Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

TT&HĐ III - 27/c

                                        10 cao thủ võ lâm có thật trong lịch sử Trung Quốc

                                             

                                           5 cao thủ võ lâm nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc


PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG VI: MIỀN ĐẤT VÕ


“Nay con đã khôn lớn và có bản lĩnh hơn người. Hãy xuống núi mà đem tài đức giúp đời giúp người. Con sống xứng đáng thì thầy chết cũng yên lòng”
(Hòa thượng- võ sư Thiện Hoa căn dặn đệ tử. Thiện Tâm, người sau này là thượng tọa Thích Thiện Tánh - tức võ sư Mai Văn Phát)


“Càng sống, tôi càng nhận ra rằng học võ không phải để múa hay, đánh giỏi, hạ nhanh và nhất là để có con rắn đen tự mãn trong máu thịt, mà chính học võ cốt biến được con rắn đen xấu xí kia thành “thanh gươm trí tuệ” chém tan bức màn vô minh, nhìn thấy được thực tướng của sự vật. Môn võ tuyệt thế chính là môn võ để chiến thắng chính mình. Và đó cũng chính là câu chuyện về thánh võ Kadgapa (một trong 84 vị thánh của Tây Tạng) khi người đi tìm môn võ tuyệt thế trong thiên hạ”
(Lời thổ lộ của nữ võ sư Phạm Cô Gia, khi bà đã 90 tuổi)


Tôi không sợ những người đàn ông đã thực hiện 10.000 cú đá chỉ trong một lần, nhưng tôi lo sợ những người đàn ông đã thực hiện một cú đá đến 10.000 lần. (Lý Tiểu Long)

Nên nhớ rằng những cây cứng nhất lại dễ bị nứt nhất trong khi tre hay nứa lại có thể uốn cong theo chiều gió. (Lý Tiểu Long)

 Tôi ghét từng phút giây tôi luyện tập, nhưng tôi đã tự nhủ: “Đừng bỏ cuộc. Chịu đựng nó và ta sẽ sống cả phần đời còn lại như một nhà vô địch”. (Huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali).

 
 

 

(Tiếp theo)

 

                                                  ***

Được vậy là vì khi đó, Trung Quốc bị rợ Bắc xâm lăng, các nhà sư đã đến tiếp cứu Hoàng đế. Họ gồm 13 người và sau khi chiến thắng đều về lại chùa, từ chối ân huệ của Hoàng Đế. Hoàng Đế đã ban thưởng cho chùa Thiếu Lâm bằng cách đó. Khoảng gần một ngàn năm sau, một vị Hoàng đế khác (có lẽ thuộc triều đại nhà Minh) lại cậy nhờ đến chùa Thiếu Lâm. Khoảng 128 vị sư lên đường xông pha vì Hoàng đế. Chiến tranh kết thúc, họ lại quay về chùa và cũng từ chối bổng lộc của Hoàng đế. Theo truyền thuyết thì để tưởng thưởng, Hoàng đế đã ban cho chùa Thiếu Lâm một thanh kiếm báu, một vòng cẩm thạch và một ngọc tỉ. Nghe nói ngọc tỉ này tượng trưng cho quyền lực Hoàng Đế, nghĩa là khi trưng nó ra thì lời nói của kẻ sở hữu nó có quyền lực như mệnh lệnh của Hoàng Đế.
Vài năm sau, quân Mãn Thanh xâm lược đánh đổ triều đại nhà Minh, lập nên triều Thanh. Tỉnh Hồ Nam có tri phủ mới. Tên này thèm muốn những báu vật mà tiên đế đã ban cho chùa, nhất là viên ngọc tỉ, đã tìm mọi cách mong có được nhưng không thành, đâm thù oán, trình tấu giả dối lên nhà vua. Vị Hoàng Đế trẻ tuổi lầm tưởng trong chùa có âm mưu gây biến loạn bèn cho quân lính đến đàn áp. Quân triều đình, nhờ có một sư thoái hóa bị đuổi khỏi chùa, tên là Mã Nhất Phu biết mọi ngóc ngách trong chùa, chỉ vẽ, đã bao vây chặt và đánh thốc vào chùa. Các sư, tăng cố chống cự và chết dần mòn. Vị phương trượng ra mệnh lệnh cuối cùng: “Phải có vài sư sống sót để tiếp nối truyền thống chùa Thiếu Lâm, số còn lại phải hy sinh để bảo vệ cho các vị đó đào thoát”. Cũng theo truyền thuyết thì có 5 vị sư thoát được là Lưu, Hồng, Thái, Lý, Mạc. Sau cuộc tàn sát và đốt phá đó, họ trở lại ngôi chùa và tìm thấy thi hài phương trượng, bên cạnh có cây kiếm gỗ, trên kiếm có dòng chữ viết bằng máu: “Phản Thanh phục Minh”. Năm vị sư đã minh thệ thực hiện theo ý nguyện cuối cùng của sư phụ. Trước khi chia tay đi các nơi tìm kiếm, truyền dạy lớp đệ tử mới cho chùa Thiếu Lâm. Họ qui định mật hiệu nhận ra nhau bằng động tác: nắm tay phải tượng trưng cho ánh mặt trời được bao lại bằng bàn tay trái mở ra, tượng trưng cho mặt trăng. Theo chiết tự, hai bàn tay “nắm - mở” mang ý nghĩa của chữ “Minh”. Năm vị tổ sư đó cũng chính là những người sáng lập ra Thiên Địa hội, một hội kín có tôn chỉ là “Phản Thanh phục Minh”
Trên thực tế, chùa Thiếu Lâm không bị thiêu hủy hoàn toàn, về sau, thời Hoàng đế Khang Hi, đã được trùng tu trên nền cũ, nhưng không còn đóng vai trò là trung tâm Thiền Tông và Võ thuật nữa.
Năm 1908, chủa Thiếu Lâm bị đốt lần nữa. Nhiều tài liệu võ thuật quí giá đã bị tiêu hủy.
Ngày nay, muốn đến thăm chùa Thiếu Lâm, khách du lịch sẽ được tập kết ở làng Thiếu Lâm. Từ đó, tiếp tục đi đến núi Tung Sơn, nơi tọa lạc Thiền viện. Ở khoảng cách khá xa, khách đã có thể thấy cánh cổng lớn quen thuộc trong phim Trung Quốc “Thiếu Lâm Tự”. Trước cửa đầy người bán hàng rong.
Hai bên bậc thang trên bệ cao là hai con sư tử bằng đá, ngày xưa vẫn chào đón các tăng lữ viếng thăm. Phía trong cổng là tượng hai ông hộ pháp bằng đồng, hàm ý về một nơi giàu truyền thống võ thuật. Lòng tôn kính của người Trung Hoa giành cho Đạt Ma sư tổ được biểu hiện bằng pho tượng đồng của vị này ngay trong cổng chùa. Bức tượng mô tả tổ sư đang ngồi thiền theo thế liên tọa, mũi to, mắt lồi, râu quai nón, trông tương phản hẳn với tượng một đệ tử người Hoa ở bên phải.

BodhidharmaYoshitoshi1887.jpg
                       Bồ-đề-đạt-ma, 9 năm diện bích.

 
Kiến trúc kế bên, ngày xưa vốn là nơi ở của phương trượng Chưởng môn, nay dùng đặt hai bệ thờ Đạt Ma sư tổ. Tượng thứ nhất cổ hơn, tạc vào năm 1624, đã trở thành biểu trưng chính thức cho hình đáng vị tổ sư: lông mày rậm với đôi mắt lồi và tia nhìn thấu suốt, áo cà sa che phủ tay nhưng để lộ bộ lông ngực. Phía trước bức tượng khắc nổi trên một phiến đá dày là bức tượng thứ hai, màu đen có hình đáng tương tự, do Hiệp hội Thiếu Lâm Nhật Bản kính tặng vào năm 1980.
Không phải bất cứ học giả nào cũng tin như các tín đồ nhiệt thành người Nhật rằng Bồ Đề Lạt Ma đã có công lớn trong sự phát triển võ thuật Thiếu Lâm. Nhiều cuộc tranh luận đã xảy ra. Phái hoài nghi cho rằng có rất ít chứng cứ trực tiếp chứng tỏ vị tổ sư này đã truyền thụ võ nghệ, thậm chí có người còn nghi ngờ về sự hiện hữu thực sự Lạt Ma sư tổ. Những người bên vực thì bảo rằng chính Dịch Cân Kinh là do Bồ Đề Lạt Ma viết trong thời gian vị này ở chùa Thiếu Lâm, đó là bằng chứng hiển nhiên nhất. Tuy nhiên, hàng nhiều thập niên sau khi Bồ Đề Lạt Ma viên tịch (khoảng năm 535), người ta mới tìm thấy cuốn “Dịch Cân Kinh” này trong một đình thờ (sự thật cuốn này cũng chỉ dạy các phép thở và luyện cơ để cho khí huyết lưu thông mà thôi!)
Những bức bích họa trên hai bức tượng lớn phía trong Thiền viện mới là di sản quan trọng và nổi tiếng nhất của chùa Thiếu Lâm. Chúng được vẽ vào khoảng thời gian từ năm 1640 đến năm 1800. Những bích họa này mô tả những thế võ tuyệt kỹ của Thiếu Lâm Kungfu, do biết bao nhiêu thế hệ sư tăng sáng tạo nên. Bức tường thứ nhất mô tả quyền cước. Hai nhà sư cong ngón tay lại thành “trảo” sử dụng trong “Hổ quyền”. Cặp khác đang áp lòng bàn tay trao đổi khí công. Bức vẽ khác vẽ một cao tăng, có thể là chính Lạt Ma sư tổ đang giao đấu với ba người, một người bị ném sang bên, người thứ hai bị vặn cổ tay trong khi người thứ ba đang tổ chức tấn công từ phía sau. Rồi hình vẽ các vị sư bá, sư thúc đang đứng ở xa quan sát, chỉ dẫn cho chư đệ tử… Bích họa ở tường đối diện mô tả sự luyện tập binh khí gồm thiết bảng, kích, song kiếm, những cao tăng có nước da sẫm màu (có thể là những nhà sư Ấn Độ) đang chỉ dẫn đệ tử tấn công và phòng phủ.
Thiên Phật Tự nằm trên thế đất cao nhất trong chùa Thiếu Lâm. Nhìn từ xa, nơi này chỉ có vẻ như một kiến trúc bình thường với màu xám, sẫm của gỗ, đá, có vẻ kỳ lạ khiến mọi người chú ý, tò mò. Quan sát kỹ sẽ thấy những vết lõm này có kích thước và hình dáng giống như bàn chân người, được xếp thành cặp, thẳng hàng. Đó chính là dấu tích của biết bao nhiêu thế hệ sư tăng, qua biết bao nhiêu năm tháng dậm chân trong khi luyện tập võ nghệ, đã làm mòn đá đi. Đây cũng là nơi trưng bày các bộ sưu tập đao thương bằng thép rèn lắp cán gỗ. Có lẽ số vũ khí này là do các nhà sư chùa Thiếu Lâm đã tịch thu được của kẻ thù từ những trận đụng độ xưa kia.
Một cánh cửa kín đáo ở phía đông Thiền viện dẫn đến một cái sân nhỏ. Ở đó có 200 pho tượng kích thước bằng người thật, mô tả tiến trình phát triển của võ thuật phái Thiếu Lâm Kungfu. Các tượng được xếp thành nhóm xung quanh sân theo chiều kim đồng hồ như một biên niên sử của môn phái, gồm 12 cảnh diễn tả những biến cố quan trọng của ngôi chùa. Không có bảng ghi chú rõ rệt nào về thời gian xảy ra các sự kiện, có lẽ để tránh sự tranh cãi của các học giả. Hai cảnh đầu là sinh hoạt thường nhật của các chư tăng, niệm kinh và nghiên cứu sách vở. Sự tập trung tu hành làm cơ thể họ có vẻ yếu đi, căng thẳng. Vài cảnh kế tiếp là lúc Lạt Ma sư tổ đã đến và khởi xướng việc luyện tập võ nghệ. Các nhà sư được chỉ dạy cách co giãn các bắp thịt và cách thở bằng bụng để dẫn khí lưu thông; những bước luyện tập ban đầu về các bộ tấn, pháp làm nền tảng cho giai đoạn kế tiếp, những đòn quyền sơ khởi cũng được phô diễn ở đây. Quang cảnh bốn mùa được thể hiện tuần tự ở những cảnh tiếp theo; sự luyện tập cần mẫn của chư tăng ngay cả giữa băng tuyết với trình độ quyền cước và các bộ tấn thủ đã được nâng cao, đã mang những nét đặc thù của Thiếu Lâm Kungfu; cảnh các nhà sư được chia thành cặp một để luyện công, thủ. Rồi đến cảnh luyện công, người thì luyện “Hổ du tướng” (bám vào tường cao 4m chỉ bằng đầu ngón tay, chân), kẻ thì đang khổ công với “Kim cương” (thọc đầu ngón tay vào các bao tải đựng hạt đậu). Cảnh sau nữa là thời gian các sư tăng Thiếu Lâm giúp Hoàng Đế Trung Hoa dẹp các tướng lãnh nổi loạn, họ chỉ dùng gậy gộc để chống lại gươm giáo và đã chiến thắng; Thiền viện bắt đầu có kẻ thù và đã phải cắt cử người canh gác. Sự hỏa thiêu chùa Thiếu Lâm được diễn tả ở các cảnh sau: thi thể của chư tăng và lính triều đinh rải rác khắp nơi trong khi những vị sư khác đang cố gắng chiến đấu, tiếp cứu huynh đệ. Quần thể tượng cuối cùng được bày trí như muốn nói rằng Thiếu Lâm Kungfu đã được dùng như nền tảng của võ thuật Trung Hoa hiện tại. Hậu cảnh là một tượng nhà sư Thiếu Lâm cầm gậy với bộ tấn trước các thiếu niên nam nữ không phải giới tu hành đang võ vẽ tập theo như là bức thông điệp: 15 thế kỷ nay, Thiếu Lâm Kungfu vẫn luôn là phương tiện hữu hiệu để tự vệ.
Trung Hoa quả là một đất nước vĩ đại vì không những đã sản sinh ra biết bao nhiêu những thánh hiền, minh triết, với những triết thuyết vừa kỳ bí vừa tuyệt diệu, mà còn sản sinh ra biết bao nhiêu những vị sư phụ, cao đồ có võ học tuyệt luân với những sáng tạo võ thuật thượng thừa, khí công siêu phàm. Các dân tộc phương Đông láng giềng đã học hỏi được rất nhiều từ nền văn hóa của dân tộc Trung Hoa.
Qua câu chuyện về võ nghệ mà chúng ta đã kể ở trên, có thể thấy sự hình thành võ nghệ ở loài người, xét cho cùng, là có nguồn gốc từ sự cố gắng mưu sinh, tự vệ nhằm đảm bảo sống còn. Thế còn đối với muông thú, ở loài động vật hoang dã, chúng có võ không?
Sưu tầm trên mạng, chúng ta đọc được bài "Chọi gà (đá gà)", nội dung như sau:
"Chọi gà (theo cách gọi Bắc) hay đá gà (theo cách gọi miền Nam ) đã trở thành thú vui dân gian từ nhiều thế kỷ. Vì vậy, chọi gà không chỉ là một mục trong trò chơi ngày hội, mà còn là một thú vui chơi thông thường của nhiều người ở đô thị cũng như nông thôn.
Trước cách mạng tháng 8-1945, nhiều "trường gà" đã được thiết lập ở khắp nơi, thu hút đông đảo khách có máu mê ăn thua cờ bạc. Sách vở xưa cũng từng bàn về chọi gà và gà chọi. Từ thế kỷ thứ 13, Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, trong bài hịch tướng sĩ cũng đã từng cảnh tỉnh những ai đắm mình vào thú vui này trong lúc "quốc gia hữu sự":"Cựa gà sắc khôn đâm giáp giặc"…
Ðể có được con gà chọi hay đòi hỏi người phải có công phu và kinh nghiệm, từ việc chọn giống gà, gây giống, xem tướng gà, nuôi dưỡng, luyện tập v.v... Câu ngạn ngữ "Gà tại nó, chó tại ta " ý là gà trước hết phải là gà giống, rồi mới đến kết quả công rèn luyện. Hoặc "chó giống cha, gà giống mẹ" ...
Ở miền Bắc, có những địa phương cung cấp giống gà nổi tiếng như Ðình Bảng, Yên Phụ (Bắc Ninh), Thổ Hà (Bắc Giang), Tây Phương (Hà Tây), Nghĩa Đô, Nghi Tàm (Hà Nội). Ở Nam bộ có gà Cao Lãnh (Ðồng Tháp), Bà Ðiểm (TP Hồ Chí Minh), Bà Rịa…
Chọi gà là thú vị dân gian có sức thu hút đông đảo quần chúng rất nhanh, còn việc chăm sóc, chọn lọc, nuôi dưỡng huấn luyện gà thì lại thuộc về một tầng lớp người có có điều kiện. Trong chiều sâu tâm tưởng của nhiều người, trò chơi chọi gà có thể vừa mang tính giải trí, vừa là một hình thức nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng đã từng tồn tại trong một thời gian khá dài trong các hội làng xưa".
Đi xem chọi gà, quan sát hai con gà chọi nhau, chúng ta thấy gì? Thấy chúng không phải gặp nhau là xông vào “đấu đá” túi bụi một cách mù quáng cho đến chết, mà chúng cũng biết “gầm ghè”, thủ thế, lừa thời đánh trúng mục tiêu, chọn kiểu đánh nào (mổ hay đá, đánh tạt ngang, dưới lên hay trên xuống…) và cũng biết né tránh, biết gan lỳ chịu trận hay thấy thua bỏ chạy, có con đá rất hay, nổi tiếng trong giới “võ lâm” và có con cũng rất dở. Xét riêng về hiện tượng thôi thì có thể cho rằng mọi con gà chọi đều có “võ” và chúng chọi nhau một cách có đòn thế võ thuật, được không? Tạm cho là được đi, thì chúng học võ nghệ từ lúc nào? Có thể thấy rằng khả năng “võ nghệ” của một con gà chọi đã thể hiện ra ngay từ trận đầu “chiến đấu” và quá trình “học hỏi” của nó qua mỗi trận đấu hầu như là không có, mà trước đó nó cũng chẳng được ai dạy cả, những trận đấu thử may ra chỉ là sự tập dợt, ôn luyện lại. Nhưng ôn luyện cái gì nếu chưa có học? Vậy có thể nào cho rằng những con gà chọi đã ôn luyện những “thế võ” mà chúng đã “học” được từ tổ tông bằng con đường di truyền sinh học? Và có lẽ như thế nên dân gian vẫn thường cố “lấy giống” để duy trì giống nòi những con gà chọi hay, chọi giỏi? Không thể phủ nhận là trước sự chuyển biến của đối phương, một con gà chọi giỏi sẽ biết lựa chọn “cước pháp”, nghĩa là biết lựa chọn cách đánh mà nó cho là phù hợp. Đó là lý trí hay bản năng? Thật nực cười nếu cho rằng đó là lý trí! Nhưng cũng nực cười không kém nếu cho rằng con gà chọi là một cái máy đã được lập trình sẵn! Vậy thì phải hiểu thế nào về hiện tượng chọi gà, một trò chơi được hàng ngàn thế hệ của biết bao nhiêu con người phương Đông say mê và trong đó đã không ít kẻ khuynh gia bại sản vì trò chơi đó?! Trò chơi đó có tính trí tuệ hay không trí tuệ, chỉ là may rủi đơn thuần? Thiết nghĩ trò chơi chọi gà (đá gà) ăn tiền đến mức sát phạt thì nên cấm, còn thì không nên cấm.
(Còn tiếp)
-----------------------------------------------------------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét