ĐỒNG BÀO NƠI XỨ NGƯỜI 4
(ĐC sưu tầm trên NET)
http://dulichtaybac.vn
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ
Trải
qua hàng nghìn năm thăng trầm, biến thiên, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng
Vương đã trở thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ. Đó là nét độc đáo và là biểu
trưng cho triết lý nhân văn "con người có tổ có tông” của văn hóa Việt
Nam. Đây là hiện tượng độc nhất trên thế giới khi cả quốc gia, dân tộc
Việt Nam đã tự coi mình là có chung một nguồn gốc - đồng bào, rồi lập
nên một khu mộ Tổ chung và đặt ra một ngày giỗ Tổ chung để thực hiện
những nghi lễ thờ cúng và tưởng niệm Vua Hùng - người có công lập ra nhà
nước Văn Lang đầu tiên.
Như
chúng ta đã thấy, trải suốt chiều dài lịch sử ít nhất hơn 500 đến nay,
biểu tượng Vua Hùng được thừa nhận trên cả nước Việt Nam như một biểu
tượng cội nguồn chung cho cả dân tộc vượt qua mọi rào cản của các triều
đại phong kiến, sự khác biệt tôn giáo và các chế độ xã hội.Trong mỗi gia
đình Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng vô cùng quen
thuộc và bình dị. Vì vậy khi xây dựng lên hình tượng Vua Hùng đã tạo nên
một tín ngưỡng Hùng Vương với tư cách là biểu tượng cội nguồn của quốc
gia - dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sự minh triết hay
nói cách khác đó chính là ý thức hệ cơ bản của dân tộc được tạo nên bời
các nhà tri thức, các bậc minh quân từ buổi đầu trong quá trình hình
thành và định hình quốc gia tự chủ.
Tính
độc đáo tiểu biểu được quốc tế thừa nhận trong “tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương” nằm ở chính tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Việc coi quốc gia –
dân tộc như một “gia đình lớn”, lấy khuôn phép ứng xử gia đình, gia tộc
để tạo thành khuôn khổ ứng xử của xã hội giúp thống nhất một hệ ý thức
Việt Nam là điều không phải quốc gia nào cũng có.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, tục thờ cúng Hùng Vương đã có
những giao thoa, thâu nạp một số yếu tố của Nho giáo, Phật giáo và Đạo
giáo - ba tôn giáo có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống tinh thần và văn
minh vật chất của Việt Nam trong thời trung đại. Như vậy, tín ngưỡng thờ
Hùng Vương đã trở thành điểm nhấn trong giao thoa, tiếp thu, kết tinh
nhiều nét văn hóa khác nhau với bản sắc riêng để tạo thành một hiện
tượng văn hóa độc đáo của người Việt.
Mỗi
một dân tộc trên thế giới đều có bề dày lịch sử và văn hoá của dân tộc
mình. Chính điều đó đã quyết định sức sống, sự phát triển và bản sắc văn
hoá của từng dân tộc. Dân tộc Việt Nam có bề dày hàng ngàn năm lịch sử.
Trong tâm linh và tình cảm của những người dân đất Việt đều tin rằng:
cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ là khởi nguồn của dân tộc và các vua Hùng
là những người có công dựng nên quốc gia Văn Lang - Nhà nước đầu tiên,
sơ khai của dân tộc Việt Nam. Vua Hùng chính là nguồn gốc Tổ Tiên chung
của cả dân tộc Việt Nam. Biết ơn những bậc tiền nhân đã có công khai sơn
phá thạch để xây dựng nước non này, cộng đồng dân tộc Việt đã tôn vinh
Hùng Vương là Ông Tổ của mình để đời đời thờ phụng.
Cũng
chính bởi vậy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí rất quan
trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt
Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với tổ
tiên, làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc và đoàn kết dân tộc; đồng thời
khích lệ nhận thức về lòng biết ơn tổ tiên. Từ ngàn đời nay, Tín ngưỡng
thờ cúng Hùng Vương là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng
đồng, là điểm tựa tinh thần của người dân Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại
đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước mà Bác Hồ đã tổng
kết và khái quát thành chân lý của dân tộc và của thời đại: "Các Vua
Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ
cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương.
Điều này cho thấy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là kết tinh của đạo lý
uống nước nhớ nguồn, tinh thần Đại đoàn kết dân tộc, và trên hết là sức
mạnh cội nguồn văn hóa Việt Nam.
Cùng
với sự phát triển của đất nước qua mấy nghìn năm lịch sử, Tín ngưỡng
thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hoá đặc sắc
trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt. Đó là nét độc đáo và là biểu
trưng cho triết lý nhân văn "con người có tổ có tông” của văn hóa Việt
Nam. Câu ca dao:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”
đã có minh
chứng cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một nét đẹp văn
hóa của người Việt. Hằng năm, cứ đến tháng ba âm lịch, người người lại
cùng nhau trẩy hội về Đền Hùng để cầu mưa thuận, gió hòa cho một năm yên
vui và hơn thế nữa là để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc cũng như ý thức
tôn vinh công lao dựng nước của các Vua Hùng. Từ ý thức thờ cúng tổ tiên
của người Việt, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng đã xây dựng nên hệ ý thức
Việt Nam về biểu tượng cội nguồn, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn
dân tộc. Bởi vậy, hoạt động thờ cúng Hùng Vương không đơn thuần là hoạt
động mang tính chất tâm linh mà hơn thế nữa, nó là hoạt động thể hiện
tinh thần đoàn kết của cả dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn
tại và phát triển theo dọc chiều dài lịch sử Việt Nam. Nhà nước rất quan
tâm đến việc tôn thờ, tôn vinh các vua Hùng, vì thế mà đền Hùng được
quan tâm đầu tư xây dựng để là nơi thờ tự Tổ chung của dân tộc. Nghi lễ
thờ cúng không những được quan tâm duy trì mà chính quyền và nhân dân
các thế hệ còn bỏ công sức, tiền của để xây dựng, tôn tạo nơi thờ cúng.
Ngày nay, bằng tấm lòng tri ân công đức Tổ tiên, đồng bào và kiều bào ta
ở khắp nơi đã về đây dâng cúng của cải vật chất, công sức tu bổ, bồi
đắp Khu di tích để xứng đáng với công lao to lớn của các Vua Hùng đã có
công dựng nước và xứng tầm với di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.
Bảo
tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là truyền thống văn hoá đặc
biệt Việt Nam thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và ý thức tôn vinh kính
trọng công lao dựng nước của các Vua Hùng và các thế hệ cha ông; cũng là
nền tảng tâm linh vững chắc để củng cố và phát triển phẩm chất, nhân
cách của mỗi con người Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống "yêu
nước, thương nòi" cho các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mãi mãi mai
sau; để dân tộc Việt Nam mãi mãi là khối sức mạnh đại đoàn kết vững chắc
chống lại mọi thế lực thù địch để trường tồn tiến bước.Việc “Tín ngưỡng
thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” được UNESCO công nhận là Di sản văn
hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã chứng tỏ sức sống của văn hóa
Việt Nam, gắn với dòng chảy văn hóa hội nhập vào thế giới. Đây cũng là
một dấu mốc, là động lực giúp công tác bảo tồn và phát huy những giá trị
của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đạt hiệu quả cao hơn.
Ngày
nay, trên con đường đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, hơn lúc nào
hết, dân tộc ta cần phải tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn
hoá quý báu của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống đương đại
để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, giữ vững
chủ quyền và độc lập của quốc gia, dân tộc.http://dulichtaybac.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét