Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

ĐỊNH HƯỚNG ĐI ĐÂU? 8

(ĐC sưu tầm trên NET)

Nhức nhối vấn đề nợ công (P.1)

(Nguồn ảnh: Pixabay)
(Nguồn ảnh: Pixabay)
Nợ công của Việt nam hiện đang là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận công chúng. Theo số liệu của Bộ Tài chính công bố, nợ công của Việt Nam 2014 lên mức 60,3 % GDP (111 tỷ USD), tăng 16,4% so với năm 2013. 
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra là liệu Việt Nam có phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ trong tương lai? Nợ công của Việt Nam có an toàn hay không? Chất lượng nợ công thế nào? Số liệu đưa ra đã được tính toán đầy đủ chưa? Hàng năm số tiền vay nợ đều tăng hơn 10%, cao hơn tăng GDP, nhưng có thực sự hiệu quả không? Có phải sử dụng nợ, đầu tư công còn quá nhiều lãng phí, vay được tiền nhưng sử dụng không hiệu quả, còn để xảy ra nhiều lãng phí, tiêu cực, tạo gánh nợ cho thế hệ sau như các đại biểu quốc hội thay mặt cho dân đã nói không…Chúng ta cùng xem xét một vài khía cạnh để phần nào lý giải được vấn đề này.
Nợ công là gì?
Theo quy định riêng của Việt nam, nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Trong đó, chủ thể vay là chính phủ, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp do chính phủ bảo lãnh. Phương thức vay nước ngoài, như vay của các tổ chức tài chính quốc tế (WB, IMF, ADB…) vay thông qua phát hành trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế, vay ODA,..vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ. Tất cả các khoản vay ngoại tệ đều được quy đổi về tiền đồng trong các báo cáo.
Nợ công năm 2006 là 405 nghìn tỷ đồng, bằng 41,5% GDP; Năm 2010 là 1.392 nghìn tỷ đồng, bằng 54,9% GDP; năm 2012 là 1.643 nghìn tỷ đồng, bằng 55,7% GDP; năm 2013 là 1.913 nghìn tỷ đồng, bằng 53,4% GDP; năm 2014 là 2.375 nghìn tỷ, bằng 60,3% GDP.
Từ số liệu cho thấy là dù trong giới hạn cho phép ( dưới 65% GDP), nhưng nợ công trong thời gian qua đã tăng khá nhanh. Số nợ công hàng năm đều tăng trên 10% và tăng cao hơn cả tốc độ tăng GDP. Từ đó nợ công trên 1 đầu người việt nam cũng ngày càng tăng, kể cả 63 triệu nông dân thu nhập cực kỳ thấp, dưới mức đói nghèo theo cách tính của WB.
Cụ thể GDP của Việt Nam năm 2014 tính theo giá hiện hành đạt 3.938 nghìn tỷ đồng, tương đương 184 tỷ USD. Nợ công bằng 60,3 % GDP, là 111 tỷ USD, bình quân đầu người 1.224 USD, tăng nhiều so với con số 950 USD/người đưa ra năm 2014 đã làm dư luận rất quan ngại. Cách đây 10 năm, nợ công Việt Nam là 19,3 tỷ USD, bình quân 234 USD mỗi người.

Như vậy, trong một thập kỷ, bình quân nợ công trên đầu người tăng gấp 5 lần, và tổng nợ đã tăng hơn gấp 5,75 lần. Đây là con số đáng suy nghĩ.

Trong đó tỷ lệ nợ trong nước tăng nhanh hơn hơn, còn tỷ lệ vay nợ nước ngoài duy trì ở mức 29% GDP trong 5 năm vừa qua. Các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đôi lúc bị ảnh hưởng, như ODA của Nhật 2014 có tạm dừng do bê bối tham nhũng trong ngành đường sắt nhưng nói chung ít có sự thay đổi trong giai đoạn này và phần lớn có các điều kiện vay rất ưu đãi.
Về trả nợ, không để phát sinh nợ quá hạn. Thanh toán lãi vay của chính phủ giữ ở mức dưới 2% GDP. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 ước khoảng 14,2%. Tỷ trọng vay trong nước tăng lên, chủ yếu qua phát hành trái phiếu chính phủ ngắn hạn với lãi suất cao hơn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ tăng nhanh trong thời gian qua.
Nợ trong nước tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây gây ra một số quan ngại. Nguyên do chủ yếu là thâm hụt ngân sách đã tăng từ mức 1,1% GDP năm 2011 lên trên 5% trong ba năm sau đó. Tổng nợ công hiện đang ở mức trên 60% GDP, tăng 10 điểm phần trăm kể từ năm 2011. Nếu không cắt giảm tỷ lệ vay nợ này, rủi ro có thể sẽ tăng nhanh.
Còn một lưu ý là con số tổng nợ công đã đưa ra trên chưa bao gồm những khoản tự vay trong và ngoài nước của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó gồm cả các công ty bảo hiểm, một số khoản của Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội; những khoản nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương từ nhiều năm trước; những khoản vay ứng trước ngân sách năm sau… Nếu cộng cả con số nợ của doanh nghiệp nhà nước không được chính phủ bảo lãnh này cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản vào con số công bố chính thức thì nợ công Việt Nam năm 2014 xấp xỉ 98,2% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn (65% GDP) được khuyến cáo phổ biến bởi các tổ chức quốc tế.

Thành Tâm

Đầu tư công lãng phí, trụ sở nhiều tỉnh to như cung điện (P.2)

Với chiều cao 37 tầng, tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng đang giữ kỷ lục tòa nhà cao nhất Đà Nẵng. Khởi công tháng 11/2008. (Ảnh: vnexpress)
Với chiều cao 37 tầng, tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng đang giữ kỷ lục tòa nhà cao nhất Đà Nẵng. Khởi công tháng 11/2008. (Ảnh: vnexpress)
Trụ sở là nơi phục vụ nhân dân chứ không phải cung điện, không phải nơi tham quan… Kể cả trụ sở của đảng ủy nhiều tỉnh cũng phản cảm lắm, xây dựng lộng lẫy, xa hoa” – đại biểu quốc hội Ksor Phước nói trên diễn đàn quốc hội ngày 19/9/2014. 
 Đồng tình với quan điểm trên, có đại biểu cho ý kiến dân mình thì đói khổ, học sinh không có chỗ để học, có những điểm trường rách nát, các em phải ăn khoai sắn đến trường. Vậy mà trụ sở UBND phường – xã, quận – huyện chiếm hàng mấy ngàn mét vuông, xây đẹp khỏi chê. Nợ công không phải là vấn đề, trên thế giới các nước giàu đều có tỷ lệ nợ công cao, họ vay để đầu tư tạo ra hiệu quả, tạo ra phúc lợi cho người dân. Còn mình thì vay về sử dụng không hiệu quả, đầu tư công lãng phí, tham nhũng, thất thoát, tiền của công lại quen gọi là tiền “chùa”. Chúng ta cùng xem thực trạng về việc này để có thể tìm giải pháp nâng cao chất lượng đầu tư công, góp phần hạn chế áp lực tăng nợ công.
Trụ sở nhiều tỉnh to như cung điện
Đà Nẵng, nổi tiếng bởi trung tâm hành chính cao 37 tầng, với độ cao 166,8 m là tòa nhà cao nhất miền Trung hiện nay, và cũng là tòa hành chính hiện đại nhất, cao nhất cả nước, có thể là tòa nhà hành chính cao nhất thế giới. Xây dựng trên khu đất rộng 23.318 m2, tổng diện tích sàn sử dụng là 64.108 m2. Phục vụ cho khoảng 1.000 người của 24 sở, ban, ngành của Đà nẵng. Với bình quân sàn sử dụng 64 m2/ người. Có 13 thang máy thông minh từ tầng hầm lên tầng thượng. Đây là công trình cấp đặc biệt với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là hơn 2.131,3 tỉ đồng. Rất rất rộng, hiện đại và hoành tráng, còn hiện đại và cao hơn cả khách sạn Novotel bên cạnh, trang trí và nội thất bên trong cũng rất xịn, có vẻ rất tương phản với dân, người dân nghèo vào đây gặp “quan” ắt hẳn phải rất ngại ngùng.

Trung tâm hành chính Đà Nẵng (Ảnh: vnexpress)
Trung tâm hành chính Đà Nẵng (Ảnh: vnexpress)

Bình Dương trong cuộc chạy đua xây trụ sở lớn cùng với Đà Nẵng, là tỉnh đầu tiên tập trung các cơ quan hành chính vào toà tháp 21 tầng, có bãi đáp trực thăng do Singapore thiết kế, tổng đầu tư hơn 1.400 tỷ. Trung tâm hành chính này gồm tòa tháp đôi A và B, có diện tích sàn 104.000 m2 (gấp rưỡi diện tích sàn của Đà nẵng, bình quân 104 m2 sàn cho 1 người), cao 104 mét. Ngoài ra, còn có một trung tâm hội nghị – triển lãm được xây dựng kế bên tòa tháp hành chính, gồm nhiều phòng họp với tổng sức chứa gần 1.400 người, cùng với mặt trước của trung tâm hành chính là sân rộng, nhiều thảm cỏ. Phía trước là công viên thành phố mới Bình Dương vừa được xây xong tạo thành một quần thể quá hoành tráng, rất nổi bật. Được đưa vào làm việc từ tháng 2 năm ngoái, nhưng cũng không tiện cho người dân, ví dụ, không có một người công nhân nào dám đến để được tư vấn hay hỏi về các quy định của pháp luật liên quan đến người lao động, dù bức xúc của người lao động còn nhiều, vì thế liên đoàn lao động tỉnh vẫn phải duy trì một trung tâm tư vấn pháp luật tại trụ sở cũ để đón tiếp công nhân nghèo.

(Ảnh: vnexpress)
(Ảnh: vnexpress)

Còn rất nhiều tỉnh đã hoặc đang xây dựng trụ sở rất hoành tráng như Lai Châu, Cần Thơ, Hậu giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Sóc Trăng… còn nhiều tỉnh miền núi rất nghèo, không tự cân đối được ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo rất lớn nhưng cũng đua nhau xây trụ sở…Mới đây Hải Dương cũng đã có quy hoạch xin xây trung tâm hành chính mới rộng 19,15 héc ta, tổng mức đầu tư 2.060 tỉ đồng.
Không chỉ trụ sở tỉnh, mà đến cả trụ sở hành chính huyện, xã cũng xây rất to, rất bề thế, tốn đất và chi phí đầu tư lớn. Có thể nói các địa phương đua nhau xây trụ sở to, hoành tráng, như lâu đài mà các đại biểu quốc hội gay gắt lên án là có thật, hầu như tỉnh nào cũng thế, đua nhau xây thật hoành tráng. Tình trạng này không những không giảm bớt mà còn có chiều hướng gia tăng thành hội chứng. Rất khó khăn trong việc tìm kiếm số chi phí đã đầu tư xây dựng cơ bản của các tỉnh, huyện, xã đã xây trụ sở hoành tráng, lãng phí, nhưng chắc chắn đó là con số không hề nhỏ.
Vì sao biết vô lý vẫn làm?
Ai lên làm lãnh đạo tỉnh, huyện, xã cũng cố có được cái dự án để đời trong mỗi nhiệm kỳ. Thực tế hiện nay, câu chuyện địa phương nào, tỉnh nào cũng muốn xây trụ sở, có rồi lại đập đi xây mới là điều bình thường. Chỉ một ví dụ điển hình, Lai Châu dù là một trong những tỉnh nghèo nhất nước nhưng vẫn tự hào có trụ sở là công trình để đời, có quảng trường lớn nhất cả nước.

Trụ sở các cơ quan hành chính Lai Châu. (Ảnh: laichau.edu.vn)
Trụ sở các cơ quan hành chính Lai Châu. (Ảnh: laichau.edu.vn)

Khi chưa hoàn toàn tự chủ được về ngân sách tức là vẫn phải phụ thuộc vào nguồn tiền rót về từ trung ương, dân thu nhập chưa đủ ăn, thì trụ sở to là rất phản cảm. Hiệu quả quản lý hành chính nhà nước không phải phụ thuộc vào độ bề thế, hoành tráng của trụ sở. Hãy xem các nước khác quanh ta có ai có trụ sở to thế đâu mà nền hành chính của họ rất tốt, quản lý đất nước bài bản khoa học và có tầm nhìn cho tương lai.
Ai cũng biết thế, vậy tại sao vẫn làm? Có nhiều lý do. Có chuyên gia cho rằng xây dựng cơ bản là có tỷ lệ phần trăm lại quả cao nhất, an toàn nhất, nhanh nhất. Trước đây, quốc hội cũng nói rằng, lãng phí, thất thoát trong  xây dựng cơ bản là 30%. Nếu xin được dự án xây dựng 2.000 tỷ thì cũng được chia nhau 600 tỷ, một con số quá lớn.

Chỉ có những dự án xây dựng mới dễ làm giàu bất chính.

Như vậy, xây trụ sở vừa giải quyết được lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân vừa có GDP địa phương tăng trưởng, vừa có thành tích… và có nhiều thứ khác nữa, tại sao lại không làm. Rồi địa phương này làm được, địa phương khác làm được, tại sao các địa phương còn lại không làm được.
Đồng thời với việc xây dựng trụ sở thì lãng phí vì “gà tức nhau tiếng gáy”, tỉnh họ có thì tỉnh mình cũng phải có, tiền nhà nước cả. Tỉnh nào cũng có cảng biển, sân bay, cũng có khu kinh tế, nhà máy thép, nhà máy đường, nhà máy xi măng, sân golf… bất chấp hiệu quả kinh tế như thế nào. Và thực tế là hàng trăm nhà máy đường đã phá sản, hàng trăm nhà máy thép, xi măng địa phương đã phá sản… Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là tiền dân đóng thuế, thua lỗ dân chịu cả, mà lãnh đạo một số nơi vẫn phóng tay đầu tư xây dựng, cốt sao có dự án để có dịp “phết phẩy” làm giàu bất chính cho cá nhân.
Đây là một lý do giải thích vì sao có một số người chỉ làm lãnh đạo, không kinh doanh gì mà giàu thế, nhà to như nhà của Ông Trần Văn Truyền. Ví dụ, dư luận cả nước từng xôn xao về chuyện khu vườn hơn 4.000m2 hoành tráng của con trai Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến với khối tài sản trên đất được đồn đoán khoảng 100 tỷ đồng. Hoặc chuyện cách đây mấy năm đoàn hội đồng hương Thanh hóa đến chúc tết và đã được ông Lê Khả Phiêu đưa đi thăm tư gia và không rõ ai đó đã đưa hàng loạt ảnh lên Internet để tất cả mọi người có thể tận mắt mục kích, một cựu tổng bí thư của đảng CSVN đang sống xa hoa như thế nào, sùng bái cá nhân mình ra sao (khắp nhà Lê Khả Phiêu, chỗ nào cũng có tượng đồng, tranh, ảnh của ông. Trong nhà còn có vườn để tự trồng rau sạch với giá trị hàng chục nghìn USD. Sự kiện mới nhất là bài viết của Báo Tiền phong, trong bài có một số ảnh đoàn đại biểu tới thăm và chúc tết cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ba bức ảnh được cho là chụp tại tư gia ông Nông Đức Mạnh với nội thất màu vàng rực rỡ đã gây bàn tán khá nhiều trên các mạng xã hội.
Trong khi đó dân ta đang rất nghèo như Đại Kỷ nguyên đã có bài  hảo tâm thiện nguyện, đừng ăn chặn dân nghèo, giúp nông dân ăn Tết Ất Mùi 2015 no ấm. Nhiều huyện miền núi còn thiếu trường học, phải học trong môi trường tạm bợ, tranh tre, nứa lá. Còn 2 triệu người nông dân chưa được sử dụng điện, chưa tiếp cận với văn minh…
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, hoạt động của doanh nghiệp đang rất khó khăn, năm 2014 có 68.000 doanh nghiệp phải giải thể, nguồn thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn,  ngân sách phải vay nợ nhiều, dẫn đến nợ công ngày càng tăng cao, thì các nguồn lực cần được xem xét đầu tư có trọng tâm như các dự án phục vụ nhu cầu an sinh, xã hội như trường học, bệnh viện hoặc các công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng giao thông có sức lan tỏa giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn, không nên đầu tư xây dựng trụ sở hoành tráng và kiên quyết ngăn chặn tham nhũng.
Và đón xem phần 3: Cần quản lý chặt nợ công
Thành Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét