Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

TT&HĐ III - 27/f

                                         Chuyện Lão võ sư Phan Thọ - Tây Sơn Bình Định                        

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG VI: MIỀN ĐẤT VÕ


“Nay con đã khôn lớn và có bản lĩnh hơn người. Hãy xuống núi mà đem tài đức giúp đời giúp người. Con sống xứng đáng thì thầy chết cũng yên lòng”
(Hòa thượng- võ sư Thiện Hoa căn dặn đệ tử. Thiện Tâm, người sau này là thượng tọa Thích Thiện Tánh - tức võ sư Mai Văn Phát)

“Càng sống, tôi càng nhận ra rằng học võ không phải để múa hay, đánh giỏi, hạ nhanh và nhất là để có con rắn đen tự mãn trong máu thịt, mà chính học võ cốt biến được con rắn đen xấu xí kia thành “thanh gươm trí tuệ” chém tan bức màn vô minh, nhìn thấy được thực tướng của sự vật. Môn võ tuyệt thế chính là môn võ để chiến thắng chính mình. Và đó cũng chính là câu chuyện về thánh võ Kadgapa (một trong 84 vị thánh của Tây Tạng) khi người đi tìm môn võ tuyệt thế trong thiên hạ”
(Lời thổ lộ của nữ võ sư Phạm Cô Gia, khi bà đã 90 tuổi)

Tôi không sợ những người đàn ông đã thực hiện 10.000 cú đá chỉ trong một lần, nhưng tôi lo sợ những người đàn ông đã thực hiện một cú đá đến 10.000 lần. (Lý Tiểu Long)

Nên nhớ rằng những cây cứng nhất lại dễ bị nứt nhất trong khi tre hay nứa lại có thể uốn cong theo chiều gió. (Lý Tiểu Long)

 Tôi ghét từng phút giây tôi luyện tập, nhưng tôi đã tự nhủ: “Đừng bỏ cuộc. Chịu đựng nó và ta sẽ sống cả phần đời còn lại như một nhà vô địch”. (Huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali).

 
 

 

(Tiếp theo)

 

                                                                              ***

Người ta vẫn cho rằng khí công được rút tỉa ra từ Yoga và người thực hiện hành động đó là Đức Phật Thích Ca. Chứng cứ là về thời gian ra đời thì Yoga xuất hiện sớm hơn khí công nhiều. Chúng ta không hoàn toàn nhất trí bởi ngay cả Đức Phật Thích Ca cũng chỉ tồn tại ở dạng huyền thoại nhiều hơn là sự thực lịch sử. Trong tranh luận tôn giáo và cả trong tranh luận lịch sử về những sự kiện có tính mở đầu nguồn gốc của một hiện tượng nào đó, thường nhiều học giả vì danh dự của giáo phái mình, của dân tộc mình đã tùy tiện nâng khống tuổi của sự kiện lên cho nó “già” hơn sự kiện của giáo phái khác, của dân tộc khác. Ngay bản thân chúng ta cũng mắc phải bệnh này và vì thế, chúng ta cho rằng Yoga và khí công là hai nhánh khác nhau xuất phát từ một gốc chung tạm gọi là khí công Mẫu - La, trong nền văn minh Đại lục Mẫu. Thâm chí chúng ta còn quan niệm rằng Yoga thủa ban đầu là con đẻ của khí công. Sau này hai nhánh ấy, trong quá trình phát triển tương đối độc lập đã biểu hiện ra những nét đặc thù. Tuy vậy chúng đã từng giao lưu học hỏi lẫn nhau; tiếp thu và cũng loại trừ nhau trên quan niệm dù cốt lõi là thống nhất nhưng cũng đã mang nhiều dị biệt của mỗi trường phái…
Đến thời kỳ biển thoái, cuộc sống con người ở vùng Bắc Bộ - Việt Nam lại bước vào chu kỳ “rộn ràng”, đổi mới. Một nền văn minh kế thừa văn minh Hòa Bình xuất hiện. Đó là thời kỳ Kinh Dương Vương cùng “bầu đoàn thê tử” từ phương bắc kéo xuống. Một cộng đồng xã hội gồm nhiều cộng đồng thành phần bắt đầu hình thành và tiếp theo quá trình ấy là xuất hiện nền văn hóa Văn Lang, kèm theo nền võ học của nó dần lộ diện. Nhờ có nền võ học ấy mà sau này Phù Đổng Thiên Vương mới có thể “múa” được roi sắt (có sách nói là gươm sắt, nhưng “công nghệ” thời đó không biết đã rèn ra được gươm sắt chưa khi đang thời kỳ đồ...đồng?), mới có thể nhổ cả bụi tre ngà lên làm vũ khí đánh tan giặc Ân!...
Thoát thai từ nền võ học Văn Lang, và qua giao lưu học hỏi cái hay, cái đẹp từ nền võ học mà đại diện tuyệt vời của nó là Thiếu Lâm Kungfu Ngũ Hình Quyền, một nền võ học thứ hai xuất hiện và là nền tảng của võ học Việt Nam lúc đó, đó là võ học Đại Việt. Nền võ học Đại Việt cùng với người anh em ruột thịt của nó là nền nghệ thuật quân sự Đại Việt, đã làm rạng danh non sông đất nước Việt, dân tộc Việt.
Do nhiều nguyên nhân lịch sử mà vào thế kỷ XVIII, Bình Định trở thành “miền đất võ”. Có thể nói Bình Định thời bấy giờ đã là nơi hội tụ của nhiều trường phái võ như võ Tàu, võ Chăm, võ Khơme… và trên cơ sở lấy võ Đại Việt làm trung tâm, một trào lưu võ học mới ra đời, đóng vai trò như nền tảng võ học Việt Nam ngày nay.
Con người đã có mặt từ rất lâu trên dải đất duyên hải Trung Bộ - Việt Nam. Trước công nguyên, trên dải đất này ít ra cũng có một nền văn hóa gọi là văn hóa Sa Huỳnh (xấp xỉ cùng thời với văn hóa Đông Sơn ở Bắc Bộ). Cư dân Sa Huỳnh thời đó đã đạt đến giai đoạn phát triển sơ kỳ đồ sắt, có công cụ, khí giới bằng sắt, đã biết làm đồ gốm bằng bàn xoay, và đã làm nông nghiệp trồng lúa nước. Quá trình phát triển, quần tụ và hội nhập dân cư đã dần dần làm xuất hiện dân tộc Chăm cùng với nền văn hóa Chămpa. Nền văn hóa Chămpa chủ yếu vẫn là nền văn hóa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nhưng chịu ảnh hưởng rất sớm và rất mạnh từ nền văn hóa Ấn Độ. Và cũng từ rất sớm, khoảng thế kỷ I-II sau công nguyên, người Chăm đã tạo dựng nên một vương quốc có nền văn hóa Chăm độc đáo và rực rỡ, gọi là vương quốc Chămpa (ta quen gọi là nước Chiêm Thành).
Quân đội của nước Chiêm Thành được duy trì khá mạnh và cũng khá thiện chiến, nhiều lần lấn Nam phá Bắc và vào thời cực thịnh, đã từng ngự trị một khu vực lãnh thổ khoảng từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Dân tộc Chăm, cũng như dân tộc Việt, chắc chắn phải có một truyền thống võ thuật không kém phần tinh tế và đặc sắc. Những bức chạm khắc biểu hiện đầy tinh thần thượng võ còn lưu lại đã nói lên điều đó.

van-hoa-viet-dau-xua-binh-dinh-mien-dat-vo-troi-van
               Võ Chiêm Thành (Chăm) cũng từng sôi nổi một thời, là một giai đoạn lừng lẫy của võ dân tộc.
Đất Bình Định xưa, thời Trịnh - Nguyễn, thuộc tỉnh Quảng Nam. Chuyện kể rằng sau khi đánh tan quân Cảnh Thịnh, chiếm được thành Hoàng Đế, Nguyễn Ánh đặt tên lại là Bình Định.
Vùng tỉnh Bình Định ngày nay (với tỉnh lị là thành phố Qui Nhơn), vào thế kỷ X, khi Chiêm Thành cho xây thành Đồ Bàn và đặt kinh đô ở đây, trở nên sôi động như một trung tâm văn hóa - thương mại.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân dẫn binh đi chinh phạt Chiêm Thành, đánh chiếm được thành Đồ Bàn. Từ đó Chiêm Thành suy yếu hẳn. Tuy nhiên, vùng cảng Thị Nại (Qui Nhơn) vẫn là nơi giao thương nhộn nhịp. Đến thời Trịnh - Nguyễn, Bình Định trở thành một trong những vùng thuộc trung tâm kinh tế giàu có nhất Đàng Trong.
Thời Tây Sơn, Chiêm Thành chỉ còn là một cát cứ nhỏ hẹp mang tính hình thức (của Bà chúa Chăm?) mà ở phía Bắc, Bình Định được coi như vùng giáp ranh. Từ khi thuộc Đàng Trong dưới sự cai quản của chúa Nguyễn, nơi đây trở thành đích đến của dân tứ xứ, đủ hạng, kể cả đám lục lâm, hải tặc…
Theo các nhà nghiên cứu võ học, trước thế kỷ XVIII ở Bình Định đã có những môn phái võ hoạt động, nhưng chỉ tới khoảng những năm cuối của nửa đầu thế kỷ XVIII, hoạt động võ thuật ở đây mới bắt đầu trở nên sôi nổi và đặc biệt rầm rộ dưới trào Tây Sơn. Trong dòng người tìm đến định cư ở miền đất này, có một số võ sư nổi tiếng Bắc Hà và cả những võ sư danh tiếng từ Trung Quốc sang. Chẳng hạn như võ sư Trương Văn Hiến từ xứ Thanh Nghệ, mở lớp dạy võ ở An Thái (An Nhơn), đã là người đào tạo phần lớn những người chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn. Ngô Mảnh là một võ tướng tài ba của tập đoàn nhà Nguyễn. Bất mãn với triều đình, ông cùng cháu nội vào Bình Định. Ông là thầy dạy võ cho Bùi Thị Xuân – người sau này trở thành nữ đô đốc duy nhất của triều đại Tây Sơn. Hay như võ sư Diệp Kim Tòng từ Phúc Kiến (Trung Quốc), võ sư Đinh Văn Nhưng (có cha là người Ninh Bình phiêu dạt đến Bằng Châu - An Nhơn) đều là những người đã từng dạy võ cho anh em Tây Sơn…  
 Chùa chiền Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp văn hóa phật giáo của Trung Quốc và Ấn Độ. Các thời Đinh, Lê, Lý, Trần đều có nhiều nhà sư là võ sư. Võ nhà chùa nhưng không phải là Thiếu Lâm của Trung Hoa truyền vào, mà là võ cổ truyền xưa của Việt Nam. Loại võ này có tính quy phạm, có võ lý gần nhà chùa với đời thường, cho nên đã lưu truyền rộng rãi trong dân gian từ đời này sang đời khác. Tại nơi đây, thường xuyên có vài chục thanh thiếu niên (cả nam lẫn nữ ) đến tập luyện những môn võ nghệ cổ xưa. Võ chùa cũng góp phần làm nên những môn phái võ cổ truyền độc đáo của Bình Định.
Có thể nói là vào nửa sau thế kỷ XVIII, trong sự giao thoa giữa các võ phái đã tồn tại từ trước và du nhập đến, giữa võ Đại Việt, võ Tàu, võ Chăm…, và trước yêu cầu cấp bách phục vụ chiến đấu của khởi nghĩa Tây Sơn, tại đây đã kết tinh, hun đúc nên, làm xuất hiện dòng võ Tây Sơn rất đặc sắc, rất mạnh, với những đòn đánh hiểm hóc, thế đánh biến hóa thần kỳ, dứt điểm nhanh chóng.
Dưới triều Gia Long, võ Tây Sơn bị cấm, nhất là đối với các môn: kỳ (cờ), cổ (trống), kiếm, đao. Việc cấm kiếm, đao, nói chung là cấm các binh khí kim loại (và cấm luôn cả việc tàng trữ chúng) thì dễ hiểu rồi, thế còn sao phải cấm cả cờ, trống? Cấm cờ, trống là sợ gợi nhớ về Tây Sơn. Chúng ta biết dòng võ Tây Sơn có môn gọi là Võ trận, tập luyện đánh theo hiệu cờ và nhịp trống, rất hào hùng (ngày nay nếu ai đó chỉ cần nghe một bài trống nổi lên thôi đã thấy lòng thúc giục rồi, huống hồ…!!).
Tuy bị cấm nhưng võ Tây Sơn vẫn được lưu truyền ngấm ngầm trong lòng dân gian, phân tán vào các làng quê, được truyền thụ theo lối cha truyền con nối (gọi là võ gia truyền), ẩn dật trong các ngôi chùa. Thời kỳ này võ Tây Sơn vẫn được tiếp tục nghiên cứu, phát triển, làm xuất hiện những chi phái, và dòng võ Tây Sơn với những chi phái đó được gọi chung là võ Bình Định. Ngoài 18 môn binh khí truyền thống phương Đông, võ Bình Định còn có nhiều môn công cụ đặc dị, trong đó nổi tiếng nhất là quyền chiến và roi chiến. Hệ thống kỹ thuật chiến đấu này được hình thành từ thời Tây Sơn do yêu cầu phải huấn luyện cấp tốc cho nghĩa quân. Hai môn này không có những bài thảo như thường lệ mà bao gồm một số đòn thế được sắp xếp lại theo một ý đồ chiến thuật được gọi là đường quyền, đường roi, học một đường thì chỉ sử dụng được một đường, không cần phải thành thạo hết những kỹ thuật cơ bản. Do đòi hỏi của bản thân võ thuật cũng như yêu cầu phải triệt hạ nhanh đối phương trong chiếu đấu của một xã hội ở thời kỳ chiến tranh khốc liệt và loạn lạc, nhất là về sau này những môn võ sử dụng binh khí kim loại như đao, kiếm bị cấm ngặt, nên hai môn này đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều đòn thế hiểm, độc xuất hiện, những kỹ thuật tấn công nhằm vào các yếu huyệt, quăng quật, khóa khớp, bẻ khớp, rút gân, nhất là điểm huyệt định giờ (đối phương khi bị trúng đòn sẽ chết trong khoảng thời gian do người đánh ấn định)… cũng được sáng tạo ra.
Do mức độ quá nguy hiểm của nó nên các võ sư trước đây rất thận trọng trong khi truyền thụ vì nếu kẻ vô đức, bạo liệt lĩnh hội được thì thật khó lường. Những tuyệt kỹ ghê gớm thuộc loại này, ngày nay đã bị thất truyền do tính sát thương hiểm độc cao độ của chúng.
Có một loại quyền pháp đặc dị của võ Bình Định mà chúng ta đã kể gọi là Kê quyền (võ gà) tương truyền do Nguyễn Lữ sáng tạo ra khi quan sát các trận đá gà, mang nhiều nét phảng phất kiểu gà đá nhau bằng cựa, những cú mổ bằng mỏ vào nơi hiểm yếu, những cú quạt cánh… Một trong những đặc trưng của quyền chiến Bình Định là đòn đánh xoay. Những đòn đá xoay, đấm xoay phối hợp với thân pháp di chuyển theo kiểu làn sóng, thoạt cao thoạt thấp, từ trên ập xuống, từ dưới bật lên, thường làm cho môn đồ của những võ phái khác kinh ngạc vì bất ngờ.
Roi chiến Bình Định thật ra là một biến thể của côn pháp. Điểm khác biệt chính của roi và côn là đánh côn thiên về dụng lực, xả nhiều mà ít đâm, còn khi đánh bằng roi thì thiên về tốc độ, ít xả mà thường đâm nhiều bằng cả đầu roi và đốc roi. Thân roi có thể bằng mây hay những loại gỗ chắc và dai. Ở Bình Định, roi thường làm bằng một loại tre to cỡ cổ tay, mọc nhiều tại đây. Roi tre được bịt đồng ở hai đầu để chống dập. Người xưa thường chọn tre làm roi chiến vì có lợi là dễ kiếm, nhẹ nhưng chắc và dẻo, khi đánh đụng vật cản thì có sức bật trở lại dễ biến đòn, dùng roi quá nặng hoặc cứng quá bị tốn lực do thiếu tính đàn hồi, khi đánh ra gây hiện tượng chìm đòn. Cây roi, chỉ cần gắn đầu nhọn vào sẽ trở thành giáo mác, lợi hại vô cùng. Có trường hợp người ta đào cả gốc tre, đóng đinh vào, sử dụng như trùy. Xưa kia, cá biệt, những người có thần lực, vác cả bắp cày đánh như roi, có thể làm bật cả bụi tre, sập cả nhà. Muốn sử dụng roi chiến thành thạo phải có thân pháp cực nhanh, đòn đánh ra phải như chớp giật, luyện tập công phu có thể dùng roi đâm xuyên bao cát.
Picture21.jpg 
                         Võ sư Hồ Ngạnh (1891 – 1976)
Còn một đặc trưng nữa của võ Bình Định là phép dùng lực. Người Việt vốn nhỏ con, yếu sức mà trong giao chiến thường phải lấy nhỏ chống lớn, yếu địch mạnh, nên phương châm của võ Bình Định là mưu chước và sự lanh lẹ để bù đắp nhược điểm về thể trạng. Trong thực tế chiến đấu, võ Bình Định không dùng sức chọi sức mà nương theo đòn đánh của đối phương, tập trung sức mạnh đột kích vào những chỗ sơ hở, nhằm tạo thế đánh dứt điểm. Nếu như Thiếu Lâm võ phái chú trọng lấy động chế tĩnh, đòn thế cương mãnh; Võ Đang võ phái chú trọng lấy tĩnh chế động, đòn thế nhu nhuyễn, thì ở võ Bình Định lại chủ trương lấy động chế động, đòn thế phát ra theo lối nhu kình “cứng tối thiểu, mềm tối đa”, cơ bắp luôn thả lỏng, chỉ căng cứng chốc lát đúng lúc va chạm mục tiêu.
Trong võ Bình Định, cũng không thể thiếu rèn luyện khí công. Khi võ sinh đã đạt đến trình độ cao thì được truyền dạy môn khí công nhằm hoàn thiện thể chất và tinh thần, cũng như để đủ khả năng thi triển được những kỹ thuật đặc dị, siêu phàm.
Có một ý lóe lên trong đầu chúng ta thế này: ở con người Nguyễn Huệ, thiên tài quân sự là sự thăng hoa từ năng khiếu võ thuật bẩm sinh, cùng với bộ não tinh nhạy, thông sáng đã nhận ra được để rồi thấm nhuần được những giáo huấn trác tuyệt của truyền thống binh pháp dân tộc Việt, ẩn chứa tiềm tàng trong tư tưởng của nền võ học Đại Việt mà dòng Võ Tây Sơn và sau đó là Võ Bình Định kế thừa một cách xuất sắc và đầy sáng tạo.
(Còn tiếp)
---------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét