Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

TIẾU LÂM KIM CỔ 33

YÊU nhầm GHÉT

Yêu đi tìm yêu, gặp ghét ngồi nhăn nhó
Quằn quại sân si, ai oán tơi bời!
Yêu thẫn thờ, chẳng đành yêu cả,
Thương tình yêu ghét mà thôi!

Ghét ơi ghét, ghét thương yêu không ghét?
Yêu thương rồi là thương ghét một đời!
Ghét ơi ghét, vui hay buồn cự tuyêt
Mà sao chẳng thốt một lời?

Yêu yêu ghét thế, ghét ghét yêu đành đoạn.
Người ơi người, buồn nản quá người ơi!...

Ôi thôi!
Nghe ghét bật cười ha hả,
Khoái trá,
Biết rồi!
Yêu mù lòa, nhầm ghét...CÁ THÁNG TƯ!

Trần Hạnh Thu

--------------------------

(ĐC sưu tầm trên NET)


Phiếm đàm: Tinh thần ngày Cá tháng Tư

Thứ Hai, ngày 31/03/2014 09:00 AM (GMT+7)
Sự kiện: Cá tháng tư
Đã có nạn nhân của ngày Cá tháng Tư, một cô gái nhảy xuống sông Thị Nghè tự tử. (Tin Cá tháng 4)
Đón xem những VIDEO HÀI đau bụng nhất, TRANH VUI hài hước, TIN VỊT, TRUYỆN CƯỜI , THƠ VUI khó đỡ nhất tại CƯỜI 24h.
Ngày 1-4 được gọi là ngày Cá tháng Tư, hay còn gọi là “Ngày nói dối”, là ngày mà người ta sẵn sàng nói dối nhau mọi lúc mọi nơi với đủ các thể loại.
Nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư được cho là có xuất xứ từ Pháp, từ hồi năm 1564. Khi đó Nhà Vua nổi hứng đổi lịch ăn tết mới, chọn ngày 1-1, thay vì ngày 1-4  như trước kia.  Việc đổi lịch đột ngột nhiều người không biết nên họ cứ ăn tết vào ngày 1-4 theo lịch cũ, để rồi bị những người khác chọc quê. Thế là nhân chuyện đó, cứ dịp 1-4 hàng năm người dân Pháp lại kiếm chuyện để trêu chọc nhau, ai cũng cố phịa ra chuyện gì đó khiến người khác chả biết thật hay đùa. Lừa được người khác “dính bẫy” sẽ trở thành niềm vui của mỗi người trong ngày này.
Pháp là nước giầu có, mà thông thường những việc làm của người giầu thì thường được kẻ khác bắt chước, chả cần biết tốt hay xấu. Ngày Cá tháng Tư của người Pháp cũng vậy, nhanh chóng lan ra hết nước này qua nước khác, cứ như dịch cúm gà, dần dà lan đến VN lúc nào không hay.
Trước kia, thông tin chưa phát triển, ở xứ ta ít người biết đến 1-4. Khoảng chục năm trở lại đây, dân ta mới chính thức tiếp nhận ngày Cá tháng Tư, ấy là nói trên phương diện nó đã thực sự đi vào đời sống. Còn ngày nay, ai mà không biết ngày này thì tất yếu sẽ bị chọc quê như những người Pháp không biết việc đổi lịch ăn tết cách đây 5 thế kỷ.
Tất nhiên, cứ đến ngày 1-4, những người chưa biết hoặc sắp biết, kể cả người mới biết ngày Cá thángTư thì kiểu gì cũng bị quả lừa đau, nhẹ thì tức tối một lúc, nặng thì có khi hoảng loạn chạy đi đâu đó để rồi bị tốn công sức tiền bạc, có khi còn bị nổi khùng lên gây hậu quả nghiệm trọng.
Có chuyện rất đau lòng như thế này: Cô gái nọ tự dưng nhân được tin nhắn từ số máy lạ, nói rằng cô đang bị người yêu lừa dối, anh ta đã có người khác và hôm nay họ sẽ đi đăng ký kết hôn gấp để làm thủ tục định cư nước ngoài, nếu cô không tin thì cứ âm thầm theo dõi.  (Thực ra tin nhắn nặc danh này là của cô em gái anh người yêu, mục đích lừa chị dâu tương lai ngày 1-4. Sở dĩ cô em bịa ra nội dung chuyện này vì biết thừa hôm nay anh trai sẽ chở cô em họ ra phường làm thủ tục tạm trú). Vốn chưa quen ngày Cá tháng Tư, cô gái tưởng thật liền đi theo dõi và quả nhiên thấy người yêu chở một cô gái ra phường. Trực quan quá sinh động, cô gái không thể không tin. Cô đau khổ tột cùng, quyết ra sông Thị Nghè tự tử. Trước khi nhảy xuống sông, cô có nhắn tin cho người yêu lần cuối. Người yêu nhận được tin nhắn của cô, nhưng khổ nỗi anh ta vốn đã cảnh giác ngày 1-4 từ sáng sớm, cho rằng người yêu “câu cá” nên cóc thèm ra cứu. Kết quả là cô gái nhảy xuống sông thật, nhưng rất may, nước sông đặc quánh lại đầy rác, cô không chìm được, không chết nhưng người cô cứ thum thủm suốt mấy ngày.
Câu chuyện đau lòng trên chỉ là bịa nhân ngày 1-4, nhưng nó đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về những hậu quả nặng nề có thể xảy ra nếu tình trạng nói dối bị lạm dụng. Từ đó làm nảy sinh cuộc tranh cãi tóe loe giữa hai phe: phe cánh tả thì phản đối ngày 1-4, phe cực hữu thì ủng hộ.
Những người ủng hộ ngày Cá tháng Tư thì cho rằng trong cuộc sống ai cũng từng nói dối, nói dối là một nhu cầu có thật. Vậy nên cần có một ngày để mọi người nói dối thỏa thích, để những ngày khác người ta bớt nói dối đi. Mặt tích cực khác, là khi nói dối tập trung vào một ngày thì mọi người sẽ biết để dễ xử lý hơn, chứ nếu để nói dối lung tung, thật giả lẫn lộn, không biết đâu mà lần, rất nguy hiểm.
Người phản đối thì họ lại không nghĩ như vậy. Họ cho rằng ngay cả khi được nói dối thoải mái trong ngày 1-4 thì những ngày khác người ta vẫn nói dối như thường, chả thấy bớt đi được tí tẹo nào, có khi lại quen mồm nói dối nhiều hơn. Trong khi đó, thiệt hại trước mắt của ngày 1-4  do mọi người nói dối đồng loạt gây nên là rất đáng kể và quá rõ ràng. Một vài người đưa dẫn chứng cụ thể như sau:
Một ông chủ quán nhậu cho rằng trong năm không có ngày nào  mà quán nhậu ế ẩm như ngày 1-4, kể cả là so với ngày mưa bão hoặc triều cường lên đỉnh. Ông này cho biết, cứ 10 ông được bạn gọi rủ đi nhậu trong ngày 1-4 thì có đến 11 ông nghĩ rằng bạn đang “câu cá” mình, kết quả là chả ông nào đi. Vì vậy ông ta đề nghị khẩn trương dẹp ngay ngày Cá Tháng Tư.
Hoặc:
Một ông bác sỹ nhiều năm kinh nghiệm thì tỏ ra rất bức xúc vì trong ngày Cá tháng Tư những ca cấp cứu khi đến viện đều nặng hơn những ngày bình thường. Lý giải cho hiện tượng này, vị bác sỹ cho rằng rất nhiều người khi nhận được tin báo người thân bị bệnh hay tai nạn, thì lại nghĩ rằng mình đang bị lừa “cá tháng tư’, nên chả quan tâm, đến khi phát hiện sự thật thì đã muộn.
Trong khi 2 phe vẫn đang hăng say cãi nhau nảy lửa thì phe dung hòa cho rằng cuộc sống tươi đẹp thì không thể thiếu những lời nói dối đáng yêu. Ngày 1-4 rất cần để chúng ta đùa nhau những trò vui vẻ và vô hại. Tuy nhiên, ngày 1-4 sẽ trở thành không cần thiết, thậm chí đáng lên án nếu chúng ta đùa quá trớn, không ý thức được những khả năng có thể gây hại cho nhau. Tuy có hơi “ba phải”, nhưng ý kiến của phe dung hòa không phải không có lý.
Cuộc đời dù muốn hay không thì vẫn còn đó những lời nói dối vô hại và cả những trò ác ý, dối trá, lọc lừa. Chúng ta hãy cứ đùa thật vui khi 1-4 về, nhưng đừng quá trớn, đừng vô tâm và cũng đừng chấp vặt. Hãy "nói dối” để rồi thật thà hơn, hãy chọc ghẹo để yêu thương hơn, hãy bao dung nhưng đừng quên “cảnh giác”... đó mới chính là tinh thần của ngày Cá tháng Tư.
HienMQ


Những câu chuyện cười ra nước mắt trong ngày nói dối 1/4


(ĐSPL) - Lời thú nhận “giới tính thật”, lời tỏ tình hay một tuyên bố hùng hồn về “chuyện trăm năm”… đều trở thành những chủ đề hot ngày nói dối 1/4 và gây ra không ít tình huống “dở khóc dở cười”.
Ngày Cá tháng Tư có lẽ là ngày duy nhất trong năm cho phép chúng ta được tự do… nói dối. Chính vì thế, không ít bạn trẻ đã cho đây là cơ hội để thể hiện tài năng “chém gió” và “ lừa phỉnh”. Tuy nhiên, cũng không ít những câu chuyện “hay ho” đã trở thành niềm vui và cả nỗi ám ảnh đối với những người trong cuộc.
Những câu chuyện cười ra nước mắt trong ngày nói dối 1/4 - Ảnh 1
Ngày Cá đùa về giới tính thật
“Tôi là gay” có lẽ là câu nói dối kinh điển nhất từ trước đến nay. Dạo qua các diễn đàn, không ít người tung ra chiêu đùa quái gở. Nhưng có lẽ cũng vì quá phổ biến mà người ta biết thừa bạn đang cho họ ăn “cá”.
Tuy là thế, hãy thật cẩn trọng với câu nói đùa “nguy hiểm” như thế này, câu chuyện “dở khóc dở cười” đang lan truyền trên mạng xã hội những ngày gần đây là một ví dụ: "Nhân ngày Cá tháng Tư, anh chàng nọ gửi một tin nhắn cực kỳ phũ phàng cho người yêu với nội dung: mình thuộc giới tính thứ 3. Cô bạn vì biết tỏng hôm nay là ngày nói dối, nên mò tới nhà bạn trai định cho anh chàng một trận. Gần tới cổng thì thấy anh người yêu đang ngồi sau xe một anh chàng khác… 2 người vào nhà nghỉ. Cô sốc, không ngờ những gì trong tin nhắn lại là sự thật. Ngày hôm sau, dù cho anh chàng có giải thích gãy lưỡi đó chỉ là sự trùng hợp, chàng đi nhà nghỉ để đánh ghen hộ bạn thì người yêu cũng không tin nữa."
Vấn đề giới tính luân luôn là chủ đề “nhạy cảm”, chính vì thế, hãy cân nhắc thật kĩ trước khi đem nó ra làm “món” trong ngày cá để tránh những chuyện đáng tiếc xảy ra…
Bị "tỏ tình" vào ngày Cá tháng Tư
Không ít cô nàng (anh chàng) bị ăn dưa bở vì những trò đùa tinh quái. N-sinh viên năm nhất Học viện Báo chí Tuyên truyền tâm sự. Vì ít người để ý đến ngày tháng, lại không hay lướt Facebook, nên cô bạn cực kì bất ngờ khi nhận được lời tỏ tình của cậu bạn thân cùng lớp. Dùng hết lí lẽ để thanh minh rằng trước giờ chỉ coi cậu ta là bạn. Cuối cùng, cô đỏ mặt khi được biết hôm nay là Ngày Cá tháng Tư. Về sau, hễ gặp cậu bạn kia là cô lại muốn “chạy càng xa càng tốt”.
Trong khi đó, rất nhiều bạn trẻ không ngần ngại chia sẻ, đây là cơ hội để bày tỏ tình cảm của mình. Bạn Hương (Học viện Báo chí- tuyên truyền) chia sẻ: “Vì là ngày cá, nên nếu có bị từ chối thì cũng lấy ra làm lí do cho khỏi ngượng”, Bạn có cảm thấy tự tin hơn khi “tỏ tình”vào ngày cá không?
Nhưng cũng có những chuyện tình đẹp…      
Đối với vợ chồng chị Bình, một thành viên của diễn đàn Webtretho thì ngày nói dối cũng vô cùng ý nghĩa.
"Cách đây 7 năm, vào đúng ngày Cá tháng Tư, tớ bị lừa một cú quá lớn, mất luôn 'đời con gái' và kéo theo cả họ nhà tớ, bạn bè tớ cũng bị lừa. À mà cả họ nhà ông xã tớ, bạn bè của ổng cũng bị lừa luôn. Nhưng đây là lừa có lợi, tất cả được đi ăn nhà hàng!", chị Bình dí dỏm kể.
Vốn là những người rất hài hước, chị và người yêu cố tình chọn ngày 1/4 để tổ chức đám cưới. Chị cho biết, năm ấy, khi đi mời cưới, nhiều người còn tưởng chị đùa khi biết ngày tổ chức hôn lễ. Một anh chàng - vốn theo đuổi chị khá lâu nhưng bị từ chối - còn giận dỗi: "Việc gì em phải in cả thiếp cưới thế này để lừa anh".
Mỗi cặp yêu nhau có những ngày đặc biệt của riêng mình. Đó có thể là ngày gặp nhau, ngày họ tỏ tình hay trao nhau nụ hôn đầu tiên, ngày cưới, ngày sinh nhật hay kể cả Ngày Cá tháng Tư... Với nhiều đôi, ngày nói dối có thể trở thành ngày thể hiện tình cảm chân thật nhất.
Những câu chuyện cười ra nước mắt trong ngày nói dối 1/4 - Ảnh 2
Hãy để cho ngày Cá tháng Tư của bạn thực sự trở thành ngày tuyệt vời và thoải mái nhất bằng những trò đùa ”tưởng như thật” nhé. Nhưng nên nhớ đừng vượt quá giới hạn nếu không muốn phải rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”.
PHẠM TRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét