Thứ Tư, 3 tháng 2, 2021

TT&HĐ III - 28/h

                                          HOÀNG HOA THÁM KHỞI NGHĨA YÊN THẾ

                                                                Hoàng Hoa Thám

 

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.


CHƯƠNG VII (XXVIII): BẤT KHUẤT

“… Tinh thần Hà Nội, tính cách Hà Nội - đó là tổng hợp tất cả những gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn Việt Nam cao quí… Hà Nội khởi dậy từ trong lòng mình sức trẻ mới của một xã hội đang đi lên kết hợp với truyền thống nghìn xưa quyện trong không khí mà mỗi tấc đất đều thấm máu anh hùng của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”
(Trích xã luận báo Nhân Dân, số ra ngày 26-12-1972)
 
"Khi ai hỏi đến tác phẩm lớn nhất của dân tộc mình, công trình kiến trúc vững nhất của giống nòi mình, người Việt có thể kiêu hãnh đáp rằng : «Đó là lãnh thổ mà bao nhiêu đời dân Việt đã góp công sức tạo thành và không ngừng nghỉ điểm tô». Đó là chứng chỉ cụ thể và hùng hồn nhất của cái tinh thần bất khuất, đó cũng là cái văn bằng xứng đáng hơn hết của óc sáng tạo thiên tài.
(...) 
Có lẽ chúng ta sẽ công bình hơn khi nói rằng trí thức Việt còn có nhiều người thông minh đến độ lỗi lạc tuyệt vời, và nhiều người sống rất đam mê lý tưởng, không ngừng hy sinh cho sự tồn tại, vươn cao của dân tộc họ. Chúng ta, dù ở quốc gia nào khác, cũng nghiêng mình trước họ, vì họ là niềm kiêu hãnh của một giống nòi."
(Trích "Người Việt cao quý" - Chương V - tác giả A. Pazzi)
 
"Đối diện với quân đội Mỹ là cả một dân tộc kiên quyết như quả núi đá, có một tâm hồn cao thượng đáng khâm phục, một tinh thần dũng cảm vô song, không hề biết sợ trước bất cứ kẻ thù nào".
(Báo Thế Giới (Le Monde) của Pháp)
 
 
 
 
(Tiếp theo)
 
                                               ***

Nhưng tiêu biểu nhất cho phong trào đấu tranh vũ trang kháng Pháp của nhân dân Bắc Kỳ về tinh thần bất khuất cũng như thời gian duy trì và có liên quan đến một sự kiện tại Hà Nội làm rúng động dư luận đương thời, là khởi nghĩa Yên Thế. Chúng ta sẽ kể về nó, cho dù cũng chỉ sơ lược thôi và tư liệu cũng chỉ sưu tầm quanh quẩn trên mạng.
Khởi nghĩa Yên Thế là một cuộc đối đầu vũ trang giữa những người nông dân ly tán tại vùng Yên Thế Thượng và sau đó là Thái Nguyên, đứng đầu là Hoàng Hoa Thám, với quân Pháp, khi Pháp vừa kết thúc chiến tranh với Trung Quốc và bắt đầu kiểm soát toàn bộ vùng Bắc kỳ những năm cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.
Hoàng Hoa Thám, dân chúng thường gọi là Đề Thám, tên thật là Trương Văn Nghĩa, sinh năm 1858 tại làng Dị Chế, xã Minh Khai, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Cha ông là Trương Văn Thận và mẹ là Lương Thị Minh. Sinh thời, cha mẹ ông đều là những người rất trọng nghĩa khí; cả hai đều gia nhập cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn, Nông Văn Vân ở Sơn Tây. Theo Nhà nghiên cứu Khổng Đức Thiêm: Trương Thận (tức cha của Đề Thám) chỉ là biệt danh của một thủ lĩnh nông dân để nổi lên chống lại nhà Nguyễn, tên chính là Đoàn Danh Lại, người làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, bị anh em Bùi Duy Kỳ bắt giết đem nộp triều đình vào tháng 9 năm Bính Thân, Minh Mệnh thứ 17 (tháng 10 năm1836). Cũng theo Nhà nghiên cứu Khổng Đức Thiêm, Đoàn Danh Lại có hai con trai: con lớn tên là Đoàn Văn Lễ (sau cải là Trương Văn Leo, không rõ năm sinh), con thứ là Đoàn Văn Nghĩa (tức Trương Văn Nghĩa, tức Đề Thám sau này, sinh được mấy tháng thì bố mẹ bị giết hại).

                                    Hoàng Hoa Thám
                  Đề Thám.jpg
                                                             Đề Thám
 Trước khi thực dân Pháp đặt chân đến vùng này, nơi đây đã là một vùng đất có một cư dân phức tạp, chủ yếu là nông dân lưu tán các loại. Họ chọn nơi đây làm nơi cư trú và đã công khai chống lại triều đình. Khi thực dân Pháp đến bình định vùng này, các toán vũ trang ở đây có thể cũng chống lại quân Pháp như đã từng chống lại triều đình nhà Nguyễn trước đó để bảo vệ miền đất tự do của họ.Và vì Yên Thế là bình địa của Pháp khi chúng mở rộng chiếm đóng Bắc Kỳ nên họ đã nổi dậy đấu tranh để bảo vệ cuộc sống của mình. Tóm lại, có ba nguyên nhân dẫn đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế khởi nguồn tại vùng Yên Thế Thượng:
  • Do nhu cầu tự vệ của nông dân lưu tán cư trú ở đây, nhằm giữ vững vùng đất này như là một vùng đất ngoài pháp luật, không chịu sự kiểm soát của bất kỳ chính quyền nào.
  • Sự yêu nước và chống ngoại bang Pháp của nghĩa quân Yên Thế.
  • Yên Thế là vùng đất phía Tây Bắc Giang, diện tích rộng cây cối rậm rạp, cây cỏ um tùm từ đấy có thể đi thông sang Tam Đảo, Thái Nguyên, Phúc Yên, Vĩnh Yên nên rất thích hợp với lối đánh du kích.
Tháng 3-1884, khi thực dân Pháp chiếm thành Bắc Ninh. trong giai đoạn này (1884 - 1892), các toán nghĩa quân còn hoạt động riêng lẻ, chưa có sự phối hợp và chỉ huy thống nhất. Lúc bấy giờ xuất hiện hàng chục toán nghĩa quân của Đề Nắm, Bá Phức, Thống Luận, Tổng Tài, Đề Thuật, Đề Chung... Mỗi thủ lĩnh cầm đầu một toán quân và làm chủ một vùng. Lúc đầu, Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa quân của lãnh binh Trần Quang Loan. Năm 1885, ông tham gia cuộc khởi nghĩa của Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh) ở Lạng Giang, Bắc Giang. Sau khi Cai Kinh mất, ông trở thành thủ hạ thân tín và tài giỏi của Đề Nắm (Lương Văn Nắm). Theo Chapuis, tới cuối năm 1889, lực lượng của Đề Nắm gồm khoảng 500 quân được huấn luyện chu đáo. ngoài ra, Đề Nắm còn liên kết với lực lượng của Lương Tam Kỳ, một chỉ huy quân Cờ đen, và thủ lĩnh người Thái Đèo Văn Trị. Ngoài căn cứ địa Yên Thế, Đề Nắm cũng tổ chức đồn điền tại Phủ Lạng Thương, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc Yên và Bắc Giang.


                      Nhóm khởi nghĩa của Đề Thám (hình chụp của trung úy Romain-Desfossés)

Tuy phong trào chưa được thống nhất vào một mối, nhưng nghĩa quân vẫn hoạt động có hiệu quả. Tháng 11-1890, nghĩa quân Đề Nắm đã giành thắng lợi trong trận chống càn ở Cao Thượng. Từ đầu đến cuối tháng 12-1890, ba lần quân Pháp tấn công vào Hố Chuối, nhưng cả ba lần chúng đều bị nghĩa quân Đề Nắm đánh bại. Đến cuối năm 1891, nghĩa quân đã làm chủ hầu hết vùng Yên Thế, mở rộng hoạt động sang cả Phủ Lạng Thương.
Năm 1891, quân Pháp lại tấn công Hố Chuối, nghĩa quân Đề  Nắm phải rút lên Đồng Hom. Tranh thủ thời cơ, chúng tiến nhanh vào vùng Nhã Nam, rồi vừa tổ chức các cuộc càn quét, vừa xây dựng các đồn bốt để bao vây nghĩa quân.
Nhằm ngăn chặn các cuộc hành quân càn quét của địch, nghĩa quân đã lập một cụm cứ điểm gồm 7 hệ thống công sự ở phía bắc Yên Thế do Đề Nắm, Đề Thám, Bá Phức, Đề Tâm, Đề Tuất, Đề Chung, Tổng Tài chỉ huy. Lúc này, Đề Nắm là một trong những thủ lĩnh có uy tín nhất của nghĩa quân Yên Thế.
Tháng 3-1892, Pháp huy động hơn 2.200 quân bao gồm nhiều binh chủng (công binh, pháo binh...) do tướng Voarông (Voiron) chỉ huy ào ạt tấn công vào căn cứ nghĩa quân. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân sau nhiều trận kịch chiến đã phải rút khỏi căn cứ. Lực lượng nghĩa quân bị suy yếu rõ rệt. Khó khăn ngày càng nhiều, một số thủ lĩnh ra hàng, một số khác hi sinh trong chiến đấu.   Đề Nắm bị thuộc hạ phản bội, sát hại vào tháng 4-1892.

             
    Yên Thế, Bắc Kỳ - Quan Hầu?, nghĩa quân lớn tuổi nhất cùng con rể của Đề Thám tên Quỳnh ra hàng

Để cứu vãn tình thế, Đề Thám đã đứng ra tổ chức lại phong trào và trở thành thủ lĩnh tối cao, linh hồn của nghĩa quân Yên Thế. Tuy gặp khó khăn, nhưng thế mạnh của quân Yên Thế là thông thuộc địa hình và cơ động, giúp họ thoát được vòng vây của quân Pháp.
Trong giai đoạn tiếp theo (1893-1897), nghĩa quân đã hai lần đình chiến với Pháp, lần thứ nhất vào tháng 10-1894, lần thứ hai vào tháng 12-1897. Sau khi Đề Nắm hi sinh, Đề Thám đảm nhận vai trò lãnh đạo phong trào Yên Thế. Ông đã khôi phục những toán quân còn sót lại ở Yên Thế và các vùng xung quanh, rồi tiếp tục hoạt động. So với giai đoạn trước, số lượng nghĩa quân tuy có giảm, nhưng địa bàn hoạt động lại mở rộng hơn.
Năm 1894, nghĩa quân trở về Yên Thế tiến hành xây dựng lại căn cứ Hố Chuối, đồng thời mở rộng hoạt động ra các vùng thuộc Bắc Ninh, Bắc Giang. Lúc này, các phong trào Bãi Sậy, Ba Đình, cũng như các đội quân kháng chiến của Đốc Ngữ, Đề Kiều đều đã tan rã, nên thực dân Pháp có điều kiện tập trung lực lượng đàn áp khởi nghĩa Yên Thế.
Phạm vi hoạt động của nghĩa quân Đề Thám chủ yếu là ở Yên Thế Thượng thuộc huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Đó là một cùng đất pha đá, hình thế phức tạp, theo mô tả của Clôbukốpxki, toàn quyền Đông Dương năm 1909 thì: “Vùng Yên Thế được cấu tạo bởi một địa hình không cao lắm, được bao phủ bằng một lớp dày đặc cây cao, dây leo, cỏ dại, những bụi rậm chằng chịt… Giữa những ngọn đồi ấy, trừ một vài khe thưa đã được khai phá, là một vùng rừng rậm không nhìn thấy gì, một nền đất có nhiều hồ lầy với một vài con đường mòn chỉ người địa phương mới biết”.
Triệt để lợi dụng địa hình địa vật đó, Đề Thám đã khéo léo xây dựng cả hệ thống đồn lũy, công sự đa dạng, kết hợp thành những trận địa phòng ngự hiểm yếu, kiên cố và có hiệu quả. Về vấn đề này, viên sĩ quan Pháp từng tham gia các trận đánh ở Yên Thế tên là Báctuê đánh giá: “Sự hiểu biết địa hình áp dụng vào phòng ngự và tiến công, bản năng chiến đấu của Đề Thám thật là kỳ diệu”.


                                                        Đề Thám bên các cháu của ông
Xét về mặt thuần túy quân sự, câu nói đó của kẻ viễn chinh nhà nghề, đã nêu bật luận điểm: địa hình thiên nhiên cũng là một lực lượng tham chiến lợi hại, thậm chí là yếu tố quyết định đến thắng, bại. Giữa hai bên tham chiến, lực lượng đó sẽ nghiêng về bên nào “thuộc” nó hơn, biết vận dụng, cải tạo nó hơn nhằm “lôi kéo” nó về mình cùng đánh đối phương. Muốn thế người chỉ huy phải thực sự tài giỏi về quân sự, không những biết vận dụng, cải tạo địa hình, địa vật mà còn phải biết chọn cách đánh phù hợp với địa hình, địa vật đã được cải tạo ấy. Học hỏi, kế thừa những người đi trước, tiếp thu được nghệ thuật quân sự truyền thống của tổ tiên, có được những thủ hạ năng động, những người lính quả cảm đã qua tôi luyện chiến đấu và được trang bị đầy đủ, Đề Thám đã là người chỉ huy như thế. Chính điều này đã cắt nghĩa vì sao mà nghĩa quân Yên Thế, với lực lượng chưa bao giờ vượt quá 150 người, đã chống cự kiên cường hàng loạt cuộc hành binh đánh phá, càn quét qui mô của bộ máy đàn áp của Thực dân Pháp ở Bắc Kỳ trong ngót 30 năm, buộc thực dân Pháp phải hai lần giảng hòa.


                         Đề Thám trong bộ tây phục
Tướng thực dân Pháp là Galiêni, trong cuốn “Ba cuộc hành binh ở Bắc Kỳ” đã viết: “Ngược hẳn với các nguyên lý làm công sự của chúng ta (tức quân đội thực dân), quân Yên Thế không bao giờ phát quang phía trước công sự, không dọn sạch cây cối ở phía rìa công sự. Họ coi rừng cây như là những vật phòng hộ tốt nhất, ở bên trong cũng như bên ngoài công sự. Các hàng rào ẩn kín trong bụi rậm làm người ta chỉ phát hiện ra công sự khi bước hẳn vào công sự. Như vậy tầm bắn của họ tuy bị rút ngắn, song tầm bắn của kẻ địch cũng bị hạn chế, nhất là đối với pháo binh. Làm như thế, họ buộc kẻ tiến công phải phân tán, hàng ngũ rối loạn và xuất hiện lộn xộn trước lỗ châu mai của họ”; “Quân Đề Thám và các tướng lĩnh của ông…, can đảm và thiện chiến”; “Tóm lại, chiến thuật của quân Yên Thế là luôn luôn rút vào những khoảng rừng thật sâu, thật kín, đào đắp công sự, bố trí trận địa để buộc kẻ địch phải xuất hiện trong khoảng trống trước mắt họ, trong khoảng cách rất gần, để có thể bất ngờ đánh địch bằng những làn đạn đan chéo nhau, đã được điều chỉnh sẵn khi địch vấp phải rất nhiều chướng ngại chồng chất xung quanh công sự chính”
Còn theo Báctuê, trong “Tấn bi kịch Pháp - Đông Dương”, thì: “Trong thực tế, họ, tức nghĩa quân Yên Thế, không khỏe lắm, nhưng rất nhanh nhẹn, đặc biệt can đảm và có khả năng chịu đựng thiếu thốn và sự thất thường của thời tiết. Và phải hàng tạ sắt thép may ra mới hạ nổi một con người như vậy”; “Nếu bây giờ tôi nói rằng, về phương diện quân sự, Đề Thám là một nhân vật có tầm cỡ lớn và ông ta là một nhà chỉ huy quân sự có tài…, chắc tôi đã nói lời xúc phạm đến nhiều người. Ấy vậy mà đã có biết bao nhiêu chiến dịch qui mô do các vị chỉ huy lớn tiến hành để chống lại ông ta: tướng Gôđanh, đại tá Gôđa, Trung tá Mayê, đại tá Phơrê, tướng Vê-rông, đại tá Bataơ và nhiều vị khác nữa, nhưng không bao giờ các vị ấy đã thành công triệt để. Đương nhiên, Đề Thám vẫn cứ thoát… Luôn luôn ở vào thế tương quan lực lượng yếu hơn, và chiến thuật của ông ta vẫn hầu như giữ nguyên như thế, nhưng ai mà ngăn cản nổi chiến thuật ấy cứ ngày càng hoàn thiện. Hoàn toàn bị bao vây, đảo lộn, chia cắt, ông ta vẫn vượt qua và chạy mất. Hơn nữa, địa bàn hoạt động chủ yếu của ông ta cũng không rộng lắm. Và điều đáng ngạc nhiên nhất vẫn còn đó, trong phạm vi dù chỉ 20 km tối đa từ đông sang tây, từ Bố Hạ qua Nhã Nam, và cũng 20 km tối đa từ bắc xuống nam, từ mỏ Na Lương hay từ Canh Nậu đến Nhã Nam… Nhưng ông ta vẫn chủ động, hơn nữa, vẫn cứ thành công. Ngoài ra còn phải kể đến biết bao nhiêu cuộc hành quân kéo dài nhiều năm của đơn vị lính khố xanh cùng với những vị chỉ huy có tầm cỡ và sự hỗ trợ của lính dũng để chống lại ông ta, nhưng cũng chịu những tổn thất đẫm máu”; “Ông ta đã gây cho chúng ta nhiều tồn thất, rất nhiều tổn thất. Ông ta đã đánh những trận thật là kỳ diệu ở Yên Thế. Và biết bao chiến binh cứng rắn, da trắng và da vàng đã vĩnh viễn gửi thân nơi đó”
Có thể tóm lược hoạt động, chiến đấu của Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế bằng những sự kiện nổi bật sau:
Cuối thu 1890, Thực dân Pháp mở chiến dịch lớn càn quét vùng Yên Thế thượng. Nghĩa quân chạm súng với địch ở Cao Thượng, trên đồi Yên Ngựa suốt một ngày trời rồi rút về đồn Hố Chuối. Đây là hệ thống phòng ngự vững chắc, được xây dựng và bố trí kỹ từ trước của nghĩa quân. Sáng ngày 9-12-1890, một lực lượng gồm 77 lính Lê dương và 66 lính khố đỏ, do đại úy Pơlétxiê chỉ huy tiến công đồn Hố Chuối từ phía bắc theo con đường từ làng Lèo, dưới sự yểm trợ của một đơn vị sơn pháo 80 ly. Lực lượng tiến công bị chặn đứng tại hàng rào cách cửa bắc 100m. Chúng cố gắng chuyển sang xâm nhập từ phía nam đồn nhưng cũng không được, đành tạm rút lui, dù lực lượng chưa bị thiệt hại (chỉ chết 1, bị thương 30). Ngày 11-12-1890, với lực lượng tăng cường gồm 100 lính thủy đánh bộ, 50 lính lê dương, 136 lính khố đỏ và một đơn vị pháo 80 ly, do trung tá Tanơ chỉ huy, theo đường cũ tấn công đồn. Địch vượt được qua hàng rào nhưng lại bị chặn bởi hỏa lực từ trong đồn chính bắn ra. Pháo của địch không phát huy được tác dụng. Một cánh quân khác của chúng tiến công hệ thống công sự vòng ngoài, phía bắc đồn cũng thất bại. Địch buộc phải rút lui với 3 lính chết, 4 tên bị thương. Ngày 22-12-1890, với 180 lính thủy đánh bộ, 126 lính lê dương, 280 lính khố đỏ và pháo yểm trợ, do đại tá Mayê chỉ huy trở lại tiến công theo hướng cũ. Bị hỏa lực của nghĩa quân từ đồn chính bắn ra dữ dội, quân địch chựng lại cách đồn 40 m, phải điều thêm một mũi tiến công hệ thống công sự vòng ngoài phía bắc nhưng cũng không giải quyết được tình thế khi viên trung úy chỉ huy cánh quân này bị bắn chết. Giữa lúc đó, một lực lượng nghĩa quân từ đồn chính bí mật vận động ra, đánh tập hậu đội hình địch, chúng phải hốt hoảng rút lui với thương vong là 8 tên chết, 24 tên bị thương.

Bưu ảnh hiếm chân dung Hoàng Hoa Thám. 
Hoàng Hoa Thám, người được mệnh danh là "Hùm thiêng Yên Thế", nỗi khiếp đảm cho chính quyền thực dân, phong kiến. Đề Thám người tầm thước, vai rộng, ngực nở, tóc thường cắt ngắn hoặc cạo trọc, mắt một mí, dáng đi chậm, nói năng từ tốn, nhỏ nhẹ. Ông được mô tả là người có năng lực chiến đấu ít ai sánh kịp.
 
Đợt đánh phá cuối cùng của quân Pháp vào đồn Hố Chuối lần này, mở đầu ngày 2-1-1891, và kéo dài suốt 10 ngày. Lực lượng của chúng gồm 1060 lính có pháo binh, công binh, hải quân hỗ trợ, do đại tá Phơrê chỉ huy. Sử dụng các hải thuyền theo đường sông, địch đánh chiếm các làng xung quanh, chiếm các cao điểm, dùng pháo bắn cầu vồng vào trong đồn, đồng thời cho tàu chiến tuần tiễu trên sông Thương, ngăn chặn các ngả tiếp tế và rút lui của nghĩa quân. Trận này chúng chọn hướng tiến công chủ yếu là từ phía nam đồn Hố Chuối. Để đối phó lại, nghĩa quân cũng điều nhiều nhóm nhỏ tỏa ra chiếm lĩnh nhiều ngọn đồi xung quanh, phục kích đánh tiêu hao lực lượng địch. Với lực lượng áp đảo, ngày 7-1, quân Pháp bắt đầu tiến công các công sự của nghĩa quân, cùng lúc càn quét làng Nứa và làng Vàng để phá hủy dự trữ hậu cần của nghĩa quân được cất giấu ở đây. Trong hai ngày 8 và 9-1, quân Pháp tổ chức nhiều cuộc công đồn nhưng đều thất bại. Ngày 10-1, một trận đánh ác liệt xảy ra, đặc biệt là từ hướng nam. Địch phải dùng những tấm thép chống đạn làm lá chắn để xông lên đánh chiếm các công sự của nghĩa quân. Trận đánh kéo dài đến đêm. Trước một tương quan lực lượng quá chênh lệch, để bảo toàn lực lượng, ngay trong đêm đó, toàn bộ nghĩa quân chủ động rút khỏi đồn Hố Chuối. Sáng hôm sau, khi quân Pháp tiến vào thì đồn Hố Chuối đã hoàn toàn vắng lặng. Đợt ra quân này, địch chết 26 tên, bị thương 73 tên.

Nghĩa quân Yên Thế.                                  Nghĩa quân Yên Thế trong cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.
Sau khi rút khỏi Hố Chuối, nghĩa quân Yên Thế về Đồng Hom, lập căn cứ và tổ chức hệ thống phòng ngự ở đó.
Ngày 25-3-1892, một lực lượng quân Pháp do trung tá Hăngri chỉ huy kéo tới đánh Đồng Hom. Trận đánh này cũng ác liệt, kéo dài suốt một ngày. Nhờ trận địa được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, Đề Thám cùng nghĩa quân đã đánh trả quyết liệt, có hiệu quả và chỉ đến tối mới rút đi, sau khi gây cho quân Pháp thiệt hại là 13 tên chết trong đó có 3 trung úy, 31 tên bị thương và 9 tên mất tích.
Rút khỏi Đồng Hom, nghĩa quân trở lại Hố Chuối. Tháng 5-1894, quân Pháp tấn công đồn Hố Chuối lần thứ hai. Nghĩa quân đánh một trận anh dũng, giết chết giám binh Tơruvê, bắn bị thương công sứ Bắc Giang là Mulơliê và làm thương vong nhiều tên khác rồi lánh sang Thái Nguyên, tạm thời tránh đụng độ với địch.
Ngày 17-9-1894, quân Yên Thế bắt cóc Chesnay, biên tập viên tờ Avenir du Tonkin. Do phải chịu áp lực từ phía chính quyền thuộc địa và khó khăn trong việc dập tắt cuộc khởi nghĩa, quân đội Pháp phải tiến hành hòa hoãn để nghĩa quân Yên Thế thả Chesnay. Về phía nghĩa quân, tuy có giành được một số thắng lợi, nhưng lực lượng cũng suy yếu rõ rệt. Trong tình hình đó, Đề Thám thấy cần phải hòa hoãn với Pháp để tranh thủ thời cơ củng cố lực lượng. Tháng 10-1894, cuộc thương lượng giữa nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp kết thúc.Theo đó, phía Pháp trả 15.000 francs tiền chuộc, họ phải rút khỏi Yên Thế và để Đề Thám kiểm soát 4 tổng Nhã Nam, Mục Sơn, Yên Lễ và Hữu Thượng, với quyền thu thuế trong 3 năm. Trong thời gian này, Đề Thám tới sống ở đồn Phồn Xương và cho cày cấy với quy mô lớn. Ông cũng được Kỳ Đồng hỗ trợ, tuyển mộ người cho ông từ thành phần phu từ một đồn điền của Pháp do Kỳ Đồng quản lý.
     Năm 1895, Đề Thám tham gia tổ chức đánh Bắc Ninh, và từ chối trả lại những vũ khí mà ông chiếm được tại đây cho phía Pháp. Tới tháng 11-1895, thiếu tá Gallieni đưa một pháo thuyền chở quân lên uy hiếp, buộc Đề Thám đầu hàng, nhưng nghĩa quân Đề Thám đã chống đỡ quyết liệt. Để tránh những cuộc đụng độ lớn với quân Pháp, Đề Thám chủ trương chia nghĩa quân thành những toán nhỏ phân tán hoạt động trong rừng và ở các làng mạc. Nghĩa quân phải di chuyển hoạt động trong bốn tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phúc Yên.
Sáng ngày 30-11-1895, quân Pháp do tướng Galiêni bất ngờ đánh úp Phồn Xương. Sau khi chống trả quyết liệt, nghĩa quân rút vào rừng rậm, tiếp tục chiến đấu.
Trước sự truy lùng và vây quét ráo riết của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân ngày càng suy yếu. Để bảo toàn lực lượng, Đề Thám lại xin giảng hòa với Pháp lấn thứ hai. Thực dân Pháp lúc này cũng muốn chấm dứt xung đột để tiến hành khai thác thuộc địa. Vì vậy, tháng 12-1897, hiệp ước hòa hoãn giữa thực dân Pháp và nghĩa quân Đề Thám đã được ký kết với những điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn, nghĩa quân phải nộp cho Pháp tất cả vũ khí và phải bãi binh. Đề Thám bề ngoài tỏ ra là phục tùng, nhưng bên trong vẫn ngầm củng cố lực lượng. Cuộc giảng hòa này kéo dài đến khoảng 12 năm.
Trong suốt 12 năm đình chiến, nghĩa quân Yên Thế vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Tại căn cứ Phồn Xương, nghĩa quân vừa sản xuất tự túc lương ăn, vừa tăng cường sắm sửa vũ khí, ra sức luyện tập. Nhờ vậy, lực lượng nghĩa quân ở Phồn Xương tuy không đông (khoảng 200 người), nhưng rất thiện chiến. Đồng thời, Đề Thám còn mở rộng quan hệ giao tiếp với các nhà yêu nước ở Bắc và Trung Kì,
Tại Yên Thế, nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đã hai lần đón tiếp nhà yêu nước Phan Bội Châu. Giữa năm 1906, Châu Trinh cũng lên Yên Thế gặp Đề Thám. Đề Thám còn lập một căn cứ gọi là đồn Tú Nghệ dành cho các nghĩa sĩ miền Trung ra huấn luyện quân sự.
Về phía Pháp, trong thời gian này chúng đã ráo riết lập đồn, bốt, mở đường giao thông..., tạo mọi điều kiện cần thiết để đánh đòn quyết định vào căn cứ nghĩa quân Yên Thế.
Năm 1908, Đề Thám tham gia cuộc nổi dậy của lính khố xanh tại Bắc Ninh, Nam Định và Nhã Nam, khiến một sĩ quan Pháp bị giết. Tới 27-6 năm 1908, tại Hà Nội, xảy ra sự kiện chấn động xã hội mà lịch sử còn lưu lại với cái tên “Hà Thành đầu độc” - đầu bếp người Việt đã dùng cà thược dược đầu độc gần 250 vừa sĩ quan vừa binh lính Pháp trong bữa ăn tối (tuy nhiên chúng chỉ bị say và được cứu chữa kịp thời vì chất độc không đủ mạnh). Cuộc binh biến này được chuẩn bị rất chu đáo, theo đó nghĩa quân sẽ bắn phá đồn binh Pháp tại Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân đội 108, Hà Nội) bằng đại bác nhằm vô hiệu hóa đồn này. Các đồn binh tại Sơn Tây và Bắc Ninh sẽ bị chặn đánh, không cho tiếp cứu Hà Nội. Quân Đề Thám chờ ngoài thành Hà Nội, chờ tín hiệu từ trong thành, sẽ đánh Gia Lâm và cắt đường xe lửa và điện thoại. Tuy nhiên cuộc binh biến thất bại, quân Đề Thám phải rút về, 24 người tham gia cuộc binh biến bị Pháp xử tử, 70 người bị xử tù chung thân. Trong quá trình điều tra, Thực dân Pháp đã tìm được nhiều chứng cớ khẳng định Đề Thám có vai trò chủ yếu trong vụ đó. Và đây cũng chính là một nguyên nhân khiến Thực dân Pháp quyết tâm tuyệt trừ nghĩa quân Yên Thế.
Tháng 1-1909, Thực dân Pháp huy động một lực lượng khổng lồ (có sách nói có tới 15000 quân!) được chỉ huy bởi đại tá Pháp là Báctuê và đại thần Lê Hoan, nhằm bao vây chặt khu vực Yên Thế để tìm diệt bằng được Đề Thám cùng nghĩa quân của ông. Trước tình hình hết sức cam go đó, Đề Thám đã chọn phương thức đối đầu tối ưu là phân tán lực lượng thành nhiều nhóm: nhóm trung tâm do Đề Thám cùng cả Trọng (con trai ông) và Đặng Thị Nhu (vợ ba của ông) chỉ huy, đóng ở Phồn Xương; nhóm 2 do Lý Thu chỉ huy; nhóm 3 và 4 do cả Dinh, cả Hùng chỉ huy, đóng ở hai vị trí phòng ngự phía tây khu vực Hố Chuối, nhóm 5 ở Thương Thượng; nhóm 6 ở trại Gốc Cọ. Nghĩa quân vừa chống đỡ, vừa chuyển dần xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, rồi rút sang Tam Đảo, Thái Nguyên. Trên đường di chuyển, nghĩa quân vẫn tổ chức đánh trả quyết liệt, gây cho địch những thiệt hại nặng nề. Điển hình là trận chặn giặc ở đồn Hom, Yên Thế (30-1-1909); trận núi Hàm Lợn ở Tam Đảo, Phúc Yên (15-3-1909).
Khởi đầu, quân Pháp đánh mạnh vào trại của cả Dinh, cả Huỳnh. Hai nhóm này đánh trả quyết liệt nhưng cũng phải rút lui. Hôm sau, Pháp tập trung lực lượng đánh Phồn Xương. Nghĩa quân rút cả về Đồng Hom. Tại đây, Đề Thám chỉ bố trí 30 nghĩa quân, dựa vào công sự đón đánh địch. Lực lượng còn lại được chia thành 5 nhóm do Cả Dinh, Cả Huỳnh, Ba Điều, Cai Thanh, Lý Thu chỉ huy, đóng trên các địa chỉ phân tán khác nhau. Nếu bị đánh núng thế, các nhóm trên sẽ được chia nhỏ hơn nữa thành từng toán từ 5 đến 7 người tiếp tục chiến đấu. Nhờ thế, trong phạm vi không rộng và đã bị vây chặt, nghĩa quân Yên Thế vẫn tiếp tục chiến đấu ngoan cường, cầm cự đến 4 năm nữa.
Trước các cuộc vây quét tiêu diệt gắt gao của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân ngày càng giảm sút. Đến cuối năm 1909, hầu hết các tướng lĩnh đã hi sinh, hoặc sa vào tay giặc, như Cả Trọng, Cả Huỳnh, Cả Tuyển (con Nguyễn Thiện Thuật), Ba Biều, bà Ba Cẩn... Có một số người ra hàng như: Cả Dinh, Cai Sơn... Từ 29-1 tới 11-11 năm 1909, quân Đề Thám thua 11 trận quan trọng, bị quân Pháp vây hãm tại Yên Thế. Bà Ba Cẩn bị bắt, bị đày đi Guyana. Đến đây, phong trào coi như đã thất bại về cơ bản.
Do lực lượng giảm sút, nhiều người bỏ trốn, Đề Thám phải nhờ đến Lương Tam Kỳ hỗ trợ. Tuy nhiên, ngày 10-2-1913, Đề Thám bị hai tên thủ hạ Lương Tam Kỳ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2 km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Giặc Pháp và đám tay sai đã hèn mạt bêu đầu Đề Thám ở Nhã Nam - Bắc Giang hòng “nhát ma” dân chúng. Tuy nhiên, nhiều nhân vật tai mắt thời ấy đã không tin thủ cấp đó là của Đề Thám. Dù sao đi nữa, trong lưu truyền dân gian, ông vẫn được tôn vinh đời đời là “Hùm thiêng Yên Thế”.

Bức ảnh mô ta cảnh xử chém những người theo Nghĩa quân Yên Thế.
                   Bức ảnh mô tả cảnh xử chém những người theo nghĩa quân Yên Thế tại Quảng Yên
Có chuyện kể rằng vào năm 1911, khi đã gần 60 tuổi, bản thân Đề Thám một mình ông đã chiến đấu với cả một trung đội lính khố xanh bao vây ông trên cao điểm 28 trong suốt một ngày, rồi thoát vòng vây sau khi đã diệt được 5 tên địch, làm bị thương 7 tên. Hoặc cũng có chuyện với bốn tay súng, nghĩa quân làng Sơn Quả, dựa vào công sự đã vô cùng quả cảm, đối đầu suốt cả ngày trời với lực lượng 300 tên của Pháp, do đại úy Padét chỉ huy.

Nhà tưởng niệm anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám ở xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ
(Còn tiếp)
------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét