Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

TT&HĐ III - 27/a

 
Làng Võ Sông Côn -Tập 1-Cội nguồn của dòng sông
 
Làng Võ Sông Côn -Tập 2-Tinh Hoa Đất Võ
 
Làng Võ Sông Côn -Tập 3-Hội tụ và tỏa sáng
                                         

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG VI: MIỀN ĐẤT VÕ

“Nay con đã khôn lớn và có bản lĩnh hơn người. Hãy xuống núi mà đem tài đức giúp đời giúp người. Con sống xứng đáng thì thầy chết cũng yên lòng”
(Hòa thượng- võ sư Thiện Hoa căn dặn đệ tử. Thiện Tâm, người sau này là thượng tọa Thích Thiện Tánh - tức võ sư Mai Văn Phát)


“Càng sống, tôi càng nhận ra rằng học võ không phải để múa hay, đánh giỏi, hạ nhanh và nhất là để có con rắn đen tự mãn trong máu thịt, mà chính học võ cốt biến được con rắn đen xấu xí kia thành “thanh gươm trí tuệ” chém tan bức màn vô minh, nhìn thấy được thực tướng của sự vật. Môn võ tuyệt thế chính là môn võ để chiến thắng chính mình. Và đó cũng chính là câu chuyện về thánh võ Kadgapa (một trong 84 vị thánh của Tây Tạng) khi người đi tìm môn võ tuyệt thế trong thiên hạ”
(Lời thổ lộ của nữ võ sư Phạm Cô Gia, khi bà đã 90 tuổi)


Tôi không sợ những người đàn ông đã thực hiện 10.000 cú đá chỉ trong một lần, nhưng tôi lo sợ những người đàn ông đã thực hiện một cú đá đến 10.000 lần. (Lý Tiểu Long)

Nên nhớ rằng những cây cứng nhất lại dễ bị nứt nhất trong khi tre hay nứa lại có thể uốn cong theo chiều gió. (Lý Tiểu Long)

 Tôi ghét từng phút giây tôi luyện tập, nhưng tôi đã tự nhủ: “Đừng bỏ cuộc. Chịu đựng nó và ta sẽ sống cả phần đời còn lại như một nhà vô địch”. (Huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali).


 
Như đã hứa, chúng ta sẽ kể một đôi dòng về võ nghệ và miền đất “con gái cũng biết múa roi đi quyền”.
Môi trường tự nhiên vừa ổn định tương đối vừa luôn bất ổn, vừa chuyển hóa có tính chu kỳ vừa có lúc đột biến ngẫu nhiên, đã tạo ra thuận lợi và cả khó khăn cho sự sống còn của sinh vật. Những biểu hiện nhằm khẳng định sự có mặt, sự tồn tại của vạn vật ở thế giới vô sinh biến thành sự cố gắng sống còn bản năng của muôn loài trong thế giới hữu sinh. Sự cố gắng vượt qua khó khăn để sống còn không gì khác hơn là biến hóa thích nghi. Sự biến hóa (hay tiến hóa) để thích nghi có tính đa phương chiều, đa dạng, tùy vào trạng thái tiến hóa trước đó của sinh vật và mỗi giống loài sinh vật. Một trong những cách thức tiến hóa thích nghi ở muông thú là hoàn thiện “kỹ năng chiến đấu” để rình, vồ mồi, để chống trả tự vệ, trốn thoát “kẻ thù”, để đánh thắng trong việc tranh giành “quyền lợi”. Những động tác tối ưu, mang lại hiệu quả cao trong “chiến đấu” để sống còn, được lặp đi lặp lại, hun đúc lại, được “truyền thụ” cho nhau, “bắt chước” nhau một cách trực quan, sau đó ổn định dần dần thành bản năng, di truyền bằng con đường sinh học cho đời sau; không phải và cũng không thể là tất cả, mà chỉ là những gì cô đọng nhất, “tinh hoa” nhất. Ở muông thú đã thấp thoáng, dù lờ mờ, hình bóng của võ nghệ.
Sống trong thiên nhiên hoang dã đầy bất trắc, ở loài người cũng xảy ra quá trình hoàn thiện, “kỹ năng chiến đấu” như thế. Và hơn thế nữa, vì loài người biết suy nghĩ, cho nên quá trình ấy được xúc tiến ngày một nhanh và mạnh mẽ từ tự phát lên tự giác, chủ động học hỏi từ thiên nhiên hoang dã và sáng tạo ra thêm “chiêu thức” mới, chưa từng có. Lúc đầu, cũng như muông thú, con người cũng chỉ biết chiến đấu bằng tay không, bằng chân, bằng răng… nhưng từ khi biết cầm khúc cây, hòn đá để làm công cụ kiếm ăn thì cũng là khi con người bắt đầu biết “chiến đấu” bằng vũ khí.
Có thể nói võ thuật tuy có thể lúc đầu chưa có khái niệm, thì đã được nung nấu, phôi thai từ những ngày đầu biết suy nghĩ của loài người. Nó được hun đúc hoàn thiện dần thành những kỹ năng chiến đấu có tính tương đối ổn định để truyền thụ cho đời sau bằng con đường chủ yếu là dạy và học. Chúng ta cho rằng sự truyền thụ cho đời sau, thông qua con đường di truyền sinh học, là có mức độ giới hạn. Đến hạn độ đó, khi mà số lượng cũng như độ phức tạp của thông tin cần truyền thụ đã vượt quá khả năng của phương thức di truyền sinh học (hoặc do đòi hỏi về thời gian không đáp ứng kịp thời cuộc sống, không đáp ứng được mục đích mưu sinh "cấp kỳ", hoặc nói đúng hơn là những bước đầu tiên để tạo những yếu tố ban đầu, cơ sở của thích nghi, di truyền và trở nên hợp đạo lý) thì sự truyền thụ sẽ chuyển sang phương thức chủ động là dạy và học một cách tự giác. Để có được như thế thì sự tiến hóa thích nghi sẽ phải làm xuất hiện ra sự suy nghĩ làm tiền đề cho nhận thức ở loài người. Tuy nhiên, sự di truyền  sinh học vẫn âm thầm làm công việc của nó và ở mức độ nhất định, thứ yếu, nó vẫn tác động đến quá trình truyền thụ các kỹ năng cho đời sau, thể hiện ra dưới dạng làm xuất hiện những năng khiếu, những đứa bé thần đồng, những thiên tài (theo luật tính trội, tính lặn?). Sự truyền thụ kỹ năng rất có thể còn một con đường đặc biệt nữa, đó là truyền thụ tâm linh chẳng hạn như thần giao cách cảm, nhập hồn (?)…
Tuy có thể đồng nhất "Võ" và "Võ thuật", nhưng thực ra hai khái niệm ít nhiều vẫn có ranh giới. "Võ", nói chung, chỉ lối đánh nhau bằng tay không hay binh khí, và đôi khi, nhằm chỉ một bộ môn đối lập với "văn"; còn "võ thuật" lại thiên về nghệ thuật vận động hơn. Theo đó võ thuật đề cao phương pháp, cách thức, sự khéo léo, kĩ thuật, nghĩa là sự phát huy toàn diện sức mạnh của con người để chiến thắng mọi địch thủ mà không chỉ là những đối thủ trực diện trên sàn đấu. Bên cạnh các thuật ngữ trên còn có thuật ngữ "Võ nghệ", vừa có nội hàm rất gần với thuật ngữ võ thuật, vừa mang ý nghĩa nghề nghiệp, khẳng định võ cũng là một nghề trong xã hội, nghề võ. Cũng không thể không nhắc đến một khái niệm thường được các võ đường và các võ sư đề cao, thuật ngữ "Võ đạo", nhấn mạnh tính nhân văn, văn hóa trong võ thuật, khẳng định tột đỉnh của võ là văn, đằng sau võ học là cội nguồn triết học, hạt nhân đạo đức và chiều sâu tôn giáo, đồng thời đưa sự khốc liệt có tính bản chất của võ, một công cụ để tàn sát, xuống hàng thứ yếu.
Có thể nói võ nghệ được hình thành ở loài người có nguồn gốc từ tự nhiên, là kết quả của quá trình học hỏi thiên nhiên, rút kinh nghiệm từ thực tiễn và sáng tạo nhằm ngày một nâng cao khả năng, kỹ năng chiến đấu với mục đích nguyên thủy là tự vệ để sống còn trong môi trường thiên nhiên hoang dã cũng như trong xã hội còn đầy thú tính và đã bắt đầu xuất hiện những hành vi, thủ đoạn cả tốt lẫn xấu, tự giác hơn mà ở loài thú không có được, tạm gọi chung là nhân tính.
Kỹ năng chiến đấu để tự vệ hay võ nghệ được chính thức đúc kết thành bài học hoàn chỉnh, xuất hiện lần đầu tiên ở đâu trên thế giới? Chúng ta khó mà biết được. Chỉ biết rằng, võ nghệ được truyền thụ như những bài học đích thực, đã có từ rất sớm. Ngày nay võ nghệ đã có mặt khắp nơi trên thế giới với sự đa dạng, phong phú của nó và mục đích của việc học võ nghệ cũng được mở rộng ra rất nhiều, về phía ngày một lành mạnh hóa (trước súng đạn, mục đích của võ nghệ đã phải lui bước xuống hàng thứ yếu!). Có một điều cũng hầu như chắc chắn: võ nghệ xuất hiện lần đầu tiên như một hiện tượng nổi bật là ở phương Đông và rất có thể là tại nơi cội nguồn của văn minh nhân loại, trên Đại Lục Mẫu, dưới chân núi Tu Di huyền thoại!
Thế giới võ nghệ cũng mênh mông như đại dương, truyện kể về võ thuật cũng nhiều như sao trên trời. Chúng ta là những kẻ được gọi là đi nhiều thấy nhiều và cũng đã tích cóp không ít những câu chuyện võ nghệ. Nhưng thực chẳng đáng là bao! Tuy nhiên chúng ta có cố nhớ lại, sắp xếp lại để kể ra đây. Vui là chính mà!
Các nhà nghiên cứu võ nghệ thấy rằng trong loại chữ tượng hình cách nay 6000 năm của Ai Cập cổ đại, đã phác họa những động tác của binh sĩ các Pharaon (vua Ai Cập) đang đấu quyền với những chiếc găng tay quấn bằng da. Thủy tổ của môn quyền Anh ngày nay có lẽ xuất phát từ đó. Các võ sĩ châu Phi thời cổ khi giao đấu không chỉ quấn da và vải quanh nắm tay như võ sĩ Ai Cập, họ quấn trọn cả cánh tay lên đến tận cùi chỏ. Ngày xưa các trận đấu không phân hiệp mà cũng chẳng phân hạng theo cân nặng của võ sĩ. Đôi bên cứ đấu cho đến khi một bên bị hạ gục (đo ván) hoặc chịu thua. Trường hợp cả hai đều kiệt sức thì phải bốc thăm. Người may mắn sẽ được đấm trước. Người kia phải đứng yên để chịu quả thôi sơn, nếu không bị đánh gục sẽ được đấm lại người kia bằng một quả như thế. Ai đo ván sẽ thua cuộc.
Những hình vẽ tìm thấy trên vách mồ tại làng Beni Hasan ở miền trung Ai Cập chứng minh rằng hơn 5000 năm trước đây, người Ai Cập cổ đại cũng đã sử dụng những thế kẹp thông thường mà ngày nay các nhà đô vật vẫn dùng.
Từ Ai cập, võ thuật lan truyền sang Hy Lạp theo ngả Créte. Sử liệu chứng tỏ môn võ vật đã là một phần quan trọng trong những ngày lễ hội của thời Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên phải đợi đến khi hình thức tranh tài Thế Vận Hội (Olympic) thành hình thì võ thuật mới được phổ biến khắp đất nước Hy Lạp. Vô địch quyền thuật đầu tiên là một người Hy Lạp tên là Onomastus (688 TCN). Trận tranh tài quyền thuật thiếu niên được tổ chức lần đầu tiên ở kỳ Thế Vận Hội thứ 41 (616 TCN). Sau này các đoàn quân viễn chinh của đế quốc La Mã mới đưa quyền thuật của mình đến khắp các nước phương Tây.
Nhắc đến đô vật thời xưa, người ta không thể bỏ qua cái tên Milo ở Crôtona, một tay đô vật cừ khôi vừa giỏi cả quyền thuật lẫn võ tự do của Hy Lạp. Milo đã là đô vật vô địch thế giới trong suốt 24 năm liền, giữ vững chức vô địch qua 6 kỳ Thế Vận Hội liên tiếp. Giai thoại kể rằng để luyện tập cho Olympic, Milo đã nâng một chú nghé lên vai để tập chạy mỗi ngày. Sau vài năm, chú nghé lớn lên trở thành một con bò mộng to lớn và cũng là lúc Milo đi thi Olympic.
Từ xưa đến nay, Ấn Độ được xem là cái nôi của Phật Giáo. Tuy nhiên, không riêng gì Phật Giáo mà ngay cả văn học hay võ thuật, …thì Ấn Độ cũng được mệnh danh là nước khởi nguồn. Ở Ấn Độ, có một môn võ cổ truyền từ rất lâu đời, có tên gọi là Kalari ra đời từ năm 1362 TCN, trở thành hệ thống chiến đấu lâu đời nhất thế giới vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. “Kalari” theo tiếng Malayalam (ngôn ngữ phổ biến nhất ở bang Kerala, hoàn toàn không phải là tiếng Malay) có nghĩa là “sàn đấu” hay “chiến trường”. Tại những ngôi làng cổ còn sót lại ở Kerala, môn võ Kalari còn được gọi là “Ezhuthu Kalari” hay “Kalaripayattu”. Quê hương môn võ Kalari là ở bang Kêrala, nơi cao nguyên Đêcan, tiếp giáp với biển. Từ nơi đó môn võ Kalari phát triển và lan tỏa ra khắp Ấn Độ. Theo truyền thuyết thì võ Kalari có nguồn gốc từ Kalaripayat, nghĩa là binh thư đồ trận của nữ thần chiến tranh Mahakali của Ấn Độ. Nó được hệ thống hóa một cách có bài bản thành quyền phổ Sutra (kinh truyền khẩu có vần điệu, tương tự như Kinh Vê đa, kinh Upanisad…) từ cách đây đã hơn 3000 năm. Thường thì các võ sư Kalari thời cổ đại đều là những bậc minh triết, trong đó người đời sau cho rằng có Bồ Đề Lạt Ma (Bồ Đề Đạt Ma – vị hoàng tử dưới triều đại Pallava đã từng tu luyện Kalari trước khi sang Trung Quốc truyền bá Phật giáo và trở thành người sáng lập võ Thiếu Lâm). 
 Ban đầu nó được hình thành ở phía miền Bắc và miền Trung bang Kerala. Sau đó thì lan dần xuống miền Nam và khu vực Tulunadu Karnataka. Khi mới được hình thành, Kalari đã có sức ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến võ thuật các nước láng giềng. Càng về sau, Kalari càng được du nhập vào các nước bạn nhất là Trung Quốc. Tại Trung Quốc, những kỹ thuật của nó được biến tấu khá nhiều. Và Trung Quốc ngày nay vẫn xem võ thuật Ấn Độ nói chung và Kalari nói riêng là cội nguồn của võ thuật nước mình.

Môn võ hơn 3000 năm khiến "Ông tổ của Thiếu Lâm" mê mẩn     Trước khi sáng lập ra môn phái Thiếu Lâm tại Trung Quốc, Bồ Đề Đạt Ma cũng là đệ tử của môn võ cổ xưa từ hơn 3000 năm này.


Kỹ thuật chiến đấu của Kalari rất đa dạng và phong phú, thể hiện được trình độ võ thuật cao thâm của người Ấn Độ. Nó chủ yếu là mô phỏng theo dáng dấp của các loài động vật như mèo, đại bàng…. khi chúng tấn công kẻ thù. Vũ khí của môn võ này cũng khá đa dạng gồm: Kettukari là một cây gậy tre khá mỏng và dài gần 2m được sử dụng cả 2 đầu, hay Cheruvati là một cây gậy nhưng to, cứng và ngắn hơn được sử dụng trong tấn công và cả tự vệ. Bên cạnh đó còn có Kattaram tức là dao găm được sử dụng trong cả công lẫn thủ, Valum palichayum là bộ vũ khí gồm kiếm và khiên. Ngoài ra còn có thêm Urimi tức là một thanh kiếm dài và mềm dẻo, có thể quấn quanh mình như chiếc thắt lưng, hay Uturely là một chiếc khăn quàng – một khí giới độc đáo và đa năng.
Trong chiều sâu tâm tưởng của mình, đột nhiên có một phán đoán vô lối nổi lên: phải chăng võ cổ truyền Việt Nam và võ Kalari có cùng cội nguồn xa xưa và cội nguồn đó chính là nền võ học Đại Lục Mẫu?

Võ cổ truyền Ấn Độ – Cội nguồn võ học - 1
52 thế đánh cơ bản nhất của Kalari

 
Võ Kalari được truyền dạy và rèn luyện trong các ngôi đền thờ Tổ sư nữ thần Mahakali bởi các võ sư bậc thầy. Trong quá trình tập luyện, sau những kỹ năng cơ bản thì môn Kalaripayattu sẽ đào tạo về chiến đấu bằng binh khí trước, sau đó mới đến chiến đấu tay không. Ban đầu, các võ sĩ sẽ được học các thế tấn và một số đòn tay, đòn chân căn bản cộng với khả năng kiểm soát cơ thể và kỹ năng nhào lộn…Sau khi thuần thục các ngón sơ đẳng này, võ sĩ bắt đầu được tập sử dụng các loại vũ khí nhỏ như gậy ngắn, dao găm, chùy, cheruvadi (loại binh khí bằng gỗ dài khoảng 40cm)…Khi đã tinh thông các loại này, võ sĩ mới chuyển qua tập luyện hệ thống cao cấp hơn, gồm các loại binh khí phổ biến như kiếm, lá chắn, giáo, cung nỏ…Cuối cùng, khi đã thuần thục tất cả, các võ sĩ Kalaripayattu mới tập luyện các kỹ thuật chiến đấu bằng tay không.

Trên thực tế, đây là cách tập có phần trái ngược so với hầu hết các môn võ thuật khác bởi thông thường, binh khí vốn được coi là “cánh tay nối dài” của người tập võ. Do đó, các môn phái khác thường tập tay không trước rồi mới đến binh khí, hoặc tập kết hợp song song lẫn nhau. Rất có thể cách tập “dị” của Kalaripayattu bắt nguồn từ thực tế chiến đấu, khi các võ sĩ phải giao tranh ở trạng thái “một sống một còn” trên lưng ngựa, lưng voi nên kỹ năng sử dụng vũ khí được ưu tiên tập luyện trước để đạt được trình độ “ngấm vào máu”.

Với chiến đấu tay không của Kalaripayattu (Kalari), có một điểm đặc sắc là các võ sĩ thường sử dụng các chiêu phá khớp và tấn công vào những điểm trọng yếu để dễ bề vô hiệu hóa kẻ thù. Thậm chí Kalaripayattu còn hệ thống hóa ra 108 điểm (là những điểm yếu dễ tổn thương trên cơ thể), gọi là “marmas”. Một khi ra đòn vào những điểm này, đối thủ dễ dàng gặp phải chấn thương nặng thậm chí mất mạng. Thường những kỹ thuật này không được phép truyền dạy bữa bãi mà chỉ dành cho những võ sư cao cấp. Quyền pháp Kalari được diễn uyển chuyển, mềm mại như múa, gợi nhớ những động tác trong lúc thực hành nghi lễ thờ phụng. Tuy nhiên, trong chiến đấu, nó tỏ ra cực kỳ công hiệu. Về công phu nội, ngoại công, các võ sĩ Kalari trình độ cao có thể biểu diễn đi chân không trên than hồng, nằm lưng trần trên mảnh chai vỡ, nằm cho ô tô chạy qua tấm ván đặt ở bụng, dùng kìm kẹp vào các cơ bắp mà không hề hấn… Có những kỳ tích như võ sư Rummuati dùng ngực đỡ nguyên một con voi, võ sư Xixila biểu diễn khí công tĩnh tọa hoa sen lơ lững trên không với chỉ một tay níu nhẹ sợi dây mảnh bện từ đay mà hai đầu cột vào hai cây sào trồng thẳng đứng. Võ Kalari cũng sử dụng các loại binh khí như đao, kiếm, gậy… Gậy ngắn, gọi là Silam ban rất được ưa chuộng vì đó là thứ binh khí dễ kiếm, tấn công hoặc tự vệ đều hữu hiệu. các cao thủ múa Silamban kín đến mức cách xa chừng ba thước, ném gạch đá cũng khó lọt trúng người. Ngoài ra còn có loại vũ khí đặc thù gọi là Onta, hình thù như ngà voi, dùng để điểm huyệt. Ngay chiếc khăn quàng cổ, đội đầu, dùng lau mồ hôi cũng trở thành vũ khí lợi hại. 

Các tài liệu dưới thời Sangam (từ thế kỷ thứ 3 TCN – 2 TCN) đã ghi chép mô tả về việc sử dụng giáo, kiếm, khiên, cung… của các chiến binh trên chiến trường, với đặc thù chiến đấu trên lưng ngựa hoặc cưỡi voi. Mãi tới thế kỷ thứ 6 sau CN, Kalaripayattu mới phát triển rực rỡ trong các cuộc chiến tranh liên miên giữa các triều đại Chera và Chola.

Không chỉ có hệ thống kỹ thuật đánh giáp lá cà, chiến đấu tầm xa, Kalaripayattu còn bao gồm cả nhiều phương pháp dùng để chữa bệnh, trong đó mỗi vùng miền lại phát triển một hệ thống khác nhau. Thời kỳ này, môn võ Kalaripayattu được truyền dạy rất rộng rãi thông qua các trường học gọi là kalari payattu.

Trong nhiều thế kỷ, Kalaripayattu tưởng chừng đã bị lãng quên.

Một điểm khá độc đáo là trong quá trình tập luyện, các võ sĩ Kalaripayattu sẽ được học các ngón cơ bản về y thuật như khả năng chữa bong gân, chấn thương cơ bắp, các vết thương gây mất máu… trước khi đạt tới các kỹ thuật cao hơn. Đây có thể là các kỹ năng bắt buộc vì trong quá trình tập luyện, những chấn thương do vũ khí gây ra vốn rất thường xuyên và không thể tránh khỏi.

Ngày nay, Kalaripayattu lại bao gồm 3 hệ phái theo các khu vực Bắc – Trung và Nam với những nét rất đặc trưng. Nhưng có một điểm chung là tất cả các hệ phái sau khi tập luyện đều phải xoa một lớp dầu lên cơ thể, sau đó dùng các phương pháp massage, bấm huyệt để giúp duy trì sự linh hoạt, bền bỉ, dẻo dai.

 


                                               KALARI, Môn võ cổ truyền Ấn Độ
Một bộ phận không thể tách rời trong môn võ Kalari nói riêng cũng như của võ học phương Đông nói chung là “y võ”. Y võ là kiến thức về các vị trí huyệt đạo trong cơ thể người mà khi tác động vào đó có thể đả thương ngay, tiêu diệt đối phương hoặc chữa lành chấn thương, chữa bệnh tật mà không cần thuốc thang; là những bài thuốc có từ cây lá thiên nhiên cũng nhằm mục đích chữa trị cứu người… Trong quyền phổ Sutra, có mô tả vị trí, chức năng của 108 huyệt đạo trên cơ thể con người, gồm 96 yếu huyệt khi bị tác động vào sẽ gây thương tích trầm trọng hay liệt bại, 12 hiểm huyệt khi bị tác động sẽ gây tử vong.
Người Anh khi đến xâm chiếm Ấn Độ, biết được sự lợi hại của môn võ truyền thống này của người bản địa và cũng muốn thủ tiêu tinh thần thượng võ, niềm tự hào dân tộc của người Ấn, nên đã ra lệnh cấm phổ biến, truyền dạy môn võ này. Thế nhưng cũng như ở tất cả các nước Châu Á có nền võ thuật cổ truyền khác, môn võ Kalari rút vào bốn bức thường của gia đình, dòng họ và tiếp tục được truyền dạy theo kiểu cha truyền con nối. Mãi đến năm 1920, môn võ Kalari mới thực sự được phổ biến trở lại, tạo nên một làn sóng phục hưng khắp Ấn Độ, đặc biệt là ở miền Nam. Hiện nay, Kalaripayattu dù đã được cải tiến nhưng vẫn ít nhiều mang những màu sắc tôn giáo. Người ta cũng rất coi trọng môn võ này và coi đây là “món quà thiêng liêng của vùng Kerala dành cho phần còn lại của thế giới”. Có một người rất nổi tiếng trong giới võ học Ấn Độ những năm 90 của thế kỷ XX, đó là Belyram Nait, chưởng môn phái Kalari (nhiều sách cũng gọi là Kalaripayat). Ông đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và được khán giả thán phục.
Có một nhân vật tên là Jeet Singh, năm 21 tuổi, sang định cư ở Mỹ. Dân ghiền xem đô vật ở đây vô cùng thích thú và trầm trồ khen ngợi một võ sĩ thượng đài với cái tên lạ hoắc, nhưng to khỏe, có những chiêu thức lạ mắt, rất linh hoạt, dũng mãnh. Họ liền đặt cho anh chàng một biệt danh là “Mãnh hổ” (Tiger). Đến khi báo chí tiết lộ, mọi người mới biết Jeet Singh là vô địch đô vật toàn Ấn Độ trước khi sang Mỹ thi thố. Người ta còn biết Jeet Singh chính là con một đại đệ tử của Belgram Nair, được huấn luyện từ năm mới lên 6 tuổi. Khi 17 tuổi, Jeet Singh chuyển sang luyện đô vật theo kiểu Mỹ (Wrestling) mà ở Ấn Độ thời bấy giờ cũng rất ưa chuộng. Chính nhờ có căn bản võ Kalarima mà Singh đã nhanh chóng đạt trình độ cao trong võ vật. Ernie Ladd là một đô vật Mỹ thuộc loại khổng lồ (cao 2m, nguyên là cựu cầu thủ bóng chày), đã từng là sát tinh của nhiều võ sĩ lừng danh, vậy mà khi đụng độ với Jeet Singh ở Buffalo, đã phải chịu thua. Với những đòn lạ của Singh, Ladd đã hết đường chống trả! Về sau, có lần Singh thổ lộ: “Những thế võ tôi áp dụng trong đô vật là đòn thế của các kiếm sĩ Kalaripayat…”
(Còn tiếp)
-------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét