Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

TT&HĐ III - 30/g

                       
 
Đại Khủng Hoảng (1929 - 1939) - Thảm Hoạ Kinh Tế Khủng Khiếp Nhất Lịch Sử

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.


.

CHƯƠNG IX (XXX): THỜI CUỘC

“Nếu như sau cái đêm tối tăm của thời trung cổ, các ngành khoa học đột nhiên sống lại với một sức mạnh không ngờ và bắt đầu phát triển nhanh chóng một cách kỳ diệu, thì sự kỳ diệu ấy cũng chính là nhờ sản xuất mà có”
Ph. Ăngghen

"Tình yêu giống như chiến tranh, dễ bắt đầu nhưng rất khó để dừng lại."


"Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ sử dụng vũ khí nào nhưng tôi biết rằng chiến tranh thế giới thứ 4 sẽ sử dụng gậy gộc và đá!"  - Albert Einstein
"Chúng ta từng tự hỏi chiến tranh sống ở đâu, và điều gì khiến nó gớm guốc như vậy. Và giờ chúng ta nhận ra mình biết nó sống ở đâu... ở trong chúng ta."  -


"Người ta vẫn gọi chiến tranh là tội giết người. Không phải: nó là tự sát."
  - Ramsay MacDonald


"Chưa từng có lúc nào thế giới không chiến tranh. Dù trong bảy nghìn, mười nghìn hay hai mươi nghìn năm. Những nhà lãnh đạo khôn ngoan nhất, hay những vị vua cao quý nhất, hay cả Nhà thờ - không ai trong số họ có thể ngăn chặn nó. Và đừng chịu thua thứ lòng tin dễ dãi rằng những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội nóng vội có thể ngăn được chiến tranh. Hay có thể chia tách được chiến tranh vì lẽ phải hay đúng đắn ra khỏi phần còn lại. Luôn có hàng nghìn hàng nghìn người mà đối với họ thậm chí cả chiến tranh theo kiểu đó cũng là vô nghĩa và phi lý." - Aleksandr Solzhenitsyn


"Chiến tranh không được trả giá trong thời chiến, hóa đơn sẽ đến sau đó." - Benjamin Franklin

"Chiến tranh là sự ngu dại tột bậc của cuộc sống"
Thầy Cãi
 
 
 
 (Tiếp theo)

 

                                                                             ***
Chúng ta sẽ tìm hiểu tình hình “thời sự” của một số cường quốc chủ yếu trong thời kỳ đại khủng hoảng năm 1929 - 1933, sau này đã góp mặt “xứng danh anh hào” trong việc gây ra chiến tranh thế giới thứ hai mà đến ngày nay, từ thế kỷ XXI nhìn lại, chúng ta thấy cuộc chiến tranh đó chỉ đạt được một mục đích duy nhất là đã tàn phá lực lượng sản xuất nhân loại, tiêu diệt được một lực lượng con người (sức lao động và miệng ăn) khổng lồ, còn ngoài ra là hoàn toàn vô tích sự. Nhưng ở góc độ khác, nó lại “vô tình” tạo cơ hội có một không hai cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa.
1 - Nước Mỹ:
“Chúng ta đã đi gần đến chỗ xóa sạch nạn nghèo đói hơn bất kỳ nước nào trên thế giới”, đó là câu nói thiếu hiểu biết một cách “vui vẻ” nhất của Huvơ (Hoover), ứng cử viên đảng Cộng Hòa, trúng cử tổng thống Mỹ vào năm 1928. Nhiều người Mỹ cũng đã tin như thế vì họ chưa thấy được cái ngày gọi là “Ngày thứ năm đen tối” ở thị trường chứng khoán Niu Óoc đã ở ngay trước mặt.
Ngày 24-10-1929, giá cổ phiếu đột nhiên hạ xuống mức thấp kỷ lục, kích hoạt tình trạng hoảng loạn chưa từng có trong lịch sử thị trường chứng khoán Niu Óoc vào ngày 29-10-1929. Lúc này giá một loại cổ phiếu được coi là bảo đảm nhất đã sụt 80% so với tháng 9, các cổ đông đã mất 15 tỷ đôla, và giá trị các loại chứng khoán đã giảm 40 tỷ đôla. Hàng triệu người đã mất sạch số tiền mà họ tiết kiệm cả đời.


Bức ảnh nổi tiếng Người mẹ di cư do Dorothea Lange chụp vào tháng 3 năm 1936, miêu tả cô Florence Owens Thompson, 32 tuổi có 7 đứa con ở California.
Tiếp theo là sự suy thoái diễn ra như con ngựa bất kham, không thể kìm chế nổi: Hàng loạt nhà tư bản phá sản, hàng loạt nhà máy đóng cửa, hàng ngàn ngân hàng theo nhau sụp đổ, hàng triệu người thất nghiệp, mất nhà cửa và phương kế sinh sống; nhà nước không thu được thuế, công chức và giáo viên không được trả lương.
Đến năm 1932, cuộc khủng hoảng đã đạt đến đỉnh điểm. Tổng sản lượng công nghiệp chỉ đạt 53,8% so với năm 1929. Sản xuất than hạ xuống mức của năm 1904, gang xuống mức năm 1896, thép lùi về mức 1901. Công nghiệp đúc thép chỉ hoạt động còn 16% công suất. Có 115.000 xí nghiệp công thương nghiệp, 58 công ty đường sắt bị phá sản, 10 vạn ngân hàng (40% tổng số ngân hàng Mỹ) đóng cửa. Trong nông nghiệp thì nông sản bị mất giá trầm trọng. Trong những năm 1929 - 1930, đã có tới 75% trang trại bị phá sản. Diện tích gieo trồng ở các bang miền Nam bị thu hẹp còn khoảng 80%. Giá trị hàng xuất khẩu giảm từ 5,241 tỷ xuống còn 2,4 tỷ đôla; giá trị nhập khẩu giảm từ 4,399 tỷ xuống còn 1,322 tỷ đôla. Thu nhập quốc dân giảm một nửa. Đến năm 1932, số người thất nghiệp lên tới 12 triệu.
Các nguyên nhân dẫn đến cuộc suy thoái nặng nề nhất và cũng kéo dài nhất này trong lịch sử nước Mỹ, theo các nhà kinh tế học Mỹ là như sau:
*        Khả năng sản xuất đã vượt quá khả năng tiêu thụ thực tế. Trong khi lợi nhuận công ty tăng 76% (thời kỳ 1922 - 1929) thì công nhân và nông dân vẫn không được nhận thêm phần xứng đáng của họ trong thu nhập quốc dân, do đó không tăng được sức mua xã hội.
*        Chính sách của chính phủ về thuế và nợ chiến tranh làm cho hàng hóa khó bán ra nước ngoài, đặc biệt là những hàng nông sản truyền thống: lúa mì, bông, thuốc lá.
*        Việc cấp tín dụng quá dễ dàng đã tạo ra sự lạm dụng. Người ta mua chứng khoán chủ yếu là để đầu cơ. Nợ của chính phủ và của tư nhân đã vượt qua số 100 tỷ đôla.
*        Sự cơ giới hóa được đẩy mạnh đã làm giảm nhu cầu về thợ không lành nghề làm tăng lực lượng thất nghiệp.
Chính phủ Huvơ đã không giải quyết được khủng hoảng mà còn có những biện pháp không phù hợp làm tăng mức độ nghiêm trọng của tình hình. Năm 1930, Huvơ ký ban hành thuế biểu mới (thuế biểu Hawky - Smooth) cao hơn thuế biểu ban hành năm 1920, làm Châu Âu không thể mua lúa mì của Mỹ, càng làm cho hàng nông phẩm ế thừa. Huvơ không thi hành biện pháp gì để cứu trợ những người thất nghiệp; phản đối dành một khoản ngân sách liên bang để cứu trợ nghèo đói. Hơn nữa, chính quyền Huvơ còn đồng ý giảm tiền lương công nhân và đàn áp phong trào bãi công, biểu tình phản đối của quần chúng.

                         Một người mẹ trẻ và 2 đứa con vô gia cư ở California
Trong cuộc bầu cử năm 1932, Huvơ tiếp tục ứng cử, nhưng ứng cử đại diện cho đảng Dân Chủ là Rudơven (Franklin D.Roosevelt) đã thắng và trở thành Tổng thống Mỹ với lời hứa thực hiện “chính sách mới” (New Deal). Cơ sở lý luận của “Chính sách mới” chính là học thuyết kinh tế Kên (John Maynard Keynes), một học thuyết có cái nhìn sâu sắc hơn về nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, đặt nền móng cho sự xuất hiện hình thức nhà nước tư bản độc quyền (điều tiết vĩ mô nến kinh tế đất nước). Trong bài diễn văn nhậm chức, Rudơven khẳng định sẽ cứu trợ nạn thất nghiệp, nghèo đói, lập lại sự cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp, tiến hành kiểm tra chặt chẽ các hoạt động ngân hàng… Ông đề nghị Thượng Nghị viện cho tổng thống những quyền hành rộng rãi hơn để ông có thể đương đầu với những thảm họa quốc gia và khắc phục nó. Thượng Nghị viện chấp nhận và thông qua tất cả những biện pháp mạnh mẽ và táo bạo của ông.
Với việc thực thi “Chính sách mới”, có thể không có lĩnh vực nào trong đời sống kinh tế Mỹ mà những cải cách của Rudơven không đụng chạm tới.
Trong lĩnh vục ngân hàng, Rudơven cho đóng cửa tất cả các ngân hàng rồi cho mở lại với sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ và thiết lập chế độ bảo đảm đối với tiển gửi của khách hàng. Ông phá giá đồng đôla để nâng giá các nhu yếu phẩm, giám sát thị trường chứng khoán, qui định những nguyên tắc thương mại công bằng để chấm dứt gian lận, đặt mức thuế cao hơn đối với các công ty và người giàu, điều chỉnh phần nào sự phân phối của của cải của các bang và cả liên bang. Trong hai nhiệm kỳ đầu làm tổng thống (8 năm), Rudơven đã quyết định chi 16 tỷ đôla cứu trợ trực tiếp cho những người thất nghiệp, lập ra nhiều quĩ liên bang giúp những doanh nghiệp đang tan rã, tạo thêm nhiều việc làm mới bằng cách lập chương trình rộng lớn và xây dựng những tiện nghi, công trình công cộng đồng thời tạo ngân quĩ cho các công ty xây dựng vay tiền.
“Đạo luật khôi phục công nghiệp quốc gia” (National Industrial Recovery Act, viết tắt là NIRA, được Thượng Viện Mỹ thông qua vào tháng 6-1933) nhằm cải thiện quan hệ sản xuất, tổ chức lại sản xuất. Trong đó có qui định việc cơ cấu các xí nghiệp cùng ngành thành những liên hiệp xí nghiệp để thông qua những hợp đồng về sản xuất và tiêu thụ, qui định công nhân có quyền cử đại biểu thương lượng với chủ về mức lương và chế độ làm việc nhằm mục đích giảm giờ làm, tăng lương và đảm bảo quyền lợi những hợp đồng tập thể… Hai năm sau, Tòa án tối cao Pháp viện Mỹ đã phán quyết đạo luật này là vi hiến. Tuy nhiên sau này, một số chủ trương của nó đã được lấy lại trong một số đạo luật khác.


                 Người Mỹ xếp thành hàng dài chờ nhận đồ cứu tế ở thành phố New York năm 1932.
Nhờ có “Đạo luật điều chỉnh nông nghiệp (tháng 5-1933, gọi tắt là “AAA”) mà tình trạng của nông nghiệp được cải thiện đáng kể: nâng giá nông sản, giảm bớt sản xuất thừa, cho vay dày hạn ở nông thôn…, trong đó có hai điều đáng chú ý, thứ nhất là phụ cấp cho những nông dân nào chịu giảm bớt diện tích độc canh làm cho đất bạc màu, thay vào đó những loại cây trồng khác có thể bảo vệ độ màu mỡ của đất, và thứ hai là tăng tỷ giá các mặt hàng nông nghiệp so với những mặt hàng phi nông nghiệp lên mức trung bình của những năm 1909 - 1914. Trên thực tế, đạo luật này chỉ có lợi cho những chủ trại lớn và tương đối phát đạt, dù sao, như đã đề cập, nó vẫn đem đến cho sản xuất nông nghiệp những yếu tố kích thích tích cực.
Năm 1935, “Đạo luật về an ninh xã hội” (Social Security Act) qui định việc lập giữ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ hưu bổng cho người già, người mù và trẻ em tàn tật. Dù còn hạn chế (thời gian trợ cấp người, số người được trợ cấp ít…) song nhiều người coi đây là cuộc cách mạng đối với nước Mỹ…
Sự kiện quan trọng đầu tiên trong chính sách đối ngọai của Mỹ là vào tháng 11-1933, chính quyền Rudơven tuyên bố công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Mục đích của việc này thực chất là vì quyền lợi kinh tế của bản thân nước Mỹ (tăng khả năng cầu chẳng hạn). Tuy nhiên Liên Xô cũng có lợi không những về kinh tế mà còn về chính trị.
Trước thời Rudơven, chính sách “Cây gậy lớn” mang tính kẻ cả nô dịch của Mỹ đã làm cho quan hệ giữa Mỹ và khu vực Châu Mỹ - Latinh rất căng thẳng, nhân dân ở các nước đó chống đối ngày một mạnh mẽ. Hơn nữa, các nước tư bản châu Âu cũng xâm nhập về kinh tế ngày càng tăng vào khu vực “sâu sau” này của Mỹ. Trước tình hình đó, ngay từ năm 1934, Rudơven tuyên bố “Chính sách láng giềng thân thiện” đối với các nước Mỹ - Latinh. Trên tinh thần đó, năm 1934, chính phủ Mỹ tuyên bố bãi bỏ “điều bổ sung Pơlát” (Platt) ghi trong hiến pháp tự cho phép Mỹ có quyền can thiệp vũ trang vào Cuba (bị người Cuba cực lực phản đối), rồi chấm dứt can thiệp vào Haiti và Cộng hòa Đôminica. Cũng năm đó, Rudơven hứa sẽ trao trả quyền độc lập cho Philipin. Ngoài ra khi Mêhicô ra lệnh trưng dụng tất cả các công ty dầu lửa của Mỹ tại đó, thay vì đưa quân đội sang can thiệp như thường làm thì Rudơven chỉ yêu cầu bồi thường thỏa đáng thông qua thương lượng. Nhờ thế, Mỹ đã xoa dịu ở mức độ nhất định cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Mỹ - Latinh trong khi vẫn đảm bảo được sự bành trướng kinh tế - tư bản Mỹ ở khu vực này.

7
Một người đàn ông mang đồ nhà ra bán trên đường phố New York năm 1933.
Tóm lại, nhờ “Chính sách mới” với những biện pháp cụ thể mang nhiều tích cực, chính quyền Rudơven đã đưa nền kinh tế Mỹ thoát cơn nguy kịch, dần phục hồi và phát triển ổn định trở lại trên con đường dân chủ tư sản. Dù còn nhiều hạn chế, nhưng những quyết sách đối nội và đối ngoại của Rudơven - một nhân vật cấp tiến, sáng suốt – cùng với những kết quả đạt được của chúng đã là đề tài đặc sắc có thể rút ra từ đó những bài học sâu sắc về “đối nhân xử thế” cho những nhà nước tư bản chủ nghĩa sau này. Và dù chưa trọn vẹn nhưng những cải cách của Rudơven đã đáp ứng được những đòi hỏi của nhân dân Mỹ, người lao động Mỹ đương thời đó. Sự “trị vì” suốt 16 năm (4 nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp - lâu nhất trong các đời tổng thống Mỹ từ trước tới nay) của Rudơven trong thể chế dân chủ tư sản Mỹ đã nói lên tất cả.
Kết quả hình ảnh cho HÌNH ẢNH ĐẠI KHỦNG HOẢNG
Nhiều nông dân mất đất do hậu quả nặng nề của cuộc Đại khủng hoảng đã phải chật vật đi làm thuê để kiểm sống
2 - Nước Anh
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Anh bắt đầu từ cuối năm 1929. Mức độ khủng hoảng không trầm trọng bằng các nước tư bản chủ nghĩa khác vì nền kinh tế Anh chưa phát triển lắm. Nhìn chung, cuộc khủng hoảng đã làm tổng sản lược công nghiệp năm 1932 giảm 20%, ngành ngoại thương (đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Anh) giảm đến 60%, giá trị đồng bảng Anh giảm 1/3. Nông nghiệp Anh cũng lâm vào khủng hoảng: diện tích trồng trọt và sản lượng nông nghiệp đều giảm.
Để chống lại cuộc khủng hoảng, chính phủ Công đảng (cầm quyền lần thứ hai vào tháng 6-1929) đã đề ra những chính sách nhằm rút bớt chi tiêu nhà nước, giảm chi phí công cộng và lập quĩ trợ cấp. Năm 1931, khi khủng hoảng diễn ra nặng nề nhất, chính phủ quyết định thi hành một chương trình tiết kiệm ngặt nghèo. Đó là những biện pháp, hời hợt, không giải quyết được căn cơ những khó khăn do khủng hoảng gây ra như không làm giảm được nạn thất nghiệp, không phục hồi được sản xuất… Cuộc sống khó khăn làm nổi dậy phong trào công nhân, quần chúng đấu tranh chống đối trong Đế quốc Anh (chính quốc, thuộc địa và chư hầu). Tình hình đó làm cho nội bộ Công Đảng bị chia rẽ sâu sắc. Chính phủ Công Đảng lâm vào khủng hoảng phải xin từ chức. Ngày 24-8-1931, một chính phủ mới bao gồm đại biểu của đảng bảo Thủ, công Đảng và đảng Tự Do do Mác Đônan (Mac Donad) cầm đầu, được thành lập với tên gọi là “Chính phủ dân tộc”
Kết quả hình ảnh cho HÌNH ẢNH ĐẠI KHỦNG HOẢNG
                     Người đàn ông thất nghiệp nằm dài trên cảng ở thành phố New York năm 1935.
Ngày 21-9-1931, Chính phủ dân tộc tuyên bố hạ giá đồng bảng Anh. Tháng 8-1932, chính phủ này bãi bỏ chính sách tự do mậu dịch, thay bằng chính sách bảo hộ thuế quan. Chính sách này đã làm cho việc buôn bán trong nội bộ Đế quốc Anh được phát triển vì thị trường nội bộ của nó được bảo vệ trước sự cạnh tranh của các nước tư bản chủ nghĩa khác. Do đó mà cũng tạo điều kiện cho công nghiệp Anh phát triển. Chính phủ dân tộc chủ trương chống Đảng Cộng sản và đàn áp rát rạt phong trào công nhân.
Trong chính sách đối ngoại, Chính phủ dân tộc tuyên bố “Qui chế Uétminstơ” (Wesminster) vào tháng 11-1931, công nhận quyền tự chủ của các nước tự trị về đối nội và đối ngoại. Tháng 10-1932, chính phủ này biểu hiện chống Liên Xô ra mặt bằng tuyên bố hủy bỏ hiệp định buôn bán Anh - Xô (ký năm 1930) và tháng 4-1933, ra lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa Liên Xô. Trong khi đó, nước Anh lại khuyến khích nước Đức trong việc phục hồi tiềm lực kinh tế và quân sự…
Nước Anh thoát khỏi khủng hoảng kinh tế vào năm 1934, nhưng phát triển yếu ớt. Trong những năm trước chiến tranh, nhà nước Anh lấy danh nghĩa “điều chỉnh kinh tế” (chắc theo gương Mỹ?!) để can thiệp ngày càng sâu vào nền kinh tế quốc dân và kết hợp với các công ty lũng đoạn. Chính phủ tăng cường chính sách thuế quan bảo hộ, thành lập khối đồng bảng Anh, điều chỉnh xuất khẩu hàng hóa và tư bản, định mức sản xuất và tiêu thụ, đặt hàng quân sự cho các xí nghiệp. Năm 1935, Anh ký với Đức hiệp ước hải quân (mà thực chất là để cho Đức phát triển hải quân theo qui mô lớn). Với chính sách “không can thiệp” mù quáng, nước Anh đã làm ngơ trước những hành động xâm lược của các nước thuộc phe trục sau này là Đức, Ý, Nhật Bản (chẳng hạn hành động xâm lược Trung Quốc của Nhật; sự can thiệp vũ trang chống nước Cộng hòa Tây Ban Nha của Đức và Ý dù rất nhiều quyền lợi của Anh ở đây bị xâm phạm). Khi mâu thuẫn giữa Anh và các nước nói trên ngày càng rõ nét và Liên Xô đề nghị nước Anh thành lập một hệ thống an ninh chung, giới cầm quyền Anh đã một mực cự tuyệt. Anh đã giải quyết mâu thuẫn với Đức bằng thỏa hiệp và hướng Đức tấn công sang phía đông (tức Liên Xô). Đỉnh cao của chính sách này là hiệp ước Muynich năm 1938.
Kết quả hình ảnh cho HÌNH ẢNH ĐẠI KHỦNG HOẢNG
Cuộc khủng hoảng thừa ở tiểu bang Alabama, miền Nam nước Mỹ. Trong ảnh là những cậu bé cầm trên tay những loại quả to lớn nhưng không có ai muốn mua ...
3 - Nước Pháp:
Mãi đến giữa năm 1930, cuộc khủng hoảng kinh tế mới bắt đầu ở Pháp bằng sự phá sản của các ngân hàng, rồi từ đó lan sang tất cả các ngành của nền kinh tế. Khủng hoảng làm cho sản lượng công nghiệp Pháp giảm 1/3, nông nghiệp giảm 2/5, ngoại thương giảm 3/5, thu nhập quốc dân giảm 1/3. Cuộc khủng hoảng gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nhẹ: 130 xí nghiệp dệt vải bị phá sản trong giai đoạn 1929 - 1935. Sản lượng tơ lụa và len năm 1934 giảm còn một nửa so với của năm 1929.
Khủng hoảng ở Pháp có đặc điểm kéo dài rất lâu. Mãi đến năm 1936 mới thấy sự phồn vinh cục bộ, nhưng năm 1937 lại lâm vài khủng hoảng và không đạt được mức phát triển năm 1929.
Sản xuất bị thu hẹp gây ra nạn thất nghiệp hàng loạt: năm 1935 có trên nửa triệu người thất nghiệp. Khủng hoảng đã làm cho tiền lương thực tế giảm từ 30% đến 40%; làm cho một vạn chủ xí nghiệp nhỏ, 10 vạn tiểu thương bị phá sản; làm cho thu nhập nông dân giảm 2,7 lần. Tình hình đó làm cho các cuộc bãi công của công nhân liên tiếp xảy ra, đồng thời cũng làm xuất hiện nhiều tổ chức phát xít.
Ngày 6-2-1934, trên 20.000 kẻ phát xít có vũ trang, biểu tình đòi giải tán quốc hội. Ngay sau đó, 25.000 công nhân Pari đã xuống đường chống lại đám vô chính phủ đó. Binh lính cũng tỏ tình đoàn kết với công nhân để bảo vệ nền Cộng hòa. Cuộc bạo động phát xít bị dẹp tan.
Tháng 5-1935, đảng Cộng Sản, đảng Xã Hội, đảng Cấp Tiến và một số đảng phái, đoàn thể xã hội cấp tiến khác đã họp hội nghị tại Pari, thông qua nghị quyết thành lập Mặt trận nhân dân chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh. Ngày 14-7-1935 (Quốc Khánh Pháp), ở Pari và các thành phố khác đã xảy ra các cuộc biểu tình với trên 2 triệu người tham gia để ủng hộ Mặt trận nhân dân.
Kết quả hình ảnh cho HÌNH ẢNH ĐẠI KHỦNG HOẢNG
                                       Những con chó bị bỏ đói gầy trơ xương (Ảnh: Daily Mail)
Tháng 1-1936, Mặt trận nhân dân công bố cương lĩnh bao gồm những yêu cầu chính trị quan trọng, đó là: giải tán và giải giáp tất cả các tổ chức phát xít, hạn chế quyền lực của tư bản tài chính, bảo đảm quyền tự do dân chủ, thi hành chính sách an ninh tập thể, bảo vệ nước Pháp trước nguy cơ xâm lược của nước Đức phát xít…
Từ ngày 26-4 đến ngày 3-5-1936, nước Pháp bầu cử quốc hội. Các đảng phái của Mặt trận nhân dân thu được 5,6 triệu phiếu (nhiều hơn 1 triệu phiếu so với của khối đối lập). Chính phủ của Mặt trận nhân dân được thành lập do Lêông Bơlum (Leon Blum), người của đảng Xã Hội, đứng đầu Chính phủ đã thực hiện một số điều khoản của cương lĩnh Mặt trận: cải cách ngân hàng, xuất quĩ tín dụng để giải quyết những vấn đề xã hội, ổn định giá cả cho nông dân, tăng tiền lương trung bình của công nhân lên 15% và đảm bảo chế độ làm việc 40 giờ một tuần, quốc hữu hóa một bộ phận công nghiệp chiến tranh, chuẩn y sắc lệnh cấm các tổ chức phát xít hoạt động.
Phe đối lập đã ra sức chống lại chính sách của chính phủ Mặt trận; thực hiện lãn công tài chính, đưa vốn ra nước ngoài nhằm gây rối loạn tài chính trong nước, xúi giục gây nên những vụ khiêu khích phá hoại trật tự xã hội, ra sức nói xấu Mặt trận nhân dân… Trong khi đó, chính phủ ngày càng xa rời những nguyên tắc cơ bản của cương lĩnh. Tháng 6-1937, Blum xin từ chức. Tháng 4-1938 Đalađiê (Daladier), một phần tử phát hữu của đảng Cấp Tiến lên cầm đầu chính phủ.
Tháng 11-1938, chính phủ này đã thi hành sắc lệnh tăng thuế bất thường, bãi bỏ chế độ làm việc 40 giờ một tuần. Thậm chí, chính phủ còn đem quân đội và cảnh sát đàn áp công nhân bãi công và tuyên bố “tình hình đặc biệt” ở trong nước. Bất chấp sự phản đối của dư luận Pháp, chính phủ Đalađiê đã tham gia ký hiệp ước Munich. Do hành động phản bội của giới cầm quyền, Mặt trận nhân dân Pháp đã tan vỡ.
 Kết quả hình ảnh cho HÌNH ẢNH ĐẠI KHỦNG HOẢNG 
      Hình ảnh người vô gia cư tràn ngập trên các con phố ở Mỹ suốt thời kỳ đại khủng hoảng
Tuy nhiên, sự hình thành và tồn tại trong một thời gian của Mặt trận nhân dân Pháp và Chính phủ Mặt Trận đã để lại những bài học kinh nghiệm quí báu cho nhân dân cần lao trên bước đường đấu tranh xây dựng một chính quyền do dân và thực sự vì dân, đồng thời cũng từ đó mà nhận thức sâu sắc hơn vai trò lịch sử của xã hội tư bản chủ nghĩa để chắt lọc mà giữ lại những ưu việt, mà gột rửa những nhơ bẩn chứa chấp trong lòng nó, nhằm cải tạo nó mà gặt hái hạnh phúc chứ đừng “chửi đổng” nó, khăng khăng đạp đổ nó. Hãy nhớ rằng tất cả các danh xưng hay nhãn mác đều do chúng ta đặt ra và qui ước để phục vụ cho nhận thức. Khi đã nhận thức đúng rồi thì bỏ hết danh xưng, nhãn mác đi, lúc đó lịch sử nhân loại sẽ hiện ra là một quá trình liên tục kế thừa, liên tục loại bỏ và liên tục sáng tạo, như những dòng sông xuất phát từ một nguồn duy nhất, quanh co, lúc ghềnh thác cuồn cuộn, lúc phẳng lặng êm đềm, có đục có trong, dù mỗi sông là mỗi cảnh mỗi vẻ nhưng đều không xa lạ, đều thống nhất chảy xuôi, quan hệ mật thiết với nhau bởi sự chi phối chung của nguồn cội, bởi những nhánh rẽ liên thông, bởi mưa nắng… và đều cố gắng vươn về một đích: Đại Dương - nguồn của đầu nguồn.
Kết quả hình ảnh cho HÌNH ẢNH ĐẠI KHỦNG HOẢNG                                 Người gửi tiền ngân hàng vây kín một ngân hàng năm 1933.
(Còn tiếp)
-----------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét