Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

TT&HĐ IV - 34/b

                                         

                         Lý giải “Bát Quái trận đồ” của Khổng Minh dưới cái nhìn khoa học

PHẦN IV:     BÁU VẬT 
 
"Dọc đường lịch sử nhân loại, có rất nhiều báu vật bị người đời, vô tình hay hữu ý, lỡ bỏ đi hoặc đánh rơi, đã chìm trong quên lãng. Kẻ nào muốn có ngọc, chỉ cần dò tìm lại chúng, nhặt lên, đánh bóng..."
NTT 
“Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia.” 
 
Tôi bước chân vào thư viện và khép cửa lại. Như thế là tôi đã tách khỏi tính tham lam, lòng tự ái, tệ say rượu và sự lười biếng củng tất cả những thói hư tật xấu do cái dốt nát, sự vô công rỗi nghề và cảnh sầu tư sinh ra. Tôi đắm mình vào cái vĩnh hằng giữa những tác giả tuyệt diệu với một niềm tự hào, với một cảm giác thỏa mãn đến mức cảm thấy thương hại tất cả các ông quan lớn sang trọng và giàu có nhưng không được hưởng niềm hạnh phúc này.
D. Henziut
 
Những người đọc sách tuy chưa thành danh nhưng cũng đã có một tư cách cao thượng, những người làm điều thiện, tuy không mong báo đáp nhưng tự trong lòng khoan khoái.
Ngạn ngữ Trung Quốc 
 

Đọc sách hay cũng giống như trò truyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua. 

Rene Descartes

Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người. 
 Voltaire 
 
Một thư viện của sự hiểu biết quý giá hơn tất cả sự giàu sang, và tất cả mọi thứ đáng khao khát đều không thể so sánh với nó. Vì vậy bất cứ ai nhận mình là có nhiệt tâm với sự thật, với hạnh phúc, với sự hiểu biết hay tri thức đều phải trở thành người yêu sách. 
 Plato 

“Khi họ đốt sách thì chính là họ cũng đang đốt cả loài người.” 
 
“Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng.
 Chẳng bằng kinh sử một vài pho.”
  
“Lạc vào cõi mộng Tự Nhiên
Thẫn thờ một bóng giữa miền Siêu Linh
Nhặt lên dáng ngọc bí huyền
Mắt ai thăm thẳm đắm nhìn mắt ai.”
Thầy Cãi

CHƯƠNG II: Ngọc Bích

“Bằng cách ở mỗi hiện tượng tự nhiên của cái riêng lẻ, cái qui ước, và ngẫu nhiên, chúng ta hướng mắt tới cái phổ quát, cái khách quan và tất yếu, thì chúng ta tìm cái độc lập đằng sau cái lệ thuộc, cái tuyệt đối đằng sau cái tương đối, cái vĩnh cửu đằng sau cái vô thường. Và như tôi nhìn thấy, cái khuynh hướng này biểu lộ không những trong vật lý học, mà còn trong mỗi ngành khoa học, vâng không chỉ trên lĩnh vực khoa học, mà còn trên lĩnh vực của cái thiện và cái mỹ”.
Max Planck

"Mọi phát kiến của nhân loại đều có bàn tay hướng dẫn của Toán học, bởi vì chúng ta không thể có một người chỉ đường nào khác".
Charles Darwin

"Toán học thuần túy, theo cách của riêng nó, là thi ca của tư duy lôgic”
Albert Einstein 

"Thậm chí ngay cả trong trò chơi của con trẻ cũng có những điều khiến nhà toán học vĩ đại nhất phải quan tâm".
Gottfried Wilhelm Leibniz

"Toán học là kết quả của lao động sáng tạo, được phát sinh từ cố gắng nhận thức tự nhiên vì cuộc sống. Nó được xây dựng nên từ sự khám phá những biểu hiện có tính qui luật của sự vận động và biến hóa của vật chất. Nhưng con người đã không ngờ rằng họ đồng thời cũng xây dựng nên một khối hoa cương toán học mà ở dạng thuần túy, nghĩa là vô vật chất hóa, nó còn nói về sự chuyển hóa không gian, tức là nói về vận động của Tự Nhiên Tồn Tại." 

NTT


 

 

(Tiếp theo)


Nhớ lại lời Lão Tử: “Trong thiên hạ không gì yếu mềm bằng nước mà thắng được những vật cứng cũng không gì bằng nó, không gì thay nó được”. Thế thì tại sao Thủy Tinh luôn thua, không một lần thắng được Sơn Tinh? Bởi vì Thủy Tinh đã làm điều phi nghĩa, vô luân (đi cướp đoạt Mị Nương một cách danh không chính mà ngôn cũng không thuận!). Hành động mù quáng đó đã làm cho Thủy Tinh lâm vào cảnh trái thời, ngược thế, thất nhân tâm. Biểu hiện rõ nhất là xua thủy quân của mình lên đánh nhau trên cạn, bỏ sở trường thủy chiến mà theo sở đoản là... lục chiến. Như vậy, Thủy Tinh đã vô tình tạo ra những yếu tố tiền đề làm nên ưu thế cho Sơn Tinh trước lúc bước vào quân tranh.
Tuy nhiên, nếu Sơn Tinh không biết hành động thì ưu thế tiềm năng không thể chuyển biến thành hiện thực được. Thậm chí, nếu hành động vụng về thì ưu thế trời cho cũng biến thành thất thế, nhất là trước một lực lượng hùng hậu “sóng trào, lũ quét, mưa giăng, gió cuồng mù mịt” của Thủy Tinh. Phải cho rằng Sơn Tinh là vị thủ lĩnh lược thao gồm tài:
Lúc thì đắp đập be bờ
Khi thì gióng trống mở cờ xung phong
Bày trận lạ, hiểm bố phòng
Trăm trận trăm thắng, chiến công lẫy lừng.
Sơn Tinh thắng Thủy Tinh vì còn lẽ này nữa: Đại Chúng dân gian đã cố tình xây dựng nên câu chuyện như thế và truyền đời kể lại cho con cháu một cách thích thú! Hơn nữa, trong sâu thẳm suy tưởng của mình, chúng ta đã thấy được bức tranh sinh động này: xưa kia, có thể là trước cả thời “biển lùi” đã từng có một “non nước” trù phú mà trung tâm, chốn “phồn hoa đô hội” nhất của nó là Tản Viên, cư dân của nó là một nhánh thủy tổ chủ yếu, có tính nòng cốt của người Việt cổ sau này, thủ lĩnh của cư dân ấy chính là Sơn Tinh - Đại Vương, và “non nước” Tản Viên cũng chính là một tổ quán xa vời ngay cả đối với cư dân thời Hùng Vương.
Thời cổ xưa, khi vũ khí còn thô sơ, chỉ gồm gậy gộc, gươm giáo, cung tên, chỉ có khả năng gây sát thương cận, gần, thì hình thức tranh hùng chủ yếu là những khối người đối địch trực tiếp xông vào nhau… “đánh lộn”, nghĩa là diện đối diện, giáp lá cà, mạng đổi mạng bằng võ nghệ cá nhân… Khi hai khối người được trang bị vũ khí đối diện nhau chuẩn bị một phen sống mái, thì để tranh thắng, thủ lĩnh hai bên đều tìm cách tạo ưu thế vượt trội hơn đối phương ngay từ lúc đầu dàn trận cũng như trong lúc giáp chiến. Ngoài yếu tố về số lượng ra thì tài năng bày binh bố trận và điều binh khiển tướng của vị thủ lĩnh quân đội có ý nghĩa quyết định đến số phận chiến trường.

Tinh Thần Hai Bà Trưng Gần 2000 Năm Vẫn Truyền Cảm Hứng Cho Phụ Nữ Việt -  Tài Liệu Văn Hoá - Lịch Sử - Bình Trung

Hai Bà Trưng trên lưng chiến tượng

Nói tới việc bày binh bố trận ngày xưa, đối với người Á Đông, không ai không biết đến cái tên của một thế trận cực kỳ “mê hồn” mà nếu lạc vào đó là “từ chết đến bị thương”, khó mà tìm được lối ra, khó mà hy vọng trở về, đó là Bát Quái Trận Đồ.
Gia Cát Lượng (181 - 234), tên tự là Khổng Minh là một vị quân sư lỗi lạc, lừng danh nhất thời “Tam quốc diễn nghĩa” ở Trung Quốc. Sau cuộc “Tam cố thảo lư” (ba lần đến lều cỏ) của Lưu Bị - một tôn thất nhà Hán, Khổng Minh đã nhập thế, theo về với ông này, đắc lực phò tá. Nhờ vậy mà Lưu Bị mới chiếm được Kinh Châu, bình định Ích Châu, Hán Trung, dựng nên nước Thục, cùng với nước Ngụy ở phía Bắc, nước Ngô ở phía Đông, tam phân thiên hạ theo thế chân vạc. Tháng 8 năm 234, do làm việc quá mức, sức khỏe suy kiệt, Khổng Minh lâm trọng bệnh rồi mất ở gò Ngũ Trượng. Thi hài ông được an táng tại núi Định Quân. Sau khi ông mất, nước Thục suy yếu dần và bị nước Ngụy thôn tính.
Tên tuổi Khổng Minh - Gia Cát Lượng, trên danh nghĩa là nhà quyền mưu quân sự đại tài của Trung Quốc đã đi vào huyền thoại cùng với Bát Quái Trận Đồ.
Bát Quái Trận Đồ của Khổng Minh là một thế trận thoạt trông thì đơn giản nhưng khi đã vận động thì biến hóa đến kỳ ảo, khôn lường. Các học giả xưa kia không tiếc lời ca ngợi cách bày binh bố trận này và thậm chí đến mức thần thánh hóa nó. Tuy vậy, cụ thể cách bày bố và vận hành của Bát Quái Trận Đồ ra sao thì cho đến tận ngày nay vẫn là điều bí ẩn.
Trong bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung có viết rằng Bát Quái Trận Đồ “thường hữu khí như văn, từng nội nhi khởi” (có khí như mây, sức mạnh phát ra từ bên trong), và cũng có kể chuyện Khổng Minh hai lần sử dụng trận đồ này.
Lần thứ nhất là Khổng Minh bày trận đồ ra để bắt Lục Tốn. Đô đốc Lục Tốn là danh tướng nước Ngô. Sau khi dùng kỳ binh phá tan 70 vạn tinh binh, đốt sạch 40 doanh trại dài 700 dặm của quân Thục, Lục Tốn tiếp tục khẩn trương xua quân truy bắt Lưu Bị. Đến bến Ngư Phúc thuộc Quỳ Châu, Lục Tốn thấy cạnh bờ sông sát khí bốc lên ngùn ngụt. Sợ bị mai phục, Lục Tốn cho quân đi dò la, chẳng thấy gì ngoài 90 đống đá được xếp thành tám cửa (bát môn). Lục Tốn coi thường, cho rằng đó chỉ là trò ma thuật cốt hù dọa người, chẳng có gì phải sợ, bèn dẫn quân xông vào. Bỗng chốc cuồng phong nổi lên, “cát bay, đá chạy che lấp hết trời đất”. Lục Tốn cùng ba quân cố tả xung hữu đột nhưng không làm sao thoát ra ngoài được. Rất may là nhờ có Hoàng Thừa Ngạn (bố vợ Khổng Minh) thương tình giúp cho, dắt từ cửa “Tử” ra cửa “Sinh” của trận đồ đã biến hóa, Lục Tốn cùng tàn quân mới thoát được ra ngoài vòng vây. Khi Lục Tốn cảm tạ và xin được dạy cách lập thế trận này, Hoàng Thừa Ngạn nói: “Bát Quái Trận Đồ lập theo Bát môn Đôn Giáp, lợi hại bằng 10 vạn tinh binh, biến hóa vô cùng. Ngươi làm sao học nổi?”.
Lần thứ hai là khi Khổng Minh đấu trận pháp với Tư Mã Ý (lúc này là chủ tướng nước Ngụy) bên bờ sông Vị. Khổng Minh lập Bát Quái Trận Đồ và thách Tư Mã Ý phá trận. Tư Mã Ý đã biết tiếng thế trận này, cho quân xông vào theo đúng nguyên tắc đã học: “Vào cửa Sinh, ra cửa Tử”. Nhưng rồi Khổng Minh cho biến trận khiến quân Ngụy trong đó bị bắt hết, bị bôi mực vào mặt để làm nhục Tư Mã Ý.
Sau này, một tướng cũng đầy tài năng của nhà Thục, đệ tử của Khổng Minh, là Khương Duy có nói: “Bát Quái Trận Đồ theo độ số Trời có cả thảy 365 phép biến hóa huyền diệu”. Và một lần đã biến Bát Quái Trận Đồ thành thế “Trường xà quyển địa”, đánh tan quân Ngụy.



Bày quân theo Bát trận đồ
Gia Cát Lượng, bát trận đồ,
                                      Bày quân theo Bát trận đồ
Uy lực của Bát Quái Trận Đồ ghê gớm như thế nhưng có điều lạ là sau khi Khổng Minh mất đi, trừ có Khương Duy biết sử dụng đến chừng mực nào đó, còn thì không thấy ai áp dụng nó nữa. Phải chăng cách bày binh bố trận đó và biến hóa nó cho phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh là quá khó khăn, đến nỗi danh tướng Lục Tốn - Đô đốc của nước Ngô cũng không thể lĩnh hội được, như Hoàng Thừa Ngạn đã nói, và vì thế mà nhanh chóng thất truyền?
Từ trước đến nay đã có nhiều học giả, nhiều sử gia quân sự cố tìm hiểu xem trong thực tế, Bát Quái Trận Đồ của Khổng Minh đã được sắp xếp và biến hóa như thế nào mà tài tình đến thế, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là những phỏng đoán mơ hồ. Trong cuốn “Tấn Ký”, học giả Cao Bảo viết: “Gia Cát Khổng Minh ở Hán Trung đã cho xếp đá chồng thành lũy, mỗi phía phải đến mấy trăm bộ (1 bộ = 5 thước). Bốn bên thành quách có 8 hào sâu, mỗi hào rộng khoảng 3 trượng”. Còn đối với Bát Quái Trận Đồ đã làm khốn đốn Lục Tốn thì sách “Kinh thủy, Giang Thủy chú” có ghi chép: “Gia Cát Lượng bày trận ở phía nam sông Trường Giang. Trên bãi cát sỏi trống trải, nhìn thấy cả hai bờ sông (sông Trường Giang, huyện Phong Tiết, phía đông tỉnh Tứ Xuyên), Gia Cát đã sáng tạo Bát Quái Trận Đồ, đều là đá nhỏ mịn tạo thành. Đi từ phía nam có thể nhìn thấy thành hào, các hào cách nhau khoảng 2 trượng”.
Theo nhiều nhà nghiên cứu quân sự suy đoán thì Bát Quái Trận Đồ là một bố cục có phương hướng, có thể tách, có thể hợp, vừa định vừa biến. Quân số được phân ra, bố trí theo hình Bát quái, có 8 cửa là: cửa Hưu, cửa Sinh, cửa Thương, cửa Đỗ, cửa Ảnh, cửa Tử, cửa Cảnh, cửa Khai; trong đó Sinh, Cảnh, Khai là cửa cát (tốt); còn Hưu, Thương, Đỗ, Tử, Ảnh là cửa hung (xấu). Trong việc lập Bát Quái Trận Đồ còn dùng đá, xe lương thực để làm vật cản và nơi ẩn nấp. Xe tải lương được che chắn bằng da (vì vậy người ta gọi là “xa mông trận”). Còn có cả công sự được đào quanh co khúc khuỷu để chống kỵ binh địch. Khi quân địch lọt vào thế trận, tướng sĩ bày trận dùng cung tên, gươm giáo, đao, thương… tiêu diệt, dùng các đội quân cơ động bao vây, chia cắt phá tan hàng ngũ địch.
Cách giải thích trên không những không làm sáng tỏ hơn chút nào mà còn có phần làm cho Bát Quái Trận Đồ thêm bí hiểm. Chúng ta cho rằng thời Khổng Minh, không đội quân nào “rỗi hơi” đi đào công sự cả bởi vì nó hoàn toàn không cần thiết, thậm chí, nấp dưới công sự chờ địch đến là hoàn toàn thất thế, bất lợi khi vũ khí chỉ là gươm giáo chứ chưa có súng đạn, còn cung tên thì dùng khiên che cũng hiệu quả chán. Lập chướng ngại vật trong Bát Quái Trận Đồ cũng không phải là điều hay ho lắm, vì khi quân địch lọt vào trong trận rồi thì chướng ngại vật nếu có làm khó người thì có thể cũng làm khó ta. Bát Quái Trận Đồ là một cuộc bày binh bố trận “công khai”, ngay từ đầu đối phương đã quan sát rõ ràng chứ không phải một cuộc mai phục, ngụy trang để đánh úp. Tuy nhiên cũng có thể nói nó được ngụy trang bởi cách bày binh bố trận ban đầu trông đơn giản, tầm thường để nhử địch chủ quan xông vào và sức mạnh phi thường của thế trận chỉ bộc lộ khi nó cử động, biến hóa.
Bát Quái Trận Đồ gắn liền với tên tuổi Khổng Minh nhưng ông không phải là cha đẻ của nó. Có thể Khổng Minh chỉ là người am tường thế trận này, sáng tạo thêm đến mức hoàn thiện và cũng là người sử dụng nó một cách hiệu quả, tài tình nhất. Học giả thời Đông Hán là Trịnh Huyền có viết trong tập “Chu lễ”: “Nhà quân sự kiệt xuất nhất thời Xuân Thu là Tôn Vũ đã giảng thuật pháp của Bát Trận trong sách binh pháp. Nhưng đến nay, di bản về Bát Quái Trận Đồ của Tôn Vũ đã thất lạc, tản mát hết.”. Năm 1972, trên núi Ngân Tước, huyện Giám Nghi, tỉnh Sơn Đông, các nhà khảo cổ đã khai quật, tìm được một số ít tài liệu “Binh pháp Tôn Tử”, trong đó có nhắc đến Bát Trận. Người ta cho rằng Bát Trận Đồ của Tôn Vũ có thể là sự kế thừa từ trận pháp có tên Bát Môn Kim Tỏa (Tám cửa có khóa bằng vàng) xuất hiện từ thời Văn Vương (nhà Chu) và Khương Tử Nha. Có thể chính Cơ Xương (tên của Văn Vương trước khi lập nên nhà Chu) đã là tác giả của Bát Môn Kim Tỏa khi ông bị vua Trụ tống giam trong ngục Dữu Lý và đang nung nấu gầy dựng cơ đồ. Nếu thế thì Bát Môn Kim Tỏa có trước hay Bát Quái (trong Kinh Dịch) có trước?

  Ngôi sao - Tam quốc diễn nghĩa: Bát trận đồ của Khổng Minh lợi hại tới đâu? (Hình 2).
                                         Di chỉ “Bát trận đồ” thời Tam Quốc.

Ngôi làng được xây theo bát trận đồ của Gia Cát Lượng ở tỉnh Triết Giang, Trung Quốc
Gia Cát Lượng (181 – 234) được người đời vinh danh là “vạn đại quân sư” (quân sư nghìn đời). Nhưng ít ai biết rằng ông cũng là một nhà sáng chế, nhà phát minh đại tài, là tác giả của nhiều ý tưởng quân sự độc đáo. “Bát trận đồ” là một ví dụ điển hình như thế.
Thật khó lòng tưởng tượng một ý tưởng thuần túy quân sự lại rút ra được từ hình đồ Bát Quái (trong Kinh Dịch) không hàm chứa tính lực lượng cũng như sự biến hóa nào cả. Nhưng cũng khó tưởng tượng nổi hình đồ Bát Quái có được là trực tiếp nhờ vào sự gợi ý của Bát Môn Kim Tỏa. Theo ý chúng ta, nhiều khả năng chúng là “thân bằng quyến thuộc” của nhau, cùng “họ” với nhau và cùng chung một gốc tổ (dù có thể là ở thời xa xưa hơn nữa).
Rất đáng chú ý là sự mô tả về Bát Quái Trận Đồ của học giả Nguyễn Miễn, thời nhà Tống, trong cuốn sách “Lý Tĩnh vấn đối”. Chúng ta cho rằng sự mô tả đó là rõ ràng và sát thực hơn cả. Nguyễn Miễn viết như sau: “Bát Trận Đồ đầu tiên do 5 đội bộ binh và kỵ binh lập thành. Phương pháp bày trận là chia hình vuông ra 9 phần bằng nhau. Ở giữa bố trí 1 đội, 4 góc hình vuông 4 đội. Đội giữa là trung ương (Trung quân, nơi có tướng tổng chỉ huy), 4 đội kia có thể thay đổi nhau ở 8 phía xung quanh, đội hình tùy cơ mà ứng biến, binh lực linh hoạt cơ động, trước sau phải trái hô ứng kịp thời”.
Vì đã có sẵn mối hồ nghi, ngờ ngợ mà sự mô tả trên đã làm chúng ta liên tưởng ngay đến hình 8a, 8b, 9a, 9c trong phần IV, Chương I. Với những con số biểu thị lực lượng quân đội, nếu chúng ta cho rằng đó là một kiểu Bát Quái Trận Đồ cùng với những biến hóa có nguyên tắc nhất định của nó, thì chắc cũng không sai, sẽ không có nhiều người phàn nàn lắm đâu. Nói tóm lược: có thể lúc đầu, Bát Quái Trận Đồ được bày bố như hình 9a (với điều chỉnh là lực lượng ở trung tâm là 20, tổng lực lượng là 90!). Khi quân địch xông vào thì thế trận sẽ biến hóa thành 9c. Tùy vào sự “manh động” của địch mà vị tướng lĩnh tùy cơ ứng biến, điều phối các cụm binh lực và biến hóa thế trận thành hình 9b: hoàn toàn bao vây chia cắt quân địch, làm cho chúng bị “mê hồn” không biết đâu là lối thoát nữa và bị tiêu diệt. Lúc này, tại trung tâm của thế trận Bát Quái chưa chắc đã còn bản doanh chỉ huy (vì có thể nó đã “biến” ra đâu đó mất rồi!).
Chúng ta biết rồi: nền tảng của các sơ đồ ở hình 9 là Hà Đồ - Lạc Thư. Vậy phải chăng Bát Môn Kim Tỏa (cũng như Bát Quái trong Kinh Dịch) đã là sự kế thừa (có sáng tạo) từ  hình tượng Hà Đồ - Lạc Thư? Hình tượng Hà Đồ - Lạc Thư được khắc họa bằng những chấm tròn nhỏ thể hiện tính lực lượng đã là gợi ý trực quan nhất về một sự bày bố nào đó. Và nhất là sự có thể biến đổi từ Hà Đồ sang Lạc Thư và từ Lạc Thư trở lại Hà Đồ một cách có nguyên tắc đã là một gợi ý về sự biến hóa uyển chuyển và cơ động của sự bày bố. Chúng ta cho rằng hoàn toàn có thể bày binh bố trận trong thực tế giao tranh thời cổ xưa theo sơ đồ Lạc Thư của Khổng An Quốc (với chấm tròn đen và trắng để phân biệt kỵ binh và bộ binh) hoặc theo Lạc Thư (sơ đồ hình tròn) của NTT. Khi cần biến, nó sẽ cơ động trở về cách sắp xếp Hà Đồ, làm cho quân địch lọt vào thế bị những lực lượng áp đảo bao vây, chia cắt, bị dồn đánh tứ phía, nhất là hai bên sườn.
Nhìn ngắm Hà Đồ với con mắt nhà quân sự, chắc rằng ai cũng liên tưởng đến thành quách, đến đội hình chiến đấu hình vuông, đội hình hành tiến có trung quân và bốn bên là tiền, hậu, tả, hữu thời trung cổ. Chẳng có Thượng Đế nào mách bảo cả. Chính thiên nhiên đã hào phóng phô bày ra những cái vốn dĩ thế của mình để con người lựa chọn, rồi sáng tạo trong trình độ hiểu biết và khéo léo của mình, đáp ứng một cách tương xứng và đạt hiệu quả nhất trong hoạt động thực tiễn của mình. Phải chăng Hà Đồ với cách sắp xếp có lớp có lang như tường, hào với một trung tâm ở giữa được bao bọc, bảo vệ đã là một gợi ý trực tiếp cho ông cha ta làm nên một Cổ Loa thành trước hết là vì đòi hỏi cấp thiết của công việc chế ngự, trị thủy, sau đó là đóng luôn vai trò như một thành quách phòng thủ chống giặc giã? Phải chăng tại Cổ Loa thành đã từng là những Hà - Lạc Trận Đồ mỗi khi có xâm lăng?

 
                                                     Sơ đồ thành Cổ Loa

(Còn tiếp)
 
   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét