Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

NGUYÊN NHÂN TẤT YẾU, KẾT CUỘC TẤT YẾU 3

(ĐC sưu tầm trên NET)

Chiến thắng Núi Thành

nuithanh

Núi Thành –Trận đầu đánh Mỹ
QĐND - Chủ nhật, 10/05/2009 | 20:35 GMT+7

 
QĐND Online - Đến đầu năm 1965, cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam nước ta leo thang lên một bước mới, chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ", xuất con chủ bài quân viễn chinh xâm lược Mỹ, từng bước phản công hòng giành lại quyền chủ động, giành thắng lợi quyết định về chiến lược. Lúc này, vấn đề nóng bỏng và bức thiết nhất được đặt ra là: quân và dân ta liệu có khả năng đánh được quân viễn chinh Mỹ không? Đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng cách nào?
Trên chiến trường Quảng Nam, sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, Tỉnh uỷ, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam nhận được thông báo của Bộ Tư lệnh Quân khu V về tình hình chiến sự và dự kiến cửa biển An Hoà là một trong những địa điểm Mỹ có thể đổ quân. Quân khu chỉ thị cho Tỉnh phải chuẩn bị tư tưởng cho các lực lượng vũ trang với tinh thần sẵn sàng cao nhất để đánh Mỹ. Ngày 7 tháng 5 năm 1965, Bộ Tư lệnh Quân khu V giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam, phải nhanh chóng phát động chuyển tư tưởng bộ đội, du kích từ đánh nguỵ sang đánh cả nguỵ lẫn Mỹ. Tổ chức lực lượng hình thành vành đai bao vây, tiêu hao, tiêu diệt quân Mỹ ở khu vực Kỳ Liên, Kỳ Hà; hạn chế không cho chúng phát triển nhanh ra vùng giải phóng. Trước mắt quyết diệt gọn cho được một đại đội lính Mỹ. Mục tiêu đánh, đơn vị thực hành trận đánh do Tỉnh lựa chọn, quyết định.
Quán triệt nhiệm vụ trên giao, Tỉnh đội Quảng Nam đã chọn đại đội lính thuỷ đánh bộ Mỹ chốt giữ núi Thành làm mục tiêu tiến công.
Núi Thành thực chất là một quả đồi dài 1.250 m, rộng 60 m, có hai mỏm chính: mỏm đông cao 50 m, mỏm tây cao 49 m. Hai mỏm đông, tây cách nhau 500m bởi một "yên ngựa". Núi Thành có độ dốc thoai thoải, đất đá, cây cối lúp xúp ngang ngực, xen kẽ nhiều loại dây leo chằng chịt. Sáng ngày 17 tháng 5 năm 1965, quân Mỹ càn quét lên vùng giải phóng của ta ở phía tây xã Kỳ Liên và chiếm giữ núi Thành. Đây là vị trí có tầm quan sát xa, khống chế rộng 3 xã Kỳ Sanh, Kỳ Liên, Kỳ Khương và một số điểm chốt khác trong dãy núi răng cưa làm thành hệ thống chốt tiền tiêu bảo vệ cho sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, kiểm soát quốc lộ Số 1, đoạn từ An Tân đến dốc Sỏi. Đại đội lính thuỷ đánh bộ Mỹ chốt giữ núi Thành có 140 tên, chia làm 3 cụm chốt. Cụm chốt điểm cao 50 có ban chỉ huy đại đội và hai trung đội (thiếu 1 tiểu đội), có trận địa súng ĐKZ 75mm, trận địa súng cối 81mm. Cụm chốt điểm cao 49 có một trung đội, một trận địa súng ĐKZ 75 mm. Cụm chốt ở mỏm phụ ở phía bắc đồi 50 có một tiểu đội. Trang bị chủ yếu của quân Mỹ ở đây là súng đại liên M60, phóng lựu 79, súng Gơ - răng M2 và lựu đạn M26. Trận địa chốt của chúng được bố trí theo kiểu hình vòng bậc thang từ thấp lên cao; các cứ điểm, trận địa bên trong có thể chi viện các trận địa vòng ngoài bằng cả lực lượng và hoả lực. Chiến hào của chúng sâu đến thắt lưng, xen kẽ có các công sự. Ban ngày, chúng căng bạt che nắng, ban đêm dỡ ra. Giữa các công sự dọc chiến hào là các hố cá nhân. Cách chiến hào ngoài cùng khoảng 5m, chúng rải một lớp rào kẽm gai bùng nhùng xen kẽ trong những bụi gai tạo nên vật cản khiến quân ta khó tiếp cận. Đóng quân trên núi Thành, quân Mỹ không lùng sục, tuần tra rộng mà chỉ trong phạm vi phía trong rào kẽm gai. Ban ngày, chúng dùng ống nhòm để quan sát, nếu phát hiện được mục tiêu hoặc nghi ngờ thì gọi máy bay, pháo binh bắn phá, hoặc dùng súng ĐKZ, súng cối bắn vào mục tiêu. Ban đêm, chúng ở yên trong các công sự, canh gác tại chỗ, tránh phát ra tiếng động, không bắn pháo sáng nhằm đề phòng trinh sát của ta xác định thế phòng ngự và chi tiết phòng ngự. Mọi sinh hoạt từ cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống đến vũ khí, trang bị..., chúng đều dựa vào máy bay trực thăng.
Qua quá trình theo dõi, trinh sát nắm chắc các quy luật hoạt động của quân Mỹ, ta rút ra kết luận: quân Mỹ tuy đông, hoả lực mạnh, chốt giữ trên điểm cao có rào kẽm gai, công sự bố trí nhiều tầng để hỗ trợ nhau, có pháo binh, không quân sẵn sàng chi viện... nhưng điểm yếu vẫn là cơ bản. Đấy là, lính thuỷ đánh bộ Mỹ mới đến chiến trường Việt Nam, còn nhiều bỡ ngỡ. Chúng được huấn luyện tốt về đổ bộ đánh chiếm đầu cầu trong chiến tranh hiện đại, nay bị đẩy lên chốt giữ điểm cao là trái sở trường, lại phải đối phó với chiến tranh nhân dân rộng khắp của ta nên bị động. Công sự, vật cản dã chiến của chúng đã đơn giản lại nằm sâu trong vùng đất giải phóng của ta nên dễ bị cô lập, chia cắt. Nếu ban dêm, ta dùng lực lượng tinh nhuệ, có trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, bất ngờ tiến công, đánh gần, đánh nhanh thì có thể hạn chế đựơc sức mạnh hoả lực của địch, kể cả pháo binh và không quân, nhất là chúng không thể dùng xe tăng, bộ binh ứng cứu trong đêm tối. Từ phân tích, đánh giá về địch và căn cứ vào khả năng, trình độ tác chiến tập trung của các đơn vị, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam quyết định sử dụng Đại đội 2, tiểu đoàn 70, có tăng cường Phân đội đặc công V.16, làm lực lượng chủ công trong trận đánh Mỹ ở núi Thành. Phương án tác chiến là sử dụng chiến thuật đặc công hoá, bộ đội bí mật tiềm nhập, khắc phục vật cản, áp sát mục tiêu, hình thành thế bao vây, bất ngờ đồng loạt nổ súng; đánh gần bằng lựu đạn, thủ pháo, tiểu liên, kiên quyết thọc sâu vào tung thâm, phát triển chia cắt từng cụm quân địch, từng đoạn chiến hào để tiêu diệt, không cho địch co cụm chống trả.
Sau một thời gian ngắn gấp rút huấn luyện bổ sung và làm công tác chuẩn bị, sáng 25 tháng 5 năm 1965, tại thôn 2, xã Kỳ Thanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Đại đội 2 và Phân đội đặc công V.16 làm lễ xuất quân đánh Mỹ. dồng chí Hoàng Minh Thắng, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam tham dự lễ giao nhiệm vụ đánh Mỹ cho đơn vị và trao lá cờ Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của Đảng bộ Tỉnh cho Đại đội trưởng Võ Thành Nam, để cắm lên núi Thành vào giờ phút chiến thắng.
Đúng 0 giờ 30 ngày 26-5-1965, Đại đội 2 và Phân đội đặc công V16 đã nổ súng tiến công quân Mỹ ở núi Thành. Trận đánh diễn ra trong vòng 30 phút. Với cách đánh thích hợp, tiến công bất ngờ và tinh thần chiến đấu ngoan cường, cán bộ, chiến sĩ ta đã lập nên chiến công vang dội: tiêu diệt gọn Đại đội 2, thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ Mỹ, thu 14 súng, phá huỷ 2 súng ĐKZ 75mm, 1súng cối 81mm, 3 máy thông tin vô tuyến và nhiều trang thiết bị chiến tranh khác. Đây là đòn phủ đầu choáng váng không những đối với Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ Mỹ đóng ở căn cứ Chu Lai, mà còn là nỗi sợ hãi chung của sĩ quan, binh sĩ Mỹ mới chân ướt, chân ráo nhảy vào tham chiến trên chiến trường miền Nam.
HÀ THÀNH 

Gặp người dũng sĩ Núi Thành năm xưa
QĐND - Thứ Hai, 17/05/2010, 21:29 (GMT+7)
Quảng Nam-Đà Nẵng “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, danh hiệu này gắn liền trận đánh Núi Thành lịch sử ngày 26-5-1965. Trận đánh mang ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn đó đã khẳng định quyết tâm không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta. 45 năm sau chiến thắng Núi Thành, chúng tôi tìm gặp Trung tá Trần Ngọc Ảnh, nguyên chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 70, hiện đã về nghỉ hưu ở lô 59 đường Dương Đình Nghệ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Ông Trần Ngọc Ảnh (bên phải) cùng đồng đội xem lại sơ đồ trận đánh Núi Thành
Ông Trần Ngọc Ảnh kể: “Lúc đánh Núi Thành, tôi mới 18 tuổi. Khi một đại đội Mỹ đầu tiên đổ quân vào Núi Thành, làm chốt điểm tiền tiêu bảo vệ mặt tây căn cứ Chu Lai, quyết tâm của quân khu và của tỉnh là phải đánh chúng ngay từ khi mới đặt chân đến. Tôi được cử đi trinh sát 3 đêm liền cùng với anh Bá và anh Thơ, do Đại đội trưởng Võ Thành Năm trực tiếp chỉ huy. Địch chủ yếu ở công sự, đào nông ven các mỏm đồi, riêng ban chỉ huy địch đóng ở mỏm đồi 50 có cả điện đài. Đại đội chọn cách đánh mật tập, bí mật áp sát mục tiêu, hình thành thế bao vây, bất ngờ đồng loạt nổ súng. Một bộ phận nhỏ bọc lót diệt quân địch tháo chạy.
Tôi còn nhớ, hôm làm lễ xuất quân ngày 24-5 tại thôn 4, xã Kỳ Thạnh, không khí thiêng liêng lắm. Đồng chí Kim Anh, Tỉnh đội trưởng, Hoàng Minh Thắng, Thường vụ Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Tỉnh đội giao nhiệm vụ cuối cùng và trao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam cho Đại đội 2 cắm trên đỉnh Núi Thành. Đại đội trưởng Võ Thành Năm (sau này là Anh hùng LLVT nhân dân, đã mất) thay mặt đơn vị lãnh trách nhiệm lịch sử vinh quang, hứa quyết tâm với cấp trên sẽ chiến thắng.
Chiều ngày 25-5, chúng tôi hành quân về vị trí tập kết ở tây nam suối Xương. Trời đổ mưa dông, mặc dù anh em bị ướt, nhưng ai nấy đều thấy thuận lợi vì ít phát ra tiếng động, địch ít để ý. 23 giờ, các hướng đều có mặt tại vị trí triển khai chiến đấu cách địch 200m, chờ lệnh nổ súng từ phía cầu An Tân. Tôi và Trần Bá, Đoàn Hiểu tự nguyện tham gia vào mũi chủ yếu, đánh “nở hoa trong lòng địch”, thủ pháo, lựu đạn đầy lưng, khẩu K50 cải tiến chéo sau lưng, lúc này cũng đang nhấp nhổm đợi lệnh. 15 phút trôi qua vẫn im ắng, Đại đội trưởng Năm xác định mũi cầu An Tân gặp khó khăn và quyết định nổ súng. Đó là 0 giờ 30 phút ngày 26-5-1965. Tôi ném quả thủ pháo đầu tiên nặng cỡ một cân vào công sự phát hỏa trận đánh. Địch đang ngủ say nên hoàn toàn bất ngờ. Với mục tiêu là chiếm nhanh nhất sở chỉ huy, nên tôi băng ào lên phía trước, vừa đi vừa đánh dọn đường. Bỗng tôi nghe một tiếng động mạnh phía sau. Quay lại thì thấy một tên Mỹ cao to đang vật lộn với Đại đội trưởng Võ Thành Năm để giành khẩu súng ngắn trên tay anh. Ném lựu đạn hay bắn đều rất nguy hiểm cho đồng đội. Tôi khựng lại trong tích tắc, rồi cũng rất nhanh, dùng quả lựu đạn nện vào đầu tên Mỹ, nó choáng váng, ngã lăn ra. Anh Năm ngay lập tức kết liễu đời nó. Đến công sự thứ 5 thì tôi bị thương, một viên đạn phía sở chỉ huy bắn xuống xuyên vùng xương chậu, máu ra rất nhiều. Tôi nói với Hiểu: "Mi lui ra đi, tau còn lựu đạn đây”, tôi ném quả lựu đạn cuối cùng lên sở chỉ huy, tạo điều kiện cho Bá và Hiểu chiếm vị trí này.
Khi quay lại, chỉ còn mình Hiểu dìu tôi xuống đồi, Bá đã hy sinh. Chúng tôi vượt đồi với rất nhiều bụi gai mắt mèo, quần áo bị cào rách bươm. Qua đồng đội, tôi biết trận đánh đã kết thúc trong vòng 25 phút. Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 với cách đánh táo bạo đã anh dũng tiêu diệt phần lớn đại đội Mỹ ở Núi Thành, làm chết và bị thương 139 tên, phía ta hy sinh 6 đồng chí và bị thương 20 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tấn Thạnh (hiện ở tại huyện Măng Giang, Gia Lai), thuộc hướng đối diện khi thấy một tên Mỹ nhảy lên khỏi công sự chạy trốn đã nhanh nhẹn nhảy lên đâm một đường lê diệt tên Mỹ ngay tại chỗ (sau này nói đến Núi Thành là nói đến dũng sĩ đâm lê là thế).
Sơ đồ trận Núi Thành
Sau khi Đại đội 2 chiếm xong đồi 49 thì địch ở Chu Lai bắt đầu phản ứng, gây khó khăn cho ta trên đường rút quân. Đại đội trưởng Năm quyết định đưa thương binh ra theo hướng vòng chân đồi Long Phú. Điều kỳ lạ là, trời đã sáng, trên đồi một đại đội bảo an đóng vậy mà quá khiếp sợ bởi trận đánh Mỹ, chúng không dám tấn công đoàn thương binh của ta.
Sau trận đánh, khi còn nằm viện, tôi đã được bình chọn là “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Giấy chứng nhận ghi ngày 26-5-1965. Đây là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Trên chiến trường năm xưa, bây giờ đã có tượng đài chiến thắng Núi Thành uy nghi, chúng tôi vẫn thường về thăm, thắp hương cho đồng đội và kể cho các con cháu nghe về trận đánh lịch sử này”.
Bài và ảnh: Hồng Vân


Chiến thuật “hiểm” của bộ đội VN khiến Mỹ “ớn” nhất

(Kienthuc.net.vn) - Sau 8 năm trực tiếp chiến đấu ở chiến trường VN, lính Mỹ nhận ra những trận đánh giáp lá cà và cái chết đến từ lưỡi lê là điều mà họ ớn nhất.

Những cái chết bởi lưỡi lê

Quân Mỹ lắm bom nhiều pháo. Giao chiến với bộ binh Mỹ không đơn giản như với quân Pháp vì hỏa lực nhiều tầng nhiều lớp của họ. Trên không có máy bay ném bom, dưới đất là súng đạn của binh lính và bất thần đạn pháo từ những nơi rất xa câu đến theo tọa độ rất chính xác.

Ngay những lần đối mặt đầu tiên, chỗ mạnh và chỗ yếu của quân Mỹ đã được những người lính Việt Nam nhận thức rõ ràng. Trong cuốn hồi ký Chiến trường mới của Thượng tướng Nguyễn Hữu An có ghi lại nhận định của những người lính sau lần đầu tiên giáp mặt quân Mỹ.
Nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2013), Kiến Thức xin giới thiệu tới độc giả loạt bài "Lật lại hồ sơ chiến tranh Việt Nam" với những thông tin đầy đủ, sinh động và giàu giá trị tham khảo. Loạt bài sẽ được đăng tải liên tục từ 26/4 - 1/5/2013. Kính mời độc giả theo dõi, đón đọc.

Hồi ký viết: “Anh Chu Huy Mân gặp một số chiến sĩ từ trận đánh trở về, anh hỏi: các cậu thấy đánh Mỹ có đặc điểm gì? Anh em không nhận ra vị tướng của mình, vì anh không đeo quân hàm và không ai giới thiệu nên họ nói năng thoải mái. Một chiến sĩ nói: đánh nhau với bọn bộ binh Mỹ cũng dễ thôi, nhưng nó lắm máy bay, lắm bom, lắm pháo quá, không lúc nào ngớt, nhức đầu nhức óc”.

Lý thuyết tác chiến Mỹ cho rằng, mỗi khi đội quân của họ bị đối phương dồn ép, họ sẽ dùng máy bay ném bom, pháo bắn tới tạo thành một bức tường lửa để ngăn cản đối phương. Trong thời gian đó, bộ binh của họ sẽ tranh thủ củng cố lại thế trận để phản công giành lại chủ động và kết thúc trận đánh. 

Ngược lại, quân ta vũ khí hạng nặng ít hơn. Hoàn toàn không có máy bay ném bom, pháo bắn yểm trợ cũng rất ít. Do đó, người lính trên chiến trường chủ yếu trông vào chính vũ khí nhẹ của mình và đồng đội. Nếu so sánh về vũ khí trang bị theo sách vở thì các đội quân của ta chẳng bao giờ dám đương đầu với bộ binh Mỹ.

Tuy nhiên, quân ta nhanh chóng nhận ra rằng, đánh giáp lá cà với lưỡi lê và lựu đạn là một sách lược có lợi để đối phó với tình hình. Lối đánh này của quân ta đã có truyền thống từ cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp và là một trong những nỗi ám ảnh với lính Pháp. Trong hồi ký về Điện Biên Phủ, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dẫn lời khai của những tên tù binh Pháp ở Điện Biên nói rằng, trong những cái chết ở chiến trường, binh lính của họ sợ nhất là chết bằng lưỡi lê khi đối mặt với Việt Minh. Giờ đây, nỗi kinh hoàng ấy, người Mỹ lại tiếp tục được nếm trải.

Quan trọng hơn, lối đánh gần giúp hạn chế tác dụng của bom pháo Mỹ. Khi quân hai bên ở quá gần nhau, việc ném bom sát thương vào bất kỳ khu vực nào cũng đều gây ra thương vong cho cả hai phía.

Ngay trong trận đụng độ lớn đầu tiên giữa lính Mỹ và quân chính quy của ta ở thung lũng Ia-Drang vào tháng 11/1965, lối đánh này đã khiến quân Mỹ lúng túng. Hồi ký của tướng An viết: “Sau khi dùng hỏa lực súng cối chế áp ngắm vào đội hình địch, quân ta dũng cảm đồng loạt xung phong chia cắt đội hình và đánh giáp lá cà với địch. Cả đôi bên lúc này đội hình xen kẽ nhau đến độ chỉ cho phép dùng tiểu liên bắn găm, dùng lưỡi lê, lựu đạn mà chiến đấu”.

 Lính Mỹ trong trận Ia-Drang. Ảnh: Awesomestories.com. 

Ở phía bên kia, ký giả Gallo Way, người đi cùng đơn vị lính Mỹ mô tả về lối đánh hiểm của đối phương: “Tình hình đã xấu lại trở nên xấu hơn. Đến bây giờ quân Bắc Việt Nam đã có mặt ngay trong hàng ngũ quân Mỹ và trên các ngọn cây cao. Bất cứ ai vận động lên đều bị bắn chết. Thiếu tá Henri và trắc thủ pháo binh đã cố gắng dùng điện đài của họ để gọi pháo binh và không quân chi viện. Điều này làm giảm bớt sự chết chóc, nhưng với đội hình kéo dài hơn 100 Yard giữa bãi cỏ cao rậm thì các quả đạn pháo và napan sát thương quân Bắc Việt Nam đồng thời cũng sát thương cả quân Mỹ”. 

Chứng minh cho điều này, vào năm 1993, tướng Harold Moore, người trực tiếp chỉ huy đơn vị tham chiến trong trận Ia-Drang khi trở lại thăm chiến trường, đã chỉ cho tướng Nguyễn Hữu An vị trí mà 2 quả bom Napan của không quân Mỹ đã ném đúng đội hình bộ binh Mỹ khiến nhiều lính Mỹ chết cháy.

Trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến thuật đánh gần được toàn quân ta vận dụng vào mọi trận đánh dù là chiến đấu trên bộ hay trên không. Lối đánh đó được tóm tắt trong phương châm nổi tiếng “nắm thắt lưng địch mà đánh”.

Những cái chết bất thình lình

Mặc dù cái chết đến từ từ trong đau đớn khi dính phải lưỡi lê của đối phương đã ghê gớm nhưng ít ra lính Mỹ ở ngoài chiến trường còn nhìn thấy được nguyên nhân. Trong khi đó, nhiều trường hợp viên chức, sĩ quan Mỹ đã chết ngay giữa Sài Gòn và các thành phố lớn khác mà không kịp hiểu nguyên nhân. Những cái chết bất thình lình đó mới là điều đáng sợ nhất khi người Mỹ đến Việt Nam. 

Kẻ gây ra nỗi ám ảnh đó, không ai khác chính là Biệt động Sài Gòn. Theo thống kê sơ lược, trong suốt cuộc chiến, Biệt động đã liên tục tấn công hàng nghìn trận, gây thương vong cho hàng chục nghìn lính và quan chức Mỹ và cả đám tay sai ác ôn của chúng.

Với những trận đánh được nêu trong cuốn Biệt động Sài Gòn – Những chuyện giờ mới kể, ta thấy nét đặc trưng của Biệt động là lối đánh bí mật, bất ngờ. Giữa một thành phố vài triệu dân, Biệt động bình thường như bất kỳ ai. Họ âm thầm nghiên cứu các mục tiêu và nghĩ ra các kế hoạch tấn công vượt ra ngoài mọi sự dự liệu của kẻ địch.

Trận tấn công vào cư xá Brink nơi đóng hàng ngàn sĩ quan Mỹ trong dịp Giáng sinh năm 1964 là một ví dụ. Những chiến sĩ Biệt động đóng giả sĩ quan Sài Gòn để mang một ô tô chứa hơn 100 kg thuốc nổ vào trong gầm tòa cư xá rồi đặt kíp nổ và đàng hoàng đi ra ngoài. Trận đánh này đã khiến 175 trong số hơn 200 sĩ quan Mỹ có mặt ở cư xá thương vong. Tòa cư xá đồ sộ bị thổi rỗng 3 tầng dưới.

Cũng có khi chiến sĩ Biệt động táo bạo đánh vào những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất như Tòa Đại sứ Mỹ tháng 3/1965 hoặc trận đánh vào trụ sở Tổng nha Cảnh sát của chính quyền Sài Gòn tháng 8/1965. Những trận này, Biệt động bất thần ập vào mục tiêu kích nổ khối thuốc đặt trên ô tô rồi rút lui ngay trước mắt đông đảo cảnh sát, mật vụ của Sài Gòn. 

Ngoài ra, bất kỳ ở nơi đâu: trên phố, trong quán ăn, rạp hát… lính Mỹ đều là mục tiêu tấn công của Biệt động bằng lựu đạn, mìn khiến bọn chúng luôn nơm nớp lo sợ. Với những tên tay sai đắc lực hoặc những tên chỉ điểm đầu hàng, nhiều lúc Biệt động đột nhập hẳn vào nhà riêng, đọc lệnh tử hình của Cách Mạng và kết liễu rất gọn gàng.

Những phi vụ của Biệt động Sài Gòn khiến từ tướng tá đến binh lính Mỹ không bao giờ yên tâm mặc dù ở ngay trong trụ sở hay căn cứ được bảo vệ nghiêm ngặt của mình. Đến nỗi, các lính Mỹ phải thốt lên rằng, ở xứ sở này, cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu.


Trận Bàu Bàng, 1965

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Trận Bàu Bàng, 1965 là trận tập kích của Sư đoàn 9 Quân Giải phóng miền Nam (QGP) vào Lữ đoàn bộ binh 3, Sư đoàn bộ binh 1 của Quân đội Hoa Kỳ, diễn ra vào ngày 12 tháng 11 năm 1965 tại ấp Bàu Bàng (cách Thủ Dầu Một 25 km về phía Bắc). Đây được coi là trận đánh ở cấp sư đoàn đầu tiên của Quân Giải phóng miền Nam trong Chiến tranh Việt Nam.

Bối cảnh

Đầu tháng 11 năm 1965, quân báo Mỹ nhận định các đơn vị của Sư đoàn 9 QGP và Tiểu đoàn Phú Lợi đang hoạt động ở khu vực Bàu Bàng (Lai Uyên, Bến Cát, Bình Dương) dọc đường 13. Ngày 10 tháng 11 năm 1965, Lữ đoàn 3 Sư đoàn Bộ binh 1 Mỹ mở cuộc hành quân Bushmaster I nhằm giải tỏa và kiểm soát đường 13, hỗ trợ cho Sư đoàn 5 Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sáng 12 tháng 11 năm 1965, Sư đoàn 9 QGP tấn công lực lượng Mỹ ở ấp Bàu Bàng. Lịch sử Sư đoàn 9 gọi là trận Bàu Bàng lần thứ 2, còn phía Mỹ gọi là Battle of Ap Bau Bang I.

Diễn biến

Trong 2 ngày đầu tiên của cuộc hành quân Bushmaster I, quân Mỹ không gặp trở ngại gì. Chiều 11 tháng 11 năm 1965, cụm quân đóng lại tại khu vực phía nam ấp Bàu Bàng gồm Đại đội A Tiểu đoàn 2/2 Bộ binh; Đại đội A (xe bọc thép) Tiểu đoàn kỵ binh 1/4, tiểu đoàn bộ và Đại đội C (pháo 105 mm) Tiểu đoàn pháo binh 2/33 (Tính theo biên chế trên giấy tờ, tổng cộng khoảng 600-650 quân, khoảng 20 xe bọc thép và 6 pháo 105mm).
Sáng 11 tháng 11 năm 1965, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 QGP quyết định tập trung lực lượng toàn sư đoàn (thiếu Trung đoàn 1) tiến công quân Mỹ ở Bàu Bàng. Lực lượng trực tiếp tham gia trận đánh là Trung đoàn 2 (Trung đoàn Đồng Xoài) được tăng cường Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 1 (Trung đoàn Bình Giã) và 2 đại đội của Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 3. Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 3 làm dự bị. Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 3 làm nhiệm vụ chặn viện. Do triển khai gấp, hầu hết các bộ chỉ huy trung đoàn đều không liên lạc được với các tiểu đoàn, trừ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1 vẫn liên lạc được với Bộ Tư lệnh Sư đoàn.
04 giờ 10 phút ngày 12 tháng 11, toàn bộ các đơn vị Mỹ được báo động để sẵn sàng tiếp tục cuộc hành quân vào lúc 05 giờ 30 phút. Lúc 05 giờ 06 phút, đạn cối dội xuống trận địa phòng ngự và tiếp theo đó là các đợt xung phong của bộ binh QGP. Trận đánh Bàu Bàng bắt đầu.
Trong 2 đợt tấn công đầu tiên, QGP tấn công từ phía Nam lên và phía Đông sang nhằm vào khu vực do Đại đội A xe bọc thép và 1 trung đội bộ binh Mỹ phòng thủ. Tuy nhiên 2 đợt tấn công này bị hỏa lực của các xe bọc thép đẩy lùi.
Đến 7 giờ, QGP mở đợt tấn công thứ 3 và lớn nhất từ hướng bắc có súng cốiĐKZ yểm trợ, đánh vào khu vực do Đại đội A Tiểu đoàn 2/2 Bộ binh (thiếu 1 trung đội) và Đại đội C pháo 105 mm phòng thủ. Các đợt xung phong bị hỏa lực súng bộ binh và pháo 105 mm bắn thẳng của quân Mỹ ngăn chặn quyết liệt, tuy nhiên cũng đã có 1 tiểu đội QGP lọt qua vành đai phòng thủ, dùng lựu đạn tấn công khẩu đội 1 pháo 105 mm làm chết 2 và bị thương 4 lính Mỹ.
Từ 06 giờ 45 phút, quân Mỹ sử dụng cường kích A-1HA-4 của Hải quân chi viện, đồng thời ném bom CBU vào các vị trí được cho là nơi đặt cối và ĐKZ của QGP trong ấp Bàu Bàng.
Trước tình hình khó khăn, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9 QGP quyết định đưa lực lượng dự bị là Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 3 vào trận. Khoảng 9 giờ, QGP tăng cường tấn công từ hướng Tây Bắc. Các đợt xung phong tiếp tục bị quân Mỹ đẩy lùi. Lần này Không quân Mỹ sử dụng 1 phi đội F-100 ném bom napalm trực tiếp xuống bộ binh và các vị trí súng cối của QGP.
Trận đánh kéo dài trong khoảng 6 giờ, sau đó QGP tổ chức rút lui về hướng Tây Bắc.

Kết quả

Trong trận Bàu Bàng, phía Mỹ tổn thất 20 chết và 103 bị thương, 2 xe bọc thép M-113 và 3 xe M-106 chở cối 106,7 mm bị phá hủy, 3 xe M-113 bị bắn hỏng. Theo tài liệu Mỹ, quân Mỹ “đếm được” 198 thi thể QGP và ước tính 250 bị thương. Theo tài liệu Việt Nam, Sư đoàn 9 có 109 hy sinh và 200 bị thương. Cũng theo tài liệu của Việt Nam, 2.000 quân Mỹ thuộc toàn Sư đoàn bộ binh 1 đã bị loại khỏi vòng chiến đấu trong trận đánh này. Theo tài liệu Lịch Sử Quân Y quân đội nhân dân Việt Nam - tập 2 (1954 - 1968), trận này Trung đoàn 2 của Sư đoàn 9 có tỷ lệ tử vong hỏa tuyến so với tổng số bị thương đến 48%.
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 05:09, ngày 30 tháng 10 năm 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét