Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

TT&HĐ III - 28/a

                             Tội Ác Của Thực Dân Pháp & Những Tên Giáo Sĩ Công Giáo

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.


CHƯƠNG VII (XXVIII): BẤT KHUẤT

“… Tinh thần Hà Nội, tính cách Hà Nội - đó là tổng hợp tất cả những gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn Việt Nam cao quí… Hà Nội khởi dậy từ trong lòng mình sức trẻ mới của một xã hội đang đi lên kết hợp với truyền thống nghìn xưa quyện trong không khí mà mỗi tấc đất đều thấm máu anh hùng của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”
(Trích xã luận báo Nhân Dân, số ra ngày 26-12-1972)
 
"Khi ai hỏi đến tác phẩm lớn nhất của dân tộc mình, công trình kiến trúc vững nhất của giống nòi mình, người Việt có thể kiêu hãnh đáp rằng : «Đó là lãnh thổ mà bao nhiêu đời dân Việt đã góp công sức tạo thành và không ngừng nghỉ điểm tô». Đó là chứng chỉ cụ thể và hùng hồn nhất của cái tinh thần bất khuất, đó cũng là cái văn bằng xứng đáng hơn hết của óc sáng tạo thiên tài.
(...) 
Có lẽ chúng ta sẽ công bình hơn khi nói rằng trí thức Việt còn có nhiều người thông minh đến độ lỗi lạc tuyệt vời, và nhiều người sống rất đam mê lý tưởng, không ngừng hy sinh cho sự tồn tại, vươn cao của dân tộc họ. Chúng ta, dù ở quốc gia nào khác, cũng nghiêng mình trước họ, vì họ là niềm kiêu hãnh của một giống nòi."
(Trích "Người Việt cao quý" - Chương V - tác giả A. Pazzi)
 
"Đối diện với quân đội Mỹ là cả một dân tộc kiên quyết như quả núi đá, có một tâm hồn cao thượng đáng khâm phục, một tinh thần dũng cảm vô song, không hề biết sợ trước bất cứ kẻ thù nào".
(Báo Thế Giới (Le Monde) của Pháp)
 
 
 
Năm 1802, Nguyễn Ánh đặt niên hiệu là Gia Long, sai Lê Quang Định làm chánh sứ sang nhà Thanh xin phong vương và đổi tên nước thành Nam Việt. Thế là năm Giáp Tý (1804), vua Thanh phái Án sát Tề Bồ Sâm sang phong vương cho Gia Long và định tên nước ta là Việt Nam (ngược lại với từ mà Ánh đã “xin”!)
Dưới triều Nguyễn Ánh, Phú Xuân (Huế) vẫn là kinh đô và Thăng Long vẫn là thủ phủ của Bắc Hà gồm 11 trấn. Năm 1803, Gia Long cho phá bỏ Hoàng Thành cũ, xây dựng lại một tòa thành mới theo kiểu Vô băng (Vauban), có qui mô nhỏ hơn. Trấn thành Thăng Long đời Nguyễn hình vuông, chu vi 1285 trượng (khoảng 5 km). Tường thành cao hơn một trượng (khoảng 4 m), dày 4 trượng (khoảng 16 m), phía dưới xây bằng đá xanh, đá ong, phía trên bằng gạch hộp. Thành mở 5 cửa: bắc, đông, tây, đông-nam và tây-nam. Chung quanh thành có hào nước rộng chừng 4 trượng (16 m). Bên trong thành, chính giữa có Kính Thiên vẫn ở vị trí cũ. Phía trước điện Kính Thiên là cửa Đoan Môn cũng thuộc Hoàng Thành cũ. Núi Nùng vẫn còn đó. Cụm kiến trúc Phủ Chúa bị phá hủy và vùng quanh hồ Hoàn Kiếm nhanh chóng thành khu dân cư đông vui. Nhìn chung các kiến trúc văn hóa xây dựng thêm trong thời kỳ này không có mấy. Khu văn miếu không còn Quốc Tử Giám, phạm vi bị thu hẹp lại, chỉ còn là nơi thờ Khổng Tử; có điểm thêm một “Khuê Văn Các” xây năm 1802. Năm 1808, nhà Nguyễn mở khoa thi đầu tiên ở Hà Nội; dựng Trường thi Hương dài 200 m, rộng 150 m (chỗ sau này là Thư viện Trung ương, trên phố Tràng Thi). 
Năm 1812, Cột Cờ (Kỳ Đài) được dựng nên, chu vi bệ 42 m, đài cao 60 m, phần mái lúc đầu chưa có, sau mới được Pháp xây thêm. Năm 1842, Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Đăng Giai quyên tiền các tỉnh xây dựng chùa Báo Ân trên nền lầu Ngũ Long cũ, bốn năm mới xong. Chùa Báo Ân gồm một cái nền lớn, hai tầng, trên nền dựng 36 nóc chùa, rộng tổng cộng 180 gian. Từ chùa ra hồ Gươm, qua mấy lần cửa. Vì quanh chùa có hồ sen nên còn gọi là chùa Liên Trì. Năm 1848, tại Hà Thành có một sự kiện “dễ giận”): vua Tự Đức sai tháo gỡ các bức chạm gỗ và đá của Thăng Long, đem vào Huế. Cũng dưới trào vua này, còn có sự kiện: Nguyễn Văn Siêu (cùng với Cao Bá Quát là hai văn nhân tiêu biểu của Hà Nội thời đó mà tài “hay chữ” được tôn vinh là: “Thần Siêu”, “Thánh Quát”) đứng ra tu sửa đền Ngọc Sơn (1865), bắc cầu Thê Húc, dựng Tháp Bút, xây Đài Nghiên, và sự kiện: tổng đốc Hà Nội là Tôn Thất Bật cho trùng tu lại chùa Báo Thiên.
Báo Thiên Tự, tên đầy đủ là Sùng Khánh Báo Thiên Tự, từng là một ngôi chùa cổ kính, tráng lệ, đồ sộ vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Hoàng đế Lý Thánh Tông vừa lên ngôi, đã cho xây dựng chùa vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057), và cho đúc một quả đại hồng chung nặng 1 vạn 2 ngàn cân ta (tức 7.260 kg) đặt trong chùa. Chùa có Đại Thắng Tư Thiên tháp (còn gọi là Tháp Báo Thiên) là một trong An Nam tứ đại khí. , có tầng trên cùng dát đồng, được xây dựng một năm sau khi chùa được xây xong. Chùa tọa lạc tại thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương, (xưa gọi là phường Báo Thiên), gần hồ Lục Thuỷ (hồ Gươm), bên ngoài thành Thăng Long. Khu vực này ngày nay là phố Nhà Chung, nơi có Nhà thờ Lớn Hà Nội, Tòa khâm sứ cũ, cùng nhiều trụ sở Công giáo khác. Suốt hai triều Lý-Trần gần 400 năm, chùa Báo Thiên là một ngôi quốc tự nổi tiếng của kinh đô Thăng Long. Năm 1427, trong thời thuộc Minh, khi quân Minh bị vây trong thành Thăng Long cố thủ để chờ quân tiếp viện, đã đến chùa, tốc chóp tháp đồng, nấu chảy đại hồng chung và tất cả những gì bằng đồng để làm vũ khí chống lại nghĩa quân Lam Sơn.
Tháp Báo Thiên cao 20 trượng, gồm 12 tầng, ngọn bằng đồng hình tựa ngọn núi, cao chót vót trên nền trời Thăng Long. Tháp được xếp vào một trong bốn Đại Nam Tứ Khí, bốn vật báu của đất nước; mà ba (kiến trúc điêu khắc) qúi giá khác là chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, và chuông Quy Điền. Sự tích tháp Báo Thiên đã được hai danh sĩ Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án viết như sau trong sách Tang Thương Ngẫu Lục:

“Cây Tháp Đại Thắng Tư Thiên tại chùa Báo Thiên dựng từ đời vua Lý Thái Tông (1054-1072). Tháp này xây 12 tầng, cao mấy chục trượng … Khoảng năm Tuyên Đức nhà Minh, Đức Thái Tổ Hoàng đế tiên triều [Lê Lợi] tiến binh vây Đông Đô. Viên quan giữ thành là Thành-sơn-hầu Vương Thông phá hủy cây tháp [lấy vật liệu] chế ra sung đồng để giữ thành [1414]. Tiên triều nhân nền cũ, đắp các núi đất phủ lên trên … Năm Giáp dần [1791] lại cho đào lấy những gạch đá ở nền tháp cũ để tu bổ thành lũy Thăng Long. Khi phá nền tháp thấy có tám pho tượng Kim Cương chia ra đứng bốn cửa, ngoài ra còn có tượng người tiên, chim muông, cả đến những giường ghế, chén bát, các thứ lặt vặt khác không kể xiết, toàn bằng đá.

Những hòn gạch hoa, hòn nào cũng thấy khắc những chữ “Lý gia đệ tam đế, Long thụy Thái Bình [1054-1058], tứ niên tạo,” tức là “Đúc trong năm thứ tư niên hiệu Long thụy Thái Bình đời vua thứ ba triều nhà Lý.”

Tháp Báo Thiên - một trong An Nam tứ đại khí. Ảnh: internet 

    Tháp Báo Thiên - một trong An Nam tứ đại khí. Ảnh: internet 

 

Tháp Báo Thiên đã bị dỡ bỏ từ năm 1794 do hư hại quá nặng. Nhưng hồn vía của nó vẫn thức tỏ trong lòng người đến muôn đời như một ngọn hải đăng huyền vĩ, qua bài thơ của Phạm Sư Hạnh đời Trần:
                              Trấn áp đông tây củng đế kỳ
                              Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy
                              Sơn hà bất động Kình Thiên trụ
                              Kim cổ nan ma lập địa chùy
                              Phong bãi chung linh thời ứng đáp
                              Tinh di đang chúc dạ quang huy
                              Ngã lai dục thử đề danh bút
                              Quản lĩnh xuân giang tác nghiễn trì.
                                                      (Đề Báo Thiên tháp)
Đào Thái Tôn dịch:
                              Trấn áp đông tây giữ đế đô
                              Hiên ngang ngọn tháp đứng trơ trơ
                              Non sông giữ vững tay trời chống
                              Kim cổ khôn mòn đỉnh tháp nhô
              Thỉnh thoảng gió lay chuông ứng đáp
                              Đêm đêm sao xế đuốc khôn mờ
                              Tới đây những muốn dầm ngòi bút
                              Chiếm cả dòng sông mài mực thơ
 
Nhà thơ Vô Ngã Phạm Khắc Hàm thoát dịch như sau:
 
ĐỀ THÁP BÁO THIÊN
 
Trấn áp đông tây giữ đế kỳ
Một mình cao ngất tháp uy nghi
Chống trời cột trụ non sông vững
Sừng sững ngàn năm một đỉnh chùy
Chuông khánh gió đưa vang đối đáp
Đèn sao đêm đến rực quang huy
Đến đây những muốn lưu danh tính
Mài mực sông xuân viết ngẫu thi.
 
Năm 1831, Minh Mạng cải tổ lại bộ máy hành chính, bỏ các trấn chia cả nước thành 29 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội gồm thành Thăng Long cũ, huyện Từ Liêm, phủ Ứng Hòa, phủ Lý Nhân, phủ Thường Tín.
Năm 1835, Minh Mạng ra lệnh hạ thấp thành Hà Nội, giảm bớt chiều cao 1 thước 8 tấc (0,73 m), nghĩa là tường thành chỉ còn cao hơn 3 m.
Như vậy Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn đã không những mất vai trò là kinh đô cả nước mà còn bị hạ thấp từ trấn thành xuống tỉnh thành và qui mô cũng bị thu hẹp lại. Hà Nội thời Nguyễn với hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận gồm tương ứng với nội thành Hà Nội ngày nay; Thọ Xương tương đương với quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, Vĩnh Thuận tương đương với quận Ba Đình, và Đống Đa.
Một học giả ngoại quốc, J.Silvestre đã nhận xét về Hà Nội vào khoảng giữa thế kỷ XIX như sau: “Mặc dù không còn là nơi vua chúa ở nữa, tôi cho rằng đó vẫn là một thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, công nghiệp, thương nghiệp, về sự giàu có, số dân đông đúc, về sự lịch duyệt và học vấn. Phải nói rằng trong khắp vương quốc, không có ngành công nghiệp nào khác ngoài Kẻ Chợ và tất cả Bắc Kỳ, Nam Kỳ, không nơi nào vượt qua được nơi này. Chính ở đó đã tụ tập từ các nơi về những văn nhân, thợ giỏi, nhà buôn lớn, chính ở đó đã sản xuất ra các mặt hàng thiết yếu và những đồ mỹ nghệ xa hoa. Tóm lại, đó chính là trái tim của một đất nước”.
Miền đất Hà Thành không còn cảnh đường bệ, uy nghi của đế đô nhưng vẫn còn nguyên cảnh nhộn nhịp làm ăn của Kẻ Chợ.
 
***
Bản chất của kẻ xâm lược là thèm khát đến vô bờ bến, là ngạo mạn đến hết cỡ vô liêm sỉ. Một cuộc xâm lược, nếu không có gì ngăn trở nó, nó sẽ chiếm đoạt, đô hộ và cướp bóc đến cùng kiệt nơi mà nó xâm chiếm. Những cuộc xâm lược thời tích lũy tư bản, thời thực dân - đế quốc, thể hiện càng rõ cái bản chất tham lam vô nhân đạo ấy. Điều đó giải thích vì sao dã tâm của thực dân Pháp không phải là chỉ chiếm đoạt 3 tỉnh, hay 6 tỉnh Nam Kỳ, cũng không phải chỉ một nước Việt Nam, mà là cả bán đảo Đông Dương và thậm chí còn muốn hơn thế nữa.
Sau khi chiếm được Nam Kỳ, Thực dân Pháp rục rịch chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm Bắc Kỳ. Tháng 1-1872, lợi dụng việc triều đình Huế nhờ quân đội Pháp dẹp giặc biển ở Bắc Kỳ, Thống đốc Nam Kỳ là Dupré cử viên trung tá hải quân Senez đem chiến hạm Bourayne tiến ra vịnh Bắc Bộ. Mười tháng sau, cũng dựa vào cớ đó, chiến hạm Bourayne lại ra Bắc, tiến sâu vào nội địa, tìm đường lên Hà Nội thám sát. Tháng 5-1873, Dupré báo cáo về Pháp: “Việc đánh chiếm Bắc Kỳ là một vấn đề sinh tử cho tương lai thống trị của chúng ta ở Viễn Đông”
Để kiếm cớ gây hấn, thực dân Pháp bí mật dùng con bài Đuypuy (Jean Dupuis), một lái súng muốn độc chiếm sông Hồng để chở hàng lên phía Bắc, đến Vân Nam (Trung Quốc). Được sự ngấm ngầm hỗ trợ của Thực dân Pháp và của cả nhà Thanh, ngày 22-12-1872, với một lực lượng quân sự gồm: 2 tàu máy, 7000 súng tay, 30 đại bác, 15 tấn đạn, hơn 100 người vũ trang đầy đủ, Đuypuy hùng hổ đặt chân đến Hà Nội, rồi mặc dù không được triều đình cho phép, vẫn ngang nhiên cho thuyền chở hàng ngược sông Hồng lên biên giới phía bắc (3-1873) và lúc trở về còn được quân nhà Thanh hộ tống.
Từ sau chuyến buôn trót lọt trở về, với lực lượng quân sự được tăng cường thêm, Đuypuy càng tỏ ra ngạo mạn, hung hăng, hạch sách quá đáng: đòi được đóng quân trên bờ sông Hồng, đòi có nhượng địa ở Hà Nội, đòi được cung cấp muối và than đá để chở sang Vân Nam bán, cho lính tràn vào các khu phố khiêu khích, xé bố cáo của tổng đốc Nguyễn Tri Phương, bắt giữ thuyền dân, cướp thuyền gạo của triều đình, tấn công đồn canh ven sông Hồng, tuyên bố thương mại Hà Nội là thuộc Pháp, khước từ mọi việc tiếp xúc thương thuyết với chính quyền triều Nguyễn…
Tình hình đến độ như thế mà quan lại địa phương vẫn khoanh tay ngồi chờ lệnh triều đình - một triều đình đã quá bạc nhược bởi có một ông vua hén nhát. Một triều đình đã từng phân vân và cứ mãi phân vân giữa “hòa” và “đánh” để rồi sau mỗi bận phân vân ấy lại “thương” vua khi vua hỏi nếu đánh đến cùng “thì các khanh để trẫm ở đất nào?”, lại “trung” theo ý vua là “hòa”, để rồi trên thực tế là đánh không được, giữ không xong, hòa cũng chẳng được hòa, thực chất là đầu hàng từng bước, dâng dần Tổ Quốc cho Thực dân Pháp. Xét về mặt “pháp lý” thì cái triều đình ấy, ông vua ấy, những bề tôi ấy cũng “chính danh” không kém triều đình, vua tôi thời nhà Trần, mà sao “ẹ” thế, sao chỉ biết nghĩ đến “để trẫm ở đất nào” mà không nghĩ đến để Tổ Quốc ở đất nào, để dân ở đất nào?, mà sao không học theo nhà Trần mở “Hội nghị Diên Hồng”? Cho dù nhà vua đã từng khí dân nhưng dân không bao giờ bỏ nước. Khi vua biết quay lại sống vì sơn hà xã tắc thì lòng dân rồi sẽ lại theo về. Nếu triều đình nhà Nguyễn tạo dựng được một “Hội nghị Diên Hồng” thì rất có thể đã chuộc được tội lỗi của Gia Long. Bởi vì trước sự phân vân: “Thế nước yếu, nên hòa hay nên đánh” sẽ là lời đáp vang dậy núi sông: “Quyết chiến!”, và trước sự phân vân: “Quyết chiến lấy gì lo chiến chinh?” sẽ là lời thề đanh thép của muôn lòng: “Hy sinh!”
Triều đình Tự Đức là như thế nhưng không phải vì thế mà không có những bề tôi đáng kính phục. Nghe đâu có ông quan, tài đến tam nguyên tên là Nguyễn Bích San thấy vua như thế, uất quá, mượn câu sách cũ thốt lên: “Vua lo thì tôi nhục, vua nhục thì tôi chết”, rồi ngã vật xuống. Thật đáng thương cho lòng trung của ông! Nhưng sao ông không hành động như nhiều bề tôi khác, như Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Đình Chiểu…), chọn con đường “xả thân vì nước”, “vì nước quên thân”, mà lại theo hướng đường "trung quân ái quốc"? "Trung quân ái quốc" là một quan niệm mù quáng nếu không muốn nói là phản động của nhận thức xã hội thuộc hệ tư tưởng Nho Giáo bị triều đình phong kiến lợi dụng. Nói đúng phải là "trung dân ái quốc"!
Trước nạn xâm lăng, người Hà Nội ngay từ đầu đã không im lặng. Trong khoa thi hương năm Giáp Tý (1864), khi nghe tin triều đình Huế, ký hiệp ước dâng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho giặc Pháp, toàn thể các thí sinh trường Hà Nội đã “đại náo trường thi” để phản đối. Ba ngàn người đã vứt bỏ lều chõng, tập hợp đội ngũ chỉnh tề, rầm rộ kéo ra Văn Miếu làm lễ, sau đó, kéo về Hồ Gươm, vừa đi vừa hô lớn xin được vào Nam giết giặc cứu nước. Cuộc tuần hành được nhân dân các phố, các làng lân cận nhiệt liệt hưởng ứng.
Trước những hành động càn rỡ của Đuypuy, nhân dân Hà Nội đã tự phát phản kháng quyết liệt. Có chuyện là khi bọn Pháp xúc phạm tới nhà nho, đốc học Lê Đình Nguyên, tức thì một lực lượng gồm 300 người, phần lớn là học sinh, được tổ chức, kéo ra phục kích bên sông Hồng, chặn đánh bọn Đuypuy tơi tả…
Tháng 7-1873, Dupré điện về Pháp: “Bắc Kỳ đã được khai phóng do thắng lợi của Đuypuy, tạo hiệu quả sâu rộng trong nền thương mại Anh, Đức, Mỹ. Chiếm Bắc Kỳ là tuyệt đối cần thiết để bảo đảm cho nước Pháp con đường thông thương duy nhất này. Tôi không cần viện binh gì hết, tôi giải quyết bằng cách của tôi. Bảo đảm thắng lợi”.
Thật khôi hài là quá trình hiện diện của thực dân Pháp từ trận đánh vào Đà Nẵng (1858) đến lúc đó đã bộc lộ ngày một rõ ràng mưu đồ ăn cướp của chúng đến ông đồ Chiểu còn thấy, ấy vậy mà Tự Đức cùng bộ phận quần thần đủ đầu, mắt, tai vẫn cứ ngơ ngơ ngác ngác, như lũ đui, điếc, vẫn cứ “ngây thơ cụ”, “chân thành” tin tưởng vào “lòng tốt” của kẻ xâm lược. Ảo tưởng rằng có thế sống hèn, sống nhục mà vẫn cầu được vinh hiển, phú quí nên một phái bộ của triều đinh Huế đã được cử vào Sài Gòn nhằm yêu cầu Thực dân Pháp giải quyết vụ Đuypuy. Chớp cơ hội “trời cho” này, ngày 11-10-1873, Duypré lệnh ngay cho thiếu tá Gácniê (Francis Garnier) đem hai tàu chiến trang bị 11 đại bác và 170 lính ra Bắc Kỳ, với chỉ thị ngầm: được toàn quyền hành động, tùy theo diễn biến tình hình mà có thể thiết lập chế độ bảo hộ hay chế độ thuộc địa. Vì vậy mà ngày 5-11-1873, vừa đặt chân tới Hà Nội, Gácniê cho bắn 23 phát đại bác để thị uy, rồi phối hợp với lực lượng của Đuypuy (có cả một đại đội quân chính qui Tàu), liên kết với bọn phản động, tuyển mộ ngụy quân, sắp đặt ngụy quyền. Bộ mặt thật của thằng xâm lược đã lòi ra bạch nhật: đã không giải giáp Đuypuy mà còn đưa ra những yêu sách ngang ngược như: đòi đóng quân trong thành, đòi “từ nay Hà Nội và sông Hồng được mở cho Pháp, Ý và Vân Nam hoạt động thương mại. Pháp làm chủ và thu thuế”…
Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, vị chỉ huy cuộc chiến đấu ở đại đồn Chí Hòa năm 1861, kiên quyết đòi Đuypuy phải rời sông Hồng và ra thông cáo cho dân chúng biết Gacniê chỉ có nhiệm vụ ở Hà Nội là dàn xếp vấn đề Đuypuy. Nhân dân Hà Nội không ngồi yên. Họ thi hành lệnh bất hợp tác với Pháp, thường bỏ thuốc độc vào giếng nước uống, mấy lần đốt kho thuốc súng của chúng bên bờ sông…   
Nhận được viện binh tăng cường từ Sài Gòn và Hương Cảng, ngày 15-11-1873, Gácniê trắng trợn đơn phương tuyên bố khai phóng sông Hồng, thiết lập chế độ thuế quan mới. Bốn ngày sau (tức ngày 19-11-1873), Gácniê gửi tối hậu thư đòi tổng đốc Hà Nội phải giải giáp quân đội, giao nộp thành và phải trả lời trước 6 giờ chiều cùng ngày. Nguyễn Tri Phương cự tuyệt, tổ chức phòng thủ.
Thành Hà Nội là một thành lũy kiên cố, được xây 70 năm trước từ thời vua Gia Long. Thành có hình chữ nhật, mỗi chiều dài chừng nửa dặm, tường thành xây bằng đất, được gia cố thêm bằng gạch, thành có 5 cửa, trấn bởi hai tháp canh. Bao quanh thành là một hào nước rộng, mỗi cửa được nối với bên ngoài bằng một cây cầu, nhưng các cầu này không phải là cầu treo, nên con hào này không có tác dụng ngăn cản. Trong thành đóng một số lượng khá lớn binh lính, nhưng họ được trang bị rất tệ hại, đa phần là gươm và giáo, một số ít được trang bị súng hỏa mai, nhưng không được huấn luyện để sử dụng. Trên mặt thành đây đó có đặt súng thần công, nhưng chúng lại là của hiếm, đến mức chúng được bố trí không phải để phát huy hỏa lực, mà là để tránh khỏi bị nước mưa làm hư hại.

Về phía Pháp, Garnier chuyển quân ra bắc thành hai đợt, đợt đầu 83 lính, đợt hai thêm 88 lính và hai pháo thuyền (kể cả số thủy thủ và thủy binh). Tới ngày 5 tháng 11 ông ta đã đến Hà Nội trên tàu hơi nước của Dupuis, do Dupuis đi đón dọc đường. Cộng với thuộc hạ của Dupuis, gồm có 10 người Âu, 30 người Á, 150 lính đánh thuê Vân Nam và một số lính Cờ vàng, Garnier chuẩn bị đánh chiếm thành Hà Nội sau khi nhận thấy các yêu sách của mình không đe dọa được Nguyễn Tri Phương.

Ngoài ra, trong ngày 18 tháng 11, một đầu lĩnh của nhà Hậu Lê tàn dư ở vùng Thanh Hóa đến gặp Đuypuy tình nguyện làm nội ứng trong thành Hà Nội để ám sát Nguyễn Tri Phương, và đặt 2.000 thuộc hạ nằm vùng tại Hà Nội dưới quyền sử dụng của J. Đuypuy và F.Garnier. 
Xét tương quan lực lượng đôi bên lúc đó, quân số triều đình Huế đông hơn nhiều so với quân viễn chinh Pháp, nhưng trang bị vũ khí hết sức lạc hậu, kém cỏi, thiếu thốn nhiều.

Mãn nhãn hình ảnh cực quý về thành Hà Nội xưa - Báo Kiến Thức
 Quân Pháp tấn công thành Hà Nội, ngày 20/11/1873.
Ỷ vào ưu thế áp đảo tuyệt đối về hỏa lực, mờ sáng ngày 20-11-1873, không đợi trả lời, Thực dân Pháp tấn công thành Hà Nội. Tất cả đại bác trên các tàu chiến đều khai hỏa, bắn cấp tập vào thành, yểm trợ cho hơn 200 binh lính Pháp và ngụy xông vào. Pháo ta bắn, nhưng không chặn được địch. Chúng đánh mạnh vào cửa Nam và cửa Đông. Dù có phần bị bất ngờ và yếu thế hơn, quân dân Hà Nội đã chiến đấu rất anh dũng. Khi tiếng súng của quân Pháp nổ ra thì quân và dân Hà Nội đã chủ động đốt kho chứa 20 vạn viên đạn của Pháp ở bờ sông để hạn chế sức mạnh tấn công của Pháp. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương trực tiếp lên mặt thành phía Nam đốc chiến, bị trúng thương nặng ở bụng. Con trai ông là phò mã Nguyễn Lâm cùng hiệp quản Trần Văn Cát và xuất đội Ngô Triều lần lượt hy sinh tại trận. Mấy cửa thành bị phá, giặc Pháp thừa thắng tràn vào. Sau khoảng một tiếng đồng hồ chống cự, quân triều đình tan vỡ, một phần lớn vượt thoát, lên gia nhập cánh quân triều đình đóng ở Sơn Tây do Hoàng Tá Viêm chỉ huy. Hà Thành thất thủ! Tuy nhiên, cánh quân gồm 100 người do một quan chưởng cơ chỉ huy giữ cửa Ô Phố Mới, trước đó đã chặn đánh quyết liệt và giết nhiều giặc ở hướng này, vẫn còn chiến đấu và hy sinh đến người cuối cùng (lịch sử quên ghi tên ông, nhưng nhân dân sau này cũng gọi cửa ô đó là cửa ô Quan Chưởng để thương nhớ). Bá hộ Trần Chí Thiện, kỳ mục Nguyễn Văn Hồ với hai con trai vẫn cứ đánh và chịu hy sinh.

 Ô Quan Chưởng, nơi diễn ra trận đánh ác liệt giữa quân Pháp và quân Nguyễn khi Pháp tấn công thành Hà Nội, tháng 11/1873
Tú tài Phạm Lý, người tổ chức được một lực lượng tại huyện Thọ Xương tìm cách chặn đứng bước tiến của giặc, vẫn còn đánh.
Quan khâm sai Nguyễn Tri Phương bị một thợ máy của chiếc tàu Lào Kay là Dillère bắt giữ rồi giao cho F.Garnier. Quan khâm phái Phan Đình Bình cũng bị bắt làm tù binh, con của Nguyễn Tri Phương là phò mã Nguyễn Lâm tử trận. Trong số người bị quân Pháp bắt tại trận còn có hai người con trai của Phan Thanh Giản là Phan Tôn và Phan Liêm. Đặng Siêu, lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiễm bị quân Pháp bắt đem xuống tàu rồi giải giao vào Sài Gòn với hai người con của Phan Thanh Giản. Tổng đốc Bùi Thức Kiên bị bắt lại vì có 1 kẻ bội phản ở huyện Thanh Trì điềm chỉ nơi ẩn náo. Hơn hai nghìn quân triều đình bị bắt làm tù binh, về phía quân Pháp, chỉ có một người lính đánh thuê Vân Nam của Dupuis bị giết do bị một viên sĩ quan Pháp bắn nhầm.
Khi vào thành, quân Pháp dụ dỗ, chữa chạy cho Nguyễn Tri Phương. Ông mắng chúng và lũ phản động rồi xé băng buộc thuốc, nhịn ăn, chịu chết. Mấy bữa trước, khi triều đình trao cho ông trách nhiệm giữ Hà Nội, ông đã nói: “Phải giữ từ xa. Nay nó đến sát rồi, thần cũng không giữ được. Ta chỉ vì nước mà hết trách nhiệm, dù gan óc lầy đất!”. Có ông già theo Nguyễn Tri Phương lâu năm, kể rằng: “Một lần tôi được theo quan Đại về làng (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên). Nhà ngài chỉ có ba gian lợp lá từ cụ tổ để lại thôi”. Nhà Nguyễn Tri Phương, cha, con, anh, em, có đến 5 người hy sinh vì nước. Tấm lòng vì nước quên thân của ông thật đáng kính phục. 
Hà Thành thất thủ nhưng người Hà Nội vẫn chiến đấu. Ngay tối hôm thành bị chiếm, nhân dân đã tự động vũ trang, đốt phá trạm gác địch, đột kích vào thành. Ngày 1-12-1873, chiến sự giằng co ở Gia Lâm. Ngày 8-12, vị trí địch ở tây nam Hà Nội bị công phá. Còn lưu truyền đến nay chuyện chàng thanh niên Phùng Xuất Nghĩa quê ở Cổ Nhuế, sau khi làm lễ tế cờ ở gò Ngũ Nhạc trong làng, đã kéo quân đi tìm giết giặc Pháp. Khi bị giặc bắt, đặt lên mâm đồng nung đỏ, ông không hề run sợ và lẫm liệt hy sinh… Gácniê đã thú nhận: “Đánh thành thì dễ mà giữ thành thì thực là khó… Những đám cháy và các trận đột kích thật đáng sợ. Suốt đêm chúng tôi không hề chợp mắt”

Quân Pháp ở cửa Bắc sau khi chiếm được thành Hà Nội.

 Thành Hà Nội thất thủ, quân triều đình đều bỏ trốn, giặc cướp nhân dịp nổi lên. Đại úy Francis Garnier cho những tùy tùng của mình đi làm quan các nơi để chống với quan triều đình Huế, rồi lại sai quân đi đánh lấy các tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hải Dương. Quan triều đình ở các tỉnh đều ngơ ngác không biết thế nào, hễ thấy quân Pháp đến là bỏ chạy. Bởi vậy, chỉ có một sĩ quan là Hautefeuille và 7 người lính Pháp mà cũng hạ được thành Ninh Bình, và chỉ trong 20 ngày mà 4 tỉnh ở Trung-châu mất cả. Triều đình Huế thật hết sức bạc nhược!
Sau khi chiếm thành Hà Nội, Gácniê đóng luôn quân trong thành, cho bịt kín các của thành chỉ để lại Cửa Đông để đề phòng quân ta tấn công.

 Thiếu tá Hải quân Pháp Francis Garnier, người chỉ huy quân Pháp tấn công thành Hà Nội, tháng 11/1973.
(Còn tiếp)
----------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét