TT&HĐ III - 30/f
Chiến Tranh THẾ GIỚI thứ 2 - Tập 2
CHƯƠNG IX (XXX): THỜI CUỘC
“Nếu
như sau cái đêm tối tăm của thời trung cổ, các ngành khoa học đột nhiên
sống lại với một sức mạnh không ngờ và bắt đầu phát triển nhanh chóng
một cách kỳ diệu, thì sự kỳ diệu ấy cũng chính là nhờ sản xuất mà có”
Ph. Ăngghen
"Chúng ta từng tự hỏi chiến tranh sống ở đâu, và
điều gì khiến nó gớm guốc như vậy. Và giờ chúng ta nhận ra mình biết nó
sống ở đâu... ở trong chúng ta." - Albert Camus
"Chiến tranh là sự ngu dại tột bậc của cuộc sống"
Thầy Cãi
"Chưa từng có lúc nào thế giới không chiến tranh. Dù
trong bảy nghìn, mười nghìn hay hai mươi nghìn năm. Những nhà lãnh đạo
khôn ngoan nhất, hay những vị vua cao quý nhất, hay cả Nhà thờ - không
ai trong số họ có thể ngăn chặn nó. Và đừng chịu thua thứ lòng tin dễ
dãi rằng những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội nóng vội có thể ngăn được
chiến tranh. Hay có thể chia tách được chiến tranh vì lẽ phải hay đúng
đắn ra khỏi phần còn lại. Luôn có hàng nghìn hàng nghìn người mà đối với
họ thậm chí cả chiến tranh theo kiểu đó cũng là vô nghĩa và phi lý." - Aleksandr Solzhenitsyn
"Chiến tranh không được trả giá trong thời chiến, hóa đơn sẽ đến sau đó." - Benjamin Franklin
"Chiến tranh là sự ngu dại tột bậc của cuộc sống"
Thầy Cãi
(Tiếp theo)
Khoa
học kỹ thuật và cạnh tranh tự do ngay từ đầu và ngày càng tác động mạnh mẽ đến quá trình
vận động của các lực lượng tạo nên mối quan hệ cung - cầu trong xã hội,
về cường độ cũng như tốc độ. Nó làm tăng khả năng cung ứng cả miếng ăn
lẫn cái mặc (và thông qua đó cũng chừng mực làm tăng cầu). Sự áp dụng
khoa học - kỹ thuật một cách mù quáng, thiếu định hướng tổng thể sẽ làm
cho trình độ đáp ứng cung - cầu nâng cao, qui mô đáp ứng cung - cầu tăng
lên, có thể làm ổn định mối quan hệ cung - cầu một cách cục bộ, theo
từng giai đoạn xen kẽ với những giai đoạn khủng hoảng (mất cân đối
nghiêm trọng) của mối quan hệ ấy, chứ không thể tạo được sự ổn định lâu
dài, không thể làm mất khủng hoảng (chúng ta cho rằng sự mất cân đối là
thường xuyên, là đương nhiên, còn sự mất cân đối nghiêm trọng hay gọi là
khủng hoảng do hoạt động mù quáng của con người gây ra (nhân tạo chứ
không phải thiên tạo!) là có thể tiêu trừ được); và như vậy đó chính là
một con dao hai lưỡi vừa làm ổn định vừa làm mất ổn định mối quan hệ
cung - cầu (theo cả hai chiều cung thừa cầu thiếu, cung thiếu cầu thừa).
Mô hình động cơ hơi nước của James Watt. Sự phát triển máy hơi nước khởi mào cho cuộc cách mạng công nghiệp Anh

Ngày
xưa, khi nền kinh tế xã hội dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp (cung
lương thực - thực phẩm) thì chỉ có khủng hoảng thiếu mà không có khủng
hoảng thừa (vì sản xuất tiểu thủ công, là con đẻ của sản xuất nông
nghiệp, vẫn còn mang tính bộ phận của sản xuất nông nghiệp mà chưa thoát
ly ra khỏi nó). Sự dư dôi của lương thực - thực phẩm luôn được cầu sử
dụng hết, biểu hiện ra là đời sống sung túc hơn, ăn ngon mặc đẹp hơn và
vui chơi, nhảy múa, hội hè nhiều hơn. Sự thịnh vượng đó sẽ giảm đi nếu
sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Rồi một quá trình tương tự sẽ lặp lại
và nếu chỉ đơn thuần có tính chu kỳ điều hòa hoàn hảo và thuần túy
thịnh rồi suy, suy rồi thịnh… thế thôi thì đã chẳng có gì phiền toái,
thì cũng coi như tốt đẹp rồi. Than ôi! Toàn thịnh mang tính lý tưởng đã
đành, thịnh - suy điều hòa cũng lý tưởng nốt. Bản thân Tự Nhiên Tồn Tại
không là gì cả, không có gì cả, cả thịnh lẫn suy. Hay nói cách khác có
“nhân tính” hơn: trước một nhận thức đầy sự thị phi thì ngay đến cả Tự
Nhiên Tồn Tại cũng không hoàn hảo! Vậy thì ở dưới gầm trời này làm sao
mà có sự vật - hiện tượng nào gọi là toàn hảo? Sự sung túc sẽ làm cho
“no lưng ấm cật, dậm dật mọi nơi” làm tuổi thọ bình quân tăng lên, sinh
đẻ nhiều hơn, dẫn đến sự tăng trưởng về dân số (tăng số lượng cầu). Sự
tăng dân số ấy, một cách tự nhiên, trong trường hợp “mưa thuận gió hòa”
sẽ trở nên đột phát; nhanh chóng đè lên vai cung một cái gánh ngày một
nặng. Đến khi nặng quá thì cung này buộc phải “san sẻ bớt” sang gánh của
những cung khác ở đâu đó gọi là láng giềng. Nhất là khi cung đã gánh
quá nặng, “san sẻ” không kịp hoặc khó khăn mà lại còn bị “trượt chân”
(thiên tai, mất mùa) nữa thì nó sẽ “nổi điên lên”, “quẳng gánh lo đi mà
vui sống”, kệ nhu cầu “sống chết mặc bay” thì thật là thảm họa! Bên cạnh
đó, sự mất cân đối cung - cầu với tác động theo cả hai chiều tích cực
và tiêu cực, tốt và xấu của nó đã là nguyên nhân sâu xa làm phân hóa xã
hội thành kẻ giàu, người nghèo, thành tầng lớp bị trị và tầng lớp thống
trị. Kết quả ấy, cùng với loài người vốn dĩ không hoàn hảo về bản tính,
thậm chí là đầy tật nguyền (tật nguyền hơn cả loài thú?!) sẽ tác động
mạnh mẽ trở lại quá trình vận động của Cung - Cầu. Tất cả những điều đó
đã làm xuất hiện một cách vừa tự nhiên vừa nhân tạo một quá trình thăng
giáng thịnh - suy lặp đi lặp lại mang tính chu kỳ nhưng không điều hòa,
có vẻ cưỡng bức nhưng không hoàn toàn rối loạn. Có thể cho rằng những
hiện tượng như nạn đói, trộm cướp, nổi dậy chém giết lẫn nhau, chiến
tranh, xâm lược… đều từ đó mà ra cả.
Xe lửa chạy bằng động cơ hơi nước
Đặc
biệt, chúng ta thấy rõ điều này: sự xuất hiện và phát triển tất yếu của
khoa học - kỹ thuật đã quyết định đến sự biến dạng “ghê gớm” của sự
cung - cầu trong xã hội loài người, theo hướng làm cho bản chất tự nhiên
của nó “lặn” đi, bị “ẩn dấu” đi, đồng thời tính xã hội, tính nhân tạo
nổi trội lên làm cho sự cung cầu đó mang tính đặc thù chỉ có ở xã hội
loài người. Hơn nữa chính sự áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất
làm tăng khả năng cung để thỏa mãn nhu cầu về cả ăn lẫn mặc nhằm làm ổn
định mối quan hệ cung - cầu (kéo theo cả sự kích cầu một cách “hồn
nhiên”!) đã làm một bộ phận sản xuất tiểu thủ công nghiệp thoát ly
(tương đối) ra khỏi sản xuất nông nghiệp, vươn lên thành một ngành sản
xuất độc lập mới gọi là công nghiệp (sản xuất những mặt hàng cung ứng
phi lương thực - thực phẩm). Nền kinh tế lúc này không còn là nền kinh
tế nông nghiệp thuần túy nữa mà là nền kinh tế công - nông nghiệp (trong
tương lai, phải chăng sẽ xuất hiện một nền kinh tế giống với nền kinh
tế nông nghiệp, nhưng ở trình độ cao hơn, gọi là nền kinh tế nông - công
nghiệp, sản xuất lương thực - thực phẩm theo trình độ cơ khí - tự động
hóa công nghiệp và lấy đó làm trọng tâm của phát triển kinh tế?)
Trên
Trái Đất này, đất đai trồng trọt, chăn nuôi, cái nền tảng tạo ra lương
thực - thực phẩm từ thiên nhiên thì có giới hạn, trong khi đó, số lượng
loài người cứ tăng lên mãi. Trong xã hội phong kiến, tình hình đó cộng với lòng tham vô độ của tầng lớp thống trị đã làm
xuất hiện nổi trội mối quan hệ lao động - việc làm (để kiếm ăn) và mối
quan hệ đó ngày một mất cân đối theo hướng dư thừa lực lượng lao động.
Đó là nguyên nhân chủ yếu hình thành một tầng lớp thường trực gọi là vô
sản ngày một đông đảo: những người nông dân bị bần cùng hóa, không còn
“mảnh đất cắm dùi”, phải “cày thuê, cuốc mướn”, tha hương đi khắp nơi
tìm việc, kiếm ăn. Do nhiều nguyên nhân mà lực lượng lao động tự do đó
có thể dao động về số lượng tùy thuộc vào tình hình của từng thời kỳ cụ
thể, nhưng xu hướng của nó là tăng dần lên. Việc áp dụng khoa học kỹ
thuật trong sản xuất cũng góp phần đáng kể vào sự gia tăng ấy, đồng thời
với sự gia tăng sản lượng lương thực - thực phẩm lên mức đáng kể (chỉ
cần một bộ phận lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng đủ làm ra miếng
ăn nuôi sống toàn bộ xã hội loài người). Thế nhưng lực lượng lao động
dư thừa không thể hưởng không “miếng ăn” từ thành quả ấy. Họ vẫn đói khổ
trong khi có một bộ phận người sung túc, giàu có muốn ăn ngon mặc đẹp
hơn nữa, muốn thưởng thức đủ thứ “của ngon, vật lạ” có trên đời. Sự bất
ổn của thiên nhiên nhiều lúc càng làm cho tình cảnh thêm bi đát và phân
hóa sâu sắc: bộ phận thiểu số thì muốn duy trì, bộ phận đa số thì vì sự
sống còn của mình mà muốn phá bỏ cái xã hội đang tồn tại đi. Sự bức bối,
bất công khi đã đạt đến cao độ thì đó cũng là lúc bạo lực lên tiếng.
Hiện tượng nổi dậy đấu tranh, khởi nghĩa vũ trang của nông dân ở hầu như
khắp nơi và triền miên đã là một căn bệnh mãn tính của xã hội phong
kiến có lẽ chủ yếu là vì vậy. Chiến tranh đã ra tay giải quyết những bức
xúc xã hội nhưng không triệt để và dù có muốn cũng không thể triệt để
được…
Tàu hỏa đầu tiên
Để
giải quyết những căng thẳng, bức bối tồn tại trong xã hội phong kiến
như: nạn thiếu nghiêm trọng công ăn việc làm, nạn “kẻ ăn không hết,
người lần không ra”, nhu cầu tiêu dùng ngoài miếng ăn (hay còn gọi là
trình độ tiêu dùng) ngày một tăng lên của xã hội cũng như những đòi hỏi
có cuộc sống tiện nghi xa hoa hơn của tầng lớp có của ăn của để, giàu có
và của đám cường hào ác bá, quan quyền, bạo chúa (mà thực ra bản chất
chính là giải quyết lượng lương thực - thực phẩm “dư thừa” tích lũy, vơ
vét được của bộ phận người này!)…, đến một thời điểm chuyên môn hóa và
tập trung cao độ: công nghiệp. Quá trình hình thành ngành sản xuất công
nghiệp cũng là quá trình ra đời một hình thái kinh tế xã hội mới gọi là
Tư bản chủ nghĩa.
Sản
xuất công nghiệp đã phân định rạch ròi, giữa chủ tư bản (người bỏ vốn
đầu tư, sở hữu nhà xưởng, máy móc thiết bị, thuê người làm để hưởng lợi)
và công nhân (người làm thuê, bỏ sức lao động ra để hưởng lương, một
lượng tiền được chủ ấn định hoặc thỏa thuận). Sản xuất công nghiệp đã
tạo ra vô số công ăn việc làm cho lực lượng nông dân tự do, cho những
người vô sản. (Chúng ta quan niệm vô sản là những người đói khổ, bần
cùng do thiếu công ăn việc làm hoặc làm với đồng lương rẻ mạt vừa đủ ăn
hoặc thậm chí là không đủ ăn. Như vậy, giai cấp công nhân chỉ là một bộ
phận của tầng lớp vô sản và vô sản được hiểu tương đối như là tầng lớp
quần chúng thu nhập thấp nhất trong xã hội).
Việc sử dụng sắt và thép kết hợp phát hiện ra các nguồn năng lượng mới thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra ở Anh vào thế kỷ 18
Việc sử dụng sắt và thép kết hợp phát hiện ra các nguồn năng lượng mới thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra ở Anh vào thế kỷ 18
Xã
hội tư bản ra đời là một lẽ tự nhiên, do đòi hỏi của Đức Huyền Diệu.
Cho nên phải thừa nhận rằng xã hội ấy có tính nhân đạo cao hơn, tự do
hơn, bình đẳng hơn, dân chủ hơn so với xã hội phong kiến.
Sự
xuất hiện xã hội tư bản không thể là do từ trên trời rơi xuống mà là sự
thoát thai từ xã hội phong kiến; là sự kế thừa cái quan hệ, sản xuất
tiến bộ đã manh nha ở giai đoạn cuối của thời đại phong kiến; để rồi
phát huy đến hoàn thiện với qui mô to lớn, rộng khắp và được đặt tên là
quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Qua đó mà tính chất hàng hóa của sản
xuất cũng như của nền kinh tế thị trường đạt đến mức triệt để, hoàn
chỉnh và ngày nay đã có qui mô toàn cầu.
“Châu
Âu là một cái hang chuột”, đó là lời nói của Napôlêông. Chính sự “chật
hẹp” của nó cùng với mùa đông lạnh giá đã không dung dưỡng nổi số lượng
dân cư ngày càng tăng đã là nguyên nhân sâu xa nhất của những cuộc chiến
tranh ăn cướp dưới lớp áo giáp tôn giáo: Thập tự chinh. Hiện tượng đó
lại có thể là một trong những nguyên nhân thúc đẩy nền khoa học - kỹ
thuật châu Âu nhanh chóng vượt trội, sớm được áp dụng vào sản xuất và
trở thành bà đỡ cho xã hội tư bản chào đời để thay thế xã hội phong kiến
già nua. Đến đây, chúng ta hiểu được vì sao xã hội tư bản xuất hiện và
phát triển đầu tiên trên thế giới là ở châu Âu.
Xã hội tư bản xuất hiện và
phát triển đầu tiên trên thế giới là ở châu Âu
Theo
quan niệm của Đức Huyền Diệu thì hình thái tư bản chủ nghĩa là một tiến
bộ của xã hội loài người. Tuy nhiên nó vẫn chưa phải là một ước vọng lý
tưởng của Đức Huyền Diệu, vì trong lòng nó vẫn tồn tại những vấn nạn về
áp bức, bất công, đói khổ, tàn bạo, nhất là vào thời đoạn tích lũy tư
bản đầu tiên và tranh giành đế quốc.
Thực
ra những vấn nạn đó không phải là những đặc thù của chế độ tư bản mà có
tính phổ biến; thấy được ở mọi chế độ xã hội có nền sản xuất hàng hóa
trước đây. Hay cũng có thể nói những vấn nạn đó, dù có thể ở những mức
độ khác nhau tùy từng chế độ, tùy từng thời kỳ, thì đều là đặc thù của
một xã hội có nền sản xuất hàng hóa. Khi tính hàng hóa giảm đi và đồng
thời não trạng con người bớt thèm khát danh lợi hơn, tình yêu thương
đồng loại dồi dào hơn thì những vấn nạn đó sẽ giảm đi. Nhưng bằng cách
nào khi dân số cứ ngày một tăng trong khi tài nguyên thiên nhiên ngày
một cạn kiệt và môi trường sinh thái ngày càng bị tàn phá đến trơ trọi?
Khi loài người đã biết sản xuất ra tràn ngập và phong phú những sản phẩm
tiêu dùng (kể cả lương thực - thực phẩm, không khí và nước sinh hoạt)
đến mức “cầu gì được nấy” từ nguồn nguyên, nhiên liệu vô tận ở đâu đó
ngoài vũ trụ và rác thải được “quăng” trả lại vũ trụ bao la thì những
vấn nạn kể trên có mất đi không?!
Lịch
sử đã ghi nhận sự quá ư tàn bạo của chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ đầu
tích lũy tư bản và tranh đoạt thị trường bằng vũ lực của nó. Không thể
chối cãi nổi rằng quá trình tích lũy tư bản ban đầu đã được thực hiện
bằng nhiều biện pháp tăng cường như chiếm đoạt ruộng đất, tăng thuế, ban
hành quốc trái… trong đó có hai biện pháp mà Mác cho là trắng trợn và
tàn bạo nhất: phong trào rào đất ở Anh và việc cướp bóc thuộc địa. Lúc
bấy giờ, do sự phát triển nhanh chóng của nghề len dạ ở nước Anh, nhu
cầu về lông cừu ngày càng nhiều và giá lông cừu cũng tăng vọt. Vì vậy,
“biến đồng ruộng thành bãi chăn cừu đã trở thành khẩu hiệu của các chúa
phong kiến” (trong bộ “Tư bản” của C. Mác), và: “Việc tìm thấy những
vùng có mỏ vàng và mỏ bạc ở châu Mỹ, việc tuyệt diệt người bản xứ, bắt
họ làm nô lệ và chôn vùi họ trong các hầm mỏ, việc bắt đầu đi chinh phục
và cướp bóc miền Đông Ấn, việc biến châu Phi thành khu cấm để săn bắt,
buôn bán người da đen - đó là buổi bình minh của thời đại sản xuất tư
bản chủ nghĩa” (cũng trong “Tư bản”). Cũng theo Mác thì: “Những kho tàng
trực tiếp chiếm đoạt được ở ngoài châu Âu bằng cướp bóc nô dịch người
địa phương, giết người cướp của, được dồn về chính quốc và trở thành tư
bản ở đó”, và như vậy, quá trình tích lũy ban đầu, dù dưới hình thức nào
cũng “được thực hiện với một sự phá phách tàn nhẫn nhất và dưới sự thúc
đẩy của những dục vọng thấp hèn nhất, bẩn thỉu nhất, nhỏ nhen nhất và
đáng ghét nhất”. Do đó, “nếu tiền, theo lời của Ôgiê: “ra đời với một
vết máu ở bên má” thì tư bản mới ra đời lại có máu và bùn nhơ rỉ ra ở
tất cả các lỗ chân lông, từ đầu đến chân”.
Đặc
trưng của kinh tế tư bản là sản xuất công nghiệp qui mô lớn. Muốn vậy
phải có quá trình tích lũy và hội tụ tư bản (đồng vốn lớn) mới đủ khả
năng đáp ứng. Nhưng phải chăng sự tích lũy tư bản chỉ có thể là ăn cướp,
giết chóc? Có lẽ không, vì đó không phải là điều kiện tiên quyết của
tích lũy tư bản nói chung; có lẽ có, vì chủ nghĩa tư bản thoát thai từ
xã hội phong kiến nên nó vẫn còn mang nặng trong tâm trí tàn dư của tính
chuyên quyền bạo ngược và độc ác, bên cạnh lòng thèm muốn danh lợi đến
vô độ, đến mù quáng vốn đã như một bản tính con người được hun đúc nên
bởi sự ghê sợ đói khát từ muôn đời truyền kiếp. Chính vì vậy mà vào buổi
giao thời cũng như trong giai đoạn phát triển lan tỏa của chủ nghĩa tư
bản ra khắp thế giới, tích lũy tư bản đáng lẽ đã có thể được tiến hành
bằng những biện pháp ôn hòa hơn, hòa bình hơn (như áp dụng khoa học kỹ
thuật để nâng cao trình độ sản xuất, tích lũy thặng dư hợp lý, hợp tác
làm ăn, giúp đỡ nhân dân các nước tạm gọi là “thuộc địa” đánh đổ chế độ
phong kiến hà khắc, rồi trao quyền tự quyết cho họ, rồi liên kết làm ăn
một cách bình đẳng thông qua những hiệp ước - nghĩa là đi khai hóa thực
sự), thì trái lại nó đã làm cho thế giới xám xịt khói, nổi trôi lên
những quái tượng bạo tàn, nô dịch, cùng khổ, những núi xương, sông máu
của triệu triệu oan hồn trải dài suốt hàng thế kỷ.
Bản
thân quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng như chế độ tư hữu không
xấu, sự thi đua hay cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh tế là
chính đáng. Lao động thặng dư là mục tiêu tất yếu của nền sản xuất hàng
hóa vì nó cũng chính là động lực cho nền sản xuất ấy tồn tại. Vươn lên
giàu có, sung túc, thịnh vượng chính là hành động phù hợp Đức Huyền Diệu
(nhưng vươn lên bằng bất cứ giá nào, kể cả bằng những biện pháp bóc
lột, ăn cướp độc ác nhất, đê tiện nhất thì lại là có tội, thậm chí là
trọng tội theo quan niệm của Đức Huyền Diệu). Dư luận của Đại Chúng mọi
thời đại bao giờ cũng ngợi ca chứ chưa từng chê trách sự giàu có, miễn
sự giàu có đó có nguồn gốc từ sức lực, tài năng và trí tuệ của bản thân
chủ sở hữu.
Nói
cho công bằng, chủ nghĩa tư bản đã tháo gông xiềng cho nền kinh tế -
xã hội phát triển lên cao độ bằng chiếc chìa khóa gọi là “cạnh tranh tự
do”. Mặt phải của cạnh tranh tự do là tiến bộ, giải quyết những vấn
nạn, bức bối, căng thẳng của quan hệ cung - cầu trong xã hội… Nhưng mặt
trái của cạnh tranh tự do, vì những nguyên nhân “nhân tạo” như đã nêu ở
trên (bạo ngược, độc ác, tham lam), là sự mù quáng, thiếu kìm chế,
điều tiết và định hướng trong sản xuất cũng như kích thích tiêu dùng
một cách thái quá gây lãng phí; và tính hiếu chiến của nó. Điều lạ lùng ở
đây là bản thân cạnh tranh tự do là bình đẳng, nhưng trong thực tiễn,
do có sự lũng đoạn của tâm trí con người mà sự bình đẳng ấy luôn bị xâm
phạm, và trong nhiều trường hợp không hẳn là tốt. Rất có thể mức sống
xã hội ảnh hưởng tới văn hóa xã hội. Ví dụ như người ở vùng có mức sống
"dễ thở" hơn thường có lối sống "khoáng đạt" hơn người sống ở vùng khó
khăn hơn...Hiện nay, nếu có người nói người Châu Âu sống nhân văn hơn
người Châu Á thì có thể là vì hiện tượng ấy!
Có
thể nói cạnh tranh tự do đã làm nên nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ
nghĩa và trở thành linh hồn của cái cơ thể ấy. Không có nó, hình thái
kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa không thể tồn tại được. Khi nói cạnh
tranh tự do thiếu tính điều tiết thì cũng có nghĩa là vẫn có sự điều
tiết, nhưng sự điều tiết ở đây là tự điều tiết, điều tiết một cách tự
phát theo tác động của qui luật cung cầu (trong đó có qui luật tỷ suất
bình quân lợi nhuận) vì lòng tham cũng như vì quyền lợi sát sườn, có
tính sống còn của các nhà tư bản và của cả đại chúng cần lao. Chính sự
mù quáng của cạnh tranh tự do đã là một trong số những nguyên nhân cơ
bản làm cho thời kỳ đầu của xã hội tư bản trở nên đẫm máu và nước mắt;
làm cho chủ nghĩa tư bản với những “kinh nghiệm” có được từ việc tích
lũy tư bản bằng bạo lực, áp bức nhân dân “chính quốc”, đi gây chết chóc
tang thương để chiếm đoạt, nô dịch khắp thế giới. Và chạy đua vũ trang
cấu xé lẫn nhau giữa các cường quốc tư bản, gây ra hai cuộc chiến tranh
thế giới khủng khiếp. Cũng chính sự mù quáng của cạnh tranh tự do đã là
nguyên nhân chính yếu gây ra những vấn nạn vừa có tính chung của nến sản
xuất hàng hóa, vừa có tính đặc thù, riêng có của nến kinh tế hàng hóa -
thị trường tư bản. Một trong những biểu hiện đặc thù đó, là sự xuất
hiện tình trạng “khủng hoảng thừa” trong đời sống kinh tế xã hội có tính
chu kỳ và như một căn bệnh mãn tính…
Trong vòng 4 thế kỉ (thế kỉ XV – thế kỉ XIX có khoảng 60 triệu người da đen châu Phi bị đưa sang bán làm nô lệ ở châu Mỹ.

Trong vòng 4 thế kỉ (thế kỉ XV – thế kỉ XIX có khoảng 60 triệu người da đen châu Phi bị đưa sang bán làm nô lệ ở châu Mỹ.
Nghe
đến “thừa” chúng ta thường nghĩ đến sự dư dả, sung túc, nhưng khủng
hoảng thừa lại là tai họa. Tại sao sự dư thừa hàng hóa lại tàn phá nền
kinh tế tư bản chủ nghĩa, gây nên thất nghiệp và làm cho đời sống nhân
dân khốn đốn, nghèo khổ đi? Nói ngắn gọn, mục đích của sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa là lợi nhuận. Hàng hóa làm ra mà không ai mua (vì xã hội không đủ sức) thì thật tệ hại, buộc phải đình đốn sản xuất. Từ đó làm tăng thất nghiệp, tăng mức độ đói khổ xã hội. Nếu một ngày đẹp trời trong tương lai, đột
nhiên “đại ngộ”, chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện khủng hoảng này, không thì thôi. Còn
bây giờ, chúng ta hãy quay lại với câu chuyện “thời cuộc”!
(Còn tiếp)
Nhận xét
Đăng nhận xét