đột quị, đầu độc… nhưng đều chưa xác thực. Dù sao thì một điều hiển nhiên là không ai mong muốn cái chết đó cả và nếu có thì không ai ngoài Nguyễn Thị Anh. Do đó cũng không thể loại trừ khả năng chính Thị Anh đã âm mưu đầu độc giết vua và cái chết của Thị Lộ cũng như của Ức Trai là kết quả của sự trả thù hèn hạ mà đồng thời cũng là kết quả của hành động bịt đầu mối, tiêu trừ nhân chứng, hậu họa.
Ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), các đại thần nhận di mệnh là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thu, Lê Liệt, Lê Bôi tôn Hoàng tử Bang Cơ lên nối ngôi, lấy tên hiệu là Nhân Tông, đổi niên hiệu là Thái hòa. Lúc đó, vì Bang Cơ mới 2 tuổi nên mẹ là Thái hậu Nguyễn Thị Anh được buông rèm nhiếp chính, tạm coi việc nước thay con (thời gian gọi là tạm đó kéo dài đến hơn 10 năm!)
Đến đây, mầm tai họa đã đủ mọi điều kiện thuận lợi để phát tác ở tầm mức tàn độc nhất của nó. Nguyễn Thị Lộ bị qui tội giết vua. Lúc đầu, nàng một mực kêu oan, nhưng do bị tra tấn với nhiều cực hình dã man, không chịu nổi, đã nhận Ức Trai là chủ mưu (theo lời hỏi ép của đám hình quan!). Và thế là quan Hành khiển Nguyễn Trãi - Ức Trai bị khép vào tội ấy và bị xử tru di tam tộc (tất cả con và cháu trai bị giết, vợ và con gái, cháu gái bị sung tỳ thiếp). Đó là ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, tức ngày 19-9-1442. Ba ngày sau, cuộc hành quyết thảm khốc xảy ra. Hai viên hoạn quan là Đinh Phúc, Đinh Thắng, lỡ miệng than oan cho quan Hành Khiển, cũng bị đem chém đầu.
Trước khi bị hành hình, Ức Trai có nói: “Hối không nghe lời của hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng”. Hai ông này đã nói gì? Đó vĩnh viễn là một bí ẩn. Nhưng chính Ức Trai chứ không ai khác là người đã thấy được cái nguyên nhân sâu xa nhất về cái chết của mình. Ông đã trối lại cho hậu thế lời nhắn gửi thật bi phẫn:


“Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên”
(Họa phúc có nguồn, phải đâu một buổi
Anh hùng để hận hàng mấy ngàn năm)
Gieo gì gặt nấy, ác giả thì ác báo. Mùa đông năm Kỷ Mão (1459), Lạng Sơn Vương Nghi Dân (là anh vua Nhân Tông, người bị Thái Tông tước ngôi Đông cung Thái tử) đang đêm bắc thang vào tận cung cấm giết vua và Tuyên từ Hoàng thái hậu (Nguyễn Thị Anh) rồi tự lên làm vua. Nhưng chỉ 8 tháng sau lại bị các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa lật đổ, tôn người con thứ tư (và cũng là út) của Thái Tông tên là Tư Thành lên ngôi vua, với hiệu là Thánh Tông. Nghi Dân bị giáng xuống tước hầu.
Lê Thánh Tông là một ông vua sáng, hiền; có bản lĩnh. Người đương thời nhận xét: vua tựa trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay, mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào rời quyển sách; các sách kinh sử, lịch toán, các việc thánh thần, cái gì cũng tinh thông; văn thơ thì hay hơn cả các quan văn học. Ông là vị vua rất có ý thức về trách nhiệm của mình đối với đất nước. Ông từng viết:
                              “Lòng vì thiên hạ những sơ âu
                              Thay việc trời dám trễ đâu
                              Trống dời canh còn sách
                              Chiêng xế bóng chưa thôi chầu”
Ông cũng từng nói: “Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Thái Tổ, làm mồi cho giặc thì người đó sẽ bị trừng trị nặng”.
Nhờ đó mà dưới thời trị vì của Thánh Tông, quốc gia Đại Việt đã đạt được sự phát triển rực rỡ về mọi mặt.
Chính vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi sau 20 năm bị hại, truy phong ông là Thái sư Tuệ Quốc Công, ra lệnh sưu tầm thơ văn của Ức Trai (hơn 100 bài thơ được tìm thấy trong thời gian này); cấp cho con cháu còn sống sót của Nguyễn Trãi 100 mẫu ruộng để dùng vào việc thờ cúng vị đại khai quốc công thần. Trong khúc “Quỳnh uyển ca”, nhà vua viết:
                          “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”
                              (Lòng Ức Trai cao sáng như sao khuê)
Có một tình tiết thế này:
Người vợ cả của Nguyễn Trãi là Trần Thị Thành. Bà sinh được ba con trai. Người đầu tiên là Nguyễn Khuê, cùng bị giết theo cha. Người thứ hai là Nguyễn Ứng, cùng hai con trai chạy thoát lên vùng Đoan Hùng (Vĩnh Phú), rồi lên Lai Châu, đổi qua họ Ngạc, đến nay chưa rõ tung tích. Người thứ ba là Nguyễn Phú, chạy thoát lên Thái Nguyên, rồi lên phía Cao Bằng, dựa vào dòng họ Bế Khắc Triệu, dân tộc Tày, sau yên ổn mới trở về Gia Miêu ngoại trang ở Trung Sơn (Thanh Hóa). Nguyễn Công Duẩn có con trai là Nguyễn Đức Trung làm quan, giữ chức Điện Tiền Chỉ Huy sứ thời Lê Thánh Tông. Con gái Nguyễn Đức Trung là Nguyễn Thị Hằng về sau làm vợ Lê Thánh Tông, trở thành Trường Lạc Hoàng Hậu. Người vợ thứ hai của Ức Trai họ Phùng (không rõ tên) sinh được hai trai là Bản và Tích, hai gái là Trà và Lương. Cho đến nay cũng không rõ thân phận họ như thế nào, có bị giết trong vụ án Lệ Chi Viên hay không? Người vợ thứ ba là Phạm Thị Mận, thoát được, trốn nhiều nơi, sang cả Lào, sau khi tình hình lắng ổn thì về Gia Miêu ngoại. Trong khi chạy trốn, bà đang có mang, sau sinh ra Phạm Anh Vũ, được Lê Thánh Tông cho làm quan. Anh Vũ đi sứ Trung Quốc, lúc về bị đắm thuyền, chết. Vua truy tặng tước Thái sư Sùng Quốc Công.
Chắc rằng Ức Trai cũng đã thỏa nhẹ nỗi lòng mà thanh thản ngậm cười nơi chín suối!
Ông sẽ vui hơn nữa khi biết rằng hậu thế vẫn tôn vinh ông là một đại anh hùng của Dân tộc Việt.
(Hết Chương XXV)
------------------------------------------------------------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét