Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

TT&HĐIII - 25/t

                                           

                                        Phạm Lãi - Danh Tướng Người Việt Sứ Trung Hoa

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG IV: ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

“Thủ đô là cái đại tập thành của cả đất nước từ khí non sông tụ lại. Không bàn tán về những thành phố khác, mà nói về Hà Nội thì không ai không nhớ đến bài ca chính khí của nó…
Hà Nội không phải là một đất thánh, theo cái nghĩa tín đồ hành hương, nhưng Hà Nội là một đất thiêng, kẻ ngoài nào mà xúc phạm vào nó là phải đền tội”
“Khi một giống nòi bị dồn đến chỗ chỉ có thể lựa chọn cái chết và nô lệ thì xông vào cái chết là dũng cảm hơn. Nơi nào mà nó không phải là thiết yếu thì bạo lực mới bị lên án. Có những trường hợp phải công nhận bạo lực bởi vì không còn cách nào khác”

"Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?"
                              (Khuyết danh)

   

 

 

(Tiếp theo)



Cũng như phần lớn những ông vua lận đận gian nan gầy dựng, khai mở vương triều từ hàn vi cơ cực, Lê Lợi vẫn giữ được những đức tính tốt đẹp do từng trải mà có, phần mặt phải nhân tính trong ông vẫn còn lấn át được, kiềm tỏa được phần mặt trái nhân tính. Tuy nhiên sự lấn át và kiềm chế ấy cũng chỉ đạt đến mức độ nào đấy tương đối mà thôi vì 6 năm trị vì ngắn ngủi của Lê Lợi đã thể hiện ra như vậy. Trong 6 năm ấy, Lê Lợi đã làm nhiều điều đúng nhưng cũng có nhiều điều sai, làm nên công và đồng thời cũng làm nên tội. Cái biểu hiện rõ rệt nhất về tài năng, đức độ hạn chế của Lê Lợi chính là ông đã không đủ sáng suốt để tránh được vết xe đổ dứt bỏ, bức hại trung thần khi đã có được vương triều, còn in dấu sâu đậm trong tích sử Trung Hoa.
Nhu cầu tự nhiên của con người, ai cũng vậy, là ăn và mặc. Đói ăn đói mặc thì thèm khát, đó là bản năng. Trải nghiệm đói khát và những điều khủng khiếp do nạn đói khát gây ra lặp đi lặp lại trong quá trình sống của loài người đã ngấm vào máu, vào xương tủy con người làm cho bản năng thèm khát đó nâng lên đến bình diện cao hơn: thèm có của ăn của để, thèm được ăn ngon mặc đẹp, thèm được giàu có… nghĩa là không bao giờ hết thèm khát, “được voi thì đòi tiên”. Trong xã hội, nói chung, ai cũng có sự thèm khát ấy. Nhưng không phải chỉ thèm khát là có ngay được những thứ làm thỏa sự thèm khát. Sản vật thiên nhiên là có hạn độ, sức người cũng có hạn độ nhưng lòng ham muốn thì lại vô hạn độ. Vì vậy muốn có được cái mình thèm khát trong một xã hội ai cũng thèm khát thì phải phấn đấu, phải mưu cầu bằng cách nào đó. Cái mà thèm khát hướng đến đó, chính là “danh lợi”. Nhưng “danh lợi” thì ít mà sự hướng tới thì nhiều, nên muốn chiếm hữu được “danh lợi”, trước tiên phải có được trong tay cái công cụ gọi là “quyền lực”. Do đó tranh quyền đoạt lực là hiện tượng phổ biến, xảy ra thường xuyên trong mọi chế độ chuyên chế. Những cuộc “Long tranh hổ đấu” đó lẽ đương nhiên đòi hỏi những kẻ tham gia phải có tài năng, biết vận dụng quyền mưu. Muốn thế, chỉ có cách duy nhất là học hỏi (năng khiếu hay thiên tài cũng phải học nhưng học nhanh hơn người khác; có được khả năng ấy là vì đã được truyền lại bằng con đường huyết thống từ sở học, ước vọng đã nung nấu của tổ tiên, ông cha…). Cho nên mới có câu đúc kết như một nguyên tắc quá trình mưu cầu danh lợi, lưu truyền đến ngày nay: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Sự tìm kiếm và lựa chọn cách thức để mưu cầu danh lợi, cũng như quá trình tranh giành quyền lực và danh lợi đã là cội nguồn nảy sinh ra các quan niệm thị phi, là đầu mối làm xuất hiện những cặp khái niệm như: thiện - ác, chính nghĩa - phi nghĩa, ngay thẳng - gian tà, quân tử - tiểu nhân…
Trong chế độ quân chủ chuyên chế, cái đích tuyệt cùng của mưu cầu danh lợi là ngai vàng. Kẻ ngồi trên ngai vàng được gọi là vua. Vua là tượng trưng cho quyền lực cao nhất trong chế độ quân chủ và trên thực tế, ông vua nào cũng cố gắng tạo cho được một quyền lực mạnh nhất để giữ vững ngai vàng trước đám hoàng thân quốc thích và quần thần luôn tiềm tàng sự thèm khát (trong đó thiếu gì những “đứa” thèm khát đến độ ngấm ngầm không coi vua ra gì và nếu có cơ hội là ngay lập tức dở trò thoán nghịch hay nói trắng ra là cướp ngôi!). Tuy nhiên, vua lại không thể tập trung được tuyệt đối quyền lực và lúc nào cũng trực tiếp nắm được quyền lực. Về hình thức có thể thấy quyền lực nhà vua là tập trung nhưng trên thực tế nó bị phân chia ở mức độ nào đó và được gọi là quyền lực của triều đình. Chính vì thế mà các ông vua thường đa nghi, giật mình, luôn dỏng tai, thích nghe ngóng và dễ nổi cơn chém giết bề tôi; chính vì thế mới có lũ nịnh thần cố gần vua để hưởng mưa móc, xây dựng quyền lực cá nhân bằng những thủ đoạn hèn hạ và để che đậy điều ấy thì phải xiểm hại những người trung nghĩa, những khai quốc công thần và cả lẫn nhau nữa.
Ngoài nguyên nhân nói trên thì nguyên nhân chính chủ yếu của quyền lực triều đình là để bảo vệ đặc quyền đặc lợi của tầng lớp thống trị thượng tầng, để cai trị bóc lột xã hội và để đàn áp sự nổi dậy của quần chúng khi mà ước mơ của họ, loại ước mơ bao giờ cũng là tầm thường nhất trong xã hội, ước mơ có đủ cơm ăn áo mặc, cũng không thực hiện được.
Những điều trình bày trên đã cắt nghĩa vì sao nói Lê Thái Tổ không tránh được vết xe đổ khi cái mục đích lớn nhất của đời ông đã thành, chỉ phải lo sao cho ngai vàng không còn kẻ dòm ngó và bền vững đến đời con cháu. Chẳng xa xôi gì, sự kiện Hồ Quý Ly cướp ngôi vua Trần, xóa bỏ nhà Trần còn sờ sờ ra đó, không thể không ám ảnh ông.
Để sáng tỏ hơn, chúng ta sẽ kể một câu chuyện đã xảy ra ở thời Trung Hoa cổ đại, trở thành điển hình của hiện tượng có tính lặp lại lạ lùng, mà thành văn là: “Hết chim, cất cung tên; thỏ chết, thịt chó săn”:
Thời Xuân Thu, vua nước Việt là Câu Tiễn bị vua nước Ngô là Phù Sai đánh bại ở Cối Kê. Nhờ mưu của Phạm Lãi, Văn Chủng mà thoát nạn, nước không mất. Sau một thời gian gom người tích của, xây dựng lại lực lượng, Việt vương Câu Tiễn tiến đánh, diệt được nước Ngô. Trong bữa tiệc mừng công, ai nấy đều vui mừng náo nức, công thần khanh tướng hết sức hồ hởi chúc tụng nhau, tiếng hoan hô vang trời. Trong bữa tiệc đó, Việt vương Câu Tiễn đáng lẽ là người sung sướng nhất mới phải. Ấy vậy mà Phạm Lãi lại thấy mặt của Câu Tiễn có vẻ miễn cưỡng, thoáng nét không vui, liền nghĩ ngay rằng công thành nghiệp trọn, khiến ai cũng phấn khởi, thế mà quốc vương lại có vẻ không vui, chắc không ngoài việc lo nghĩ về chuyện chia phần công lao. Xem ra, cùng chung hoạn nạn thì dễ mà cùng hưởng an lạc thì khó. Vì vậy, dù đang là Thượng tướng quân, công lao to lớn (cùng Câu Tiễn nằm gai nếm mật, mưu toan hơn 20 năm, giúp Câu Tiễn lập nên nghiệm bá). Phạm Lãi vẫn viết thư từ biệt Câu Tiễn:
- Thần nghe: “Vua lo thì tôi phải khó nhọc, vua nhục thì tôi phải chết!”. Hồi xưa, nhà vua chịu nhục ở Cối Kê, thần sở dĩ chưa chết là còn phải báo thù. Nay đã rửa được nhục, thần xin chết theo tội ở Cối Kê!”
Câu Tiễn nói:
- Ta đương sắp chia nước này cùng cai trị với nhà ngươi. Không nỡ lại giết nhà ngươi?...
Phạm Lãi nói:
- Nay nước Ngô đã bị diệt, vậy thần mong đại vương tha cho tội xưa để thần được về chốn giang hồ sống nốt những ngày cuối đời, thần vô cùng biết ơn công đức của đại vương.
Câu Tiễn cố giữ, nhưng Phạn Lãi đã quyết, soạn gói châu ngọc và các của cải mang vác được, dong thuyền ra biển sang Tề.
Phạm Lãi gửi thư về cho đại phu Văn Chủng, nói: “Chim đã hết thì cung tốt phải cất, thỏ khôn đã chết thì chó săn bị nấu. Vua Việt là người cổ dài, miệng diều hâu, có thể cùng lo lúc hoạn nạn, nhưng không thể cùng vui sướng với ông ta. Sao ông lại không bỏ đi?”
Chủng nhận được thư, cáo bệnh không vào chầu. Có kẻ gièm pha, nói:
- Chủng sắp làm phản.
Việt vương Câu Tiễn bèn sai đưa kiếm cho Chủng và nói:
- Nhà ngươi dạy quả nhân bảy thuật để đánh Ngô. Quả nhân mới dùng có ba mà nước Ngô đã thua. Còn bốn thuật nữa ở nhà ngươi. Nhà ngươi hãy giúp ta dùng những thuật ấy với tiên vương xem sao.
Chủng bèn tự sát. Tâm địa Việt vương thật tàn nhẫn!
Đến Tề, Phạm Lãi đổi họ tên, cày ruộng ở bờ biển, khổ thân cố sức, cha con cùng lo làm ăn, không bao lâu thì giàu có. Người nước Tề biết ông là người hiền, mời ra làm Tướng quốc. Phạm Lãi ngậm ngùi than:
- Ở nhà thì có hàng ngàn lượng vàng, làm quan thì đến công, khanh, tướng quốc, kẻ áo vải được thế là tột bậc rồi, giữ mãi cái tiếng tăm lừng lẫy là không tốt!.
Bèn trả ấn Tướng quốc, đem tất cả tài sản cho bạn bè, làng xóm. Chỉ mang những của thật quý, lẻn đi. Phạm Lãi dừng lại ở đất Đào, cho nơi đó là ở giữa thiên hạ, tiện đường buôn bán, rồi lại nhanh chóng giàu có, thường cứu giúp mọi người. Ông chết già tại đất Đào, được đời truyền tụng, gọi là Đào Chu Công.
(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét