Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

TT&HĐIII - 26/i

                                      Cuộc đời anh hùng của hoàng đế Napoleon Bonaparte

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG V: XUÂN LỬA ĐỐNG ĐA

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quí báu của ta. Từ xưa đên nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn; nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.”
(Hồ Chí Minh)
"Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!"
(Trích bài thơ "Đất nước" - Nguyễn Đình Thi)

"Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ"

(Trích bài thơ "Đất nước" - Nguyễn Khoa Điềm


 

 

 (Tiếp theo)

                                                                                ***

Nhắc đến nghệ thuật quân sự thế giới, chúng ta lại nhớ đến câu chuyện về “Napôlêông - Bônapác” (NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 1982) mà xưa kia Ê. Táclê đã “kể đi kể lại” cho chúng ta “nghe” biết bao nhiêu lần, và mỗi lần nghe kể vẫn lấy làm thích thú. Bây giờ, chúng ta còn thuộc nhiều đoạn, có thể đọc vanh vách được (nói phét đấy!).
Napôlêông là thiên tài quân sự của thế giới, ông người Pháp (đảo Cooc), cùng thời nhưng sinh sau Quang Trung một thời gian. Theo F.Angghen, Napôlêông đã vượt xa vô cùng các vị tiền bối của ông và các tướng lĩnh cận đại đã học cách dùng binh của ông, đã cố gắng bắt chước ông trong một nghệ thuật khó như vậy: “… công lao bất diệt của Napôlêông chủ yếu là ở chỗ đã tìm ra được cách sử dụng - duy nhất đúng đắn về chiến thuật và về chiến lược - những khối quần chúng vũ trang. Chiến lược và chiến thuật ấy đã được Napôlêông làm cho hoàn thiện đến mức mà các tướng lĩnh đương thời không một ai có thể vượt nổi ông và họ chỉ có thể cố gắng bắt chước ông trong các cuộc hành binh rực rỡ nhất và may mắn nhất của họ mà thôi”
Ăngghen nhìn thấy ở Napôlêông một người chỉ huy vĩ đại, ngay cả trong những chiến dịch mà ông bị thất bại. “Trong số những cuộc hành binh phòng ngự và những trận tiến công trực tiếp tiến hành trong những chiến dịch hoàn toàn nhằm mục đích phòng ngự, phải kể đến hai bài học đặc sắc nhất trong hai chiến dịch kỳ lạ nhất của Napôlêông: chiến dịch năm 1814, kết thúc bằng việc Napôlêông bị đày ra đảo Enbơ; chiến dịch năm 1815, chấm dứt bằng trận thất bại Oatéclô và Pari đầu hàng. Trong quá trình hai chiến dịch đó, với những hành động nhằm mục đích hoàn toàn phòng ngự, viên tướng tổng chỉ huy ấy đã tiến công kẻ địch trên khắp các vị trí mỗi khi gặp thời cơ thuận lợi; tuy lực lượng luôn luôn ít hơn kẻ địch một cách rõ rệt nhưng mỗi lần xuất hiện, Napôlêông đã biết cách làm cho mình mạnh hơn kẻ địch và thường thường hễ ông đã tiến công là thắng lợi”. Cũng theo Ăngghen thì sự thất bại của Napôlêông ở hai chiến dịch đó là do những nguyên nhân “hoàn toàn độc lập” với kế hoạch tác chiến, với phương pháp thực hiện các kế hoạch đó, nhất là vì quân số các lực lượng vũ trang của Châu Âu liên minh quá vượt trội hơn và vì “sự không thể chống lại được cuộc tiến công của cả thế giới vũ trang đánh vào một quốc gia đã bị kiệt quệ bởi những cuộc chiến tranh liên miên trong suốt một phần tư thế kỷ”
Cũng lời Ăngghen: Trận Auxteclit được coi là một trong những chiến thắng lớn nhất của Napôlêông và là bằng chứng không thể bác bỏ được về thiên tài quân sự có một không hai của Napôlêông”; bởi vì nếu như những sai lầm của quân Liên minh đã rõ ràng là nguyên nhân chủ yếu làm họ thất bại thì “con mắt phát hiện ra được lầm lẫn đó, lòng kiên nhẫn chờ đợi cho lầm lẫn đó chín muồi để quyết tâm giáng đòn quyết định, sự mau lẹ cực kỳ chớp nhoáng để đánh tan kẻ địch, tất cả những cái đó của Napôlêông đáng cho ta phải hoàn toàn khâm phục và không đủ lời khen ngợi. Trận Auxtéclit là một sự kỳ diệu về chiến lược mà người ta sẽ không bao giờ quên được chừng nào còn chiến tranh”. Chính bản thân Napôlêông cũng coi trận Auxtéclit là trận thắng lớn nhất trong số những trận thắng rực rỡ nhất của toàn bộ quá trình "đánh nhau" lẫy lừng mà đời ông đã trải qua. Sục sạo trên mạng Internet, chúng ta thấy bài này:

"Trận Auxteclit, thiên anh hùng ca Napoleon 
 

  1. Trận Austerlitz còn được gọi là Trận Ba Hoàng đế hay Trận Tam Vương là một trong những chiến thắng lớn nhất về mặt quân sự của Napoléon. Hoàng đế Napoléon với đạo quân 73.000 người đã đánh bẹp hai đạo quân Áo và Nga dưới quyền của Hoàng đế Áo Franz II và Nga hoàng Alexander I của Nga (tổng cộng gần 90.000 người) vào ngày 2 tháng 12 năm 1805 gần thành phố Austerlitz, ngày nay là thành phố Slavkov u Brna của Cộng hoà Séc
    Mặc dù Vương quốc Anh và Đế quốc Pháp đã ký Hòa ước Amiens ngày 25.3.1802, kết thúc chiến tranh giữa Pháp và Liên minh thứ hai, nhưng nền hòa bình không được vững chắc. Tháng 5 năm 1803, Anh bắt giữ 1.200 tàu buôn của Pháp và Hà Lan trên các hải cảng Anh. Ít ngày sau, Pháp trả đũa, bắt mọi người Anh trên đất Pháp rồi theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch, phong tỏa thị trường tiêu thụ của nền kỹ nghệ Anh, đồng thời ngăn cản các hàng nhập cảng cần thiết của Anh, nhất là sản phẩm nông nghiệp mà Anh không thể tự túc được. Cuộc xung đột trở nên không thể tránh được, khi quân Anh không chịu di tản khỏi đảo Malta và Napoléon gửi quân đi để dập tắt cuộc cách mạng Haiti.

    Ngày 23.5.1803, Vương quốc Anh chính thức tuyên chiến với Đế quốc Pháp. Thủ tướng Anh thời đó là William Pitt tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm lập Liên minh thứ ba. Ngày 11.4.1805, Vương quốc Anh và Nga ký hiệp ước liên minh. Anh tài trợ mỗi năm 1,25 triệu bảng Anh cho 100.000 quân Nga. Anh cũng tìm cách lôi kéo Áo và ngày 11.6.1805 Áo gia nhập Liên minh. Thụy Điển cũng theo Liên minh từ ngày 9.8.1805 và ngày 31.10.1805 Thụy Điển tuyên chiến với Pháp.

    Napoléon đã đánh bại quân Áo tại Ulm vào tháng 10 và đã chiếm giữ Wien, thủ đô của Áo vào tháng 11, nhưng một phần của quân đội Áo vẫn còn nguyên vẹn và di chuyển lên hướng Bắc để hội quân với quân Nga tại Olomouc, Moravia. Napoleon nhắm tới một chiến thắng nhanh chóng trước khi quân Phổ có thể gia nhập liên minh chống Pháp và đe doạ đến ông. 
    Trích đoạn trong tác phẩm về Napoleon:

    "Ngày 15 tháng 10, thống chế Nây và Lan-nơ chiếm được các điểm cao xung quanh Un-mơ. Tình thế của Mắc trở lên tuyệt vọng. Na-pô-lê-ông cho người đến thương lượng đòi Mắc phải đầu hàng, bằng cách đe doạ sẽ không tha một ai nếu Na-pô-lê-ông buộc phải đánh vào. Ngày 20 tháng 10 năm 1805, Mắc giao vị trí Un-mơ cho Na-pô-lê-ông và bộ đội của Mắc còn nguyên vẹn đã đầu hàng với tất cả vũ khí và quân dụng, pháo binh và cả quân kỳ. Na-pô-lê-ông thả cho Mắc về, còn tù binh thì đưa về Pháp dùng vào việc khác nhau. ít lâu sau. Na-pô-lê-ông nhận được báo cáo là Muy-ra đã chặn đánh và bắt làm tù binh được hơn 8.000 người trong số những người đã may mắn rời bỏ Un-mơ trước khi đầu hàng.
    Sau cuộc thất bại kinh khủng và nhục nhã ở Un-mơ, cuộc chiến tranh của khối liên minh quân sự thứ ba thế là đã thất bại, nhưng trong các bộ tham mưu Áo và Nga chỉ có một vài người hiểu ngay được điều đó. Không nán lâu ở Un-mơ, Na-pô-lê-ông và các thống chế của ông tiến thẳng đến Viên, theo hữu ngạn sông Đa-nuýp. Trong lúc truy kích, quân Pháp còn bắt được thêm rất nhiều tù binh. Số tù binh bắt được trong các trận trước khi thành Un-mơ thất thủ lên tới 29.000 người. Cộng với số 32.000 bị bắt ở Un-mơ, số tổn thất của quân Áo lên tới 61.000 người, chưa kể số bị chết, bị thương nặng không sa vào tay địch và số mất tích.
    Trong bản thông báo những kết quả đầu tiên của chiến dịch này cho binh lính, Na-pô-lê-ông đã nói: "200 khẩu pháo cùng với tất cả các kho tàng đạn dược khí tài kỹ thuật, 90 lá cờ, toàn bộ tướng lĩnh của quân thù đã nằm trong tay chúng ta. Cả cái đội quân ấy không thoát nổi 15.000 tên".
    Quân Pháp tiến rất nhanh đến Viên. Nhưng ngày 11 tháng 11, bộ đội của Cu-tu-dốp cũng đột kích vào quân đoàn của Moóc-chi-ê gần Đu-ren-xtai, bên bờ tả ngạn sông Đa-nuýp và đã giáng cho Moóc-chi-ê một trận liểng xiểng. Ngày 13 tháng 11, có kỵ binh của Muy-ra đi trước dẫn đường và cận vệ hộ tống, Na-pô-lê-ông tiến vào Viên và chọn hoàng cung Sơn-brun làm bản doanh. Trước khi vội vã bỏ chạy khỏi thủ đô, hoàng đế Phran-xoa nước Áo đã gửi cho Na-pô-lê-ông đề nghị đình chiến, nhưng Na-pô-lê-ông không chấp nhận.
    Tất cả hy vọng của khối liên minh từ nay chỉ còn trông vào quân đội Nga và Nga hoàng, nhưng chính bản thân Nga hoàng thì lại đặt hy vọng của mình vào sự gia nhập liên minh của nước Phổ. Không bao lâu nữa, tất cả những hy vọng này sẽ tan như mây khói.

    Vào những ngày tháng 10 năm 1805, trong lúc Mắc đang bị hãm ở trong thành phố Un-mơ sắp sửa đầu hàng, rồi cuối cùng đã phải chịu đầu hàng thì A-lếch-xan đệ nhất đã có mặt ở Béc-lin và thúc giục Phri-đrích Vin-hem đệ tam, vua nước Phổ, tuyên chiến với Na-pô-lê-ông. Phri-đrích cũng ở trong tình trạng hoảng sợ và lưỡng lự như những vương hầu miền nam nước Đức. Ông ta sợ cả A-lếch-xan lẫn Na-pô-lê-ông. Trong những lời đe doạ xa xôi, A-lếch-xan cũng đã đi đến chỗ để lộ ra rằng quân đội Nga sẽ có thể dùng vũ lực để đi qua nước Phổ, nhưng khi vua Phổ chống lại với một thái độ kiên quyết bất ngờ và chuẩn bị đối phó lại thì A-lếch-xan lại đấu dịu. Vả lại, lúc ấy có tin rất hợp với ý đồ của A-lếch-xan là Na-pô-lê-ông đã ra lệnh cho thống chế Béc-na-đốt, trên đường sang Áo, đi qua biên trấn An-xpắc, một thuộc địa của Phổ ở miền nam, như vậy là đã vi phạm trắng trợn sự trung lập của nước Phổ; Phri-đrích, một mặt bị hành động độc tài của Na-pô-lê-ông xúc phạm, mặt khác không ngờ tới thắng lợi của đại quân Na-pô-lê-ông (lúc này, Un-mơ chưa bị thất thủ) nên bắt đầu muốn tham gia chiến tranh với khối liên minh thứ ba. Theo một mật ước cuối cùng được ký giữa Phri-đrích và A-lếch-xan, nước Phổ hứa sẽ gửi tối hậu thư cho Na-pô-lê-ông. Xung quanh việc này, một màn kịch hết sức lố lăng đã diễn ra: Phri-đrích Vin-hem, hoàng hậu Lu-i-dơ và A-lếch-xan tới lăng huyệt của Phri-đrích đệ nhị cùng nhau thề thốt tình hữu hảo đời đời.
    Cái vô nghĩa của màn kịch ấy, thuộc loại tình cảm mà thời đó người ta ưa thích, là ở chỗ trước đây nước Nga đã gây ra cũng với chính gã Phri-đrích đệ nhị đó một cuộc chiến tranh bảy năm trời. Trong bảy năm đó, lúc thì Phri-đrích thắng quân Nga, lúc thì quân Nga giáng cho Phri-đrích những trận thất bại đau đớn; quân Nga cũng đã chiếm được Béc-lin và gần như dồn Phri-đrích vào con đường tự sát. Sau tấn hài kịch lạ lùng ấy và sau khi đã nhiệt liệt bày tỏ mối tình hữu hảo đời đời giữa người Đức và người Nga, A-lếch-xan rời Béc-lin để đi thẳng đến chiến trường Áo.
    ở Anh và ở Áo, người ta mừng quýnh. Nếu toàn bộ quân đội Phổ vượt qua rặng "núi Kim Khí" và tham chiến thì Na-pô-lê-ông sẽ phải thua. Báo chí đều đã nói như vậy sau khi hứng thú thuật lại lời thề thốt mối tình hữu nghị Nga-Phổ trước linh cữu Phri-đrích đại đế.
    Dù thế nào chăng nữa, Na-pô-lê-ông cũng buộc phải kết thúc vấn đề trước khi nước Phổ nhảy vào khối liên minh. Ngay sau khi vừa hạ xong thành Viên, quân Pháp không mất một viên đạn đã chiếm được chiếc cầu lớn nối giữa Viên với tả ngạn sông Đa-nuýp, chiếc cầu độc nhất mà quân Áo không phá hoại. Việc chiếm được chiếc cầu này đã đẻ ra nhiều giai thoại, trong đó có một câu chuyện (không chính xác lắm và được tô điểm thêm) mà người Nga nào đã đọc phần hai cuốn chiến tranh và hoà bình đều biết rõ. Thực tế, sự việc đã xảy ra như sau: sau khi đã khôn khéo cho một tiểu đoàn cận vệ mai phục trong bụi rậm, Muy-ra, Lan-nơ, Béc-tơ-răng và đại tá công binh Đô-đơ công nhiên tiến về phía đầu cầu có chiến luỹ và quân áo phòng ngự, nhưng quân Áo đã nhận được lệnh hễ quân địch xuất hiện thì phải phá cầu; các tướng Pháp liền tuyên bố rằng hiệp định đình chiến vừa được ký kết; và thế là sau khi vượt qua cầu chẳng gặp khó khăn gì, họ cho gọi viên thiếu tướng, bá tước Au-ét-xpe đến và nhắc lại lời bịa đặt vừa rồi, và trước cả khi Au-ét-xpe có đủ thời gian trả lời, theo hiệu lệnh đã định sẵn, quân Pháp bất thần từ trong bụi xông ra, lao vào quân lính Áo và các khẩu pháo đã bố trí sẵn trên cầu. Chỉ trong nháy mặt, chiếc cầu đã bị chiếm. Tuy quân Áo cố chống cự lại nhưng bị đè bẹp ngay.
    Sau khi chiếm được cầu, Muy-ra mừng rỡ báo cáo sự việc kỳ quặc này cho Na-pô-lê-ông. Na-pô-lê-ông bèn lập tức ra lệnh cho bộ đội vượt qua cầu và xông thẳng vào quân Nga. Quân Nga lúc này phải trải qua nhiều phen điêu đứng. Na-pô-lê-ông vợt qua sông Đa-nuýp ở Viên cùng với đại bộ phận binh lực với ý định chặn đường rút lui của quân Nga đang hối hả rút về phía bắc. Cu-tu-dốp, tổng chỉ huy quân đội liên minh, đã thấy rõ muốn thoát chết chỉ còn cách rút ngay từ Cơ-rem về vị trí On-săng ở phía nam On-mút; lúc đầu Cu-tu-dốp có 45.000 quân và Na-pô-lê-ông có gần 100.000 quân. Đối với quân đội Nga, câu chuyện chiếm cầu Viên là một câu chuyện thật khó hiểu và người ta đã nói thẳng ra rằng đó là sự phản bội; người ta cho rằng quân Áo đã bí mật thông đồng với Na-pô-lê-ông, vì việc mất chiếc cầu đó thật là vô lý và không thể tin được. Và việc này đã giúp cho Na-pô-lê-ông làm chủ ngay được tả ngạn sông Đa-nuýp không bị chút tổn thất nào; đã đưa toàn bộ quân Nga đến chỗ thất bại không thể tránh được.
    Sau những trận đánh gay go của đội hậu vệ mà Cu-tu-dốp đã phải điều đến và cầm chắc sẽ bị hy sinh để yểm hộ cho chủ lực có đủ thời gian rút lui Cu-tu-dốp đã mất chừng 12.000 người trong số ngót 45.000 người, nhưng Cu-tu-dốp đã cùng với đội quân kiệt sức của mình tránh được sự đầu hàng nhục nhã và thoát khỏi sự truy kích sát gót của Na-pô-lê-ông, cuối cùng đã đa được tàn quân về đến On-mút, nơi A-lếch-xan và Phran-xoa đã có mặt ở đó.

    Từ sau cuộc vợt sông Đa-nuýp bất ngờ của Na-pô-lê-ông, Cu-tu-dốp sợ giao chiến, cho rằng cần phải tiếp tục cuộc rút lui, rút lui xa hơn nữa về phía đông và kéo dài chiến tranh để có đủ thời gian cho quân Phổ quyết định dứt khoát tham chiến chống quân Pháp. Nhưng Cu-tu-dốp vấp phải một trở lực rất lớn: hoàng đế A-lếch-xan muốn mở ngay một trận tổng công kích.



    Không hiểu gì về chiến tranh, nhưng lại không kém hám danh và còn tin rằng nhất định sẽ đánh thắng, tin rằng nước Phổ sẽ tham chiến ngay "sau cuộc thề thốt nổi tiếng trước linh cữu Phri-đrích", A-lếch-xan chỉ mơ tưởng đến tổng công kích. Sa hoàng nghĩ rằng sau khi mình đã điều động đến đây những đội quân tinh nhuệ như đội cận vệ và rồi điều những lực lượng mạnh mẽ ấy đi tránh đòn của đối phương trong cái đất miền núi khốn kiếp này hàng tháng ròng là lẩn trốn trước Na-pô-lê-ông, đó là một quyết định đáng xấu hổ và vô tích sự. Hoàng thân Phi-e Đôn-gô-ru-cốp, cận thần của Sa hoàng, người phụ tá trẻ tuổi được nhà vua mến chuộng chỉ vì hoàng thân cũng như hầu hết các sĩ quan của đội cận vệ đã thống nhất quan niệm với nhà vua. Cu-tu-dốp biết rằng Nga hoàng, Đôn-gô-ru-cốp và tất cả bè lũ đều hoàn toàn không hiểu gì về quân sự, cho dù một vài kẻ trong bọn chúng cũng có chút hiểu biết nào đó về những mặt khác. Nhưng Cu-tu-dốp tin chắc rằng quân đội Nga đang tiến tới một tai hoạ và thấy rằng phải nhanh chóng tránh những đòn của Na-pô-lê-ông phải đứng ngoài tầm tiến công của Na-pô-lê-ông, bằng cách tránh một cuộc giao chiến quyết định. Biết thế, nhưng Cu-tu-dốp cũng không còn có cách nào kiên quyết cưỡng lại sự nông nổi tai hại của Sa hoàng vì y là thủ lĩnh tuyệt đối.

    Cu-tu-dốp là nhà quân sự xứng đáng duy nhất trong hàng ngũ áo-Nga, là viên tướng thao lược độc nhất (trong số những người mà tiếng nói có phần nào được tin nghe) nên người ta cũng nghe Cu-tu-dốp đôi chút. Nhưng ở đây, Cu-tu-dốp đã vấp phải cái lực lượng mà Cu-tu-dốp không chống lại được, mặc dầu bản thân ông đã đoán được ngón đòn của Na-pô-lê-ông.

    Đang truy kích quân Nga, Na-pô-lê-ông dừng ngay lại khi thấy quân Nga không rút lui nữa và đóng bản doanh ở Bơ-run, không xa On-mút là mấy. Điều duy nhất làm cho Bô-na-pác thật sự lo sợ lúc ấy là thấy quân Nga lẩn tránh và kéo dài chiến tranh. Vì ở xa nước Pháp và biết rằng Hau-vít đang trên đường đi đến để gửi tối hậu thư của nước Phổ cho mình, Na-pô-lê-ông khao khát mở một trận tổng công kích càng sớm càng hay vì ông tin chắc rằng thắng lợi của trận tổng công kích có thể sẽ kết thúc gọn được ngay chiến tranh. Tài ngoại giao và đóng kịch của Na-pô-lê-ông lúc đó lại hiện ra một cách rất rực rỡ: ông ta đã phán đoán được tất cả những diễn biến ở bản doanh quân Nga và hành động phù hợp với ý định của A-lếch-xan đang chống lại những cố gắng yếu ớt cuối cùng của Cu-tu-dốp muốn cứu quân đội Nga bằng một cuộc rút lui vội vã. Na-pô-lê-ông chủ động giả đóng vai một người sợ hãi, nhu nhược và nhất là sợ phải giao chiến. Na-pô-lê-ông thấy cần phải gợi cho đối phương thấy đây là thời cơ có một không hai để dễ dàng đánh bại quân Pháp, nhằm khích động quân Nga tiến công ngay. Để thực hiện mưu ấy, thoạt tiên Na-pô-lê-ông ra lệnh cho các đơn vị tiền tiêu bắt đầu rút lui, rồi cử Xa-va-ri, tướng thân cận của mình, đến gặp A-lếch-xan đa đề nghị đình chiến và hoà bình, và cuối cùng Na-pô-lê-ông còn chỉ thị cho Xa-va-ri nhân danh Na-pô-lê-ông yêu cầu A-lếch-xan cho gặp riêng; trường hợp bị khước từ thì Xa-va-ri phải yêu cầu A-lếch-xan phái người tin cẩn đến gặp Na-pô-lê-ông để mở cuộc đàm phán. Về phía quân Nga, người ta vui mừng, đắc chí: Bô-na-pác đã hoảng sợ! Bô-na-pác đã kiệt sức, đã bị thua! Trước hết, đừng để Bô-na-pác chạy thoát.

    Tất cả những thủ đoạn đó của Na-pô-lê-ông chẳng giống tính tình của Na-pô-lê-ông chút nào, thật là xa lạ và nhục nhã đối với Na-pô-lê-ông, đến nỗi người ta tưởng rằng vị hoàng đế kiêu hãnh, người tướng bậc nhất của thế giới không bao giờ lại nghĩ và làm như vậy, trừ phi bị hoàn cảnh thật cấp thiết, khốn khó bắt buộc. Cu-tu-dốp và những mối lo âu của ông ta bị mất tín nhiệm và bị bác bỏ hoàn toàn. A-lếch-xan từ chối hội kiến với Na-pô-lê-ông và phái hoàng thân Đôn-gô-ru-cốp đến gặp Na-pô-lê-ông. Sau này, Na-pô-lê-ông còn lấy mãi câu chuyện của người tướng trẻ trong triều đó làm trò đùa, mà trong báo chí công khai Na-pô-lê-ông gọi là "anh phổi bò", Đôn-gô-ru-cốp nói với hoàng đế Pháp bằng một giọng kẻ cả và trịch thượng cứng rắn "như nói với một tên boay-a mà người ta định đem đi đày ở Xi-bê-ri", mỗi khi nhắc đến cuộc gặp gỡ ấy, Na-pô-lê-ông lại nói bằng giọng châm biếm như vậy. Trong khi say sưa đóng tiếp tấn hài kịch đó, Na-pô-lê-ông vẫn thủ vai một người bối rối, sợ sệt, nhưng đồng thời Na-pô-lê-ông cũng biết rằng không nên quá cường điệu vai trò ấy và trên đời này cái gì cũng có giới hạn ngay cả sự ngu xuẩn của anh hoàng thân Đôn-gô-ru-cốp. Na-pô-lê-ông đã chấm dứt cuộc hội kiến bằng cách tuyên bố không thể chấp nhận được những điều kiện do Đôn-gô-ru-cốp đa ra (Đôn-gô-ru-cốp yêu cầu Na-pô-lê-ông từ bỏ nước Ý và các nước khác đã bị chinh phục). Nhưng việc từ chối ấy cũng đã được diễn đạt dới hình thức làm cho người ta không những không giảm bớt mà còn tăng thêm ấn tượng cho rằng Na-pô-lê-ông do dự và sợ hãi.

    Sau báo cáo đầy khích lệ do Đôn-gô-ru-cốp nhận định theo ý chủ quan của y, phe liên minh không ngả nghiêng, do dự nữa; người ta liền hạ quyết tâm tiến công Na-pô-lê-ông hiện đang rút lui, suy yếu, bối rối và phải giải quyết cho xong với hắn.

    Ngày 1/12/1805, Napoleon đã sửa soạn xong. Đầu tiên, ông lên dây cót tinh thần cho binh sĩ. Như thường lệ, Napoleon ra 1 tuyên cáo, khơi dậy niềm kiêu hãnh của binh sĩ, phác họa cho họ những nét chính của trận đánh sắp tới. Một chiến binh sẽ chiến đấu tốt hơn khi anh ta biết điều gì đang chờ đón anh ta. Bất kỳ ai cũng cảm thấy mình được tôn trọng khi một vị thống soái nói với anh ta những điều như vậy. Tiếp theo, vị hoàng đế đi kiểm tra lần cuối toàn quân. Ông đến khắp nơi, khắp các đơn vị để có thể bảo đảm mọi việc trong tầm kiểm soát. 4h chiều, Napoleon đứng trên đỉnh núi Zuran quan sát dự di chuyển của quân địch qua ống nhòm. Những người Nga đã di chuyển đội quân của mình đúng như dự tính của Napoleon. "Ngày mai đội quân kia sẽ nàm dưới gót giày ta", vị hoàng đế tự nhủ.

    Ngày 2 tháng 12 năm 1805, một năm đúng sau khi Na-pô-lê-ông xưng đế, ở trên cao nguyên Prát-den phía tây làng Au-xtéc-líc, cách Viên về phía bắc 120 ki-lô-mét, một trận huyết chiến đã xảy ra, một trong những trận lớn nhất lịch sử về tầm quan trọng của nó và là một trong những trận phi thường nhất của thiên anh hùng ca Na-pô-lê-ông.
    Na-pô-lê-ông đích thân ra chỉ huy từ đầu đến cuối: hầu hết các thống chế của Na-pô-lê-ông đều có mặt đông đủ. Sự thất bại của quân Nga và quân áo đã được quyết định ngay từ những giờ đầu buổi sáng, nhưng nếu các tướng lĩnh Nga không mắc phải cạm bẫy của Na-pô-lê-ông thì quân Nga cũng chưa gặp phải một tai hoạ khủng khiếp như vậy: tính trước quân Nga và áo sẽ tìm cách đánh chặn đường đến Viên và đến Đa-nuýp để rồi bao vây hoặc đuổi mình lên phía bắc, dồn vào núi, nên Na-pô-lê-ông đã giả vờ để ngỏ, không phòng giữ mặt này và cố ý giấu kín sườn trái của mình. Khi quân Nga từ phía đó tiến lại, Na-pô-lê-ông đã đè bẹp được đối phương bằng những lực lượng tập trung lớn của mình đã chiếm lĩnh cao nguyên Prát-den từ trước và đánh dồn kẻ địch vào một dải hồ nửa đóng băng
     


    Bày binh bố trận của hai bên

    Bình minh ngày 2/12/1805, 1 màn sương mù dày đặc làm quân Pháp thoát khỏi tầm quan sát của quân địch., tất cả các thống chế và tướng tá xúm quanh Napoleon trên đỉnh núi Zuran, nhận những chỉ thị cuối cùng trước khi trở về đơn vị của mình.. Ở mạn Bắc, Lannơ và Murat kìm chân quẩn của Bagration. Nhiệm vụ của họ là bảo đảm cho Davu có thể tung ra những cú đánh mạnh vào quân Nga. Ở giữa, Soult đang nóng lòng được xuất trận, lập công. Nhưng Napoleon đã lệnh cho ông phải đợi một lúc mới được tung ra những cú đòn mãnh liệt lên cao nguyên Pratzen. Nhiệm vụ chiến thuật, mà Napoleon giao cho Soult, là phải chiếm được cao nguyên Pratzen khi quân Nga tiến về phía Nam và để trống vị trí này.


    Cơn bão màu xanh tiến về Plazen

    9 h sáng, khi mặt trời toả ánh hồng trên cao nguyên Pratzen, sương mù đã tan hết. Thiên anh hùng ca Napoleon cũng toả sáng. Napoleon chỉ thị cho Soult bắt đầu tiến công "Hãy kết thúc cuộc chiến này = 1 cú đòn sấm sét", 2 sư đoàn của Vandame và Saint- Hilaire thì được lệnh chiếm hai điểm cao của Pratzen. Cửa doanh trại bật mở, 1 làn sóng những bộ quân phục xanh tràn về hướng cao nguyên Pratzen. Tuy nhiên cuộc tấn công của quân Pháp không dễ dàng như các sử gia Pháp đã viết. Mặc dù bị bất ngờ trước cuộc tấn công của Soult, quân liên minh cũng nhanh chóng tổ chức phòng thủ, và quân Pháp nhanh chóng thấy trước mặt mình là sự chống cự càng lúc càng mãnh liệt. Khi những tiểu đoàn lính Pháp xuất hiện gần Pratzen, những viên chỉ huy của quân Liên minh sửng sốt, nhưng phản ứng của họ không hề bị hoảng loạn. Binh đoàn số 4 chỉ vừa tiến về phía Zlaty, khi quân Pháp xuất hiện bên sườn của họ. Tướng Kuturov lập tức ra lệnh cho họ sắp xếp lại đội hình và quay lại đối mặt với mối hiểm hoạ bất ngờ này, chiếm ngôi làng, cao nguyên Pratzen. Chẳng mấy chốc, tiếp viện của binh đoàn 2 cũng đã tới. Chi đội tiên phong của binh đoàn này đã chạm trán với quân Pháp ở gần Solkonice. Khi tướng Langeron nghe thấy tiếng súng nổ ở phía sau, ông hơi ngạc nhiên, liền vội quay lại xem có chuyện gì. Khi thấy quân địch đang ở phía sau, ông liền vội cho một lữ đoàn tiến ngược về hướng cao nguyên Pratzen, và ra lệnh cho tướng Kamenshi chiếm và bảo vệ đỉnh núi. Trận chiến dữ dội diễn ra ở đây trong vài tiếng đồng hồ.


    Soult, người giáng cho quân Nga cú quyết định 
    Quân hai bên đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê, và cả hai bên đều bị thiệt hại nặng. Người Nga phòng thủ với lòng dũng cảm vô song, khi những chiến binh Nga bị bắt làm tù binh, họ đã lao vào những người lính Pháp áp giải họ bằng tay không và cướp vũ khí. Điều này làm quân Pháp nổi giận, nên không bắt lính Nga làm tù binh mà giết tất cả. Đến gần trưa, lúc 11 h quân Pháp mới có thể chiếm được Pratzen, Napoleon lập tức di chuyển hành dinh của mình từ Zuran đến gần làng Oldvinegard, xem xét tình hình và đưa ra những chỉ thị mới cho sĩ quan phụ tá chuyển tới những điểm nóng của trận chiến. Chi viện cho Davu, điều Soult tiến về phía nam chặn đánh Bukhôven. Quân của Bernadot sẽ giữ cho Pratzen thay cho Soult.


    Tình hình 2 bên lúc 9 giờ - 10 giờ 30
  2. Sau khi chiếm được Pratzen, quân Pháp lập tức đánh tạt sườn quân Nga, đang tiến về Telnitz, nơi Davu đang khổ chiến. Lúc này quân của Davu đang phải chịu đòn tấn công mãnh liệt của quân chủ lực bên liên minh. Telnitz và Sokolnitz đổi chủ liên tục sau những trận giáp lá cà đẫm máu. Nhưng Davu gan dạ đã hoàn thành nhiệm vụ dù quân địch đông hơn gấp 3 lần. Napoleon tăng viện cho Davu 4 tiểu đoàn của Ouđinot. Quân chủ lực của liên minh bi vướng vào trận chiến gần Zlaty, giờ đây phải chịu hoả lực từ hai hướng, trước là của Davu, sau là 2 sư đoàn của Soult, lực lượng vừa tiến xuống từ đỉnh Praten.
    Ở hướng Bắc, Lannơ và Murat bị Bagration tấn công mạnh liệt. Nhưng kỵ binh Pháp đã làm nên kỳ tích và quân Nga bị đẩy lui, phải rút lui hỗn loạn gần hẻm núi Holubitz. 


    Davu, viên thống chế Sắt, người hùng của trận chiến này

    Nhưng trận chiến chưa phải đã đi đến hồi kết. Người Nga mở cuộc phản công vào buổi trưa. 10 trung đoàn bộ binh cận vệ, 6 liên đội kị binh cận vệ do Đại công tước Konstantin chỉ huy ào ạt tấn công chiếm lại Pratzen. Họ nghiền nát sư đoàn của vandame. Trong bộ quân phục trắng xanh, những chiến binh cận vệ trên những con chiến mã cao lớn của hai trung đoàn cận vệ Nga huyền thoại Preobraenski và sêmnovski như những hung thần từ trên trời rơi xuống, họ hủy diệt tất cả mọi vật cản đường, và nghiến nát đội hình bộ binh của quân Pháp. Quân Pháp bắt đầu hoảng loạn. Phòng tuyến sắp thủng, 1 chỉ huy trung đoàn bị bắt làm tù binh.


    Hoảng loạn

    Cướp cờ

    Napoleon liền tung lực lượng cận vệ, lực lượng dự phòng của mình vào trận. Ông ra lệnh cho Rapp và Bessier tổ chức cuộc phản công. Cuộc đối đầu giữa hai đội cận vệ hoàng gia hứa hẹn sẽ là một trận long tranh hổ đấu. Khinh binh của Morland và cận vệ dưới quyền Ordener chỉ huy đột kích ồ ạt, nhưng cuộc tấn công bị bẻ gãy, quân Pháp bị đẩy lùi, Morland bị giết. Dahlman, người chỉ huy thay cho Morland, tổ chức số quân còn lại thành 3 liên đội. Cùng lúc, Rapp cùng dẫn thêm 2 liên đội nữa, liên đội Mameluke và liên đội cận vệ hoàng gia tham gia. Họ vừa như 1 cơn lũ ào tới quân Nga, vừa hét vang " Chúng ta sẽ làm những cô em Sain Petersburs phải khóc than rơi lệ". Lần này , cuộc xung phong đã thành công, những kỵ sĩ Mameluke đã lập công. Sau khi chiếm lại được Pratzen, Rapp tập hợp những chiến binh của mình lại và mở một đợt đột kích nữa, giải quyết nốt những gì còn sót lại, chém giết quân Nga, buộc họ phải tháo chạy. Đại quân Grande Armee đã tạo được mũi nhón vào sườn kẻ địch, chọc thùng phòng tuyến của chúng. 


    Cuộc xung phong của những chiến binh Mameluke

    Bị thương đầy mình nhưng hân hoan Rapp giải đến bản doanh của Napoleon tù binh của mình, 1 đại tá cận vệ, hoàng tử Repnine. Napoleon nồng nhiệt ca ngợi lòng dũng cảm của Rapp, và khi hoàng đế bày tỏ sự lo ngại về vết thương của Rapp, Rapp trả lời từ tốn: " đó chỉ là 1 vết xước thưa điện hạ"


    Tù binh của Rapp
    1 giờ chiều, Napoleon chuyển sở chỉ huy đến nhà thờ Saint Anthony phía nam Pratzen. Lúc ấy, 1 tù nhân cao cấp, Baron de Wimffen, 1 người Pháp phục vụ trong hàng ngũ quân Nga, cũng được dẫn tới với bộ mặt thật thảm hại. Lúc này, Soult không còn phải lo lắng gì nữa, xua quân tiến về Telnitz, cùng với Davu khép kín vòng vây quân Buxhowden. Quân Nga cố gắng rút lui qua hồ Satchen đang đóng băng, nhưng những viên đạn pháo phá vỡ mặt băng. Quân Nga lớp chết đuối, lớp chết cóng, lớp đầu hàng. Mặt nước cũng nhấn chìm vô số đạn dược và pháo của quân Nga.
     


    Tình hình 2 bên từ 10 giờ 30 - 14 giờ

    Trận chiến kết thúc lúc 4 giờ, tàn quân Nga- Áo bỏ chạy về hướng đông. Nhưng màn đêm buông xuống đã giúp quân liên minh thoát khỏi cuộc truy kích của người Pháp. 


    Tình huống của 2 bên lúc 14 h - 16 h 30 ngày 2 tháng 12
    Ngày mùa đông ngắn ngủi ấy kết thúc. Mặt trời rực chiếu từ buổi sớm đã lặn và nhờ có bóng tối của hoàng hôn, A-lếch-xan và Phran-xơ đã thoát, không bị bắt. A-lếch-xan hoàn toàn mất tự chủ, run cầm cập như sắp lên cơn sốt và khóc lóc. Mấy ngày sau còn phải chạy trốn cực nhục, khốn đốn hơn nữa. Cu-tu-dốp bị thương, phải vất vả lắm mới thoát khỏi tay quân địch. Hai vị hoàng đế Phran-xoa và A-lếch-xan đã trốn thoát khỏi chiến trường trước khi cơn tai biến kết thúc. Bọn tuỳ tùng cũng chạy tán loạn và dọc đường đã bỏ rơi hai vị đế vương mà chẳng bao lâu nữa, hai vị cũng phải xa lìa nhau trên mình ngựa mỗi người mỗi ngả.

    Đêm đến thì mọi việc đã xong xuôi. Tất cả các sĩ quan tuỳ tùng, các thống chế, các tướng lĩnh của đội cận vệ, các sĩ quan hầu cận vây quanh Na-pô-lê-ông và binh lính từ tứ phía chạy vội về hướng hoàng đế, hoan hô nhiệt liệt chào mừng Na-pô-lê-ông ngồi trên mình ngựa, vượt qua cánh đồng rộng bát ngát và mỗi bước vó ngựa va phải biết bao nhiêu xác người và vật nằm rải rác khắp cánh đồng. Chừng 15.000 quân Áo và Nga bị giết, 20.000 bị bắt cầm tù, hầu hết pháo của đối phương bị tước và nhất là đội quân Nga-Áo đã bị tiêu diệt thật sự, số tàn quân bỏ chạy tán loạn đi tứ phía, bỏ lại rất nhiều kho tàng, tất cả quân dụng, vô số lương thực. Đó là những nét lớn về kết quả của cuộc chiến thắng đó. Quân Pháp bị thiệt mất ngót 9.000 người so với con số 80.000 bên liên minh.

    Hàng trung đoàn bị chết đuối hoặc bị đạn đại bác của quân Pháp tiêu diệt và một số khác thì đầu hàng. Đội kỵ binh cận vệ Nga hầu như bị tiêu diệt ngay từ lúc trận chiến đấu ở vào giai đoạn quyết liệt, sau một trận giao chiến ác liệt với đội kỵ binh cận vệ của Na-pô-lê-ông. Khâm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm của binh lính Nga, nhưng các tướng soái của Na-pô-lê-ông không khỏi không lấy làm ngạc nhiên về sự cực kỳ ngu muội của các cuộc hành binh, về sự dốt nát hoàn toàn về các vấn đề chiến tranh, về tinh thần thiếu bình tĩnh và sự bất tài của các tướng lĩnh người Nga, trừ Cu-tu-dốp. Đặc biệt họ lấy làm lạ rằng Búc-xô-ve-đen, chỉ huy cánh trái của quân Nga, trong tay có 29 tiểu đoàn và 22 liên đội, đáng lẽ chạy sang ứng cứu cho chủ lực đang bị khốn đốn thì lại dành hầu hết thời gian chiến đấu vào việc công kích một cứ điểm không quan trọng mà ở đó quân Pháp chỉ cần một lực lượng nhỏ không đáng kể cũng đủ phòng giữ được hàng giờ. Và cuối cùng, khi đã thấy được phải vừa đánh vừa rút lui thì Búc-xô-ve-đen lại tiến hành không khẩn trương và thiếu nghệ thuật, đến nỗi hàng nghìn binh lính thuộc quân đoàn của y bị đuổi dồn đến vùng hồ để rồi bị chết chìm ở đó, vì sau khi nắm được cuộc điều quân ấy của Búc-xô-ve-đen, Na-pô-lê-ông đã ra lệnh nã đại bác lên mặt nước đóng băng. Số sống sót đều bị bắt làm tù binh.

    Ngày hôm sau, trong tất cả các quân đoàn, người ta đọc bản nhật lệnh của Na-pô-lê-ông: "Hỡi các binh sĩ! Ta rất lấy làm hài lòng về các người, các người đã chứng minh lòng son dạ sắt của các người trong trận Au-xtéc-lít! Các người đã tô điểm cho lá quốc kỳ của các người bằng một vinh quang bất diệt! Một đội quân do các hoàng đế Nga và Áo chỉ huy đã bị tiêu diệt hoặc tan tác chưa đầy bốn tiếng đồng hồ. Những kẻ thoát được viên đạn của các người thì bị chìm dới đáy hồ..."



    Napoleon và hoàng đế nước Áo gặp nhau sau trận chiến 
    Hoàng đế Phran-xoa lập tức tuyên bố với A-lếch-xan chỉ có điên rồ mới tiếp tục chiến đấu. A-lếch-xan đồng ý ngay. Hoàng đế áo đề nghị Na-pô-lê-ông cho hội kiến và Na-pô-lê-ông đã tiếp Phran-xoa ở ngay nơi lộ doanh của mình, thuộc vùng lân cận Au-xtéc-lít. Na-pô-lê-ông nhã nhặn đón tiếp Phran-xoa nhưng trước hết ông đòi tàn quân Nga phải rút ngay ra khỏi nước Áo và tự mình quy định các chặng đường và tuyên bố là chỉ thương lượng hoà bình với nước Áo. Phran-xoa đồng ý tất cả.
    Cuộc liên minh quân sự thứ ba kết thúc."
Để giải quyết chiến trường thì mục tiêu cao nhất, cuối cùng là tiêu diệt lực lượng đối phương. Chính vì vậy mà Napôlêông từng nói: “Ở Châu Âu có nhiều tướng giỏi, nhưng họ nhìn một lúc nhiều cái quá. Còn tôi, tôi chỉ nhìn một cái, đó là những khối người, tôi cố tiêu diệt chúng …”. Cũng không ai có thể bắt chước được Napôlêông trong việc khuếch trương chiến quả, trong nghệ thuật dùng truy kích đề đánh tan đối phương. Nhà sử học quân sự Phổ, bá tước Yócphôn Máctenbua, nói rằng mệnh lệnh của Napôlêông gửi cho nguyên soái Sun ngày 3-12-1805 (hôm sau trận Auxtéclit) chứa đựng toàn bộ “thuật truy kích do bộ chỉ huy trình bày trong một số ít chữ”. Trong thời đó, không ai vượt được Napôlêông về nghệ thuật nắm và điều động những khối quân lớn trong giai đoạn chuẩn bị cũng như khi ở chiến trường và tài chỉ huy thay đổi đội hình tác chiến một cách đột ngột nhất. Dưới sự chỉ huy của Napôlêông, những đội quân đông đặc của ông đã tỏ ra, theo lời ông, mạnh hơn đối phương “vào lúc đã định và ở nơi đã định”
Napôlêông có tài làm cho những câu nói trở thành độc đáo, để xác định toàn bộ những đức tính cần thiết của một người tướng tài, Napôlêông nói rằng: “Bề cao và bề nằm phải bằng nhau” : ông hiểu “bề nằm” là phẩm chất con người, là lòng dũng cảm, tính quả quyết… và “bề cao” là tài trí, là tính sáng tạo… (như vậy, cũng tương tự với cách nói Á Đông: trí dũng song toàn); nếu cốt cách mạnh hơn tài trí, người tướng sẽ bị lôi cuốn ra ngoài mức cần thiết; nhưng nếu tài trí lớn hơn cốt cách thì người tướng sẽ thiếu can đảm để quyết đoán thực hiện kế hoạch. Napôlêông coi sự thống nhất chỉ huy là tuyệt đối cần thiết (điều này theo chúng ta là rất đúng, đúng cả ở trong thời bình vì nó phù hợp với lẽ tự nhiên!), ông nói đại ý rằng: một viên tổng tư lệnh tồi còn tốt hơn hai viên tổng tư lệnh giỏi và nếu trừ trận vây thành Tulông năm 1793 ra (buổi đầu tìm, dựng sự nghiệp) thì chưa trận nào ông chịu chia sẻ quyền chỉ huy cho bất cứ ai.
Nhiều người cho rằng Napôlêông đã không coi trọng các công sự của đối phương. Điều đó không đúng. Napôlêông chỉ yêu cầu các thống chế và tướng lĩnh của mình phải hiểu rằng vấn đề quyết định chiến tranh không phải là việc đánh chiếm các công sự của kẻ địch mà là việc tiêu diệt sinh lực địch ở trên chiến trường. Nhưng ngay cả trong vấn đề ấy, Napôlêông cũng tỏ ra linh hoạt và thông minh kỳ diệu khi ông nhận định rằng những tình huống không bao giờ lặp lại hoàn toàn đúng với nhau. Vào năm 1805, khi thấy rằng chỉ có chiếm được thành Unmơ thì mới tiêu diệt được chủ lực của quân Áo, ông đã tập trung cố gắng chủ yếu vào việc đánh chiếm nó. Sở dĩ Napôlêông đặt việc đánh hạ thành quách, chiếm giữ công sự đối phương xuống hàng quan trọng thứ yếu là vì ông quan niệm năng động, sáng tạo để giành quyền chủ động trên chiến trường mới là điều quan trọng chủ yếu bởi có như thế mới tạo ra điều kiện thuận lợi tiêu diệt sinh lực địch. Ông nói rằng: chỉ nên tiến hành một chiến dịch sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng một khi đã bắt đầu thì phải chiến đấu đến cùng để giữ lấy thế chủ động sáng tạo.
Quyền chủ động trong sự chỉ đạo chung trong chiến tranh, trong việc lựa chọn địa hình và thời cơ giao chiến, trong những hành động chiến thuật đầu tiên trước khi giao chiến và khi bắt đầu giao chiến phải thuộc về người tổng chỉ huy. Trước trận đánh, khi hạ mệnh lệnh cho các thống chế một cách cụ thể, ông không bao giờ chi tiết đến vụn vặt. Khi chỉ huy cho tướng lĩnh của mình thừa hành một nhiệm vụ nào đó ở một địa điểm nào đó, ông chỉ rõ mục tiêu chiến lược cuối cùng phải đạt được nhưng đạt được cụ thể bằng cách nào là do các tướng lĩnh quyết định. Trong chiến đấu, Napôlêông là trung tâm và đầu não của quân đội. Trong khi làm nhiệm vụ được giao, các thống chế liên lạc thường xuyên với hoàng đế, báo cáo lên hoàng đế tình hình của các cuộc hành binh, xin viện binh và báo cáo cho hoàng đế biết rõ những sự thay đổi luôn luôn diễn ra các tình huống. Đến tận ngày nay, cách thức điều binh khiển tướng của Napôlêông vẫn còn làm cho các nhà nghiên cứu quân sự phải khâm phục. Điều khó khăn nhất cho những người sống vào thời ấy và cũng như đời sau là tìm hiểu xem Napôlêông đã giữ vai trò chỉ huy đó như thế nào để đảm bảo được tính tập trung cao độ mà không làm mất đi tính chủ động sáng tạo (dù là cục bộ) của cấp dưới. Cách thức chỉ huy đó, theo quan niệm của chúng ta là tối ưu, nhưng dù sao cũng có khiếm khuyết. Các tướng lĩnh của hoàng đế có thói quen không tự (hoặc dám) quyết định được khi gặp tình thế nguy hiểm quá lớn, họ chủ yếu chỉ là những người thực hiện xuất sắc, ưu tú trong phạm vi thừa hành. Số tướng lĩnh có năng lực độc lập xử lý được trong những tình huống như thế có rất ít, như Đavu, Mátxênan, Ôgiơrô, nhưng cũng chỉ ở mức độ nhất định. Napôlêông từng chua chát kêu lên rằng ông không thể có mặt ở khắp mọi nơi trong cùng một lúc được. Tuy nhiên ông sẽ hết “chua chát” nếu nhận thức ra điều này: ngay cả Tự Nhiên Tồn Tại cũng không hoàn hảo, hay nói theo nguyên lý Tự Nhiên là mọi sự hoàn hảo đều có mặt trái không hoàn hảo!
Theo quan niệm của Napôlêông thì nghệ thuật của người tổng tư lệnh trước hết là biết tập trung, trang bị và huấn luyện nhanh chóng những tiểu đoàn lớn mạnh để thành lập những khối quân lớn; kế đến là làm thế nào để khi đánh đòn quyết định thì tất cả những đơn vị ấy đều đã ở vị trí đã định, thứ ba là khi đã khai chiến thì nếu cần thiết để chiến thắng, phải biết hy sinh những tiểu đoàn lớn mạnh ấy, thứ tư là khi đã tập trung được khối lớn ấy rồi thì không bao giờ được lẩn tránh hoặc trì hoãn giao chiến mà phải tìm cách giao chiến sớm nhất, miễn là có cơ thắng lợi, thứ năm, đây là điểm khó nhất, tìm thấy được trong trận thế của quân địch cái điểm để giáng đòn quyết định. Napôlêông cho rằng: trong chiến tranh, những sự ngẫu nhiên và may rủi giữ một vai trò đáng kể, nhưng dẫu sao thì những kế hoạch to tát  bao giờ cũng tùy thuộc vào những đức tính cá nhân của người chỉ huy: tài trí, kiến thức, phẩm cách trong hành động tác chiến, tính linh hoạt và đầu óc phán đoán. “Không phải có một vị thần thánh nào mách riêng cho tôi biết điều tôi phải nói hoặc phải làm trong một tình huống bất ngờ đối với những người khác, mà đó chỉ là sự suy nghĩ của tôi, sự nghiên cứu, nghiền ngẫm”, có lần Napôlêông đã nói như vậy. Vào những năm cuối cùng của đời mình ông còn nói rằng: Alếchxan Maxêđoan, Xêda, Aniban… trở thành vĩ đại không phải chỉ vì thời vận giúp họ, mà thời vận giúp họ vì họ là những bậc vĩ nhân biết làm chủ thời vận.
Napôlêông đã quả quyết rằng, mọi cuộc chiến tranh đều phải tiến hành “có phương pháp”, nghĩa là phải được nghiên cứu sâu sắc, và chỉ như vậy mới có cơ thắng lợi. Ông kiên quyết bác bỏ các thành kiến cho rằng các cuộc xâm lược của Thành Cát Tư Hãn và của Taméclan chỉ là những hoạt động tự phát, rối loạn. Ông nói với Môngtôlông: “Những cuộc chiến tranh của Thành Cát Tư Hãn, của Taméclan là có tính phương pháp, vì họ đã tiến hành đúng qui tắc và có lý luận, vì chiến dịch họ tiến hành đã tương xứng với lực lượng quân đội của họ”. Về vấn đề này, các nhà sử học cận đại nghiên cứu về Á Đông hoàn toàn xác nhận quan điểm trên đối với các cuộc chinh phục của quân Mông Cổ.
Cần nhấn mạnh là Napôlêông đã nói rất nhiều lần và trong nhiều trường hợp khác nhau rằng nghệ thuật chiến tranh, chung qui lại chỉ là biết tập trung vào nơi và lúc cần thiết một lực lượng lớn hơn lực lượng của quân đội địch ở đó và lúc ấy. Khi nói về cuộc chiến tranh năm 1796 - 1797, viên đốc chính Gôhiê khen ngợi Napôlêông là thường thường đã đánh bại kẻ địch mạnh hơn mình bằng những lực lượng ít hơn, thì Napôlêông nói rằng thật ra không phải thế, mà chỉ là do ông đã cố gắng tiến công chớp nhoáng vào những lực lượng phân tán của kẻ địch và lần lượt tiêu diệt những lực lượng ấy của địch, cho nên sở dĩ ông thu được thắng lợi thì đúng chỉ vì trong mỗi trận tiến công cục bộ ấy, ông đều tạm thời mạnh hơn kẻ địch, mặc dầu tổng số lực lượng quân đội bên địch đông hơn quân đội của ông.
Tất cả các nhà bình luận quân sự đều thừa nhận Napôlêông không những là một nhà chiến thuật đại tài - nghĩa là trong nghệ thuật tác chiến, một nhà chiến lược đại tài - nghĩa là trong nghệ thuật chiến thắng, mà còn là một nhà ngoại giao đại tài - nghĩa là trong nghệ thuật  buộc kẻ bại trận phải hoàn toàn phục tùng ý muốn của người thắng trận (hoặc đang trên đà thắng trận). Cả ba tài năng đó hòa hợp làm một trong con người Napôlêông. Mỗi khi bắt đầu một cuộc chiến tranh, Napôlêông luôn cố gắng đánh quị kẻ địch một cách khẩn trương nhất bằng một hai đòn khủng khiếp và nhanh như chớp, rồi bức kẻ địch phải cầu hòa, phải chấp nhận bồi thường chiến phí (thường là nặng nề), chịu mất đất đai và những điều khoản thỏa ước hoàn toàn bất lợi khác.
Theo nguyên lý Tự Nhiên thì mục đích của Tồn Tại chính là Tồn Tại (nhưng nếu nói Tồn Tại là không có mục đích, cũng đúng!). Không thể nằm ngoài cái nguyên lý chung ấy nên dù có tính riêng, tính đặc thù thì mục đích của cuộc sống chính là sống còn. Ở loài người hay con người có lý trí cũng vậy và sự thể hiện còn rõ ràng hơn nữa (một người mà than rằng chán sống thì hoặc người đó rất buồn bã nhưng vẫn muốn sống hoặc tuyệt nhiên là chán sống thực sự, và… tự tử!). Nhưng muốn sống còn thì phải có danh lợi (miếng ăn, địa vị để kiếm ăn, niềm vui thú…). Vậy thì có thể nói tất cả mọi hoạt động sống bị thúc đẩy bởi tâm - sinh lý cơ thể đến quan hệ về kinh tế - xã hội đều có mục đích là danh lợi. Chiến tranh là hoạt động cực đoan nhất vì danh lợi, là sự tranh quyền đoạt lợi của nhau giữa các bên tham chiến bằng cách tiêu diệt nhằm khuất phục nhau, biểu hiện ra thành sự chết chóc, tước đoạt mạng sống, quyền được sống của con người, của hàng loạt, hàng khối người, thậm chí ở mức điên rồ nhất là toàn thể loài người.
Mục đích của Tồn Tại là Tồn Tại nên Tồn Tại cũng là động lực của Tồn Tại, và nếu không đúng là như thế thì xin phép được nói lại: Tồn Tại… không là gì hết! Cầu mong cho câu nói này không bị nguyền rủa đời đời! Ngay bản thân chúng ta, những kẻ vừa thốt ra lời, cũng cho rằng đó là câu nói mù mịt nhất, dở hơi nhất từ cổ chí kim, rất dễ chọc cho các “người lớn” nổi điên. Nhưng biết làm sao được khi bộ não hoang tưởng của chúng ta “nhìn đời” ra như thế và bóp bẻ miệng chúng ta bắt phải nói như thế, không cưỡng được! Hỡi Hoàng Tử Bé, người bạn vong niên tri kỷ của chúng ta, người mà chúng ta tin yêu, có ý kiến gì?! Nhưng câu nói sau đây hay hơn vì có vẻ đúng hơn: chiến tranh là vì danh lợi nên danh lợi cũng là động lực của chiến tranh. Do đó một chiến thắng trên chiến trường mà không có “hơi hám” danh lợi gì, không đạt được danh lợi nào thì chiến thắng đó là vô nghĩa, phi lý và không được phép tồn tại thực, nghĩa là cuộc chiến tranh mà trong đó xuất hiện chiến thắng ấy là không xảy ra! (Nhưng vì Tự Nhiên Tồn Tại là đầy đủ nên sự kiện ấy vẫn có khả năng xảy ra, tuy nhiên chỉ là trong ảo mộng hoặc trong sự ngu ngốc tột độ!).
Tuy nhiên, xét cho cùng thì:

Chiến tranh mang bộ mặt giết chóc, tàn phá đến khủng khiếp, tanh tưởi tởm lợm đến ghê rợn. Chiến tranh là thể hiện sự thờ ơ, vô cảm khốn nạn tột cùng về việc hủy diệt tàn bạo cuộc sống và thân phận con người.

Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh "nặn ra" lý do từ không có lý do, hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách tàn bạo, không chính đáng. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh  nảy sinh từ việc giải phóng, tìm sự sống còn hoặc chống chiến tranh phi nghĩa, được hủy diệt và tàn phá cuộc sống một cách chính đáng (?).

Tóm lại, bộ mặt thật của chiến tranh nhìn từ mọi phía nói chung là độc ác, thiểu năng trí tuệ đến ngỡ ngàng của con người luôn tự vỗ ngực là khôn ngoan, có lý trí.

Ngày chiến thắng 30/4, lũ bán nước cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người cộng sản có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn. Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử".

Giống như bóng tối không thể làm tiêu tan bóng tối, thì hận thù không thể xoa dịu được hận thù, và chiến tranh không thể xóa bỏ được chiến tranh.

Chỉ khi con người thoát ra khỏi vòng tham muốn danh lợi, thấu hiểu ý nghĩa thiêng liêng của cuộc sống, thấu hiểu về sự vô nghĩa tột cùng của cái chết và sự cảm thông, yêu thương sâu sắc đồng loại, mới có thể loại trừ được gây hấn và chiến tranh ra khỏi đời sống xã hội!

Một khi còn tình cảm dân tộc hẹp hòi, lòng tham vị kỷ về danh lợi và cái tâm hận thù của con người, thì vẫn còn chiến tranh.  
(Còn tiếp)
 -------------------------------------------------------------------
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét