Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 88

(Trích: "THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 31/a") 



                                         ĐƯỜNG CÁCH MẠNG
Hậu quả của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) cùng với sự thành công của Cách mạng tháng Mười Nga đã kích thích sự nổi dậy mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân lao động toàn thế giới. Năm 1919, ở Hungari đã thành lập được chính quyền Xô viết và tồn tại 133 ngày. Ở xứ Bavie (Đức) và Đông Xlôvaki cũng đã nổi dậy lật đổ chính quyền, đòi thành lập chính quyền Xô viết. Ở nhiều nước tư bản khác như Anh, Pháp, Mỹ… phong trào đấu tranh của công nhân cũng lan rộng, sôi nổi hơn. Tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, ở nhiều nước thuộc địa và nửa thuộc địa như Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ai Cập, Braxin, Pêru, Cuba, Mêhicô…, phong trào chống thực dân, đế quốc đòi độc lập dân tộc, dân chủ cũng diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, ở Mông Cổ, cuộc cách mạng nhân dân đã thành công đưa đến việc thành lập nhà nước cộng hòa nhân dân.


Trước sự phát triển của phong trào đấu tranh đó, tháng 3-1919, Quốc Tế Cộng Sản được thành lập (còn gọi là Quốc Tế III). Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Lênin, Quốc Tế Cộng Sản đẩy mạnh việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười ra toàn thế giới, thúc đẩy sự ra đời của các Đảng Cộng Sản và giúp đỡ phong trào cách mạng các nước.
Trong bầu không khí đấu tranh rộng khắp thời bấy giờ, tiếng vang của sự kiện Cách mạng tháng Mười và cuộc chiến thắng oanh liệt trước thù trong giặc ngoài, giữ vững chính quyền vô sản của Nhà nước Xô viết ở nước Nga không thể không lan truyền đến tai những nhà hoạt động yêu nước Việt Nam đang khắc khoải tìm cách giải thoát dân tộc mình khỏi đói khổ, uất ức dưới cái ách bạo ngược thực dân - nửa phong kiến.
Một triều đình phong kiến khi ở giai đoạn phản động nhất của nó, nghĩa là khi quyền lợi ích kỷ của nó đối kháng cực độ với quyền lợi Đại Chúng và sẵn sàng phản bội lại đất nước, bán rẻ đất nước vì quyền lợi ích kỷ ấy thì nó chẳng khác gì giặc ngoại xâm, thậm chí còn tệ hơn. Lúc đó, chế độ thực dân của kẻ xâm lược hóa ra lại tiến bộ hơn so với chế độ phong kiến đã thối nát. Vì thế mà trong thời kỳ đầu dưới chế độ thực dân, nhiều nhà cách mạng đã lầm tưởng “lòng tốt” của chế độ ấy và muốn dựa vào nó để thủ tiêu triều đình phong kiến tàn dư (mà chính thực dân âm mưu cho nó tồn tại!).
Đối với giai cấp tư sản bản địa thời kỳ ấy thì tìm kiếm tình yêu thương ở nó bằng tuyên truyền, vận động chính trị là vô vọng; đối với chủ nghĩa thực dân thì xin xỏ dân chủ, dân quyền (chưa cần nói đến độc lập dân tộc) bằng giải thích suông là ảo tưởng.
Bản chất tàn nhẫn của chủ nghĩa thực dân, cùng với sự thất bại của các cuộc đấu tranh manh mún, cải lương đã dẫn cuộc đấu tranh tư tưởng trong đội ngũ những chí sĩ yêu nước Việt Nam đến kết quả nhất quán và cuối cùng này: chỉ có cuộc đấu tranh quần chúng rộng lớn và phải bằng bạo lực cách mạng mới có thể đạt được độc lập dân tộc và qua đó mới có thể nói đến dân chủ, dân quyền, nghĩa là phải có một lực lượng đủ mạnh đánh đuổi được kẻ cướp cùng với chủ nghĩa thực dân của nó ra khỏi bờ cõi, đồng thời đánh đổ luôn cái “nửa phong kiến” ma quái kia (mà không chừng không đánh, cái chỗ dựa thực dân đã không còn thì nó cũng tự động tan biến!).
Nhưng bằng cách nào? Cách mạng tháng Mười đã soi rọi đến!
Và khí thiêng sông núi Việt Nam đã hun đúc nên một đứa con đại anh hùng của dân tộc Việt nữa để đặt lên vai người đó cái trách nhiệm như Phù Đổng Thiên Vương, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi - Nguyễn Trãi… đã từng gánh vác: Giải phóng đất nước Việt, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt, thu giang sơn về một mối.
Ngày 19-5-1890, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, miền Trung đất Việt, trong một gia đình nhà nho yêu nước nghèo, một bé trai chào đời và được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung. Lớn lên ở một địa phương có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm và nhờ tư chất thông minh mà hấp thụ được trực tiếp cái tinh thần ấy cũng như tư tưởng đấu tranh từ thân phụ mình là Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cùng bạn bè nhà nho cách mạng của ông, Cung đã sớm nhận thức được cảnh nước mất nhà tan và nuôi chí đánh đuổi thực dân, giành lại đất nước cho đồng bào.
Vào tuổi thiếu niên, khi vào học ở Huế, Cung lấy tên là Nguyễn Tất Thành như một quyết tâm cứu nước. Ở đây, Tất Thành đã tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh chống sưu cao thuế nặng trong hàng ngũ học sinh.
Năm 1910, Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và dạy học ở trường Dục Thanh.
Năm 1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và từ bến Nhà Rồng, xuống một tàu buôn Pháp, nhận chân phụ bếp, lấy tên là Ba, với mục đích là bôn ba ra thế giới để trực tiếp được thấy, nghe, học hỏi, từ đó mà có thể phát hiện con đường khả dĩ đánh đuổi thực dân Pháp; giải phóng đất nước.
Anh Ba đã đi hầu như khắp thế giới, đến rất nhiều nước ở các châu Á, Âu, Phi, Mỹ Latinh. Trước mắt anh Ba, đại bộ phận quần chúng đâu đâu cũng cực khổ, cả ở những thuộc địa, cả ở những nước tự xưng là đi khai hóa văn minh, và đâu đâu cũng có sự phản kháng, đấu tranh. Sẵn có lòng nhân hậu và qua cuộc sống lao động hòa mình với xung quanh, cuộc đi đó đã cho anh Ba nhận thức được nhiều điều quan trọng cho bước đường sau này, nhất là tính phổ biến và tinh thần quốc tế của các cuộc đấu tranh chống áp bức bất công của nhân dân lao động thế giới.
Cuối năm 1917, anh Ba từ Anh trở lại Pháp hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, phong trào công nhân Pháp. Năm 1919, anh Ba lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.
Đầu thế kỷ XX, vấn đề dân tộc và thuộc địa dần mang tính thời sự nổi trội và vì thế cũng trở thành một trong những vấn đề chính yếu trong đường lối chiến lược và sách lược của Quốc Tế Cộng Sản. Vấn đề này đã được đặt ra ngay từ Đại hội lần thứ I của Quốc Tế Cộng Sản (1919).
Lênin đã đặc biệt theo dõi phong trào giải phóng dân tộc ở các nước chậm phát triển và thuộc địa, nhất là khu vực châu Á. Ông cho rằng mâu thuẫn cơ bản của thời đại gồm: một là mâu thuẫn giữa một bên là giai cấp tư sản đế quốc và một bên là giai cấp vô sản quốc tế đã có nhà nước của mình trên 1/6 địa cầu (ý nói Nhà nước Xô viết Nga); hai là mâu thuẫn giữa các dân tộc đế quốc chủ nghĩa đi bóc lột và các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc bị bóc lột. Do sự vận động của hai mâu thuẫn cơ bản đó, giai cấp vô sản quốc tế và các dân tộc bị áp bức phải giúp đỡ nhau, đoàn kết lại xung quanh Nhà nước Xô viết để cùng nhau đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Và trong quá trình đấu tranh cách mạng, với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các dân tộc lạc hậu, trải qua các giai đoạn phát triển nhất định, có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Trên tinh thần nghiên cứu đó, Lênin đã viết “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” (gọi tắt là “Những luận cương”) vào tháng 6-1920 để làm cơ sở thảo luận về vấn đề đặc biệt quan trọng này tại Đại hội lần thứ II của Quốc Tế Cộng Sản. “Những luận cương” được công bố trên tạp chí “Quốc Tế Cộng Sản và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Báo “Nhân đạo” (Pháp) đăng tải trong hai số ra ngày 16 và 17-7-1920.
Tiếp xúc nội dung của “Những luận cương”, Nguyễn Ái Quốc đã xúc động sâu sắc vì tìm thấy ở đây con đường cứu nước mà ông đã khao khát tìm tòi khắp thế giới suốt cả quãng đời thanh xuân và đã thốt lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta! Đây là con đường giải phóng chúng ta”. Cũng do tác động của Cách mạng tháng Mười Nga và “Những luận cương” mà vào tháng 12 năm 1920, khi tham dự Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc Tế Cộng Sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng Sản Pháp. Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Tháng 4-1922, Hội xuất bản tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) nhằm đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa. Nhiều bài báo của Nguyễn Ái Quốc đã được đưa vào tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản năm 1925. Đây là tác phẩm nghiên cứu, vạch trần bản chất bóc lột của thực dân, đế quốc.
Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô (tên gọi tắt của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết) để học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu cách mạng vô sản Nga và tham gia hoạt động trong Quốc Tế Cộng Sản. Tại Đại hội V của Quốc Tế Cộng Sản, Nguyễn Ái Quốc đã đọc một bản tham luận quan trọng, bảo vệ quan điểm của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Trong thời gian này, ngoài công việc trong Quốc Tế Cộng Sản và cùng với việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc cũng luôn theo dõi diễn biến tình hình đấu tranh cách mạng trong nước.
Ngày 11-11-1924, với tư cách ủy viên Ban Phương Đông của Quốc Tế Cộng Sản và ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc Tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc về đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, ông vừa làm việc trong đoàn cố vấn Bôrôdin của chính phủ Liên Xô bên cạnh chính phủ Tôn Dật Tiên, vừa tìm hiểu và tiếp xúc với những người Việt Nam yêu nước sang, chọn một số thanh niên yêu nước thuộc tổ chức Tâm tâm xã, trực tiếp mở lớp huấn luyện, đào tạo cấp tốc. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc được tập hợp lại, in thành cuốn sách “Đường Cách Mệnh”, một tác phẩm quan trọng đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam. Nội dung cơ bản của tác phẩm này là:
  • Muốn cứu nguy dân tộc thì phải làm cách mạng. Cuộc cách mạng tháng Mười Nga là triệt để nhất. Cho nên Cách mạng Việt Nam muốn thành công thì phải noi theo Cách mạng tháng Mười Nga.
  • Động lực của Cách mạng Việt Nam chủ yếu là Công - nông. Còn học sinh, tiểu thương, điền chủ nhỏ chỉ là bầu bạn của Cách mạng.
  • Cách mạng Việt Nam là bộ phận của Cách mạng thế giới, do đó đoàn kết quốc tế là vấn đề quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam, bên cạnh tinh thần tự lực tự cường, tự chủ làm cách mạng.
  • Muốn đưa cách mạng đến thắng lợi thì phải có Đảng cách mạng. Muốn Đảng vững mạnh thì phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam.
Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” tại Quảng Châu, với nòng cốt là những thanh niên đã qua huấn luyện; ra tuần báo “Thanh niên” nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Một số thanh niên đã qua huấn luyện cùng lần lượt được phái về nước hoạt động tuyên truyền, vận động cách mạng.
Hà Nội, từ đó trở thành nơi đưa đón thanh niên yêu nước từ trong nước sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện, từ Quảng Châu về nước hoạt động và cũng là nơi rất sớm đón nhận sách báo, tài liệu cách mạng ở Pháp sang, ở Trung Quốc về theo con đường bí mật, bất hợp pháp. Đặc biệt, các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường cách mệnh”, báo “Thanh niên”… đã được người dân Hà Nội khao khát tìm đọc, bất chấp sự theo dõi, khủng bố của thực dân Pháp.
Cuối năm 1926, chi bộ “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” được thành lập tại một địa điểm ở làng Dịch Vọng (Từ Liêm). Đến năm 1927, cơ sở của Hội được mở rộng. Tháng 3-1927, kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội được thành lập và cơ quan chỉ đạo được đặt ngay tại Hà Nội để từ đó đẩy mạnh việc tuyên truyền, phát triển tổ chức ở các địa phương. Tháng 6-1927, tỉnh bộ Hà Nội của Hội được thành lập và đẩy mạnh hoạt động (theo chủ trương của kỳ bộ Bắc Kỳ thì phạm vi hoạt động của tỉnh bộ Hà Nội gồm các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hưng Yên, Phú Thọ và huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh cũ).
Tháng 5-1927, Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Châu trở lại Mátxcơva, sau đó đi Béclin (Đức), đi Brúcxen (Bỉ), tham dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc, rồi đi Ý. Từ tháng 7-1928 đến tháng 11-1929, Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Xiêm (Thái Lan), tiếp tục chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, nhiều hội viên của Hội đã xâm nhập vào đời sống công nhân, đến trực tiếp làm việc tại các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền… để tự cải tạo mình thành những người cách mạng có lập trường kiên định của giai cấp vô sản, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động, lôi kéo công nhân. Nhờ thế, phong trào đấu tranh ngày càng nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Đó cũng là kết quả bước đầu của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam.
Thực tiễn phát triển của phong trào công nhân lúc này đã cho thấy tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội”, không còn đủ khả năng lãnh đạo; đòi hỏi phải có một chính đảng thực sự của giai cấp vô sản. Cuối tháng 3-1929, để đáp ứng tình hình đó, những phần tử tiên tiến trong kỳ bộ Bắc Kỳ và tỉnh bộ Hà Nội là Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh… đã họp tại nhà số 5 Đ, phố Hàm Long, gấp rút thành lập ra một chi bộ Cộng sản. Lần đầu tiên một chi bộ Cộng sản đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Tại Đại hội kỳ bộ Bắc Kỳ lần thứ II (28-3-1929), chủ trương thành lập Đảng Cộng sản được nhiệt liệt tán thành. Nhưng đến Đại hội của “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” toàn quốc họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) ngày 1-5-1929, đề nghị thành lập Đảng Cộng sản của đoàn Bắc Kỳ do Ngô Gia Tự làm trưởng đoàn đã bị bác bỏ. Ngay sau đó, đoàn Bắc Kỳ bỏ Đại hội ra về, triệu tập cuộc họp tại chùa Hương Tuyết (Bạch Mai) bàn về việc thành lập đảng. Ngày 17-6-1929, tại nhà số 312 phố Khâm Thiên, Đông Dương Cộng sản Đảng chính thức được thành lập, chính cương và tuyên ngôn của Đảng được công bố. Tờ báo Búa Liềm, cơ quan trung ương của Đảng, các tổ chức quần chúng của Đảng cũng lần lượt ra đời tại Hà Nội. Tỉnh bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội chuyển thành Thành ủy lâm thời của Đông Dương Cộng Sản Đảng.
Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã có ảnh hưởng to lớn đến phong trào cách mạng trong cả nước. Tháng 10-1929, An Nam Cộng sản Đảng ra đời ở Nam Kỳ. Tháng 1-1930, phái tả trong Đảng Tân Việt ở Trung Kỳ cũng tự tổ chức thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ba tổ chức Đảng Cộng sản nối tiếp nhau ra đời tại Việt Nam đã nói lên sự bức bách mang tính tất yếu phải có một chính đảng vô sản để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Có lẽ, sự thất bại trong đau thương nhưng hừng hực khí phách của cuộc khởi nghĩa chưa chín muồi do Quốc Dân Đảng phát động đã báo hiệu kết thúc quá trình đấu tranh tư tưởng cùng với trào lưu đấu tranh cách mạng cải lương, bất toàn, manh mún và không triệt để của cách mạng Việt Nam; mở ra một thời kỳ mới đầy hy vọng nhờ qui tụ được về một mối lực lượng quần chúng ngày càng đông đảo hơn, giác ngộ hơn, nhờ vào một đội ngũ lãnh đạo trung kiên hơn, kinh nghiệm hơn qua quá trình hoạt động đấu tranh yêu nước và cách mạng trước đó cũng như qua việc nhận thức ngày một sâu sắc nguyên lý của cách mạng vô sản, và nhất là nhờ có được một mục đích cách mạng cụ thể, rõ ràng, phù hợp với nguyện vọng của Đại Chúng, đáp ứng được quyền lợi sát sườn của quần chúng cần lao Việt Nam, mà công đầu vạch đường mở lối đã gắn liền với cái tên, nghe đã rung động lòng người: Nguyễn Ái Quốc.
Ngày 3-2-1930, tại Hồng Công (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thành lập Đảng, thống nhất ba Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với Lời kêu gọi do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Các văn kiện này, cùng với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Cách Mệnh” đã đánh dấu sự hình thành về cơ bản tư tưởng của con đường cách mạng Việt Nam. Nội dung cơ bản về đường lối do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo lúc đó có thể nêu vắn tắt là: Cách mạng Việt Nam sẽ trải qua hai giai đoạn, trước làm cách mạng dân chủ tư sản, sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa; hai giai đoạn đó nối tiếp nhau không được chia tách, “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mệnh và thổ địa Cách mệnh để đi tới xã hội cộng sản”; trong giai đoạn làm “cách mệnh tư sản dân quyền”, cách mạng thực hiện nhiệm vụ đánh đổ ách thống trị của Thực dân Pháp và vua quan phong kiến, tư sản phản cách mạng, giành độc lập tự do dân tộc, dựng nên Chính phủ công nông binh, tổ chức quân đội công nông, tịch thu hết sản nghiệp của đế quốc, tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn phản cách mạng đem chia cho dân cày nghèo, tiến hành “cách mệnh ruộng đất”, thực hiện khẩu hiệu “dân cày nghèo có ruộng”; lực lượng đánh đổ thực dân, phong kiến, tư sản phản động là công nhân và nông dân, “công nông là gốc cách mệnh” đồng thời cách mạng “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông… để kéo họ đi về phe vô sản giai cấp; còn đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản Việt Nam mà chưa lộ “rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra cũng làm cho họ trung lập”; Cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới; Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam, Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng.
Chúng ta thấy, đường lối cách mạng cơ bản này, chính là sự rút ra bài học về nguyên tắc từ cuộc cách mạng tháng Mười Nga (Có một điều đáng ngạc nhiên là tình hình xã hội của nước Nga và Việt Nam, cũng như bước đường đấu tranh giành và giữ chính quyền của Cách mạng tháng Mười và Cách mạng Việt Nam sau đó đã có những nét tương đồng lớn lao. Có như thế phải chăng bản chất của chế độ Đế quốc phong kiến quân phiệt Nga đã không khác bao nhiêu so với bản chất chế độ thực dân - nửa phong kiến Việt Nam? Nếu đúng như thế thì là ngẫu nhiên hay định mệnh? Dù sao thì hiện tượng này vẫn cứ gợi nhớ đến Sự Tương Tự - một đặc tính vĩ đại và phổ biến của Tự Nhiên Tồn Tại trình hiện ra trước quan sát - nhận thức. Và điều này có lẽ thiêng liêng hơn: thành quả phi thường của Cách mạng tháng Mười Nga và của Cách mạng tháng Tám Việt Nam, trong tương lai sẽ mãi mãi được người đời khâm phục, một khi còn đấu tranh cách mạng giành quyền sống cơ bản của con người).
Thế nhưng, tại Đại hội VI, Quốc tế Cộng Sản đã phê phán đường lối (dự thảo) đó của Nguyễn Ái Quốc. Cho nên hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp vào tháng 10-1930, đã theo chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản vạch “án nghị quyết” thu hồi “Chính cương vắn tắt” và “sách lược vắn tắt”, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tại sao lại như vậy? Chúng ta sẽ quay lại với cuộc đấu tranh tư tưởng về vấn đề dân tộc và thuộc địa trong Quốc Tế Cộng Sản!
Để thảo luận “Những luận cương” của Lênin, Đại hội II Quốc Tế Cộng sản đã thành lập một tiểu ban riêng gồm 20 người, trong đó có đại biểu của Anh, Áo, Bungari, Hungari, Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Inđônêxia, Aixơlen, Trung Hoa, Triều Tiên, Mêhicô, Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Nam Tư. Cuộc tranh luận của Tiểu ban xoay quanh vấn đề: Quốc Tế Cộng sản tuyên bố ủng hộ phong trào dân chủ tư sản ở các nước thuộc địa lạc hậu là đúng hay không đúng: Nói cách khác, cách mạng thuộc địa là cách mạng gì và từ đó nảy sinh ra những vấn đề gì.
Theo nhãn quan mácxít, tình hình cụ thể ở đa số các thuộc địa và phụ thuộc lúc đó là: nông dân chiếm 90% dân số, các quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa, phong kiến, gia trưởng còn thống trị hay chiếm ưu thế; còn giai cấp vô sản công nghiệp thì đang hình thành, hoặc còn rất bé nhỏ, chưa giác ngộ giai cấp sâu sắc, chưa có tổ chức riêng của mình; chủ nghĩa cộng sản chưa được tuyên truyền một cách có hệ thống trong giai cấp công nhân… Trong điều kiện đó Lênin đã đi đến kết luận rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, mọi phong trào dân tộc chỉ có thể là dân chủ tư sản thôi, vì quảng đại quần chúng nhân dân ở các nước lạc hậu là nông dân, tức là những đại biểu cho giai cấp tư sản - tư bản”. Cho nên “nhất thiết phải có sự giúp đỡ của tất cả đảng cộng sản đối với phong trào giải phóng dân chủ tư sản những nước ấy”. Tuy nhiên Lênin viết: “Chúng ta phải và sẽ chỉ ủng hộ những phong trào giải phóng có tính chất tư sản trong những nước thuộc địa, khi những phong trào đó thực sự có tính chất cách mạng, khi những đại biểu của các phong trào đó không ngăn trở chúng ta giáo dục và tổ chức - theo tinh thần cách mạng - nông dân và quảng đại quần chúng bị áp bức. Nếu không có những điều kiện như thế thì những người cộng sản chúng ta ở trong các nước đó phải đấu tranh chống giai cấp tư sản cải lương”. Để thể hiện rõ hơn tư tưởng đó, sau khi thảo luận, Tiểu ban đã nhất trí thay thế danh từ “dân chủ tư sản” bằng “dân tộc cách mạng”. Như vậy, theo quan điểm của Lênin, một mặt, phải ủng hộ phong trào dân chủ tư sản mà chủ yếu là phong trào nông dân để thúc đẩy phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa phát triển, lôi kéo các dân tộc thuộc địa tham gia quá trình cách mạng thế giới và qua thực tiễn đấu tranh tự quyết định vận mệnh của mình, mặt khác vì sự hạn chế của phong trào dân chủ tư sản, nhất là của giai cấp tư sản đang lãnh đạo phong trào ở một số nước, cho nên “không bao giờ được sát nhập với phái đó và phải kiên quyết giữ vững tính độc lập của phong trào vô sản, dù cho phong trào ấy còn ở dưới hình thức phôi thai nhất”.
Trong quá trình thảo luận “Những luận cương” tại Đại hội II Quốc Tế Cộng sản, một số người cộng sản phương Đông, tiêu biểu là M.N.Rôi (Ấn Độ) đã phản đối những quan điểm nêu trên của Lênin, đề ra những quan điểm sau này gọi là “tả khuynh, biệt phái”. Theo Rôi: phong trào dân chủ tư sản ở các nước thuộc địa không phản ánh được nguyện vọng của quần chúng, các thủ lĩnh của nó không tin vào những người lao động, không được công nhận và nông dân ủng hộ; do đó phong trào dân chủ tư sản không thể thành công. Trái lại, việc quần chúng không ủng hộ phong trào dân chủ tư sản đã mở đường cho những người cộng sản giành quyền lãnh đạo cách mạng, cho nên nhiệm vụ hàng đầu là thành lập ngay các đảng cộng sản. Biên bản tóm tắt của hội nghị Tiểu ban về vấn đề dân tộc và thuộc địa có ghi: “Đồng chí M.N.Rôi đi đến kết luận cần phải bỏ một đoạn trong luận cương thứ 11 về vấn đề dân tộc nói rằng tất cả các đảng cộng sản phải gíup đỡ phong trào giải phóng dân chủ tư sản ở các nước phương Đông. Quốc Tế Cộng Sản chỉ cần giúp xây dựng và phát triển phong trào cộng sản ở Ấn Độ. Còn Đảng Cộng Sản Ấn Độ thì chỉ cần quan tâm đến việc tổ chức quảng đại quần chúng để đấu tranh vì những lợi ích của họ”. Về vấn đề tính chất của cách mạng thuộc địa, Rôi còn cho rằng Ấn Độ và các nước phương Đông khác đang đứng trước cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; làm cách mạng xã hội, các dân tộc bị áp bức vừa tự giải phóng được khỏi ách thống trị của bọn tư bản đế quốc nước ngoài, vừa ngăn chặn được sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong nước, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đó cần phải có Đảng cộng sản; vì ở các nước thuộc địa, giai cấp vô sản hoặc còn rất yếu, hoặc chưa ra đời cho nên Đảng cộng sản có thể bao gồm những phần tử nông dân bị áp bức. Hơn nữa, theo Rôi thì lực lượng trung tâm và then chốt của quá trình cách mạng thế giới là phương Đông. Biên bản hội nghị Tiểu ban còn lưu lại: “Đồng chí Rôi bảo vệ tư tưởng cho rằng vận mệnh của phong trào cách mạng châu Âu hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình cách mạng phương Đông. Không có thắng lợi của cách mạng ở các nước phương Đông thì phong trào cộng sản ở phương Tây có thể chỉ là con số không… Bọn tư bản châu Âu trong trường hợp cần thiết có thể cho công nhân tất cả giá trị thặng dư và bằng cách đó kéo họ về phía mình, giết chết ý chí cách mạng ở họ. Nhờ giai cấp vô sản ủng hộ, chính bản thân bọn tư sản sẽ tiếp tục bóc lột châu Á… Vì vậy, cần phải phát triển và đẩy mạnh phong trào cách mạng ở phương Đông và phải chấp nhận một luận cương cơ bản nói rằng vận mệnh của chủ nghĩa cộng sản thế giới phụ thuộc vào thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản ở phương Đông”.
Trên đây là hai quan điểm về dân tộc và thuộc địa đã từng tồn tại một thời gian dài trong Quốc Tế Cộng Sản và cuộc đấu tranh dai dẳng giữa hai quan điểm ấy đã kéo dài suốt từ Đại hội II đến Đại hội VII của Quốc Tế Cộng Sản.
Ngày nay, khi đứng ở vị trí cách xa thời cuộc ấy ngót 100 năm, đã đủ khoảng cách và độ công tâm để nhìn lại, chúng ta phân vân tự hỏi: “Vậy thì Lênin đúng hay Rôi đúng?” Có lẽ cả hai đều có đúng có sai và muốn tìm nguyên nhân gốc rễ của sự đúng sai ấy phải tìm trong những quan niệm xã hội của chủ nghĩa Mác. Dù vậy, nếu hiểu sự vật - hiện tượng xã hội theo quan niệm của chủ nghĩa Mác thì Lênin gần chân lý hơn. Thực tế lịch sử đã chứng minh hùng hồn rằng: các nước thuộc địa giành được độc lập dân tộc rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội thật hiếm hoi và không riêng gì thuộc địa mà hầu hết các nước, bằng con đường khác tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong thời kỳ xây dựng xã hội ấy, chỉ phát triển gọi là nhanh vào thời kỳ đầu, khi vẫn còn sự kích thích tinh thần trong xã hội, rồi chậm dần đi, rồi thì hoặc sụp đổ để biến thái hoặc phải rẽ sang con đường khác, không từ bỏ nhãn mác chủ nghĩa xã hội nhưng cũng biến thái nốt. Đặc biệt là chất lượng cuộc sống của Đại Chúng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, xét cho cùng, cũng chẳng lấy gì làm hay ho hơn, thậm chí là còn “đạm bạc” hơn nếu đem so với chất lượng cuộc sống Đại Chúng ở các nước tư bản hoặc ở một số nước dân chủ tư sản cùng thời. Vì sao vậy? Có thể có nhiều nguyên nhân, có thể có nguyên nhân từ những hoạt động thù địch từ hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa, nhưng không thể đổ vấy tất cả cho yếu tố khách quan được và phải có một nguyên nhân có tính cốt lõi, có tính cội rễ của mọi nguyên nhân gây ra hiện tượng có tính phổ biến đó. Vậy nguyên nhân cội rễ đó là gì? Phải chăng là do nhận thức còn cực đoan, lý tưởng hóa, siêu hình ...về một số quan niệm trong triết học duy vật về cách mạng vô sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội? Một xã hội"đạm bạc" mà bền vững, mức sống tối thiểu của nhân dân luôn được đảm bảo chưa chắc là không tươi đẹp!...
Nhưng thôi, chúng ta quay về để tiếp tục kể câu chuyện về Tổ quốc muôn vàn kính yêu của mình, về thủ đô Hà Nội linh thiêng của mình.
Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, ngay lập tức đã phất cao ngọn cờ lãnh đạo đấu tranh của giai cấp vô sản, tạo nên cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là cuộc nổi dậy Xô Viết - Nghệ Tĩnh của quần chúng công - nông. Dù bị đàn áp đẫm máu và thất bại nhưng cuộc nổi dậy ấy đã đóng vai trò như một cuộc tổng diễn tập đầu tiên và cùng với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ mà sự thất bại của nó đã phải trả một giá rất đắt, đã là những bài học quý giá nhất góp phần to lớn cho sự thành công của cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã làm cho Thực dân Pháp hoảng hốt, lo sợ, ra sức đẩy mạnh khủng bố, lùng bắt hàng loạt chiến sĩ cách mạng. Sự khủng bố trắng khốc liệt của chính quyền thực dân đã làm cho Cách mạng Việt Nam tổn thất nặng, gây ra một giai đoạn gọi là “thoái trào”. Đối với riêng Hà Nội, phần lớn các Đảng viên Cộng sản và quần chúng cách mạng đều bị thực dân Pháp bắt giam, kết án. Nhà pha Hỏa Lò chật ních tù cách mạng, chật đến độ mà theo lời khai của viên sĩ quan Pháp tên là Lămbe (Lambert) tại tòa án ở Hà Nội bị xử vì tội giết tù: thống sứ Bắc Kỳ là Rôbanh (Rene Robin) đã dặn miệng cho bọn dưới quyền là “giết bớt đi”. Tuy nhiên sự bóc lột ngày càng tàn bạo của Pháp trong khắp các tầng lớp cần lao Việt Nam, không từ một thủ đoạn đê tiện nào, đã là môi trường thuận lợi cho cách mạng Việt Nam duy trì cuộc đấu tranh, mau chóng hồi phục lực lượng để chuẩn bị bước vào cao trào mới.
Năm 1935, tại Đại hội VII, Quốc Tế Cộng Sản đã tự phê bình về khuynh hướng “tả” trong việc bỏ rơi ngọn cờ dân tộc và dân chủ trong phong trào Cộng sản, để cho các đảng tư sản, tiểu tư sản, phát xít lợi dụng chống phá phong trào cách mạng. Đại hội đã chuyển hướng về sách lược và chủ trương thành lập Mặt trận dân chủ chống phát xít.
Tháng 6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hồng Công. Mùa xuân năm 1933, ông được trả tự do. Từ năm 1934 đến năm 1938, ông nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa tại Mátxcơva, đồng thời tiếp tục theo dõi chỉ đạo phong trào Cách mạng Việt Nam. Tháng 10-1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Trung Quốc, bắt liên lạc với tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương. Lúc này, trên thực tế, Đảng đã trở lại với “Chánh cương vắn tắt” và “Sách lược vắn tắt” của Nguyễn Ái Quốc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939 đã khẳng định: “Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết”. Để thấy rõ hơn quãng đời hoạt động ở thời kỳ này của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta sẽ trích lược sau đây bài báo “Nguyễn Ái Quốc, những năm tháng gian khó”, đăng trên tờ “Thế giới mới”, số ra ngày 29-11-2008, tác giả là Văn Thanh Mai - Đỗ Hoàng Linh:
“… Khi tới Mátxcơva, mặc dù muốn nhận công tác ngay, nhưng Quốc Tế Cộng Sản thu xếp để Nguyễn Ái Quốc đi nghỉ an dưỡng ở Xôchi bên bờ biển Đen. Mùa thu năm 1934, Quốc Tế Cộng Sản ra Quyết định số 45 cử Người đi học tại Trường Bồi dưỡng Lý luận quốc tế mang tên Lênin, đăng ký trong danh sách sinh viên số hiệu 375, bí danh Lin, niên khóa 1934 - 1935.
… Dù đã trở về trung tâm phong trào cộng sản quốc tế, sống giữa những người đồng chí, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn phải đối mặt với sự nghi kị về nhiều lý do khác nhau. Đó là vì sự xuất hiện những chủ trương mang tính chất “tả khuynh” trong tư tưởng và lý luận của Quốc Tế Cộng Sản, đặc biệt là ảnh hưởng của Nghị quyết Đại hội VI Quốc Tế Cộng Sản (6-1928) với các Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Đông Dương, đến vấn đề đặt tên Đảng, vấn đề dân tộc và giai cấp trong đường lối chiến lược và sách lược của Đảng… Nguyễn Ái Quốc còn bị đánh giá là một người mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, cùng sự nghi ngờ ám ảnh về việc hình như Người được thực dân Anh trả tự do quá dễ dàng? Thậm chí đầu năm 1935, một lá thư gửi Vụ Hải ngoại Quốc Tế Cộng Sản còn đề nghị: “Về vấn đề liên quan đến Quốc, thì trong vòng hai năm, đồng chí ấy phải nghiêm túc tu dưỡng bản thân trong học tập và không bố trí công tác khác. Sau khi kết thúc học tập, chúng ta sẽ có kế hoạch giao công việc riêng”… Tháng 8-1935, đúng ra Nguyễn Ái Quốc đi dự Đại hội VII Quốc Tế Cộng Sản tại Mátxcơva “với tư cách là đại biểu của Ban phương Đông của Quốc Tế Cộng Sản”. Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề nghị đại biểu chính thức Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội VII Quốc Tế Cộng Sản và là đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc Tế Cộng Sản nhưng không được chấp nhận. Người chỉ được tham gia Đại hội với tư cách là đại biểu tư vấn và được cấp thẻ mang số đăng ký 154… Kết thúc khóa học ở Trường Quốc Tế Lênin, Nguyễn Ái Quốc đề nghị Quốc Tế Cộng Sản cho trở về Việt Nam. Một lần trả lời phỏng vấn của một nhà văn Liên Xô, Người cũng nói: Mong ước lớn nhất hiện nay của tôi là sớm được trở về Tổ Quốc. Mùa hè năm 1936, sau khi làm tờ khai lý lịch, hộ chiếu, giấy thông hành, chuyến đi lại bị hủy bỏ, vì tình hình thế giới có những biến động và vì chưa được Quốc Tế Cộng Sản chấp nhận.
… Ngày 6-6-1938, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục gửi thư cho lãnh đạo Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Quốc Tế Cộng Sản và đồng chí Manuilxki trình bày nguyện vọng: “Các đồng chí thân mến! Hôm nay kỷ niệm lần thứ 7 tôi bị bắt ở Hồng Công và cũng là khởi đầu năm thứ 8 tôi không hoạt động gì. Tôi viết thư này để yêu cầu các đồng chí thay đổi hoàn cảnh đau buồn này. Hãy cử tôi đến nơi nào đó hoặc cứ giữ tôi ở lại đây nhưng giao cho tôi những việc mà các đồng chí thấy có ích. Những gì tôi yêu cầu là các đồng chí đừng để tôi ngừng hoạt động quá lâu và chỉ ở bên cạnh, phía ngoài Đảng”. Sau khi có ý kiến phê duyệt của cấp trên để đồng chí Lin được dự kiến trở về hoạt động công tác Đảng trong nước, ngày 8-6-1938, Phòng Tổ chức các bộ của Quốc Tế Cộng Sản cũng đã có công văn gửi đồng chí Dimitơrốp đề nghị “giải quyết dứt điểm tất cả những người Đông Dương về vị trí sắp xếp của Đảng Cộng sản Đông Dương” và ý kiến của V. I. Vaxiliêva gửi lên Ban Bí thư Quốc Tế Cộng Sản”: Đồng chí Lin là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, là người có uy tín trong Đảng Cộng sản Đông Dương, từ nay về sau thì Đảng sẽ chăm chú lắng nghe những ý kiến của đồng chí ấy… Đầu tháng 10-1938, Nguyễn Ái Quốc đáp xe lửa ở ga Iarôxlápxki rời Mátxcơva đi về phương Đông. Như vậy trong 5 năm (1934 - 1938), Nguyễn Ái Quốc đã phải sống trong bầu không khí nghi ngờ bao trùm, trong những xáo động của Quốc Tế Cộng Sản, trong cuộc thanh trừng nội bộ căng thẳng ngay trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Thực tế, dù rất phiền lòng, nhưng Người chấp hành theo quyết định cấp trên, kiên trì chờ đợi và hy vọng.
… Đánh giá về những tháng ngày khó khăn thử thách của Nguyễn Ái Quốc, J. Lacouture viết: Trong những năm 1934 - 1938, Hồ Chí Minh đã chăm chỉ học tập nhất trong đời mình, tránh những cuộc tranh chấp, thanh trừng đang diễn ra gay gắt trong Đảng Cộng sản Liên Xô và Quốc Tế Cộng Sản. Sôphie Quyn Judge trong “Hồ Chí Minh những năm tháng lưu lạc (1919 - 1941)” cũng nhận định: khó có thể hình dung một người Cộng sản lão làng như Hồ Chí Minh có thể lại tiếp tục hoạt động trong thời kỳ rối ren này. Sự tồn tại của ông qua những tháng năm tồi tệ nhất của cuộc thanh trừng, đã không chỉ chứng tỏ sự chịu đựng, mà còn chứng minh bản lĩnh cách mạng phi thường của Nguyễn Ái Quốc.
… Trong 30 năm hoạt động ở nước ngoài, quãng thời gian từ 1934 đến 1938 là một khoảng lặng buồn trong cuộc đời cách mạng sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh như Người đã từng viết cho một người bạn ở Quốc Tế Cộng Sản: Xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này. Nhưng chính khoảng lặng đó càng giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về một Nguyễn Ái Quốc với nghệ thuật sống “dĩ bất biến ứng vạn biến””.
Ngày 28-11-1941, sau hơn 30 năm rời Tổ quốc tìm đường cứu nước cứu dân, Nguyễn Ái Quốc về nước. Tháng 5-1941, ông trực tiếp chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII, xác định đường lối cách mạng trong thời kỳ mới: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm thời gác lại vấn đề điền địa, xóa bỏ vấn đề liên bang Đông Dương, thực hiện đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh công - nông, đứng về phe đồng minh trong cuộc đấu tranh chống phát xít, theo đường lối đó quyết định thành lập tổ chức “Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đến đây, tư tưởng về đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc đã định hình ở mức hoàn thiện. Việc đề ra những quyết sách hành động kịp thời vào lúc này còn chứng tỏ rõ ràng tầm nhìn xa trông rộng, tư duy phán đoán và linh cảm chỉ có ở bậc vĩ nhân - thiên tài của Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 8-1942, Nguyễn Ái Quốc mang tên mới là Hồ Chí Minh, sang Trung Quốc, đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược để tìm sự liên minh quốc tế, cùng phối hợp hoạt động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Tại Trung Quốc, Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Trong tù ông đã viết tập thơ “Nhật ký trong tù” gồm 133 bài chữ Hán, rất hay, rất nổi tiếng. Dưới đây là vài bài chúng ta thích trong tập thơ đó:


   ĐƯỜNG ĐỜI HIỂM TRỞ
Đi khắp đèo cao, khắp núi cao
Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao
Núi cao gặp hổ mà vô sự
Đường phẳng gặp người bị tống lao.

Ta là đại biểu dân Việt Nam
Tìm đến Trung Hoa để hội đàm
Ai ngờ đất bằng gây sóng gió,
Phải làm “khách quí” tại nhà giam.

Ta người ngay thẳng, lòng trong trắng
Lại bị tình nghi là Hán gian
Xử thế từ xưa không phải dễ
Mà nay, xử thế khó khăn hơn.

(Nam Trân dịch)

      BUỔI TRƯA
Trong tù khoan khoái giấc ban trưa
Một giấc miên man suốt mấy giờ
Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới
Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ.
(Nam Trân dịch)

      ĐI ĐƯỜNG
Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao chập chùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

(Nam Trân dịch)

      TỰ KHUYÊN MÌNH
Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.

(Nam Trân dịch)


CẢNH BINH KHIÊNG LỢN CÙNG ĐI
Khiêng lợn lính cùng đi một lối
Ta thì người dắt, lợn người khiêng
Con người mà rẻ hơn con lợn
Chỉ tại người không có chủ quyền!

Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,
Cay đắng chi bằng mất tự do!
Mỗi việc mỗi lời không tự chủ
Để cho người dắt tựa trâu bò.

(Nam Trân dịch)

      CỘT CÂY SỐ
Chẳng cao cũng chẳng sang
Không đế cũng không vương
Một phiến đá nho nhỏ
Đứng sừng sững bên đường
Người nhờ anh chỉ lối
Đi đúng hướng đúng phương
Anh chỉ cho người biết
Nào dặm ngắn, dặm trường
Mọi người nhớ anh mãi,
Công anh chẳng phải thường.

(Văn Trực – Văn Phụng dịch)

      TỨC CẢNH
Cành lá khéo in hình Dực Đức
Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công
Năm tròn Tổ quốc tăm hơi vắng
Tin tức quê nhà bữa bữa trông.

(Nam Trân dịch)


Sau một năm 14 ngày bị tù đày, tháng 9-1943, Hồ Chí Minh được trả tự do. Và bài thơ sau đây đã trở thành tuyệt bút thủy mạc, nhân tình của Hồ Chí Minh:


   TÂN XUẤT NGỤC HỌC ĐĂNG SƠN
Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân
Giang tâm như kính tịnh vô trần
Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh
Dao vọng Nam thiên ức cố nhân.


   MỚI RA TÙ, TẬP LEO NÚI
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh
Trông lại trời Nam, nhờ người xưa

(Nam Trân dịch)
Tháng 9-1944, Hồ Chí Minh về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12-1944, ông chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đến đây, cuộc đấu tranh trường kỳ chống xâm lược và giải phóng Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, bắt đầu từ phát đại bác đầu tiên của thực dân Pháp bắn vào Đà Nẵng, đã đứng trước bến bờ xán lạn của nó: nhân hòa đã có, địa lợi đã sẵn và thiên thời đang đến từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.
(...)
                                                   ***
(...)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét