Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 47

(ĐC sưu tầm trên NET)

Điệp viên thế kỷ XX: Những điệp viên có cánh của Allen Dulles

VietnamDefence - Từ khi Allen Dulles nhiệt tình và khôn ngoan lên nắm quyền lãnh đạo CIA vào năm 1951, hoạt động thu thập tin tức về Liên Xô của cơ quan này được đẩy mạnh. Họ đặc biệt chú trọng đến việc phái điệp viên vào Liên Xô.
Bọn gián điệp nhảy dù

Với sự mở màn của “ chiến tranh lạnh”, các cơ quan tình báo Mỹ và đồng minh phương Tây của họ gặp nhiều khó khăn vì không có tin tức về đất nước “siêu bí mật” là Liên Xô. Họ không nắm được các kế hoạch chính trị và quân sự của Stalin. Bởi vậy, nhiều hành động mà Stalin thực hiện đã làm họ bàng hoàng, ví dụ như việc phong toả Tây Berlin vào 1948, thử quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô vào năm 1949 hoặc cuộc tiến công của Bắc Triều Tiên xuống Nam Triều Tiên năm 1950.

Từ khi Allen Dulles nhiệt tình và khôn ngoan lên nắm quyền lãnh đạo CIA vào năm 1951, hoạt động thu thập tin tức về Liên Xô của cơ quan này được đẩy mạnh. Họ đặc biệt chú trọng đến việc phái điệp viên vào Liên Xô. Hoạt động này của người Mỹ đã được sự hỗ trợ tích cực của chuyên gia già đời về Nga, viên chỉ huy tình báo Tây Đức Reinhard Gehlen. Họ không gặp khó khăn lắm với vấn đề tuyển mộ điệp viên. Sau chiến tranh ở lại phương Tây có hàng trăm ngàn “dân di cư” nguyên là cựu công dân Xôviết vì lý do nào đó không muốn trở về Liên Xô. Không ít người trong bọn họ sẵn sàng tham gia cuộc chiến chống lại cố quốc của mình. Các điệp viên tương lại được lựa chọn trong số người đó và được gửi đi đào tạo tại các trường tình báo.

Hai điệp viên đầu tiên đã bước vào hoạt động là F.K. Sarantsev, cựu binh nhất Hồng quân, bị quân Đức bắt làm tù binh năm 1943 và A.I. Osmanov - một tên đào ngũ, đã tham gia đội quân của Vlasov (A.A. Vlasov - trung tướng Hồng quân, đã đào ngũ theo Đức phát xít và cầm đầu cái gọi là “Quân đội Giải phóng nước Nga” chiến đấu chống Liên Xô trong thời Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - ND). Địa điểm đến là Moldova nơi chúng đã nhảy dù từ một máy bay Mỹ cất cánh từ căn cứ ở Salonika (Hy Lạp) vào ngày 18 tháng 8 năm 1951. Bọn gián điệp nhảy dù này được trang bị đầy đủ các giấy tờ giả mạo và “lai lịch giả”. Sarantsev trở thành Fedorov, công nhân nhà máy thuốc lá Java ở Moskva, đang nghỉ phép ở Kavkaz nơi mà hắn phải đến sau khi nhảy dù. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ dự kiến, khoảng 3 tuần sau, hắn phải sang Thổ Nhĩ Kỳ, ở đó sẽ có các nhân viên CIA đón hắn. Còn Osmanov phải đến Ural và sau đó cũng quay về qua Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai đều được trang bị điện đài cỡ nhỏ, xe đạp gấp do CHDC Đức sản xuất (các xe đạp này có bán ở Liên Xô), súng ngắn của Đức, mỗi tên mang 5 ngàn rúp, vài bọc tiền vàng và một số đồng hồ (để đút lót khi cần).

Sự tồn tại của chúng ở Liên Xô hoá ra rất ngắn ngủi. Các điện đài của Gehlen đã nhận được một số tín hiệu vô tuyến do bọn gián điệp phát đi, nhưng sau đó thì bị gián đoạn. Cả hai tên gián điệp nhảy dù đã bị bắt trước khi đến được địa điểm định trước. Mấy tháng sau, báo chí Liên Xô đã đưa tin về việc bắt giữ “hai gián điệp Mỹ” và chúng đã bị xử bắn theo phán quyết của toà án.

Cũng thời gian đó (ngày 25 tháng 9 năm 1951), một chiếc máy bay cất cánh từ sân bay ở Wiesbaden (CHLB Đức) đã thả dù tên “điệp viên đi lẻ” Ivan Aleksandrovich Filistovich xuống gần làng của hắn là làng Ilya cách không xa Vileika (ở phía Bắc Minsk). Tuy tuổi còn trẻ, tên này đã có một quá khứ đầy bão tố. Vào đầu chiến tranh, quân Đức chiếm làng quê hắn, hắn đã làm việc cho bọn phát xít Đức, vào cuối chiến tranh, hắn được nhận vào tiểu đoàn SS rồi tham gia chiến đấu chống quân Anh, Mỹ tại Italia. Sau khi Đức đầu hàng, hắn sang Tiệp Khắc, sau đó qua Pháp và Bỉ. Tại Bỉ, hắn vào học tại đại học tổng hợp Thiên Chúa Giáo. ở đó, khi biết người Mỹ đang tuyển mộ thanh niên Nga cho các nhiệm vụ tình báo, hắn đã đến Tây Đức và tốt nghiệp trường tình báo tại đây. Người ra đã nghĩ cho Filistovich một “lai lịch giả vững chắc như thép”. Hắn trở thành một người dân di cư, bị cưỡng bách đến Đức và sau đó làm thợ mỏ tại Bỉ. Nhiệm vụ chính của hắn là tìm lại các điệp viên Đức đang “nằm vùng” ở Belorussya, lập lại tổ chức và đi vào hoạt động. Trong trường hợp không thành công, hắn giả gửi thư đến Paris cho một người bạn, trong đó có kèm theo báo cáo viết bằng mực mật.

Filistovich ở lại Belorusssya một thời gian và đã gửi một số thư đi Paris nhưng hắn không tìm được các điệp viên Đức nằm cùng. Cuối cùng hắn đã bị bắt. Hai năm sau, tên tuổi của Filistovich xuất hiện trong cuốn sách nhỏ của KGB trong số “những điệp viên phát xít và phản cách mạng bị vô hiệu hoá”.

Người Mỹ tiếp tục thỉnh thoảng thả dù các điệp viên vào Liên Xô. Ngày 8 tháng 10, một điệp vụ như thế nhằm thả dù hai điệp viên đã thất bại vì viên phi công Mỹ đã nhầm lẫn thả chúng xuống lãnh thổ Rumani thay vì Ucraina. Cả hai đã bị bắt ngay khi tiếp đất.

Mùa hè 1952, các điệp vụ thả dù gián điệp được tăng cường. Ngày 2 tháng 5, 3 điệp viên L.K. Koshelev, A.P. Kurochkin và L.N. Voloshanovsky - cả 3 đều là lính đào ngủ đã được tung từ Iran xuống Bắc Kavkaz. Kurochkin đã liên lạc được bằng điện đài với các ông chủ của mình và đã cung cấp các thông tin trong mấy tháng. Người Mỹ rất hài lòng. Nhưng chỉ sau đó một thời gian, báo chí Liên Xô đã đưa tin là tên gián điệp Mỹ Kurochkin sau khi nhảy dù đã đầu thú với chính quyền và đã thực hiện “trò chơi điện đài” với các ông chủ cũ của mình.

Tháng 8 năm 1952, Mỹ đã thả xuống khu vực giữa Vitebsk và Mogilyov trên lãnh thổ Bạch Nga cùng một lúc 4 điệp viên: M.P. Artiushevsky, G.A. Kostiuk, T.A. Ostrikov và M.S. Kalnhitsky - tất cả đều là dân di cư cũ được tuyển mộ trong các trại ở Đức. Chúng được lệnh giả dạng là những người bị Đức cưỡng bách xua đuổi thời chiến tranh, đứng chân và vào làm cho các xí nghiệp công nghiệp. Chúng được cấp các giấy tờ và “lai lịch giả” thích hợp. Không lâu sau khi nhảy dù, Ostrikov đã ra đầu thú chính quyền và khai hết về điệp vụ của chúng. Mấy tên đồng bọn của hắn sau đó cũng lần lượt sa lưới. Kalnitsky đã bị bắn chết vì chống cự, hai tên khác bị xử bắn theo phán quyết của toà án. Ostrikov được ân xá.

Các thất bại trên đã làm người Mỹ thất vọng. Việc thả dù gián điệp được thực hiện ít hơn nhiều nhưng lại được chuẩn bị chu đáo hơn, việc tuyển chọn, huấn luyện được tiến hành nghiêm ngặt hơn.

Đêm 25 rạng ngày 26 tháng 4 năm 1953, một máy bay cất cánh từ căn cứ không quân ở Hy Lạp đã tung xuống miền Nam Ucraina 4 điệp viên A.B. Lakhno, S.I. Gorbunov, A.N. Makov và D.N. Remiga được tuyển mộ trong các trại vào năm 1950. Chúng được cấp tiền, ống độc dược, quần áo cũ do Liên Xô sản xuất và mang ủng giả da. Lần đầu tiên bọn gián điệp này được trang bị các phao vô tuyến để dẫn đường cho các máy bay chở bọn gián điệp khác và để thực hiện các chuyến bay do thám. Địa điểm đến và bám rễ của bọn gián điệp này là Kiev và Odessa. Makov là cựu lính thủy, có nhiệm vụ cung cấp thông tin về các công trình cảng và hoạt động của tàu bè trong cảng. Tuy vậy, sau khi nhảy dù xuống, chúng cũng biến mất vô tăm tích. Một tháng sau, báo chí Xôviết đã đưa tin về 4 gián điệp Mỹ nhảy dù đã bị bắt tại chỗ, về phiên toà và việc xử bắn chúng. Tất cả những nỗ lực, công phu chuẩn bị chu đáo của Mỹ và Gehlen đã biến thành tro bụi và do đó có đầy đủ cơ sở để nghi ngờ có điệp viên Liên Xô trong “Liên minh nhân dân lao động”, tổ chức đã giúp đỡ tuyển chọn điệp viên để tung vào Liên Xô. Sau này, vào năm 1954, người ta mới biết là nhóm gián điệp này đã bị điệp viên Liên Xô, cựu đại uý Nikita Khorunzhim tố giác. Ông này đã giả chạy sang phía người Mỹ vào năm 1948 và thậm chí còn lọt được vào làm giáo viên trong trường tình báo đào tạo các điệp viên. Ông đã bị người trợ lý tố cáo và bị bị kết án 14 năm tù. Năm 1959, ông được trao đổi lấy một điệp viên Mỹ.

Thất bại này dường như đã được giảm nhẹ phần nào nhờ thành công lớn của một nhóm khác nhảy dù xuống khu vực Minsk ngày 29 tháng 4 năm 1953. Nhóm này gồm 4 điệp viên là Konstantin Khmelnitsky, Ivan Kydryatsev, Aleksandr Novikov và Nikolai Yakuta. Khmelnitsky là trưởng nhóm, cựu hạ sĩ quân đội Liên Xô, một nhân viên điện đài giỏi và được các thủ lĩnh của “Liên minh nhân dân lao động” và các chuyên gia của Gehen đặc biệt tin tưởng. Yakuta bị bắt làm tù binh năm 1942, đã sống ba năm trong trại tập trung của Đức, sau chiến tranh đã từ từ chối trở về Liên Xô, làm những công việc mờ ám tại Casablanca cho đến khi được nhận vào “Liên minh nhân dân lao động”, sau đó trở thành người của Gehlen. Novikov đến Đức làm công nhân bị tuyển cưỡng bức vào năm 1943 lúc 17 tuổi, sau chiến tranh bắt đầu làm việc cho “Liên minh nhân dân lao động”. Trước khi nhóm này bay đi làm nhiệm vụ, phó chỉ huy “Liên minh nhân dân lao động” Okolovich đã đến thăm chúng “để bắt tay những người dũng cảm”.

Sau khi nhảy dù, Khmelnitsky đã liên lạc với trung tâm tình báo ở CHLB Đức và báo cáo rằng, theo đúng chỉ thị, nhóm gián điệp đã phân tán, bản thân hắn hoạt động ở vùng Minsk và Mogilyov, một tên khác thì đến Smolensk. Số còn lại thì im lặng, trong khi Khmelnitsky tiếp tục gửi về một khối lượng lớn thông tin. Điều đó kéo dài được khoảng ba năm. Khmelnitsky đã đi khắp Liên Xô, lôi kéo được nhiều bạn bè và lập ra các “chi hội những người bất mãn”. Các tin tức mà hắn gửi hấp dẫn đến nỗi Allen Dulles đích thân đến chúc mừng Gehlen nhân thành công lớn này.

Và bỗng như tiếng sấm giữa trời quang, tháng 2 năm 1957, phòng báo chí Bộ Ngoại giao Liên Xô đã tổ chức cuộc họp báo đặc biệt. Trong phòng họp đèn đuốc sáng choang, và sau những chiếc bàn chất đầy những đồ dùng gián điệp, trong đó có 3 chiếc điện đài của Mỹ, các khẩu súng ngắn ổ quay, bản đồ, túi tiền vàng, những chiếc dù đã được gấp cẩn thận, ông trưởng phòng báo chí đang giới thiệu với 200 nhà báo nước ngoài 4 gián điệp bằng xương bằng thịt là Khmelnitsky, Yakuta, Novikov và Kudryavtsev. Ba tên sau trông ủ rũ, nhợt nhạt hiển nhiên là do những tháng ngồi tù. Còn Khmelnitsky thì lại sảng khoái, vui vẻ. Anh ta tuyên bố mình là điệp viên của phản gián Xôviết từ năm 1945 và liên hệ với những người di cư nhằm mục đích “khám phá âm mưu phát xít chống lại Tổ quốc Xôviết của chúng ta”. Pha chút khôi hài, Khmelnitsky kể rằng, sau khi họ được tuyển mộ và huấn luyện trong trường tình báo, người Mỹ và bọn “tay sai Gehlen” của chúng “đã khuyến khích rượu chè, cờ bạc và buông thả, thậm chí còn dẫn chúng tôi đến các lầu xanh ở Munich”.

Khmelnitsky thông báo một số chi tiết về việc đào tạo gián điệp và đã mô tả về nhiệm vụ của mình như sau: “Gián điệp quân sự và kinh tế, đánh cắp các tài liệu của Liên Xô, phao tin đồn nhảm, lôi kéo các công dân Xôviết tư tưởng không vững vàng vào mạng lưới phát xít, bôi nhọ uy tín các cán bộ đảng và chính quyền Xôviết. Sau đó “điệp viên hai mang” này đã thông báo một tin gây ấn tượng mạnh nhất: Trong gần 4 năm, ông đã tiến hành “trò chơi điện đài” với người Mỹ, truyền đi những thông tin do cơ quan an ninh Xôviết chuẩn bị. Theo lời ông, trò chơi đã đạt thành công tới mức Liên Xô đã đánh lạc hướng hoàn toàn người Mỹ trong nhiều vấn đề quan trọng và trên cơ sở những chỉ thị và yêu cầu mà ông nhận được, Liên Xô “đã khám phá được nhiều kế hoạch bí mật của bọn âm mưu phát xít đang mưu đồ chống lại Tổ quốc Xôviết”.

Quá bối rối, thủ tướng CHLB Đức Adenauer đã phải hạ lệnh cho Gehlen chấm dứt các chiến dịch nhảy dù chống Liên Xô để tránh các rắc rối quốc tế. Tuy nhiên, CIA thỉnh thoảng vẫn tiếp tục thả điệp viên với sự giúp đỡ “không chính thức” của Gehlen. Với sự bắt đầu của thời đại máy bay do thám U-2 và hoạt động trinh sát đường không đã có bước tiến bộ lớn, các chiến dịch thả dù điệp vên đã mất đi phần lớn tầm quan trọng trước kia. Moskva đôi khi vẫn đưa tin về việc bắt giữ được những tên gián điệp nhảy dù (ví dụ như bắt nhóm gián điệp Mỹ có mật danh “Quadrat B-52”, bắt tên Okhrimovich gần Kiev vào năm 1954 và V. Slavny vào năm 1960), nhưng đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi.

Tái bút. Toàn bộ các sự kiện trên được lấy từ báo chí Liên Xô trong những năm 50-60 và sách báo phương Tây. Các chuyên gia tình báo Mỹ khẳng định rằng, trên báo chí chỉ đề cập đến các sự kiện mà công luận đã biết. Theo họ, đã có nhiều cuộc đổ bộ bằng dù thành công xuống lãnh thổ Liên Xô và vẫn chưa bị phát giác nên đã cho phép CIA nhận được những thông tin quý giá. Biết nói thế nào bây giờ, điều đó cũng hoàn toàn có thể...

Điệp viên thế kỷ XX: Tên phản bội mang quân hàm đại tá GRU

VietnamDefence - Tính tự cao tự đại thái quá đòi hỏi phải có những ưu đãi đặc biệt. Baranov quyết định lừa dối tất cả, bắt cá hai tay và đánh giá quá cao khả năng của mình.
Làm thế nào mà một viên đại tá Nga trở thành điệp viên Tony
Ngày 17 tháng 12 năm 1993, Toà quân sự-Toà án Tối cao Liên bang Nga kết án giam giữ 6 năm đối với đại tá V. Baranov, cựu nhân viên Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu GRU vì tội phản quốc vì đã hoạt động gián điệp cho tình báo Mỹ.

Vào thời còn KGB khi phát giác được một tên gián điệp thì trên báo chí chỉ có vài dòng thông báo ngắn gọn. Không ai bình luận gì việc phát giác này, chẳng có bài báo nào được viết. Còn các nhân viên Cheka thì giữ im lặng. Người ta viện ra nào là lý do bảo đảm bí mật, khả năng áp dụng thủ pháp nghiệp vụ và các lý do chuyên môn thuần tuý khác để giải thích cho tất cả những điều đó.

Nếu tính đến thực tế là sự đối đầu giữa các cơ quan tình báo vẫn còn tiếp diễn trên thế giới thì trong cách giải thích đó cũng có lý. Phía chịu thất bại, hiển nhiên, là cố tìm nguyên nhân thất bại, đánh giá thiệt hại, áp dụng các giải pháp đối phó để giảm bớt các hậu quả tiêu cực. Bởi vậy, phía bên kia sẽ chả có lợi gì khi ngửa hết các con bài của mình, kể cả việc mô tả chi tiết các hoạt động của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong trường hợp của Vyacheslav Baranov, nhiều báo chí đã miêu tả dựa trên những tin tức rời rạc lấy từ các phiên xử kín và các hiểu biết cá nhân mà đôi khi rất xa vời chủ đầu của câu chuyện.

Các tin tức trên báo chí viết về việc vạch mặt tên gián điệp đã gây ra ở người Nga những phản ứng hoàn toàn trái ngược. Một số thì cho là Baranov đã bị xử quá nhẹ vì tội phản quốc. Những người khác thì ngược lại, cho là hình phạt là quá nặng với lý lẽ nguỵ biện là tên đại tá này đã đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản, muốn cứu gia đình và v.v.. Vấn đề chưa được rõ ràng là vai trò của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA trong việc tuyển mộ điệp viên người Nga này. Lời lẽ mô tả bản thân sự kiện tuyển mộ cũng giống như một cuộc đấu giá nóng hổi - Baranov đã mất giá hay chưa.

Các bằng chứng thu được được trong quá trình truy tìm nghiệp vụ và điều tra đã được toà án công nhận là vững chắc và không thể chối cãi được. Bản thân bị cáo trong tất cả các giai đoạn tố tụng đã cư xử đúng đắn và có giúp đỡ nhiều trong quá trình điều tra. Sau khi xem xét tất cả các tình tiết, toà đã tính đến các tình tiết giảm nhẹ và kết án ở dưới mức giới hạn dưới. Trừ thời gian tạm giam ở Lefortovo để điều tra sơ bộ, Bararnov phải ngồi trong trại lao động cải tạo 4 năm rưỡi.

Không có những tên phản bội bẩm sinh, mà chỉ có những người sẽ trở thành phản bội. Chúng ta có thể nói phỏng theo một câu ngạn ngữ quen biết như thế. Vyacheslav sinh ra ở Magilyov. Thực tế từ 15 tuổi đã gắn số phận mình với quân đội. Đã tốt nghiệp trường quân sự Suvorov, sau đó tốt nghiệp cao đẳng quân sự Chernigov.

Ở đâu, Baranov cũng tỏ ra có năng lực khác người và ham hiểu biết. Hắn luôn có nguyện vọng lập được công danh. Hắn đọc nhiều, học thêm tiếng Anh. Trong phi đội, hắn đã được bầu làm bí thư chi bộ. Còn khi trung đoàn không quân có chỉ tiêu chọn người đi tại Học viện Ngoại giao Quân sự, nguời ta đã không tìm thấy sĩ quan nào xứng đáng hơn Baranov.

Việc học tập diễn ra xuôn xẻ. Người tình báo viên tương lai được đề bạt đều đặn, dễ dàng học hết năm học này sang năm học khác và triển vọng cực kỳ sáng sủa đã hiện lên trước mắt hắn.

Năm 1979, trước khi tốt nghiệp học viện, học viên Baranov đã phạm một khuyết điểm lớn là vi phạm nghiêm trọng chế độ bảo mật. Trong những năm ấy, bản thân việc kỷ luật do khuyết điểm là không đáng sợ bằng những hậu quả của khuyết điểm đó, nhất là đối với những người có nhiệm vụ hoạt động ở nước ngoài.

Trong 5 năm trời, Vyacheslav hết tiễn đi lại đón về các bạn từ nước ngoài và anh ta đã cố gắng một cách vô vọng nhằm xoá đi cái vết của người “không được xuất ngoại”. Các cấp chỉ huy cũng rất thông cảm, nhưng “đèn đỏ” đã làm tất cả họ phải bó tay. Mãi đến năm 1985, họ mới có “tư duy mới” và tháng 6 năm 1985, Baramov mới được cử đến một nước Đông Nam Á.

Vị tất 5 năm đó đã biến được viên sĩ quan Baranov thành tên phản bội. Nó không thể làm hư hỏng một con người đến thế được. Mà trả thù các cấp chỉ huy bằng cách làm hại nền an ninh của tổ quốc thì thậm chí đối với những người ít hiểu biết, cũng là không phải lẽ.

Aristotle đã nói, rằng tội ác chỉ cần có nguyên cớ. Trong trường hợp của chúng ta thì sự chờ đợi ở Moskva có thể là nguyên cớ, còn cơ sở của tội ác thì nên tìm ở chỗ khác. Đó là ở sự thay đổi đột biến các quan điểm chính trị và tư tưởng, quan điệm về bạn thù trong sự phân chia quái dị xã hội thành những kẻ rất giàu sang và những người rất khốn cùng, ở tình hình bất ổn và tương lai mù mịt. Sẽ không thừa nếu ta nhắc đến cả một số phẩm chất cá nhân của viên đại tá phản bội.

Tính tự cao tự đại thái quá đòi hỏi phải có những ưu đãi đặc biệt. Hắn quyết định lừa dối tất cả, bắt cá hai tay và đánh giá quá cao khả năng của mình. Tính ích kỷ đạo đức giả đã khiến hắn đứng giữa đồng đội và tưởng tượng ra hình ảnh một chiến sĩ trên mặt trận vô hình, đồng thời lại toan tính làm thế nào để cứu được mạng mình một khi “máy chém sẽ hoành hành” khắp đất nước. Thói hám lợi, ước vọng muốn giàu sang ngay tức khắc đã làm mờ mắt Baranov đến mức đến năm 1992 hắn vẫn chưa hiểu là hắn đang có những cơ hội thực sự lớn đến thế nào. Tổ quốc đã dạy dỗ hắn nên người, hắn trở thành một chuyên gia giỏi về quan hệ quốc tế, luật pháp, thành thạo nhiều ngoại ngữ. Hai chục “vé” mà hắn được trả để bán những bí mật của nước Nga cho người Mỹ, sẽ chẳng là gì so với số tiền mà hiện nay hắn có thể kiếm được bằng con đường chính đáng.

Và tất cả những điều vừa kể chính chỉ là tiền đề, là những viên đá tạo ra nền móng cho tên phản bội. Còn việc làm sao xếp cho đúng các viên đá đó, đổ xi măng và biến nó thành một khối lại là nhiệm vụ của các đồng nghiệp ở CIA.

Trong những năm 1990, người Mỹ đã hành xử trên hành tinh chúng ta như thể những ông vua. Họ chẳng khó khăn gì để có được sự cho phép hình thức của Liên Hiệp Quốc để sử dụng sức mạnh quân sự, dễ như trở bàn tay trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiệt ngã nhất, tổ chức bao vây cấm vận, bắt buộc các nước phải quay lưng với bạn bè, vi phạm các nghĩa vụ đã cam kết... Do đó, ta cũng dễ dàng tưởng tượng ra điều gì đang diễn ra trên lĩnh vực đối kháng giữa các cơ quan tình báo và kẻ nào đang thống trị trên lĩnh vực đặc thù này.

Đã có bao giờ có chuyện nhân viên tình báo Mỹ Crocket, kẻ đã bị trục xuất khỏi Liên Xô vì liên hệ với tên phản bội Filatov lại dễ dàng bán các cuộc nói chuyện bí mật với Baranov và các đại diện Nga khác ở nước ngoài như thế không? Tôi không biết trong từ vựng ngoại giao cái đó được gọi là gì, còn trong tiếng Nga cái đó gọi là sự láo xược tột đỉnh.

Tóm lại thì người Mỹ đã lôi kéo Baranov, hứa hẹn ngon ngọt, sau đó hoặc là họ đã sử dụng không tốt, hoặc là đơn giản là họ vứt bỏ. Độc giả hẳn còn nhớ câu ngạn ngữ Nga “Gián điệp cũng như khúc củi, dùng xong thì vứt đi”. Làm sao mà hắn trở thành điệp viên Tony thì không ai có thể kể lại điều đó tốt hơn chính bản thân Baranov, còn chuyện hắn đã bại lộ cùng với các nhân viên CIA thì các nhân viên phản gián Nga, các nhân viên các đơn vị điều tra, kỹ thuật và chiến đấu của Bộ An ninh Nga cũ biết rất rõ.

Điệp viên thế kỷ XX: Nhật Bản không chi một xu cho gián điệp

VietnamDefence - Kẻ cắp gặp bà già.
Ngày 30 tháng 9 năm 1900, Phòng Động viên của Bộ Tổng tham mưu Nga đã gửi công văn mật cho tham mưu trưởng quân khu Vilensky báo tin:

“Một gói bưu kiện chứa nhiều tài liệu mật, được gói trong một mảnh vải thô, buộc chặt chẽ và đóng dấu xi đã được gửi đến một bộ tham mưu và tại Bộ Tổng tham mưu, các tài liệu đó đã được lấy ra khỏi gói bưu kiện mà dấu xi và dây buộc vẫn được giữ y nguyên. Thay vào các tài liệu đó, ở Bộ Tổng tham mưu người ta đã nhét các giấy tờ khác vào gói bưu kiện với dấu xi nguyên vẹn, sau đó bưu kiện đã được bảo vệ.

Khi thông báo tin này, Bộ Tổng tham mưu yêu cầu phải đặc biệt lưu ý đến việc đóng gói, gắn xi các bưu kiện có tài liệu mật sao cho các vết gắn xi nằm đúng trên đường khâu và nút buộc để người khác không thể mở các bưu kiện ấy mà không làm hỏng dấu xi”.

Tài liệu có một không hai này cho thấy: trong một thời gian dài trướcchiến tranh Nga-Nhật, trong Bộ Tổng tham mưu Nga đã có những “chuột chũi” ẩn náu và chúng đã trắng trợn moi ruột các bưu kiện chứa tài liệu mật mà “không làm suy xuyển dấu xi và mối buộc”. Chắc chắn là bọn chúng đã dùng dao cạo sắc cắt đường chỉ khâu, sau đó lấy tài liệu ra và thay vào đó là một mớ giấy lộn, xong đâu đó mảnh vải gói lại được khâu lại theo đúng đường chỉ cũ. Dấu xi vẫn nguyên vẹn...

Lúc đó đã nổ ra một vụ xì căng đan ầm ĩ đã nổ ra ở Nga mà “nhân vật chính” là đại uý Nikolai Ivanovich Ivcov. Tên này thường lấy trộm các chỉ thị và mệnh lệnh bí mật rồi bán cho trung tá gián điệp Nhật Bản Akashi. Cơ quan phản gián Nga đã phát giác ra Ivcov và tên này đã phải chịu hình phạt nghiêm khắc. Nhưng đáng tiếc là đã không bắt được ba tên phản bội khác. Bọn này đã gây ra những tổn thất lớn lao đối với lợi ích quốc gia của Nga ngay trước chiến tranh Nga-Nhật. Đó là các sĩ quan Aleksandr Fedorov, Vladimir Varsky và bá tước Igor Zelinsky.

Sau khi đã moi ruột không phải một bưu kiện như vậy, chúng mới nghĩ là phải bán cho ai đây? Phải tìm người mua ở đâu? Sau khi suy tính rất lâu, bộ ba này đã quyết định liên hệ với người Nhật. Nhờ một cơ hội ngẫu hợp, chúng đã gặp được ở Nhật Bản một đại diện cao cấp của nhóm đầu sỏ quân sự Nhật là nguyên soái Yamaguchi và ký một hợp đồng với ông ta. Theo hợp đồng thì mỗi tên phản bội có thể được trả “công” 50 triệu rúp. Thời bấy giờ, số tiền này quả một món tiền khổng lồ.

Nhưng Yamaguchi được sự chấp thuận của chính quyền Nhật đã không run tay ký hợp đồng này. Thứ nhất là vì tiền chỉ được trả nếu Nhật chiến thắng trong chiến tranh với Nga. Thứ hai là chỉ trả sau năm 1915.

Như ta đã biết, cuộc chiến tranh đã kết thúc với thất bại của Nga và nhiều người ở nước Nga đã tự hỏi: tại sao điều đó lại có thể xảy ra? Bọn Zelinsky, Fedorov và Varsky thì không tự hỏi như vậy. Chúng nóng lòng chờ đợi cái năm 1915. Cuối cùng thì thời hạn quy định trong hợp đồng đã đến, Zelinsky và Fedorov liền từ Nga lên đường sang Nhật thanh toán hợp đồng. Tại Nagasaki, chúng đã nhận được ba tấm séc trị giá 46 triệu Yên mỗi tờ. Bọn đánh quả này không phải là những kẻ ngu ngốc nên khi quay về Nga, chúng đã áp dụng những biện pháp đề phòng cần thiết. Khi phát hiện mình bị theo dõi, Varsky đã đưa tấn séc của mình cho Fedorov và chúng chia tay để mỗi tên đi một đường đến cảng. Nhưng do không thạo đường ở một thành phố xa lạ, không may Varsky đã bị lạc vào một ngõ tối. Lập tức vang lên hai tiếng súng và Varsky lăn ra chết. Tên này đã bị lục soát, nhưng người ta không tìm ra tấm séc.

Fedorov thì gặp may. Hắn đã đến được cảng an toàn và về được Nga. Sau đó trong vòng xoáy của cuộc nội chiến, hắn đã có mặt Odessa và chết ở đó vì bệnh sốt phát ban. Bản gốc của hợp đồng và hai tấm séc được một đàn bà họ hàng của hắn lưu giữ ở thành phố cảng này. Còn Zelinsky mang theo bản sao hợp đồng và tấm séc của mình (tấm séc thứ ba) đã khôn ngoan rời nước Nga đến Thuỵ Sĩ và mang tới các giấy tờ vào nhà băng ở đó. Người ta đã tiếp nhận những giấy tờ ấy, nhưng lại yêu cầu Zelensky xuất trình bản gốc. Thế là tên này chạy khắp thành phố Geneva yên tĩnh để tìm một luật sư có thể giúp hắn lấy được bản gốc ở Odessa có chữ ký của nguyên soái Yamaguchi.

Thế mà đã xảy ra điều không thể tưởng tượng nổi, bất kể sự hỗn loạn đang ngự trị khắp nước Nga, ý đồ của Zelinsky đã đạt được. Không chỉ bản gốc hợp đồng mà cả hai tấm séc kia đã được gửi từ Odessa sang cho hắn. Hắn vui sướng tột độ! Lập tức hắn đến ngân hàng Anh để nhận bạc triệu.

Nhưng tại đó, người ta khoát tay: “Chúng tôi không thể giúp gì được ông vì người Nhật từ chối trả tiền theo các tấm séc”. Zelensky phát đơn kiện. Trong quá trình điều tra của toà, cả sứ quán Nhật ở London lẫn nhà băng Nhật ở Tokyo đều không phủ nhận việc ký hợp đòng và trả séc, nhưng họ đã phủ nhận hiệu lực pháp lý của hợp đồng. Người Nhật đã lấy cớ rằng chữ ký của người đại diện cho phía họ không nằm ở phía dưới văn bản mà ở bên cạnh...

Cuối cùng toà đã bác đơn của một tên lừa đảo kiện một tên lừa đảo khác. Vậy là bá tước Zelinsky lâm vào cảnh trắng tay. Nhưng chuyện cũng không thể khác được - tội phản quốc nói cho cùng không bao giờ có thể “chuộc lại” được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét