Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

VÕ THUẬT TINH HOA 21

(ĐC sưu tầm trên NET)
Gã lái buôn giữa rừng gươm hiệp sĩ (1)

Trích “Tìm hiểu VÕ THUẬT” tập 2/1991


Thương gia Rihei là một người luôn nuôi hoài bão trở nên một trang kiếm thủ anh hùng. Tiếc thay, hoàn cảnh thực tế không cho phép chàng thực hiện điều đó vì chàng được song thân giao cho công việc kinh doanh buôn bán ở Osaka, một đô thị thương mại quan trọng, nên chàng luôn luôn bận rộn trên thương trường. Chàng rất tủi hổ vì nghề nghiệp của chàng, cái nghề mà ở Nhật Bản thời bấy giờ bị xếp vào hàng thấp kém nhất trong nấc thang xã hội, không những hiển nhiên nó đứng sau giai cấp Samurai, mà nó còn đứng sau cả tầng lớp nông dân và thợ thuyền nữa.

Khi nghĩ đến những trang hiệp sĩ lẫm liệt hành hiệp trượng nghĩa trên khắp các nẻo đường cát bụi, chàng lại lấy làm hổ thẹn vì thấy mình béo mập quá, được tẩm bổ đầy đủ quá, được mặc kimono bằng lụa mềm mại và sống những ngày yên ổn trong ngôi nhà quá ấm cúng.

Chàng cảm thấy thấm thía nỗi thẹn thùng đó khi đọc sách của triết gia Muro Kusyo, trong đó tóm tắt tiểu sử và những thành tích vẻ vang của các trang hiệp sĩ đầu thế kỷ thứ 17. Chàng thấy trong sách có những đoạn chép:

“Trước kia, giới hiệp sĩ Samurai thậm chí không biết đến cả danh từ “thương mại”. Tôi biết thời đó có những thanh niên không biết đến giá tiền của một món hàng. Vì thân phụ của thanh niên này là hiệp sĩ và cũng là bạn tôi, đã khuyên còn mình rằng: “Trên đời này có một việc mà người ta gọi là “thương mại”, con cố gắng làm sao để đừng biết đến nó. Nếu con đi qua chợ, hãy cẩn thận kẻo chốn chợ búa xấu xa ấy ảnh hưởng đến con. Bởi vì chốn thị trường đó trái ngược với những chuyện chính trực và lương hảo hằng ngày của con. Kinh doanh thương mại là một trò chơi có kẻ thắng, người bại, kẻ nào thắng sẽ đánh mất sự thanh thản của lương tâm …” Một người bạn khác của tôi thì giải thích như sau: “Chớ bao giờ nên khuyên một người phải tiết kiệm, dù là tiết kiệm tiền bạc hay tiết kiệm cuộc sống, vì sự tiết kiệm là một hình thức hèn nhát.””

Khi đọc đến những dòng chữ đó, Rihei đỏ mặt vì xấu hổ, vì chàng thấy mình thuộc vào cái giai cấp bị mọi người không thèm lý tới, bị ai nấy kinh rẻ, giai cấp mà người ta cho rằng chỉ biết kiếm tiền để làm giàu.

Dù vậy chàng cũng tự hỏi: Nhận xét về giai cấp buôn bán như thế có phải là quá đáng không? Chàng có cảm nghĩ rằng nếu có hoàn cảnh, chàng cũng có thể tỏ ra can trường được như ai đấy chứ! Đời sống của các nhà kinh doanh đâu có phải là trường học của sự hèn nhát!

Năm 1701, Rihei hay tin lãnh chúa đất Ako là Asamo Takumi-no-Kami sau khi giết hụt quan nội thần Kira tại phủ Tướng quân trong ngày Quốc lễ vì bị lão quan này sỉ nhục, đã được lệnh phải mổ bụng tự tử. Rihei rất đau đớn nhận được hung tin đó. Gia đình chàng từ bao nhiêu đời nay đã từng sống dưới sự che chở của các lãnh chúa đất Ako. Mối luân lý đó khiến chàng cảm thấy mình có trách nhiệm đối với chúa Asamo, dù thân danh chàng chỉ là một nhà buôn bị mọi người khinh rẻ. Chàng có thể đem tài sản giàu có của mình giúp đỡ cho gia đình Asamo nếu cần thiết, và nếu các hiệp sĩ gia tướng của lãnh chúa muốn trả thù thì ít ra, chàng cũng có thể yểm trợ họ về mặt vũ khí.

Nghĩ vậy rồi, chàng liền đi đến xứ Ako tìm gặp Oishi Kura-no-suke, thủ lãnh đoàn hiệp sĩ gia tướng của chúa Asamo, để thỉnh ý ông ta về việc báo thù. Chàng ngập ngừng khi dãi bày tâm sự cùng viên thủ lãnh hiệp sĩ này. Chí lớn trong thiên hạ thường gặp nhau. Đôi tâm hồn trong sáng cảm thông nhau thật rõ ràng. Lòng sốt sắng đầy khiêm tốn của người thương gia trẻ tuổi khiến Oishi vô cùng cảm kích. Ông thay mặt các lão nhân đồng chí hứa rằng:

- Chúng tôi rất cần đến sự tài trợ của ông. Khi nào sắp phải dùng đến, chúng tôi sẽ báo cho ông trước để kịp chuẩn bị.

Khi thủ lãnh Oishi đích thân đến Osaka để bàn chuyện lớn cùng thương gia Rihei, nhà buôn này vô cùng cảm động và sung sướng, nói:

- Chư hiệp sĩ cần những thứ gì, xin cứ cho tiện nhân biết?

Oishi nói:
- Xin ông vui lòng cho bà nhà và các gia nhân đi chỗ khác, tôi có việc cơ mật cần nói.

Khi mọi người ra khỏi phòng, còn lại hai người chủ, khách cùng quỳ đối diện nhau trên nệm, theo phong tục Nhật.

Oishi mở lời:
- Tôi xin trân trọng trao đến ông một thử thách trọng đại và cao quý, mong ông vui lòng giúp đỡ.

Rihei đáp:
- Xin quý vị cứ tin ở tôi! Nỗi nhục lớn của đời tôi là không được vinh dự làm một người hiệp sĩ Samurai, nhưng tôi luôn có hoài bão được xả thân cho một lý tưởng cao cả.

Oishi nói tiếp:
- Chúng tôi là những bề tôi tận trung của chúa Asamo. Tôi xin thay mặt cho bốn mươi sáu lão nhân đồng chí khác của tôi đích thân nhờ ông giúp đỡ vũ khí, và những vật dụng cần thiết chuẩn bị cho cuộc trả thù. Ông là người ngoại cuộc duy nhất được dự phần trong âm mưu tuyệt mật này.

Rihei cúi đầu. Mặt chàng đỏ bừng vì sung sướng.

Oishi giải thích cho Rihei rõ thêm:
- Sở dĩ việc trả thù Kira phải chậm trễ là vì Kira đã tổ chức việc phòng thủ rất chu đáo, hạ sát được y lúc này là rất khó khăn, nếu không nói là bất khả. Nhưng mọi người trong cuộc đều hy vọng đến một ngày nào đó, Kira sẽ yên chí là việc trả thù đã phôi phai trong lòng mọi người, và lão sẽ nới lỏng việc phòng thủ tư dinh của lão. Đến lúc ấy mới có cơ hội tấn công và mới chắc chắn thắng lợi. Vào hôm đó, những thanh gươm hiệp sĩ của chúng tôi sẽ vung lên rửa hận cho chúa, lúc bấy giờ chúng tôi sẽ phải dùng đến nhiều dụng cụ và các loại vũ khí khác. Liệu chúng tôi có thể trông cậy ở ông trong việc cung cấp vũ khí và những vật dụng cần thiết, rồi sau đó, gửi chúng đến một nơi an toàn kín đáo nhất ở Yedo được không ?

- Chắc chắn là được. Tôi sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời tôi cho nhiệm vụ đó, cũng như tôi xin được kể như là một trong số các hiệp sĩ của quý vị.

- Chúng tôi cần đến những thứ sau đây: Chùy, kích, cung, tên, chàng mạng (khăn che mặt), khăn bịt đầu, bao tay và cả những đèn ló nữa; cuộc tấn công chắc chắn sẽ xảy ra ban đêm nên cũng cần đến cả thang dây để vượt tường vào dinh.

- Tôi cũng sẽ cung cấp đầy đủ các thứ đó.

- Nhưng ông phải tránh làm cho mọi người nghi ngờ, ngộ nhỡ khi nhà cầm quyền biết ông đặt nhiều thứ vũ khí như vậy, họ có thể lần ra manh mối của cuộc âm mưu này chăng?

- Tôi sẽ đặt làm tại nhiều lò rèn, mỗi nơi rèn một thứ vũ khí thôi. Tôi cũng sẽ mua những vật dụng cần thiết khác ở nhiều cửa hiệu khác nhau, xin quý vị cứ yên tâm.

- Ông có tin chắc rằng những gia nhân, đầy tớ của ông sẽ không phản ông không? Xin lỗi ông về những lời nói thẳng thừng thô lỗ của tôi, vì tôi cần phải hỏi rõ, ông có chắn chắn tin cậy được gia đình của ông không nào?

- Gia đình tôi sẽ tuyệt đối không biết gì hết. Đích thân tôi sẽ đi mua và đi đặt làm các thứ đó, không sai phái một ai hết.

- Nhân danh lãnh chúa Asamo đã quá cố cùng chư tướng trung thành của ngài, tôi xin chân thành cảm tạ ông.

- Chính tôi mới là người được vinh dự lớn lao ngoài sự mơ ước vì đã được ban cho vinh hạnh được giúp đỡ quý vị.

Giọng Rihei run run vì ông quá đỗi cảm động.

Rihei sắm đầy đủ các thứ mà Oishi đã ủy thác. Đích thân chàng đóng gói các thứ vào thùng gỗ, gửi người mang xuống thuyền để gửi về Yedo.

Tuy vậy, chàng vẫn còn ngại vợ chàng là Sono sẽ để ý đến những hành tung lạ lùng của mình, nên đã nghĩ cách xa vợ ít lâu.

Một hôm Rihei bảo vợ:

- Theo phép nước, tôi có quyền giao trả nàng lại cho gia đình nàng vì nàng nói nhiều quá. Tôi không thể chịu nổi những lời nói dông dài, vô ích, không đâu vào với đâu của nàng nữa. Tôi sẽ gửi nàng về và gửi cho cha nàng một văn bản ly hôn. Sau đó nếu muốn, cha nàng có thể gả nàng cho người khác, đó là quyền của ông ấy. Tuy nhiên, sau một năm, nếu nàng chưa tái giá và đã bỏ được tật xấu đó, rất có thể tôi sẽ cho phép nàng quay về.

Nghe chồng nói xong, vợ chàng hết sức van nài khẩn khoản, nhưng nàng không sao lay chuyển được tấm lòng sắt đá của chồng. Rốt cuộc, nàng yêu cầu:

- Xin phép anh cho em mang theo thằng con trai của chúng ta được không? Nó cần được em chăm sóc mỗi ngày.

Rihei gắt:
- Không được! tôi sẽ săn sóc nó. Nàng có thể gặp lại nó năm sau, nếu lúc đó tôi bằng lòng nhận lại nàng làm vợ.

Người phụ nữ hiền lành, tôi nghiệp đành gậm ngùi giã biệt chồng con, rồi ra đi …

Sau khi đã cho vợ về nhà cha mẹ nàng, Rihei tiếp tục cho người tớ gái chuyên lo việc nấu ăn nghỉ luôn, lấy cớ hay ngáp lớn làm ầm ĩ cả nhà, tiếp đến cho người hầu thân tín nghỉ việc về tội hắn ngủ gật trong khi làm việc trong một buổi tối nọ. Với những người khác, chàng cũng kiếm những lỗi tương tự để sa thải hết. Rốt cuộc, Rihei chỉ còn giữ lại một thằng nhỏ đần độn mà thôi.

(Còn tiếp)

Gã lái buôn giữa rừng gươm hiệp sĩ (2)

Trích “Tìm hiểu VÕ THUẬT” tập 2/1991

            

 
Một buổi tối kia, Oishi bí mật đến gặp Rihei. Oishi hỏi:

- Tất cả mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ chưa? Thưa ân nhân, chúng tôi sắp cần đến những thứ ấy rồi?

Rihei đáp:
- Thưa đã đầy đủ cả. Thùng cuối cùng chứa 15 cây kích vừa được gửi đi lúc nãy.

- Chúng tôi rất cám ơn ông. Sự giúp đỡ của ông làm chúng tôi têm phấn khởi rất nhiều. Nhưng xin mạn phép hỏi ông một điều: Có ai để ý đến việc làm của ông không?

- Tuyệt nhiên không, vì đích thân tôi đi đặt làm và mua ở nhiều nơi khác nhau, tự tôi đến lấy hàng và cũng chính tay tôi đóng gói lấy.

- Không có ai phản đối việc làm của ông chứ?

- Không, vì tôi ở đây chỉ có một mình với đứa con trai nhỏ, và một thằng ở dở hơi mà thôi. Tôi đã cho vợ tôi về nhà cha mẹ nàng, cũng như sa thải hết các gia nhân, đầy tớ trong nhà.
            

 
- Ông đã sắp đặt mọi việc nhà như thế cũng vì chúng tôi. Quả thật chúng tôi mang ơn ông rất nhiều … Giới thương gia ở đất Ako chỉ biết đến yêu cầu của chúng tôi giúp đỡ này nọ, chỉ có ông là một nhà buôn mà lại có tâm hồn của một người hiệp sĩ.

- Ngài quá khen làm tôi thấy sung sướng quá!

- Xin lỗi ông, chúng tôi còn nhiều việc phải làm lắm nên xin phép cáo biệt ông. Tôi phải đi ngay đây, xin chào.

Đêm buông xuống. Cửa vừa đóng, bỗng có tiếng đập thật gấp rút.

Rihei hỏi:
- Ai đó?

Có tiếng người đáp:
- Tôi đây. Tôi là người thủy thủ mà ông bảo mang cái thùng xuống thuyền lúc nãy. Người chủ thuyền cho biết có sự nhầm lẫn về số cân, ông trả tiền chưa đủ.

Rihei trả lời:
- Đó chỉ là món tiền mọn, mai anh trở lại đây, tôi sẽ xin trả đủ.

- Không được, thuyền rời bến ngay đêm này. Ông phải trả ngay cho tôi bây giờ.

Cửa mở. Rihei thấy gì? Sau lưng người thủy thủ là hàng chục viên tuần cảnh tay cầm đèn, dây trói và gậy gộc. Họ vây chặt lấy Rihei.

Rihei kinh ngạc hỏi:
- Có chuyện gì vậy? Các ông muốn gì ở tôi?

Viên trưởng toán tuần cảnh nói:
- Nhân danh pháp luật, tôi được lệnh bắt ông.

- Tại sao? Xin các ông cho biết lý do.

- Ông còn phải hỏi lý do nữa sao? Ông đã vâng lời Oishi, thủ lãnh gia tướng của chúa Asamo đất Ako, đi mua các vũ khí đủ loại rồi gửi lên Yedo để tiếp tay cho bọn âm mưu giết quan nội thần Kira Kozuku-no-suke.
             

Rihei than thầm trong bụng: “Việc lớn như thế là bại lộ rồi, đại cuộc thế là hỏng rồi, thật đáng tiếc!”. Nghĩ thế, nhưng Rihei vẫn cố sức đánh lừa đám tuần cảnh. Chàng nói:

- Tôi không hề làm chuyện đó! Chắc chắn các ông lầm rồi. Đây quả là một sự oan ức ngoài sức tưởng tượng.

- Im ngay. Chúng tôi có chứng cớ rành rành đây, đừng chối cãi vô ích. Mang cái thùng vào đây.


Rihei nhìn cái thùng đầy kích mà hồn xiêu phách lạc, vì chính chàng đã đóng gói và gửi nó đi lúc chiều. Nhưng chàng tự chủ được ngay, rồi vừa ngồi lên mặt thùng, chàng vừa nói:
- Xin quý ông chớ nên mở thùng ra. Đây là đồ dùng của phu nhân một vị vương tước tại triều đình. Trên tất cả các đồ vật đều có đóng dấu hiệu của đại nhân đó. Nếu quý ông không tôn trọng mà cứ nhất định mở ra, tức là các ông đã xúc phạm danh dự của bậc mệnh phụ phu nhân kia. Tôi tin chắc bà ấy sẽ không tha thứ cho các ông đâu. Tôi xin thưa để các ông rõ là tính mạng các ông như thế là đã bị đe dọa rồi đấy.

Đám tuần cảnh hơi có vẻ do dự. Hai người trong bọn họ chụp lấy vai Rihei, lúc đó đang ngồi trên nắp thùng gỗ. Một người bảo:
- Bây giờ ta phải dùng biện pháp khác. Đi bắt thằng bé con tới đây.

Lập tức, những viên tuần cảnh khác vào phòng ngủ bắt con trai chàng là Yoshima, lúc đó vừa tỉnh ngủ, đang ngơ ngác vì sợ sệt.

Khi bọn họ lôi cậu bé Yoshima ra, một tên liền quát bảo Rihei:
- Khôn hồn thì hãy khai ra ngay mọi điều anh biết về bọn gia tướng của Asamo đang âm mưu báo thù cho chủ, nếu không, chúng tôi sẽ trừng trị con anh.

Rihei nghiến răng căm tức, nhưng chàng vẫn bình tĩnh, nói:
- Các ông định đem một đứa trẻ con ra làm áp lực với tôi chăng? Việc đó có dọa đàn bà được thôi. Còn tôi, Rihei Amano đây là một nam nhi, một người đàn ông có thừa can đảm. Mặc dù tôi rất thương con tôi, nhưng tôi sẽ không khai gì hết, đơn giản chỉ vì tôi không biết gì để khai cả. Tôi sẽ không nói gì đâu, dù các ông có giết con tôi trước mặt tôi thì cũng vậy thôi.


Một trong hai người đang giữ Rihei liền nói:
- Thế thì chúng tôi sẽ trừng trị chính bản thân anh, chúng tôi sẽ giết anh, chặt anh ra từng mảnh, nếu anh không khai rõ sự thật. Nào, bây giờ thú nhận ngay đi. Hãy khai rõ cho chúng tôi biết anh đã gửi nào kích, chùy, cung tên để võ trang cho bọn phản loạn, anh còn cung cấp cả những thang dây, đèn ló, v.v.. Chúng tôi có nói sai sự thật không hả? Nếu anh cho rằng chúng tôi nói sai, anh có muốn chúng tôi khai tên từng đứa trong bọn người âm mưu đó không?

Rihei vẫn cứng cỏi:
- Tôi không biết gì hết. Là người buôn bán, tôi có nhiệm vụ phải cung cấp đủ mọi thứ cho khách hàng. Nếu chỉ vì bán mấy thứ đó mà bị người ta theo dõi, nghi ngờ thì làm sao chúng tôi buôn bán được nữa? Nhưng tôi xin khẳng định với các ông một lần nữa rằng tôi không biết chút gì về cuộc âm mưu mà các ông vừa nhắc đến đó cả. Nếu muốn, các ông cứ việc giết con tôi đi … Tôi sẵn sàng vui vẻ mà chết vì cớ nghề nghiệp của tôi.

Đám tuần cảnh nhìn nhau. Viên trưởng toán đưa mắt ra dấu cho cả bọn rồi đi ra ngoài, cửa được đóng lại. Một lúc sau, cửa lại mở. Viên trưởng toán tuần cảnh và Oishi bước vào.

Lần này, Rihei không dấu nổi nỗi sửng sốt và khiếp đảm. Oishi lại nhè xuất hiện ngay vào lúc có mặt bọn tuần cảnh này, khi mà chúng đã biết hết mọi sự thật, thì quả là một sự ngẫu nhiên hết sức tai hại!

Gã lái buôn giữa rừng gươm hiệp sĩ (3)

Trích “Tìm hiểu VÕ THUẬT” tập 2/1991


Nhưng lạ thay! Oishi vừa ra dấu hiệu thì tất cả bọn tuần cảnh đang kềm giữ và bao vây lấy chàng liền bỏ chàng ra ngay, rồi lùi lại quỳ cả xuống ở cuối gian phòng.

Oishi ngỏ lời cùng Rihei:
- Xin ân nhân lượng thứ cho chúng tôi. Cá nhân tôi không hề nghi ngờ ông chút nào, nhưng có một vài anh em trong số bốn mươi sáu lao nhân đồng chí của chúng tôi chưa hiểu rõ ông lắm. Trước mặt họ, ông giống như trăm nghìn lái buôn khác chỉ biết làm giàu bằng mọi cách mà thôi. Họ thắc mắc không biết bọn tuần cảnh có bắt ông khai ra không? Họ rất lo ngại là cuộc âm mưu này đã bị một người không phải thuộc giới hiệp sĩ biết được. Sự lo ngại của họ đã đi đến mức khả dĩ có thể làm trở ngại hành động chung của chúng ta vào phút chót. Vì thế, để họ có thể an tâm, tôi đành phải nhượng bộ để cho họ thử thách ông. Tôi biết chắc chắn trước hết là kết quả sẽ ra sao rồi … Tôi thành thật xin lỗi ông. Người xưa thường nói: “Trong các loài hoa, đẹp nhất là hoa anh đào, trong loài người, cao quý nhất là người hiệp sĩ”. Ông đã nêu gương dũng cảm của người hiệp sĩ ở mức cao nhất. Tôi ao ước tất cả anh em chúng tôi đây đều được có dũng khí như thế khi chúng tôi tấn công dinh Kira. Nhờ ông mà chúng tôi có được một tấm gương sáng. Đó là một gương mẫu tối hậu mà ông đã nêu ra cho chúng tôi cùng soi chung.

Các viên tuần cảnh giả hiệu quỳ ở cuối phòng, bụng rạp xuống chiếu rất lâu để tỏ lòng tôn kính đối với người thương gia đầy lòng nghĩa hiệp, và nói:
- Chúng tôi chân thành xin lỗi ông vì đã dám nghi ngờ ông một cách vô lối, và đã cư xử với ông một cách lỗ mãng.

Rihei đáp:
- Xin mời quý vị đứng dậy cho. Dĩ nhiên vì chưa quen biết tôi nên quý vị nghi ngờ tôi là đúng thôi. Hôm nay tôi đã hiểu rõ được rằng buôn bán thức ra là một cái nghề đáng khinh bỉ. Tôi chỉ những muốn theo chân cùng đi trả thù cho chúa chúng ta, nhưng hoàn cảnh lại không cho phép. Tôi thèm khát được như quý vị. Khi nào quý vị gặp được chúa công nơi chốn suối vàng, xin thưa với ngài rằng tên Rihei này đã giúp quý vị được một chút việc nhỏ mọn.

Vài người trong số các hiệp sĩ cắn môi suy nghĩ, một số khác đưa tay lên ngang mắt để ghi tạc lời nói của Rihei, Oishi nói tiếp:
- Một lần nữa, chúng tôi xin đa tạ ông về sự hy sinh lớn lao ông đã ban cho chúng tôi khi phải đành lòng xua đuổi bà nhà về với cha mẹ để ông thảnh thơi lo việc giúp đỡ chúng tôi. Tôi xin thưa để ông rõ, trong vòng một trăm ngày nữa, ông có thể đón bà nhà về được rồi. Vì sau một trăm ngày nữa, nhiệm vụ của chúng tôi sẽ hoàn thành. Giờ đây, chúng tôi xin phép cáo từ.

- Trước khi quý vị lên đường, xin cho phép tôi được mời quý vị cùng uống với tôi vài chén Sakê.

- Không được, xin cảm ơn ông. Chúng tôi vội lắm.

- Một chút rượu Sakê và chút đỉnh mì Tsenchi soba thôi mà. (Tsenchi soba là một thứ mì ống cắt bằng tay, thứ mì tự làm lấy trong các gia đình Nhật Bản. Chữ Tsenchi còn có nghĩa là tự tay giết thù. Đối với giới hiệp sĩ, câu đó hàm ý một lời chúc may mắn.)

- Tsenchi soba! Thật là một điềm lành …! Tôi không thể từ chối được. Các bạn tôi cần phải lên đường ngay. Tôi đi với họ một quãng rồi sẽ quay lại.

Đoàn hiệp sĩ ra đi, mang theo thùng vũ khí. Người ta còn nghe thấy họ ca ngợi cử chỉ anh hùng của thương gia Rihei:
- Đúng là vàng lẫn trong cát.
- Một bông sen trong vũng bùn.

Trong lúc ấy, thương gia Rihei vẫn chưa hết bàng hoàng với mọi chuyện vừa mới đột ngột xảy ra xong.

Chỉ một giây lát sau, cánh cửa lại bật mở. Lần này không phải là Oishi, mà chính là Sono, vợ chàng, bước vào. Nàng bỏ chiếc mạng che đầu và thi lễ trước mặt chồng, rồi nói:
- Em cúi lạy anh, xin cho phép em được nói với anh chốc lát. Em có chuyện tối quan trọng cần thưa với anh: Cha em muốn em cải giá, hiện ông đã nhận sính lễ của một gia đình khá giả và đâu như đã nhận luôn cả tiền để sắm sửa cho hôn lễ.

Nói xong, nàng gục đầu khóc nức nở.
            

 
Nghe vợ nói thế, Rihei rất xúc động, nhưng ngoài mặt chàng vẫn tỉnh như không, hỏi:
- Bây giờ em tính sao?

Sono rụt rè đáp:
- Ôi! Em không muốn, không hề muốn lấy một người nào khác ngoài anh cả! không muốn thế, nên chiều nay, nhân lúc cha em ngủ, em đã đánh cắp tờ giấy ly hôn lại cho anh đây. Anh hãy giữ lấy nó. Anh hãy gọi em về đi. Anh muốn chúng ta xa nhau mãi sao? Anh không thương con chúng ta sao? Anh muốn nó có mẹ ghẻ để chăm sóc, dạy dỗ nó sao?

Nàng vừa nói vừa trao cho Rihei tờ giấy ly hôn, nhưng Rihei không nhận. Sono khóc nức nở, ôm chầm lấy cánh tay chồng:
- Anh đừng tàn ác với em như vậy!

Rihei không giấu nổi sự cảm động nữa, bèn dịu dàng bảo vợ:
- Em không nhớ rằng tôi đã hứa là sẽ có ngày tôi cho em về sao? Tôi đã bảo em là sau một năm nữa tôi sẽ gọi em về. Đúng, tôi quyết định gọi em về sau một năm, mà … có lẽ còn sớm hơn nữa … khoảng một trăm ngày chẳng hạn … Đúng vậy, tôi không bao giờ muốn em phải xa Yoshimatsu, con chúng ta. Con nó tội nghiệp lắm, đêm nào nó cũng gọi em. Lúc nào tôi cũng nghe thấy nó khe khẽ gọi mẹ và điều đó khiến tôi xiết bao đau lòng. Có một buổi tối, tôi bế nó đi đến tận nhà em. Nhưng rồi tôi nghĩ kỹ, nếu để nó trông thấy em nó lại càng đau khổ hơn khi phải xa em nữa. Thế là tôi lại bế nó về nhà, dỗ dành, nựng nịu nó.

Sono ngỡ chồng đã xiêu lòng, liền nói:
- Thế thì anh thu lại tờ ly hôn rồi gọi em về, gọi mẹ thằng Yoshimatsu về.

- Không, không! Bây giờ thì chưa được đâu. Hãy đợi một trăm ngày nữa đã. Bây giờ thì em hãy về với cha mẹ em đi.

- Anh không hiểu sao? Nếu bây giờ em về với phụ thân em tức là em phải đi lấy chồng khác, và đây sẽ là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau đó.

- Tôi không thể làm khác được. Tôi nhắc lại: Bây giờ thì chưa thể được. Nếu em không thể đợi thêm một trăm ngày nữa thì cứ coi như đây là lần gặp gỡ cuối cùng của chúng ta vậy.

- Thế thì ít ra anh cũng phải cho em vuốt ve thằng bé Yoshimatsu một chút chứ.

- Không được đâu. Con nó đang ngủ.

- Nếu nó ngủ rồi thì để em ngắm nó một chút, một chút thôi!.

- Không, không thể được đâu. Làm thế chỉ khiến em thêm đau lòng mà thôi, em hãy về ngay đi, tôi còn phải đợi một người khách sắp đến bây giờ. Thôi, giã biệt em.

- Than ôi! Thế là hết!

Sono kêu lên rồi ra về, vừa đi vừa khóc tức tưởi.

Rihei ngồi đợi Oishi, nhưng một lát sau lại thấy Sono trở lại. Nàng tất tả đi vào phòng, khăn quàng xốc xếch, vẻ mặt thất sắc, vừa đi vừa nói:
- Xin lỗi anh vì em đã trở lại đây sau khi anh đã thẳng tay xua đuổi, chỉ vì em sợ quá. Có một người bịt mặt đã bắt em, rút trâm cài tóc của em ra rồi nắm tóc em cắt đánh “xoẹt” đến sát da đầu thế này đây, anh xem đây.

Nàng bỏ khăn quàng ra. Đầu nàng lộ rõ, một vùng trên đỉnh đầu đã bị cắt trụi hết tóc.

Rihei xưa nay vốn yêu thích mái tóc của vợ: mái tóc dài chấm gót, đẹp như nhung và mịn như tơ, cho nên chàng rất bất bình về chuyện vừa xảy ra. Chàng toan an ủi vợ, sắp ôm nàng vào lòng thì Oishi đi vào.

Sono chỉ kịp choàng khăn che đầu và Rihei chưa kịp hỏi, thì Oishi đã lên tiếng:
- Xin ân nhân thứ lỗi cho sự chậm trễ của tôi. Tôi không đến sớm hơn được như đã hứa lúc nãy. Bây giờ đêm đã quá khuya rồi nên tôi phải đi ngay. Nhưng để tỏ lòng tri ân đối với ân nhân một lần nữa, trước lúc ra đi, tôi không biết nói gì hơn, chỉ xin được biếu ân nhân một món quà kỷ niệm.

Rihei đỏ mặt nói:
- Quà cho tôi ư? Hóa ra ông khinh tôi thái quá! Lúc nãy ông đã bêu xấu tôi như thế há chưa đủ cho tôi tủi nhục hay sao? Lúc nào quý ông cũng nghĩ rằng tôi hành động để mưu cầu lợi lộc. Ông muốn mượn danh nghĩa một món quà để ném tiền vào mặt tôi sao? Có phải vì tiền mà tôi hy sinh thân mình và làm khổ những người thân yêu của tôi đâu?

- Không phải thế đâu, thưa ân nhân. Tôi không hề có ý làm ân nhân phải hổ thẹn đâu. Trước khi tôi bước vào cõi chết, tôi chỉ xin ân nhân vui lòng cho phép tôi được tặng ân nhân món quà này thôi.

Oishi lấy món quà ra, đặt lên cái quạt cung kính trao đến trước mặt Rihei: một gói nhỏ bọc giấy lụa, buộc bằng hai sợi dây trắng và đỏ theo phong tục Nhật Bản.

Rihei giận dữ ném chiếc gói xuống đất. Giấy rách để lộ ra cái trâm cài và mớ tóc của Sono.

Sono kêu lên:
- Sao kỳ lạ vậy? Tóc của tôi, trâm của tôi đây mà! Vậy ra ông là người lúc nãy đã …
            

 
Không để cho Sono kịp nói hết, Oishi đã ngắt lời:
- Phải rồi, chính là tôi. Xin thứ lỗi cho tôi và mong ân nhân hiểu dùm cho tôi. Sau khi chia tay các bạn xong, tôi đã trở lại đây và tình cờ nghe được câu truyện trao đổi giữa ân nhân và bà nhà. Tôi suy nghĩ phải làm thế nào ngăn được việc cải giá của bà nhà trong vòng một trăm ngày tới đây. Tốt hơn hết là chỉ còn cách cắt tóc bà đi, vì tôi tin chắc không có một người cha nào gả chồng cho con khi mà con gái tóc bị cắt cụt như tóc bà già, cũng như không một người đàn ông nào lại chịu lấy một người đàn bà như thế cả. Một trăm ngày sau, tóc bà sẽ mọc dài trở lại, bấy giờ bà có thể trở về đoàn tụ với ông dưới mái nhà này.

Nghe Oishi nói thế, mắt Sono sáng lên vì sung sướng, nàng nói:
- Như thế là ông đã cứu sống tôi.

- Không, tôi chỉ làm một việc rất nhỏ mọn đối với món nợ quá to tát mà chúng tôi phải mang theo mãi mãi sau này.

Nói xong, Oishi đến gần Rihei và nói khẽ:
- Thưa ân nhân Rihei! Bạn đã tỏ ý muốn tham gia vào công việc của chúng tôi, nhưng hoàn cảnh không cho phép bạn. Bởi thế, tôi xin thay mặt cho toàn thể các lao nhân đồng chí của tôi long trọng hứa với bạn rằng: Khi giờ phút quan trọng đã điểm, chúng tôi sẽ lấy tên cửa hiệu của bạn để làm mật khẩu tấn công vào dinh của Kira. Cửa hiệu của bạn mang tên Amanoya, Do đó, khi một người bạn của chúng tôi hô Ama, thì người kia phải đáp là Noya. Như vậy cũng giống như chính bạn đã trực tiếp dự phần vào hành động trả thù. Bạn là một thương gia, nhưng tâm hồn bạn còn cao cả hơn một người hiệp sĩ nữa. Thôi, xin vĩnh biệt bạn.

Nói xong, người thủ lãnh đoàn hiệp sĩ hối hả ra đi …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét