Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

VÕ THUẬT TINH HOA 19

(ĐC sưu tầm trên NET)

Một độ đài đáng nhớ.

 


Võ sư Thanh Sơn.

Trước đây tôi có máu mê đánh võ đài, hễ nghe ở đâu có đánh đài, tôi đều có mặt và thi đấu. Nhưng phải nói rõ hơn lý do say mê đánh đài, còn một lẽ nữa là mỗi trận đấu như vậy, nếu thắng thì tiền thưởng có thể sống thoải mái cả năm, hoặc mua được chiếc xe hơi đời mới thời bấy giờ. Nhưng các bạn đừng cho rằng tôi chỉ đấu vì tiền.

Tôi xin kể một câu chuyện, một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời đánh đài của tôi. Hồi đó tôi giành nhiều thắng lợi là nhờ những kinh nghiệm chiến đấu của thầy truyền, được phát huy cao độ khi giao chiến. Trận đài đó, hôm trước tôi đã thắng chật vật, khó khăn với đàn em của Tiểu Lâm Xung, hôm nay là trận phục thù của họ nên tôi phải tập trung chú ý quan sát đối thủ để tìm cách hạ cho được Tiểu Lâm Xung, chính Tiểu Lâm Xung thủ đài.

Dạo đó, Mỗi trận đấu đều có phần biểu diễn dương oai với mục đích để cho người khác thấy mình kém khả năng thì đừng giao đấu cho khỏi tổn mạng. Ngoài ra, còn làm cho đấu thủ sắp giao đấu khiếp đảm tinh thần. Tiểu Lâm Xung cũng làm như vậy, mình trần bắp thịt cuồn cuộn, mỗi khi vận công thì bắp thịt chạy lên chạy xuống nổi rõ, bóng lưỡng như một tượng đồng lực sĩ, đồng thời còn xuất thủ nhanh như điện xẹt, kình lực như cuồng phong bão táp và những ngọn cước thật quỹ khóc thần sầu. Tiếng vỗ tay hò hét cổ vũ vang dậy cả đấu trường.
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh võ thuật

Hắn còn biểu diễn dùng tay công phá miếng gỗ dày 5cm, dùng chân đá chiếc bàn nặng văng ra 4 mét, rồi phình bụng cho một người lực lưỡng tự do đánh, cuối cùng hắn còn phình bụng vận công cho người dùng dao chém. Một người da đen lực lưỡng lên đài nhận cây đao từ ban tổ chức. Anh ta xê qua một bên rồi dùng dao chém nhẹ vào bụng Lâm Xung. Thấy Lâm Xung mỉm cười, anh ta biết không hề hấn gì nên lần thứ hai chém mạnh hơn, vẫn nhìn thấy Lâm Xung cười. Anh ta nhìn thẳng vào mặt Lâm Xung như ngầm bảo hắn sẽ chém thẳng tay. Lâm Xung khẽ gật đầu. Anh ta xuống bộ hươ đao dùng toàn lực để chém, cây đao vừa chạm vào bụng Lâm Xung, bật dội trở ra một cách khác thường suýt nữa tuột khỏi tay của anh ta. Thấy Lâm Xung vẫn cười, anh ta chấp đao vái chào rồi lắc đầu trả đao lại cho ban tổ chức. Tiếng vỗ tay, tiếng cổ vũ lại vang lên hòa trong tiếng chuông trống ầm ĩ. Dưới đài tôi nghĩ: “Tên này khó chơi đây!”.

***

Ngay hiệp một, những đòn tung ra, những thế hóa giải, những kinh nghiệm chiến đấu của tôi áp dụng đều bị Lâm Xung khắc chế. Trong một thế đá liên hoàn của Lâm Xung, thấy không đỡ nổi nên tôi nhảy lùi ra, thấy sau lưng Lâm Xung ghi hai chữ “nhất thắng”, tôi càng e dè cảnh giác hơn.
 Kết quả hình ảnh cho hình ảnh võ thuật

Hiệp ba chấm dứt, tôi ôm bụng lảo đảo trở về góc đài, vẻ mệt mỏi như bị trúng thương, trong khi đầu óc thì suy nghĩ phải dùng độc thủ để hạ hắn. Mới vào hiệp bốn, Lâm Xung đã tung ra “Thôi sơn phá đỉnh” như trời giáng. Tôi thoát được đòn này thì ngọn “Cuồng phong tảo diệp” cuồn cuộn tới. Tôi biết hắn trúng kế nên dùng bộ “Di ảnh” tránh đòn. Hắn càng tấn công tới tấp. Bất ngờ hắn vừa đá tới, tôi chuyển bộ xà nhập nội, dùng ngọn “Thôi sơn ưng trảo” trong thế “Thôi sơn khai hạ” với tất cả lực bình sinh của mình… Xung quanh im phăng phắc, khăn trắng bay lên giữa đài. Trọng tài cho ngưng trận đấu… Một vài đệ tử lên trước, sau là sư phụ của Lâm Xung vây quanh hắn. Tôi bước tới trước mặt sư phụ Lâm Xung để xin lỗi và xem lại kết quả ngọn đòn của mình. Hắn bị vỡ Kuki chắn hạ bộ và bị chấn thương. Tôi xoay về phía Tiểu Lâm Xung:

-                     Đệ tử xin lỗi sư huynh.

Không ai trả lời, ngoài tiếng la hét vang rền của khán giả. Trọng tài tuyên bố tôi thắng đo ván đối thủ ở hiệp thứ 4. Dạo đó mỗi trận đấu 5 hiệp, mỗi hiệp 5 phút. Tôi nghĩ trong lòng “găng đây”.

***

Sáng hôm sau, một chiếc xe hơi đỗ lại trước nơi tôi ở. Tôi buộc miệng: “Có chuyện rồi đây”. Đúng thật. Hai bạn đồng môn của Lâm Xung vào tìm tôi, đưa giấy, mời tôi đến ngay bản môn để sư phụ hắn có vài điều muôn nói. Anh em bạn cùng nhóm khuyên tôi:

-                     Đừng đi nghe mày. Nguy hiểm đấy.

Nhưng tôi nghĩ “đã cỡi lưng cọp rồi” nên đáp:

-                     Không đi không được đâu các bạn.

Tôi vừa trả lời vừa vào phòng lấy bì thư đựng tiền thưởng nhét vào túi rồi ra xe đi cùng bọn chúng mà đầu óc thì thật là căng thẳng.

Họ xếp tôi ngồi băng trước cạnh lái xe, hai tên kia ngồi băng sau, đầu tôi càng căng hơn, tôi đưa thật nhiều tình huống để tìm cách đối phó. Khi xe ngừng lại tôi nghĩ: “Đã đến giờ”
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh võ thuật.

Hai người đưa tôi vào một hội trường. Sư phụ Lâm Xung ngồi giữa, hai bên là các cao đồ. Hàng trăm môn đệ của họ chăm chú nhìn tôi như muốn nuốt sống. Thấy vậy, tôi nhìn quanh, chú ý các phía cửa ra vào để tìm cách chủ động rồi lên tiếng:

-                     Kính thưa sư phụ và chư huynh đệ, nếu sư phụ không cho người gọi thì con cũng tới để tạ lỗi với sư phụ và sư huynh Lâm Xung…

-                     Mày ngồi xuống đi… Thầy Lâm Xung vừa nói vừa chỉ tay về chiếc ghế trống cạnh cửa, tôi mừng thầm đi đến ngồi xuống.

-                     … Tao cho người đi kêu mày là để giới thiệu mày với anh em của Lâm Xung. Trước hết tao cám ơn mày vì mày đã biết ngỏ lời xin lỗi tao với anh mày…

Thấy căng tôi vội xin ngắt lời, đứng lên nói:

-                     Thưa sư phụ, sư huynh con ở đâu cho con được tạ lỗi.

-                     Anh mày ngồi kia, chỉ vài ba bữa là hết thôi. Ngồi xuống đi. Hôm qua mày đánh khá nên thắng, nhưng đòn hơi độc.

Tôi vội phân bua:

-                     Thua sư phụ, con không còn cách nào khác.

-                     Tao đã dặn nó rồi, coi chừng bị thua vì đòn xà, nhưng nó tưởng mày đã đuối nên ra đòn mà không đề phòng.

Tôi nghĩ đến số tiền thưởng thắng độ tuy gấp nhiều lần so với tiền thua, nhưng để hòa giải đành nhận số tiền thua cũng được, nên nói:

-                     Thưa sư phụ hôm qua vì sư huynh con mất cảnh giác chứ tài con làm sao so với sư huynh. Số tiền này con xin gởi lại cho sư huynh Lâm Xung.

-                     Đưa đây cho tao! Ông ngắt ngang lời rồi giằng lấy bao thơ đựng tiền tôi đưa. Tôi nghĩ thầm: “thế là mất trắng”, sư phụ Lâm Xung tiếp lời:

-                     Số tiền này nếu đúng phải là của Lâm Xung. Hôm nay tao biểu tụi nó đón mày qua đây để giới thiệu mày với anh em của nó. Mày là thằng bình tĩnh, gan dạ, biết dùng chiến thuật trên sàn đấu, biết khiêm nhượng khi thắng cuộc. Đúng là một võ sĩ có tinh thần thượng võ.

Nói xong, ông vừa đưa bì thư đựng tiền của tôi lên cao, vừa lấy ra một phong bì nữa, nhìn quanh rồi lại nhìn tôi nói tiếp:

-                     Đây là tiền thắng và thua độ, tao giao hết cho mày. Ráng về ăn uống tập luyện sáu tháng nữa rồi đấu lại với Lâm Xung. Đây…ông ấn mạnh cả hai số tiền vào tay tôi.

Nói chuyện qua loa, xã giao thêm một chút nữa, ông cho người đưa tôi về với lời căn dặn “nhớ cố gắng tập luyện”. Tôi ra về, cũng trên chiếc xe ban sáng. Sự căng thẳng đã nhường chỗ cho sự thanh thản. Tôi nhớ mãi trận đấu đài này, bởi tôi đã thắng được cả hai mặt: Chiến thuật, chiến lược trên sàn đấu và trong nghệ thuật ứng xử ngoài đời.
 (Ghi theo lời kể của Võ sư Trần Tiến)
Học Võ đừng quên học Văn và đâu phải để… đi đánh nhau.

Nhà văn Thanh Hữu.

            -       Hôm nay, “Anh Lộc” sắp tới đây thăm các em.

Võ sư Mỹ bảo chúng tôi như vậy, vào một buổi chiều mùa hè khoảng năm 1945, tại sân tập Ấu Trĩ Viên Hà Nội. Hồi đó, tất cả chúng tôi đều ở lứa tuổi từ 12 tới 16 tuổi, khoảng gần trăm “mạng”, chiều chiều tới Ấu Trĩ Viên để học “Võ tự vệ Vovinam”, danh xưng của chương trình Tự vệ nhập môn của môn phái Vovinam đương thời.
  

Tưởng cũng cần phác họa lại thêm khung cảnh học võ của chúng tôi hồi đó: toàn thể chúng tôi đều bận quần đùi, maillot, và cùng mang một tâm trạng học võ hết sức đặc biệt: vừa vì tò mò, vừa vì “khoái” võ học qua ảnh hưởng của các sách truyện võ hiệp đương thời, vừa vì ý hướng muốn tham gia vào các hoạt động thanh niên thể thao. Do đó, trong tâm tưởng chúng tôi, hình ảnh vị võ sư sáng tạo môn phái thường “có họ” với các vị “sư tổ” các môn phái võ học trong truyền thuyết: hoặc râu tóc bạc phơ như Ngũ Mai Lão Ni, hoặc tu hành khổ hạnh như Chí Thiện Thiền Sư hoặc tiên phong đạo cốt như Quỹ Cốc Tử, với bốn người môn đệ lừng danh là Tôn Tẩn, Bàng Quyên, Tô Tần, Trương Nghi.
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh võ thuật

Chúng tôi hồi hộp chờ đợi võ sư Nguyễn Lộc xuất hiện. Ủa! Ngạc nhiên biết bao khi trước mắt chúng tôi là một thanh niên khoảng 30 tuổi, dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm đen, với lối phục sức giản dị: chemisette bỏ trong quần. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên đó, tôi còn nhớ mãi lời dặn ngắn gọn, ấm cúng của Anh đối với tất cả võ sinh chúng tôi:

             -      Cố gắng lên, các em nhé! Học võ, đừng quên học văn đấy. Xã hội kỳ vọng rất nhiều ở các em đó!

Sau đó, chúng tôi về học tại võ đường Chancheaume, Hà Nội, trực tiếp thụ huấn ở Anh. Còn nhớ, hồi đó giữa học trò Lypro (tức Lycée Protectorat, trường Bưởi) và học trò Lycée Lycat (Lycée Albert Saurrat) Hà Nội, thường luôn có chuyện mâu thuẫn, lục đục. Có nhiều nguyên nhân sâu xa: học trò Lypro học theo “chương trình bản xứ”, đa số là con em công tư chức và những gia đình Việt Nam hành nghề tự do, trong lúc học trò Lycal học theo “chương trình Tây” và đa số là con em những gia đình vào làng Tây. Sự kỳ thị giữa hai trường càng tăng thêm, khi Lypro có truyền thống cách mạng, luôn luôn hỗ trợ các phong trào cách mạng chống Pháp, còn Lycal ngược lại, luôn luôn “bợ” Pháp và dè bĩu dân “An nam mít”!

Học Lypro, tất nhiên chúng tôi đứng hẳn vào thế… hục hặc với Lycal. Hục hặc nhỏ, có xô xát nhỏ. Hục hặc lớn, sẽ xảy ra những vụ “dàn trận” lớn. Thường thường “con nhà Tây” tuy to con, nhưng khó đánh lại chúng tôi vừa đông vừa “chì’ hơn. Tuy vậy, bọn Tây cũng bất khuất kinh khủng! Thua thì thua, chúng vẫn không chịu “hàng” vẫn tiếp tục tham chiến nhiều nhiều và vân vân nữa, làm “phiền” chúng tôi không ít!
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh võ thuật
Bẵng đi một buổi học, tôi tới võ đường với… bộ mặt sưng húp và… có dán thuốc cao (hồi đó chưa có băng keo dán như ngày nay). Anh Nguyễn Lộc chỉ hơi nhíu mày nhìn tôi với những tia mắt thương hại. Tan giờ học võ, tôi ríu ríu muốn chuồn êm, Anh đã gọi giật lại mà hỏi:

            -       H…! Em ở lại, anh bảo.

Tôi đành “vâng”. Anh bảo tôi ngồi xuống ghế, rồi ôn tồn hỏi:

            -        Em quan niệm học võ như thế nào? Có phải là để … “đi đánh nhau” không?

Đã chuẩn bị sẵn, tôi định thao thao bất tuyệt giải thích, Anh đã chận lại mà bảo:

           -       Anh đã biết rõ cả. Đành rằng các em “cay” bọn Tây con, nhưng học võ đâu phải để “đi đánh nhau”? Các em nên nhớ: phải biết nhẫn nhục, chịu đựng, mới có thể làm việc lớn được…

Sau này, những lần đến thăm anh tại nghĩa trang, tôi vẫn thấy anh đăm chiêu nhìn tôi với ánh mắt cương nghị và trìu mến, như thầm nhủ: “các em nên nhớ…”, tôi lại không cầm được nước mắt.
Người thầy trong rừng cọp Finnom


Một hôm, anh Hai Trung đi qua rừng cọp Finnom Đà Lạt, bỗng thấy một đám trai trẻ gần chục đứa đang vây đánh một ông lão say rượu để cướp bộ da cọp của ông mang bên mình. Ông lão trạc tuổi 66, người quắc thước, râu tóc bạc phơ, tay chân múa may quờ quạng. Có điều lạ, cả đám trai trẻ hung hãn đã không hạ được, trái lại còn bị té ngã khi đụng vào tay chân của ông. Dưới con mắt nhà võ, anh Hai Trung chợt nhận ra ông lão là một bậc cao thủ võ lâm. Mỗi bước chân quờ quạng, mỗi đường tay múa may đều là những chiêu thức kỳ ảo tạo thành một màn thép vừa che kín thân ông vừa làm đối thủ bị quật té khi chạm vào.

Anh biết, ông lão đang đùa giỡn, chưa ra “độc chiêu”để hạ đám trai trẻ, anh nhủ thầm: “Thật là dịp may cho mình được diện kiến một bậc cao minh”. Anh liền nhảy vào đánh giạt cả đám trai trẻ làm chúng hoảng sợ bỏ chạy. Ông lão vắt bộ da cọp trên vai, khập khễnh đi sâu vào rừng Finnom không nhìn, cũng không một lời với anh.
       

Anh Hai Trung đứng ngẩn ngơ một hồi lâu rồi vụt chạy theo ông lão. Hơn 10 km đường rừng quanh co, heo hút, khó đi. Bóng tối đang đổ dần xuống, khu rừng càng trở nên hoang vu, rợn người. Cơ ngơi của ông lão là một căn chòi trống trơ, hiu quạnh nằm cạnh một cái rẫy bắp còm cõi gần như phó thác cho trời đất trông coi. Anh Hai Trung nhặt lấy chiếc đèn dầu nằm chỏng chơ trên nền đất. Đèn đã cạn sạch dầu tự bao giờ. Anh chạy ra ngoài nhặt một mớ củi khô nhúm lửa. Ánh sáng lập lòe, xua tan phần nào nỗi âm u đang đè nặng cảnh đời ông lão lẫn tâm hồn anh. Anh ngồi xuống “chiếc giường” gồm mấy khúc cây rừng sù sì ghép lại. Ông lão lấy chai rượu trắng ở góc chòi ngửa cổ uống một hơi rồi trao cho anh:

- Uống đi!

Anh Hai Trung vòng tay nhìn ông lão, lòng chạnh đau:

- Thưa bác, cháu không biết uống ạ.

Ông lão gật gù, một lát lại hỏi:

- Có hạ được cọp không?

- Dạ không ạ.

- Nếu không thì về ngay đi. Cọp sắp đến rồi đấy.

Anh Hai Trung nhìn ra khu rừng. Ngoài chút ánh sáng nhòe nhoẹt nhờ mấy cành củi khô cháy dở, đang biến mọi vật quanh anh kể cả ông lão chập chờn như những bóng ma, còn lại chỉ là một bóng đen dày đặc cùng với những âm thanh ghê rợn của những khu rừng nổi tiếng nhiều thú dữ. Bất chợt anh lạnh người khi nghĩ mình phải trở ra khu rừng giờ này mà trái tim bỗng thắt lại, Anh khóc lúc nào không hay khi nghĩ đến ông lão phải chống chọi ngày ngày với thú dữ trong cảnh cô đơn tuyệt cùng của trời đất và con người.
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh võ thuật

Anh Hai Trung đang suy nghĩ miên man thì đột nhiên những tiếng gầm gừ đâu đây mỗi lúc một rõ. Và bất chợt một con cọp từ bên ngoài nhảy chồm vào căn chòi. Anh Hai Trung đang bối rối thì nhanh như chớp ông lão ngồi sụp xuống thủ thế. Con cọp vừa từ trên cao hạ mình, ông lẹ làng tung một đấm tay mặt, bồi tiếp một cú đấm tay trái vào mình cọp và quất liền một đòn chân vào ngay hạ bộ của cọp. Con vật chỉ còn là một đống thịt mềm nhũn trước mắt anh. Ông lão rút cặp song phủ nơi liếp chòi, lấp loáng qua ánh lửa, đập lên mình cọp cho tỉnh dậy và nói như người cha dạy con:

- Tại sao con không thương già. Đây là lần thứ ba, già tha mạng. Một lần nữa, con chỉ còn là bộ da kia kìa.

Ông lão vừa nói vừa chỉ bộ da cọp đang năm chơ vơ dưới đất mà sáng nay ông đã mang theo bên mình. Con cop nằm rạp đầu như lạy tạ rồi nặng nề vươn mình kéo lê 4 chân rời khỏi căn chòi và mất hút trong đêm. Đêm đó, anh Hai Trung ngủ cùng ông lão. Ông không hề nhắc lại chuyện hạ cọp.

***

Từ đấy, anh Hai Trung xin phép thân phụ được thường xuyên vào rừng Finnom sống, lao động và học tập bên ông. Ông tên Sáng, quê Lái Thiêu, lên rừng Finnom cất chòi, làm rẫy ẩn cư. Ông thường ít nói, nhất là tâm sự về đời riêng. Ông chỉ truyền dạy cho anh Hai Trung khi đã mềm người vì rượu. Những lúc đó, dưới mắt thường, ông là người “nát rượu” nhưng với anh mỗi lời nói, mỗi hành động của Thầy đều mang đặc tính ẩn dụ, hàm chứa niêm bày tỏ của một con người tự do, khinh thường số phận và không khiếp sợ cuộc đời. Sống mỗi mình giữa khu rừng Finnom như ông, phải chăng là cách sống của một nhà hành đạo đã chứng ngộ về cuộc đời?

Sau gần 4 năm bên ông, anh Hai Trung đã học được biết bao điều vô giá, từ những nguyên lý đạo đức phù hợp với cuộc sống chân như của võ đạo, cho chí những công phu đặc dị của võ học mà anh đã được ông truyền dạy như Liên hoàn tam cước pháp, Nhất bộ tam mã phi tiễn cước, Liên hoàn nhất thủ giải pháp công, Liên hoàn thối thủ giải pháp mã công, Di ảnh kì hình liên bộ pháp thân… Đặc biệt, anh Hai Trung còn học được phần nào cách khuất phục cọp bằng tay không, và biết chút ít khôi hài hóa võ công bằng những chiêu thức trông như hoạt kê, ngay ở những tình huống chết người, vừa để đùa giỡn cuộc đời vừa để thể hiện cái phong thái ung dung, điểm thị của bậc võ công thượng thừa, không hề chấp chi đến trạng tướng bên ngoài.
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh võ thuật
Một hôm, anh Hai Trung từ nhà vào lại rừng Finnom, đem thật nhiều rượu cho Thầy. Căn nhà và cái rẫy còm cõi vẫn nằm đó trơ trọi cùng những chú cọp đêm đêm vẫn rạp mình khi qua lại nơi đây, nhưng Thầy thì không thấy đâu. Rừng Finnom lạnh lẽo và hoang vu, nhưng chắc chắn không lạnh lẽo và hoang vu bằng tâm hồn anh. Anh đã nằm một mình trên “chiếc giường” ghép bằng những khúc cây rừng sù sì của Thầy, suốt nhiều đêm dõi mắt vào bóng tối cầu mong Thầy trở về. Anh khao khát được nhìn đôi mắt rực sáng, được nghe tiếng cười đôn hậu, giọng nói trầm tĩnh cho đến tiếng cười chảy buồn buồn, anh thấu được mỗi lần Thầy nâng chai mà uống. Tất cả đã cho anh niềm tin vào sự sống, hình như cũng làm cho cây rừng Finnom xanh hơn, suối rừng trong hơn và thú rừng hiền hơn…

***

Mãi 14 năm sau, anh Hai Trung mới có dịp về Lái Thiêu dò tìm tông tích người Thầy năm xưa. Mừng thay, Thầy còn sống, nhưng đau lòng thay, Thầy không còn nhận ra người học trò cũ, vì nay Thầy đã là một người… điên. Thầy không còn thích uống rượu, Thầy chỉ thích nhịn đói và chạy bằng chân không suốt ngày đêm ngoài đường như cố đuổi theo một hình bóng thân yêu. Nhiều ngày anh Hai Trung phải chạy theo “dỗ dành” để đút được miếng cơm cho Thầy.
Kết quả hình ảnh cho hình ảnh võ thuật
Và một ngày kia Thầy cũng chạy nhưng mãi mãi không còn ai được nhìn thấy Thầy trở về. Nghe đâu, Thầy điên đến chết vì quá nhớ thương người con gái duy nhất của Thầy đã bị bắn chết vì chiến tranh: “Vỗ gươm mà hát, nghiêng đầu mà hỏi. Trời đất mang mang ai người tri kỷ. Lại đây cùng ta cạn một hồ trường. Hồ trường, hồ trường ta biết rót về đâu. Rót về Đông Phương nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng loạn. Rót về Tây Phương, mưa Tây Sơn từng trận chứa chan. Rót về Bắc Phương, ngọn Bắc Phong vi vút cát chảy đá dương. Rót vê Nam Phương, trời Phương Nam mù mịt có người quá chén say như điên như cuồng. Nào ai tỉnh, nào ai say. Chí ta ta biết, lòng ta ta hay. Nam nhi sự nghiệp ư hồ thủy. Hà tất cùng sầu với cỏ cây…”. Anh Hai Trung chợt nhớ vào một đêm trăng xa xưa, Thầy đã đọc sang sảng bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác cho anh nghe giữa rừng cọp Finnom khi Thầy đã thấm đậm những giọt rượu và trăng. Bài thơ hay một dòng đời điên đảo của một chí lớn ngàn năm chưa trọn, và anh đã khóc hồn nhiên như trẻ nít trong đêm ấy…

PT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét