Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

DƯ LUẬN XÃ HỘI 27

-Vì sao nhỉ?

------------------------------------------

(ĐC sưu tầm trên NET)

Nhiều thiếu sót trong thu hồi đất ở Dương Nội

Chiều 14.6, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo của một số công dân P.Dương Nội, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội.

Theo kết luận của TTCP, phía người dân đã có một số kiến nghị thiếu cơ sở như: không cho dân họp bàn, tham gia lấy ý kiến dân chủ trong quá trình thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, cưỡng chế thu hồi đất trái quy trình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện việc thu hồi đất, cơ quan chức năng Q.Hà Đông đã có một số thiếu sót về mặt quy trình, thủ tục như: tại một số cuộc họp dân và các ngành chỉ ghi tổng số người dự họp nhưng không ghi rõ tên từng người là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại; diện tích đất thu hồi thực tế cao hơn so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên 114.000 m2, trị giá hơn 22,6 tỉ đồng, số tiền này UBND P.Dương Nội hiện đang giữ là sai quy định nhà nước...
Đáng chú ý, TTCP cho rằng UBND Q.Hà Đông chưa xét duyệt hết những hộ đủ tiêu chuẩn được giao đất dịch vụ và chưa tiến hành giao đất cho các hộ để sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất. Đối tượng lao động thuộc diện thu hồi có số lượng lớn, ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tự tìm công việc chuyển đổi nghề nghiệp.
Nhiều thiếu sót trong thu hồi đất ở Dương Nội Nhiều người dân Dương Nội băn khoăn về việc làm sau khi bị thu hồi đất - Ảnh: T.S
Đối với nội dung khiếu nại của 33 hộ dân P.Dương Nội kiến nghị đòi hủy bỏ các quyết định cưỡng chế, xin lỗi dân, bồi thường thiệt hại do không gửi phương án đền bù chi tiết tới từng hộ dân. TTCP cho biết, cơ quan chức năng Q.Hà Đông có sai sót về thủ tục nhưng không làm thiệt hại quyền lợi của các hộ dân bị thu hồi đất. Vì vậy không nhất thiết phải hủy bỏ các quyết định cưỡng chế.
TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.Hà Nội tiến hành kiểm điểm và có hình thức xử lý theo quy định pháp luật đối với các tổ chức và cá nhân Q.Hà Đông về những thiếu sót trong việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Khẩn trương tổ chức thực hiện việc xét duyệt và giao đất dịch vụ cho dân. Thu hồi khoản tiền chênh lệch qua đo đạc thực tế; xem xét hỗ trợ các hộ nghèo, khó khăn để đảm bảo ổn định đời sống.
Theo ông Lê Văn Thanh, Phó tổng TTCP, ngày 30.5 Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến đồng ý với kết luận và kiến nghị của TTCP.
Còn 472 hộ dân chưa nhận tiền đền bù
Phường Dương Nội có diện tích đất tự nhiên 585 ha. Từ cuối năm 2006 đến nay, phường này có 9 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hồi 3,2 triệu mét vuông đất với gần 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng; đến nay còn 472 hộ dân chưa nhận tiền đền bù. Từ năm 2008 đến nay, địa phương này trở thành điểm nóng về khiếu nại tố cáo về thu hồi đất, tập trung ở 3 dự án: Khu đô thị Dương Nội, Khu đô thị An Hưng và Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn.
Thái Sơn
                                    

Chống cưỡng chế, 17 người dân lĩnh án

TP - Ngày 6/9, sau 2 ngày xét xử sơ thẩm vụ chống cưỡng chế thu hồi đất xảy ra tại xã Kim Sơn, huyện Đông Triều cuối năm 2012 đối với 17 bị cáo là người dân xã Kim Sơn, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên án.

Các bị cáo đã được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt
Các bị cáo đã được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Theo đó, bị cáo Trần Thị Châu bị tuyên 30 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng, bị cáo Nguyễn Văn Rỉu 24 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ; 15 bị cáo khác có 4 người được hưởng án treo, 11 người bị phạt 8-24 tháng tù về hai tội danh trên.
Chống cưỡng chế, chặn quốc lộ
Theo cáo trạng, năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi hơn 41 ha đất nông nghiệp của người dân xã Kim Sơn để triển khai dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu đô thị Kim Sơn.
Ngày 5/12/2012, UBND huyện Đông Triều ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất với hơn 74 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường vì cho rằng giá đền bù quá thấp. Sau đó, trong các ngày từ 18 đến 20/12/2012, bà Trần Thị Châu cùng một số người dân đã dựng 3 lều bạt, căng khẩu hiệu tại khu đất ruộng có quyết định cưỡng chế thu hồi giáp quốc lộ 18A tập trung giữ đất.
Sáng 21/12/2012, chính quyền, đoàn thể xã Kim Sơn cùng lực lượng công an huyện đến yêu cầu người dân tháo dỡ lều bạt, khẩu hiệu theo quyết định của UBND xã Kim Sơn nhưng người dân không đồng ý.
Trưa cùng ngày, lực lượng chức năng đưa máy xúc của Cty bảo vệ Đông Hải 27/7 tới cưỡng chế tháo dỡ. Người dân đã gõ kẻng báo động, tập trung đông người chửi bới, ném đất đá, cát vào lực lượng cưỡng chế khiến chiếc máy xúc bị hỏng, 3 chiến sĩ công an huyện và một vệ sĩ thuộc Cty bảo vệ Đông Hải 27/7 bị thương nhẹ. Phía người dân cũng có một số bị thương. Người dân đã khiêng 2 chiếc quan tài đặt tại quốc lộ 18 gây cản trở, ùn tắc giao thông tuyến quốc lộ này nhiều giờ.
Chiều cùng ngày, khi cảnh sát 113, cảnh sát cơ động Công an tỉnh Quảng Ninh được điều tới giải tán đám đông đã bị rất đông người dân phản ứng ném gạch đá, khiến 11 cảnh sát cơ động bị thương nhẹ, 1 lá chắn và 3 mũ bảo hiểm bị hư hỏng, kính xe ô tô công an huyện bị vỡ. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã khống chế, bắt giữ một số người và giải tán đám đông, khai thông quốc lộ 18.
Trong số 17 bị cáo, có 10 người bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ theo điểm c, d khoản 2, điều 257 Bộ luật Hình sự và 7 người về tội gây rối trật tự công cộng theo điểm c, khoản 2 điều 245 Bộ luật Hình sự (cùng có khung hình phạt 2-7 năm tù).
Được giảm nhẹ do có bức xúc
Tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai báo do bức xúc trong việc bồi thường thu hồi đất không thỏa đáng nên đã có hành vi chống cưỡng chế nhằm giữ đất, đúng như cáo trạng truy tố. Đại diện VKS đề nghị xử phạt các bị cáo từ 6-30 tháng tù, trong đó 8 bị cáo được đề nghị cho hưởng án treo.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, bất chấp quy định pháp luật và quy tắc ứng xử. Hành vi của các bị cáo không chỉ ảnh hưởng tới người thi hành công vụ, gây ách tắc giao thông mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương,
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, bất chấp quy định pháp luật và quy tắc ứng xử.
Hành vi của các bị cáo không chỉ ảnh hưởng tới người thi hành công vụ, gây ách tắc giao thông mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương, gây bất bình trong dư luận xã hội, do đó cần xử phạt nghiêm khắc.
Tuy nhiên do các bị cáo đều là người nông dân bị thu hồi đất, sau khi phạm tội đã ra đầu thú, khai báo thành khẩn, có nhân thân tốt nên cần được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Tòa phạt bị cáo Trần Thị Châu mức án cao nhất 30 tháng tù vì xác định bị cáo giữ vai trò cầm đầu gây rối trật tự công cộng, bị cáo Nguyễn Văn Rỉu bị phạt 24 tháng tù do có vai trò cầm đầu chống người thi hành công vụ. 15 bị cáo còn lại có 11 bị cáo bị phạt tù từ 8-24 tháng tù, 4 bị cáo bị phạt 6-15 tháng tù treo. Ngoài ra, 15 bị cáo còn phải liên đới bồi thường hơn 39 triệu đồng cho những thiệt hại đã gây ra.
  
Một số tác động của chính sách đất đai đến phát triển nông nghiệp ở Việt Nam
21:27' 9/12/2013
TCCSĐT - Trên thực tế, phần lớn những biến động lịch sử quan trọng theo chiều hướng tích cực của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới gần 30 năm qua đều có quan hệ mật thiết với vấn đề đất đai, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Những tác động tích cực

Quá trình vốn hóa đất đai (VHĐĐ) tạo đà cho nông nghiệp phát triển

Từ khi đất được giao về cho hộ gia đình và tổ chức kinh tế sử dụng, nhất là khi người sử dụng đất (SDĐ) có nhiều quyền tài sản hơn đối với đất thì đất mới bắt đầu được vốn hóa. Ngay từ khi điều kiện vốn hóa khá sơ khai, tức những năm khoán sản phẩm trong nông nghiệp, người nông dân mới được quyền tài sản ít ỏi đối với đất, đó là quyền làm chủ nông sản vượt khoán, VHĐĐ đã đem lại thành tựu không ngờ, đó là mức sản lượng của nông nghiệp tăng lên vì người dân biết rằng sản phẩm vượt khoán làm ra trên mảnh đất giao khoán cho họ là kết quả của đầu tư tiền bạc và công sức để có năng suất cao hơn chắc chắn thuộc về họ. Động cơ này được tiếp thêm sức mạnh khi Nhà nước giao đất cho hộ gia đình với 5, rồi 9 quyền tài sản đối với đất. Khi đó, đất thật sự là tài sản của nông dân. Người nông dân không quan tâm đến chế độ sở hữu đất đai. Họ chỉ biết rằng, đất do họ toàn quyền sử dụng trong khuôn khổ mục đích mà quy hoạch sử dụng đất đã xác định, họ được quyền bán đất theo giá thỏa thuận với người mua, được quyền cho thuê đất, được sử dụng toàn bộ kết quả đầu tư vào đất sau khi trừ thuế đất nộp cho Nhà nước, được quyền thừa kế lại cho người thân, thậm chí khi Nhà nước thu hồi, họ được nhận tiền đền bù (tiền đền bù được người dân hiểu là giá mà Nhà nước mua đất của họ, mặc dù theo phương thức hành chính - mệnh lệnh)... Người nông dân bắt đầu bảo vệ mảnh đất của họ như một tài sản lớn và quý giá.

Nhờ nhìn nhận đất đai trên quan điểm vốn hóa như vậy, người nông dân đã tích cực đầu tư vào đất, chuyển đổi mục đích SDĐ theo hướng hiệu quả, thậm chí chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá quyền hạn mà Nhà nước giao cho họ. Không bàn đến phương diện chuyển mục đích sử dụng trái phép, chỉ nhấn mạnh ý nghĩa tài sản của đất cũng như mức độ quý giá của tài sản đất đối với người dân cũng cho thấy quá trình VHĐĐ đã hình thành một cách bền bỉ và phát triển tự phát trong nền kinh tế nước ta đồng thời với quá trình chuyển sang kinh tế thị trường, trước hết ở phân khúc đất nông nghiệp.

Vốn hóa đất đai có ý nghĩa đối với người dân ở khía cạnh tôn trọng và bảo hộ quyền tài sản đối với đất của họ trong các giao dịch dân sự. Nhờ VHĐĐ người dân có thể chuyển hóa giá trị tài sản đất thành tiền để đầu tư vào lĩnh vực khác, có thể thế chấp vay vốn, có thể tích tụ lại để bảo đảm cuộc sống khi về già, để cho con cháu... Những tác động này khiến người dân quý trọng đất hơn, bảo tồn và phát triển giá trị của đất thông qua đầu tư, thông qua quản lý và sử dụng tiết kiệm đất đai, nhờ đó mà có thu nhập cao hơn. Trên khía cạnh này, VHĐĐ có lợi cho người chủ quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Việc nông dân góp vốn bằng QSDĐ khi có đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch SDĐ thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng cung cấp một hướng tìm kiếm thu nhập mới cho người dân bị thu hồi đất để có thể có thu nhập và cuộc sống tốt hơn thông qua việc tham dự vào quá trình phân chia địa tô chênh lệch do chuyển mục đích SDĐ. Ngoài ra, góp vốn bằng QSDĐ của nông dân vào khu công nghiệp, khu đô thị còn giúp ổn định tình hình ở khu vực bị thu hồi đất, giảm bớt khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí huy động vốn khi tiến hành dự án đầu tư.

Việc phân bổ, sử dụng đất hợp lý thúc đẩy cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực

Những năm qua, việc phân bổ quỹ đất đai bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng các loại đất, đồng thời tạo sự bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận về đất đai.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã từng bước có các chính sách để nông dân tích tụ ruộng đất, thực hiện cánh đồng mẫu lớn góp phần đưa nông nghiệp phát triển toàn diện. Việc giao đất, cho thuê đất bằng chính sách đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, hạn chế dần việc can thiệp bằng các thủ tục hành chính trong tạo lập quỹ đất thực hiện dự án đầu tư, từng bước hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi, tạo sự công bằng cho các đối tượng sử dụng đất. Việc sử dụng đất đai từng bước theo hướng thân thiện với môi trường phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.

Đất nông nghiệp chủ yếu được nhà nước giao cho nông dân, một phần được giao cho các nông, lâm trường quốc doanh quản lý và sử dụng. Tiếp tục khẳng định không chia lại đất nông nghiệp (đất nông nghiệp đã giao theo Nghị định số 64/CP, ngày 27-9-1993 của Chính phủ), giao đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân, đồng thời thực hiện chính sách đổi mới tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm đầu tư, cải tạo, bồi bổ đất, giảm nguy cơ suy thoái đất nông nghiệp theo hướng kéo dài hơn thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân.

Với yêu cầu đó, chính sách đất đai đối với lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được một số thành tựu sau:

Một là, đã khuyến khích tập trung và tích tụ đất nông nghiệp

Những năm qua, các chính sách sử dụng đất nông nghiệp đã được đổi mới, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp, giải phóng sức lao động, đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện và chiếm lĩnh thị trường thế giới ở mặt hàng thế mạnh như gạo, thủy sản…

Đã đưa ra một số chính sách bảo hộ, quy hoạch quỹ đất nông nghiệp ổn định, lâu dài giúp người nông dân yên tâm đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật trong quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.

Hai là, đã cơ bản thực hiện chính sách giá đất nông nghiệp

Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp đã từng bước theo nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần bảo đảm cho thị trường phát triển đúng hướng, ngăn chặn đầu cơ, đồng thời tạo đà cho nông dân có nguồn vốn thực sự khi bị thu hồi đất nông nghiệp. Giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp góp phần tạo được lợi thế cho nông dân góp vốn hoặc mua cổ phần bằng đất vào các doanh nghiệp kinh doanh.

Ba là, cơ bản thực hiện tốt chính sách thu hồi đất và đền bù đất nông nghiệp

Trong 10 năm thi hành Luật Đất đai, các địa phương đã thu hồi hơn 650 nghìn héc-ta đất nông nghiệp để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế. Việc hạn chế thẩm quyền thu hồi đất đối với chính quyền địa phương đã bảo đảm quỹ đất trồng lúa ở mức trên dưới 4 triệu héc-ta, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đưa đất đã thu hồi vào sử dụng.

Bốn là, tạo tiền đề phát triển khu dân cư nông thôn

Việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch bảo đảm cho việc sử dụng đất đai và xây dựng hạ tầng khu dân cư nông thôn được văn minh, hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét của văn hóa làng, xã của các địa phương. Quỹ đất quy hoạch cho phát triển khu dân cư nông thôn như hạ tầng văn hóa, thể thao, giáo dục… cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu theo quy hoạch nông thôn mới. Có nhiều biện pháp quản lý và đưa vào sử dụng hiệu quả đất ao, hồ, đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư nông thôn.

Năm là, góp phần xây dựng công trình thủy lợi, đất hành lang an toàn, thiết chế văn hóa ở nông thôn

Phát triển hệ thống thủy lợi bảo đảm cung cấp đủ nước để khai thác được trên 5,8 triệu héc-ta đất cây hàng năm (đất lúa 3,8 triệu héc-ta), bước đầu hoàn thiện hệ thống đê biển, đê sông nhằm chủ động ứng phó với tác động do biến đổi khí hậu và nước biển dâng; chú trọng đến việc bố trí đất cho hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở nông thôn; quan tâm đến việc bố trí đất cho các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục - đào tạo, cơ sở thể dục - thể thao, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở dịch vụ về xã hội…

Một số tác động tiêu cực

Diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp và manh mún, quản lý sử dụng kém hiệu quả

Đất canh tác ở các vùng nông thôn Việt Nam ngày càng bị thu hẹp lại. Diện tích đất nông nghiệp còn bị mất chủ yếu là do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Đất canh tác bị mất còn do việc xây dựng và tích nước của các đập hồ thủy điện, làm ngập các thung lũng trồng lúa, vùng đồi trồng cây ăn quả, các cụm dân cư… Diện tích đất canh tác ở Việt Nam vào loại thấp nhất thế giới, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,12%. Trong khi những mảnh đất màu mỡ dần ít đi, nhường chỗ cho những khu công nghiệp, sân golf thì mỗi năm dân số tăng khoảng 1 triệu người. Mỗi năm Việt Nam mất đi 7.000 ha đất trồng lúa. Do vậy, việc duy trì được diện tích 3,81 triệu héc-ta trồng lúa đến năm 2020 là khó khăn, thách thức rất lớn.

Ước tính cả nước có 9,4 triệu héc-ta đất nông nghiệp(1), như vậy trung bình diện tích đất nông nghiệp trên đầu người là 1.560,4 m2, chưa bằng 1/3 so với Thái Lan và Cam-pu-chia(2). Số liệu thống kê năm 2010 cho thấy diện tích đất canh tác trung bình của một hộ dân là 0,85 ha, trung bình một hộ có từ 5 đến 7 mảnh đất khác nhau, tổng khoảng cách từ nơi ở đến ruộng của các hộ dân là khoảng 4,7 km. Ruộng đất phân tán, manh mún đã cản trở tính kinh tế theo quy mô, cơ giới hóa và khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất nông nghiệp. Nghiên cứu của Đại học Copenhaghen và Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp cho thấy, số ngày công lao động trung bình của Việt Nam là 389 ngày/năm/ha(3). Hộ nông dân càng có nhiều mảnh đất thì lợi nhuận trung bình thu được từ mảnh đất đó càng giảm và chi phí càng tăng.

Khả năng tích tụ và tập trung ruộng đất của nông dân rất thấp, dẫn đến mức lợi nhuận thu được từ những mảnh ruộng nhỏ không đủ để bảo đảm chi tiêu trong cuộc sống của họ. Kinh tế trang trại(4) phát triển chậm, chỉ 1% số nông hộ lập trang trại. Quy mô đất trung bình của một trang trại cũng chỉ đạt 6 ha. Nguyên nhân chính của việc này là hoạt động của thị trường đất nông nghiệp rất yếu ớt. Chỉ có 2,5% hộ nông thôn bán quyền sử dụng đất trong 5 năm từ 2001 - 2005, và khoảng 4% trong giai đoạn 2006 - 2010. Hoạt động thị trường thuê đất ở nông thôn cũng rất hạn chế. Theo điều tra của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), chỉ có 6% tổng số mảnh đất mà hộ sử dụng thông qua thị trường thuê mướn với khoảng 10% số hộ cho thuê hoặc cho mượn đất. Rất nhiều nông dân sản xuất không hiệu quả, kiếm thu nhập chủ yếu từ các hoạt động phi nông nghiệp phi chính thức nhưng vẫn muốn giữ đất như một cơ chế để bảo hiểm rủi ro do thiếu hệ thống an sinh xã hội chính thức tại nông thôn. Trong khi đó, với nguồn tích lũy hạn chế và thiếu hỗ trợ tín dụng nên rất khó cho các nông dân giỏi có đủ khả năng mua hoặc thuê lại đất của các nông dân khác. Kết quả là rất nhiều đất nông nghiệp, đặc biệt tại khu vực ven đô hoặc đất rừng được các nhà đầu tư thành thị mua hoặc thuê để đầu cơ, sử dụng kém hiệu quả hoặc hoạt động theo hình thức phát canh thu tô.

Những yếu kém kể trên đã thể hiện chính bằng thực trạng phát triển nông nghiệp chưa xứng với tiềm năng:

- Một là, hiệu quả sử dụng đất, năng suất lao động quá thấp và rất không đồng đều. Năm 2012, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp khoảng 940 ngàn tỷ đồng, doanh thu bình quân đạt khoảng 50 triệu đồng/ha/năm, trong đó ngành nông nghiệp đạt khoảng hơn 80 triệu đồng/ha/năm; ngành nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 120 triệu đồng/ha/năm; ngành lâm nghiệp chỉ đạt khoảng 3,4 triệu đồng/ha/năm.

- Hai là, tình trạng sản xuất manh mún, phân tán vẫn tồn tại dai dẳng, nhất là các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Nước ta đã có các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, như vùng sản xuất lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, vùng chuyên canh cao-su, cà-phê ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, vùng chăn nuôi bò sữa ở nhiều địa phương trên cả nước, phần còn lại là nền kinh tế dựa vào hộ tiểu nông sản xuất nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ lạc hậu, tỷ suất hàng hóa rất thấp.

- Ba là, đời sống nông dân nói chung vẫn nghèo, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn đang doãng ra, trong đó khoảng cách về mức sống giữa nông dân miền xuôi và miền ngược; giữa vùng trồng lúa và vùng trồng cây công nghiệp, thủy sản cũng đang doãng ra. Nhiều nông dân tỏ thái độ chưa hài lòng về cuộc sống hiện tại, có nơi nông dân bỏ ruộng, thậm chí bỏ làng để tìm sinh kế ở nơi khác.

Sử dụng đất nông nghiệp còn nhiều bất cập, chưa làm tiền đề cho phát triển theo hướng sản xuất lớn

Về thời hạn giao đất, Luật Đất đai năm 2003 quy định việc giao đất cho người nông dân sử dụng với thời hạn ổn định 20 năm đối với đất trồng cây hàng năm, 50 năm đối với đất trồng cây lâu năm và hạn điền (Điều 70 Luật Đất đai năm 2003) là một vấn đề mang tính trọng điểm. Năm 2013, thời hạn sử dụng đất đối với đất được giao sử dụng 20 năm đã hết, nếu không được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng sẽ gây ra nhiều bất ổn trong đời sống xã hội của đa phần nông dân trong cả nước. Đến nay, mặc dù có Nghị định số 126/2013/NĐ-CP, ngày 15-10-2013 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 49/2013/QH13, ngày 21-06-2013 của Quốc hội về kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp lên tới 50 năm, thậm chí không thời hạn.

Bên cạnh vấn đề thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, việc quy định hạn điền cho đất nông nghiệp được coi như không có tác dụng trong hoàn cảnh hiện nay, mặc dù hạn mức sử dụng đất đã nới rộng từ Luật Đất đai năm 1993 sang Luật Đất đai năm 2003. Trên thực tế, cũng có hai quan điểm nhìn nhận về quy định hạn điền. Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần loại bỏ hạn điền nhằm khuyến khích kinh tế trang trại quy mô lớn. Loại ý kiến thứ hai lại muốn tiếp tục quy định hạn điền để tránh xu hướng hình thành tầng lớp địa chủ mới và tầng lớp tá điền mới ở nông thôn. Trên thực tế, quy định hạn điền một cách hành chính là không khả thi. Kinh nghiệm quản lý ở nhiều nước khác cho thấy, người dân không quan tâm nhiều tới hạn điền một cách “cơ học” như ở Việt Nam. Diện tích đất sử dụng được điều chỉnh bằng công cụ thuế để tạo công bằng, phần diện tích nhiều hơn phải chịu thuế cao hơn.

Một số khuyến nghị

Về chính sách giao đất nông nghiệp

Để bảo đảm đất sản xuất cho lao động nông nghiệp chưa có đất hoặc có nhu cầu sử dụng nhiều đất hơn, Nhà nước cần khuyến khích và hướng dẫn các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy quá trình tự thỏa thuận điều chỉnh với những hộ và cá nhân không có nhu cầu này cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Song song với quá trình này, Nhà nước cần có chính sách, kế hoạch với lộ trình rõ ràng để phân bố lại lao động và dân cư giữa các vùng trong cả nước; kết hợp chặt chẽ với phát triển ngành nghề trong nông thôn.

Bỏ quy định về thời hạn, thay vào đó thực hiện giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài để khuyến khích nông dân gắn bó với đồng ruộng, yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và chủ động chăm lo bồi dưỡng đất. Đồng thời, Nhà nước cần bổ sung các quy định, bảo đảm để người được giao đất nông nghiệp sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy hoạch và chấp hành quyết định thu hồi đất khi Nhà nước cần sử dụng đất đó vào mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Cần quy định nâng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng để bảo đảm việc tích tụ đất nông nghiệp phù hợp với tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, đáp ứng tốt xu hướng phát triển của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Tuy nhiên, Nhà nước cần tăng cường sử dụng công cụ thuế và các chế tài mới để hạn chế, ngăn ngừa các hành vi “gom” đất nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi đi ngược lại nhu cầu tích tụ, tập trung đất nông nghiệp vì mục đích phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn.

Coi trọng lợi ích người dân trong đền bù thu hồi đất

Thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đáp ứng nhu cầu đô thị hóa diễn ra là điều tất yếu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, cần bảo đảm lợi ích các bên, đặc biệt lợi ích của người dân bị thu hồi đất.

Mục tiêu bao trùm lên chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần hướng đến hạn chế tối đa việc thu hồi đất, giải tỏa mặt bằng, cũng như số lượng người bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư. Nếu như việc thu hồi đất là không thể tránh khỏi thì phải có sự chuẩn bị cẩn thận phương án đền bù, trên cơ sở tính toán đầy đủ lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân, bảo đảm cho những người bị thu hồi đất có thể khôi phục lại hoặc cải thiện mức sống so với trước khi bị thu hồi đất.

Nên tính toán theo hướng, khi Nhà nước thu hồi đất thì người nào sử dụng đất sau đó sẽ có trách nhiệm bồi thường. Mức bồi thường cho giải tỏa mặt bằng được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm cho người dân có cuộc sống bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. Với người dân nông thôn, cần tính toán đầy đủ, bên cạnh tiền bồi thường về sử dụng đất đai cần có tiền bồi thường về hoa màu, tài sản trên đất.

Trong đền bù đất đai, cần thực hiện nhiều biện pháp để người dân cảm thấy được tôn trọng và được lợi khi họ phải nhường đất cho các dự án của Chính phủ. Trong suốt quá trình thu hồi đất, người dân phải có quyền và nghĩa vụ “tương tác” với chính quyền địa phương, thông qua đó giám sát những người thực thi quá trình thẩm định giá, đền bù, tái định cư.

Sau khi thu hồi đất, cần chú trọng đến hoạt động đào tạo giúp người nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nông nghiệp để nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản.

Tính giá đất theo giá thị trường

Hiện nay, vẫn còn sự khác biệt lớn giữa “giá đất do Nhà nước quy định” với “giá thị trường” - đây là nguyên nhân gây ra những trở ngại lớn trên thị trường đất đai. Hệ thống hai mức giá này có thể đem đến những giá trị và lợi ích lớn cho các doanh nghiệp xây dựng phát triển bất động sản (thường là doanh nghiệp nhà nước), nhà đầu tư và nhà đầu cơ. Ngoài ra, các quyết định phân bổ, các giao dịch liên doanh, thuế phí đầu tư thường dựa trên giá trị đất đã bị giảm giá một cách giả tạo; điều này có nghĩa là Chính phủ đang gây thiệt hại cho lợi ích của người dân bằng cách hạ thấp giá trị của một trong những tài sản quý giá nhất thuộc sở hữu của người dân(5).


Thực hiện tốt quy hoạch đất đai, quy trình thu hồi và bồi thường chặt chẽ, nghiêm ngặt

Việc chuyển dịch đất đai phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch, mà cơ bản nhất là quy hoạch đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Nên hạn chế biến đất trồng trọt thành đất phi nông nghiệp hay đất khu đô thị.

Có chính sách bảo vệ đất nông nghiệp bằng cách thực hiện chính sách quy hoạch và chuyển dịch đất đai hợp lý. Diện tích đất trồng lúa được tính toán trong phạm vi bảo đảm an ninh lương thực.
Khi quyết định thực hiện một dự án chuyển dịch đất đai từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, cần được quy hoạch chi tiết với một quy hoạch đất đầy đủ về hạ tầng, khu dân cư, khu công cộng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh…

---------------------------------------

(1) Niên giám Thống kê năm 2012

(2) World Bank (năm 2009), Agriculture and Development

(3) UOC/CAP (năm 2011), Determinants and effects of land fragmentation in Vietnam

(4) Kinh tế trang trại với quy mô sản xuất vượt trội, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, mức độ tập trung hóa và chuyên môn hóa cao hơn hẳn, sử dụng lao động hiệu quả hơn, có khả năng tiếp nhận và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất… Do đó, nó có tính kinh tế cao hơn rất nhiều so với các nông hộ.

(5) Theo www.monre.gov.vn
Phạm Việt DũngTạp chí Cộng sản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét