Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

TT&HĐIII - 25/s

                                                                   Nguyễn Trãi

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG IV: ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

“Thủ đô là cái đại tập thành của cả đất nước từ khí non sông tụ lại. Không bàn tán về những thành phố khác, mà nói về Hà Nội thì không ai không nhớ đến bài ca chính khí của nó…
Hà Nội không phải là một đất thánh, theo cái nghĩa tín đồ hành hương, nhưng Hà Nội là một đất thiêng, kẻ ngoài nào mà xúc phạm vào nó là phải đền tội”
“Khi một giống nòi bị dồn đến chỗ chỉ có thể lựa chọn cái chết và nô lệ thì xông vào cái chết là dũng cảm hơn. Nơi nào mà nó không phải là thiết yếu thì bạo lực mới bị lên án. Có những trường hợp phải công nhận bạo lực bởi vì không còn cách nào khác”

"Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?"
                                                       (Khuyết danh)

   

 

 

(Tiếp theo)



Nhưng cuối cùng, cái nguyên nhân duy nhất, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là gì, là ngẫu nhiên hay tất yếu? Chúng ta nói thế này: đốm lửa nhỏ ở Lam Sơn, về hình thức thì cũng giống như những đốm lửa kháng chiến chống quân Minh khác, nhưng đồng thời về thực chất lại rất khác: dù cũng do con người nhóm lên nhưng được nuôi dưỡng nhờ khí thiêng sông núi tích tụ lại. Nó là đốm lửa linh được đúng người nhen nhúm, đúng vị trí và đúng lúc. Nhìn ở góc độ cụ thể về tên người, tên đất, tên tháng năm thì sự xuất hiện đốm lửa ấy là ngẫu nhiên, nhưng ở góc độ diễn tiến thời cuộc, quá trình lịch sử của một đất nước, truyền thống của một dân tộc, theo nguyên lý nhân quả, thì lại là tất yếu. Giản dị hơn, có thể nói đốm lửa Lam Sơn là hiện tượng tâm linh, vì thế nó thiêng liêng, mang nhiều yếu tố vượt ra ngoài khuôn khổ lý luận.
Để khỏi ngộ nhận, chúng ta nói thêm: Lê Lợi không phải là không tài giỏi, nhưng là cái tài giỏi của người nhạy cảm, biết được lưỡi gươm và chuôi gươm nhặt được là trời cho đến tay mình để lắp lại thành ra gươm báu, là cái tài biết dựa vào hội thề Lũng Nhai (nhưng khi đã nên nghiệp đế thì vội ít nhiều quên ngay lời thề ấy?!) để dấy nghĩa cứu nước và đồng thời có được nghiệp đế.
Không thể nào so sánh thời Tam Quốc bên Tàu với thời nước ta bị nhà Minh đô hộ được, vì hoàn cảnh điều kiện cũng như thời đại và bản chất xã hội là khác nhau xa. Do đó, cuộc dấy nghĩa của Lưu Bị cũng hoàn toàn khác về bản chất so với cuộc dấy nghĩa của Lê Lợi. Tuy nhiên, một cách hình thức nhất, thô nhám nhất, chúng ta có thể lấy trường hợp Lưu Bị và sự hình thành nước Thục để làm rõ hơn điều chúng ta muốn bày tỏ.
Trước khi dựng cờ dấy nghĩa, Lưu Bị đã cùng hai danh tướng Quan CôngTrương Phi hội thề “kết nghĩa vườn đào”. Lưu Bị, nếu là kẻ bất tài thì làm sao chiêu dụ được hai danh tướng ấy và sau này thêm Triệu Tử Long, cũng là một danh tướng, qui phục và xả thân phò tá? Nhưng dù là có tài năng và có cả hai, ba danh tướng hết lòng với võ công nổi danh thiên hạ thì phỏng làm nên được tích sự gì nếu không xuất hiện một Khổng Minh - Gia Cát Lượng mà phải ba lần đến lều cỏ, Lưu Bị mới cầu có được? Không có Gia Cát Lượng, sẽ không thể có trận Xích Bích lừng danh kim cổ, và như thế cũng sẽ không có một nước Thục trong cái thế tam phân chân vạc: Ngụy - Ngô - Thục
Có thể thấy ở Lê Lợi có những nét phảng phất của hình bóng Lưu Bị và ở Nguyễn Trãi có những nét phảng phất hình bóng Khổng Minh?!
Chúng ta thấy rằng: lịch sử nước nhà từ trước đến nay đều đặt tài năng Nguyễn Trãi ở tầm mức không đủ lời ca ngợi. Như lời nhận xét của Nguyễn Mộng Tuân, bạn Nguyễn Trãi: “Gió thanh hây hẩy gác vàng, người như một ông tiên ở trong tòa ngọc. Cái tài làm hay, làm đẹp cho nước, từ xưa chưa có bao giờ”; của Lê Quí Đôn: “Viết thư, thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời”; hay của Phạn Huy Chú: “Văn chương mưu lược gắn liền với sự nghiệp kinh bang tế thế”. Trong “Kiến văn tiểu lục” (của Lê Quí Đôn, Quyển V - Tài phẩm), có đoạn:
“Nguyễn Vĩ, một người cháu ba đời của Nguyễn Trãi, xuất trình chế văn truy tặng cho ông tước Tế Văn Hầu, trong ấy có câu rằng “Long hổ phong vân chi hội, do tưởng tiền duyên, văn chương sự nghiệp chi truyền, vĩnh cùng hậu thế” (Rồng hổ gió mây tụ hội, còn ghi duyên tiền định, truyền tụng văn chương sự nghiệp, để mãi đời sau). Câu ấy đã tỏ ra ông là người có công lao đứng đầu về việc giúp rập vua, thì ngàn năm không thể mai một được”
Chính vua Lê là Nhân Tông, khi cùng các quan văn xem các di bản của Nguyễn Trãi, đã xúc động đánh giá: “Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp giặc, giúp đức Thái Tổ sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh thần của bản triều không ai sánh bằng”
Tóm lại, nói cho công bằng thì: Nguyễn Trãi đã đóng vai trò như linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, là nhà tư tưởng và đồng thời là nhà chiến lược vạch đường mở lối cho cuộc khởi nghĩa đó đi đến toàn thắng. Không những thế, trên nền tảng tư tưởng nhân đạo, đứng về phía Đại Chúng đó, Nguyễn Trãi cũng có công lao to lớn, không trực tiếp thì cũng gián tiếp (thông qua Lê Lợi, được Lê Lợi tiếp thu, nắm bắt lấy để thực thi) đối với việc đề ra những quyết sách thích ứng trong thời kỳ đầu nhà Lê của công cuộc hàn gắn và xây dựng đất nước sau khi đập tan ách đô hộ của nhà Minh.
Ngay từ thời kỳ “vây thành diệt viện”, Lê Lợi - Nguyễn Trãi đã bắt tay vào việc khôi phục và xây dựng lại đất nước trên qui mô lớn, qui định các khu vực hành chính, tổ chức chính quyền từ cơ sở đến trung ương, kêu gọi nhân tài, tổ chức thi cử… Có thể rằng trên lĩnh vực này, đã xuất hiện những quan niệm khác nhau trong việc thực hiện các tư tưởng đại nhân đại nghĩa mà Nguyễn Trãi đã nêu ra trong thời kháng chiến gian khổ, làm cho mối quan hệ “long hổ phong vân chi hội” xơ tước dần và chờ dịp tắt hẳn, không thể nối kết lại được nữa.
Nguyễn Trãi đã ấp ủ một hoài bão quá lớn, tin tưởng một cách trong sáng (và ngây thơ?) rằng có thể thông qua Lê Lợi, “nhờ” Lê Lợi để thực hiện bước thứ hai của hoài bão đó, là xây dựng một nước yên vui thanh bình theo kiểu xã hội thời Nghiêu, Thuấn, trong khi Lê Lợi về cơ bản, đã đạt được hoài bão có từ thời nổi dậy dựng cờ của mình.
Tồn tại ngai vàng để làm cho dân giàu nước mạnh và làm cho dân giàu nước mạnh để ngai vàng tồn tại là hai vế không thể tách rời của một quá trình hợp tình hợp lý. Nhận thức được như thế là biện chứng. Nếu nhận thức thiên lệch về một vế nào thì đều làm cho quá trình đó phát triển sai lạc, dẫn đến bế tắc, khủng hoảng và thậm chí là đổ vỡ. Trình độ kinh tế - xã hội thời Nguyễn Trãi không cho phép trở về với xã hội Nghiêu - Thuấn và cũng chưa đủ để đến với xã hội kiểu xã hội Nghiêu - Thuấn (đối với thời đại ngày nay thì kiểu xã hội đó chính là xã hội XHCN và vẫn còn là một viễn cảnh quá xa vời!).
Nguyễn Trãi đã từng tâu với vua Lê Thái Tông: “Thần chuyên đọc điển phần, chỉ những muốn việc cổ nhân đã muốn. Để tâm dân chúng, mình trước lo điều thiên hạ phải lo”. Hình như đây cũng là lời trần tình đượm buồn của một người đã thất cơ, không còn cơ hội để thực hiện điều mình mơ ước cho dân cho nước. Hai con người đã gặp nhau vì cùng muốn cứu nước, cùng muốn xây dựng đất nước đẹp giàu, nhưng đã phải chia ly vì mục đích xây dựng đất nước đẹp giàu đã phân kỳ, người hướng về Đại Chúng, kẻ hướng tới ngai vàng.
 
Nguyễn Trãi
Bút danh Ức Trai
Mất: 19 tháng 9, 1442
Công việc Nhà chính trị, Nhà thơ, Nhà địa lý học, Nhà ngoại giao
Quốc gia Việt Nam
Dân tộc Kinh
Quốc tịch Việt Nam
Giai đoạn sáng tác Văn học trung đại Việt Nam
Thể loại Thơ, Cáo, Chiếu, Biểu, Tấu
Tác phẩm nổi bật Bình Ngô đại cáo, Quốc âm thi tập, Quân trung từ mệnh tập, Dư địa chí

                                                              Đền thờ Nguyễn Trãi
Mơ ước về một xã hội đại đồng đã từng có ở thời tiền sử xa xưa, thời Nghiêu - Thuấn, là một giấc mơ đẹp của một tâm hồn đẹp. Không phải chỉ có Nguyễn Trãi mà không ít người và ngay từ thời cổ đại, nhiều nhà hiền triết “gạo cội” đã từng mơ giấc mơ đó. Họ không những mơ mà còn trăn trở đến bạc đầu để vạch ra cách thực hiện giấc mơ. Nhưng than ôi, đó là điều không tưởng, không hợp thời!
Quá thiết tha với lý tưởng, cố tìm cơ hội để thực hiện hoài bão, sống theo quan niệm nhập thế của Nho Gia, cột trụ kiên cường, biết không làm được vẫn làm, đã tạo nên cái bi kịch trong tâm hồn thấm đẫm Nho Giáo của Nguyễn Trãi, đã là nguyên nhân sâu xa nhất trong những nguyên nhân gây ra thảm kịch lớn nhất trong triều đại nhà Lê và cũng có thể là lớn nhất, đau thương nhất trong xã hội quân chủ chuyên chế Việt Nam. Thảm kịch đó mang tên: Vụ án Lệ Chi Viên (Vụ án vườn Lệ Chi).
Sau khi giành được độc lập cho đất nước, để “dĩ hòa” và cũng nằm trong sách lược ngoại giao mềm dẻo với nhà Minh, dù chỉ là danh nghĩa, Lê Lợi vẫn chấp nhận cầu phong cho con cháu họ Trần là Trần Cảo làm vua. Trần Cảo biết phận mình, chẳng có chút công lênh gì mà ngồi ngai vua, lòng áy náy không yên, bèn cưỡi thuyền ra biển, chạy về châu Ngọc Ma (Thanh Hóa). Quân của Lê Lợi đuổi kịp, dẫn về, bắt uống thuốc độc chết rồi làm tang lễ rất hậu theo nghi lễ một ông vua (thật khôi hài!).
Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi từ dinh Bồ Đề chuyển vào thành Đông Đô. Ngày 29 tháng đó, Lê Lợi chính thức lên ngôi hoàng đế tại điện Kính Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, vẫn định đô ở Thăng Long - Đông Đô, tự xưng: “Thuận thiên thừa vận Duệ Vân Anh vũ đại vương”. (Năm 1430, Đông Đô được nhà Lê đổi tên gọi thành Đông Kinh).
Tại sao Lê Lợi không xưng đế mà chỉ xưng vương thôi? Người này thì cho rằng đó là do thực hiện sách lược ngoại giao mềm dẻo vì nhà Minh luôn đòi tìm lập con cháu nhà Trần và chỉ cho nhà Lê làm “quyền thủ An Nam quốc sự” mà thôi. Người khác cho rằng Lê Lợi là người có tính khiêm tốn. Chúng ta không đồng thuận với cả hai nhận định đó!
Nếu là vì ngoại giao thì ở trường hợp đưa Trần Cảo lên ngôi vua (hờ) còn tin được. Nhưng tại sao lại phải giết Trần Cảo, khi chẳng được ích lợi gì mà không chừng chỉ có hại? Trần Cảo chết thì thiếu gì con cháu họ Trần khác, có thể tìm ra trong “tích tắc” để tiếp tục đưa lên làm vua “hờ”? “An Nam” hay “Giao Chỉ” là do phong kiến phương Bắc gọi nước ta, nhưng các triều vua nước ta chưa bao giờ nhận, ngay Lê Lợi cũng dùng lại quốc hiệu là Đại Việt, thì “sợ” gì mà không xưng đế? Ngoại giao mềm dẻo không có nghĩa là nhu nhược, nhẫn nhục, khuất phục! Nhưng nếu không phải là do ngoại giao thì có phải là do Lê Lợi có đức tính khiêm nhường không? Đã ở cái vị thế “con trời” rồi thì khoảng cách giữa đế với vương là bao xa, hay nếu có chỉ là hình thức? Trong số 18 con người ở hội thề Lũng Nhai và những người tâm phúc theo Lê Lợi từ thuở còn hàn vi, còn thuộc tầng lớp địa chủ nhỏ ở vùng thượng du, học hành tiếp thu kiến thức cũng tại đó, có bao nhiêu con người tài năng xuất chúng và trong số đó bao nhiêu người còn sống khi đất nước thanh bình, chứng kiến Lê Lợi lên ngôi? Đây là lời phân trần của chính Lê Lợi: “Những vị vua có công đức lớn như các vua Vũ, Thang, Văn… Thời tam đại, mà cũng chỉ xưng vương thôi, huống chi trẫm tài đức mỏng manh, đâu dám nói đến hiệu hoàng đế. Nay chỉ xưng tước vương cũng đã làm quá rồi”. Chúng ta nhớ lại, ngay từ lúc mới dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Lê Lợi lúc đó “tệ” hơn nhiều, vẫn “dám” xưng vương (Bình Định Vương) mà? Vậy thì thế nào mới gọi là khiêm nhượng? Trong nhiều trường hợp, quá khiêm tốn chỉ là một sự đóng kịch, cố che dấu cái hành vi biểu lộ sự thèm khát danh lợi trong sâu thẳm cõi lòng mình, trước những người mà mình đã từng cùng “nằm gai nếm mật”. Lê Lợi có thuộc hạng người này không? Chúng ta không dám chắc, nhưng chắc rằng Lê Lợi tuy không phải là người có bản chất bất nghĩa, vô nhân nhưng cũng không đến độ là người đã thấu tỏ được ngọn ngành ý nghĩa của “đại nhân, đại nghĩa” như Nguyễn Trãi đã thấu tỏ. Có lẽ Lê Lợi đã học thuộc tư tưởng của Nguyễn Trãi, tưởng biết hết mà thực ra chưa biết hết (vì chưa đủ mức uyên thâm về học vấn) nghĩa sâu của khái niệm ấy. Biết nói thế nào nhỉ?!...
Dù sao thì Lê Lợi cũng đã giải quyết được những công việc bề bộn của một đất nước vừa mới trải qua chiến tranh giành độc lập. Công lao to lớn của Lê Lợi đối với đất nước là có thật và đáng được tôn vinh.
(Còn tiếp)
------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét