Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

TT&HĐ III - 28/i

                                                            Hà Thành đầu độc 1908

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.


CHƯƠNG VII (XXVIII): BẤT KHUẤT

“… Tinh thần Hà Nội, tính cách Hà Nội - đó là tổng hợp tất cả những gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn Việt Nam cao quí… Hà Nội khởi dậy từ trong lòng mình sức trẻ mới của một xã hội đang đi lên kết hợp với truyền thống nghìn xưa quyện trong không khí mà mỗi tấc đất đều thấm máu anh hùng của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”
(Trích xã luận báo Nhân Dân, số ra ngày 26-12-1972)
 
"Khi ai hỏi đến tác phẩm lớn nhất của dân tộc mình, công trình kiến trúc vững nhất của giống nòi mình, người Việt có thể kiêu hãnh đáp rằng : «Đó là lãnh thổ mà bao nhiêu đời dân Việt đã góp công sức tạo thành và không ngừng nghỉ điểm tô». Đó là chứng chỉ cụ thể và hùng hồn nhất của cái tinh thần bất khuất, đó cũng là cái văn bằng xứng đáng hơn hết của óc sáng tạo thiên tài.
(...) 
Có lẽ chúng ta sẽ công bình hơn khi nói rằng trí thức Việt còn có nhiều người thông minh đến độ lỗi lạc tuyệt vời, và nhiều người sống rất đam mê lý tưởng, không ngừng hy sinh cho sự tồn tại, vươn cao của dân tộc họ. Chúng ta, dù ở quốc gia nào khác, cũng nghiêng mình trước họ, vì họ là niềm kiêu hãnh của một giống nòi."
(Trích "Người Việt cao quý" - Chương V - tác giả A. Pazzi)
 
"Đối diện với quân đội Mỹ là cả một dân tộc kiên quyết như quả núi đá, có một tâm hồn cao thượng đáng khâm phục, một tinh thần dũng cảm vô song, không hề biết sợ trước bất cứ kẻ thù nào".
(Báo Thế Giới (Le Monde) của Pháp)
 
 
 
 
(Tiếp theo)
 

Còn chuyện “Hà Thành đầu độc” là thế này:
Hà Nội chưa bao giờ ngừng đấu tranh chống Thực dân Pháp và sau này là cả triều đình nhà Nguyễn đã hóa bù nhìn, còn bộ máy chính quyền của nó đã hóa thành công cụ tay sai.
Bước vào thế kỷ XX, bộ mặt thật của Thực dân Pháp bắt đầu phơi bày bởi nạn sưu cao thuế nặng, phu phen tạp dịch ở miền Trung. Tình cảnh một cổ mà hai tròng (phong kiến, thực dân) đã làm cho nông dân xứ ấy nổi dậy phản kháng gay gắt, và tình hình đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến người Hà Nội. Các tổ chức hoạt động yêu nước như phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục đều lấy Hà Nội làm trung tâm hoạt động. Dù có tính chất cải lương nhưng chúng đã có tác động to lớn đến việc vạch trần bộ mặt mị dân của Thực dân Pháp, tính chất lỗi thời, phản động, và mọt ruỗng của bộ máy triều đình phong kiến Huế - bù nhìn đối với ngoài nước và là tay sai cho thực dân ở trong nước. Từ đó mà duy trì ngọn lửa yêu nước thương nòi cũng như làm bừng sáng tinh thần tự tôn dân tộc trong nhân dân cả nước nói chung và tầng lớp trí thức nói riêng, nhất là trong bộ phận thanh niên học sinh - một thế hệ người Việt Nam mới, đầy nhiệt huyết. Trong bối cảnh đó, các phái viên của Đề Thám như Chánh Tĩnh, Đội Hổ, Lý Nho đã xâm nhập Hà Nội, lập một tổ chức yêu nước lấy tên là Hội Nghĩa Hưng, bí mật móc nối, tuyên truyền đối tượng là binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Một kế hoạch làm binh biến, kết hợp với lực lượng vũ trang của nghĩa quân Yên Thế từ bên ngoài vào, đánh chiếm Hà Nội, hình thành. Nhiều sĩ phu như Phan bội Châu, Phan Chu Trinh, Phan Văn Ngôn, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên… đã từng gặp Đề Thám bàn bạc phối hợp hành động. Tại cửa hàng cơm và chứa trọ của vợ chồng ông Nguyễn Tĩnh (tức Nhiêu Sáu) phố Cửa Nam và nhà thầy bói Nguyễn Văn Phúc (tức Lang Seo) phố Hàng Buồm, đã có nhiều cuộc tiếp xúc giữa các thủ hạ của Đề Thám với một số anh em binh lính khố đỏ như Nguyễn Chí Bình (Đội Bình), Đặng Đình Nhân (Đội Nhân), Dương Bệ (Đội Cốc)… Trong bước triển khai kế hoạch chuẩn bị cho cuộc binh biến, có cả một số sĩ phu Hà Nội như Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Võ Hoàng và một số tri thức khác như thầy giáo Trịnh Văn Học ở Hoàn Long (ngoại thành Hà Nội), học sinh trường Pháp Việt là Trần Đức Quang ở phố Hàng Đâu; có cả sư tham gia tích cực của một số thợ thuyền và viên chức lao động làm việc cho Pháp như công nhân nhà máy đèn là Nguyễn Trường Cần, gác đèn ở vườn Bách Thảo là Nguyễn Đình Chính, làm vườn ở Dinh Toàn Quyền là Nguyễn Đăng Duyên, chạy công văn giấy tờ ở phồ Hàng Than là Trương Phố…
Ngày 24/6/1908, Thiếu tướng De Nays Candau, chỉ huy trưởng pháo binh Đông Dương, nhận được một thư nặc danh nói rằng có âm mưu binh biến ở Hà Nội, có cả thường dân lẫn quân nhân người Việt của nhiều đơn vị tham gia, mà những kẻ cầm đầu phần nhiều thuộc pháo đội công vụ và một viên Cai thuộc trung đoàn 4 Pháo binh. Cùng thời gian này trung uý Delmont Bebet, pháo đội trưởng công vụ đã nhận được báo cáo về một viên đội khả nghi thuộc pháo đội này và một viên cai thuộc trung đoàn 4 Pháo binh. Thống Sứ Bắc Kỳ Louis Jules Morel ra lệnh mở cuộc điều tra công khai.
Lực lượng làm binh biến là các bồi bếp và binh lính người Việt (lính khố đỏ) thuộc trung đội công nhân pháo thủ Hà Nội nằm trong trung đoàn pháo binh bảo vệ thành Hà Nội của Pháp. Đứng đầu nhóm này là bếp Hiên, còn gọi là Hai Hiên, cùng với bếp Xuân, bếp Nhiếp, Đặng Đình Nhân tức "đội Nhân" (chức cai đội), Nguyễn Trí Bình, Dương Bé,... tất cả có trên 10 người. Nhóm có nhiệm vụ nội ứng bên trong: đầu độc 2000 binh lính Pháp thuộc hai trung đoàn pháo binh và bộ binh Pháp đóng trong thành Hà Nội, rồi bắn pháo hiệu làm hiệu lệnh tiến công cho các cánh quân của nghĩa quân chống Pháp đánh vào thành Hà Nội. Tuy vậy mật vụ Pháp đã biết trước một phần kế hoạch do nghi ngờ các hoạt động của bếp Hiên.
Sau nhiều lần trì hoãn, thấy để lâu dễ bị lộ nên tất cả thành viên lãnh đạo binh biến đồng ý hành động gấp rút, thời điểm thực hiện kế hoạch được ấn định là tối 27-6-1908. Khoảng 8 giờ tối, việc đầu độc xảy ra trót lọt, khoảng 250 quân Pháp đã bị trúng độc sau bữa ăn tối. Đáng lẽ sau đó, theo tiếng súng báo hiệu của lực lượng binh biến, nghĩa quân Đề Thám sẽ từ Lò Lợn, từ ven Hồ Tây, từ Ô Cầu Giấy, từ dưới thuyền lên… sẽ đánh vào các trại lính và Đồn Thủy. Chưa đến giờ đã định là 21 giờ nên tất cả các toán, kể cả Nghĩa quân bên ngoài chưa tiến hành. Tuy nhiên, kế hoạch lúc này đã bị bại lộ. Tô Trương, một lính Việt thuộc trung đội Công nhân pháo thủ Hà Nội (đơn vị làm binh biến) sau khi bỏ thuốc độc xong, đi xưng tội với cố đạo người Pháp là Dronet (tức cố Ân). Vị cố đạo này làm trái Đạo Chúa, báo ngay cho tướng Pháp là Belet biết. Cùng lúc ấy Trung tướng Piel, Tổng tư lệnh quân đội Pháp, được tin báo là các quân sĩ thuộc trung đoàn 4 pháo binh và trung đoàn 9 bộ binh thuộc địa ở trong thành đã bị đầu độc, hiện một số lớn đã nằm bất tỉnh.

Những người bị bắt trong vụ án Hà thành đầu độc

 Rồi Thống Sứ Morel, vài phút sau đó, báo tin cho Tướng Piel biết có những cuộc tập hợp nghi ngờ ở xung quanh thành. Quân Pháp đã báo động toàn thành, giới nghiêm thành phố, đem quân đi chặn các ngả và toàn bộ lính người Việt trong thành tham gia khởi nghĩa, chưa kịp bắn ba phát đại bác làm hiệu như đã định, thì đã bị tước vũ khí và bị bắt giam. Nghĩa quân bên ngoài chờ súng hiệu không thấy, biết đã bị lộ nên phải rút lui ra ngoài theo lệnh của Hoàng Hoa Thám để khỏi bị quân Pháp bắt. Vụ đánh úp Hà Nội bất thành. Ngày hôm sau Pháp đem ra xử và khép tội tử hình đối với 13 binh lính và bồi bếp người Việt. Số lính Pháp thì không có ai thiệt mạng vì độc dược.
Hầu hết những người tham gia vụ “Hà Thành đầu độc” đều bị bắt, 4 người bị xử chung thân, 9 người bị khép tội tử hình (trong số này có bếp Hiên, bếp Xuân, bếp Nhiếp, Đội Bình, Đội Cốc, Đội Nhân…). Ngày 8-7-1908, Thực dân Pháp đem chém 9 người ở bãi Gáo, bêu đầu ở các cửa ô. Sau đó, chúng còn kết án tử hình vắng mặt, khổ sai chung thân và giam giữ một số đông khác nữa.
      Ngày 17-7-1908, 3 cụ Bình, Bé và Nhân bị đem ra xử chém. Một tác giả người Pháp, có tên là Ajalbert, miêu tả giờ phút lâm chung của các cụ: "... Tóc búi ngược trên trán, những người tù bị cột chặt trước bọn đao phủ mặc đồ đen, lưỡi lê tuốt trần... Những người sắp chết muốn nói. Dương Bé cất tiếng bảo kẻ hành hình mình: - Anh hãy bảo cho vợ tôi, có lẽ đang đứng ở trong đám đông kia rằng, nếu đầu tôi được lìa ngọt lưỡi khỏi cổ, thì tôi thưởng cho anh 5 đồng bạc. Đặng Đình Nhân thì nhắn vợ ghi 3 chữ "Phó Đề đốc" lên linh bài thờ mình. Nguyễn Trí Bình, với một giọng quyết liệt đã nói: - Tôi cảm ơn những người Âu đã đến đây đông để nhìn tôi chết... Chết như thế này là một cái chết nhẹ nhàng... ".
Ba tháng sau, ngày 7-10-1908, bọn chúng tiếp tục hành quyết 9 người còn lại tại Vườn Bàng gần chợ Bưởi. Cũng như 3 người lính đã bị hành hình trước đó, 9 chiến sĩ yêu nước đã bị bọn đao phủ chặt đầu mang đi nơi khác, còn xác thì chôn chung vào một hố. Sau khi Tổng đốc Hà Đông cùng giặc Pháp lấy vườn Bàng làm nơi nhuộm thảm, ngôi mộ các nghĩa quân được chuyển tới một khu đất khác.
Trong quá trình tra tấn lấy lời khai, có chuyện bà Nguyễn Thị Ba, người làng Tương Mai, vợ ông Nhiêu Sáu, bị chúng cho vào thùng đóng đinh nhọn chỉa vào trong rồi lăn mạnh thùng trên mặt đất.
Có hai bức ảnh chụp về vụ “Hà Thành đầu độc” còn lưu giữ được đến ngày nay, đó là bức ảnh chụp 13 vị nghĩa phu tham gia vụ đầu độc, với chân bị cùm và bức ảnh chụp ba cái thủ cấp trong ba cái rọ tre đặt cạnh nhau, đầy máu me. Thủ cấp ở giữa mắt vẫn mở hờ, mặt thanh thản và khóe miệng còn vương nụ cười phảng phất. Một thế kỷ đã trôi qua, nhưng nhìn ngắm hai bức ảnh đó, chúng ta vẫn cảm nhận được qua vẻ mặt và ánh mắt họ cái hừng hực của một tinh thần bất khuất vô song, cái ngùn ngụt của ngọn lửa uất hờn vì thân đã xả mà chưa thỏa đền nợ nước…
Tại nghĩa trang Thanh Tước (Hà Nội). Nấm mộ người anh hùng Đặng Đình Nhân nằm trên triền đồi thoai thoải, trông xuống đồng quê thanh bình. Bề ngoài nấm mộ đội Nhân cũng bình thường như bao mộ khác đang yên nghỉ ở đây, nhưng ít ai biết rằng sâu dưới nấm mộ đặc biệt này chỉ có mỗi thủ cấp người vì nước vong thân. Ngồi bên nấm mộ tiền nhân, hai người cháu của ông Đặng Đình Nhân là Đặng An Ninh và Đặng Đình Được nay tóc đã bạc phơ, nghẹn ngào tâm sự: "Đầu bác Nhân đã phải trải qua bốn nơi trong gần suốt thế kỷ mới được về yên nghỉ nơi này!"
Đội Nhân bị bắt giam đêm 27-6-1908, đến ngày 6-7-1908, hội đồng đề hình Bắc kỳ do viên công sứ Hà Đông người Pháp là Jules Bosc ngồi ghế chủ tọa đã tước quân tịch và tuyên án tử hình ông cùng hai người bạn Nguyễn Trị Bình và Dương Bê. Đơn chống án của ba người này bị Hội đồng bảo hộ Pháp bác. Những người yêu nước này đã mắng lại quân Pháp là kẻ cướp nước khi họ bị hỏi chịu hối lỗi, chịu khai để có thể được tha chết. Riêng đội Nhân khi nghe mình bị kết tội "phiến loạn" đã khẳng khái trả lời: "Ta không làm loạn, mà chỉ trung với nước!". Và án tử hình thực hiện theo luật An Nam là chém bêu đầu thực hiện ngay trong sáng 8-7-1908. Pháp trường được vội vã dựng trong đêm ở bãi Gáo, cột cờ Hà Nội. Viên quan Pháp Duvillier giám sát thi hành án, còn đao phủ là một người Việt. Trong cuốn Les destinées de l" Indochine (Vận mệnh Đông Dương) của tác giả Jean Ajalburt in năm 1908 ở Paris có ghi chi tiết cụ thể đáng chú ý:
“Trong ánh ban mai nhợt nhạt mà những người chụp ảnh lấy làm tiếc, cuộc dẫn độ đến nơi hành hình với 3 bị cáo bị trói tay bằng một dây xích sắt... Mặt sân Quần Ngựa đóng 3 cái cọc tre lớn. Bọn đao phủ trói 3 người tù quỳ xuống đất, lưng tựa vào cọc. Một viên thừa lại cầm loa, cất cao giọng tuyên đọc bản án...
  Nguyễn Chí Bình với một giọng quyết liệt đã nói: "Tôi cảm ơn những người Âu đã đến đây để nhìn tôi chết. Chết như thế này là một cái chết nhẹ nhàng. Chúng tôi đã muốn nổi dậy, nhưng đã bị bội phản bởi những quân nhân trong đại đội. Còn đối với bạn bè, hỡi các bạn, nếu rồi đây các bạn thành công thì xin hãy nhớ đến gia đình tôi…

Sau một hồi kèn ba tiếng, những lưỡi gươm tuốt ra. Những cái đầu của người khởi nghĩa cứ ngẩng thẳng lên cao, nhiều lần người ta phải lấy tay dúi xuống…Rồi những lưỡi gươm giáng xuống. Và dưới hình thức một sự đề kháng đột biến, với một nghị lực vùng lên phi thường, một thân thể không đầu nhảy vọt lên, giật tung ra cả cái cọc trói…
Người ta đặt những chiếc đầu đó trong những cái rọ tre nan thưa, mang lên phía đường Sơn Tràng, Hà Đông, Phố Huế, nơi các nghĩa sỹ phải chịu bêu đầu. Dọc đường máu cứ nhỏ giọt..."

Chém xong ba người, quân Pháp đưa thủ cấp họ về nguyên quán để bêu thị uy. Đầu đội Nhân bị bỏ rọ tre, treo ở cành đa cổ thụ, ngã tư Trung Hiền, cửa ngõ đông người qua lại ở làng Bạch Mai. Nhưng trong đêm, dân làng và thân tộc đã cướp lại được đầu ông và bí mật đem đi chôn.

Thủ cấp của Dương Bé, Tư Bình và Đội Nhân bị xử trảm ngày 8 tháng 7 năm 1908 trong vụ "Hà Thành đầu độc"
Trên mạng có bài "Chuyện chưa biết về những chí sĩ giải phóng dân tộc bị chặt đầu ở chợ Bưởi".Chúng ta chép ra đây:

"Chặt đầu xong, chúng bêu đầu cụ ở chợ, xác quẳng xuống hố chôn tập thể gần khu vực chợ Bưởi bây giờ.

Chết thay dân làng

 Vụ các đầu bếp dũng cảm Hà thành lập mưu tính kế đầu độc quan pháp ở thành Hà Nội được sử sách nhắc đến nhiều. Tấm ảnh bêu đầu các chí sĩ yêu nước trong rọ tre có lẽ là một trong số những bức ảnh gây ám ảnh nhất trong lịch sử chống ngoại xâm nước nhà. Tuy nhiên, thân phận các chí sĩ yêu nước ấy thì ít người biết. 

Có một người khá đặc biệt, nhiều năm tìm hiểu góc khuất câu chuyện này, là anh Phạm Văn Túy, cán bộ UBND TP.Hà Nội. Tôi đoán anh là con cháu của vị chí sĩ nào đó, nhưng hóa ra không phải. Anh chỉ là người cùng làng với cụ đồ Đàm, nhân vật bị bêu đầu trong vụ Hà thành đầu độc, người làng Tạ Xá (xã Đại Thắng, Phú Xuyên, Hà Nội).

Anh Túy mở cốp xe, lấy trong chiếc cặp da màu đen, đưa cho tôi một tập tài liệu rất dày. Thật ngạc nhiên khi biết cả chục năm trời, anh nghiên cứu tài liệu, chạy đôn chạy đáo, nhằm mưu cầu Nhà nước có sự quan tâm thích đáng đến những nhân vật trong vụ Hà thành đầu độc đã chết một cách oanh liệt từ hơn 100 năm trước.

Trong tập tài liệu ấy, có cả những văn bản của người Pháp, được anh lấy từ Trung tâm lưu trữ Quốc gia, là văn bản hiếm hoi chính thống về sự kiện này.

Anh Túy xúc động: “Hồi bé, vào đình chơi, thấy có ban thờ nho nhỏ, tôi hỏi, bố tôi bảo đó là bàn thờ cụ đồ Đàm. Tôi đã được bố kể cho nghe về sự hy sinh của cụ đồ Đàm. Vì giặc Pháp đe dọa sẽ giết cả làng, nên cụ đã phải lộ diện và chịu chết. Cụ đã chết để cứu mạng dân làng chúng tôi.

Chuyện về cụ ám ảnh tôi từ bé, nên khi có điều kiện, tôi bỏ thời gian tìm hiểu kỹ hơn. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy đau lòng. Các cụ là những chí sĩ yêu nước, là những người mang khát vọng giải phóng đất nước, nhưng vì đất nước mà vong mạng. Thế nhưng, các cụ chưa được đền đáp xứng đáng. Đến nơi tưởng niệm các cụ, cũng thật đáng buồn, bị bỏ quên đến tận năm 2016”.

Để tôi hiểu hơn về cụ đồ Đàm, người mà theo anh Túy, có đóng góp rất lớn trong vụ Hà thành đầu độc, là người cứu mạng cả làng, song bị lãng quên, anh đã đưa tôi về tận làng Tạ Xá.

Đình làng Tạ Xá cổ kính nằm dưới những tán cây um tùm, bên hồ nước rộng mênh mang. Trong đình, các cụ già đã có mặt đầy đủ tiếp đón chúng tôi.

IMG_2995

Ban thờ cụ đồ Đàm ở đình làng Tạ Xá. 

Ban thờ cụ đồ Đàm ở góc nhỏ ngôi đình khói hương nghi ngút. Cụ Tảo, chi hội người cao tuổi thôn Tạ Xá nhấp chén trà, rồi bắt đầu câu chuyện về cụ đồ Đàm.

Cụ đồ Đàm, tên thật là Đỗ Khắc Nhã, là con một nhà nho nghèo ở làng Tạ Xá, xưa thuộc làng Lương Xá, tổng Tạ Xá, tỉnh Hà Đông. Bố mẹ cưới cho cô vợ tên Nguyện, người Vân Nội, làng bên. Lấy vợ, đẻ 2 người con, thì cụ rời làng về Hà Nội làm gì không rõ.

Sau này, dân làng mới biết, cụ tham gia tổ chức nhà nho yêu nước do cụ Đề Thám lập ra. Cụ được tổ chức phân công cùng một số cụ ở Hà Nội tổ chức vụ đầu độc các quan chức cao cấp người Pháp. Cụ nhận nhiệm vụ cắm cờ và chỉ huy một cánh quân tiến vào Hà Nội.

Kế hoạch diễn ra như đã phân công, cụ đồ Đàm dẫn quân ém ở khu vực cột cờ Hà Nội, chờ tín hiệu của cụ đội Nhân. Theo quy định, nếu đến giờ, có tín hiệu thì nổi dậy tấn công, còn không có tín hiệu thì tự động giải tán. Tuy nhiên, khi đến giờ nghe tiếng báo động, biết kế hoạch đã bại lộ, cụ giải tán quân.

Gặp một người làng kéo xe tay, cụ liền nhảy lên xe đi trốn. Chỉ biết rằng, cụ đã trốn về khu bãi sậy thuộc đất Hưng Yên, vùng Kim Động. Hiện vẫn chưa rõ ở làng nào, xã nào.

Thân thế bại lộ, thực dân Pháp lùng sục ráo riết khắp vùng. Thời gian sau, thực dân Pháp đưa giấy về tỉnh Hà Đông. Tỉnh xức giấy về làng. Nội dung tờ thông báo có nội dung sẽ chặt đầu toàn bộ dân cư hai làng, là làng Tạ Xá quê cụ Đàm và làng Vân Nội quê vợ cụ, nếu cụ Đàm không ra trình diện chính quyền Pháp.

Cụ Nguyễn Văn Hát, ở thôn cạnh, đi đò qua sông Hồng, sang Hưng Yên buôn bán, đã gặp được cụ Đàm, cải trang thành ông lão râu tóc bạc phơ. Cụ Hát nhận ra cụ đồ Đàm qua dáng người, nốt son lớn ở tay và những ngón tay búp măng đặc trưng của thầy đồ ngày đó.

Cụ Hát thuật lại chuyện dân hai làng lo lắng ngày đêm mất ngủ, vì sắp bị thực dân Pháp xử tử. Cụ đồ Đàm bảo cụ Hát cứ về làng, cụ sẽ ra trình diện chính quyền.

Cụ Hát về làng, kể lại chuyện gặp cụ đồ Đàm, tuy nhiên, không biết cụ Đàm trú ngụ ở đâu. Quan chức phong kiến muốn mời cụ Đàm về, nhưng không dám sang, sợ cụ trốn mất, nên cử cụ Hát sang Hưng Yên gặp gỡ.

Gặp lại ở điểm hẹn, cụ đồ Đàm bảo cụ Hát: “Ông cứ về nói với quan Pháp là tôi sẽ ra trình diện chính quyền. Tuy nhiên, tuyệt đối ông không được tiết lộ nơi tôi ở, kẻo giặc sát hại những người cưu mang tôi”.

Vài ngày sau, cụ đồ Đàm về thật. Dân làng gặp cụ thì buồn thảm, khóc lóc ghê gớm. Cha cụ đồ Đàm cùng nhân dân làm lễ tế sống suốt 3 ngày. Hội đồng môn, học trò cũng mổ lợn làm lễ tế sống rất to, bởi ai cũng biết rằng, cụ sẽ bị chặt đầu.

Xong lễ tế sống, dân làng đưa cụ lên nhà lao Hà Đông, chỗ chợ Hà Đông bây giờ. Lấy khẩu cung xong, chúng đưa cụ về nhà giam Hỏa Lò. 6 ngày sau, chúng đưa cụ ra pháp trường Bãi Bàng (giờ là chỗ chợ Bưởi) xử tử. Hôm chặt đầu cụ, dân làng, cụ Nguyện (vợ cụ đồ Đàm) cũng có mặt. Cụ đồ Đàm cởi chiếc khăn the đưa cho vợ, dặn rằng, dùng chiếc khăn the may áo cho con trai.

Chặt đầu xong, giặc Pháp bêu đầu cụ ở chợ, xác quẳng xuống hố chôn tập thể những người bị bắt trong vụ Hà thành đầu độc.

Cụ Nguyễn Văn Quế, người làng Tạ Xá kể: “Ông nội tôi là người chứng kiến tận mắt cuộc hành quyết cụ đồ Đàm. Ông tôi kể rằng, cụ đồ Đàm có vóc dáng thư sinh, tóc dài búi sau lưng. Vì búi tóc to quá, nên đồ tể chặt mấy lần mới đứt đầu cụ, nhìn thương tâm lắm. Lúc ra pháp trường, cụ đồ Đàm không hề sợ hãi, mà ngẩng cao đầu cười nhạo chúng.

Ngày đó, giặc Pháp giấu thông tin ghê lắm. Chúng chỉ thông cáo rằng đây là hành động bạo loạn của một nhóm người, nhằm thu nhỏ sự kiện, tránh gây bức xúc, manh động trên diện rộng.

Tuy nhiên, thực tế, đây là sự kiện chính trong âm mưu cướp chính quyền của cụ Đề Thám. Nếu vụ đầu độc thành công, cụ Đề Thám sẽ đưa quân về đánh chiếm Hà Nội, có thể sẽ thay đổi cục diện khi đó, mà không chừng sẽ giải phóng được dân tộc. Vì vậy, tôi đánh giá sự kiện Hà thành đầu độc là sự kiện lớn, cần được lịch sử đánh giá, ghi nhận xứng đáng”.

Lễ tế sống bi thương

Anh Phạm Văn Túy thu thập cả những tài liệu chính thống nằm phủ bụi trong trung tâm lưu trữ quốc gia, cả những thông tin từ người thân của các chí sĩ bị chặt đầu, nên anh nắm rất rõ sự kiện đặc biệt này.

Theo đó, vụ Hà thành đầu độc nổ ra vào đêm 27/6/1908, ngay trong doanh trại quân đội Pháp ở thành Hà Nội.

Trước thời điểm đó, các phong trào yêu nước của Phan Bội Châu phát triển mạnh. Hoàng Hoa Thám cũng tổ chức nhiều cuộc nổi dậy tấn công quân đội Pháp và được dân chúng hưởng ứng mạnh mẽ.

Tại quán cơm số 20 Cửa Nam, Hà Nội, là nơi các chí sĩ yêu nước cùng chí hướng tụ tập, giác ngộ nhau. Các ông Đỗ Khắc Nhã (đồ Đàm), Nguyễn Văn Hiên (đầu bếp Hai Hiên), thầy lang Phúc… thường xuyên tuyên truyền giác ngộ những binh lính, cai đội người Việt làm việc cho quân đội Pháp.

Thời điểm đó, những ông Đặng Đình Nhân (đội Nhân), Nguyễn Văn Nga, Nguyễn Trị Bình, Dương Bê… là những cai đội, binh lính người Việt, rất phẫn uất với thực dân Pháp vì bị phân biệt đối xử với lính Pháp. Họ bất mãn vì bị sai đi đánh lại người Việt.

Tại chùa Bạch Mã, phố Hàng Buồm, ông Nguyễn Trị Bình (tức Đội Bình), đã tụ tập 200 người đồng chí hướng, để tổ chức “Hội nghị Diên Hồng”.

Ông Bình nói: “Hôm nay, chúng ta bàn với nhau một việc đặc biệt hệ trọng. Đó là việc lấy lại đất nước Việt Nam, khôi phục mọi quyền lợi của chúng ta. Nếu mưu đồ không thành công, chúng ta phải đeo đuổi nhiệm vụ này tới chết. Quyết không lùi bước trước sự hi sinh nào để cứu lấy Tổ quốc chúng ta. Các đồng bào có đồng ý với tôi về vấn đề này không? Có tán thành kế hoạch của tôi không?”.

Mọi người có mặt đều tán thành kế hoạch đánh chiếm đầu não cai trị thực dân. Nhiều kế hoạch được đưa ra bàn bạc. Đầu bếp Hai Hiên đã đề xuất sử dụng phương án đầu độc tướng lĩnh, binh sĩ Pháp, được mọi người ủng hộ.

Theo đó, phương án đầu độc hiệu quả, an toàn là sử dụng loại cà có chất độc. Chất độc từ loại cà này tuy không giết được người, nhưng làm mất sức chiến đấu, sẽ là cơ hội tốt để nghĩa quân đánh chiếm Hà Nội.

Kế hoạch được chốt lại như sau: Khi quân Pháp bị đầu độc, các nhóm cai đội, binh lính trong hàng ngũ Pháp được giác ngộ sẽ chiếm kho vũ khí, bắn pháo hiệu. Các toán quân từ ngoại thành ém sẵn thấy hiệu lệnh sẽ ập vào thành.

ha thanh dau doc (7) 5

Giấy báo tử cụ đồ Đàm. 

Đội Nhân (Đặng Đình Nhân) được phân công nhiệm vụ đánh chiếm phủ toàn quyền Đông Dương, đội Bình tấn công Bộ tham mưu Pháp và đội Cốc (Dương Bê) đánh vào Tòa thống sứ Bắc Kỳ.

Tuy nhiên, kế hoạch mấy lần bị hoãn lại vào năm 1907, vì thời cơ chưa thuận lợi, vũ khí chưa có đủ. Vì thế, mật thám Pháp đã đánh hơi được thông tin. Mặc dù không thu thập được thông tin chính xác, song chúng cẩn thận đề phòng.

Tối 27/6/1908, tổ chức thực hiện kế hoạch. Nhóm đầu bếp do Hai Hiên cầm đầu đã bỏ chất độc chiết xuất từ cà vào thức ăn. Khoảng 200 binh lính, sĩ quan Pháp đã trúng độc. Tuy nhiên, lượng độc dược chưa đủ mạnh, nên chỉ bị đau bụng, mất sức chiến đấu, số ít ngất xỉu.

Vào thời điểm đó, một lính công binh pháo thủ số 9 của quân đội Pháp, được các chí sĩ yêu nước kết nạp làm tay trong đã đi xưng tội với linh mục ở nhà thờ.

Tin lộ ra, ngay lập tức, quân đội Pháp xiết vòng vây, tước hết vũ khí, bắt giam người Việt phục vụ trong quân đội Pháp để điều tra. Nhóm đầu bếp người bị bắt, người tìm đường tẩu thoát, nên không kịp cướp kho vũ khí và nổ pháo hiệu báo các nhóm nghĩa quân ém ở ngoại thành. Đến giờ hẹn, không thấy pháo hiệu, các toán nghĩa quân tự giải tán.

Mặc dù chưa bắt hết những người nổi dậy, nhưng 9 ngày sau vụ Hà thành đầu độc, thực dân Pháp đã tuyên xử chém 3 người, là đội Nhân, đội Bình và Dương Bê. Đầu những chí sĩ yêu nước được đặt vào rọ tre, treo ở chợ, đầu làng, để “răn đe”, nhằm làm nhụt chí những người yêu nước.

Theo “Báo cáo tổng hợp 7/1908” của E.Duvillier, quan công sứ tỉnh Hà Đông, có 13 người bị xử tử trong vụ Hà thành đầu độc. Trong số đó, có 2 người, gồm thầy giáo Đỗ Khắc Nhã, tức đồ Đàm và đầu bếp Nguyễn Văn Hiên, tức Hai Hiên.

Báo cáo cũng nói rõ nghề nghiệp của 2 vị này, là nhà giáo và đầu bếp, nhưng lại đóng vai trò quan trọng. Đồ Đàm tụ tập các chí sĩ yêu nước, cầm đầu một cách quân và Hai Hiên chỉ đạo việc đầu độc và cướp kho vũ khí. Chính vì thế, quan công sứ J.Bosc đã ngồi tòa và tuyên ngay tội xử tử.

ha thanh dau doc (1) 8

 

ha thanh dau doc (2) 7

 Cảnh hành quyết các chí sĩ yêu nước tại khu vực chợ Bưởi bây giờ.

Điều đáng nói, cả hai chí sĩ này đều thể hiện khí khái trượng nghĩa của người yêu nước thương dân. Cụ đồ Đàm không muốn dân làng bị liên lụy, nên đã tự ra hàng chịu chết. Cụ Hai Hiên chỉ là đầu bếp, nhưng cũng không muốn để gia đình liên lụy.

Cụ Hai Hiên cùng với đồ Đàm đã tẩu thoát trước khi quân Pháp vây hãm, bắt bớ. Truy lùng không được, quan công sứ Hà Đông đã mượn luật của triều đình An Nam, khép tội tạo phản, là trọng tội, phải tru di tam tộc.

Cụ Hai Hiên quê ở xã Đức Giang (Hoài Đức, Hà Nội bây giờ). Lúc vụ Hà thành đầu độc xảy ra, đại gia đình vẫn sống ở quê. Giặc Pháp bắt bớ, nhốt hết vợ con, người thân đủ 3 đời.

Khi đó, đang trốn ở nơi khác, nghe tin, cụ Hai Hiên đã tìm về làng, chấp nhận để cho quân Pháp bắt.

Dân làng, họ tộc gặp cụ, khóc lóc thảm thiết, có ý can ngăn, nhưng ông đã quyết, không thay đổi ý định. Dân làng đã mổ lợn, làm lễ tế sống người đầu bếp dũng cảm.

Trong ký ức của các cụ truyền lại, buổi lễ tế sống diễn ra rất thảm thương, tiếng khóc ai oán vang dậy trời đất, thế nhưng, cụ Hai Hiên không rơi một giọt nước mắt. Thi thoảng cụ chỉ thở vắn than dài, tiếc rằng chí lớn không thành, không diệt được kẻ thù để giải phóng đất nước.

Tế sống xong, đầu bếp Hai Hiên bình thản ra pháp trường chịu tội chặt đầu cùng với cụ đồ Đàm và nhiều người khác. Mặc dù đã bị xử tử, nhưng vợ cụ vẫn bị giặc Pháp tra tấn đến chết trong tù. Anh em ruột cũng bị lưu đày. Người thân phải bỏ trốn khắp ngả để tránh sự truy bắt, trả thù.

Theo tài liệu từ Thống sứ Bắc Kỳ, có 13 người bị chặt đầu liên quan đến sự kiện Hà thành đầu độc. 5 người bị tuyên tử hình vắng mặt, 4 người án chung thân, 5 người chịu án 20 năm tù khổ sai… Nguồn tài liệu lịch sử Việt Nam thì khẳng định có 16 người đã bị xử chém. Sau vụ Hà thành đầu độc, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, tổ chức nhiều cuộc tấn công tiêu diệt nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Đã có hàng trăm người chịu án chặt đầu, lưu đày biệt xứ.

Phạm Dương Ngọc".
 
Chỉ một chút xưng tội mà sự việc vở lỡ. Thật vô cùng đáng tiếc! Tôn Trương có đáng lên án không? Không! Theo chúng ta là không, đó chỉ là một kẻ ngoan đạo, dại khờ, mắc lỗi xưng tội quá sớm nhưng không có tội. Nếu có tội chăng là cố đạo Ân kìa! Và tội đó là tội dối Chúa lừa chiên, đứng về phe xâm lược phi nghĩa!
Hành động của cố đạo Ân làm chúng ta nhớ tới một cái tên: Puydinê (Puginier)! Câu chuyện liên quan đến cái tên này, chúng ta “nghe lóm” được chủ yếu từ Tiến sĩ Lý Khuông Việt trong “quán” “Kiến thức ngày nay” số 655. Đây là câu chuyện làm cho cả Đức Chúa lẫn Đức Phật đều buồn thúi ruột!
Khi Gacniê đem quân ra Hà Nội, ông ta đã tìm cách bắt liên lạc ngay với giám mục Puydinê. Puydinê “ra sức giúp quân lính (Pháp) tất cả những việc gì có thể thích hợp với vị trí một giám mục thừa sai tại Bắc Kỳ”, trong đó có việc tuyển mộ mấy ngàn con chiên của ông làm lính đánh thuê cho Thực dân Pháp. Linh mục Trần Tam Tỉnh viết: “Giám mục (Puydinê) đã đoan chắc với binh lính rằng ông có thể nhập ngũ dưới ngọn cờ của kẻ chiến thắng, bởi vì ngọn cờ này là cờ nước Pháp”. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, trong khi bị thương nặng, trước lúc mất, đã nói thẳng vào mặt Puydinê:“Chính nhờ ông và các lời khuyên của ông mà bọn đạo tặc người Pháp đã cướp Nam Kỳ và sẽ cướp cả Bắc Kỳ chúng tôi nữa”.
Theo linh mục Trần Tam Tỉnh thì sau đó, “nhờ người Công Giáo mà Gácniê tiếp tục chiếm được Nam Định, Hải Dương và những vùng khác thuộc đồng bằng sông Hồng một cách nhanh chóng”. Trong một báo cáo, Haman (Hatmand) thừa nhận: “Chắc chắn là những người Thiên Chúa Giáo đã giúp cho chúng ta được nhiều việc lớn và đã làm cho nhiệm vụ của chúng ta được dễ dàng hơn”.
Thấy chưa thể nuốt trôi Bắc Kỳ. Pháp ký hòa ước năm 1874, làm cho “Puydinê chống lại chính sách ấy mà ông xem là một sự nhục nhã đối với nước Pháp, một sự bất công đối với dân chúng, nhất là đối với giáo dân”.
Chín năm sau, khi Rivie dẫn quân ra Hà Nội, Puydinê không chỉ tuyển mộ hàng ngàn giáo dân làm lính ngụy mà còn lập một đội do thám gồm những con chiên đáng tin cậy nhất để cung cấp tin tức về lực lượng của quân dân ta cho Rivie. Theo linh mục Trần Tam Tỉnh, ngày nay “người ta đang giữ được hàng chục điện văn và bản tin tình báo mang chữ ký của ông ta trong văn khố của Bộ thuộc địa (Pháp). Và một phần nhờ ở các bản tin đó mà quân Pháp đã có thể đập tan cuộc kháng chiến vũ trang của người Việt Nam”. Một báo cáo của Pháp cũng nhận xét tương tự: “Chính nhờ sự hiểu biết tường tận của ông ta về xứ Bắc Kỳ, nhờ nhiều tin tình báo mà giáo dân ở Bắc Kỳ cung cấp cho ông ta, Bộ tổng tham mưu (của Pháp) đã có thể nhận được nhiều thông tin có ích về giao thông ở Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hóa…”. Trong báo cáo ngày 4-4-1884 của Pháp gửi về Pari: “giám mục Puyniê được kể như là người đóng góp nhiều nhất cho cuộc xâm lăng của Pháp ở Bắc Kỳ”. Chính Puydinê cũng tuyên bố: “Không có các giáo sĩ và giáo dân, người Pháp sẽ giống như những con cua đã bị bẻ gãy hết càng”. Toàn quyền Lanxan (Lanissan) thừa nhận ảnh hưởng của Puydinê “lớn đến nỗi phần nhiều những hành động của nhà cầm quyền Pháp đều trực tiếp vay mượn các ý tưởng của ông”.
Để ghi nhận công lao của Puydinê đối với cuộc xâm lược vào xứ sở mà ông ta đang rao giảng những điều thánh thiện nhất về Đức Chúa Giêsu, Thực dân Pháp đã gắn bên cạnh thánh giá của ông ta cái huân chương Bắc đẩu bội tinh “Binh đoàn danh dự”. Chưa hết, khi Puydinê xin chùa Báo Thiên của nhân dân Hà Nội, kẻ cướp Pháp “rộng lòng” cho luôn. Còn nữa, khi con đường phố to nhất, đi từ cửa Nam đến phủ toàn quyền ở Hà Nội được làm xong, Pháp liền đặt tên cho nó là “Đại lộ Puydinê”. Danh lợi đến như thế, hồi đó có thỏa lòng ông chưa, hỡi hồn ma của Giám mục Puydinê?!
Thực dân Pháp đập tan chùa Báo Ân để xây Nhà bưu điện và Phủ thống sứ thì Giám mục Puydinê cũng nhanh tay “phế truất” chùa Báo Thiên để dựng nên một nhà thờ to tướng. Vào thời điểm chùa Báo Thiên bị khai tử, công sứ Hà Nội là Bonan (R.Bonnal) nhận xét: “Theo bề ngoài, phá chùa và chiếm đất, chẳng có gì là dễ dàng hơn thế trong giai đoạn xâm lăng mà chúng ta trải qua”.

Những khuất tất trong việc phá Chùa Báo Thiên xây Nhà Thờ Lớn


Ngay sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về vụ “đòi” Tòa khâm sứ cũ, một số trang Công giáo ở Hải Ngoại có đưa tin nói rằng không có chuyện phá chùa Báo Thiên xây nhà thờ Lớn, rằng chùa Báo Thiên đã bị phá bỏ từ lâu trở thành gò đất, trở thành chợ, trở thành đất vô chủ trước khi khu đất đó được dùng để xây nhà thờ Lớn và Tòa khâm sứ. Thậm chí có linh mục còn hàm ý rằng ngôi tháp Báo Thiên, tức báo ân Thiên, báo ân Trời, có nghĩa là Chúa Trời, tức chúa Giê-su và người Việt Nam từ trước đến nay đã thờ Trời, tức Chúa trời mà không biết!!! BTV Phật tử Việt Nam xin tổng hợp những sự thật lịch sử không thể chối bỏ về chuyện phá chùa Báo Thiên xây nhà thờ Lớn và Tòa khâm sứ.
HÀ NỘI NHỮNG THÁNG NĂM ĐEN TỐI
Sau sự kiện Pháp chiếm 3 tỉnh Đông Nam kỳ, đầu tháng 11 năm 1873, F.Garnier đem quân tới Hà Nội. 15 ngày sau, sáng ngày 20/11/1873, y nổ súng tấn công thành Hà Nội. Do triều đình đã chủ hoà nên thành trì không được phòng thủ chắc chắn, thành Hà Nội thất thủ. Nguyễn Tri Phương cùng con là phò mã Nguyễn Lâm lên mặt thành đốc quân chống giữ.
Nhưng khoảng sau một giờ, thành vỡ, anh hùng Nguyễn Lâm tử trận. Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”.
Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20/12/1873, thọ 73 tuổi. Thi hài ông và Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà. Đích thân vua Tự Đức tự soạn bài văn tế khóc các vị công thần và cho lập đền thờ ông tại quê nhà.
Mặc dù thành Hà Nội bị thất thủ nhưng nhân dân Hà Nội vẫn tiếp tục anh dũng đứng lên kháng Pháp bảo vệ Hà Nội như truyền thống ngàn năm không chịu khuất phục ngoại xâm. Ngày 21/12/1873, quân dân Hà Nội kết hợp với quân Cờ Đen khép chặt vòng vây tiêu diệt Garnier ở trận Cầu Giấy.
Henri Riviere được phái đến Hà Nội thay cho Garnier. Tới Hà Nội hắn gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu (tổng đốc Hà Nội bấy giờ) đòi quân dân đầu hàng. Ngày 25/4/1882 quân Pháp tấn công Hà Nội gặp phải sự chống trả dữ dội của quân ta dưới sự điều động của Tổng Đốc Hoàng Diệu. Nhưng vì vũ khí thô sơ nên không giữ nổi thành, anh hùng Hoàng Diệu thảo tờ biểu tạ tội với vua rồi lấy khăn bịt đầu thắt cổ tự tử.
Sau đó, nhà Nguyễn công nhận sự đô hộ của Pháp trên toàn cõi Việt Nam.
Kể từ khi chiếm được Hà Nội đến khi Cách mạng tháng 8 thành công (1945), nhân dân Hà Nội đã không ngừng đứng lên chống lại ách ngoại xâm đô hộ, kiếp nô lệ mất nước. Các hoạt động kháng Pháp ngày càng nở rộ: Đông Kinh Nghĩa Thục (2/1907), liền sau đó là vụ Hà Thành đầu độc (1908). Năm 1919 có cuộc bãi công của một số nhà máy in ở Hà Nội. Từ đó cho đến năm 1929, những cuộc bãi công của công nhân đã nổ ra liên tiếp.
Năm 1925, ở Hà Nội lại xảy ra một sự kiện chính trị làm náo động dư luận toàn quốc, gây nên một phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi suốt từ Bắc chí Nam, đó là vụ án Phan Bội Châu; Lễ truy điệu Phan Chu Trinh… Ngày 1/5/1938, một cuộc mít tinh khổng lồ kỷ niệm ngày quốc tế lao động đã diễn ra tại Hà Nội trước cửa nhà Đấu Xảo. Đó là cuộc mít tinh lớn nhất kể từ khi Pháp cai trị nước ta, kết hợp với nhiều cuộc mít tinh lớn nhỏ khác thúc đẩy phong trào cách mạng ở Hà Nội thu được nhiều kết quả to lớn.
THỰC DÂN PHÁP VÀ TAY SAI CÓ PHÁ CHÙA BÁO THIÊN?
Sau khi chiếm được Hà Nội, thực dân Pháp tìm mọi thủ đoạn để dập tắt phong trào yêu nước của nhân dân, đặt lên ách cai trị hà khắc để duy trì vị trí quyền lực (đi kèm với quyền lợi) của kẻ xâm lược. Việc phá chùa Báo Thiên và nhiều ngôi chùa khác không chỉ ở Hà Nội mà trên khắp cả nước, thay vào đó là các nhà thờ Công giáo hoặc cơ quan thống trị là một trong các thủ đoạn nhằm hủy diệt nền tảng văn hóa truyền thống – nguồn lực nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của nhân dân bản xứ.
Giám mục Puginier quả quyết với các tướng soái Pháp: “Tôi xác định rằng khi mà Bắc Kỳ trở thành Gia tô giáo thì nó cũng trở thành nước Pháp nhỏ của Viễn Đông, y hệt như quần đảo Phi Luật tân đã là một Tây Ban Nha nhỏ” (1).
Vậy chùa Báo Thiên đã được thực dân Pháp và tay sai phá đi xây nhà thờ Lớn và Tòa khâm sứ như thế nào? Hãy xem tư liệu do chính người Pháp thừa nhận, được trang Công giáo Vietcatholic đăng lại tại địa chỉ http://vietcatholic.net/News/Html/52481.htm:
Một thửa đất đã gây sự chú ý của vị mục tử năng động, đúng hơn là khu đất của một ngôi chùa nằm ở phía bắc nhà chung. Đó là chùa Báo Thiên Tự.
Ông Bonnal, công sứ Pháp tại Hà Nội kể lại câu chuyện thú vị ấy thế này: “Phá hủy ngôi chùa và chiếm lấy miếng đất, việc đó xem ra chẳng có gì dễ dàng hơn trong thời điểm chinh phục mà chúng ta đang tiến hành, nhưng bản thân tôi, đúng theo lẽ, e ngại phạm sự lạm quyền khi làm như vậy, và tôi chọn giải pháp thỉnh ý ông Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ. Ông nầy rất có thiện cảm với vị giám mục, cũng như tôi, ông muốn làm cho ngài hài lòng; sau đây là cách thức ông gỡ mối khó khăn. Trước hết ông cho truy tìm xem còn có kẻ hậu duệ nào của người tạo dựng ngôi chùa đã qua đời trước đó hai thế kỷ không, và dĩ nhiên chẳng tìm được ai.
Tiếp theo, ông chỉ thị cho các thân hào trong khu vực, được chọn, như thể tình cờ, trong các giáo dân bản xứ, để xét xem mức độ chắc chắn của ngôi chùa thế nào, và các ông nầy chẳng ngần ngại gì mà tuyên bố rằng: do hư nát, ngôi chùa khi sụp đổ có thể gây nguy hại cho những ai đi ngang qua. Vậy là, bây giờ mọi việc đều đã đúng luật lệ. Cho phá hủy ngôi chùa, sung công thửa đất vô chủ… theo tập quán Việt Nam, là những biện pháp chính đáng, không thể gây nên một sự phản đối nào. Ông Tổng đốc đã xử lý theo cách đó. Ông còn nhận trách nhiệm nhượng lại miễn phí cho nhà chung công giáo thửa đất đã sung công, và tôi đã vui lòng trao cho vị giám mục văn bản chính thức chuyển giao cho ngài quyền sở hữu trọn vẹn”. (2)
Qua tư liệu này, chúng ta có thể rút ra các nhận định sau đây:
– Chùa Báo Thiên hoàn toàn tồn tại cho đến khi bị chính quyền thực dân Pháp và tay sai phá đi xây nhà thờ Lớn và Tòa khâm sứ. Công sứ Pháp thẳng thắn thừa nhận (một cách không hề xấu hổ) rằng phá hủy ngôi chùa và chiếm lấy miếng đất. Việc tồn tại chùa Báo Thiên đến thời điểm đó là sự thực không thể chối bỏ, bởi vì dưới thời vua Tự Đức, Tổng đốc Hà Nội là Tôn Thất Bật đã cho trùng tu lại chùa Báo Thiên.
– Tay sai của người Pháp là Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã không ngần ngại tiếp tay cho người Pháp phá chùa xây nhà thờ để duy trì sự thống trị lâu dài trên toàn cõi Việt Nam. Ông Độ không thể không có thiện cảm với các giáo sĩ, các vị giám mục (đa số là người nước ngoài) vì đó chính là cánh tay phải của chính quyền thực dân Pháp, những người có trách nhiệm lãnh đạo tinh thần cho giáo dân người Việt – có thể được dùng như một đạo quân. Vì thế ông Độ muốn làm hài lòng giáo sĩ (Giám mục Puginier) bằng cách thực hiện việc cướp và phá chùa Báo Thiên.
– Việc cướp và phá chùa Báo Thiên được thực hiện bằng cách cho rằng ngôi chùa là vô chủ, và để cho nhân dân địa phương (một cách “tình cờ” là các giáo dân) quyết định. Đền, chùa, phủ của người Việt Nam từ xưa đến thời điểm đó (và cả đến nay) không phải thuộc sở hữu cá nhân. “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Chùa là của vua, tức sở hữu của Nhà nước, là cơ sở thờ tự của nhân dân. Ngày xưa, vua, quan phát tâm công đức xây dựng các chùa chiền nhưng chưa bao giờ tự nhận là tài sản của cá nhân, mà đó là công sản, thuộc về công thổ.
Thủ đoạn của ông Độ là để cho các giáo dân “tình cờ” ấy quyết định vận mệnh một ngôi chùa nổi tiếng đất kinh kỳ, như thế khác nào giao trứng cho ác. Nhưng đối với ông Độ, việc duy trì quyền lực của bản thân, thiện cảm đối với công sứ Pháp và giám mục mới là quan trọng. Không để giáo dân quyết định thì đời nào người dân Hà Nội yêu nước lại cho phép phá đi ngôi chùa Báo Thiên đó.
Ông Độ đã cho phá chùa, sung công mảnh đất và nhượng lại miễn phí cho nhà chung Công giáo. Thế là ngôi chùa hư nát có thể sụp đổ bất cứ lúc nào đã được phá đi lấy đất và gạch xây nhà thờ Lớn, sau đó là Tòa khâm sứ. (Cũng xin nói thêm, nền đất chùa và tháp Báo Thiên) kéo dài từ bên phải chùa Lý Triều Quốc Sư đến hết phố Nhà Chung ngày nay).
–  Lẽ ra, là một Tổng đốc Hà Nội, thấy ngôi chùa hư nát, ông Nguyễn Hữu Độ phải noi gương Tổng đốc Tôn Thất Bật trùng tu ngôi chùa quốc bảo đó để giữ gìn văn hóa truyền thống, noi gương Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu nuôi dưỡng lòng yêu nước chống ngoại xâm. Nhưng ông là tay sai cho Pháp, bám gót thực dân để mưu cầu lợi lộc thì sao mà ông làm được, vì thế buộc ông phải làm ngược lại, phá hủy chùa dâng đất cho nhà thờ, như một món lễ vật mưu cầu bổng lộc.
Bằng chứng lịch sử việc chính quyền thực dân và tay sai phá chùa Báo Thiên xây nhà thờ Lớn đã rành rành, được chính người Pháp nói ra, vậy tại sao vẫn có một số người cho rằng không có chuyện đó? Đây chính là sự nhầm lẫn giữa đất chùa Báo Thiên và nền đất của tháp Báo Thiên.

NỀN ĐẤT THÁP BÁO THIÊN CŨNG BỊ DÂNG NHÀ CHUNG
Năm 1057, vua Lý Thánh Tông cho xây chùa Báo Thiên và tháp Đại Thắng Tư Thiên trong khuôn viên Chùa. Tháp Báo Thiên có 12 tầng, cao vài mươi trượng. Tầng trên cùng bằng đồng, những tầng dười bằng đá và gạch. Tháp Báo Thiên được liệt vào hàng An Nam tứ đại khí.
(Kể thêm: Phạm Sư Mạnh (thế kỷ 14), người Hải Dương, tiến sĩ đời vua Trần Minh Tông [1314-1329], đã làm bài thơ như sau về Tháp Báo Thiên:
ĐỀ THÁP BÁO THIÊN
Trấn áp đông tây củng đế kỳ
Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy
Sơn hà bất động kình thiên bút
Kim cổ nam ma lập địa chùy
Phong bãi chung linh thời ứng đáp
Tinh di đăng chúc dạ quang huy
Ngã lai dục tủy đề thi bút
Quản lãnh xuân giang tác nghiễn trì.
Bản dịch
Trấn áp đông tây giữ đế kỳ
Một mình cao ngất tháp uy nghi
Chống trời cột trụ non sông vững
Sừng sững ngàn năm một đỉnh chùy
Chuông khánh gió đưa vang đối đáp
Đèn sao đêm đến rực quang huy
Đến đây những muốn lưu danh tính
Mài mực sông xuân viết ngẫu thi.)
Năm 1258, bão to đã đánh đổ mất phần ngọn của tháp Báo Thiên. Năm 1322, sét lại đánh sạt góc bên Đông của hai tầng trên tháp.
Theo sử nhà Lê thì về đầu nhà Lê, tháp vẫn còn (năm 1427) lúc Lê Lợi đóng quân ở Bồ Đề để bao vây quân Minh ở thành Đông Đô. Ngài cho bó tre dựng làm cái chòi cao ngang với tháp Báo Thiên. Ngài ngồi trên cùng trông sang Đông Đô thấy rõ cả tình thế trong thành, không biết tháp tự đổ hay là do người ta phá hẳn từ bao giờ.
Nguyễn Trọng Thuật viết : “Không biết tháp tự đổ hay người ta phá hẳn từ bao giờ. Sử sách cho biết, đến cuối triều Lê, thời cuộc loạn lạc, thường có những toán loạn quân đi phá các đền chùa vắng chủ để hôi của. Có lẽ tháp bị phá hẳn vào lúc này.” 
Triều đình không xây dựng lại tháp mà trên nền cũ của tháp Báo Thiên, người ta đổ đất lên trên lập thành một ngọn núi nhỏ. Sau đó, nơi đây biến thành pháp trường hành hình tội nhân. Năm 1794, nhà Tây Sơn hủy bỏ nơi pháp trường ấy của nhà Lê, phá núi đất đi, đào nền tháp lấy gạch tu sửa thành Thăng Long.
Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Hòa Thượng Phúc Điền (1784-1863) về trụ trì chùa Báo Thiên. Trong Kế đăng lục in năm Tự Đức thứ 12 (1857) viết: Lúc đó tại chùa Báo Thiên đang khắc ván bộ Phật Tổ thống kỷ. Sau khi Hòa thượng Phúc Điền qua đời, chùa Báo Thiên vẫn còn lại cho đến ngày thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2 (1882).
Như vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng Chính quyền thực dân và tay sai đã phá chùa Báo Thiên để dâng đất cho Nhà Chung, và trên nền đất chùa và tháp Báo Thiên đã mọc lên nhà thờ Lớn, sau đó là Tòa khâm sứ cũ. Đây chính là nỗi đau của một giai đoạn đen tối trong lịch sử dân tộc, giai đoạn dân tộc Việt Nam chịu cảnh lầm than nô lệ, văn hóa truyền thống bị bôi nhọ, chà đạp và xóa bỏ. Cũng cần phải nhớ rằng dưới thời thuộc Pháp, Phật giáo không được sinh hoạt với tư cách là một tôn giáo, mà chỉ là một hội đoàn.
Ngày nay, bất kỳ ai che dấu, tảng lờ, hoặc xuyên tạc sự thật nói trên là có tội với lịch sử, có tội với dân tộc, với ông bà tổ tiên, với bao triều đại, bao thế hệ người dân Việt – những người suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm đã đổ bao xương máu để giữ gìn mảnh đất thân yêu này.
Giếng đá cổ chùa Báo Thiên – của báu còn lại
Không một tôn giáo nào, một tổ chức, cá nhân nào được cho phép mình cái quyền đòi riêng mảnh đất chùa, tháp Báo Thiên ngày trước, nhà thờ Lớn, Tòa khâm sứ cũ ngày nay về cho riêng mình. Đó là công thổ, là xương máu, là di sản, là thánh địa của tất cả người dân Việt, của nước Việt, của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Mảnh đất Tòa khâm sứ cũ phải được sử dụng vì lợi ích hòa hợp tôn giáo, hòa hợp dân tộc, vì sự ổn định và phát triển của đất nước.
(1) Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857 – 1914), NXB Tôn Giáo, 2003, tr. 437.
(2) Đoạn này J.Villebonnet trích từ sách: “ Hanoi pendant la période héroique. 1873-1888 ” trang 125, của tác giả André Masson. Librairie Orientaliste Paul Genthner. 13 rue Jacob (VIe). 1929’
BTV báo Phật Tử Việt Nam (tổng hợp)
 
 Theo nhà sử học Đơvinlê ( Phillipe Devillers), “nhà thờ này đã được làm lễ dâng Chúa (!) vào ngày 24-12-1886”, đúng vào dịp Chúa giáng sinh. Tòa Giám mục Hà Nội cũng được xây dựng cạnh nhà thờ này - gọi là nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph, cha của Chúa Giêsu). Năm 1950, Tòa Khâm sứ (đại diện Tòa thánh vatican) dời từ Huế ra Hà Nội, cũng đặt ở ngôi nhà bên cạnh. Cả ba vị trí ấy nằm gọn trên nền của chùa Báo Thiên. Sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, Việt Nam bị tạm thời chia cắt ở vĩ tuyến 17. Tòa thánh Vatican thiên vị, chỉ công nhận chính phủ Ngô Đình Diệm, không thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ Hồ Chí Minh, nên năm 1959, tòa Khâm sứ ở Hà Nội đóng cửa, trở thành nơi phục vụ các lợi ích công cộng của thủ đô Hà Nội.
Sau hơn 8 thế kỷ nổi chìm cùng vận nước, buồn vui theo những đau thương và tự hào của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, chùa Báo Thiên đã phải “nhượng địa” lại cho nhà thờ Thánh Giuse, ra đi không một lưu ảnh. Từ đây nét nhu mì, “phượng múa rồng bay” tươi mát của Hà Nội giảm đi, nét uy nghi tráng lệ có phần se lạnh tăng lên!
“Vật đổi sao dời” là lẽ tự nhiên, nhưng sự ra đi trong cảnh “nước mất nhà tan” của chùa Báo Thiên thì thật ngậm ngùi. Chúng ta có thể mượn bài thơ mà giáo sư Lê Mạnh Thát cho rằng tác giả đích thực của nó là: thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài bên Trung Quốc đời Tống; để phần nào nói lên cái tâm trạng ấy:
                              “Nhạn quá trường không
                              Ảnh trầm hàn thủy
                              Nhạn vô di tích chi ý
                              Thủy vô lưu ảnh chi tâm”
                  (Tạm dịch nghĩa:
                              Chim nhạn bay ngang qua bầu trời
                              Hình bóng của nó soi ở dưới làn nước lạnh
                              Chim nhạn không có ý để lại di tích
                              Mà nước cũng chẳng có lòng lưu giữ bóng hình)
Khai hóa văn minh gì mà lại bêu đầu người ta ra như thế, rao giảng đức tin gì mà lại làm những điều tán tận lương tâm như thế? Chúng ta chẳng bao giờ trả lời được câu hỏi này!
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét