Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

GIAI THOẠI THIỀN 14

(ĐC sưu tầm trên NET)


  Trong bàn tay định mệnh


Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Một tướng quân (Shogun) Nhật tên là Nobunaga quyết định tấn công phe địch, mặc dù ông chỉ có một phần mười số người mà cuộc chiến đòi hỏi. Nobunaga biết mình sẽ thắng, nhưng những người lính của ông nghi ngờ.

Trên đường chuyển quân, Nobunaga dừng lại nơi một đền thờ Shinto và bảo những người lính của mình:

“Sau khi tôi vào đền thờ, tôi sẽ dùng đồng tiền xin keo gieo một quẻ. Nếu mặt có đầu trình lên, chúng ta sẽ thắng, nếu mặt có đuôi trình lên, chúng ta bại. Định mệnh nắm chúng ta trong tay nàng”.

Nobunaga vào đền thờ im lặng cầu nguyện. Rồi ông bước tới tung đồng tiền lên. Mặt đầu hiện ra. Lính ông hăng hái chiến đấu và họ thắng dễ dàng.

Sau trận chiến, một người hầu cận nói với Nobunaga:

“Không ai thay đổi được bàn tay của Định Mệnh”

Nobunaga đáp: “Thật sự không phải thế”. Ông liền đưa đồng tiền ra. Hai mặt đồng tiền đều có đầu.
Đúng và Sai
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Trong những tuần an cư để Thiền định của Bankei, nhiều đệ tử khắp nơi trên đất Nhật đến theo học. Giữa cuộc tụ tập này, có một anh đệ tử bị bắt quả tang về tội ăn cắp. Việc này được trình lên Ban kei với lời yêu cầu là phải trục xuất tội phạm. Bankei làm ngơ vụ này.

Sau đó, nguời đệ tử này lại bị bắt trong một hành vi tương tự. Bankei cũng bỏ qua luôn. Việc này làm những người đệ tử nổi giận. Họ làm tờ khiếu nại hành động xấu của kẻ cắp, tuyên bố rằng nếu không họ sẽ bỏ đi nơi khác.

Bankei đọc xong lời khiếu nại, ông gọi tất cả mọi người tới nói:

“Các anh là những người khôn ngoan. Các anh biết việc gì đúng, việc gì không đúng. Các anh có thể đến nơi nào khác để học nếu các anh muốn. Nhưng người anh em đáng thương này không biết phân biệt đúng sai. Nếu tôi không dạy thì ai dạy cho anh ta. Tôi sẽ giữ người anh em này lại dù cho tất cả các anh em bỏ đi hết.”

Một suối nước mắt chảy xuống rửa sạch khuôn mặt người đệ tử ăn cắp. Tất cả lòng ham muốn ăn cắp biến mất.
Nghệ sĩ bần tiện

Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Gassan là một nhà sư nghệ sĩ. Trước khi vẽ hay họa Gessan luôn luôn bắt trả công trước và giá công lấy rất cao. Gessan nổi tiếng là “Nghệ Sĩ Bần Tiện”.

Một lần kia, một cô geisha nhờ Gessan họa. Gessan hỏi: “Cô có thể trả tôi bao nhiêu?”

Cô geisha đáp:
“Bất cứ cái gì ông đòi, nhưng tôi thích ông làm việc trước mặt tôi”.

Cứ thế, một hôm cô geisha mời Gessan đến. Nàng đang dọn tiệc cho chủ nàng.

Với cây cọ tốt, Gessan vẽ tranh. Khi bức tranh vẽ xong, Gessan đòi một giá cao nhất trong đời ông.

Gessan nhận tiền công. Cô geisha quay lại nói với người chủ:
“Ông nghệ sĩ này chỉ có tiền là trên hết. Những bức họa của ông đẹp nhưng tâm hồn của ông bần tiện; tiền đã làm tâm hồn ông thành bùn. Được vẽ bằng một tâm hồn bẩn thỉu như thế, tác phẩm của ông không đáng đem trưng bày. Nó chỉ đáng giá bằng một cái áo lót của tôi thôi”.

Nàng cởi áo ra, xoay lưng lại bảo Gessan vẽ một bức khác về phần sau chiếc áo lót của nàng.

Gessan hỏi: “Cô trả tôi bao nhiêu?”

Cô gái đáp: “Bất cứ giá nào!”

Gessan kêu một giá khá cao, vẽ bức tranh theo cách thức đòi hỏi. Xong rồi, bỏ đi.

Sau này, người ta biết rằng Gessan có những lý do sau đây để cần tiền:

Nạn đói khốc liệt thường viếng tỉnh Gessan ở. Người giàu không giúp kẻ nghèo, vì thế Gessan có một ngôi nhà chứa bí mật, không ai biết, nơi đó Gessan chứa thóc, chuẩn bị cho những trận đói xảy ra.

Từ làng Gessan đến Thánh Điện Quốc Gia, con đường đi lại rất khó khăn và nhiều du khách khổ tâm khi phải đi qua đó, Gessan muốn làm một con đường tốt hơn.

Thầy của Gessan qua đời, không biết Gessan muốn xây một ngôi đền, và Gessan muốn làm xong ngôi đền này cho thầy mình.

Sau khi hoàn than ba ý muốn của mình, Gessan vất cọ và những vật dụng nghệ sĩ, rút lui vào núi ẩn tu, không bao giờ vẽ nữa.
Cửa thiên đường

Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Một người lính tên là Nobushige đến hỏi Hakuin:

“Thật có Thiên đàng và Địa ngục không?”

Hakuin hỏi lại:

“Anh là ai?”

Người lính đáp: “Tôi là một Samurai”. Hakuin kêu lên:

“Hừ, anh mà lính! Luật nào bảo anh là cận vệ của ông ta. Mặt anh trông như một tên ăn mày không bằng”.

Nobushige giận giữ, anh ta bắt đầu rút kiếm, nhưng Hakuin đã tiếp:

“Anh cũng có kiếm! Có lẽ kiếm của anh không buồn cắt đầu tôi đâu”.

Khi Nobushige rút kiếm Hakuin nói:

“Đây hãy mở cửa Địa ngục đi!”

Nghe lời này, Nobushige nhận thức được sự giáo huấn của thầy, cho kiếm vào vỏ và cúi đầu hành lễ.

Hakuin nói:

“Đây hãy mở cửa Thiên đường”.
Không cần bắt chước

Ma Trí
(Trích “Kiến thức ngày nay” số 652/2008)


Một hôm, Thiền sư Lâm Tế khai thị cho các đệ tử: “Sau khi ta nhập diệt, các ngươi đừng đem chánh pháp nhãn tạng của ta mà chôn luôn đấy nhé!”

Lời nói như di ngôn ấy của sư Lâm Tế khiến các đệ tử lo lắng. Sư Huệ Nhiên thay mặt chúng tăng trả lời sư phụ: “Thân là đệ tử, chúng con sao dám chôn chánh pháp nhãn tạng của sư phụ!”

Sư Lâm Tế cười nói: “Vậy, nếu giả có người nào đó hỏi: Đạo là gì thì các ngươi trả lời sao?”

Sư Huệ Nhiên quát lên một tiếng như sấm nổ. Đây là một phương pháp mà sư Lâm Tế thường dùng để trả lời người đến hỏi.

Sư Lâm Tế rất thất vọng, nói: “Ai ngờ, chánh pháp nhãn tạng của ta từ nay bị chôn vùi hủy diệt trong tiếng quát kia! Thật là đau lòng!”

Nói xong, nhắm mắt viên tịch.

Huệ Nhiên rất đỗi thương tâm và không hiểu rõ ý của sư phụ nên đứng trước xác sư Lâm Tế than thở một mình: “Bình thường, chẳng phải sư phụ vẫn dùng một tiếng quát lớn để trả lời người hỏi đó ư? Tại sao chúng con không thể làm như sư phụ?”

“Ta ăn cơm thì các ngươi không thể no, ta chết thì các ngươi không thể chết thay ta” – Sư Lâm Tế lúc đó đột nhiên mở mắt trả lời.

Huệ Nhiên vội quỳ xuống, khấu đầu: “Sư phụ! Xin người lượng thứ, mong người hãy ở lại dạy dỗ thêm cho chúng con”.

Sư Lâm Tế quát lên: “Ta không cần các ngươi bắt chước!”

Nói xong, mới thực sự nhập diệt. Huệ Nhiên lúc đó mới tỉnh ngộ.

(Theo Chan Gushi)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét