-Nhà Lê Trung Hưng (1533-1789): kéo dài 256 năm, bắt đầu từ khi Thượng tướng quân Nguyễn Kim lập tông thất Lê Ninh lên ngôi, tức Lê Trang Tông tại Ai Lao để khôi phục nhà Hậu Lê và kết thúc khi Lê Chiêu Thống chạy sang lưu vong tại Trung Quốc dưới thời Thanh Cao Tông.
Cách gọi nhà Hậu Lê bao gồm cả hai giai đoạn Lê sơ và Lê Trung hưng.
Đặc biệt, thời Lê Trung hưng tuy kéo dài, nhưng các Hoàng đế nhà Lê mất
thực quyền, chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Thời kỳ đầu gọi là Nam Bắc triều, nhà Lê và nhà Mạc chia đôi nước Đại Việt.
Khi nhà Mạc bị đánh bại phải chạy lên Cao Bằng (1592 tới năm 1677) thì công thần có công đánh Mạc là họ Trịnh đã nắm hết quyền hành. Công thần họ Nguyễn không thần phục họ Trịnh, ly khai ở phía nam, do đó phần lớn hậu kỳ thời Lê Trung hưng, nước Đại Việt lại bị chia cắt bởi chúa Trịnh và chúa Nguyễn, gọi là Trịnh Nguyễn phân tranh.
Sau khi kháng chiến chống xâm lược nhà Minh thắng lợi, nước nhà giành được độc lập, Lê Lợi lên ngôi, thành lập nhà Hậu Lê. Nhà Hậu Lê buổi đầu, sau bình công, đã trực tiếp hoặc gián tiếp bức hại oan ức hàng loạt các khai quốc công thần, những người có công đầu trong cuộc kháng chiến giành thắng lợi vẻ vang trước quân Minh, và xây dựng vương triều. Trong đó có Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú, Lê Sát, Lê Ngân, Nguyễn Trãi, Trịnh Khả...
Với
6 năm trị vì, thành tựu xây dựng và phát triển kinh tế đất nước của Lê
Thái Tổ không nhiều. Nhìn chung, Lê Thái Tổ cũng chỉ làm những công việc
cần làm đối với một đất nước sau chiến tranh và đối với một nhà nước
quân chủ còn non trẻ như thiết lập và xây dựng bộ máy chính quyền, phân
định lại quyền sở hữu đất đai, tìm biện pháp phát triển sản xuất nông
nghiệp, kích thích công thương nghiệp tăng trưởng…. Với nhiều chủ trương
tương tự, kế thừa của thời Lý - Trần, thiếu đặc sắc, nhưng phần nào
cũng đáp ứng được yêu cầu của xã hội đương thời.
Đền thờ vua Lê Lợi
Nói cách khác, sau khi lên ngôi, Lê Lợi đã phải “thức khuya, dậy sớm” (Bia Vĩnh Lăng)
lo toan việc nước, tổ chức bộ máy cai trị, củng cố quyền lực, ban bố
luật lệ về hành chính, kinh tế, xét miễn thuế ruộng, bãi dâu, ao đầm
trong hai năm, miễn thuế hoặc giảm thuế cho những vùng bị chiến tranh
tàn phá nặng nề, tiến hành điều tra ruộng đất và dân số, ban hành chính
sách quân điền, đề ra chính sách khẩn hoang, lập đồn điền, phát tiền
mới, lập trường học, mở khoa thi… Bên cạnh đó, Lê Lợi rất chú trọng đến
việc xét thưởng công lao những người tham gia kháng chiến, thu dụng hiền
tài. Trong 2 năm 1428 - 1429 đã tổ chức 3 đợt bình công, ban phong chức
tước. trong 6 năm trị vì đã ban chiếu cầu mời hiền tài 6 lần. Lê Lợi
nói: “Nay Trẫm giữ trách nhiệm nặng nề sớm khuya kinh sợ, như gần vực sâu, chỉ vì tìm hiền tài giúp trị mà chưa được người”. Ông cũng từng nói: “Trẫm nghĩ: chống lại kẻ thù của vua phải nhờ có tài đánh dẹp, giữ cán cân của nước, nên ủy cho người cũ có công”.
Đó là những câu tha thiết, chân thành. Lê Lợi còn nhiều câu nói như thế
nữa trong các chiếu chỉ của ông, phần lớn là do Nguyễn Trãi soạn thảo
chẳng hạn như những câu dưới đây:
“Ai
thấy trẫm có chỉ lệch hà khắc, thuế má nặng nề, hại cho lương dân,
thưởng công phạt tội không đúng… hoặc các đại thần, quan lại, tướng
hiệu, các chức trong ngoài có người nào không giữ phép, hối lộ, nhiễu
hại lương dân, làm việc thiên tư vị phi thì há tâu lên ngay”; “Nếu thấy
điều lệnh của trẫm hoặc có điều gì không tiện cho việc quân, việc nước,
hoặc là việc vô cớ, hoặc thuế má nặng nề… được tâu xin sửa lại”; “lấy
mối lo của dân chúng làm mối lo của mình”.
Và câu nói này của Lê Lợi đọng lại trong tâm khảm của chúng ta rất lâu: “Chuộng
nhà cửa cung đài cao đẹp, tất gây nên thói kiêu sa, theo ý mình mà trái
lòng người, sẽ chuốc lấy mọi người oán ghét. Trẫm rất lo về điểm này,
cho nên tự nghĩ những cung điện huy hoàng tráng lệ đây đều là sức lao
động của quân dân, trẫm được ngự yên, vẫn cứ lo không xứng”.
Một
vị vua nói được những lời tâm huyết như thế, nghe ra, ai mà không cho
đó là một vị vua hiền. Tuy nhiên, trong câu nói được chúng ta ghi lại
vừa rồi của Lê Lợi, hình như có cái gì đó nhờn nhợn, gợi nhớ về trường
hợp của Nghiêm Tử Lăng: đã quyết đi ở ẩn rồi thì hà cớ gì phải mặc áo
trái để người đời chú ý thấy.
Có
một sự thực lịch sử không thể phủ nhận được là: dưới triều Lê Thái Tổ,
chỉ trong khoảng một, ba năm sau khi ông lên ngôi, đã có nhiều công thần
tướng lĩnh bị truất chức, hạ ngục, bị giết, bị bức tử, mà điển hình là
trường hợp Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo và Nguyễn Trãi.
Đánh
giá về thời gian trị vì của Lê Lợi, vào thế kỷ XIX, sử thần triều
Nguyễn trong “Việt sử thông giám cương mục”, viết rằng Lê Lợi “kịp
khi lên ngôi, qui định thuế khóa, chia cắt ruộng đất, ban hành luật lệ,
mở khoa thi, tổ chức cấm vệ, cắt đặt quan chức, tưởng lục công thần,
dựng trường học… Qui mô sáng nghiệp có thể gọi là rộng lớn, nhưng hay
nghi kỵ, đa sát, đó là chỗ kém của nhà vua”.
Sự
đánh giá ấy được cho là gần như san định lại từ ghi chép của văn sử nhà
Lê. Một quan chép sử chép về triều đại mình đang phục vụ, muốn khách
quan đến mấy cũng không thể không thiên vị. Ấy vậy mà sử thần nhà Lê, từ
Ngô Sĩ Liên đến Lê Hy, trong “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng phải nhận
định về Lê Lợi như sau: “Thái Tổ từ khi lên ngôi đến nay, thi thố
chính trị có vẻ khả quan, như định luật lệnh, chế lễ nhạc, mở khoa thi,
đặt cấm vệ, đặt quan chức, lập phủ huyện, thu sách vở, dựng học hiệu,
cũng có thể gọi là qui mô sáng nghiệp rộng rãi, song đa nghi, hay giết,
đó là chỗ kém”.
Hiền,
giống ngu nhưng không phải là ngu mà là nhân hậu. Người biết nhân hậu thì không thể ác được. Một ông vua có lòng nhân hậu thì sao lại
đa nghi, chém giết đối với ngay cả những công thần đã từng cùng mình
chiến đấu hy sinh trong những ngày gian khổ?
Chưa
đầy hai năm lên ngôi mà đã hành động như thế, thì đó là tội lỗi và
không thể biện minh được. Và để giải thích cái động cơ dẫn đến hành động
tội lỗi ấy của Lê Lợi, chỉ cần nhớ về cách hành xử của Việt vương trong
điển tích mà chúng ta đã kể ở trên.
Giết Trần Cảo đã là một việc mờ ám, có thể gây ra phản cảm trong người này người kia và Lê Lợi đã chột dạ chăng?
Trước
đây, trong kháng chiến, Lê Lợi đã tổ chức nhiều đợt phong thưởng cho
các tướng sĩ lập được công trạng trong chiến đấu nhằm kịp thời khích lệ
ba quân. Sau khi giải phóng hoàn toàn đất nước và lên ngôi vua, Lê Lợi
đã tổ chức cuộc bình xét công lao, ban thưởng, phong chức tước với một
qui mô lớn, như là sự tổng kết chiến tranh, đầy đủ và toàn diện chia làm
ba đợt, kéo dài từ tháng 2 năm Mậu Thân (1428) cho đến tháng 5 năm Kỷ
Dậu (1429). Trong cuộc bình xét này, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm
Văn Xảo đều được xếp ở hàng đệ nhất công thần, đều được ban họ vua.
Nguyễn
Trãi, thời kháng chiến, khi Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, đã được
bổ nhiệm vào chức: Tuyên Phụng đại phu, thừa chỉ học sĩ, coi việc “hội
mật”, tham dự các buổi bàn kế hoạch quân sự và chính trị, soạn thảo
những văn kiện quan trọng về nội chính, cũng như về ngoại giao. Đến khi
bình công, ông được phong chức Quan phục hầu, giữ chức Nhập Nội hành
khiển (chức quan văn, đứng sau Tể tướng) lại bộ thượng thư kiêm
Quản công khu mật viện. Trần Nguyên Hãn, thì nhà bác học Lê Quí Đôn
thuộc thế kỷ thứ XVIII, ghi trong phần liệt truyện của “Đại Việt thống
sử” là: “Năm Mậu Thân, Thuận Thiên thứ nhất, (vua Thái Tổ) phong ông làm Tả tướng quốc và cho theo họ vua”. Còn Phạm Văn Xảo, cũng theo Lê Quí Đôn, thì “Tháng
3 năm Mậu Thân (1428), Thuận Thiên thứ nhất, thăng ông lên chức Thái
Bảo, ban cho họ vua. Tháng 5 năm thứ hai, Kỷ Dậu, khắc biểu ghi tên công
thần, ông được phong là Huyện Thượng Hầu, tên ông xếp vào hàng thứ ba,
thăng là Thái phó”.
Ba
bề tôi cùng Lê Lợi mở nước, đến đây, công lao to lớn của họ đã được tôn
vinh, tưởng thưởng xứng đáng và danh tiếng họ cũng đã vang lừng thiên
hạ, được dân chúng đương thời rất trọng vọng. Công danh đến cỡ đó, có lẽ
đã tột bậc đối với người áo vải rồi!
Công
đã thành, danh đã toại, tưởng rằng từ nay vua tôi cứ thế mà cùng nhau
thong dong an hưởng, ai ngờ đó chỉ là một giấc mơ khoảnh khắc, phù
phiếm. Trong chốc lát, tai họa bỗng đâu giáng thẳng xuống đầu ba con
người đang mãn nguyện ấy làm hai người mất mạng, một người lúc ấy tuy
may được toàn mạng nhưng vô cùng ê chề, lại tiếp tục lạc vào vòng xoáy
của những mưu mô đấu đá vương triều để rồi chuốc lấy thêm một đại họa vô
cùng tàn khốc.
Chính
Lão Tử, nhà hiền triết vĩ đại, là người ngay từ thời cổ đại trên cơ sở
lý luận về tính qui căn, phản phục của sự vật - hiện tượng trong triết
thuyết gọi là Đạo do ông sáng tạo ra, và cũng là đúc kết rút ra được từ
“bãi chiến trường” đẫm máu tranh giành danh lợi thời Xuân Thu và cả thời
trước đó, đã để lại cho đời sau nhiều lời khuyên dạy chí lý về ứng đời
xử thế. Chúng đã trở thành những danh ngôn, châm ngôn phổ biến trong xã
hội. Có lẽ rằng hầu hết mọi người đã từng ít nhất một lần đọc qua chúng
và đều cho là đúng đắn. Thế nhưng thật hiếm người thực hành được những
châm ngôn ấy. Không biết có phải là do sự tham muốn, thèm khát trong con
người đã thành bản năng lý tính không?
Lão Tử có thể là người đầu tiên khuyên người ta tri túc: “Biết
thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy.”
(Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi); “Họa không gì lớn bằng không biết
thế nào là đủ, hại không gì cho bằng tham muốn cho được nhiều” (Họa mạc
đại ư bất tri túc, cữu mạc đại ư nhục đắc). Và thành ngữ “Công thành thân thoái” có thể cũng xuất phát từ ông: “Vàng
ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi. Giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa.
Công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo trời.” (Kim ngọc mãn đường, mạc
chi năng thủ. Phú quí nhi kiêu, tự di kì cữu. Công thành thân thoái,
thiên chi đạo.)
Trần
Nguyên Hãn là người ngay từ đầu đã cảm nhận được bóng ma Việt vương Câu
Tiễn trong con người Lê Thái Tổ. Theo ghi chép của Lê Quí Đôn ở phần
liệt truyện trong “Đại Việt thống sử” vào thế kỷ XVIII thì Trần Nguyên Hãn nói riêng
với người thân: “Nhà vua có tướng như Việt Vương, không thể cùng sung sướng được”,
và ông đã hành động theo Phạm Lãi: xin về hưu. Nhà vua bằng lòng nhưng
qui định mỗi năm phải hai lần về chầu. Ông về làm nhiều nhà cửa, xây
dựng gạch hoa, đóng thuyền chở binh khí. Có người tố cáo ông là mưu
phản. Vua bèn sai lực sĩ xá nhân bắt về hỏi tội. Trên thuyền, ông phẫn
uất khấn trời rằng: “Tôi với vua cùng mưu cứu dân. Nay việc nghĩa lớn đã thành, vua lại muốn giết tôi. Hoàng Thiên có biết xin soi xét cho”, rồi tự sát.
Trần
Nguyên Hãn đã phát hiện được cái điều mà Phạm Lãi đã phát hiện, đã làm
theo như Phạm Lãi đã làm, nhưng không triệt để, vẫn còn vương lụy hai
chữ “công danh”, cho nên “giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa”.
Trường
hợp Phạm Văn Xảo cũng tương tự như trường hợp của đại phu Văn Chủng,
chẳng bao lâu sau ngày được ban phong chức tước rình rang, có người tố
cáo ông ngầm mưu phản, vua “ban cho được chết”
Trường
hợp Nguyễn Trãi bị hạ ngục thì chính sử nhà Lê và sử các thời sau không
ghi. Nhưng sự kiện đó là có thật và sự mắc vạ của hai người kia đã là
duyên cớ trực tiếp dẫn đến hệ lụy. Có nhiều căn cứ xác đáng để các nhà
sử học ngày nay nhất trí về việc Nguyễn Trãi đã bị hạ ngục một thời gian
dưới triều Lê Thái Tổ. Một trong số đó là trong “Biểu tạ ân” của Nguyễn
Trãi dâng lên Lê Thái Tông sau này, có câu: “Nếu không được tiên đế (chỉ Thái Tổ) xét rõ đáy lòng, thì hầu khiến tiểu thần ngậm cười dưới đất”. Nhiều khả năng bài thơ sau đây của Nguyễn Trãi đã được cảm tác về thời gian ấy:
“Cuộc đời chìm nổi mấy mươi năm
Núi cũ khe xưa ước đã lầm
Danh giá bỗng mang vòng họa thực
Lòng ngay khôn gỡ miệng quân phàm
Tự văn chưa mất lòng còn đoái
Định mệnh thôi đành chết cũng cam
Khó gửi nửa lời lên bệ ngọc
Tỏ lòng oan tủi buổi tù giam”
Cụ
thể, tội mưu phản của Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo là gì? Sử cũ cũng
không ghi, chỉ bàn luận, nhận định là nhiều. Nhờ ghi chép của Lê Quí
Đôn trong “Đại Việt thông sử” mà chúng ta biết thêm rằng trong lời chiếu
của Lê Lợi ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch năm 1432 (dạng văn hơi bị thô!), sau khi dẹp xong hai cuộc nổi loạn của tù trưởng Đèo Cát Hãn và Khắc Thiệu ở miền núi, có đoạn:
“Trẫm xét: kẻ loạn thần tặc tử thì ai ai cũng muốn giết chết. Năm ngoái
thằng Khắc Thiệu ở Thái Nguyên mưu làm phản, đích là do thằng Hãn âm
mưu. Năm nay Cát Hãn nổi loạn là do âm mưu của Xảo. Mầm mống họa hoạn
không thể không triệt cho hết”.
Về
nguyên nhân dẫn đến thảm sát ấy, nhận định của Lê Quí Đôn là xác đáng.
Theo ông thì bấy giờ vua thường đau yếu, con còn nhỏ, mà Trần Nguyên
Hãn, Phạm Văn Xảo là những khai quốc công thần, người là con cháu tông
tộc nhà Trần, người là kẻ kinh lộ. Vua sợ khi con nhỏ lên ngôi, bọn họ
cậy quyền ỷ thế sinh lòng khác, nên bề ngoài lấy lễ ý tôn sùng trọng
vọng mà bụng vẫn nghi ngờ, lại bị bọn nịnh thần Lê Quốc Khí, Định Bang
Bảng… đón biết ý vua, tranh nhau dâng mật sớ, khuyên vua quyết trừ đi.
Vì
là con cô con cậu nên khi Nguyễn Trãi là cháu ngoại thì Trần Nguyên Hãn
là cháu nội của Trần Nguyên Đàm, một đại phu thời nhà Trần giữ chức vị
tương đương với Tể tướng đồng thời là cháu bốn đời của Chiêu Minh Đại
Vương Trần Quang Khải. Trong khi đó, Nguyễn Trãi có một người vợ (Hà Sơn
Bình cũ), không biết có họ hàng gì với Phạm Văn Xảo không. Nếu có thì
ba người tài năng xuất chúng ấy là chỗ thân bằng quyến thuộc và nếu họ
thông đồng hợp sức lại thì đó là một lực lượng cực kỳ đáng sợ. Có thể
đoán thêm rằng Lê Lợi đã hình dung ra điều ấy và cộng thêm sự xiểm tấu
của đám nịnh thần mà ông đã trở nên hốt hoảng thực sự, vội ra tay diệt
trừ.
Cũng theo nhận định của Lê Quí Đôn thì: “Vua
Thái Tổ hối hận, thương hại người bị oan: Lại biết bọn Lê Quốc Khí đều
là hạng tiểu nhân xảo quyệt nên rất ghét chúng. Về sau bọn chúng đều có
việc bị đuổi, nhà vua xuống chiếu bảo cho các quan rằng: bọn Lê Quốc
Khí, Trịnh Hoàng Bá, Lê Đức Dư dầu là có tài cũng không được dùng lại
nữa, mà trong thiên hạ có kẻ mưu phản cần phải tố cáo cũng không cho bọn
ấy được tố cáo”.
Lê
Lợi có hối hận không? Trách nhiệm của đám nịnh thần tới đâu mà sao xử
“nhẹ hều” thế ? Hay lại cũng cái kiểu Lưu Bị quẳng con để lấy lòng
tướng? Điều này là chắc chắn: Lê Lợi đã yên lòng vì hai “mầm họa lớn” đã
bị triệt và xong việc rồi thì không thèm “chơi” với cái đám nịnh thần
mà ông khinh ghét, biết tỏng chúng cũng chẳng vừa gì. Trong dịp này, ông
quan văn “hiền khô” Nguyễn Trãi, người có lẽ là duy nhất mà Lê Lợi
trong sâu thẳm đáy lòng vẫn còn cảm phục về tài năng lẫn nhân cách, được
trả tự do. Màn kịch vừa bi, vừa hài, vừa lạ lùng đã từ từ khép lại.
Có
thể thấy được cái mâu thuẫn nội tâm gay gắt ở Lê Thái Tổ qua lời dặn dò
con là Nguyên Long trong chiếu truyền ngôi khi ông mất (Thái Tổ mất
ngày 22 tháng 8 năm Quí Sửu, tức năm 1433).
“Trẫm
gặp thời tao loạn, dựng nghiệp gian nan, hơn hai mươi năm mới nên
nghiệp lớn, những nỗi đau khổ của nhân dân, thảy đều hiểu hết, những
đường gian nan trong thế sự, thảy đều trải qua, thế mà đến khi lên ngôi,
lòng người thực hay giả, cũng chưa dễ gì tỏ tường, những việc nghi ngờ,
cũng chưa dễ gì phán đoán. Như vậy đạo làm vua không khó ư? Huống chi
con, đương thời tuổi trẻ, nối nghiệp gian nan, nghe biết càng nông, tư
lường chưa thấu. Vậy nên dốc lòng kính cẩn, như giẫm trên băng mỏng vực
sâu, thờ trời đất nên hết lòng, cung phụng tôn miếu nên tròn đạo hiếu,
thân ái anh em, hòa mục tông tộc, cho tới việc đối xử trăm quan và muôn
dân, thảy đều nên nghĩ sao cho phải đạo. Chớ đổi phép cũ của tiên vương,
chớ bỏ cách ngôn của tiên triết, chớ gần thanh sắc mà chuộng tiền tài,
chớ thích đi săn mà ham dâm đãng, chớ nghe lời gièm mà xa người can
thẳng, chớ dùng tân tiến mà bỏ cựu thần…”
Vì muốn
ngai vàng và trong nỗi lo sợ mất nó, Thái Tổ đã làm tất cả có thể: giết
vua Trần Cảo (dù là vua hờ); thực hiện chiêu “hết chim, cất cung tên”,
nghĩa là ban cho những quý tộc, tôn thất, người tài có công trong kháng
chiến tước cao lộc hậu rồi phần lớn cho về “yên hưởng luân thường” chỉ
rất ít được ở lại tiếp tục tham gia triều chính; thực hiện chiêu “thỏ
chết, thịt chó săn”, nghĩa là trừ khử những kẻ tỏ ra cậy công, nghênh
ngang coi thường thiên tử, dễ gây mầm phản loạn; bỏ con trưởng lập con
thứ… Dù có nêu ra đủ lý do, đủ duyên cớ thì Thái Tổ cũng không thể biện
minh được cái ích kỷ đến mù quáng trong việc bức hại, truy sát các công
thần của mình. Dù Thái Tổ không phải là con người có bản chất bất nghĩa,
vô nhân, nhưng những hành xử đó của ông là bất nhân bất nghĩa, không
thể gọi khác đi được.
Sự
đam mê danh lợi trong mỗi con người, một khi đã như con ngựa chứng,
lồng lên bứt đứt dây cương chế ngự của Đức Huyền Diệu, sẽ gây ra những
tai nạn ghê gớm thật không biết đến đâu mà lường!
Khi
dấy nghĩa và dẫn dắt cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thắng lợi rực rỡ,
Thái Tổ là Lê Lợi, vị lãnh tụ quả cảm, được các chiến hữu trong hội thề
Lũng Nhai hết lòng tin theo, xả thân phò tá vì đại nghĩa. Lúc đó, ông
xứng đáng được tôn vinh là anh hùng cứu nước của Dân tộc. Khi ngồi trên
ngôi báu, có cả giang sơn, Lê Lợi là Thái Tổ, một ông vua vị kỷ đến mức
giũ bỏ tình xưa nghĩa cũ, nghi kỵ đến mức độc địa hôn quân, để rồi khi
đã được yên lòng, hả dạ thì lại bỗng thấy hụt hẫng, cô đơn, u uẩn trong
cảnh đời xa vắng. Chính lúc này đây, Thái Tổ không còn là Thái Tổ đắm
đuối ngai vàng nữa, cũng không phải là Lê Lợi khao khát chiến công nữa,
mà chỉ là một con người đau yếu, bệnh tật trước Thiên Thu, bước ra khỏi
vòng danh lợi và tổng kết cuộc đời mình, rút ra bài học gửi gắm lại cho
con mình bằng cái tâm trong sáng nhất.
(Còn tiếp)
------------------------------------------------------
Nhận xét
Đăng nhận xét