Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

TT&HĐ III - 27/h

                                          

                     Cao thủ võ Việt sở hữu Tuyệt kĩ SO ĐŨA và trận tỉ thí rúng động Hà Nội

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.


CHƯƠNG VI: MIỀN ĐẤT VÕ


“Nay con đã khôn lớn và có bản lĩnh hơn người. Hãy xuống núi mà đem tài đức giúp đời giúp người. Con sống xứng đáng thì thầy chết cũng yên lòng”
(Hòa thượng- võ sư Thiện Hoa căn dặn đệ tử. Thiện Tâm, người sau này là thượng tọa Thích Thiện Tánh - tức võ sư Mai Văn Phát)

“Càng sống, tôi càng nhận ra rằng học võ không phải để múa hay, đánh giỏi, hạ nhanh và nhất là để có con rắn đen tự mãn trong máu thịt, mà chính học võ cốt biến được con rắn đen xấu xí kia thành “thanh gươm trí tuệ” chém tan bức màn vô minh, nhìn thấy được thực tướng của sự vật. Môn võ tuyệt thế chính là môn võ để chiến thắng chính mình. Và đó cũng chính là câu chuyện về thánh võ Kadgapa (một trong 84 vị thánh của Tây Tạng) khi người đi tìm môn võ tuyệt thế trong thiên hạ”
(Lời thổ lộ của nữ võ sư Phạm Cô Gia, khi bà đã 90 tuổi)

Tôi không sợ những người đàn ông đã thực hiện 10.000 cú đá chỉ trong một lần, nhưng tôi lo sợ những người đàn ông đã thực hiện một cú đá đến 10.000 lần. (Lý Tiểu Long)

Nên nhớ rằng những cây cứng nhất lại dễ bị nứt nhất trong khi tre hay nứa lại có thể uốn cong theo chiều gió. (Lý Tiểu Long)

 Tôi ghét từng phút giây tôi luyện tập, nhưng tôi đã tự nhủ: “Đừng bỏ cuộc. Chịu đựng nó và ta sẽ sống cả phần đời còn lại như một nhà vô địch”. (Huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali).


 

 

(tiếp theo)

 

                                                   ***

 
Đọc lại những truyền thuyết, huyền tích trong các sách “Lĩnh Nam chích quái”, “Việt điện u linh”, “Nam Hải dị nhân”… ai cũng biết rằng trước cả thời tiền Lý, ở nước ta đã xuất hiện hiện tượng nhiều nhà sư cũng đồng thời là võ sư thượng thặng, nhiều đạo sĩ đồng thời là những nhà có công phu cao siêu. Điều đó cho thấy có khả năng từ rất xa xưa, trong một số điện, chùa nước ta đã có hiện tượng tương tự như chùa Thiếu Lâm sau này: bên cạnh việc truyền thụ Phật pháp, tu hành, còn có truyền thụ võ nghệ (gồm võ thuật, y võ, khí công). Sự truyền thụ võ học trong nhà chùa từ đó được lưu truyền âm thầm tạo nên một mạch võ cho đến nay gọi là Võ Chùa.
Theo lời kể của Mai Văn Muôn thì ngày nay, trong bầu không khí xã hội có nhiều cởi mở, người ta dễ dàng nhận thấy tại miền đất võ Bình Định có một số chùa vẫn thường xuyên dạy võ bởi các thầy dạy là các hòa thượng, thượng tọa. Chẳng hạn như thượng tọa Thích Huyền Ấn ở Qui Nhơn (viên tịch năm 1989) rất giỏi võ, có giao du rộng với các võ sư ngoài đời cũng như trong giới, trong đó có võ sư là nhà sư trụ trì đời thứ 38 của một ngôi chùa cổ thuộc phái Tiểu Thừa (thường tiến hành dạy võ sinh và võ đạo trước khi dạy võ nghệ).
Đặc biệt ở huyện Tuy Phước có chùa Long Phước là một nơi của một phái võ chùa đặc sắc, mới đây còn do thầy Thích Hạnh Hòa và sư Vạn Thanh đảm nhận việc dạy võ các môn sinh, tạo ra lực lượng võ sĩ, võ sinh nòng cốt của huyện trong những cuộc tổ chức biểu diễn và thi đấu ở cấp tỉnh và khu vực. Trong khuôn viên nhà chùa, thường xuyên có hàng chục thanh thiếu niên tập luyện những môn võ nghệ cổ xưa. Ngoài việc dạy hai môn võ cổ truyền đặc sắc của Bình Định là quyền và roi, nhà chùa còn dạy một số môn võ binh khí như thương, kiếm, đạo… với những bài song đấu lạ lẫm như: Sa Vân Kiếm Pháp, Đằng Vân Sát Kiếm, Xích Kiếm Ô Long Tiên, Uất Linh Tiên, Tây Qui Kim Môn Tiên. Hai nhà sư - thầy võ Hạnh Hòa và Vạn Thạnh biểu diễn các bài kiếm, đao, thương của võ chùa, trông uy mãnh đến là lạ thường! Có những bài múa võ có lẽ chỉ ở đây mới có (?) như: các bài thương tương truyền là của Trần Quốc Tuấn, có bài Hàn Kiếp Trùng Dương, bài Lữ Đáo Thương (hay còn gọi Đông Địa Chung Thương) của Trần Quốc Toản, các bài đại đao của Lý Thường Kiệt, các bài kiếm có nét đao bên trong, các bài võ của Phạm Ngũ Lão tập luyện trên những gò cao… Sư thầy Thích Hạnh Hòa cho biết: võ nhà chùa đang lưu truyền tại nhà chùa là rút từ pho binh thư “Lục tướng tằng vương, Phổ minh binh thư chiêu pháp” do tổ Hư Minh sáng lập từ mất trăm năm trước.
Ngoài việc dạy các môn võ nghệ, chùa Long Phước còn có những qui pháp từ lâu đời, rất gần dân dã mà cụ thể là đòi hỏi môn sinh phải thực hành được 5 điều:
-         Hiếu hạnh với cha mẹ
-         Ân tình và trọng nghĩa
-         Không bất nhã với người trên, phải tôn sư trọng đạo
-         Khiêm tốn, không tham lam, không lộ tướng oai hùng
-         Không được đem lòng hiểm độc
Ngược lại với  điều trên là 5 điều cấm kỵ nữa.
Huyên thuyên, liến thoắng về đề tài “võ nghệ” đến đây có lẽ cũng tạm gọi là ổn. Nhưng trước khi kết thúc, chúng ta nên kể thêm vài ba giai thoại của làng võ nữa cho đủ vẻ, xôm tụ hơn:
- Chuyện thứ nhất
Trong khoảng thời gian lập căn cứ địa chống Pháp ở Đồng Tháp Mười, có lần trong một buổi nhậu vui vẻ với thuộc hạ, mọi người nài nỉ Thiên Hộ Dương biểu diễn tài nghệ võ học. Thiên Hộ Dương hứng khởi bèn cởi áo ra, cầm roi múa. Lúc đầu còn thấy bóng người, sau chỉ nghe tiếng gió vù vù và bóng cây roi che phủ kín người ông Thiên Hộ suốt nửa tiếng đồng hồ. Ông tới lui giáp vòng sân, rồi tiến vào giữa sân, nhảy lên một gò cao cả thước gần đó mới đột ngột ngừng roi. Tiếng vun vút đến ghê người phát ra từ ngọn roi lúc đó mới chấm dứt.
Mọi người vỗ tay rần rần, khen ngợi hết lời. Ông Thiên Hộ nói với họ rằng đó là đường roi song đôi, dùng khi bị lọt vào giữa vòng vây để “thượng bảo kỳ nhân, hạ bảo kỳ mã” (trên thì bảo vệ mình, dưới thì che đỡ cho ngựa). Rồi ông nói với ba thủ hạ giỏi võ của mình là Thủ Chiếu, Nhiêu Chấn và Thông Phụng:
- Nếu muốn biết sự lợi hại của đường roi song đôi, tôi sẽ cưỡi trâu từ dưới kinh lên, chấp ba ông ở trên bờ ra roi đánh cản, tôi sẽ đội roi đi qua cho coi.
Dưới ánh trăng soi mờ mờ, Thiên Hộ Dương cầm roi, cưỡi trâu ra bờ kênh thúc nó lao ùm xuống nước. Ba ông kia trên bờ cũng cởi áo ra, cầm roi thủ sẵn. Thiên Hộ Dương kẹp hai dây vào hàm trâu quấn vào hai ngón chân cái rồi thúc trâu xông lên bờ. Cả ba ông Chiếu, Chấn, Phụng nhất tề ra roi tấn công tới tấp. Đêm đang thanh vắng bỗng dội lên tiếng va chạm rốp rốp liên hồi của gậy gộc xen lẫn với tiếng nước ào ào làm nhiều nghĩa quân thức giấc, tưởng có chuyện, cầm binh khí chạy ra bờ kênh. Đến đó họ thấy các vị thủ lĩnh của mình đang trổ tài cao thấp với những đường roi ào ạt đẹp mắt nên thích thú quá, đứng xem luôn.
Đột nhiên ông Chiếu tung ra một đường roi liên hoàn ba đòn làm Thiên Hộ Dương phải thúc trâu lùi lại và khen:
- Đòn đó khá lắm!
Khen xong rồi ông cười, lại thúc trâu tiến lên. Đoán chừng ba ông kia đã thấm mệt, ông ra đòn tuyệt kĩ. Thấy trâu xông lên dũng mãnh, hai ông Chấn, Phụng ra sức đấu roi với ông Thiên Hộ, kêu ông Chiếu tìm cách đánh vào giò trâu cho ngã. Những đường roi đầy uy lực của Thiên Hộ Dương càng lúc càng linh động, biến ảo lạ thường. Cuối cùng, sau khi vừa đánh gạt roi ông Phụng, ông Chấn, ông Thiên Hộ nhứ tới như ra đòn công làm hai ông này dạt ra. Nhưng chủ tâm của ông Thiên Hộ là dùng thế hồi, đót roi dọa ông Chiếu làm ông Chiếu vội thu roi lại không dám đánh vào giò trâu. Thừa lúc ông Chiếu thu roi còn lỡ bộ, nhanh như chớp, ông Thiên Hộ ra tiếp một đòn, đánh văng roi ông Chiếu ra xa đến hơn 10 thước rồi cũng nhanh như chớp chuyển roi sang đòn đỡ hai đòn của ông Chấn và ông Phụng rồi đánh dấn tới, đồng thời thúc mạnh cho trâu vọt lên bờ.


             Đền thờ Võ Duy Dương và Đốc Binh Kiều ở Gò Tháp, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười
Ông Chấn, ông Phụng thấy vậy, thu roi trở lại, nhảy lui. Mọi người đứng xem vỗ tay rần rần bái phục ông Thiên Hộ Dương. Ba ông Chấn, Phụng, Chiếu lắc đầu, le lưỡi. Một người nói với ông Thiên Hộ:
- Ngài quả là bậc kỳ tài trong thiên hạ!
- Chuyện thứ hai:
Tám Cảng (em gái của Hương Mục Mạc) có võ nghệ cao cường mà hồi trẻ cũng rất xinh gái. Tám Cảng nói với cha là chỉ chịu lấy người có võ nghệ hơn mình. Nhiều chàng trai đã đến thử sức võ nghệ kén chồng của chị đều thua. Có một anh chàng tên là Dư Hựu đã đến xin đấu, mấy lần bị Tám Cảng đạp nhào vô bể cá. Dư Hựu về tầm sư học thêm vài năm rồi quay lại đấu nữa. Lần này anh ta tóm chân được Tám Cảng ném luôn vô bể cá, trả được món nợ năm xưa. Và cũng từ đó hai người thuận tình nên vợ nên chồng. Tám Cảng tính bướng bỉnh lại hay nói châm chọc nên họ thường hay cãi nhau. Tuy vậy họ cũng chung sống yên ổn với nhau được 3 năm. Lần nọ Dư Hựu nổi nóng, lại coi bị chọc ngang làm cho điên tiết, chụp luôn cái chén ném vào mặt Tám Cảng. Tám Cảng chụp được, bỏ xuống chiếu nói tửng: “Cái chén sứ này mà vỡ thì cũng uổng”. Anh chàng chụp tiếp cái chày tiêu quăng vào đầu chị chàng. Chị cũng chụp bắt được, đặt xuống chiếu, lại nói: “Cái đầu mà lầm là cái cối tiêu thì có lẽ đã hóa quáng”. Không kiềm nổi nữa, Dư Hựu rút luôn con dao phay phóng vào ngực Tám Cảng. Chị ta ngửa người ra tránh được lưỡi dao. Dư Hựu vùng bỏ chạy về nhà cha vợ, chắp tay lạy, kể đầu đuôi câu chuyện rồi xin cho vợ chồng được ly dị vì sợ với tính khí của vợ như thế có ngày rồi anh cũng sẽ gây án mạng. Sau khi ly dị, Tám Cảng bỏ nhà, lưu lạc giang hồ.
- Chuyện thứ ba:
Võ sư Hồ Ngạnh có một đứa con trai mà ông hết lòng dạy võ cho anh ta từ tấm bé lớn lên, người con trai đó giỏi võ vô cùng, đấu với ai cũng thắng. Dù thế, anh ta vẫn chưa thỏa mãn vì nghĩ rằng thân phụ chưa truyền hết nghề cho. Ngày xưa thầy dạy võ cũng hay giữ lại một vài thế võ hiểm phòng học trò trở mặt, làm phản. Nghĩ vậy nhưng anh con trai không dám hỏi. Một đêm kia, Hồ Ngạnh đang ngủ bỗng nghe có tiếng tháo cổng chuồng bò. Nghĩ có kẻ trộm, ông choàng dậy, đi ra, vừa tới chuồng bò, ông đã bị một kẻ bịt mặt tấn công tới tấp bằng toàn những đòn hiểm. Túng cùng, Hồ Ngạnh đành sử dụng miếng võ phòng thân. Quả nhiên, tên kia trúng đòn gục xuống. Ông lột khăn bịt mặt của nó ra thì thấy chính là con trai ông. Hồ Ngạnh thở dài, bảo người nhà: “Có gì ngon cho nó ăn, ba ngày nữa nó chết”. Đúng thật, ba ngày sau, người con trai xấu số đó qua đời.
- Chuyện thứ tư:
Một người học trò cũng nghi ngờ thầy mình còn giấu đòn độc, bữa nọ cầm cây rựa ra đón đường thầy, bảo: “Nếu thầy không chỉ, tôi chém thầy thành hai khúc”. Ông thầy thật sự đã tận tình dạy hết, chẳng còn ngón đòn nào nữa, nhưng dù có nói thế nào thì người học trò cũng không tin. Lúc này trong tay ông thầy chỉ có cái gậy, trong khi người học trò võ nghệ cũng chẳng kém gì ông, đang sức trai, lại đang cầm cây rựa bén, thật thất thế vô cùng. Biết phân trần nữa cũng vô ích, ông thầy chống cây gậy xuống đất, bảo người học trò: “Được rồi! Nhưng trước tiên, mày ôn luyện võ nghệ tới đâu, có chém đứt nổi cây gậy này không?”. Anh học trò lập tức vung rựa phạt đứt phăng cây gậy. Lưỡi rựa vừa lướt qua, với khúc gậy còn lại trong tay mà đầu đã được phạt nhọn, nhanh như cắt, ông thầy đâm ngay vào cổ họng người học trò, kết liễu đời một kẻ phản sư.
- Chuyện thứ năm:
Võ sư Trương Thanh Đăng, trưởng môn phái Sa Long Cương. Nhân khi một môn sinh đi côn hay đụng vào ghế, vào máng xối nơi võ đường, sư trưởng giảng giải: phải đi cho gọn vì trong thực tế chiến đấu, có thể phải hành động trong đường hẻm, trong hành lang chật hẹp hoặc nơi rậm rạp. Rồi ông kể:
Một võ sư rất giỏi côn. Một đêm, nghe có tiếng kẻ trộm khoét vách, ông ta xách côn chạy ra ngoài nhà, len lén đến chỗ tên trộm đang lom khom đào, giơ côn lên đập xuống một cái bằng trời giáng. Rủi thay, vì vườn nhà có nhiều cây ăn trái nên cây côn của ông võ sư bị vướng một cành ổi, không xuống tới người ăn trộm. Tên trộm giật mình, sẵn cây xà beng, thúc ngược lên. Ông võ sư trúng đòn, lăn ra chết.
- Chuyện thứ sáu:
Do nhu cầu cấp thiết về võ tướng nên vào năm Đinh Mão (1851), vua triều Nguyễn đã chỉ dụ mở những cuộc thi võ để tuyển nhân tài. Thời ấy, cả nước có 4 trường thi võ mở ở 4 khu vực là Hà Nội, Thanh Hóa, Huế và Bình Định. Trường thi võ Bình Định nằm ở phía tây - nam thành Hoàng Đế cũ, thuộc xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn. Thi tiến sĩ võ cũng theo qui chế từ thấp lên cao như thi tiến sĩ văn, cũng gồm thi Hương, thi Hội, thi Đình, cũng có những danh vị như tú tài (võ), cử nhân (võ)… Thí sinh giỏi võ mà không giỏi về binh pháp; trận đồ thì cũng không được công nhận là tiến sĩ võ. Năm 1884, dưới áp lực ngăn cản của Thực dân Pháp, việc tổ chức thi quan võ bị triều đình Huế đình chỉ, bãi bỏ luôn.
Ở huyện Tuy Phước (cách thành phố Qui Nhơn khoảng 10 km), có làng Lê Tuyên. Làng mang tên đó là để tưởng nhớ công lao đối với một võ tướng tên Lê Tuyên, thường được gọi “ông Bá Mười”, một thời theo Mai Xuân Thưởng tham gia phong trào Cần Vương kháng Pháp.
Có người kể rằng: sau khi đã đỗ cử nhân võ, ông Mười tiếp tục ra kinh đô Huế thi Đình và đạt danh hiệu tiến sĩ võ. Vị tân tiến sĩ võ được vua cho về quê “vinh qui bái tổ” rồi ra lại triều đình để nhậm chức. Khi đi ngang qua địa phận đèo Nhung (huyện Phú Mỹ) thì ông Mười bị một con cọp đột ngột nhảy ra tấn công. Ông phải quần thảo với con cọp dữ từ lúc nửa đêm đến gần sáng mới giết được nó. Dân trong vùng vừa nể phục vừa hàm ơn ông Mười vì trừ được mối họa luôn rình rập ở đoạn đèo này. Tuy nhiên, các quan võ triều đình nghe tin đã kết tội vị tân tiến sĩ là “phản sư”, vì giết cọp, theo họ, là điều cấm kỵ của con nhà võ. Nhà vua sau khi nghe tâu lên đã giáng ông Mười xuống hàng thứ dân (có ý kiến cho rằng ông không bị tước học vị tiến sĩ võ mà chỉ bị “treo” nhằm cảnh cáo mà thôi).
- Chuyện thứ bảy:
Thuở ấy có ông Bầu Đê rất giỏi võ, tiếng tăm lan xa ra ngoài vùng Bình Định. Được khuyến khích, ông ra Huế ứng thi một phen. Ngay trong phần thi đầu tiên là mang vật nặng đi 200 m, Bầu Đê xách tạ chạy một mạch giáp vòng trường thi đến cả ngàn mét không nghỉ. Ban giám khảo triều đình hội ý, lập tức đề cử Bầu Đê đạt thủ khoa, không cần thi tiếp các môn đao, kiếm, côn, quyền. Nhiều ý kiến trong giới võ sinh không phục, họ nại rằng “võ gia dõng vi bán”, nghĩa là sức mạnh chỉ mới là một nửa của nhà võ, và đề nghị Bầu Đê đấu với từng người trong số 10 thí sinh đạt điểm cao nhất khóa, thắng mới phục. Ban giám khảo đồng ý. Cử nhân võ thứ nhất ra đấu, chỉ với một chiêu của Bầu Đê, roi của anh ta đã gãy. Cử nhân võ thứ hai ra đấu, ngay hiệp đầu đã bị Bầu Đê cướp roi, quật ngã. Tám vị cử còn lại thấy thế, bái phục, xin được miễn thi đấu.
Viên quan chủ khảo, vốn đã là tiến sĩ võ, nổi tiếng với môn trường côn, “ngứa nghề”, đòi thử tài với Bầu Đê. Thời ấy nếu ở Bình Định có câu “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh” thì cũng có câu “Roi kinh, quyền Bình Định”. Quan chủ khảo đề nghị đấu 10 hiệp. Mọi người xung quanh đều chắc mẩm Bầu Đê sẽ thua. Ngày xưa, khi đấu roi, để tránh sát thương, người ta thường bọc vải bôi lọ nồi ở đầu roi và khi đâm thì nương tay, chỉ tạo vết lọ trên cơ thể đối thủ để dựa vào đó mà tính điểm, phân thắng bại. Lúc mới vào trận, Bầu Đê có phần e ngại, vì nể nên chỉ né đỡ là chính. Quan giám khảo thấy vậy mở lời động viên Bầu Đê đấu cho thực tình. Thế là Bầu Đê trổ tài. Ông la lớn: “Xin phép quan lớn cho tôi ra tuyệt kỹ thứ nhất”, rồi nhanh như chớp đánh văng cây trường côn của quan chủ khảo. Quan chủ khảo có phần “quê độ”, vào hiệp mới cẩn trọng hơn và cũng quyết chiến hơn, giở nhiều chiêu hiểm tấn công tới tấp Bầu Đê. Bầu Đê đánh đỡ một lúc rồi lại đột ngột la lớn: “Xin phép quan lớn cho tôi ra tuyệt kỹ thứ hai”. Quan chủ khảo thủ thế chờ đối phó độc chiêu của Bầu Đê, chẳng thấy gì lại ra chiêu mới. Hai người quần nhau đến hết hiệp đó mà không phân thắng bại. Quan chủ khảo thắc mắc: “Sao ta không thấy anh ra tuyệt kỹ thứ hai?”. Bầu Đê từ tốn thưa: “Dạ, bẩm quan lớn, tôi ra rồi, và đã đâm trúng nách ngài!”, Quan chủ khảo vội dơ tay lên để lộ ra một vết lọ nồi trên áo, ngay nách. Lúc này, mọi người mới ồ lên kinh ngạc. Vị quan võ đó đành thoái bộ, xin ngưng cuộc đấu, chịu phục và khen hết lời Bầu Đê…
Bầu Đê chính là đệ tử chân truyền của ông Bá Mười!
- Chuyện thứ tám:
Gần đây hơn là câu chuyện của võ sư người Bình Định, tên là Lý Xuân Hỷ (sinh năm 1940), với thành tích: từ năm 18 tuổi đến năm 35 tuổi đã thượng đài 300 cuộc mà chỉ để thua đúng một trận.
Năm 1969 có tay người Việt, học võ Đại Hàn, tên Long, là võ sư bậc tứ đẳng với huyền đai Thái Cực Đạo. Tay này kênh kiệu, nghe Lý Xuân Hỷ vô địch Cao nguyên Trung phần, luôn bắn tin khiêu khích, thách đấu, và có lần tuyên bố huênh hoang: “Đêm nay hạ Lý Xuân Hỷ, đêm mai hạ Minh Cảnh” (võ sĩ Minh Cảnh, vô địch quyền Anh Đông Dương, từng được mệnh danh là “võ sĩ quyền Anh không đối thủ”, luôn phải đấu “chấp” với những đối thủ nặng “ký” hơn nhiều…). Do điều kiện ngoại cảnh mà phải ba năm sau, cuộc đấu mới diễn ra. Lý Xuân Hỷ kể là khi thượng đài, “hắn tấn công liên tục, mình giả đò dựa dây, hắn chạy tới công thẳng vào mặt mình. Mình gục xuống, đánh vào chấn thủy của hắn, khi hay hắn sụp rồi, mình câu đầu đối phương đập chỏ…”. Trận đó, võ sư Long bị trọng thương, gãy răng và “bay” hàng chân mày.
Năm võ sư Hỷ 62 tuổi, có một võ sư người Ý, 42 tuổi, nặng 120kg, với 3 năm học thêm võ Tàu, đến gặp để phân cao thấp. Ông Hỷ kể: “Người đó rất hay. Tôi không công mà chỉ né. Những người đứng xem nói ông Tây hay quá, còn ông Hỷ thì né cũng lẹ quá. Tới chừng anh ta đá ngang mặt tôi, tôi đá một đòn phá chân trụ làm đối phương ngã chúi xuống đất và… hạ nốc-ao (knock out) luôn”.
Theo võ sư Hỷ: “Khi đấu đối kháng, không có thế võ nào thắng thế võ nào mà quan trọng là võ sĩ chiến thắng đã tinh nhuệ hơn đối phương của mình mà thôi!... Phải làm thế nào để đánh đối phương mà đối phương tránh không kịp, đứng yên cho mình đánh…”. Và ông thổ lộ: “Thật ra, tôi giỏi chỏ, ngoài sự chỉ dạy của cha, còn có sự trợ giúp của sư phụ… Năm 1966, tôi có gặp ông thầy người Tàu, gọi là Tám Tàu, từ Thiếu Lâm Tự ra, rất giỏi võ. Tôi học thêm tuyệt chiêu của ông… Ông thầy thứ hai là thầy Minh Cảnh. Tôi học thêm ba tháng về quyền Anh… Bởi thế, tôi được lĩnh hội nhiều cái hay trong võ thuật…”
Gia phái võ họ Lý mà Lý Xuân Hỷ đang đại diện, cũng nổi tiếng khắp làng võ Bình Định về roi, quyền và cũng vì có một tuyệt kỹ công phu rất đáng nể. Đó chính là bài quyền “Miêu tẩy diện” (Mèo rửa mặt), do ông nội võ sư Hỷ sáng tạo ra, mô phỏng theo thế đánh nhu nhuyễn, linh hoạt của loài mèo, tính đến nay đã trên trăm năm. Mèo cũng như hổ, có cách tự vệ giống nhau, có lối “rửa mặt” bằng lưng bàn chân trước, hai lòng bàn chân hướng ra ngoài, nhờ thế mà khi chống đỡ chúng rất linh hoạt, đối với hổ thì còn chụp được cả gươm giáo, khi tấn công thì vồ, tát cực kỳ lợi hại. Xưa nay, hiếm khi người đánh được hổ, ai đánh được là thành nổi tiếng. Bởi vậy, người ta mới xếp hổ đứng đầu trong hàng võ; mới có câu “Mãnh hổ tướng quân”.
Mèo, hay hổ cũng vậy, “công - thủ” hữu hiệu được là nhờ sự quyền biến của hai chân trước. Tập “Miêu tẩy diện” là phải tập cho được đôi tay. Đôi tay phải thật lanh lẹ, kết hợp nhuần nhuyễn với nhau và với chỏ tay. Ngón chỏ cũng là một tuyệt kỹ của võ sư Hỷ. Đòn chỏ, nếu biết sử dụng điêu luyện sẽ trở nên biến hóa khôn lường, rất lợi hại khi phản đòn. Ngón chỏ được sáng tạo mô phỏng theo cách húc sừng của động vật, của con trâu, nên cũng được gọi là ngọn “ô du”:
                              “Ô du là ngọn trâu dằn
                              Xê ra cho khỏi khéo lâm vào mình”
Với lối đánh kết hợp quyền thế “Miêu tẩy diện” để né tránh và nhanh nhẹn phản công bằng những ngọn ô du tuyệt kỹ, võ sư Lý Xuân Hỷ đã từng một thời được mệnh danh là “Hùm xám cao nguyên”. Ông đưa ra nhận xét: “Võ Đại Hàn rất hay ở bộ chân. Nhưng bộ chân không đáng sợ bằng bộ tay vì chân ít khi đánh được huyệt đạo, còn tay thì biến hóa khôn lường…”
Võ sư Hỷ vẫn còn nhớ được lời tiền bối dặn dò là: “Võ gia ngũ luyện pháp”, gồm:
                              “Phong dạ đăng sơn
                              Hắc dạ đả quyền
                              Nguyệt dạ luyện kiếm
                              Vũ dạ cán binh
                              Trí dạ tọa tĩnh”
Nghĩa là: nhà võ phải luyện rèn theo 5 cách, gồm:
                              Đêm gió thì lên núi (luyện công?)
                              Đêm tối thì đánh quyền
                              Đêm trăng thì luyện kiếm (đao, côn…)
                              Đêm mưa thì đọc binh (thư)
                              Thiền định hàng đêm để đạt thông tuệ.

Trên mạng chúng ta sưu tầm dược vài chuyện nữa:
    -Chuyện thứ chín:
Nhắc đến giới “võ lâm” Việt Nam, không thể không kể tên cụ Cử Tốn (1861 - 1949), người được những bậc lão làng hiện tại tôn sùng.
Cụ Cử Tốn tên thật là Nguyễn Đình Trọng, người vùng Tây Hồ (Hà Nội) hiện nay. Ông sinh ra trong dòng họ võ tướng, 18 tuổi đã đỗ kỳ thi Hương (cử võ) sau đó cũng đoạt luôn ngôi đầu kỳ thi Hội (Phó bảng võ).
Đáng tiếc là đến kỳ thi Đình, do gia đình có việc đột xuất nên ông phải bỏ và không đoạt được danh hiệu cao nhất. Tuy nhiên, tài năng của cụ Cử Tốn mà đặc biệt là khả năng bắn cung, đã sớm được truyền đến tai vua Tự Đức.
Theo lời võ sư Nguyễn Văn Thắng, Chưởng môn phái Thăng Long Võ Đạo kể, ngày đó vua Tự Đức cho tổ chức cuộc thi bắn cung Cửu Phụng trước Nghị Tiềm. Tham gia cuộc thi này đều là những võ tướng, nhân tài giỏi bắn cung nhất cả nước, bao gồm cụ Cử Tốn.
Dù còn trẻ và chưa có kinh nghiệm ở những nơi đông người, trang nghiêm song cụ Cử Tốn đã rất bình tĩnh để bắn liền lúc 9 mũi tên đi trúng hồng tâm.
Khả năng bắn cung chuẩn xác và cực nhanh của cụ Cử Tốn đã khiến tất cả, trong đó có vua Tự Đức phải nể phục. Sau đó, vua liền phong cho ông danh hiệu Xạ năng quán quốc.
Tuy nhiên tài năng bắn cung của cụ Cử Tốn không chỉ dừng lại ở đó. Trong Gia phả dòng họ Nguyễn Đình có ghi chép lại về tài năng của ông:
“Đương thời, dù là con ngựa bất kham đến đâu cụ Cử Tốn cũng trị được. Không chỉ thế, ngồi trên mình ngựa bắn cung cũng tuyệt vời. Mỗi lần đi săn cụ Cử Tốn chỉ bắn chim bay không thèm bắn chim đậu”.
Sau này, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, chúng từng muốn thử thách cụ Cử Tốn bằng cách yêu cầu ông trổ tài bắn cung. Chúng chỉ lên ngọn cây nơi có nhiều con chim đang đậu, chỉ định cụ phải bắn trúng 1 con rồi sau đó rung cây, xong mới được bắn.
Đáng tiếc chiêu trò này của thực dân Pháp không làm khó được cụ Cử Tốn. Khi lũ chim nháo nhác bay đi, cụ đã kịp bắn hạ con chim được chỉ định trước đó.


Cụ Cử Tốn - huyền thoại võ thuật Việt Nam.

 
Ngoài bắn cung, cụ Cử Tốn còn tinh thông võ thuật tay không cận chiến và tất cả các loại vũ khí. Trong đó, ông đặc biệt giỏi thương thuật đến mức “không đối thủ”.
Khi đang trấn thủ ở Lục Đầu Giang, cụ Cử Tốn lúc đó mới ngoài 40 tuổi, đã khiến bè lũ hắc đạo vùng này không thể tác oai, tác quái. Vì thù ghét cụ, đã có khoảng 10 tên cướp võ nghệ cao cường hợp sức lại, định mai phục ở vùng rừng vắng vẻ Đèo Keo để tập kích.
Quả thật, lũ cướp đã chờ được cơ hội khi cụ đi một mình để ra tay. Song dù khi đó cụ Cử Tốn chỉ có tay không, vẫn đánh nhau ác liệt và chiếm tiên cơ trước lũ cướp.
Đến khi cụ cướp được một thanh giáo từ đối thủ, thì thế cục nhanh chóng ngã ngũ. Hai tên cướp được cho là đã bỏ mạng dưới mũi thương của cụ Cử Tốn.
Vì không muốn cuộc chiến kéo dài, tổn thất thêm sinh mạng nên sau đó, cụ Cử Tốn đã tìm cách thoát thân, nhảy xuống sông Lục Đầu Giang rồi lặn một hơi mất tăm.
Sau này khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, cụ Cử Tốn lúc đó không còn làm quan mà đã lui về, mở lò võ từ lâu.
Một lần, ông quyết định cùng các học trò đánh chiếm lương thực đang trên đường vận chuyển. Trong quá trình đánh nhau ác liệt, cụ Cử Tốn dính thương nặng ở chân rồi sau đó bị thọt.
Thực dân Pháp sau quá trình điều tra, đã nghi ngờ lò võ của cụ Cử Tốn là những người ra tay cướp lương thảo.
Nhưng do không có chứng cứ, chúng đã tìm ra cách để đối phó, dẹp lò võ của cụ. Từ đó, một đấu trường đẫm máu, sát nhân đã được chúng dựng lên, kêu gọi các võ sĩ từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam chiến đấu.
 -Chuyện thứ mười:
Một chiều tháng Tám, chúng tôi ghé thăm võ đường Quán Thánh, ngôi đền cổ kính, trầm mặc của thủ đô để tìm hiểu đôi chút về môn phái được coi là “vì tinh tú” này.
Tại võ đường Quán Thánh (võ đường nổi bật nhất của môn phái), chúng tôi được võ sư Bùi Đăng Văn – thành viên Ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN,  người có hơn 30 nặm gắn bó với Nam Hồng Sơn. này.
Theo lời kể của võ sư Bùi Đăng Văn thì Nam Hồng Sơn được ra đời từ một hoàn cảnh khá éo le.
Theo đó, cách đây hơn một thế kỷ, cụ Nguyễn Nguyên Tộ (tức Sáu Tộ) sinh năm 1895 tại làng Văn Hội xã Bạch Đằng (tỉnh Hà Tây cũ) nay là con trai thứ sáu của cụ Nguyễn Khoát, trong một gia đình thương gia.
Cuộc sống đang yên ổn thì năm 1909, một bọn giặc cướp đã đến cướp phá và lấy hết của cải của gia đình. Bản thân cụ Khoát bị chúng đánh cho đến thập tử nhất sinh.
Kể từ đây cuộc sống gia đình trở nên lầm than. Trước cảnh bị đám thảo khấu làm hại, cụ Tộ rất căm phẫn, trong đầu cụ nung nấu ý nghĩ phải đi học võ để tự bảo vệ lấy mình và bảo vệ mọi người.
Quyết chí, cụ xin phụ mẫu cho ra Hà Nội để lập nghiệp và tầm sư học đạo, xin vào làm tại một cơ sở chuyên sửa chữa săm lốp ôtô, ở phố Hai Bà Trưng ngày nay.
Cũng thời gian này bên Tàu có loạn nên nhiều người phiêu bạt sang Việt Nam để kiếm kế sinh nhai, trong đó cũng có một số thầy võ.
Cụ Tộ đã tìm đến xin theo học môn võ Thiếu Lâm Nam phái. Lúc này người Pháp cấm học võ nên phải tập ở những nơi kín đáo, địa điểm luôn luôn thay đổi nên gặp rất nhiều gian khổ.
Không nản chí, cụ vừa đi làm vừa lấy tiền học võ suốt mười năm ròng. Khi đã nắm được một số nền tảng võ học, cụ thấy cần phải nghiên cứu tìm hiểu thêm về nền võ thuật cổ truyền của đất nước mình.


Võ sư Bùi Đăng Văn hướng dẫn học trò thi triển bài đại đao.
Võ sư Bùi Đăng Văn hướng dẫn học trò thi triển bài đại đao.
Ở Hà Nội lúc bấy giờ có ba cụ nổi tiếng về tài võ Việt là cụ Ba Cát, cụ Cử Tốn và cụ Hàn Bái.
Qua thời gian dài qua lại cụ Sáu Tộ đã được các cụ yên mến và nhận làm anh em kết nghĩa. Cụ Sáu Tộ ít tuổi hơn ba cụ nên làm em út.
Các bậc sư huynh sau đó đã mang sở học của mình để truyền dạy. Sau nhiều năm luyên tập, cụ Sáu Tộ đã nắm được cơ bản tinh hoa của hai dòng võ Việt và Trung Quốc.
Cụ thấy sự kết hợp sẽ làm cho võ thuật phong phú và thêm phần lợi hại. Cụ đã xây dựng một giáo trình riêng biệt để dành cho một môn phái mới ra đời.
Cụ đã đặt tên cho môn phái là Nam Hồng Sơn với ý nghĩa: Nam - là võ Việt Nam; Hồng - là thiếu lâm Hồng Gia và Sơn – là sự vững chãi và hùng vĩ như núi.
Môn phái đã chính thức ra đời năm 1920. Lớp võ đầu tiên được khai giảng ở công viên Thống Nhất ngày nay.
Năm 1984, trước khi mất cụ đã truyền lại vai trò chưởng môn cho con trai cả là Nguyễn Văn Tỵ - võ sư vẫn đứng đầu môn phái tới tận ngày nay.
Theo lời kể của võ sư Văn, từ những thập niên 40, Nam Hồng Sơn đã đào tạo nhiều võ sĩ lừng lẫy cả ba miền Bắc – Trung – Nam.
Nổi danh có những tên tuổi “khét tiếng” như Mùi đen (biệt hiệu Hắc Hổ), Cả Nhâm (Bạch Hổ), Ba đen …
Những võ sĩ này thi đấu khắp 3 miền và giành nhiều chiến công cho môn phái.
Không chỉ vang dội trên võ đài, những bậc “cao thủ” này còn khiến rất nhiều tay giang hồ thời ấy phải ái ngại.
Thậm chí đã có những tay anh chị có “số má” thời đó khi nghe tới Hắc Hổ, Bạch Hổ, Ba đen cũng đều phải chùn bước, không dám bén mảng gây sự.
Theo lời kể của võ sư Văn, ở thời kỳ những năm 1986 đến khoảng 1988, do bị ảnh hưởng bởi làn sóng phim “chưởng” du nhập về Việt Nam, đặc biệt là hình tượng Lý Tiểu Long, nên làng võ lúc bấy giờ cũng có một số xung đột.
Một số võ sĩ của các môn phái đã tới các võ đường của phái khác để thách đấu.
Với uy danh của mình, Nam Hồng Sơn cũng là một trong số những đích đến của không ít những “cao thủ”.
Tuy nhiên khi đặt chân tới đây, được sự giảng giải về đạo nghĩa và nhờ vào cái “uy” của của các võ sư Nam Hồng Sơn nên chẳng còn ai nung nấu ý nghĩ thách đấu nữa.


Nam Hồng Sơn có nhiều chiêu thức vừa đẹp mắt lại thực chiến.
Nam Hồng Sơn có nhiều chiêu thức vừa đẹp mắt lại thực chiến.
Cũng có những lần một vài môn phái ở miền Bắc có xích mích với những thế lực giang hồ, tuy nhiên sau đó một số võ sư của Nam Hồng Sơn đã đứng ra can thiệp để giảng hòa, giúp dân làng võ tránh đi những cuộc xung đột có thể gây ra đổ máu.
Theo võ sư Văn, mặc dù có tiếng tăm trong làng võ nhưng các môn đệ Nam Hồng Sơn chưa khi nào dùng võ để hành xử một cách lỗ mãng hoặc gây tổn hại cho người khác, bởi sự thấm nhuần về võ đạo.
Thời gian sau, có không ít môn đệ Nam Hồng Sơn đã đi theo cách mạng trong các đơn vị quân đội nhân dân VN và trở thành các sĩ quan huấn luyện võ thuật.
 -Chuyện thứ mười một:
Sau khi cụ Cử Tốn cướp lương thực của quân Pháp, chúng đã rất tức giận và tìm cách tiêu diệt lò võ của cụ nói riêng, cũng như toàn bộ dân võ Việt Nam nói chung.
Để làm được điều đó, thực dân Pháp đã kêu gọi rất nhiều võ sĩ nổi tiếng, hùng mạnh ở rất nhiều môn phái đến Việt Nam, hòng chuẩn bị cho một cái sau này được biết đến là đấu trường chết chóc.
Theo Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo, Nguyễn Văn Thắng, giải đấu do thực dân Pháp đưa ra có luật lệ rất “đơn giản”: Đánh không có bảo hộ, đánh đến khi đối thủ gục thì thôi và người thắng sẽ lại tiếp tục đánh cho đến khi… gục.
Với luật lệ đó, cùng dàn võ sĩ đông đảo, hùng mạnh kêu gọi được từ khắp nơi trên thế giới, thực dân Pháp tự tin rằng có thể tận diệt được ý chí của dân võ Việt Nam, cũng như tận diệt chính sinh mạng những người luyện võ và lò võ của cụ Cử Tốn.
Tuy nhiên, mọi chuyện lại không theo ý chúng.
Cụ Cử Tốn đã cử những học trò mạnh nhất của mình như Tư Vá, Tư Côi, Mùi Đen, Văn Nhân (cha của Chưởng môn Văn Thắng) ra đi đấu, để rồi có những chiến thắng oanh liệt.
Ngày đó, người ta truyền nhau câu nói “ba cái đấm của Tư Vá, một cái đá của Tư Côi” với hàm ý, không ai chịu nổi 3 cú đấm của Tư Vá và 1 cái đá của Tư Côi.
Điều đó nói lên sức mạnh khủng khiếp của cặp đôi này và quả thực, 2 ông đã liên tiếp chiến thắng trên võ đài đẫm máu của thực dân Pháp, khiến chúng bắt đầu lo ngại kế hoạch sẽ đổ vỡ…

Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo, Nguyễn Văn Thắng - con của cụ Văn Nhân.

Nhưng nỗi sợ của thực dân Pháp chỉ thực sự đến khi Mùi Đen thượng đài. Với kỹ thuật vật, cùng những chiêu cầm nã thủ tuyệt luân, ông đánh gục hết đối thủ này đến đối thủ khác.
Vì không muốn hạ sát đối phương, Mùi Đen “chỉ” đánh gãy chân hoặc gãy tay địch thủ. Nhưng chừng đó là quá đủ để các võ sĩ của đối thủ sợ hãi và không còn dám ra giao đấu.
Khi đã đánh bại rất nhiều cao thủ, Mùi Đen ngày càng cảm thấy sự vô nghĩa của võ đài. Ông yêu cầu thực dân Pháp chấm dứt giải đấu nếu mình… tay không đánh được hổ.
Nghe Mùi Đen nói vậy, thực dân Pháp cũng lấy làm lạ và nghe theo yêu cầu của ông. Chúng dẫn ông tới vườn bách thú để đối mặt với 2 con hổ, một đực, một cái nơi này.
“Trong vườn bách thú lúc bấy giờ có 2 con hổ, một đực, một cái. Hai con này một bị tật nhẹ ở chân, một bị nhẹ ở mắt. Nhưng chính giống hổ có tật như thế lại rất hung dữ.
Khi Mùi Đen đi vào chuồng hổ đực, nó lập tức thủ thế, rồi sau chốc lát gầm lên, lao vào ông. Mùi Đen lập tức nghiêng người sang bên, né thế vồ của hổ đực, rồi hoành tay, túm lấy cổ mà vật xuống đất, vặn gãy luôn một chân.
Rồi ông vác luôn hổ đực sang chuồng hổ cái. Con hổ cái thấy thế cũng lao vào chiến đấu và lại nhanh chóng bị ông vặn gãy chân” – Chưởng môn Văn Thắng kể.
Chứng kiến chiến tích đả hổ của Mùi Đen, lực lượng bên phía thực dân Pháp hoảng sợ nhưng chúng lại nuốt lời, không từ bỏ giải đấu.

Cụ Văn Nhân (phải) từng hạ sát một viên quan hai Pháp.

 
Theo lời Chưởng môn Văn Thắng, cha ông là cụ Văn Nhân khi đó thượng đài đã lỡ tay đánh chết một viên quan hai Pháp và mọi chuyện bắt đầu tồi tệ.
“Nói là đánh trọng thương, thực ra ông cụ nhà tôi đã đánh chết luôn viên quan hai Pháp. Khi đó trước mặt dân chúng, thực dân Pháp không dám thẳng tay trả thù. Nhưng chúng châm dứt giải đấu rồi lén lút tìm cách để tiêu diệt lực lượng bên ta.
Cha tôi khi đó sớm biết nên đã trốn luôn. Cụ leo lên trên một ngọn cây cổ thụ, rồi đêm đến mới nhờ người liên lạc với gia đình gửi đồ và lương thực lên rồi đi lánh nạn.
Sau này, thậm chí gia đình tôi còn phải đổi họ (từ họ Vũ sang họ Nguyễn) để tránh sự truy lùng của giặc Pháp” – Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo kể.
Không truy lùng được cụ Văn Nhân, giặc Pháp điên cuồng trả thù. Chúng đã tìm cách bắt giam cụ Cử Tốn, rồi chọc mù hai mắt cụ. Nhưng những điều ấy chỉ làm giới võ lâm Việt Nam thêm tinh thần, hào khí để chống lại ngoại xâm.
  -Chuyện thứ mười hai:
Trong giới võ thuật luôn truyền tụng câu: “Luyện quyền chẳng luyện công, về già cũng như không”. Đại khái thì câu này có nghĩa là người luyện võ mà không luyện nội công thì đến già cũng không còn gì, không hơn gì người không luyện.

Câu chuyện về nội công luôn là một chủ đề gây hứng thú và tranh cãi trong giới luyện võ. Bởi lẽ môn nào phái nào cũng có những bài bản nhất định để rèn tập nội công. Tuy vậy, sự giống nhau là ở bất kỳ môn nào, đồ đệ chỉ được rèn luyện nội công khi đã luyện tập đến một trình độ nhất định. Đó là chưa kể dù có được luyện tập cũng chưa chắc đã thành tựu được. Chính bởi vậy mà các cuộc tranh luận về nội công thường rất sôi nổi thậm chí không có hồi kết.
Võ sư Hàng Thanh biểu diễn nội công để cho xe cán qua lưng qua bụng mà không cần ván gỗ lót bên trên. Ảnh in trên bìa cuốn sách "Tự luyện nội công Thiếu lâm Sơn Đông" của võ sư Hàng Thanh, xuất bản năm 1974.

Võ sư Hàng Thanh biểu diễn nội công để cho xe cán qua lưng qua bụng mà không cần ván gỗ lót bên trên. Ảnh in trên bìa cuốn sách “Tự luyện nội công Thiếu lâm Sơn Đông” của võ sư Hàng Thanh, xuất bản năm 1974.

Nguyên do của nó, như võ sư Hàng Thanh từng viết trong cuốn “Tự luyện nội công Thiếu lâm tự” là: “ Nhiều bậc sư phụ tân thời đã bày vẽ cho môn đồ của họ những nguyên tắc luyện nội công một cách quá đơn giản, để rồi những môn đồ yêu quý có gia công hàng nhiều năm tháng cũng chẳng đến đâu. Cũng theo chiều hướng nhằm giản dị hóa những bài giảng về phép tu luyện nội công, nhiều tác giả chỉ trình bày sơ lược vài phép tập luyện đơn sơ, rồi những người tự luyện tưởng chừng như mình lãnh hội được chân truyền… mà thật ra mọi người đã hàm hồ không ai nắm được yếu quyết về cách tu luyện… Con số quá lớn những người không thành tựu công phu lần lần đi vào đường mất tin tưởng những bí quyết”.

Vì nội công là võ học thượng thừa mà đến nay phần nhiều vẫn còn được truyền thụ theo dạng “khẩu truyền tâm ấn”, chỉ người dạy và người học ấn chứng được. Bởi thế ở đây chúng tôi không dám mạn đàm mà chỉ xin nêu ra một vài câu chuyện, sự tích về các khả năng của những bậc danh sư võ học được cho là thành tựu về nội công. 
Theo Phương Thái Không đại sư viết trong cuốn “Tự luyện Thiết sa chưởng”: Vào năm Dân quốc thứ 17 (1929), một danh sư võ học tên Cố Mi Chương, một hôm dạo chơi xứ Quảng Đông gặp một lực sĩ người Nga to lớn đang bày trò mãi võ tại đất Quảng với một con ngựa.

Người Nga đại lực sĩ rất tự đắc dẫn con thần mã giới thiệu với quần chúng đây là con thựa thần rất hung dữ, không ai có thể hàng phục nó được mà chỉ có đại lực sĩ Nga là khống chế nó dễ dàng dù là ngay trong lúc nó nổi điên. Thật ra thì ngựa nào chủ nấy, hắn đã huấn luyện con ngựa dữ này theo ý mình. Con ngựa biết tránh né và phản kích với đối thủ của nó và luôn tỏ ra hung hăng ngoại trừ chủ nó.

Cho tới buổi trưa hôm đó tại đất Hồ Quảng đã có rất nhiều võ sư bị ngựa đá trọng thương. Cố Mi Chương mang mối bất bình vì tự ái quê hương nên đã vào đấu với con ngựa dữ.

Con ngựa quả tinh khôn và kiêu dũng đã quần thảo với Cố Mi Chương đến vài ba phút. Nhưng trong một thoáng nhanh như điện, vị võ sư đã phát vào lưng ngựa một chưởng làm nó hí lên một tiếng khủng khiếp rồi ngã khụy xuống đất. Chẳng bao lâu sau nó sùi bọt mép và chết hẳn.

Người Nga biết mình không địch lại vị võ sư này nên nhân lúc nhốn nháo đã thu gọn hành trang lẩn đi mất dạng.

Người ta xem xét xác ngựa thì bên ngoài chẳng thấy thương tích gì nhưng khi mổ phanh ra mới hay là gan ruột con ngựa đã bị nát bấy vì phát chưởng của Cố Mi Chương. Bấy giờ người ta mới biết vị võ sư đã dùng môn võ học âm kình thượng thừa để giết con ngựa, bảo vệ danh dự xứ Quảng. Trong trường hợp này, nếu dùng Dương kình đả thương ngựa thì bên ngoài tất có dấu vết dập bể mà bên trong xương cốt ngựa cũng bể nát. Xem thế mới biết âm kình rất đỗi lợi hại khó đo lường.

Cũng tài liệu nói trên có kể chuyện võ sư Hàng Thanh từng để mềm cánh tay mà 6, 7 người có sức lực cũng không bẻ gập lại được: “Một ví dụ là Giáo sư Hàng Thanh, đệ nhị đại đồ đệ của Thiện Tâm Thiền sư, hiện mang đẳng cấp đệ thất đẳng huyền đai, lúc gặp chân sư thì đã gần 30 tuổi, thế mà sau 6 năm tu tập môn khí công đã chứng nghiệm được kết quả đáng kinh ngạc: cánh tay của Giáo sư đưa ra mềm mại không dẫn lực thế mà 6, 7 người có trình độ vẫn không thể làm cho cánh tay gập lại. Chúng tôi đã được Giáo sư biểu diễn cho xem trong kỳ đại hội của Tổng hội Dịch Lý Việt Nam năm 1972”.

Một câu chuyện khác do võ sư Lý Băng Sơn kể đã được đăng lên báo. Đó là câu chuyện ông đến thử cố võ sư Trần Công. Nghe tiếng cụ Trần Công là người có nội công thâm hậu, có thể phóng khí chữa bệnh, võ sư Băng Sơn chủ tâm đến thử xem sao.

Vào một ngày, ông lấy côn tự đập vào tay trái mình cho bầm tím rồi đến nhờ cụ Trần Công chữa trị cho. Nhìn vết thương, cụ Trần Công cũng đoán được ý nên bảo: “Ông muốn ta phóng khí chữa vết thương phải không, được rồi, ông cứ ngồi nguyên đó, ta sẽ chữa cho”.

Sau khi vận khí, lão võ sư Trần Công đặt tay cách chỗ sưng của võ sư Băng Sơn khoảng 1 gang tay và bắt đầu phóng khí chữa bệnh. Chỉ sau 3 phút, võ sư Băng Sơn thấy tay mình không còn đau đớn nữa như thể chưa hề có cú đập. Ông hết sức kinh ngạc về điều đó.
                                               
Ngoài ra, ở Việt Nam còn có một huyền thoại nội công nữa là cố võ sư Hà Châu với khả năng nằm cho xe lu gần 20 tấn cán qua. Với khả năng ấy, võ sư Hà Châu được xếp vào 1 trong 3 kỳ nhân võ thuật thế giới. Trong những năm của thập kỷ 70, võ sư Hà Châu đã nhiều lần biểu diễn khả năng đặc dị của mình ở miền Nam Việt Nam.

Những câu chuyện kể trên, nhất là các câu chuyện ở Việt Nam, thời gian không xa xôi gì và cũng còn cả ảnh, video hoặc các nhân chứng vẫn còn. Do vậy, có thể thấy là chuyện nội công hoàn toàn là một năng lực của con người chứ không phải chỉ có trong phim ảnh. Dĩ nhiên để luyện thành tựu nội công thì còn cả một quá trình gian khổ trần ai.
  -Chuyện thứ mười ba:
Trong giới võ thuật Sài Gòn trước năm 1975 có một vị võ sư danh tiếng lẫy lừng, võ thuật cao siêu mà tấm lòng cứu nhân độ thế cũng khiến người người nể phục. Đó là võ sư Từ Thiện.

Ông không những đào tạo được nhiều môn sinh xuất sắc tung hoành khắp các võ đài miền Nam thời đó mà còn ra tay khuất phục được nhiều tay anh chị giang hồ khét tiếng. Nổi tiếng nhất trong những màn trừ gian diệt ác của vị đại tông sư phải kể đến vụ khuất phục tay giang hồ Minh “Cầu Muối”. 
Võ sư Từ Thiện tên húy là Hồ Văn Lành sinh năm Giáp Dần (1914) tại ấp Khánh Hòa, làng Tân Phước Khánh, tổng Bình Thiện, huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay). Xuất thân trong gia đình có truyền thống về Đông y, thưở nhỏ ông đi làm thuê ở một lò gốm để nuôi thân và phụ giúp gia đình. Năm 14 tuổi, cậu bé Lành theo thọ giáo nghề võ với người dượng thứ sáu tức võ sư Bảy Phiên (đệ tử đời thứ hai của danh sư Hai Ất).
Sau bốn năm ròng rã miệt mài khổ luyện, 18 tuổi, Hồ Văn Lành bắt đầu thượng đài. Năm 20 tuổi, có tên trong đoàn võ sĩ xứ Tân Khánh (do Cai tổng Thêm làm trưởng đoàn) đi thi đấu khắp miền Đông, miền Tây Nam Bộ, bảy lần thượng đài đều giành chiến thắng với hai đòn sở trường là chỏ, gối mạnh và nhanh "như điện 220V" khiến nhiều đối thủ phải tâm phục khẩu phục.
Năm 1939, ông mở võ đường ở Tân Khánh - Bà Trà thu hút hàng trăm môn đồ các nơi đến xin thọ giáo. Năm 29 tuổi, Hồ Văn Lành giúp vốn cho ông Huỳnh Bá Phước (Năm Phước, người tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) - cao thủ môn phái Bạch Hạc, mở tiệm thuốc Đông y. Để trả ơn, quyền sư này đã chân truyền tuyệt kỹ Bạch Hạc phái và Vịnh Xuân quyền cùng phương pháp chữa trật đả, gãy xương... cho ân nhân họ Hồ. Từ đó, không chỉ truyền thụ quyền cước, võ sư Hồ Văn Lành còn nhận chữa trật khớp, bong gân, gãy xương cho môn đệ và bà con xung quanh mà không hề nhận một đồng thù lao nào.
Năm 31 tuổi, ông Lành tham gia đội Thanh Niên Tiền Phong rồi mặt trận Việt Minh, bị thực dân Pháp phát hiện bắt giam. Năm 40 tuổi (1954) được phóng thích, vị cao thủ võ lâm Tân Khánh - Bà Trà vào Sài Gòn mở võ đường truyền bá môn võ đả hổ tại Khánh Hội (Q.4), đến cuối năm 1963 lại dời qua khu cầu Muối, 15/60 Cô Bắc, Q,2 (nay là Q.1).
Lúc này võ sư Hồ Văn Lành lấy biệt danh Từ Thiện (bởi theo ông đích đến của người học võ là lòng vị tha và tính hướng thiện). Trên nửa thế kỷ sống và dạy võ tại vùng đất dữ này, bằng tài năng và đức độ, võ sư Từ Thiện lần lượt thu phục nhiều tay anh chị giang hồ khét tiếng chợ Cầu Muối như đảng cướp "Bàn tay máu" với những đại ca Minh “Cầu Muối”, Nết, Sửu, Ngọc Anh, Ngọc Em...
      Thời đó, khu vực cầu Muối, cầu Ông Lãnh là vùng đất do tứ đại ca Ba Thế (Lâm Văn Thế) cai quản. Do đó việc ngang nhiên mở võ đường mà không được phép anh Đại (Đại Cathay, vua giang hồ Sài Gòn thời đó) của võ sư Từ Thiện đã làm ngứa mắt đám du đãng, giang hồ tại khu vực cầu Muối. Chuyện vuốt mặt chẳng nể mũi của ông thầy võ đã đến tai Ba Thế và hắn đã thay mặt Đại Cathay xuống chỉ cho Minh “Cầu Muối” dẫn đàn em đến quậy nát võ đường của lão Út (tên thường gọi của võ sư Từ Thiện).
Lúc đó khoảng xế chiều, võ sư Từ Thiện đang dạy binh khí cho các nghệ sỹ thuộc hai đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ và Huỳnh Long (đóng đô tại khu chung cư hẻm 27 Cô Giang, cầu Ông Lãnh) tại võ đường. Bỗng dưng xuất hiện hơn 30 tên côn đồ mặt mày đằng đằng sát khí do trùm du đãng Minh “Cầu Muối” dẫn đầu. Đứa nào mình mẩy cũng xăm trổ chằng chịt, tay lăm lăm mã tấu, dao lê, xích sắt, thắt lưng, gậy gộc, dao mổ heo... hùng hổ kéo vào võ đường như muốn ăn tươi nuốt sống thầy Út khiến các nghệ sỹ sợ hãi bỏ chạy tán loạn.
Bình tĩnh trấn an đám môn đệ, võ sư Từ Thiện ôn tồn: "Các chú cần gì, không thù không oán tại sao lại đến gây hấn?". Minh “Cầu Muối” tay vung xích sắt, lớn lối: "Tội của lão là tự ý mở võ đường mà không xin phép anh Đại!". Nói chưa dứt câu, đám sát thủ máu lạnh vây thành vòng tròn bao vây võ sư Từ Thiện rồi đồng loạt tấn công. Nhanh như chớp, võ sư Từ Thiện chụp cây trường côn bằng sắt trên giá binh khí sử ra bài "Bát quái côn" danh trấn giang hồ của Bạch Hạc phái. Ông tiến thoái nhịp nhàng, tả xung hữu đột, đỡ trên gạt dưới, đường côn sáng loáng và đầy uy lực, tiếng gió rít lạnh người, côn vụt đến đâu, đám du đãng dạt ra đến đó.
Màn đánh đấm kết thúc sau gần mười phút, hàng chục tên du đãng ôm đầu máu bỏ chạy thục mạng, các tên còn lại đứa gãy giò, thằng què tay vội sụp xuống chắp tay lạy võ sư họ Hồ như tế sao. Nhiều tay anh chị vừa khi nãy còn hung hăng thì giờ đây mình mẩy xưng vù tứa máu, có đứa nằm thẳng cẳng bất ly cục cựa.
Tin dữ đến tai Đại Cathay, nhưng sau khi so sánh thực lực đôi bên hắn ngộ ra là cỡ hắn không phải là đối thủ xứng tầm của ông thầy dạy võ. Dằn cơn tự ái, trùm du đãng Sài Gòn hạ lệnh cho Minh “Cầu Muối”: "Để yên võ đường của thầy Út, cấm tiệt đứa nào đến quậy phá!". Kể từ đó, đám giang hồ hùng cứ khu cầu Muối, cầu Ông Lãnh chẳng còn dám bén mảng đến võ đường của võ sư Từ Thiện nữa. Thậm chí có nhiều tay du đãng chuyên đâm thuê chém mướn đã đến thọ giáo nghề võ của quyền sư Từ Thiện, sau thời gian theo học đã được sư phụ cảm hóa, sau đó đã hoàn lương.
      Năm 1959, võ sư Từ Thiện chính thức gia nhập Tổng cuộc Quyền thuật, bắt đầu đào tạo võ sĩ thi đấu võ đài, ông còn trao đổi thêm kỹ thuật môn quyền Anh cùng những đồng đạo thân thiết như Kid Dempsey, Huỳnh Tiền, Phan Văn Hai, Lê Văn Kiển (Tám Kiển), Nguyễn Văn Thanh (Chín Mai)...
Võ đường Từ Thiện là một trong bốn võ đường (cùng với võ đường Trần Xil, Xuân Bình, Lý Huỳnh) đào tạo võ sinh, võ sĩ nhiều nhất miền Nam giai đoạn 1965-1975, vì thế lần đầu tiên bộ môn quyền thuật được Phủ Thủ tướng và Tổng Nha Thanh Niên chế độ cũ tặng "Bằng Danh Dự ưu hạng" vào hạ tuần tháng 7/1970, được báo chí Sài Gòn phong danh "Tứ tú trên bầu trời võ thuật". Năm 1973 võ đường lại vinh dự được Tổng Nha Thanh Niên và Phủ Thủ tướng ban tặng "Thể thao bội tinh".
Một số môn đệ (nam lấy biệt danh họ Từ, nữ họ Hồ) như Từ Quang Vũ, Từ Thanh Nghĩa, Từ Thanh Long, Từ Thanh Quang... mở điểm tập thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên. Các võ sĩ đạt nhiều thành tích trên võ đài gồm Từ Thanh Nghĩa, Từ Thanh, Hồ Phi Phụng, Hồ Thanh Sương, Hồ Bạch Yến (Lý Huỳnh Yến), Hồ Phi Yến, Hồ Ngọc Thọ...
Sau ngày đất nước thống nhất, võ sư Từ Thiện độ nhật bằng nghề chữa bong gân, gãy xương, trặc khớp... tại tư gia. Khi phong trào võ thuật hồi sinh, ông được mời làm cố vấn chuyên môn Liên đoàn Võ Cổ truyền TP.HCM. Thời gian này (1991-1996) võ sư Từ Thiện có nhiều bài viết về võ thuật đăng trên các báo và tạp chí "Võ thuật", năm 1991, ông xuất bản sách "Võ thuật phái Tân Khánh" được nhiều người quan tâm. Năm 2003, được UB.TDTT tặng Huân chương "Vì sự nghiệp Thể dục thể thao". Năm 2005, do tuổi cao sức yếu, lão võ sư Hồ Văn Lành đã về cõi vĩnh hằng tại tư gia, hưởng thọ 90 tuổi, ngày giỗ hằng năm tổ chức vào ngày 27/10 (Âm lịch).
 
 -Chuyện thứ mười bốn:

Người được đề cập trong tích xưa có biệt danh là Mùi Đen, một đệ tử của cụ Cử Tốn (cụ Cử Tốn là cử nhân võ cuối cùng của thời kỳ phong kiến một huyền thoại võ công Bắc Kỳ thời Pháp thuộc).

Trong tích xưa, Mùi Đen là một đại cao thủ, người sở hữu cú đấm có thể hạ gục đối thủ trong chốc lát. Thậm chí, ông được hậu thế truyền tụng là người Việt Nam duy nhất có thể đấm chết một lúc hai con hổ trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân Hà Nội thời bấy giờ.


Mùi Đen là một cao thủ nổi tiếng của Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Ông là đệ tử ruột của cụ Cử Tốn – một huyền thoại võ công Việt Nam. Trong lịch sử của môn phái Thăng Long võ Đạo, thì cụ Cử Tốn chính là ông ngoại của võ sư Nguyễn Văn Nhân người sáng lập ra môn phái. Nhiều “bí kíp” độc đáo của môn phái Thăng Long Võ Đạo hiện này được kế thừa từ di sản võ học của cụ Cử Tốn. Do đó khi nhắc đến Thăng Long Võ Đạo, nhiều người sẽ liên tưởng đến tên tuổi của tay đấm huyền thoại này.

Một pha biểu diễn nội công của môn phái Thăng Long Võ Đạo

Những năm đầu của thế kỷ trước, võ học Việt Nam chịu nhiều áp lực lớn đến từ phía thực dân Pháp. Nước nhà bị đô hộ nên trong con mắt của người Pháp và nhiều dân tộc khác hình ảnh của người Việt Nam bị coi thường. Thực dân Pháp cai trị nước ta bằng nhiều chính sách cấm đoán, trong đó có chính sách cấm dạy võ và học võ. Tuy nhiên, để chấn hưng tinh thần dân tộc, khẳng định tư chất của người Việt Nam, những võ sư từng là những tướng võ trước đây của triều đình Huế, hay những võ tướng bị thất trận trọng các cuộc khơảĩ nghĩa như Yên Thế, Bãi Sậy…. sau khi thoát được sự truy lùng của thực dân Pháp đã âm thầm lập võ đường và truyền võ cho các học trò.
Để khẳng định hình ảnh của người Việt và võ học Việt Nam,, những võ sinh sau khi được truyền thụ võ công sẵn sàng đăng đài đánh với những võ sĩ đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp. Thậm chí, khi được thực dân Pháp cho phép lập đài tự do, nhiều môn phái đã dựng những võ đài riêng như một sự thách thức với những cao thủ võ lâm đến từ nhiều nước khác. Cuộc chiến trên đài thời bấy giờ thực chất là cuộc chiến vì danh dự của người Việt. Việc thắng thua của các võ sĩ không đơn thuần là thượng đài mang tính chất thể thao đơn thuần.
Trong lần trò chuyện với Võ sư Nguyễn Văn Ty (SN 1937), một võ sư tên tuổi, trưởng môn phái Nam Hồng Sơn, ông cho biết, “thời bấy giờ, để đấu lại với những cao thủ đến từ Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, Camphuchia, Pháp, các võ sư của nhiều môn phái Việt Nam thường phải liên hiệp lại để bàn cách đánh hạ đối phương. Có những cuộc đấu lúc đầu phần thắng thuộc về đối thủ đến từ nhiều quốc gia khác nhưng sau khi những bậc thầy võ công Việt Nam hội bàn đã tìm ra cách để chiến thắng.
Trong ký ức của võ sư Nguyễn Văn Tỵ, ông còn nhớ như in cuộc đấu kịch tính giữa võ sĩ đến từ Nhật Bản và một võ sĩ Việt Nam. Theo võ sư Tỵ, “Võ sĩ Nhật Bản sở hữu một bí kíp lạ. Khi võ sĩ của chúng ta đứng ở phía sau không thể nào nhìn rõ được hình ảnh của đối thủ nên không biết cách ra đòn. Chính vì vậy, lúc mới thượng đài, võ sĩ Việt Nam mất phương hướng dẫn tới bị đối thủ hạ gục một cách đơn giản”. Sau lần đó bốn đại cao thủ cũng là bậc chí tôn võ Việt lúc bấy giờ là cụ Ba Các, cụ Cử Tốn, cụ Hàn Bái, cụ Sáu Tộ đã họp bàn và đưa ra một quyết định chính xác: “Khi lên đấu, sau khi luồn ra sau đối thủ thì thẳng tay đấm mạnh không cần thiết có nhìn thấy được đối thủ hay không. Chính nhờ cách đánh đó, khi thượng đài tái đấu, võ sĩ của chúng ta đã hạ gục đối thủ chớp nhoáng”.
Câu chuyện võ sư Nguyễn Văn Tỵ kể lại cũng là để minh chứng cho một thời kỳ thượng đài vì hình ảnh người Việt Nam của một lớp võ sĩ người Việt trước cách mạng tháng Tám. Cũng chính vì tinh thần đó, trong làng võ Việt Nam bấy giờ đã xuất hiện những huyền thoại võ lâm mà Mùi Đen là một điển hình. Nhắc đến võ sĩ Mùi Đen, làng võ Việt nhớ đến hình ảnh của một võ sĩ chu du khắp Đông Nam Á chỉ mục đích duy nhất là đấu đài. Võ sư Thắng cho biết “hễ nơi nào lập võ đài là ở đó có sự hiện diện của Mùi Đen”. Hành lý vỏn vẹn chỉ một chiếc túi trên tay, võ sĩ Mùi Đen tự tin vào Nam ra Bắc, thậm chí sang cả Camphuchia, Thái Lan, Malaixia, Hồng Kong để thi thố võ công. Ông được ví là một võ sĩ đánh hăng và hay nhất những năm đầu thế kỷ XX.

Võ sư Nguyễn Văn Thắng (đứng thứ 5 từ trái qua) huy chương vàng Đại Hội Võ Thuật toàn quốc (1989)

Thượng đài thi đấu, Mùi Đen nhiều lần hạ gục đối thủ chỉ bằng một nắm đấm. Nhưng cuộc đời huy hoàng của võ sĩ này được nhiều người nhắc đến trong một giai thoại nổi tiếng làng võ. Mùi Đen là người duy nhất được lưu danh đánh một lúc chết hai con hổ ngay tại Sở thú Hà Nội trước sự chứng kiến của hàng trăm người. Chính giai thoại được truyền tụng trong làng võ Việt suốt hơn thế kỷ qua khiến tên tuổi của ông trở thành bất tử với hậu thế.
Tích xưa kể lại, cụ Cử Tốn do bí mật mở võ đường đào tạo các võ sinh nên thực dân Pháp sợ rằng đây chính là mầm loạn trong tương lai. Chính quyền thực dân nhiều lần nghĩ cách thu phục ông nhưng bất thành đành nghĩ kế hèn hạ nhằm hãm hại. Chúng ngang nhiên loan báo khắp Đông Dương, ai thượng đài đánh thắng được cụ Cử Tốn, người đó sẽ nhận được một khoản tiền hàng trăm đồng bạc Đông Dương. Thực chất hành động của bọn thực dân là kế “mượn tay giết người” một cách công khai.
Theo nhiều võ sư, những cuộc chiến mà Pháp đứng sau giật dây thường diễn ra theo cách tàn khốc nhất có thể. Bên cạnh võ đài luôn đặt sẵn một cỗ quan tài mây, trận đấu chỉ kết thúc khi một trong hai người bỏ mạng. Đa số những ai mắc kế giăng bẫy của thực dân Pháp chỉ có một con đường chết. Đơn giản, dù thắng võ sĩ này đồng nghĩa sẽ chấp nhận thi đấu với một võ sĩ khác. Đó là chiêu thức thâm hiểm của thực dân Pháp là “Dùng người Việt trị người Việt”.
Biết rõ âm mưu của Pháp, Cụ Cử Tốn cùng các đệ tử mưu bàn kế sách đối phó. Cả nhóm tìm cách dằn mặt các đối thủ không để ai ra thách đấu đồng nghĩa với phá hỏng âm mưu của thực dân Pháp. Cuối cùng thầy trò đưa ra quyết định táo bạo. Diễn lại tích Võ Tòng đấm hổ ngay chính tại Sở thú Hà Nội, và người được chọn vào vai không ai khác là tay đấm huyền thoại Mùi Đen.
Đúng kế hoạch, hôm đó là ngày chủ nhật, sở thú đông người, ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy võ đài được dựng lên. Cụ Cử Tốn điềm tĩnh phát biểu trước đông đảo nhân dân, nói rõ mục đích của việc làm hôm nay. Ở dưới nhiều người sợ hãi, thậm chí nhắm mắt không dám trông lên. Mùi Đen hùng dũng bước ra, theo sau là mấy chục người khiêng hẳn hai chuồng hổ. Trống nổi lên giục giã, hai con hổ lồng lên, gầm rú dữ tợn, nhiều người không đủ can đảm để chứng kiến đành sợ hãi bỏ chạy.
Mùi Đen bình tĩnh tiến thẳng lại chuồng hổ bên trái, nơi nhốt con hổ cụt đuôi nổi tiếng hung dữ sau đó tự tay mở cửa. Con hổ lao lên, hai bên bắt đầu quần nhau. Hổ lâu ngày bị giam hãm, nay được sổ lồng nên hung giữ gấp trăm lần. Còn Mùi Đen tỏ ra hết sức bình tĩnh. Sau hơn một tiếng đồng hồ quần thảo, hổ gần như đã kiệt sức vì dính phải nhiều cú đấm thôi sơn của võ sĩ Mùi Đen. Nắm thời cơ, Mùi Đen giáng đòn quyết định vào chính giữa yết hầu khiến con hổ lăn ra chết. Đến lúc này quần hùng bắt đầu reo hò khôn xiết, bọn Pháp chứng kiến cảnh đó mặt mày xanh mét.
Những tưởng sau khi đánh chết một con hổ, võ sĩ Mùi Đen phải nghỉ ngơi. Nhưng khi tiếng la hét chúc tụng của đám đông chưa dứt, Mùi Đen tiến lại chuồng cọp thứ hai. Cuộc chiến với con cọp cái này cũng diễn ra gần một tiếng. Kết quả, phần thắng nghiêng về phía võ sĩ huyền thoại. Sau trận đấu, danh tiếng của võ sĩ Mùi đen càng nổi, anh hùng võ lâm vì thế mà khiếp vía không ai dám đến đăng ký thượng đài với cụ Cử Tốn. Bởi họ cho rằng học trò giỏi thế chắc chắn thầy càng giỏi hơn. Sau sự kiện này, phía Pháp cũng đành ngậm ngùi chịu thất bại về kế sách hèn hạ của mình.
Chuyện về người anh hùng đả hổ chấn động Bắc kỳ đến nay vẫn chỉ là huyền thoại, nhưng Mùi Đen được giới võ thuật phong biệt danh là Hắc Hổ là có thật. Huyền thoại đả hổ có thể là một cách để ghi nhớ về tay đấm khét tiếng làng võ thuật một thời này.

Võ sư Nguyễn Văn Nhân là cháu nội của Võ sư Vũ Thống Thành, bạn thân cụ Đề Thám. Ông ngoại của võ sư Văn Nhân là võ cử nhân Nguyễn Đình Tốn (tức Trọng), thường gọi là cụ Cử Tốn. Nhờ hội tụ được tinh hoa của cả hai nền võ học, võ cổ truyền Việt Nam và võ thuật Trung Hoa, võ sư Văn Nhân đã trang bị cho mình những kiến thức không những về võ học mà còn về y thuật, lý số. Mới 20 tuổi, ông đã vang danh trong làng võ vì chiến thắng trong hầu hết các trận đánh đả lôi đài. Một lần, do quá tay, ông đã kết liễu cuộc đời tên võ sĩ người Pháp, kẻ đã sát hại rất nhiều võ sĩ người Việt. Vì biến cố này, ông đã phải phiêu dạt giang hồ và đổi tên thành Nguyễn Văn Nhân. Trước Cách Mạng tháng Tám, ông là một “Hai Cũ” ở vùng Lương Yên, Hà Nội. Năm 1944 ông theo cách mạng rồi vào Thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu. Tháng 8 – 1945 ông đi bộ đội, phụ trách đại đội quân báo của Trung đoàn E41 ở liên khu 3. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động tuần lễ vàng, võ sư Thăng Long đã từng biểu diễn võ thuật quyên tiền giúp đồng bào. Một lần tại nhà hát lớn ông đã trình bày “Khẩu lợi công” kungfu đặc dị của môn phái, xuống tấn dùng răng cắn và nhấc bổng cả bàn thờ có đủ đỉnh đồng, nến, hạc. Những năm sau hòa bình võ sư chuyển sang công tác huấn luyện cho các đơn vị đặc biệt của Bộ quốc phòng.

Chưởng môn Văn Thắng vận công trước khi biểu diễn nhất dương chỉ

Khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, do nhận thấy cần phải làm một điều gì đó để chấn hưng nền võ Việt và tiếp nối truyền thống hào hùng của gia đình, Võ sư Văn Nhân đã sáng lập ra môn phái Thăng Long Võ Đạo, một môn võ hội tụ cả Nhu – Hòa – Nhân – Trí, được xây dựng trên nền tảng Võ học và Y học, kết hợp với phương pháp khoa học hiện đại, phù hợp với thể trạng người Việt Nam.
  -Chuyện thứ mười lăm:
Võ sư Sáu Trừ tên thật là Ngô Văn Trừ, sinh năm 1936, người gốc Sài Gòn. Ông sinh ra trong một gia đình bề thế, có truyền thống về võ học.
Do yêu thích võ thuật, nên từ nhỏ Sáu Trừ đã được cha mình cho đi thọ giáo rất nhiều cao thủ ở các môn phái khác. Khi lớn lên, nghe danh thầy Chín Hóa (tên thật là Bùi Văn Hóa), sáng tổ của môn phái Thiếu Lâm tự – Nội quyền – Tây Sơn Nhạn tại Việt Nam kiến thức võ học hơn người, là một trong ba người nổi danh đánh hổ nên ông đã tìm đến tầm sư học võ.
Với đam mê võ học, cùng với đó là tố chất hơn người cũng như sự chăm chỉ luyện tập Sáu Trừ đã nhanh chóng trở thành một trong những đại cao thủ ở võ đường của tổ sư Chín Hóa. Thời điểm những năm 1965, khi nhắc đến võ đường của tổ sư Chín Hóa là phải kể đến “Nhất Hổ, Nhì Miêu, Tam Trừ (Sáu Trừ), Tứ Tính”.
Lý Sơn Phi Hổ với lối đánh mãnh liệt như mãnh hổ vồ mồi. Nhì Miêu với lối đánh khôn khéo, ru ngủ đối thủ rồi bất ngờ tung đòn như vũ bão. Tam Trừ với ngọn cước “Bình Sa Lạc Nhạn” trứ danh của môn phái Tây Sơn Nhạn nhanh tựa sấm chớp, Tứ Tính với đòn gối bay nặng tựa ngàn cân giáng lên đối thủ. Đối với đấu trường tự do thời ấy, tứ đại cao thủ của Tây Sơn Nhạn thực sự là nỗi khiếp sợ của bất cứ đấu sĩ nào.

‘Chà Và Hương’ là một cao thủ võ công biệt danh “cặp dao cạo” sở hữu cặp cùi chỏ linh hoạt và có độ sát thương như dao sắc lẹm, bất bại trên sàn đấu, Nhưng mỗi khi nhắc lại kỷ niệm lần diện kiến Sáu Trừ, ông vẫn cảm thấy trong lòng hừng hực.
Theo như ‘Chà Và Hương’ kể lại, trong một lần đến Đông Tây học đường ở quận 1 chơi với đám bạn gái thì ông vô tình xích mích với một thanh niên lạ – Sáu Trừ. Nổi máu chiến lên, ông đã rủ người này đấu một trận phân cao thấp.
‘Chà Và Hương’ thủ thế rồi lao vào đối thủ, rất nhanh, người kia liền tung ra cú quét trụ rồi giáng một cước vào bụng ‘Chà Và Hương’ khiến ông ói và gục tại chỗ. Về sau, Chà Và Hương hỏi ra mới biết đó là Sáu Trừ, cao thủ của Tây Sơn Nhạn với cú đá “Bình Sa Lạc Nhạn” trứ danh.

Võ sư Sáu Trừ có 5 người con trai tất cả đều rất giỏi võ, một trong số đó có lần đi chơi bên quận 4 xích mích với giới giang hồ. Sẵn có võ nghệ, người con này đã một mình ra tay đánh gục cả chục tên. Nhưng anh này đâu biết rằng đã đụng phải đàn em trùm giang hồ quận 4 là Lệ “què’ và Ve Sầu.
Chỉ sau hôm đó, đám giang hồ Lệ “què”, Ve Sầu đã kéo hàng trăm tên đến bao vây nhà võ sư Sáu Trừ. Đám giang hồ tuyên bố rằng, cứ mỗi 17h chiều mỗi ngày sẽ kéo quân đến giao chiến với gia đình Sáu Trừ.
Dù đã ở tuổi 60 nhưng Sáu Trừ vẫn cùng các con kẹp tập sách, quấn dây xích quanh người làm áo giáp giao chiến. Hết đêm thứ nhất rồi đến đêm thứ hai giao chiến, hàng trăm tên giang hồ bao vây từ 3 phía mà cha con võ sư Sáu Trừ vẫn trụ vững.
Đến đêm thứ 3, khi đám giang hồ tới, vợ của võ sư Sáu Trừ ra dõng dạc tuyên bố “ngã đứa nào bỏ đứa đó”, ý muốn nói nếu có đứa con nào ngã xuống thì những đứa khác phải kiên cường chiến đấu tiếp. Nghe thế đám giang hồ khiếp vía, cha con võ sư Sáu Trừ lại có thêm nhuệ khí.
Đêm ấy, thủ lĩnh Lệ “què”, Ve Sầu bị cha con võ sư Sáu Trừ đánh gục tại chỗ. Đám giang hồ lâu la tan tác. Sau trận chiến cả khu phố được phen ăn mừng, tung hô cha con Sáu Trừ vì đã dạy cho đám giang hồ một bài học.
Trong giới võ thuật, chỉ cần tiếp xúc với Sáu Trừ, kể cả những ai không đam mê võ thuật cũng đều có một cảm giác chung như là ông có ma lực. Hiểu ông hơn không ai hết có lẽ phải kể đến Chưởng môn đời thứ 3 – Tô Đình Thanh (biệt danh Xuyên Sơn Nhạn) của môn phái Thiếu Lâm – Nội Quyền – Tây Sơn Nhạn. Võ sư Tô Đình Thanh cũng được thọ giáo sư thúc Sáu Trừ ở ngọn cước trứ danh nên ông cũng hạ gục nhiều đối thủ trên võ đài bằng ngọn cước ấy.
“Sư thúc Sáu Trừ tạ thế tại quận 2 cách nay cũng đã 5 năm (2011) nhưng những giai thoại về ông còn vang mãi. Giới đồng môn chúng tôi biết về ông không chỉ là thần thái võ học, giai thoại oanh liệt mà còn là một cao thủ võ học mà có nhiều người luyện tập cả đời cũng khó mà đạt được. Khi sư thúc còn sống, tôi thường lui tới nên những giai thoại ông kể cứ in hằn trong tâm trí tôi như một tiểu thuyết võ hiệp lừng danh”, võ sư Thanh kể lại.
Ông Thanh cũng chia sẻ thêm rằng, “Sáu Trừ từng hạ gục nhiều võ sỹ quyền anh nước ngoài và không ít võ sỹ Muay Thái của Thái Lan. Ở đấu trường tự do cùng hạng cân có thể nói võ sư Sáu Trừ là một đại cao thủ bất bại. Không thể kể hết những chiến thắng vang dội của võ sư Sáu Trừ, nhưng một trong những trận chiến oanh liệt nhất của ông là lần diệt cả trăm tên giang hồ cộm cán náo loạn Sài thành”.
......
(Hết chương XXVII)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét