ĐÃ THÀNH BIA MIỆNG? 4

(ĐC sưu tầm trên NET)

SAO LẠI “TÂM HỒN VONG BẢN” !?

 
      * MINH DIỆN
            Quan tài cha tôi đặt trên chiếc xe song mã màu đen. Đó là loại quan tài xấu nhất được mua phân phối giá hai đồng bảy hào năm xu. Sáu mảnh gỗ tạp, bào qua loa, vênh vẹo đóng đinh qua loa, không sơn phết,tấm thiên, tấm địa và bốn góc đều hở. Trên nóc quan tài chỉ có ba nén nhang cắm vào quả trứng luộc để trong chén cơm. Không nến, không hoa. Không có một vòng hoa, một bông hoa nào trong đám tang cha tôi.
Ngoài con ngựa già kéo xe, chỉ có 10 người đưa đám, kể cả  hai nhân viên dịch vụ mai táng và người đánh xe ngựa. Người bạn, người  đồng nghiệp duy nhất của cha tôi là nhà thơ Yến Lan, còn lại là  người trong gia đình. Chúng tôi bấu víu vào nhau, đẩy chiếc xe ngựa lăn bánh chậm chạp ra khỏi con hẻm, đi về hướng cửa Đông. Người hàng phố đứng nhìn  đám tang  vội vã quay đi. Không ai dám tới dự và đưa cha tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Họ đều sợ liên lụy . Lúc cha tôi còn sống họ sợ  đã đành, giờ cha tôi đã chết mà họ vẫn sợ. 
                       
                  Chiều mùa Đông gió mưa hun hút, lạnh tê tái. Chiếc xe ngựa mầu đem và một dúm người mẩu đen vón vào nhau líu rứu ra hướng cửa Đông. Mẹ tôi bảo dừng lại một phút cho cha tôi chào Hà Nội một lần cuối. Mẹ tôi và chúng tôi thay mặt cha tôi quỳ xuống lạy ba lạy. Tôi nhớ những ngày mới về tiếp quản Thủ Đô, cha tôi thường   dẫn chúng tôi đi thăm năm cửa ô và ba sáu phố phường Hà Nội, kể cho chúng tôi nghe về cụ ngoại  tôi, Tổng đốc Hoàng Diệu..
                Ông Phan  An vừa lom khom chậm rãi bước đi trong con hẻm phố Thuốc Bắc (Hà Nội) vừa kể về đám tang của cha mình, nhà báo, nhà văn Phan Khôi. Ông cứ nhắc đi nhắc lại, giọng nói như nấc lên:
                - Không có đám tang nào ảm đạm như đám tang cha tôi! Không có đám tang nào buồn thảm, thê lương như đám tang cha tôi!
                 Một lần nữa  Phan An  lại từ Đà Nẵng ra Hà Nội, tìm về căn nhà số 73 hẻm phố này, nơi cha ông đã sống những ngày cuối cùng. Ông tìm về quá khứ, tìm về nỗi đau xót mà gần hết cuộc đời  vẫn chưa thể nguôi ngoai được.
                Cụ Phan Khôi sinh ngày 6-10-1887 tức 20-8 năm Đinh Hợi, ở làng Bảo An, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Ông nội cụ là Phan Nhu, thân phụ là Phan Trần đều là bậc trí thức nổi tiếng. Mẹ cụ là Hoàng Thị Lê con gái  của Tổng đốc Hà Nội,  Hoàng Diệu, người đã chỉ huy quân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân đội Pháp, bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng. Khi Hà Thành thất thủ, ông tự vẫn ở Võ Miếu ngày 25-4-1882 , quyết không để rơi vào tay giặc . Chú ruột Phan Khôi là Phan Dinh cha của nhà cách mạng Phan Thanh và Phan Bôi, tức Huỳnh Hữu Nam ,nguyên Bộ trưởng bộ nội vụ chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Phan Khôi có người em gái là  mẹ vợ cùa nhà văn Vũ Ngọc Phan và tướng Nguyễn Sơn. Với một gia thế như vậy nên Phan Khôi được học hành tử tế, và với bản chất thông minh nên cụ là một người đa tài, và với tài năng vượt trội , cụ là một người mạnh mẽ, bộc trực không chịu cúi luồn.
Vợ chồng cụ Phan Khôi
                Người thày đầu tiên của Phan Khôi là Trần Qúy Cáp. Chính con người thông minh lỗi lạc, ý chí kiên cường nhất huyện Điện Bàn này đã truyền cho Phan Khôi tri thức và lòng yêu nước nồng nàn. Năm 1906, mười chín tuổi, Phan Khôi tốt nghiệp tú tài, và hai năm sau, 1908 ông phải chứng kiến cái chết chém ngang lưng của thầy mình. “Lòng căm thù như ngọn lửa  đốt cháy trái tim” Phan Khôi quyết nối bước thày, tham gia phong trào Duy Tân,theo các cụ Phan Chu Chinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng chống thực dân Pháp.Ông bị bắt giam gần một năm rồi được tha. Ông quyết định dùng ngòi bút và nghề báo đề chiến đấu.
               Phan Khôi kiến thức uyên bác, hiểu biết vô cùng phong phú, tầm hoạt động rộng lớn, đa phương trong sự biến thiên của lịch sử .  Chưa ai có thể tổng kết được thân thế sự nghiệp Phan Khôi, nhưng theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, thì : “  Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí, nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi  chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi là nhà tư tưởng đã đặt ra hàng loạt vấn đề : phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền. Ông cũng là một nhà Hán học và Trung quốc học am hiểu những vấn để của xã hội  Trung quốc đương thời, ông là một dịch giả  đã dịch Kinh Thánh của đạo Thiên chúa ra tiếng Việt , một nhà Việt ngữ học cả ở phần lý thuyết lẫn thực hành, một nhà văn xuôi với thể hài đàm và một nhà phê bình văn học .
              Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ, ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng trí thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX ,nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Pham Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng...ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho trí thức!”
                  Phan Khôi là một trong những nạn nhân của của “ Cuộc đấu tranh chống Nhân Văn- Giai Phẩm” bắt đầu từ năm 1957. Tuy ông không phải  đi tù như Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, nhưng ông đày đọa khổ sở còn hơn tù. Ngày 16-1-1959, ông đã ra đi vĩnh viễn thoát khỏi sự đọa đày đó.
               Năm 2004, trên các báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong, Người Hà Nội, lần lượt đăng  bài phỏng vấn nhà thơ Tố Hữu của Nhật Hoa Khanh. Theo những bài báo đó,  năm 1997, tại 76 Phan Đình Phùng , một trong những biệt thự  đẹp nhất Hà Nội, của Pháp để lại , trị giá 7 triệu đô la nhà nước cấp cho Tố Hữu, ông đã ca ngợi hết lời nhóm “Nhân Văn- Giai Phẩm, trong đó có Phan Khôi.  Ông nói : “ Trần Đức Thảo là một mẫu mực của lòng say mê nghiên cứu sáng tạo vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phan Khôi , Trần Dần, Lê Đạt là những trí thức lớn, những cây bút hạng nặng trong đội ngũ trí thức cách mạng!”
               Không biết Tố Hữu có nói như vậy thật không? Nhe nói khi đã rờii quyền lực ông đã sám hối. Nhưng  bà Vũ Thị Thanh, nguyên phó ban tuyên huấn trung ương , phu nhân nhà thơ  Tố Hữu thì phủ nhận  chuyện đó.
               Nếu đúng thì nó hoàn toàn mâu thuẫn với bốn mươi năm trước, kể  từ 1977 , khi Tố Hữu  còn trẻ, nắm trọng trách công tác tư tưởng, văn hóa,văn nghệ của đảng . Ngày ấy  ông đã “làm bao nhiêu số phận, bao nhiêu cuộc đời bị rạn vỡ, bị lưu đày”(Phùng Cung). Lời  Tố Hữu   kết tội Trần Đức Thảo, Phan Khôi và nhóm “Nhân văn-Giai phẩm” sau đây là sự  thực, dẫu ma quỷ cũng không thề chối. Tố Hữu đã viết : “ Lật bộ áo “Nhân Văn –Giai Phẩm” thối tha, người ta thấy cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám , lưu manh , Trotkit, địa chủ, tư sản ...  quần tụ trong những tổ quỷ với gái điếm, bàn đèn, sách báo phản động, đồi trụy  và phim ảnh khiêu dâm...” (Qua cuộc đấu tranh chống nhóm “Nhân Văn-Giai Phâm”, tác giả Tố Hữu, Nhà xuất bản Văn Hóa, 1958, trang 9)
                Và : “ Trong cái công ty phản động “ Nhân Văn- Giai Phẩm” ấy, thật sự đủ mặt các loại “biệt tính” , từ bọn Phan Khôi,Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An;  từ  bọn Trotkit Trương Tửu , Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ, tư sản phản động cố giữ lập trường của giai cấp mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ!” (Trang 17 sđd)
                 Theo chỉ đạo của “Anh Lành” bọn cơ hội  nhao vào đánh hội đồng nhóm “Nhân Văn- Giai Phẩm” nói chung, Phan Khôi nói riêng. Phê phán tác phẩm văn học, báo chí chán  quay  suy diễn, bịa đặt ra đủ thứ chuyện, chà đạp lên cả hương hồn cha mẹ, tổ tiên người ta.  Có những việc đổi trắng, thay đen, khi sự thật lịch sử vẫn còn đang sờ sờ trước mắt.
                  Phan Khôi với truyền thống  yêu nước cùa gia đình,đã tham gia phong trào chống Pháp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từng bị bắt đi tù mà bảo ông làm mật thám cho Pháp thì  trời đất nào chứng? Ông viết hàng ngàn bài báo phê phán chế độ cũ, cổ vũ sự cách tân, bao nhiêu ruộng vườn quê nhà ông hiến hết cho cách mạng, mà bảo ông cố giữ lập trường giai cấp địa chủ , tư sản ?
                  Sau cách mạng tháng 8-1945, Hồ Chủ tịch trọng tài đức của Phan Khôi, trực tiếp viết thư mời ông ra Hà Nội góp sức xây dựng chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ. Phan Khôi đã mang cả gia đình theo cụ Hồ  lên chiến khu Việt Bắc, nằm gai nếm mật tham gia kháng chiến suốt mười năm trời. Thế mà khi ông  tham gia phong trào “Nhân văn – Giai phẩm” , bị Tố Hữu quy là mật thám thì, nhà văn Nguyễn Công Hoan hùa theo,  xuyên tạc rằng Phan Khôi cầm đầu tổ chức  Việt Nam quốc dân đảng chống phá cách mạng ở Quảng Nam. Nhà văn đáng kính này viết : “ Hắn phụ trách chi bộ Việt Nam quốc dân đảng Quảng Nam chống phá cách mạng điên cuồng. Sau đó hắn bèn  ra Hà Nội họp với Trung ương đảng bộ Việt Nam quốc dân đảng của hắn, để đề nghị một chương trình chống chính phủ!”
                Nguyễn Công Hoan luôn dùng từ “hắn” để  phỉ báng , mạt sát Phan Khôi  : “ Hắn xin vào yết kiến cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc đó là Bộ trưởng nội vụ nhưng cụ không tiếp!”.
                Năm 1957, Phan Khôi thọ 70 tuổi, Nguyễn Công Hoan làm bài thơ “mừng” (!) người bạn văn chương như sau:
                          Nhà báo Phan Khôi khốn kiếp ơi!
                          Thọ mi mi chúc chớ hòng ai,
                          Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc!
                          Tiết thào! Tiên sư cái mẽ ngoài!
                           Lô-gich trước cam làm kiếp chó,
                           Nhân văn nay lại hít gì voi!
                           Sống dai thêm tuồi cho thêm nhục!
                           Thêm nhục cơm trời chẳng biết gai!
              Có thể nào ngờ đó là thơ của tác giả “Bước đường cùng” và “ Kép Tư Bền”?  Qủa thật công tác tư tưởng của ông Trường Chinh và công tác tuyên huấn của ôngTố Hữu quá tài tình! Họ đã biến nhà  nho Nguyễn Công Hoan thành một kẻ bỗ bã đểu cáng đáng khinh bỉ. Mà đâu chỉ một mình Nguyễn Công Hoan?  Đào Vũ, Tế Hanh, Chế Lan đều như vậy.
               Phan Khôi hai đời vợ, bà trước tám người con bỏ mất một còn 7, bà sau được 3, tổng cộng 10 người con. Ông có bài thơ tức cảnh gia đình mình như sau:
                             Hai nhà cộng lại có mười con
                             Năm gái năm trai nhắm cũng tròn
                             Gả, cưới tạm yên nguyền một nửa
                             Sữa răng riêng mũi máu ba hòn
                             Tự trào thôi hẳn còn chia rẽ
                             Nhân cách vẫn mong được vẹn tròn
                            Bé nhất Lang Sa mới ba tuổi
                            Tên này ghi cái nhục sông non
               Năm 1956 sang Trung Quốc dự kỷ niệm 100 năm Lỗ Tấn cùng với Tế Hanh, Phan Khôi đọc cho Tế Hanh nghe, và nói: “Tôi đặt tên thằng này là  Lang Sa, để nhớ cái hận thực dân Pháp!”.  Mà ngay trong bài thơ tác giả đã nói rõ ý đó rồi còn gì. Vậy hai năm sau,  khi Phan Khôi bị đánh thì Tế Hanh bịa ra  chuyện thế này: “Trong chuyến đi Trung Quốc, Phan Khôi nói với tôi,  thằng này sinh ngày 9-3-1945, ngày Nhật đảo chính Pháp, tôi đặt tên nó để cho những người nào vui mừng việc Nhật lật đổ Pháp biết tay.  Pháp sẽ trở lại cho coi”. Và Tế Hanh kết tội Phan Khôi: “Phan Khôi đã đáp lại lòng thù ghét của nhân dân ta đối với thực dân Pháp như thế. Chỉ có một ‘tâm hồn vong bản’ loại Phan Khôi mới mong Pháp quay trở lại!”.
               Chế Lan Viên thì có lần chỉ thẳng tay vào mặt Phan Khôi quát: “Đừng cậy già mà láo!”. Còn Đoàn Giỏi thì vu cho Phan Khôi nói xấu đảng, Bác Hồ vì gọi cây cứt lợn là cây “cộng sản”!
               Sự xuyên tạc, vu khống, nhục mạ được cất lên từ miệng những người được coi là hiền lành tử tế như thế  mới kinh khủng làm sao. Ông Phan Lang Sa tâm sự: “Khổ tâm nhất là anh Phan Thao. Anh ấy trong Ban biên tập báo Nhân Dân mà ngày nào cũng phải nghe , phải đọc những lời nhục mạ vu khống cha mình!”
                Không chịu nổi , Phan Thao phải xin từ nhiệm  và Phan Lang Sa phài đổi tên thành Phan  An. “Xin cầu lấy sự bình an!”
               Cụ Phan Khôi bị đuổi khỏi ngôi nhà 51 Trần Hưng Đạo nơi cụ ở từ năm 1955. Đuổi,tôi dùng đúng nghĩa đen. Trần Duy kể: Một hôm tôi 51 Trần Hưng Đạo thì gặp  một quan chức có quyền lực chỉ vào Phan Khôi quát:
                - Tống cổ thằng già này ra khỏi đây!
                  Phan Khôi lảo đảo bước ra cổng. Vợ ông, bà Huệ ôm chăn mền , sách vở. Gặp tôi ông Phan Khôi bảo :
                - Thôi, anh về đi. Buồn không cần thiết!”
                  Gia đình Phan Khôi bị đuổi khỏi 51 Trần Hưng Đạo , phải dọn về số 10 Nguyễn Thượng Hiền. Rồi lại bị đuổi, phải dọn tới 73 phố Thuốc Bắc.
                  Bà Bích Thủy , con gái nhà thơ Yến Lan, tả chỗ ở mới cùa gia đình cụ Phan Khôi như sau : “Gia đình tôi ở phía dưới, giữa 5 gia đình khác, kế vách là gia đình cụ Khôi. Phía ngoài cầu thang của hộ bà Cán, đến bể nước công cộng.Căn dành cho gia đình cụ là một cái buồng 9 m2, bằng 3/4 căn nhà tôi, có thể đấy là nơi thờ cúng của chủ trước. Giữa nhà tôi và nhà cụ là một hẻm nhỏ , to bằng cái bàn cờ tướng. Tôi thường ngồi cạnh cửa sổ nhà cụ giặt giũ”
                  Căn nhà cụ Phan Khôi vắng lặng , xét nét , xa lạ không ai lui tới vì cụ bị coi là cầm đầu nhóm Nhân văn- Giai phẩm. Cụ vốn gầy yếu, bị hành hạ sức khỏe càng suy sụp. Nhiều lần cụ  xin đi khám bệnh nhưng không ai ký giấy cho đi khám đành phải chịu. Cụ thường ôm ngực ho từng cơn, và chống gậy ra giếng nước công cộng rửa chân lúc xế chiều.
                   Rồi cái buổi chiều mùa đông rét mướt 16-1-1959 đó, người chung nhà không nhìn thấy cụ Phan Khôi.  Đó là lúc cụ nằm úp mặt vào tường, ho cơn ho cuối cùng, thổ những giọt máu tươi ra quyển sách đang đọc dở trên tay.
              Chiếc xe ngựa chở chiếc quan tài phủ bạt lăn bánh nghiêng ngả ra nghĩa địa Hợp Thiện phía Đông Hà Nội. Đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng chỉ có vợ con cụ và nhà thơ Yến Lan tác giả “ Bến Mi Lăng”.
              Bà Bích Thủy, con gái nhà thơ Yến Lan kể lại: “Sáng hôm sau nghe người ta nói, có thằng cha nhà thơ nào đó dám cả gan đưa đám Phan Khôi. Ba tôi bảo đó là đạo lý của người Việt, nghĩa tử là nghĩa tận!”.
               Một nấm mồ nông vùi người con Quảng Nam nơi đất Bắc, trên đơn sơ một mảnh ván viết hai chữ Chương Dân.
                Năm tháng qua đi nấm mộ ấy chìm trong cỏ dại và xương cốt cụ Phan Khôi phiêu bạt nơi nào không biết nữa. Vừa qua con cháu cụ đành gói một nắm đất về đặt trong lòng ngôi “mộ gió” ở quê nhà.
               Hơn nửa thế kỷ qua,bây giờ người ta đã nhìn nhận, đánh giá một cách công bằng, trả lại danh dự cho những trí thức, nhà văn, nhà thơ trong phong trào Nhân văn - Giai phẩm. Hầu hết những nhà văn, nhà thơ, và trí thức trong nhóm Nhân văn –Giai phẩm đã được nhận giải thưởng, nói như nhà thơ Trần Mạnh Hảo, là để tạ lỗi. Nhưng cụ Phan Khôi vẫn bị lãng quên. 
               Tôi không hiểu đàng sau đó có những lý do gì, mà đồng hương xứ Quàng (ông Tế hanh ở Quảng Ngãi), cùng tập kết ra Bắc, nhưng "Nhớ con sông quê hương" đến mức nào, nhớ kiểu gì,  mà lại cố tình nói điêu, 'nâng quan điểm', ám hại ông Phan Khôi (Quáng Nam) 'báo cáo cấp trên' quy chụp, bịa chuyện: "Chỉ có một ‘tâm hồn vong bản’ loại Phan Khôi...".  Nay, người ta thương tiếc, cảm phục  Phan Khôi, ít ai nhắc tới Tế Hanh!
               Với thân thế và sự nghiệp của cụ, với những tác phẩm báo chí và văn học đã tái xuất bản trong những năm gần đấy, cụ xứng đáng nhận giải thưởng hơn rất xã hội minh bạch đã ghi nhận.
  M.D

Minh Diện không được xuyên tạc và bịa đặt
21/09/2013 | Comments Off
Bài viết SAO LẠI “TÂM HỒN VONG BẢN”!? của tác giả Minh Diện đăng trên blog Bùi Văn Bồng và được blog Quê choa đăng lại, cùng ngày 17/9. Sau khi Phan An Sa (con trai cụ Phan Khôi) đọc trực tiếp bài này trên hai blog nói trên và đã phải lên tiếng. Ngay lập tức, Phan An Sa đã viết bài vạch mặt Minh Diện và nhờ Nguyễn Quang Lập đăng lên blog như một comment đối với bài viết nói trên của tác giả Minh Diện.
*
Khi đọc cái tựa của bài viết, lại đăng kèm bức ảnh cuối cùng của Cụ Phan do chính mình cung cấp cho báo chí cách đây mấy năm, thì tôi chú ý ngay vì hiểu là bài này viết về cha mình. Thấy tác giả bài viết là Minh Diện, tôi cứ ngờ ngợ vì nghe quen quen, nhưng chịu, không nhớ ra là ai. Vì đó, bài viết này của Minh Diện thu hút ngay sự chú ý của tôi.Nhưng thật là bất ngờ, tôi hoàn toàn thất vọng vì ông Minh Diện đã xuyên tạc và bịa đặt quá nhiều sự việc thuộc về lịch sử có liên quan đến cha tôi. Dụng ý không trong sáng của tác giả thì đã rõ, nhưng tội nghiệp là tội nghiệp cho 38 cái comment của độc giả, vì không biết thực hư thế nào, nên đã tỏ ra hưởng ứng với tác giả bài viết.
minh dien
Minh Diện không được xuyên tạc và bịa đặt
Khi viết bài này, tôi hướng đến đông đảo độc giả, chứ tuyệt đối không có ý tranh luận với tác giả bài viết, vì tôi không đủ thì giờ để làm việc đó. Độc giả đã đọc bài của ông Minh Diện, nay độc giả lại đọc bài của tôi, và tự họ làm phép so sánh. Và đương nhiên rồi, trong mọi trường hợp tương tự, thì chân lý chỉ có một!*
 Tác giả đã tìm được cách để đi thẳng vào lòng độc giả khi mở đầu bài viết của mình bằng một đoạn văn lâm li, bi ai, chỉ tiếc rằng đoạn văn ngắn đó có quá nhiều sai sót:
Quan tài cha tôi đặt trên chiếc xe song mã màu đen. Đó là loại quan tài xấu nhất được mua phân phối giá hai đồng bảy hào năm xu. Sáu mảnh gỗ tạp, bào qua loa, không sơn phết, tấm thiên, tấm địa và bốn góc đều hở. Trên nóc quan tài chỉ có ba nén nhang cắm vào quả trứng luộc để trong chén cơm…
Ngoài con ngựa kéo xe, chỉ có 10 người đưa đám, kể cả hai nhân viên dịch vụ mai táng và người đánh xe ngựa. Người bạn, người đồng nghiệp duy nhất của cha tôi là nhà thơ Yến Lan, còn lại là người trong gia đình. Chúng tôi bấu víu vào nhau, đẩy chiếc xe ngựa lăn bánh chậm chạp ra khỏi con hẻm, đi về hướng Đông…

Mẹ tôi bảo dừng lại một phút cho cha tôi chào Hà Nội một lần cuối. Mẹ tôi và chúng tôi thay mặt cha tôi quỳ xuống lạy ba lạy”.
Trước hết, tác giả phải trả lời độc giả: rằng mình đã hỏi chuyện ai trong số những người con của Cụ Phan? Ai là người đứng ngôi thứ nhất – xưng tôi trong đoạn văn trên – để kể với tác giả những điều xằng bậy như vậy? Chắc chắn là tác giả không thể trả lời được câu hỏi này, vì đó là tác giả bịa ra, chứ trong số các con ông, không có ai tiếp chuyện với tác giả theo kiểu ấy cả.
Độc giả cũng nên nhận chân một sự thật, là chỉ một đoạn văn ngắn như trên, đã dày đặc những chi tiết bịa tạc của tác giả, và tiếc thay, những chi tiết bịa tạc này lại rất dễ chiếm được lòng tin của độc giả. Tôi sẽ chỉ ra các chi tiết đó:
So với các loại quan tài sơn son thếp vàng ngày nay, thì hồi ấy, cái quan tài mộc mạc và đơn sơ thật, nhưng nhất quyết đó không phải là loại quan tài xấu nhất, như tác giả viết có dụng ý. Trước đó hai mươi năm – vào năm 1939 – chú họ tôi là Phan Thanh qua đời, đám tang ông lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ, cũng chỉ dùng loại quan tài mộc như vậy. Tập quán ngày đó là vậy, chứ không hề có ý phân biệt nhân thân người quá cố, như ẩn ý của tác giả.
Rồi cái chi tiết được mua phân phối giá hai đồng bảy hào năm xu, thì tác giả lấy ở đâu ra? Nếu vẫn là từ miệng một người con của Cụ Phan – như ý đồ của tác giả muốn độc giả hiểu như vậy – thì sự dối trá của tác giả không còn chỗ để trắng trợn hơn. Xin nói cho nhanh: ngày Cụ Phan qua đời, miền Bắc vẫn sử dụng tiền giấy Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành trong cuộc đổi tiền lần thứ hai, ngày 6/5/1951 trên Việt Bắc, tính bằng chục đồng, trăm đồng, ngàn đồng; ví dụ bát phở chín giá 200 đồng, phở tái 250 đồng, sốt vang 300 đồng. Sau khi Cụ Phan qua đời, đến tháng 2/1959 mới đổi tiền lần thứ ba: 1 đồng Ngân hàng mới, ăn 1000 đồng Ngân hàng cũ, lúc đó mới tính bằng đồng, hào, xu. Vậy thì ngày Ông Cụ mất, lấy đâu ra cái giá hai đồng bảy hào năm xu?
Trên nóc quan tài chỉ có ba nén nhang cắm vào quả trứng luộc để trong chén cơm, là tác giả đem cái hiểu biết sơ đẳng về một đám tang của người Việt mà gắn vào, chứ tôi là con Ông Cụ, sau hơn nửa thế kỷ, đã không còn nhớ nổi là có hay không cái chi tiết ấy? Mười phần, thì chín phần tôi tin là không có, vì chúng tôi là gia đình miền Nam tập kết những năm 1954 – 1955, các anh chị lớn trong nhà đứng ra làm tang cho cha đều là cán bộ, đảng viên, mà những người này thì làm việc gì cũng nhất nhất tuân theo quy định của tổ chức, họ sẵn sàng bỏ qua cả phong tục tập quán nếu nó không phù hợp với các quy định ấy.
Ngoài con ngựa kéo xe, chỉ có 10 người đưa đám, kể cả hai nhân viên dịch vụ mai táng và người đánh xe ngựa. Độc giả thử nghĩ xem tác giả có mất trí không mà tính ngựa với người vào làm một? Rồi 10 người đưa đám, mà trừ đi hai nhân viên dịch vụ và người đánh xe, rồi trừ đi nhà thơ Yến Lan như tác giả kể đến ở dưới, thì hóa ra gia đình Ông Cụ chỉ có sáu người đi đưa đám thôi ư? Thật là bậy bạ! Độc giả nên biết rằng: ngày ấy, vợ, con, cháu Ông Cụ ở Hà Nội rất đông – trừ một số cháu còn nhỏ quá thì phải để ở nhà do trời hôm đó vừa mưa vừa rét – số còn lại đều đi đưa đông đủ cả. Tác giả, để đạt được ý đồ của mình, đã xúc phạm nặng nề đến thân nhân, gia quyến của Ông Cụ.
Người bạn, người đồng nghiệp duy nhất của cha tôi là nhà thơ Yến Lan.Xin nói luôn, chưa bao giờ nhà thơ Yến Lan là bạn của Ông Cụ cả, vì nhà thơ sinh năm 1916, chỉ đáng tuổi các con thứ của Ông Cụ, lại tập kết từ trong Nam ra, còn Ông Cụ ở Việt Bắc về, họ quen nhau lúc nào mà gọi là bạn? Cái chi tiết nhà thơ Yến Lan có đi đưa đám là do con gái nhà thơ – chị Lâm Bích Thủy – mấy năm trước có kể lại trong một mẩu hồi ký, rồi tác giả lấy cài vào bài viết của mình, nhưng lại dẫn ra như lời kể từ miệng một người con của Ông Cụ. Trong cuốn sách của tôi(*), về việc này, ở trang 624 có viết: “Nhiều chục năm sau, khi tên tuổi ông được nhắc nhở trở lại, các tác phẩm của ông được tái bản và xuất bản ngày một nhiều, thì có người kể lại rằng mình có dự đám tang ông ngày ấy. Nhưng theo trí nhớ của các con ông, thì ngày ấy, đám tang ông và cuộc đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, chỉ có vợ và con cháu của ông, tất cả khoảng hai mươi người”. Xin đọc giả biết cho, đây mới là sự thật!
Chúng tôi bấu víu vào nhau, đẩy chiếc xe ngựa lăn bánh chậm chạp ra khỏi con hẻm, đi về hướng Đông. Chúng tôi là các con cháu của Ông Cụ, ngày ấy có thừa sức khỏe và tinh thần để lo đám tang cho cha ông mình theo cách chu toàn nhất có thể, thì tại sao lại phải bấu víu vào nhau như một đám thân tàn ma dại, thất tha thất thểu, để đến nỗi tác giả phải viết như vậy? Còn chiếc xe tang song mã di chuyển theo tốc độ nào cho phù hợp với một đám tang là bởi tay nghề điều khiển của người xà ích đối với đôi song mã, hà cớ gì mà chúng tôi lại phải đẩy chiếc xe ngựa lăn bánh ra khỏi con hẻm…? Và ông Minh Diện phải trả lời sòng phẳng với độc giả điều này: tại khu vực có số nhà 73 phố Thuốc Bắc, ông hãy chỉ cho thiên hạ xem ở đó có con hẻm nào không?, và cái con hẻmông nói, là con hẻm nào? Còn trường hợp ông thú nhận không phân biệt nổi một con hẻm với một con phố, thì xin lỗi, tôi miễn bàn.
Chưa hết:
Mẹ tôi bảo dừng lại một phút cho cha tôi chào Hà Nội một lần cuối. Mẹ tôi và chúng tôi thay mặt cha tôi quỳ xuống lạy ba lạy… Đây lại là một chi tiết bịa đặt lố bịch. Trong gia đình, chúng tôi có hai bà mẹ, ông Minh Diện nóimẹ tôi là định nói bà mẹ nào: bà cả hay bà hai? Sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, Cụ Phan chết trong tình cảnh bị thời cuộc ghẻ lạnh. Bản thân Cụ, khi con cái tới thăm Cụ còn không buồn tiếp chuyện, và Cụ chọn cách quay mặt vào tường – tức là quay lưng lại với thế sự – để nhắm mắt xuôi tay, thì hà cớ gì chúng tôi lại làm cái việc ngược đời là dừng lại một phút để cha tôi chào Hà Nội một lần cuối? Rồi còn: Mẹ tôi và chúng tôi thay mặt cha tôi quỳ xuống lạy ba lạy, thì tôi quyết là ông Minh Diện mắc chứng thần kinh! Ông hãy trả lời độc giả: ví dụ cha ông chết trong sự phẫn chí, mà ông lại thay mặt cha ông làm cái việc ngu xuẩn đó, thì giả dụ trời cho cha ông sống lại, thử hỏi cha ông có vùng dậy đạp vào mặt ông mấy cái cùng với lời rủa sả thằng con vừa ngu vừa bất hiếu không? Và hỏi ông tiếp câu này: quỳ xuống lạy ba lạy, là quỳ giữa đường à? Tại sao lại phải quỳ, phải lạy? Và lạy ai???
Ông còn viết: Ông Phan An vừa lom khom chậm rãi bước vào trong con hẻm phố Thuốc Bắc. Và tiếp: Một lần nữa ông Phan An lại từ Đà Nẵng ra Hà Nội, tìm về căn nhà số 73 hẻm phố này, nơi cha ông đã sống những ngày cuối cùng. Ông Minh Diện phải trả lời độc giả lần nữa, rằng: Phan An là ai? Trong số những người con trai còn sống của Cụ Phan, ông hãy chỉ ra ai là Phan An? Theo cách ông nói tiếp ở đoạn dưới: Ông Phan Lang Sa tâm sự: Khổ tâm nhất là anh Phan Thao. Anh ấy trong Ban biên tập báo Nhân Dân mà ngày nào cũng phải nghe, phải đọc những lời nhục mạ, vu khống cha mình. Không chịu nổi, Phan Thao phải xin từ nhiệm và Phan Lang Sa phải đổi tên thành Phan An, thì tôi hiểu là ông đang nói về tôi, người đang đối diện với ông trước bài viết này. Thế là ông đụng hàng rồi, phải không ông Minh Diện!?
Xin nói để độc giả biết, sau khi cha tôi qua đời, cuộc sống nội trú tập thể của tôi gặp nhiều trắc trở vì cái tên cha mẹ đặt cho, thầy Hiệu trưởng lo cái tên của tôi cứ như chọc vào mắt các nhà tổ chức – nhân sự, nên xin với Chủ tịch tỉnh đổi tên tôi từ Phan Langsa (viết và đọc theo lối Pháp) thành ra Phan An Sa, và tôi dùng nó đến tận bây giờ. Trong gia đình Cụ Phan không có ai Phan An là con Cụ cả. Ông Minh Diện nên nhớ rằng: tôi chưa gặp ông, chưa biết ông, nên không bao giờ có chuyện tôi tâm sự, ông không nói là tâm sự với ai, nhưng đọc lên thì phải hiểu là tâm sự với ông, mà đâu phải chỉ tâm sự một chuyện này, mà tâm sự suốt từ đầu bài viết của ông kia. Cũng nói để ông Minh Diện biết luôn: tôi tập kết ra Bắc năm 1955 lúc mười tuổi, trừ hai năm học ở Trung Quốc và năm năm vác súng vào chiến trường, thời gian còn lại tôi ở Hà Nội, hộ khẩu Hà Nội, và chắc là cả cho tới khi “đi Văn Điển” vẫn hộ khẩu Hà Nội. Vậy, cái người mà ông gọi là Phan An đó lại từ Đà Nẵng ra Hà Nội, là Phan An nào, vàPhan An ra Hà Nội lúc nào? Còn anh Phan Thao của tôi thì không bao giờ xin từ nhiệm chức vụ ở báo Nhân Dân cả, anh về báo Thống Nhất là bởi tờ báo này mới thành lập để phục vụ cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và nó cần có anh, thế thôi!
Ông còn viết: Tuy ông - tức Cụ Phan - không phải đi tù như Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, nhưng ông bị đày đọa khổ sở còn hơn tù. Viết thế, ông Minh Diện không sợ người ta bảo là vu khống sao? Người ta sẽ hỏi ông: đày đọa khổ sở còn hơn tù là đày đọa thế nào? Hãy nói cho cụ thể các hình thức đày đọa và hậu quả mà nạn nhân phải chịu? Hỏi thế là ông bí, phải không ông Minh Diện? Ông liều thật đấy, đâu phải cứ chuyện đã lùi xa nửa thế kỷ, thì muốn nói thế nào cũng được. Ở thời điểm hơn năm chục năm trước, người ta cố la thật to là Ông Cụ phản động để kiếm cớ khai trừ Ông Cụ khỏi Hội Nhà văn, chuyển chỗ ở của Ông Cụ về nơi tồi tệ hơn, chứ Ông Cụ vẫn lãnh lương, vẫn tự do đi lại, vẫn đọc báo hàng ngày, vẫn viết và ghi chép bất cứ thứ gì Ông Cụ muốn, và được vợ, con chắm sóc. Rơi vào tình cảnh oan khiên như Cụ Phan lúc đó, thì ai mà chẳng đau đời, nhưng nói đày đọa khổ sở còn hơn tù, như cách ông Minh Diện nói, là ngoa ngôn, lý tình đều không được.
Tả về hình ảnh Cụ Phan lúc lâm chung, ông Minh Diện đã dựng nên một cảnh tượng thật hãi hùng: Đó là lúc cụ nằm úp mặt vào tường, ho cơn ho cuối cùng, thổ những giọt máu tươi ra quyển sách đang đọc dở trên tay. Ông Minh Diện, ông lấy đâu ra những chi tiết ấy? Thổ huyết thì chỉ những người ho lao thôi, Cụ Phan không ho lao. Phút lâm chung, Cụ vẫn nói một lời cuối:Thế – sự – nó – là – thế! để trả lời bà vợ hai và người con dâu trưởng là tại sao Cụ lại quay mặt vào tường? Lúc đó Cụ đã mấy ngày không đọc được sách nữa rồi, tức là cũng không có quyển sách nào đang đọc dở trên tay hết.
Một nấm mồ nông vùi người con Quảng Nam nơi đất Bắc, trên đơn sơ một mảnh ván viết hai chữ Chương Dân. Đến nấm mồ của người quá cố, ông Minh Diện cũng không tha bôi bác. Chuyện đào huyệt là chuyện của nghĩa trang, có quy cách, không thể tùy tiện, vì vậy cái huyệt nào chẳng giống cái huyệt nào. Vậy hà cớ gì ông Minh Diện lại khoét ra cái chuyện nông, sâu ở đây? Và tại sao ông dám liều mạng viết: trên đơn sơ một tấm ván viết hai chữ Chương Dân? Trong khi sự thật về tấm bia mộ thì như tôi đã viết trong cuốn sách của mình(*), ở trang 621- 622: “Nơi chân mộ là một tấm bia bằng đá bề ngang khoảng hai mươi phân, bề dài gần bốn mươi phân, để còn chôn phần chân bia xuống đất, lưng bia còn hằn những vết đẽo thô ráp khum khum dày lên ở chính giữa. Tấm bia cho người ta cái cảm giác nó nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn được nữa, nhìn sang các mộ bên cạnh, cũng rặt một thứ bia nhỏ như thế cả. Mặt trước của tấm bia nhẵn, khắc chìm hai dòng chữ đơn sơ Cụ Chương Dân, mất ngày 16 – 1 – 1959; không có quê quán, không nơi cư trú. Với một tấm bia đơn sơ như thế, dễ chừng, nếu không phải là người trong gia đình, khó mà biết ai nằm dưới mộ!”. Viết như vậy, dù nghe nó có thê lương đến mấy, thì cũng phải viết, vì nó là sự thật. Nhưng tuyệt đối không được viết theo cách vừa sai sự thật, vừa bôi bác và đầy ẩn ý xấu, như ông Minh Diện đã viết.
Tóm lại, ông Minh Diện, kể ra ông viết tiểu thuyết thì không sao, ông bịa thế nào cũng được, miễn là được độc giả tin. Đằng này ông thuật lại sự thật đoạn cuối cuộc đời của một một nhân vật lịch sử như Cụ Phan, mà ông bịa tạc đến như thế, thì tâm địa ông là cái tâm địa gì? Ông định đánh lừa độc giả chăng? Đừng, tội sẽ lớn lắm đó!
Tôi có cảm nhận: hình như ông Minh Diện đã đọc cuốn sách nói trên của tôi(*) và ông cũng đã xem bộ phim tài liệu Con mắt còn có đuôi của NSƯT Huỳnh Hùng, tóm tắt về cuộc đời Cụ Phan, là bộ phim đã nhận được hai Giải thưởng Toàn quốc, đầu tiên do Đài PTTH Đà Nẵng phát sóng, rồi tiếp đến là các kênh truyền hình Trung ương như ANTV của Công an Nhân dân, VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng nhiều lần, rất được hoan nghênh. Ông Minh Diện nhặt nhạnh mỗi nơi một tý rồi chắp nối lại cốt thể hiện cho được ý đồ riêng của mình. Cái cách ông Minh Diện đã làm không mấy sạch sẽ và dễ nhận ra lắm. Cuốn sách của tôi có bốn phần, thì tôi dùng nguyên hai phần cuối để nói về giai đoạn năm 1954 Ông Cụ từ Việt Bắc trở về Hà Nội cho đến khi qua đời và những hệ lụy kéo dài cho đến những năm tháng gần đây. Chính ông Minh Diện đã rút tỉa một số chi tiết từ các trang sách đó, của bộ phim đó, rồi thêm lời lẽ của mình vào, để viết thành bài Sao lại “tâm hồn vong bản”!? mà tôi đang phải bàn đến ở đây. Trong hai phần này của cuốn sách, tôi tỏ thái độ phản đối cái cách người ta đã đối xử với Cụ Phan và những người như Cụ hơn năm mươi năm về trước, nhưng tôi căn cứ trên sự thật mà phản đối, tôi không nói thêm, không làm xô lệch sự thật. Ông Minh Diện nên nhớ: bình sinh Cụ Phan chỉ tôn thờ sự thật và tự do, trong đó cao hơn hết là tự do tư tưởng. Ông nói sai sự thật về Cụ, thì là ông xiển dương Cụ hay làm Cụ đau lòng vì một kẻ hậu sinh không biết tôn trọng sự thật?
*
Về tiểu sử Cụ Phan, sự nhầm lẫn của ông Minh Diện – không biết do cố tình hay do cẩu thả – cũng không thể không nhắc đến.
Phan Khôi với truyền thống yêu nước của gia đình, đã tham gia phong trào chống Pháp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Xin nói rõ với độc giả, Cụ Phan không học ở bất cứ trường nào cả, nên không thế nói trên ghế nhà trường được. Ở tuổi thiếu niên và thanh niên, Ông Cụ được học chữ Hán với cụ Trần Quý Cáp trong mười năm, ngay tại nhà cụ Trần, học trò ngồi lê trên những tấm ván kê khắp mấy gian nhà, gặp ngày thi thì cả trăm học trò ngồi tràn cả ra thềm, ra sân và ra cả các bụi chuối ngoài vườn. Cũng không phải Ông Cụ đã tham gia phong trào chống Pháp ngay từ hồi đi học – như Minh Diện viết – mà Ông Cụ chỉ tham gia hoạt động cách mạng từ sau khi thi đỗ tú tài năm 19 tuổi, dưới sự dẫn dắt trực tiếp của chí sĩ Phan Châu Trinh.
Sau Cách mạng tháng 8 – 1945, Hồ Chủ tịch trọng tài đức của Phan Khôi, trực tiếp viết thư mời ông ra Hà Nội góp sức xây dựng chính phủ Việt Năm Dân chủ Cộng hòa. Viết như thế cũng lại sai nốt. Sự thật là: tháng 6 năm 1946, Ông Cụ nhận được Giấy mời của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ký, với nội dung ra Hà Nội dự Hội nghị Văn hóa Toàn quốc Lần thứ nhất, rồi từ Hà Nội, sau ngày Toàn quốc Kháng chiến 19/12/1946, ông tìm đường lên Việt Bắc.
Thân phụ ông là Phan Trần. Viết thế là sai, đúng, phải là Phan Trân.
Chú ruột Phan Khôi là Phan Dinh, cha của nhà cách mạng Phan Thanh, Phan Bôi. Cũng sai, đúng, phải là Phan Định.
Người thầy đầu tiên của Phan Khôi là Trần Quý Cáp. Năm 1908 ông phải chứng kiến cái chết chém ngang lưng của thầy mình. Lại một sự suy diễn vô lối của tác giả Minh Diện. Sự thật là: đầu năm 1908, sau khi vụ xin xâu nổ ra quyết liệt ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung, thì Phan Khôi bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội, dẫn về Quảng Nam kêu án ba năm tù, giam tại nhà lao Hội An. Cũng như vậy, Trần Quý Cáp đang làm chức giáo thọ ở huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) cũng bị bắt và không lâu sau bị xử chém tại đó. Một người thụ án trong nhà lao Hội An, làm cách nào để chứng kiến cảnh xử chém thầy giáo của mình ở Khánh Hòa? Cái này xin để ông Minh Diện trả lời độc giả vậy! ./.
Nguồn: BolapQuechoa

Phan Khôi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phan Khôi
Chan dung Phan Khoi.jpg
Sinh Phan Khôi
Điện Bàn, Quảng Nam
Mất Hà Nội
Nguyên nhân mất
Già
Nơi an nghỉ
Nghĩa trang Mai Động
Quốc gia Việt Nam
Dân tộc Kinh
Công việc Nhà báo
Đại lý Nam Phong tạp chí
Vợ (hoặc chồng) Hôn nhân
Con cái Con cái
Phan Khôi (1887-1959) là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, thành viên nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới.
Ông còn là một nhà báo tài năng, một người tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Ông cũng là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới, đa văn hóa từ Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp... Ông còn nổi tiếng vì sự trực ngôn, trước 1945 được mang danh là Ngự sử văn đàn. Ông phê phán chính sách cai trị của người Pháp một cách sát sườn, đối thoại với học giới từ Bắc đến Nam không e dè kiêng nể. Những năm 1956 - 1958 cũng vì cung cách nói thẳng ấy ông đã chịu tai họa và chết trong lặng lẽ vào năm 1959.

Tiểu sử

Phan Khôi sinh ngày 6 tháng 10 năm 1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con của Phó bảng Phan Trân (tri phủ Điện Khánh) và bà Hoàng Thị Lệ (con gái Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu). Ông có quan hệ họ hàng với nhà cách mạng Phan ThanhPhan Bôi tức Huỳnh Hữu Nam. Ông học giỏi Nho văn và đỗ tú tài năm 19 tuổi. Sau đó ông gặp cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh và bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của hai cụ.
Năm 1907, ông ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo. Khi tờ tạp chí bị cấm ông về Nam Định rồi về Hải Phòng ẩn náu. Ít lâu sau ông lén về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế, tức vụ Trung Kỳ dân biến, ông bị bắt và giam tại nhà tù Quảng Nam đến năm 1914 thì được ân xá.
Ra khỏi tù, ông lại về Hà Nội viết cho báo Nam Phong. Vì bất bình với Phạm Quỳnh, ông bỏ Hà Nội vào Sài Gòn viết cho báo Lục Tỉnh Tân Văn. Năm 1920, ông lại trở ra Hà Nội viết cho báo Thực Nghiệp Dân Báo và báo Hữu Thanh. Năm 1928, Thực Nghiệp Dân BáoHữu Thanh bị đóng cửa, ông lại trở vào nam viết cho báo Thần ChungPhụ nữ tân văn. Năm 1931, Phan Khôi trở ra Hà Nội viết cho tờ Phụ nữ thời đàm.
Năm 1936, ông vào Huế viết cho tờ Tràng An và xin được phép xuất bản báo Sông Hương. Năm 1939, Sông Hương đóng cửa, Phan Khôi lại trở vào Sài Gòn dạy học chữ Nho và viết tiểu thuyết.
Sau năm 1945, tức sau Cách mạng tháng Tám, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời từ Quảng Nam ra Hà Nội tham gia kháng chiến với cương vị một nhà văn hóa, sau lại lãnh chức vụ chủ nhiệm Chi bộ Quảng Ngãi của Việt Nam Quốc dân đảng.[1]
Ông ở Việt Bắc suốt 9 năm nhưng vì bị bệnh nên phải vào bệnh viện một thời gian.
Cuối năm 1954 hòa bình lập lại, Phan Khôi về Hà Nội cùng với các văn nghệ sĩ khác. Trong thời gian 1956-1957, là một trong những người thành lập tờ Nhân Văn và có các bài phê phán giới lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ, ông bị cấm sáng tác cho đến khi qua đời năm 1959 tại Hà Nội.
Khi mất, ông được chôn cất tại nghĩa trang Mai Động, sau đó, theo cơn biến động, các ngôi mộ buộc phải thuyên chuyển, bị san phẳng đi. Mộ ông Phan Khôi đã nằm trong những ngôi mộ vô thừa nhận không ai biết, đến nay ngay cả con cháu ông cũng không biết mộ ông nằm ở đâu[1]
Năm 2007, kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông, một tọa đàm về ông đã được Tạp chí Xưa và Nay, Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức.[cần dẫn nguồn] Loạt sách Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo, do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, cũng được xuất bản những tập đầu.[cần dẫn nguồn]
Năm 2013, cuốn sách "Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn" đoạt giải thưởng ở hạng mục Phê bình Lý luận văn học của Hội Nhà văn Hà Nội. Tác giả của cuốn sách là Phan An Sa, con út nhà văn Phan Khôi.Đây được xem là tác phẩm mô tả chi tiết và chân thực nhất về sự nghiệp làm báo cũng như cuộc đời Phan Khôi.[2]
Năm 2013, thành phố Đà Nẵng đặt tên phố Phan Khôi cho một con phố dài 615 mét thuộc quận Cẩm Lệ.[3]
Tháng 10/2014, tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo có chủ đề “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa”. Hơn 40 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên các lĩnh vực văn học, lịch sử trong cả nước đã có tham luận giới thiệu và thảo luận về Phan Khôi.[4]
Tháng 3/2015, tỉnh Quảng Nam chính thức đặt tên đường Phan Khôi ở thành phố Tam Kỳ. Đó là con đường dài 310 mét, rộng 19,5 mét có đầy đủ hạ tầng kĩ thuật với hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh.

Tác phẩm

Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, từng làm giám khảo trong các giải văn học của hội nhà văn Việt Nam.
Các tác phẩm chính của ông:
  • Bàn về tế giao (1918)
  • Tình già (thơ mới - 1932)
  • Chương Dân thi thoại (1936)
  • Trở vỏ lửa ra (1939)
  • Tìm tòi trong tiếng Việt (1950)
  • Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ (dịch của Stalin, 1951)
  • Việt ngữ nghiên cứu (1955)
  • Dịch Lỗ Tấn (từ 1955 đến 1957)
  • Ngẫu cảm (thơ chữ Hán)
  • Viếng mộ ông Lê Chất (thơ chữ Hán)
  • Ông Năm chuột (truyện ngắn)
Ông cũng là một trong những người dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt.

Nhận xét

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nói về ông như sau:
"Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi là nhà tư tưởng đã đặt ra hàng loạt vấn đề: phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền. Ông cũng là một nhà Hán họcTrung Quốc học am hiểu những vấn đề của xã hội Trung Quốc đương thời, ông là một dịch giả đã dịch Kinh Thánh của đạo Thiên chúa ra tiếng Việt, một nhà Việt ngữ học cả ở phần lí thuyết lẫn thực hành, một nhà văn xuôi với thể hài đàm và một nhà phê bình văn học.
Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ; ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng…, ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức."[5]

Chú thích

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH