ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 84

(ĐC sưu tầm trên NET)


Người cha của ba vị tiến sĩ nổi tiếng khoa bảng Việt Nam

Trong gần một nghìn năm phát triển của các triều đại phong kiến Việt Nam, số lượng các tiến sĩ không nhiều. Vậy mà có những gia đình, cả nhà đều đỗ tiến sĩ và trở thành những gương trung liệt cho thế hệ sau này noi theo.

Trong số những gia đình như thế có dòng họ Đặng ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Cụ Đặng Trần Diễm chính là người cha của ba vị tiến sĩ nổi tiếng là Lý Trần Quán, Lý Trần Dự và Lý Trần Thản.
Nhân vật đặc biệt trong lịch sử khoa bảng Việt Nam
Hiện nay các tài liệu viết về nhân vật Đặng Trần Diễm không còn nhiều và các sách sử cũng ít nhắc đến nhân vật này. Theo các tài liệu còn lại đến ngày nay thì Đặng Trần Diễm sinh năm 1705 (không rõ năm mất của ông nhưng con cháu vẫn tổ chức ngày giỗ vào 19 tháng Giêng hàng năm). Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng lại có tinh thần hiếu học nên được thầy dạy quý mến. Nhờ cần cù, chăm chỉ học tập mà Đặng Trần Diễm đỗ cử nhân năm 1730 dưới triều nhà Lê. Những bản sắc phong mà ông Lý Trần Yên, trưởng tộc dòng họ Đặng xã Vân Canh còn giữ được đến ngày nay đều là bản sắc phong dưới triều vua Lê Hiển Tông (niên hiệu là Cảnh Hưng).
  Người cha của ba vị tiến sĩ nổi tiếng khoa bảng Việt Nam - Ảnh 1
Một bản sắc phong cho Đặng Trần Diễm thời Cảnh Hưng.
Trong sự nghiệp quan trường của mình, Đặng Trần Diễm đã trải qua khá nhiều chức vụ từ tri huyện Đông Ngàn, sau đến hiến sát sứ Hải Dương, rồi tri phủ Trường Khánh (Lạng Sơn)... Tuy nhiên, điều vinh dự nhất là mặc dù ông chỉ đỗ trung khoa nhưng lại được phong làm Đông các đại học sĩ (chức vốn chỉ dành cho những vị đỗ đại khoa). Trong các bản sắc phong đời Cảnh Hưng đều ghi lại rất rõ sự kiện này. Ông là viên quan đa tài, mẫu mực nên được vua rất tin dùng, giao cho nhiều trọng trách như: Giám thị, giám khảo, biên tu... Việc Vua phá lệ phong cho một cử nhân lên làm Đông các đại học sĩ có thể chứng minh điều đó. Có thể thấy rằng ông gần như là nhân vật duy nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam được hưởng đặc cách này. Tiếp sau đó, ông còn được ban nhiều sắc thời Cảnh Hưng, phong làm Hiển cung đại phu, Tu thận Thiêu doãn trung liệt...
Không chỉ nổi tiếng trong quan trường, Đặng Trần Diễm còn được biết đến với vai trò người cha đức độ, mẫu mực. Theo lời ông Lý Trần Yên thì: "Cụ Diễm khi tuổi đã cao mà vẫn không có con nối dõi nên lấy làm lo lắng. Cụ thường xuyên đến đền Chèm cầu Lý Ông Trọng (đây là nhân vật truyền thuyết sống vào thế kỉ III, người làng Chèm, Từ Liêm, Hà Nội. Nhân vật này được suy tôn là Đức Thánh Chèm) độ trì cho có con nối dõi. Về sau lời thỉnh cầu của cụ ứng nghiệm và cụ sinh được ba người con trai (trong đó hai người con trai đầu là con của vợ cả, người con út là con của vợ thứ). Để tỏ lòng biết ơn cụ Diễm đã đổi cho các con mang họ Lý, lập ra một chi họ Lý Trần gốc họ Đặng. Điều đặc biệt là cả ba người con trai của cụ sau này đều đỗ tiến sĩ. Người con cả Lý Trần Quán đỗ tiến sĩ năm 1766, người con thứ là Lý Trần Dự đỗ tiến sĩ năm 1769 và người con út là Lý Trần Thản cũng đỗ tiến sĩ năm 1769".
PGS.TS Hà Minh Hồng (chủ nhiệm khoa Lịch Sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐHQGTP.HCM) nhận xét: "Đặng Trần Diễm là một nhân vật khá đặc biệt - một cử nhân nhưng lại được phong đến Đông các đại học sĩ và là người hiếm hoi (nếu không muốn nói là duy nhất) trong lịch sử khoa bảng Việt Nam được đặc cách như vậy (từ trung khoa lên ngang đại khoa) do tài năng và đức độ của ông. Đỗ cử nhân - là đỗ hết các kỳ thi (4 kỳ) trong thi Hương, gọi Hương cống, ông Cống, ông Cử; mỗi khoa thi chỉ lấy đỗ một số người nhất định, đỗ Cử nhân được bổ làm quan các cấp và sau đó có thể được thăng lên các chức vụ cao hơn. Chính tài năng và đức độ của ông đã quyết định việc được đặc cách đó".
PGS. Hồng cũng cho biết thêm: "Gia đình ông cũng có thể được coi là gia đình khoa bảng vì có ba vị tiến sĩ. Mặc dù đây không phải là gia đình có người đỗ tiến sĩ nhiều nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, nhưng đây vẫn là một trong những gia đình khoa bảng quý hiếm thực sự đạt được chuẩn mực: Con hơn cha - Nhà có phúc".
  Người cha của ba vị tiến sĩ nổi tiếng khoa bảng Việt Nam - Ảnh 2
Theo PGS. TS. Hà Minh Hồng, đây là một gia đình khoa bảng.
Lòng trung thành và công trạng của ba vị tiến sỹ
Đặng Trần Diễm ngoài là một vị quan thanh liêm, chính trực ông còn là một người cha điển hình trong xã hội phong kiến xưa. Khả năng định hướng và rèn luyện nhân cách con người đã được các người con của ông thể hiện xuất sắc. Người con cả là Lý Trần Quán nổi tiếng trong lịch sử với câu chuyện tự chôn sống mình để thể hiện lòng trung với vua. Lý Trần Quán đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Cảnh Hưng (1766).
Trong loạn kiêu binh nổi tiếng năm 1786 (tức việc binh lính truất thế tử Trịnh Cán, lập Trịnh Khải lên làm vua sau khi Trịnh Sâm mất) ông đang làm Thiêm sai Lại phiên ở huyện Yên Lãng (nay thuộc huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). Khi Trịnh Khải chạy trốn quân Tây Sơn có đến nhờ sự giúp đỡ của Lý Trần Quán thì không ngờ thủ hạ dưới trướng của ông lại bắt Trịnh Khải nộp cho Tây Sơn. Biết tin đã quá muộn, ông kêu khóc thảm thiết rồi nhờ người tự chôn sống mà chết (tháng 7 -1786). Trước khi chết ông còn nói một câu rất nổi tiếng: "Đạo hiếu ba năm đã trọn, chữ trung mười phần chưa xong". Câu chuyện về nhân vật Lý Trần Quán mãi được lưu truyền như một tấm gương sáng về lòng trung thành, cương liệt.
Người con thứ của Đặng Trần Diễm là Lý Trần Dự cũng là một nhân vật nổi tiếng. Đến nay năm sinh năm mất của ông còn nhiều nghi vấn nhưng trong tài liệu ghi trên văn bia, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Cảnh Hưng 30 (năm 1769). Ông làm quan đến chức Đô chức sự trung, sau thăng lên làm Đốc đồng Lạng Sơn. Ông mất tại nơi làm quan.
Người con út của Đặng Trần Diễm là Lý Trần Thản đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Cảnh Hưng 30 (1769). Ông là con rể của nhà bác học Lê Quý Đôn. Trong sự nghiệp quan trường, Lý Trần Thản được giao nhiều trọng trách như Hữu tư giảng (dạy con nhà chúa), Biên tu, Đốc lĩnh các đạo Hưng - Tuyên, làm nhiệm vụ tiễu phỉ. Sau ông làm tới Thượng thư Bộ Hình (hạng 2/9 bậc quan chế). Ông còn tham dự việc trông coi biên soạn sách vở ở Viện Hàn lâm. Ông được ban 5 sắc phong, được tặng tước bá, phong Đông các đại học sĩ, Kim tử vinh lộc đại phu, truy tặng Trung lương đại vương, Trung đẳng phúc thần, tước Tuy quận công. Ông còn được phong tặng hai mỹ tự: "Đoan nhã, chính trực".
Ông Lý Trần Yên khi trò chuyện với phóng viên có cho biết: "Hiện nay dòng họ chúng tôi thờ hai cụ Đặng Trần Diễm và Lý Trần Quán tại làng. Riêng cụ Lý Trần Thản do di cư về sống tại Hà Nam và lập thành một chi nhánh mới tại đó nên việc thờ cúng do con cháu dưới đó đảm trách. Chúng tôi rất tự hào về truyền thống gia đình và con cháu thế hệ sau đều noi gương tổ tiên để phấn đấu. Tuy nhiên thời chiến tranh, thế hệ chúng tôi không có dịp học hành nên không còn phát huy được truyền thống của các cụ ngày xưa".
PSG.TS Hà Minh Hồng đánh giá: "Đặng Trần Diễm có vai trò quan trọng tới việc hình thành và phát triển con đường khoa bảng của các con ông khi dạy dỗ các con có "chí" và "gắng chí". Ông thường căn dặn và mong mỏi các con "phải gắng chí hơn cha, con hơn cha mới là nhà có phúc". Ông là người cha mẫu mực với cái nếp của gia đình nghèo khó, được học những thầy giỏi và chăm chỉ học, tự học. Ông xứng đáng được nhận sắc phong của Vua "giáo tử đăng khoa". Có lẽ đó (cha dạy con đỗ đạt) cũng là cách hay nhất, hiệu quả nhất, thể hiện rõ nhất truyền thống hiếu học và thực chất mục tiêu dạy chữ - dạy người trong giáo dục Việt Nam xưa và nay".
Những điển hình mẫu mực trong lịch sử khoa bảng Việt Nam PGS.TS Hà Minh Hồng khi nhận định về vai trò của gia đình nhân vật Đặng Trần Diễm có nói rằng: "Đặng Trần Diễm và các con ông là một trong những điển hình trong lịch sử khoa bảng và lịch sử khoa cử Việt Nam. Hơn nữa đây cũng là trường hợp điển hình của việc trọng dụng nhân tài trong lịch sử quan chế thời phong kiến. Thực tế là những gia đình như vậy không nhiều nhưng nó thể hiện truyền thống hiếu học của gia đình Việt Nam".
Phạm Thiệu

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH