Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

ÁC QUỈ 4

(ĐC sưu tầm trên NET)

 

Chính trường lộ diện các thành viên thuộc “phe Tập Cận Bình”


Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) đã củng cố vững chắc quyền lực sau hơn một năm lên nắm quyền. Trong quá trình này, ông Tập Cận Bình đã dần dần loại bỏ bớt những người thuộc các phe nhóm đối địch và thay thế bằng những nhân vật thân cận với mình, hình thành nên nhóm các quan chức mà giới phân tích gọi là “phe Tập Cận Bình.” Giờ đây, khi quyền lực đã tập trung phần lớn trong tay ông Tập Cận Bình thì những quan chức thuộc “phe Tập Cận Bình” cũng dần lộ diện.
            Theo Times Aisa Online, 14 tháng sau Đại hội XVIII, một sự kiện mang tính chất bước ngoặt trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành một nhà lãnh đạo hùng mạnh, người được cho là có nhiều quyền lực hơn cả cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Ze Min) và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào (Hu Jin Tao). Hồi tháng 1 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở thành Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia của đảng Cộng sản Trung Quốc, một cơ quan kiểm soát các bộ máy cảnh sát, tình báo và tư pháp của nước này. Một tháng trước đó, nhà lãnh đạo này đã trở thành người đứng đầu của một siêu cơ quan khác là Ban Chỉ đạo Trung ương về Thúc đẩy Cải cách Toàn diện, được thành lập tại Hội nghị Trung ương 3 đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII. Những diễn biến này có nghĩa là ngoài các vấn đề của đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng các vấn vấn đề về đối ngoại và quân sự, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình còn phụ trách các tổ chức an ninh quốc gia và thực thi pháp luật đầy phức tạp. Và do chức năng chính của Ban Chỉ đạo Trung ương về Thúc đẩy Cải cách Toàn diện là thiết kế và thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế, nên dường như Chủ tịch Tập Cận Bình đã “hất cẳng” Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Ke Qiang) trong vai trò là người nắm toàn quyền quyết định cuối cùng đối với chính sách kinh tế của Trung Quốc. Điều thậm chí còn đáng chú ý hơn là nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã thành công trong việc xây dựng một phe phái Tập Cận Bình, với các thành viên là những người nắm giữ các vị trí cấp cao trong đảng Cộng sản, chính phủ và quân đội Trung Quốc.
            Đã có nhiều bài viết về thực tế là, so với hai người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào – những người lần lượt đứng đầu phái Thượng Hải và phái Đoàn Thanh niên – nhà lãnh đạo Tập Cận Bình dường như không có một phe phái được tổ chức tốt với những tay chân trung thành. Mặc dù đúng là người con trai 60 tuổi của nhà lãnh đạo kỳ cựu đảng Cộng sản Trung Quốc, cố Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân (Xi Zhong Xun) đôi lúc được coi là một nhà lãnh đạo của phái “Thái Tử Đảng” (nhóm con cái của các cán bộ cấp cao đảng Cộng sản Trung Quốc), nhưng cần nhấn mạnh một điều quan trọng là phái “Thái Tử Đảng” là một phe phái tương đối lỏng lẻo khi so sánh với những phe phái gắn bó chặt chẽ khác, như phái Đoàn Thanh niên. Trong khi những phe phái rõ ràng khác có một sự chỉ huy rõ ràng cũng như là một loạt niềm tin và tham vọng tương đối rõ, thì phái “Thái Tử Đảng” lại bao gồm những cá nhân nhiều quyền lực, những người đã gia nhập “câu lạc bộ” đặc biệt này chủ yếu vì họ cùng có chung “dòng máu cách mạng.” Mặc dù tất cả các “Thái Tử Đảng” đều cùng có chung một lợi ích trong việc duy trì những đặc quyền đặc lợi của “giới quý tộc Đỏ,” nhưng họ có lẽ có những tư tưởng và tham vọng khác nhau và toàn bộ nhóm này không phụ thuộc vào sự bảo trợ của một nhà lãnh đạo duy nhất.
            Một điều cũng quan trọng là mặc dù hai đồng nghiệp của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trong Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (cơ quan quyền lực tối cao của đảng này) là Du Chính Thanh (Yu Zheng Sheng) và Vương Kỳ Sơn (Wang Qi Shan) là các “Thái Tử Đảng,” nhưng có rất ít các cán bộ dòng dõi nằm trong Thế hệ lãnh đạo thứ Sáu của đảng Cộng sản Trung Quốc, gồm những cán bộ thăng tiến nhanh chóng là những người được sinh ra trong những năm 1960. Thành trì lớn của các “Thái Tử Đảng” ở Trung Quốc hiện nay là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Những viên tướng PLA nổi bật với “dòng máu cách mạng” trong người gồm có Chủ nhiệm Tổng Cục Trang bị Trương Hựu Hiệp (Zhang You Xia), Tư lệnh Không quân Mã Hiểu Thiên (Ma Xiao Tian), Chính ủy Tổng Cục Hậu cần Lưu Nguyên (Liu Yuan) và Chính ủy Hải quân PLA Lưu Hiểu Giang (Liu Xiao Jiang).
            Do đó, các “Thái Tử Đảng” trong quân đội Trung Quốc đã trở thành một bộ phận hợp thành lớn trong “phe Tập Cận Bình,” một phe phái hiện vẫn còn nhiều sự lộn xộn. Để đền đáp lại sự liên minh của họ, Chủ tịch Quân ủy Trung ương (tương đương Tổng Tư lệnh quân đội) Tập Cận Bình đã dành nhiều sự quan tâm hơn đến các sĩ quan cấp cao hơn so với hai người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Ví dụ, kể từ khi trở thành Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương vào cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã đi thăm các đơn vị của toàn bộ các sư đoàn lớn trong PLA. Trước Tết Nguyên Đán vừa qua, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình thậm chí còn đi thăm và úy lạo các binh sĩ đồn trú ở các cao nguyên thuộc Quân khu Nội Mông. Quan trọng hơn, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình dường như đã dành cho các sĩ quan cấp cao một tiếng nói lớn hơn trong các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Trung Quốc.
            Một nhóm quan chức tài năng thậm chí còn quan trọng hơn trong “phe Tập Cận Bình” bao gồm các trợ lý và tay chân của vị Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc khi nhà lãnh đạo này làm việc ở tỉnh Phúc Kiến (1985–2002), tỉnh Chiết Giang (2002–2007) và thành phố Thượng Hải (2007). Ví dụ tốt nhất có lẽ là ông Hoàng Khôn Minh (Huang Kun Ming), 57 tuổi, người đã thăng tiến dần qua các chức vụ khi ông này công tác tại tỉnh Phúc Kiến từ năm 1977-1999. Không lâu sau khi chuyển tới công tác tại Chiết Giang vào năm 1999, Hoàng Khôn Minh đã trực tiếp làm việc dưới quyền Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang khi đó là ông Tập Cận Bình – người đứng đầu các thành phố Hồ Châu và Gia Hưng. Cuối năm ngoái, ông Hoàng Khôn Minh đã được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương. Trong số các nhà lãnh đạo mới được thăng chức của các khu vực, Tỉnh trưởng Quý Châu Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min’er) từng giữ chức Trưởng Ban Tuyên truyền Tỉnh ủy Chiết Giang khi Tập Cận Bình đang lãnh đạo tỉnh này. Ông Trần Mẫn Nhĩ, 50 tuổi, là một trong 9 cán bộ thuộc Thế hệ Lãnh đạo thứ Sáu đã được đưa vào Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội XVIII.
            Khi ông Tập Cận Bình là Bí thư Thành ủy Thượng Hải trong thời gian chỉ có 6 tháng, nhà lãnh đạo này đã thăng chức cho một số cán bộ Thượng Hải và đưa họ về Bắc Kinh. Do sự thăng chức của ông Tập Cận Bình vào Thường vụ Bộ Chính trị trong năm 2007 một phần là nhờ sự bảo trợ của hai nhà lãnh đạo kỳ cựu thuộc Phái Thượng Hải là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và cựu Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng (Zeng Qing Hong), nên không có gì ngạc nhiên khi thành phần cốt lõi của Thế hệ lãnh đạo thứ Năm có các quan chức thuộc phái Thượng Hải nằm trong phe của ông Tập Cận Bình. Nhân vật đầu tiên và nổi bật nhất trong số các quan chức thuộc Phái Thượng Hải đã tham gia phe Tập Cận Bình là Đinh Tuyết Tường (Ding Xue Xiang), người vào cuối năm ngoái đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Tổng Bí thư. Khi còn làm Chánh Văn phòng Thành ủy Thượng Hải, ông Đinh Tuyết Tường, 51 tuổi, đã gây ấn tượng với ông Tập Cận Bình nhờ sự nhạy bén chính trị và đầu óc tổ chức. Một quan chức khác xuất thân Phe Thượng Hải và có thời kỳ thành công rực rỡ đưới thời ông Tập Cận Bình là cựu Phó Thị trưởng Thượng Hải Dương Hiểu Độ (Yang Xiao Du). Vào tháng 1 vừa qua, vị quan chức 61 tuổi người Thượng Hải này đã được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Đảng ủy Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc.
            Không kém ảnh hưởng trong phe Tập Cận Bình là các cán bộ cấp cao được sinh ra hoặc có quãng thời gian công tác quan trọng trong sự nghiệp tại tỉnh Thiểm Tây, quê hương của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và người cha đáng kính của ông này. Phe Thiểm Tây còn tương đối lỏng lẻo này gồm có 3 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và 4 Ủy viên Bộ Chính trị. Ví dụ, các Ủy viên Bộ Chính trị Triệu Lạc Tế (Zhao Le Ji) và Lật Chiến Thư (Li Zhan Shu) đã có mối quan hệ vững chắc với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình là do thực tế rằng họ đã chăm lo tốt cho những lợi ích của phe cánh Tập Cận Bình tại tỉnh nhà của họ. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Triệu Lạc Tế, 56 tuổi, là Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây từ năm 2007 đến năm 2012. Người cũng có một sự nghiệp đáng chú ý là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Lật Chiến Thư, 63 tuổi. Ông này đã giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao ở tỉnh Thiểm Tây, trong đó có chức Bí thư Thành ủy Tây An từ năm 1998-2003. Ông Tập Cận Bình biết ông Lật Chiến Thư lần đầu tiên vào những năm 1980, khi cả hai ông này đều làm Bí thư Huyện ủy của hai huyện liền kề nhau ở tỉnh Hà Bắc.
            Ông Tập Cận Bình cũng đã tuyển mộ một số bạn học cùng lớp phổ thông trung học và đại học của mình vào đội ngũ quản lý cấp cao của mình. Ví dụ, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Hi (Chen Xi) và Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo Trung ương về Tài chính và Kinh tế Lưu Hạc (Liu He). Ông Trần Hi, 60 tuổi, và Chủ tịch Tập Cận Bình là các sinh viên chuyên ngành kỹ sư hóa học và là bạn cùng phòng tại trường Đại học Thanh Hoa danh tiếng trong giai đoạn từ giữa đến cuối những năm 1970. Ông Lưu Hạc, 61 tuổi, đã trở thành bạn thân của ông Tập Cận Bình khi họ học các trường phổ thông trung học nằm cạnh nhau tại quận Hải Điện ở thủ đô Bắc Kinh. Chuyên gia kinh tế tốt nghiệp Đại học Harvard Lưu Hạc đã trở thành một cố vấn lớn của ông Tập Cận Bình về tài chính và cải cách kinh tế. Ông Lưu Hạc, người cũng đang kiêm nhiệm chức Phó Chủ nhiệm (tương đương Thứ trưởng) Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Quốc Vụ viện (Chính phủ Trung Quốc), đã đóng một vai trò có ảnh hưởng to lớn trong việc dự thảo kế hoạch cải cách kinh tế đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 3 vào tháng 11 năm ngoái.
            Trong khi tích cực xây dựng căn cứ quyền lực của riêng mình, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã có những nỗ lực gạt bỏ các thành viên của phái Đoàn Thanh niên, từng do cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đứng đầu. Mặc dù Thủ tướng Lý Khắc Cường là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị duy nhất có các mối liên hệ với phái Đoàn Thanh niên, nhưng chỉ có vài đồng nghiệp trong phái Đoàn Thanh niên của nhà lãnh đạo này trở thành Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội XVIII. Theo truyền thống đã có từ lâu, Thủ tướng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ được bổ nhiệm làm một trong ba Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Thúc đẩy Cải cách Toàn diện. Hai Phó Trưởng Ban khác là Bí thư Ban Bí thư, Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Lưu Vân Sơn (Liu Yun Shan) và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Cao Lệ (Zhang Gao Li), đều là các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị – được coi là thân cận với ông Tập Cận Bình hơn so với Thủ tướng Lý Khắc Cường. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã không có chân trong đội ngũ cán bộ cấp cao dự thảo văn kiện Hội nghị Trung ương 3 về các cuộc cải cách kinh tế và xã hội. Điều này có nghĩa là mặc dù Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ tiếp tục điều hành các cơ quan kinh tế nằm trong chính quyền Trung ương, nhưng nhà lãnh đạo này chắc chắn sẽ phải làm theo ý muốn của Chủ tịch Tập Cận Bình trong những vấn đề liên quan đến các sáng kiến kinh tế quan trọng.
            Một số nhân vật có uy tín trong phái Đoàn Thanh niên hiện đang là Ủy viên Bộ Chính trị dường như không được trao cho các vị trí lãnh đạo quan trọng. Ví dụ, Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều (Li Yuan Chao) và Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Lưu Kỳ Bảo (Liu Qi Bao). Một phần công việc của Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều, nhân vật được coi là một “ngôi sao đang lên” dưới thời chính quyền Hồ Cẩm Đào, gồm có việc giám sát “các tổ chức quần chúng” như Công đoàn, Đoàn Thanh niên và Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc. Do Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Lưu Kỳ Bảo phụ trách các vấn đề báo chí và quan hệ công chúng của đảng Cộng sản Trung Quốc nên ông này là một nhân vật truyền thông nổi bật. Tuy nhiên, kể từ Đại hội XVIII, ông Lưu Kỳ Bảo đã hoàn toàn bị che khuất bởi nhà lãnh đạo cấp trên Lưu Vân Sơn, người đồng thời cũng là tiền nhiệm của ông Lưu Kỳ Bảo.
            Có lẽ điều quan trọng hơn vấn đề liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có gạt bỏ thành công các nhóm đối thủ như phái Đoàn Thanh niên hay không, là liệu việc nắm trong tay quá nhiều quyền lực có phải là điều tốt đẹp cho nhà lãnh đạo này hay không. Lấy ví dụ Ban Chỉ đạo Trung ương về Thúc đẩy Cải cách Toàn diện, cơ quan hoạch định chính sách cấp cao nhất và lớn nhất trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngoài 4 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị giữ các chức vụ Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban, 10 Ủy viên Bộ Chính trị cũng có chân trong ban chỉ đạo này. Cơ cấu phức tạp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Thúc đẩy Cải cách Toàn diện sẽ cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình có sự giám sát trực tiếp đối với những phương hướng chính sách tương lai trong các cuộc cải cách kinh tế, hành chính, xã hội và văn hóa. Nó cũng cho thấy sự ưa thích của nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc về một chuỗi chỉ huy rõ ràng, từ trên xuống dưới, trong việc hoạch định chính sách. Như văn kiện Hội nghị Trung ương 3 đã nêu ra về việc thực hiện các cuộc cải cách một cách trật tự, “chúng ta phải phát triển đầy đủ những chức năng cốt lõi của đảng Cộng sản Trung Quốc, nắm vững toàn bộ tình hình và điều phối các lĩnh vực khác nhau.” Tuy nhiên, quyết tâm của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình rằng các tổ chức của đảng Cộng sản Trung Quốc ở cấp cao nhất nên phụ trách những khía cạnh khác nhau của cải cách, dường như gây cản trở sự tập trung của Thủ tướng Lý Khắc Cường cho việc giảm bớt sự can thiệp quan liêu vào nền kinh tế và “thúc đẩy sức sáng tạo của thị trường và xã hội”. Một vấn đề liên quan là chất lượng và năng lực của những người bạn cũng như cựu trợ thủ cũ mà ông Tập Cận Bình đã đề bạt, thăng chức. Có lẽ là do sự lo ngại của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc củng cố phe phái riêng của mình trong một thời gian ngắn, nên nhà lãnh đạo này dường như đã đặt sự trung thành cá nhân lên trên năng lực chuyên môn khi đánh giá những khả năng của những người được ông bảo trợ. Lấy ví dụ là việc bổ nhiệm ông Trần Hi làm nhân vật số hai ở Ban Tuyên truyền Trung ương vào năm ngoái. Là một chuyên gia, kỹ sư tài năng từng là học giả thỉnh giảng của Đại học Stanford vào đầu những năm 1990, ông Trần Hi đã có phần lớn sự nghiệp của mình ở Đại học Thanh Hoa, trong đó có 7 năm trong giai đoạn những năm đầu thập niên trước là giữ chức Bí thư Đảng ủy. Ông Trần Hi cũng đảm nhiệm một số vị trí trong Bộ Giáo dục và Hiệp hội Khoa học Công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trần Hi thiếu kinh nghiệm về công tác nhân sự và tổ chức. Điều cũng khiến người ta tò mò là thực tế rằng ông Trần Hi đã thay thế bà Thẩm Diệu Diệu (Shen Yue Yue), 56 tuổi, một người không những trẻ hơn mà còn có nhiều hiểu biết hơn ông này về vấn đề quản lý nhân lực. Bà Thẩm Diệu Diệu, một người đi theo cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, là một cán bộ cấp cao trong các Ban Tổ chức Tỉnh ủy Chiết Giang và An Huy từ năm 1998-2002, và sau đó giữ chức Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương từ năm 2003-2013. Khó có thể kết luận rằng ông Tập Cận Bình muốn người bạn học cũ Trần Hi hỗ trợ Trưởng ban Tổ chức Trung ương Triệu Lạc Tế đóng vai trò “người gác cổng”. Các cán bộ được cho là gây thiệt hại cho những lợi ích của phe Tập Cận Bình có thể gặp khó khăn trong việc được Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu cho việc thăng chức. Tương tự như triết lý tổ chức của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thay thế những người bạn và những tay chân đáng tin cậy nhất của mình vào các vị trí cấp cao trong các “đơn vị quyền lực” như Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tuyên truyền Trung ương. Ví dụ, hai ông Tăng Khánh Hồng và Lý Nguyên Triều, những người từng giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, được coi là những cố vấn không thể thiếu được đối với những người bảo trợ của họ.
               Trong khi giải thích về ý nghĩa của những sáng kiến tại Hội nghị Trung ương 3 vào tháng 11 năm ngoái, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã chỉ ra rằng “việc thúc đẩy cải cách toàn diện là một phần phức tạp của việc điều hành các hệ thống. Điều cần thiết là việc lập phác thảo, lập kế hoạch chung và những tính toán ở cấp cao”. Hãng thông tấn Trung Tân (bán chính thức) đã bổ sung thêm rằng việc Chủ tịch Tập Cận Bình đảm nhiệm chức Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Thúc đẩy Cải cách Toàn diện sẽ “đảm bảo rằng ban chỉ đạo này sẽ có quyền hành hiệu quả và những quyết định có thể được thực hiện (hiệu quả)… theo hướng là sự kháng cự của các nhóm và các khối lợi ích thâm căn cố đế sẽ bị phá vỡ”. Tuy nhiên, để củng cố hơn nữa tính hợp pháp và uy tín của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình và những đồng minh thân cận của mình cần phải làm nhiều hơn để chứng tỏ rằng nhà lãnh đạo này đang nắm lấy quyền lực vì việc thúc đẩy cải cách – và không tự đề cao mình theo kiểu Mao Trạch Đông (Mao Ze Dong).

Quyền lực tuyệt đối của Chủ tịch Tập Cận Bình

Theo trang tin ipolitics.ca, chỉ trong vòng hơn một năm sau khi nhậm chức, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông (Mao Ze Dong).
            Ông Tập đang phá bỏ phong cách lãnh đạo đồng thuận được thực thi sau cuộc Cách mạng Văn hóa. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đang được sử dụng không chỉ để hạ bệ những đối thủ lãnh đạo tiềm tàng, mà còn để đưa những người trung thành với Chủ tịch mới vào những chức vụ chủ chốt. Ông Tập cũng đang nắm quân đội chắc hơn so với bất kỳ người tiền nhiệm nào của ông kể từ thời Chủ tịch Mao. Những sĩ quan không đáng tin cậy và tham nhũng bị thanh trừng trong một động thái, mà nhiều người cảm thấy quan ngại khi có những tin tức rằng các sĩ quan quân đội đang thề trung thành với ông Tập Cận Bình, chứ không phải với Đảng hay đất nước.
            Ông Tập Cận Bình cũng nắm quyền kiểm soát cá nhân một số ủy ban mới được thành lập để giám sát an ninh quốc gia và quản lý những kế hoạch cải cách kinh tế và xã hội. Những ủy ban chính sách này nhằm ngoài tầm giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và chi nhánh của họ tại các tỉnh cũng nằm ngoài sự giám sát của các chính quyền địa phương.
            Điều người ta chưa rõ là liệu động cơ của ông Tập có phải là ham muốn quyền lực cá nhân giống ông Mao, hay như khẳng định của những người ủng hộ ông Tập là do sự công nhận rằng Trung Quốc đang cần một nhà lãnh đạo mạnh trong giai đoạn này của phát triển. Những thành tố đầu tiên của cải cách kinh tế, được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình (Deng Xiao Ping) bắt đầu 3 thập kỷ trước đây, đang trở nên lỗi thời. Những cải cách này cũng tạo ra các lợi ích cố hữu, khi các gia đình hàng đầu của ban lãnh đạo đảng Cộng sản đã giành quyền kiểm soát tất cả các ngành của nền kinh tế. Tham nhũng đã trở nên nghiêm trọng đến mức đe dọa sự sống còn của chế độ.
            Trên các mặt trận khu vực và quốc tế, Tập Cận Bình đang thực thi chủ nghĩa dân tộc ngang ngạnh, nhất là đối với những tranh chấp lãnh thổ, báo động các nước láng giềng của Trung Quốc. Trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, ông Tập đang sử dụng chủ nghĩa dân tộc với quy mô lớn hơn nhằm xây dựng sự ủng hộ của người dân đối với chính quyền thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 5 của ông, hiện có ít sự hợp pháp chính trị.
            Ông Tập Cận Bình đang hùng hổ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông (Biển Hoa Nam), cử tàu đến đối đầu với các tàu của Philippines và Việt Nam tại các vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh thậm chí còn đưa cả các phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia vào tuyên bố chủ quyền của họ. Chính quyền ông Tập cũng không bỏ lỡ cơ hội phô trương các lực lượng vũ trang hiện đại và ngày càng hùng mạnh của Trung Quốc để thúc đẩy lòng tự hào trong nước và phô trương sức mạnh ở nước ngoài. Hải quân Trung Quốc đã tham gia các hoạt động chống cướp biển tại các vùng biển ngoài khơi khu vực Sừng châu Phi và trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã cử tàu và máy bay tham gia việc tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia bị mất tích ở Nam Ấn Độ Dương. Tập Cận Bình đang miêu tả công việc của ông là theo đuổi “Giấc mộng Trung Hoa”, giành lại vị thế quốc tế của Trung Quốc trước cuộc Cách mạng Công nghiệp tại châu Âu và Bắc Mỹ hồi thế kỷ XIX.
            Đối với các đối tượng bị Tập Cận Bình coi là đối thủ quyền lực, ông Tập không khoan nhượng. Trong nhiều tháng, ông Tập đã phát động một chiến dịch chống lại Chu Vĩnh Khang, người đứng đầu bộ máy an ninh nội bộ mới về hưu của Trung Quốc. Hơn 300 người thân và bạn bè của ông Chu đã bị bắt, số tài sản trị giá hơn 15 tỷ USD của họ đã bị tịch thu. Ông Chu là quan chức Trung Quốc cấp cao nhất bị “sờ gáy” kể từ kỷ nguyên Mao Trạch Đông, và vụ việc của ông Chu là thông điệp rõ ràng nhất rằng dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, không ai là an toàn. Bắc Kinh tuyên bố hơn 18.000 quan chức đảng và chính quyền đã bị kỷ luật trong phong trào chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.
            Giờ đây, sự chú ý của ông Tập Cận Bình được chuyển sang quân đội. Có tin tức cho biết hai cựu Phó chủ tịch quân ủy trung ương là các tướng Từ Tài Hậu (Xi Cai Hou) và Quách Bá Hùng (Guo Bo Xiong) đang bị điều tra vì tham nhũng, nhất là việc “mua quan bán chức”. Khả năng thanh trừng quân đội của ông Tập, cùng với sự kiểm soát chặt chẽ các lực lượng an ninh nội bộ đang khiến nhiều đòn bẩy quyền lực chủ chốt của Trung Quốc đang nằm trong tay ông ta. Không một nhà lãnh đạo Trung Quốc nào kể từ thời ông Mao Trạch Đông, lại nắm giữ một quyền lực lớn như vậy

ĐCSTQ trước nguy cơ tan vỡ

Maciej Michalek - Lê Diễn Đức dịch
2015-03-16

Đại hội XVIII ĐCSTQ, 2012
Courtesy of asianews.it
Thanh trừng, được gọi là chiến dịch chống tham nhũng, ban đầu được cho là bằng chứng về sức mạnh của nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, Tập Cận Bình. Nó chứng minh cho khả năng thực hiện những cải cách kinh tế khó khăn và cuộc chiến đánh vào giới tướng lãnh bất khả xâm phạm cho đến bây giờ, bị huỷ hoại bởi tham nhũng và suy thoái đạo đức.
Kéo dài, diễn ra hơn hai năm, cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe phái trong đảng, tuy nhiên, bắt đầu tăng lên mối lo ngại rằng với chiến dịch đầy tham vọng này Tập đã vuợt quá sức mình. Hơn nữa, những ảnh huởng của những vấn đề thường nhật và các vụ bê bối đã làm cho chính quyền cuối cùng mất niềm tin của công chúng, mà nó là nền tảng của sự ổn định của chế độ phi dân chủ ở Trung Quốc.

Thanh trừng và giới doanh nghiệp di tản

Tập Cận Bình chắc chắn đã tạo ra rất nhiều kẻ thù trong giới quyền lực của Trung Quốc, khi ông cáo buộc và bắt giữ ngay cả những người được coi là bất khả xâm phạm, kể cả cựu Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang, một cựu thành viên Bộ Chính trị nổi tiếng Bạc Hy Lai hay hàng chục tướng lĩnh và đô đốc khác. Tuy nhiên, theo David Shambaugh, một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc, đây không phải là biểu hiện duy nhất của quyền lực bị mất chỗ đứng.
Một vấn đề không kém nghiêm trọng là phần lớn các tầng lớp tinh hoa trong lĩnh vực tài chính Trung Quốc đang cố gắng chạy ra khỏi đất nước của họ. Họ gửi con cái đi học nước ngoài, chuyển tiền ra nước ngoài, cố gắng bằng nhiều cách khác nhau để có được hộ chiếu của các nước khác, và cuối cùng, nếu có thể, họ di cư để tìm kiếm một nơi tốt hơn để sống. Điều này cho thấy sự thiếu tin tưởng giữa chính phủ và các doanh nghiệp, cũng như sự thiếu niềm tin vào tương lai của người dân Trung Quốc tại chính quê hương của mình.
Sự di tản của giới kinh doanh tạo ra một tổng thể trong tình hình kinh tế đang xấu đi ở Trung Quốc. Như cảnh báo trên "The Washington Post", nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm chờ đợi một cuộc khủng hoảng có thể so sánh với Mỹ năm 1929, dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo tính toán, tổng số nợ của Trung Quốc, trong đó bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước và các hộ gia đình đã đạt 282 phần trăm GDP hiện nay, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm đi làm vấn đề tăng lên.
ccp-leaders-1950s
Ban lãnh đạo ĐCSTQ trong thập niên 1950

Con đường xã hội chủ nghĩa mờ mịt

Một vấn đề khác là sự đàn áp đối lập của nhà cầm quyền Trung Quốc ngày càng tăng. Một sự gia tăng chưa từng có với quy mô lớn kiểm duyệt tất cả các phương tiện truyền thông, hạn chế tiếp cận văn hoá nước ngoài, bao gồm cả xem phim ảnh của Hollywood, tăng cường kiểm soát của các dân tộc thiểu số hoặc thậm chí hạn chế tự do học thuật - tất cả, nhà phân tích của Mỹ cho thấy sự suy yếu của chính phủ Trung Quốc và mối quan tâm ngày càng tăng của nhà cầm quyền về bất kỳ lời chỉ trích nào hay khả năng tạo ra lực lượng đối lập.
- Lãnh đạo đảng đang nghiêm túc sợ mất quyền lực - chuyên gia cho biết.
Một sự việc nữa là sự suy giảm lòng tin của thế hệ kế tiếp của các thành viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc về ý thức hệ của mình. Công thức đoàn kết xung quanh một nhà nước xã hội chủ nghĩa đang bị xói mòn và các khái niệm được đề xuất như chủ nghĩa xã hội mang tính đặc sắc Trung Quốc để cứu vãn tình thế chỉ là tạm thời. Các giải pháp có thể được mở ra trở lại với một nền văn hóa Trung Quốc phong phú và triết học, nhưng - bất chấp những thử thách e dè - cũng không thể hòa giải đuợc với các ý thức hệ cộng sản. Trong khi đó xã hội Trung Quốc giàu có lên ngày càng đòi hỏi nhiều hơn đối với một chính quyền không được bầu cử dân chủ.

"Sự kết thúc sẽ không yên tĩnh"

Như đã lập luận trên "The Wall Street Journal" của David Shambaugh, khó tin rằng sự sụp đổ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ yên tĩnh và thanh bình. Sẽ phải qua một cuộc đảo chính được thực hiện bởi quân đội hoặc một nhóm đối thủ trong Đảng Cộng Sản. Sự thay đổi nhanh chóng quyền lực, tình trạng bè phái trong giới tinh hoa và không khí xã hội xấu đi tạo nên một sự pha trộn không chỉ cuối cùng tác động lên Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mà còn lay động sự ổn định và phát triển của Trung Quốc. Các hiệu ứng của sự kiện này sẽ chạm tới châu Âu, bởi vì không có một nghi ngờ nào, nền kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng.

Làm thế nào để dự đoán sự sụp đổ?

Phải chăng sự dự đoán không quá sớm? Rất khó để dự đoán sự sụp đổ của một chế độ độc đoán đã được chứng minh tốt nhất bằng sự bất ngờ hoàn toàn của tình báo Mỹ qua sự kết thúc của Liên Xô. Tương tự như vậy với các cuộc cách mạng màu ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và mùa xuân Ả Rập, mà hệ quả, trong số những hệ quả khác, cuộc nội chiến đang diễn ra tại Syria. Thất bại của tình báo và của các nhà phân tích trong việc dự đoán các sự kiện thế giới xảy ra khá nhiều, tất cả các dự đoán, do đó, phải được xem xét một cách thận trọng.
Ngoài ra, tham nhũng và sự thoái hoá của tầng lớp ưu tú là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và ngày càng tăng ở các nước phi dân chủ. Thật khó cho Tập Cận Bình thực hiện cuộc chống tham nhũng như là hiện tượng của chiến tranh - Thậm chí nhân dịp này giúp ông ta loại bỏ đối thủ chính trị. Đồng thời, Chủ tịch Trung Quốc trước đó, Hồ Cẩm Đào, đã liên tục cáo buộc sự yếu đuối quá mức và thiếu can đảm đưa ra những quyết định khó khăn. Chủ tịch hiện nay đã chứng minh sức mạnh trong đảng và cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc thanh trừng thoát khỏi kiểm soát của ông.

Tin tưởng vào chính quyền

Đảng Cộng Sản, mặc dù không còn ý thức hệ, và đi theo một hướng không rõ, nhưng cũng không đi quá xa để mất đi sự ủng hộ. Một vài nghiên cứu xác nhận mức độ tin cậy cao đối với chính phủ hiện tại và chính người Trung Quốc vẫn còn nhớ tới sự hỗn loạn của thời chiến tranh, hay Cách mạng Văn hóa, và đánh giá cao sự ổn định. Đảng Cộng Sản hiện nay có tới hơn 85 triệu thành viên và số những người trẻ gia nhập đảng cũng đông đảo như trước đây. Đảng được đánh đồng với quyền lực và triển vọng nghề nghiệp cao hơn và như vậy, chúng ta có thể nói rằng, đang tiến triển rất tốt.
chinese-com-party-leaders
Thế hệ lãnh đạo mới của ĐCSTQ sau đại hội XVIII, 2012
Thực tế cho thấy sự kiểm duyệt nghiêm ngặt Internet không làm tăng sự phản đối của cộng đồng. Theo một số nghiên cứu, thậm chí phần lớn người dân Trung Quốc nói rằng sự kiểm duyệt không cản trở họ, hoặc họ tin rằng chính phủ đã làm tốt khi chặn một số mật khẩu hoặc hình ảnh. Việc kiểm duyệt Internet gợi lên cảm xúc lớn hơn ở nước ngoài so với ở Trung Quốc, một nơi mà người dân dễ chấp nhận sự can thiệp của chính phủ trong cuộc sống riêng tư của họ.

Thật là một thảm họa đẹp

Làm thế nào để hiểu thêm những dự đoán thảm khốc về sự chấm dứt chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc và khả năng mất ổn định tại nước này? Không nghi ngờ gì nữa, những vấn đề nghiêm trọng trong nội bộ mà Tập Cận Bình đang phải đối phó, còn nhận định của một chuyên gia có hạng như David Shambaugh không thể coi nhẹ. Cơn bão bình luận về tình trạng của chính quyền Cộng Sản cũng đã nổ ra trong vài ngày qua ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, nghi ngờ có thể thấy từ sự việc là, các dự báo về sự sụp đổ sắp xảy ra của chế độ Cộng Sản Trung Quốc nổi trội đặc biệt trên các phương tiện truyền thông Mỹ. Mặc dù Hoa Kỳ có thể sẽ chịu ảnh hưởng nhất từ sự bất ổn nội bộ của Trung Quốc, vẫn có thể có ấn tượng rằng họ không chấp nhận được chuyện ít nhất trên danh nghĩa một chế độ Cộng Sản nắm quyền ở cường quốc thứ hai của thế giới. Người ta có thể đặt câu hỏi liệu người Mỹ không nghĩ như mong muốn và thông thường họ nghĩ lầm trong tính toán của mình.
Đã có trong đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ trong khối Đông Âu, người Mỹ cũng dự đoán kết thúc của nó sẽ ở Trung Quốc. Sau đó, họ dự đoán rằng sự sụp đổ quyền lực của Bắc Kinh, sẽ dẫn đến sự tan rã thành 6-7 nước cộng hòa độc lập, giống như trường hợp khi Liên Xô tan vỡ. Hôm nay người ta không biết các dự báo có giá trị bao nhiêu, nhưng Trung Quốc dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản đã trở thành đối thủ mạnh mẽ nhất đối với quyền bá chủ thế giới của Mỹ.
Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức - RFA

Trung Quốc sẽ đi về đâu?

TP - Đã từ lâu, Trung Quốc luôn được xem là nước lớn, xét về dân số, diện tích và tầm ảnh hưởng đối với thế giới. Tuy nhiên, liệu nước này có thể trở thành siêu cường số một hay không, có thể "soán ngôi" Mỹ hay không, sẽ ra sao trong một vài thập kỷ tới?
Thách thức lớn đối với Trung Quốc: Sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc Thách thức lớn đối với Trung Quốc: Sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc
Thách thức lớn đối với Trung Quốc: Sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc
Thách thức lớn đối với Trung Quốc: Sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc.
Về vấn đề này, tác giả Elizabeth Economy, Giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Á thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế, một tổ chức nghiên cứu độc lập về ngoại giao có trụ sở tại Mỹ, vừa có bài phân tích đăng trên tạp chí uy tín Foreign Policy.
Cũ, mới pha trộn
Bà viết: “Nếu chú ý tới những tít bài nóng bỏng nhất trên báo chí thế giới, chúng ta có thể nhận thấy chưa hình thành nhận thức rõ ràng về chuyện Trung Quốc sẽ trở thành loại siêu cường nào trong những thập kỷ tới. Nhưng một trong những lý do thế giới mơ hồ về hướng đi của Trung Quốc trong thế kỷ 21 là bởi vì ngay cả người Trung Quốc cũng không thực sự đồng nhất về vấn đề này”.
Trong suốt thập kỷ đầu tiên của thời kỳ đổi mới, Trung Quốc dưới bàn tay lèo lái của ông Đặng Tiểu Bình âm thầm và dần dần tìm cách gia nhập các tổ chức và định chế quốc tế. Những cố vấn chính sách cao cấp như ông Ngô Kính Liên, người sau này có biệt danh là “Ngài thị trường”, công khai ủng hộ đổi mới thị trường và hội nhập với kinh tế thế giới.
Nhưng cũng trong thời điểm này, ông Đặng Tiểu Bình vẫn duy trì những chiến lược trước đó của Trung Quốc, ví dụ chương trình “Bốn hiện đại hóa” (nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, khoa học và công nghệ) với mục tiêu biến Trung Quốc trở thành một “cường quốc tự thân” (trở thành cường quốc dựa vào nội lực là chính) trong thế kỷ 21.
Đặng Tiểu Bình, người được cho là cha đẻ của công cuộc đổi mới ở
            Trung Quốc trong thế kỷ 20
Đặng Tiểu Bình, người được cho là cha đẻ của công cuộc đổi mới ở Trung Quốc trong thế kỷ 20.
Trong khi đó, nhà chiến lược quân sự, Đô đốc Lưu Hòa Thành, người đứng đầu Hải quân Trung Quốc trong những năm 1980, đã vẽ ra viễn cảnh về một lực lượng trên biển có thể đối trọng với Mỹ vào giữa thế kỷ 21.
Kết quả sự pha trộn cũ - mới của ông Đặng chính là một nước Trung Quốc mà chúng ta chứng kiến hôm nay - dù là một nước lớn nhưng vẫn tồn tại không ít vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội. Trong một thời gian dài, ngành ngoại giao Trung Quốc bám chặt vào chỉ đạo của ông Đặng: “Xấu khoe, tốt che”, ẩn mình chờ thời.
Tuy vậy, sự đồng thuận quan điểm trong thời Đặng Tiểu Bình bắt đầu lung lay trong 10 năm đổ lại đây. Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng và sự hiện diện của nước này ngày càng gia tăng ở Đông Nam Á, châu Mỹ Latin, châu Phi, châm ngôn của họ Đặng đã trở nên không ăn nhập với thực tiễn.
Khi một vài nước trên thế giới bắt đầu mường tượng ra Trung Quốc như một thế lực mới nổi, tạo thành đối trọng với phương Tây, một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc là ông Trịnh Tất Nhiên đã phải lên tiếng “giải thích” về sức mạnh đang gia tăng của nước này và ảnh hưởng của nó đến thế giới.
Đưa ra ý niệm về “sự trỗi dậy hòa bình” vào năm 2003 và phổ thông hóa ý niệm ấy năm 2005 bằng một bài báo trên tạp chí Foreign Affairs chuyên về các vấn đề quốc tế, ông Trịnh lập luận rằng không giống các cường quốc trước đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không dựa trên việc bóc lột người khác và rằng sự phát triển của nước này sẽ đem lại lợi ích cho dân Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Và các lãnh đạo cao cấp khác của Trung Quốc đều lần lượt đăng đàn ủng hộ ý kiến kể trên. Tuy nhiên, một số học giả nước này lo ngại rằng, từ “trỗi dậy” có vẻ quá “gây hấn” đối với người nước ngoài. Số khác thì tỏ ra không thích từ “hòa bình”.
Những người này lập luận rằng viết vậy là tự “buộc dây vào chân mình”, sẽ khó “gây hấn” khi cần thiết, ví dụ trong trường hợp Đài Loan tuyên bố độc lập. Giáo sư Diêm Học Thông, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa đã nói lúc đó: “Mọi chiến lược hòa bình có thể kìm cản sự trỗi dậy của Trung Quốc cần phải bị loại trừ”.
Thách thức nội tại
Tại thời điểm hiện nay, đang có những cuộc tranh luận nảy lửa trong giới trí thức Trung Quốc về vai trò của nước này đối với thế giới, dù chính quyền Bắc Kinh không đưa ra quan điểm cụ thể. Một số tỏ ra chắc chắn rằng trong thời gian không xa, Trung Quốc thực sự coi mình là một siêu cường.
Sự giàu có khiến nhiều người Trung Quốc trở nên ngạo mạn
Sự giàu có khiến nhiều người Trung Quốc trở nên ngạo mạn.
Ví dụ, tại thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lên đến đỉnh điểm, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên nói, đã chín muồi thời điểm thế giới chấm dứt việc dự trữ ngoại tệ bằng dollar Mỹ.
Những học giả về quan hệ quốc tế như Thẩm Đinh Lập của Đại học Tổng hợp Phục Đán công khai ủng hộ khả năng Trung Quốc thiết lập các căn cứ quân sự để bảo vệ lợi ích bên ngoài lãnh thổ của nước này.
Nhưng những quan chức và học giả khác lại cho đây là ý tưởng nguy hiểm và liều lĩnh. “Tôi không nghĩ Trung Quốc nên trở thành một nước Mỹ thứ hai trong các vấn đề chính trị của thế giới, và ngay cả khi muốn cũng không thể”, học giả Vương Tập Tư nói.
Một số học giả Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ gánh vác thêm những nhiệm vụ quốc tế. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói hồi tháng 4 năm nay, rằng Trung Quốc sẽ tăng cường đóng góp vào nỗ lực quốc tế trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giảm nợ nần, bởi “đó là khát vọng của cộng đồng quốc tế và cả của người dân Trung Quốc”.
Nhưng có lẽ thách thức sâu sắc nhất, như nhiều học giả Trung Quốc đề cập, không phải đến từ bên ngoài, mà là sự thay đổi trong văn hóa chính trị từ bên trong đất nước vùng Hoa Hạ. “Ba thập kỷ đổi mới đã dẫn đến sự tăng lên nhanh chóng của cải xã hội và khiến nhiều người Trung Quốc trở nên ngạo mạn”, Diệp Hải Lâm, một học giả đã có phân tích về tính “đa cảm, dễ xúc động, phản ứng” của người Trung Quốc hiện tại. “Người Trung Quốc không còn khoan dung với những lời chỉ trích mình nữa”.
Hình hài của Trung Quốc trong vài thập kỷ tới vẫn là điều chưa ai rõ. Nhưng có lẽ điểm quan trọng nhất là cuộc tranh cãi về điều đó vẫn đang diễn ra - không chỉ đằng sau cánh cửa Trung Nam Hải, mà còn trong từng người dân Trung Quốc và cộng đồng thế giới.
Tại thời điểm hiện nay, đang có những cuộc tranh luận nảy lửa trong giới trí thức Trung Quốc về vai trò của nước này đối với thế giới, dù chính quyền Bắc Kinh không đưa ra quan điểm cụ thể. Một số tỏ ra chắc chắn rằng trong thời gian không xa, Trung Quốc thực sự coi mình là một siêu cường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét