Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

VÕ THUẬT TINH HOA 17

(ĐC sưu tầm trên NET)

Tân Khánh Bà Trà

Xem kết quả: /  số bình chọn: 52
Bình thườngTuyệt vời 
Tân Khánh Bà Trà hay Bà Trà-Tân Khánh hay Võ lâm Thiếu Lâm là một trong những hệ phái võ thuật thuộc võ cổ truyền Việt Nam. Hệ phái có xuất xứ từ Bình Định và được các võ sư trau chuốt qua nhiều thế hệ tại vùng đất mới ở miền Nam Việt Nam là làng Tân Khánh (nay là thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), và làng Bình Chuẩn (nay thuộc huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Lịch sử
Bình Định là quê hương của những hệ phái võ Tây Sơn nổi tiếng, gắn liền với chiến công hiển hách của những đoàn quân bách chiến bách thắng dưới ngọn cờ đào của Tây Sơn tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Sau khi Gia Long được người Pháp hậu thuẫn đánh bại nhà Tây Sơn (1778-1820), nhiều người dân vùng đất này đã buộc phải di cư vào Nam trốn tránh sự thảm sát trả thù của vương triều mới và lập ra làng Tân Khánh. Họ mang theo mình truyền thống thượng võ và những kỹ pháp võ thuật của quê hương Tây Sơn-Bình Định tới vùng đất mới, tiếp tục phát triển nó trong sự hòa trộn với những hệ thống kỹ thuật tại quê hương mới[2].

Giữa thế kỷ 19, dưới triều vua Tự Đức (1848-1883), nổ ra một sự kiện phản ánh rõ rệt tinh thần bất khuất của dân làng Tân Khánh: cuộc khởi nghĩa của dân làng Tân Khánh chống lại bè lũ quan lại thối nát tay sai của ngoại bang ở địa phương. Ngày nay nhiều người dân bản địa vẫn còn rất tự hào về sự kiện này và luôn nhắc về nó gắn liền với tên tuổi của một người phụ nữ tên là Võ Thị Trà[3]. Bà vốn rất giỏi võ Tây Sơn, đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong 10 năm trời ròng rã từ năm 1850 và chấm dứt khi khi người Pháp xâm lược ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Vì vậy, vùng đất này, bao gồm cả làng Tân Khánh và làng Bình Chuẩn còn được gọi là "đất Bà Trà". Và cũng từ đây, người dân gọi phái võ truyền thống xuất phát từ Tân Khánh, Bình Chuẩn là "phái võ Bà Trà - Tân Khánh" hay "Tân Khánh Bà Trà". Thời đó, phái võ này được coi là một trong số rất ít phái võ cổ truyền có tiếng ở miền Nam Việt Nam. Võ Bình Định, võ Tân Khánh Bà Trà cũng đã nổi tiếng trong giới võ lâm Việt Nam
Đặc điểm
Hình thành và phát triển trên quê hương mới, phái võ Tân Khánh Bà Trà vẫn duy trì gần như tất cả những miếng võ cơ bản của phái Tây Sơn trong đó có những bài danh quyền như Ngọc trản, Lão mai quyền, Thần đồng quyền, Thái Sơn[5], Tấn Nhứt, Huỳnh Long quá hải, Đồng Nhi, Lão Mai, Thiền Sư..., các bài côn như Tấn nhất, Tứ môn, Thần Đồng, Giáng Hỏa, Ngũ Môn... và nhiều bài binh khí như: Siêu Thái Dương, Siêu Thái Âm, Song Kiếm, Trường Thương... Tuy nhiên các võ sư đã điều chỉnh và cải tiến các kỹ thuật đòn thế để phù hợp với vùng đất mới đồng thời gia tăng hiệu quả tính, nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. Những bài thiệu dùng để dạy các võ sinh trong võ Tây Sơn cũng được trau truốt, một số bài có cả những câu mới được bổ sung.

Đặc trưng kỹ thuật của võ phái Tân Khánh Bà Trà là lối tấn công phối hợp, liên hoàn những kỹ thuật đòn chân và đòn tay nhằm làm rối loạn sự phòng thủ của đối phương cũng như giúp cho sự tấn công đạt hiệu quả cao. Những đòn tay và đòn chân tung ra theo đường thẳng, có sức án ngự mọi sự tấn công đối phương được võ phái này chú trọng ngang với những đòn tay và đòn chân, cận chiến bằng kỹ thuật đầu gối, cùi chỏ, nắm đấm, cạnh bàn tay, ngón tay, ức bàn tay... Chính đặc điểm này đã giúp cho môn sinh của võ phái Tân Khánh Bà Trà có khả năng chiến đấu trong mọi tình huống.

Binh khí của võ phái Tân Khánh Bà Trà có đủ thập bát ban võ nghệ nhưng nổi tiếng nhất với roi và côn, là thứ binh khí làm từ nguyên liệu có sẵn tại địa phương như: tre, tầm vông, gỗ căm xe, gỗ mật cật... Nhiều bậc tiền bối của võ phái Tân Khánh Bà Trà từng nổi danh với những đường roi, đường côn kỳ tuyệt đả bại nhiều cao thủ khắp lục tỉnh Nam Kỳ.

Hệ thống đai được sắp xếp từ thấp đến cao như sau: - Huyền đai (đai đen) - Thanh đai (đai xanh lá cây) - Hồng đai (đai đỏ) - Hoàng đai (đai vàng) - Bạch đai (đai trắng) 

Võ sư
Võ phái Tân Khánh Bà Trà có nhiều thế hệ anh tài nối tiếp nhau vang danh khắp Nam Bộ. Bà Võ Thị Trà, thường gọi tắt là Bà Trà, lẫy lừng một thời ở Tân Khánh chống lại bọn tham quan ô lại, để rồi tên đất được gắn thêm tên người kể từ giữa sau thế kỷ 19. Hai anh em Võ Văn Ất (Hai Ất) và Võ Văn Giá (Ba Giá) và bà Võ Thị Vuông (Năm Vuông) từng làm rạng danh võ phái Tân Khánh Bà Trà với những lần đánh hổ. Những võ sư nổi tiếng khác có thể kể tên: Hai Đước, Sáu Trực, Năm Nhị, Bảy Phiên và Năm Quy, mỗi người đều có những phong cách riêng với nhiều thành tích. Quyền sư Võ Văn Đước (Hai Đước) phá tan thế trận Mai Hoa Thung bảo vệ thanh danh xứ sở. Sáu Trực, một học trò của Hai Ất, tiếp nối truyền thống rực rỡ của thầy, đã truyền thụ võ công cho nhiều môn sinh trong số này có hai nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh và Phan Văn Hùm. Đệ nhất côn Đỗ Văn Mạnh (Năm Nhị) làm cho võ phái Tân Khánh Bà Trà nổi tiếng khắp Nam kỳ với cây trường côn khiến nhiều võ sĩ kinh hồn táng đởm. Trong khi đó Bảy Phiên và Năm Quy lại đóng góp cho sự phát triển của môn phái bằng cách đào tạo những môn sinh cho các cuộc đấu võ đài mà người Pháp tổ chức những năm 1930-1940, đồng thời rèn luyện kỹ pháp chiến đấu, giáo dục tinh thần yêu nước cho những người tham gia các phong trào khởi nghĩa chống Pháp nổ ra trong vùng.
Những năm 1950 phái Tân Khánh Bà Trà bước sang một giai đoạn mới. Nối tiếp truyền thống hào hùng của võ phái, lão võ sư Hồ Văn Lành (biệt danh Từ Thiện, môn đệ xuất sắc của Bảy Phiên và là cha của võ sư Hồ Tường sau này) đã rời quê hương lên Sài Gòn tham gia Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam, một tổ chức quần chúng được chính quyền Sài Gòn cho phép hoạt động dưới quyền Tổng nha Thanh niên của Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên. Tại đây, với tư cách Ủy viên Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Cuộc Quyền Thuật Việt Nam vài nhiệm kỳ (từ những năm 1950 đến 1975), võ sư Hồ Văn Lành đã nỗ lực giúp hòa nhập và phổ biến võ phái Tân Khánh Bà Trà vào cộng đồng võ thuật miền Nam. Cho đến năm 1984, khi đã 70 tuổi, lão võ sư Hồ Văn Lành đã truyền bá võ phái Tân Khánh Bà Trà tới hàng vạn môn sinh (các môn sinh nam mang họ Từ và các môn sinh nữ mang họ Hồ) và trang bị kỹ thuật đặc thù của môn phái cho họ. Hơn 400 võ sĩ chuyên nghiệp đã được đào tạo trong đó có tới 100 phụ nữ. Nhiều môn sinh đã trưởng thành, tiếp bước con đường truyền bá võ phái Tân Khánh Bà Trà cho các thế hệ nối tiếp ngay tại các quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh thành Nam Bộ và cả ở nước ngoài.
Đóng góp
Phái võ Tân Khánh Bà Trà đã đóng góp vào kho tàng võ học truyền thống của dân tộc nhiều kỹ thuật mới như các bài quyền Đồng nhi quyền (còn gọi là Bát Tiên), Tấn nhứt côn và đặc biệt là bài Tứ linh đao.

Một số môn sinh xuất sắc của võ phái Tân Khánh Bà Trà đã từng tham gia thi đấu võ đài, đạt được hai huy chương vàng (Từ Thanh Nghĩa và Hồ Ngọc Thọ), bốn huy chương bạc (Từ Thanh Tòng, Từ Duy Tuấn, Từ Hoàng Út, Hồ Thanh Phượng), một huy chương đồng (Từ Hoàng Minh) trong các giải vô địch toàn quốc. Ba người (Từ Thanh Nghĩa, Từ Trung Tín, Từ Y Văn) đã từng được chọn đại diện cho toàn miền Nam thi đấu bẩy trận toàn thắng trước các nhà vô địch của những nước Thái Lan, Lào, Campuchia. Các võ sĩ chưa từng nếm mùi thất bại liên tục trong mười trận đấu: Từ Hùng (từng là Phó giám đốc Sở Thể dục Thể thao tỉnh Tây Ninh), Hồ Hoàng Thủy, Từ Dũng, Hồ Hoàng Hạnh, Từ Bạch Long, Hồ Tố Nguyệt. Có người đã trưởng thành với tư cách một chưởng môn của một võ phái mà nhiều kỹ thuật của võ phái có nguồn gốc từ Tân Khánh Bà Trà như Hồ Hoa Huệ
Võ đường
1)     Lớp Võ Lâm (Tân Khánh Bà Trà)  tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên, số 4, đường Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Lớp 1 tập vào các ngày 2-4-6 từ 19 giờ đến 20 giờ 30; lớp 2 tập vào các ngày 3-5-chủ nhật từ 19 giờ đến 20 giờ 30. Trưởng ban huấn luyện: Thạc sĩ - võ sư Hồ Văn Tường (Hồ Tường).
Từ năm 1995 đến nay, hằng năm, từ đầu tháng 10 dương lịch cho đến cuối tháng 12 dương lịch, Lớp Võ Lâm tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên có khai giảng lớp học võ hoàn toàn miễn phí dành riêng cho sinh viên nam nữ các trường: trung cấp, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học ở thành phố Hồ Chí Minh.

2)     Lớp Thiếu Lâm – Võ Lâm (Tân Khánh Bà Trà) tại Trung Tâm Văn Hóa quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Lớp tập từ 18 giờ đến 20 giờ vào các ngày 2-4-6. Trưởng ban huấn luyện: võ sư Phan Văn Trung.

3) Lớp Thiếu Lâm – Võ Lâm (Tân Khánh Bà Trà) tại Trung Tâm Thể Dục Thể Thao quận 7. Lớp tập từ 18 giờ đến 20 giờ các ngày 3-5-7. Trưởng ban huấn luyện: võ sư Phan Văn Trung.

4)     Lớp Thiếu Lâm – Võ Lâm (Tân Khánh Bà Trà) tại:
a)      Câu lạc bộ Kiến thức kỹ năng, số 2, đường Trần Xuân Hòa, quận 5, thành phồ Hồ Chí Minh. Giờ tập: 19 giờ 30 đến 21 giờ. Ngày tập: 3-5-7.
b)     Trung Tâm Văn Hóa quận 5, số 105, đường Trần Hưng Đạo B, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Giờ tập: 18 giờ đến 19 giờ 30. Ngày tập: 2-4-6.
Trưởng ban huấn luyện: nữ võ sư Dương Mỹ Phương.

5)     Lớp Võ Lâm (Tân Khánh Bà Trà) và Thái Cực Quyền tại Công viên Gia Định (phường 3, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh). Lớp tập tất cả các ngày trong tuần: Lớp 1 tập từ 05 giờ đến 06 giờ 30. Lớp 2 tập từ 17 giờ 30 đến 19 giờ. Trưởng ban huấn luyện: võ sư Thiều Ngọc Sơn.

6)     Lớp Thiếu Lâm – Võ Lâm (Tân Khánh Bà Trà) tại Trường tiểu học Bạch Đằng, số 157, đường Lê Quốc Hưng, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Lớp 1 tập từ 17 giờ 30 đến 19 giờ ngày 2-4-6; lớp 2 tập từ 17 giờ đến 19 giờ 30 các ngày 3-5-7. Trưởng ban huấn luyện: nữ võ sư Bùi Thị Kim Nhung.

7)     Lớp Thiếu Lâm – Võ Lâm (Tân Khánh Bà Trà) tại sân trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã Bình Nhâm, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Lớp tập từ 18 giờ 30 đến 20 giờ ngày 2-4-6. Trưởng ban huấn luyện: võ sư Đặng Văn Vạn.

8)     Lớp Thiếu Lâm – Võ Lâm (Tân Khánh Bà Trà) tại Trường tiểu học Trang Tấn Khương, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh. Lớp tập từ 18 giờ đến 20 giờ vào các ngày 2-4-6. Trưởng ban huấn luyện: võ sư Nguyễn Hồng Đỏ.

Nguồn internet

Vĩnh biệt đại lão lực sỹ Hà Châu

Chưởng môn Thiếu lâm Hồng gia quyền-võ sư đại lực sĩ Hà Châu-đi xa khi tâm nguyện cuối đời chưa hoàn thành.
Ông từng nói với chúng tôi vào những ngày cuối đời, rằng nếu chưa tìm được đệ tử để truyền thụ toàn bộ võ công là ông có lỗi với sư tổ Hồng Hy Quan. Tiếc thay, ông không thể chờ đến ngày ấy…
Hà sư phụ nổi danh khi chúng tôi còn trong bụng mẹ. Khi chúng tôi lớn lên, những câu chuyện mà cha mẹ kể về ông nghe cứ như những huyền thoại. Lắm khi người đời không hiểu nổi tại sao người phàm như Hà sư phụ có thể thực hiện những màn biểu diễn ngoạn mục, nhanh chóng lan truyền thành kỳ tích, thành chuyện thần thoại với đầy lý giải chân phương mộc mạc: Chắc võ sư Hà Châu có võ bùa. Những người sống cùng thời Hà sư phụ như cha mẹ chúng tôi, rất nhiều người tin như thế. Niềm tin dựa trên phỏng đoán thiếu chính xác nhưng xuất phát từ sự phi phàm của năng lực Hà sư phụ, lan truyền đến chúng tôi, thế hệ 7X. Chúng tôi biết đến ông, ngoài những huyền thoại do cha mẹ kể lại, sau này còn qua một ít thông tin từ báo chí. Bởi vậy, khi được gặp ông, võ sư Hà Châu bằng xương bằng thịt, những ấn tượng ông để lại khiến chúng tôi cứ nhớ mãi.
Võ đạo cao hơn võ công
Trải mấy lần duyên may gặp mặt và chuyện trò, Hà sư phụ-người Việt duy nhất được giới võ thuật quốc tế đương đại phục tài và kính ngưỡng, đã khiến chúng tôi cứ nhắc đến ông mãi trong cuộc sống thường nhật. Chỉ tiếc một điều, chúng tôi và ông có một cuộc hẹn "thầy trò làm thùng bia, nói chuyện đời sảng khoái một bữa cho đã" nhưng chưa thành hiện thực thì ông đã đi xa. Duyên gặp gỡ thực không phải nhiều, nhưng cốt cách phóng khoáng và trải lòng với mọi người của ông khiến chúng tôi thấy gần gũi lạ thường. Giờ mỗi lần đi làm băng qua cầu Sài Gòn có đường rẽ vào quận 2, chúng tôi lại thấy nhớ ông, nhớ quá Hà sư phụ…

Vốn mê đắm mê đuối võ công, lại thuộc hàng "đồ đệ" Kim Dung văn sĩ với những huyền thoại võ lâm cao thủ, những loại võ công trác tuyệt mà văn sĩ họ Kim giới thiệu qua các tuyệt phẩm kiếm hiệp kỳ tình, chúng tôi gặp Hà sư phụ trong tâm thế của kẻ phàm phu gặp được thế ngoại cao nhân. Quả thực, gặp ông ngoài đời, chúng tôi mới biết tại sao nhiều người gán cho ông có võ bùa, ngay cả người Italia cũng gán cho ông là người ngoài hành tinh. Nói vậy bởi thể trạng Hà sư phụ thuộc tuýp người nhỏ thó, gầy guộc. Nếu "mình hạc xương mai" để ám chỉ những phụ nữ mảnh mai nhỏ nhắn, thì có thể dùng thuật ngữ này trong dấu nháy để đùa với ông. Chúng tôi cũng tự hỏi, giống như cha mẹ của mình từng hỏi: Sao một người nhỏ bé thế này lại có thể để xe lu 12 tấn cán qua mình được?

Hà sư phụ phá lệ cho chúng tôi sờ đầu, sờ bàn tay của ông. Chúng tôi nhớ trong đoạn video clip quay cảnh Hà sư phụ biểu diễn, ông dùng tay không chặt ghế, chặt dừa, lại lấy ghế, lấy dừa đập thẳng vào đầu cho chúng bể nát với thao tác tự nhiên như người ta lấy gối bông đập vào đầu mình. Chúng tôi thấy đầu Hà sư phụ không giống người bình thường. Đỉnh đầu mô cao giống như xương đầu dày hơn bình thường. Còn bàn tay Hà sư phụ thì như thép nguội, mấy đốt ngón tay nhô ra, khác hẳn người thường. Hà sư phụ giải thích với chúng tôi rằng, thời xưa khi ông chưa luyện võ, tay, đầu và cơ thể ông cũng bình thường như bao người khác. Sự khác biệt mà chúng tôi cảm nhận chẳng qua là do công phu luyện tập mà thôi. Rõ ông là người bình thường, võ công đã biến ông thành người phi thường, có thể tạo ra những kỳ tích nhuốm đầy sắc màu huyền thoại.

Luận về võ công, dù hiếm khi ông thể hiện bản lãnh qua những cuộc đấu tay đôi với các võ lâm cao thủ khác, mà chỉ qua những màn biểu diễn công phu, thế giới đã phải thừa nhận Hà sư phụ là 1 trong số 3 kỳ nhân thế giới liên quan đến công phu võ học. Hà sư phụ nói với chúng tôi, bản lãnh võ học của ông không dành cho thi đấu, không dành cho thượng đài, không dành cho chuyện xưng hùng xưng bá làm "thiên hạ đệ nhất cao thủ" như trong truyện của Kim Dung. Bởi vậy, ông chọn biểu diễn để phát dương võ học sở trường. Cuối đời, Hà sư phụ đúc kết rằng, võ nghiệp giúp ông nổi danh nhưng không nuôi nổi ông. Nói thì nói vậy nhưng ông chưa hề hối hận vì chọn nghiệp võ. Đời ông kinh qua nhiều việc, từ hiệu trưởng một trường học đến anh công nhân có tay nghề tuyệt đỉnh, nhưng Hà sư phụ vẫn quấn quýt với nghiệp võ. Và ông ra đi với nỗi lo lớn trong lòng, cũng lại liên quan đến nhiệm vụ tìm người kế thừa võ học.

Báo chí từng đưa tin về những câu nói nổi tiếng của Hà sư phụ. Có câu ông nói "Tôi không mở võ đường vì võ sinh chân chính trước hết là một người đức độ, sau mới là võ công", băn khoăn tiếp tục về võ đạo, ông lại nói "Các em học võ bây giờ phần lớn chỉ là lên đấu để đoạt huy chương. Nhiều em học xong, bước ra ngõ là quên mất tình thầy trò. Học võ nhưng nhiều em lại tỏ ra khá ngông nghênh, ngang tàng bởi thiếu một chữ nhẫn". Tuy Hà sư phụ không mở võ đường nhưng đời ông cũng thu nhận khá nhiều đệ tử. Tại điểm dừng chân cuối đời là mảnh đất quận 2 (TPHCM), ông cũng có một số đệ tử. Chúng tôi từng gặp võ sư Lý, người cận kề với Hà sư phụ lúc cuối đời; hay nữ võ sư Loan (Thủ Đức, TPHCM), người tháp tùng Hà sư phụ trong chuyến lưu diễn dọc nước Italia. Hà sư phụ sống chưa mích lòng ai, dù đó là đệ tử của mình. Ngay cả chuyện phí biểu diễn tại Italia không đến tay mình, ông cũng chỉ cười trừ, nói hài hước là do lu bể. Khi ông cùng chúng tôi bước vào quán cà phê, từ chủ quán đến khách đều gật đầu một tiếng "thầy", dù họ chưa học ở ông chút gì hay ngày nào.
Chùm ảnh tư liệu đại lực sĩ Hà Châu biểu diễn võ.

Trong một lần trò chuyện, Hà sư phụ tiết lộ ông có một loại rượu thuốc bí truyền, có công năng cường gân bổ cốt mà ông dùng như một loại "thần tửu" vào mỗi bữa ăn từ khi luyện võ đến nay. Loại rượu thuốc này cùng với công phu khổ luyện khiến ông chưa hề vướng phải bệnh tật nào, giống như cảnh giới "bách độc bất xâm" trong tiểu thuyết Kim Dung. Nhiều người thân quen biết tiếng loại rượu này đã tìm đến ông để mua với giá khá cao. Trong lần trà dư tửu hậu với một doanh nhân, chúng tôi có đề cập đến loại rượu của Hà sư phụ. Vị này ngỏ ý muốn hợp tác với Hà sư phụ để phổ biến rượu thuốc Hà Châu. Chúng tôi có chuyển nguyện vọng này đến ông trong lần gặp cuối cùng mà chỉ 1 tuần sau đó ông nhập viện. Hà sư phụ ngỏ lời cảm ơn và từ chối. Ông nói không phải ông vơ đũa cả nắm nhưng người ta làm ăn bây giờ ít người giữ uy tín lắm. Lỡ có rượu giả ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc của nhiều người là tội lắm!!!
 Lần trò chuyện cuối cùng của PV Gia đình & Xã hội với Hà sư phụ, một tuần sau ông nhập viện.

Cả đời lao động

Vào cuối đời, Hà sư phụ có một võ đường để lui tới. Võ đường có tên Thiếu lâm Hồng gia-Võ đường Hà Châu. Nhiều người lầm tưởng, về già ông lại mở võ đường, nhận đệ tử. Thực ra đấy là võ đường mà Philippe Gaudin, một võ sư người Pháp được Hà sư phụ mến tài, tổ chức dưới sự đồng ý của ông. Tại võ đường này, ngoài những lớp võ do võ sư Lý phụ trách, là nơi Philippe và em trai luyện công phu theo chỉ điểm của Hà sư phụ, còn là "vũ khí cơ xưởng" của ông. Hà sư phụ đến đây đều đặn mỗi ngày, không phải để dạy võ mà để lao động, sáng tạo và... kiếm thêm ít tiền sinh hoạt.
Võ sư Lý (đứng) cùng người thầy - Chưởng môn Thiếu lâm Hồng gia quyền - võ sư  Hà Châu.

Vốn rành rẽ về thập bát ban võ nghệ cùng các loại binh khí xưa, lại có tay nghề tiện, phay, bào, Hà sư phụ là bậc thầy về đúc binh khí. Ông kể, từ khi có xưởng đúc binh khí, ông thỉnh thoảng lại nhận "đơn đặt hàng" từ các võ sư, từ đệ tử... để phục vụ việc luyện tập và biểu diễn. Những "đơn hàng" không thường xuyên này cũng giúp Hà sư phụ kiếm thêm chút đỉnh trà nước. Trong một lần gặp ông và võ sư Lý, ông dẫn chúng tôi tham quan "binh khí cơ xưởng" của mình. Cái xưởng nhỏ này được Philippe trang bị máy móc khá đầy đủ, giúp Hà sư phụ có điều kiện thực hiện mọi công việc rèn đúc và chế tạo. Ở độ tuổi 86, nhiều người thường chỉ vui vầy với con cháu, chăm cây kiểng... nhưng với Hà sư phụ, mỗi ngày ở xưởng cơ khí với ông là thú vui, bởi ông không ngừng mày mò sáng tạo.

Trong võ đường của Philippe, không có dụng cụ luyện võ nào là không do ông chế tạo. Từ dụng cụ luyện khinh công, đến luyện thiết thủ công, ngay cả luyện thiên cân trụy để biểu diễn màn khó nhất là nằm cho xe cán qua mình cũng đều do Hà sư phụ chế tạo. Chúng tôi lắc đầu tỏ ý thán phục thì Hà sư phụ chỉ nhẹ nhàng bảo, cuộc đời đưa đẩy khiến ông vừa có nghề võ vừa có nghề cơ khí, lại là người ưa lao động nên thích chế cái này cái nọ, có gì lớn đâu.
Đại lực sĩ quốc tế Hà Châu đã qua đời ở tuổi 85 vào ngày 20/10/2011
Nhiều người biết đến ông từ những năm đầu thập niên 1960 khi lần đầu tiên ông biểu diễn tiết mục cho xe hủ lô 12 tấn cán qua người ở Trà Vinh. Trong cuộc đời của mình, lão võ sư Hà Châu chỉ tham gia giảng dạy ở võ đường, sống cuộc đời thanh bạch ở Q.2, TP.HCM.
Ông cũng thu nhận nhiều đệ tử, giới thiệu một số bí kíp cho môn sinh. Trong số này ngoài anh Lý đại đệ tử biểu diễn bài Thái Dương Đao và quyền Thạch Phá Sơn rất dũng mãnh, thì có môn sinh người Pháp tên Philippe đã thực hiện các tiết mục xếp sắt bằng tay, dùng cổ quấn sắt, dùng tay chặt gỗ và cả màn nội công đập tảng đá xanh trên bụng rất hay.
“Kỳ môn, tuyệt kỹ”
Người ta gọi ông là võ sư Hà Châu. Người ta cũng gọi ông là đại lực sỹ. Tên tuổi của ông gắn liền với những kỳ tích trong võ lâm. Ngay cả những lúc cuối đời, ông vẫn giữ phong độ và cốt cách của... con nhà võ.
Tuy không nằm trong danh sách lục đại cao thủ của Việt Nam với những tên tuổi lẫy lừng từng đi vào huyền thoại võ thuật Việt Nam nhưng Hà Châu vẫn được xem là một cao thủ đứng đầu về ngạch công. Là người ở Ba Xuyên (Sóc Trăng), Ông được cha cho tập võ từ lúc 5 tuổi, đến 9 tuổi thì ông được gia đình cho qua Hongkong để tầm sư học võ, sư phụ ông là Trình Luân, thuộc phái Hồng Gia. Kiên trì với gần 20 năm khổ luyện bằng những phương pháp bí truyền, chàng thanh niên Hà Châu đã tích luỹ cho mình một số vốn về quyền cước và nội ngoại khinh công cùng những "kỳ môn, tuyệt kỹ".
Tuy là người Việt Nam, nhưng ông lại khởi đầu nghiệp diễn ở Hongkong, Đài Loan, Nhật Bản từ năm 1950 và đến năm 1957 ông mới bắt đầu trở về Việt Nam mở võ đường, rồi thượng đài và biểu diễn. Các tiết mục biểu diễn của ông luôn làm người xem kinh ngạc bởi tính chất rất khác người, có lần vào năm 1959, khi ông diễn ở sân Bờrô (Tao Đàn), có cao thủ Vương Bàng Phu người Hongkong đến xem, ông này cũng là người chuyên biểu diễn các tuyệt kỹ công phu về nội công, nhưng sau khi chứng kiến Hà Châu biểu diễn, ông kinh ngạc đến độ ra phi trường mua vé bay về nước ngay, bởi ở Việt Nam đã có một võ sư Hà Châu quá phi thường.
Nhưng tất cả đó chỉ là những trò "vặt", nếu như so sánh với tiết mục cho xe hũ lô (xe lu) 12 tấn cán qua người. Khi còn sống, đại lực sỹ đã kể lại: "Tiết mục này xin diễn ở đâu người ta cũng không cho vì sợ tôi tử nạn. Năm 1961, tôi có quen với Nguyễn Đức Hoà, Tỉnh trưởng Trà Vinh. Lúc đầu xin, ổng đâu có chịu, vì chuyện xe hũ lô mà cán qua người thì đâu phải chuyện giỡn chơi, lỡ có bề gì ổng khó làm việc lắm. Nhưng thấy tui năn nỉ quá, ông kêu tôi viết giấy cam kết có kí tên và lăn tay rằng nếu như có gì xảy ra là phải tự chịu hết một mình mới chịu cho diễn. Buổi diễn đó, bà con ở Trà Vinh kéo nhau đi xem như ngày hội. Khi tôi vận công cho xe cán qua được nửa chừng thì anh tài xế run quá làm tắt máy, ai cũng nghĩ là tôi "tiêu đời" nhưng may mắn là khoảng 30 giây sau xe nổ máy được và tôi vẫn đứng dậy và biểu diễn tiếp như không có gì xảy ra"...         
Hiểu Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét