CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 48

(ĐC sưu tầm trên NET)

Điệp viên thế kỷ XX: Dàn hợp xướng Đỏ

VietnamDefence - 31 người đàn ông và 18 phụ nữ bị hành quyết, 7 chiến sĩ bí mật bị bọn Gestapo giết hại dã man trong quá trình điều tra, 7 người khác bị tống vào trại “cải tạo”, 15 chiến sĩ chống phát xít của “Dàn hợp xướng đỏ” bị kết án hơn 130 năm tù, 8 người bị đưa ra mặt trận để “lập công chuộc tội”...
Trung tâm hành động

... Ngày 29 tháng 12 năm 1942. Những cơn cuồng phong lạnh buốt lồng lộn trên những đường phố Berlin. Nếu như không có chiến tranh thì cư dân thủ đô đã tổ chức lễ Giáng sinh với tất cả những nghi thức truyền thống. Mà thời tiết cũng rất hợp: tuyết phủ dày trong các công viên, những cái hồ bị băng đóng kín và bầu trời xanh trong suốt không một gợn mây. Năm thứ tư của cuộc chiến đang kết thúc và những triệu chứng tưởng chừng như tình cờ của thảm hoạ cận kề đã ngày càng trở nên rõ rệt...

Các bản tin của bộ tổng tham mưu của quốc trưởng vẫn còn tiếp tục gào thét về những chiến thắng chớp nhoáng, to lớn, nhưng các thùng thư của hàng ngàn ngôi nhà Đức mỗi ngày lại được nhét đầy những giấy báo tử của Bộ Tư lệnh tối cao quân đội Đức báo tin thân nhân họ đã hy sinh ở mặt trận phía Đông.... Máy bay đồng minh hằng đêm oanh tạc các thành phố Đức. Vào thời gian đỉnh điểm của mùa đông, người ta đã cảm thấy thiếu thốn nhiên liệu và thực phẩm. Thủ đô của đế chế thứ ba bị đè nặng bởi cái thiếu thốn chết chóc và sự tuyệt vọng. Trên mặt băng hồ Wanzee không có ai trượt băng, chẳng có bóng người trượt tuyết nào trong những cánh rừng ven thành phố, từ Unter-den-Linden đã từ lâu vắng bóng những đôi tình nhân...

Harro Shulze-Boysen
Một người phụ nữ đứng tuổi, diêm dúa với nét mặt đầy quý phái chuyển từ tàu điện này sang tàu điện khác đi vòng quanh khắp các nhà tù thành phố, từ Pletzenzee ở Moabit, sau đó tới sở Gestapo trên đường Prinz-Albrehtstrasse... ở đâu, bà cũng hỏi thăm bọn giám ngục với cùng một thỉnh cầu: chuyển chiếc túi quà giáng sinh cho con trai bà, trung uý của Luftwaffe (Không quân Đức) Harro Shulze-Boysen. Nhưng khắp nơi đều là sự từ chối lạnh lùng. Người mẹ khổ đau cuối cùng đã tới toà nhà toà án tối cao đệ tam đế chế và khẩn cầu được gặp công tố viên Manfred Reder, con chó trung thành nhất của Hitler. Sau mấy giờ chờ đợi mỏi mòn, Reder mời bà vào văn phòng và không cho người đàn bà thậm chí là tới gần chiếc bàn viết, trơ trẽn thốt lên: “Con bà đã bị xử tử ngày hôm qua theo lệnh của quốc trưởng. Khách thăm chả còn ích gì cho anh ta nữa....”.

Harro Shulze-Boysen đã bị treo cổ trong nhà tù Pletzenzee 12 giờ trước câu chuyện này, còn vợ anh Libertas cũng đã bị chặt đầu mấy phút sau đó. Cùng với họ và sau họ là nhiều đồng chí đã bị treo cổ và chặt đầu. Vụ hành quyết đã kết thúc một cuộc đàn áp tư pháp chưa từng có đối với các thành viên của “Dàn hợp xướng đỏ ” (Dàn hợp xướng đỏ - Rote Kapelle là một bộ phận trong lưới điệp báo Xôviết ở Tây Âu lừng danh thời Thế chiến II - ND), nhóm kháng chiến chống phát xít hoạt động ở Berlin. Vụ án “Dàn hợp xướng đỏ” thậm chí cả sau khi phần lớn các thành viên của nó đã chết cũng vẫn là một bí mật quốc gia. Gestapo đã hăm doạ người thân của những người bị hành quyết sẽ giết chết họ nếu tiết lộ về cái chết bi thảm của người thân của mình.

***
Hitler và bọn tay chân đã được một phen thật hoảng hồn: lần đầu tiên sự chống đối công khai với chủ nghĩa quốc xã đã xuất hiện không theo những sơ đồ truyền thống. Có ai đó đang cố gắng, và không phải là không có thành công, nhằm đánh sập đế chế từ bên trong... “Những kẻ thù” đó không phải là bọn thanh niên vô chính phủ, cũng chẳng phải là các tướng lĩnh, những kẻ đang quan tâm đến việc làm sao không bị mất danh dự nhà binh của mình do thua trận. “Những kẻ thù” lần này là một tổ chức các chiến sĩ tin tưởng sâu sắc rằng, thất bại quân sự có khả năng chôn vùi hẳn chũ nghĩa quốc xã và kẻ cầm đầu nó. Niềm tin này đã trở thành nền tảng cho hoạt động của họ, giúp cho việc đi sâu vào những cơ quan trọng yếu và quan trọng nhất của đế chế thứ ba....

Lịch sử đã chứng kiến những trường hợp khi mà bọn nô dịch thuộc mọi khuynh hướng và mọi thời đại, trong khi mưu toan lăng nhục người khác, đã gán cho họ đủ thứ biệt hiệu miệt thị. Chẳng hạn, những kẻ chinh phục Tây Ban Nha ở thế kỷ XVI xa xôi đã gọi tất cả những chiến sĩ chiến đấu cho tự do của xứ Flandria là “geuex”, nghĩa là bọn khố rách áo ôm. Nhưng nhân dân nổi dậy chống bọn chiếm đóng đã biến cái tên miệt thị ấy thành một danh hiệu cao quý mà những người khởi nghĩa tự gọi mình một cách đầy tự hào.

Một điều tương tự đã xảy ra với tên gọi “Dàn hợp xướng đỏ” mà dưới cái tên đó là một nhóm kháng chiến anh hùng chống phát xít đã được cả thế giới biết đến của Harro Shulze-Boysen và những đồng chí của anh.

Các sĩ quan của Abwher, cơ quan phản gián quân sự của Hitler, đã gọi các điện đài bí mật hoạt động trên lãnh thổ Đức hay các nước bị ách chiếm đóng phát xít, liên lạc với các nước thuộc khối đồng minh chống phát xít bằng tiếng lóng nghề nghiệp là các “nhạc công” hay “người chơi đàn piano”. Khi nào chúng kết luận được là có một số đài phát làm việc trong khuôn khổ một tổ chức thống nhất thì chúng gọi là “dàn nhạc”, theo tiếng Đức là Kapelle.

Mùa thu năm 1942, khi các vụ bắt bớ những thành viên của tổ chức bí mật ở Berlin bắt đầu thì một trong những nhân viên phản gián của Abwehr, đại uý Pipe đã đề nghị gọi tên tổ chức này trong các tài liệu nghiệp vụ là “Dàn hợp xướng đỏ”. Như vậy cái tên “Dàn hợp xướng đỏ” đã xuất hiện đầu tiên là trên các tài liệu của Abwehr, sau đó là Gestapo, cũng như bước sang các trang hồi ký và công trình nghiên cứu lịch sử. Một trong những người đầu tiên đã tạo cho cái tên này cái âm hưởng mới đầy tự hào là chiến sĩ bí mật đã qua đời mấy năm trước, nhà văn Đức nổi tiếng Gunter Waizenbrom, người đã thoát khỏi án tử hình nhờ lòng dũng cảm trong các cuộc hỏi cung của các đồng chí hoạt động bí mật.

“Dàn hợp xướng đỏ”, hiển nhiên, đã đóng vai trò nổi bật nhất trong phong trào kháng chiến chống phát xít không chỉ bởi vì các thành viên của nó đã hoạt động trong những điều kiện cực kỳ ngặt nghèo, ngay trong hang hùm, mà cả bởi lực lượng của nó, một tập thể những con người anh hùng và trước hết là người lãnh đạo của họ - Harro Shulze-Boysen. Anh sinh ngày 2 tháng 9 năm 1909 ở Kiel. Cha anh là họ hàng với đô đốc von Tirpiz, mẹ xuất thân từ một gia đình luật sư nổi tiếng và thường lui tới những salông quý tộc nhất ở Kiel. Harro được giáo dục trong một gia đình cổ hủ và bảo hoàng vậy mà anh vẫn không tiếp thu truyền thống ấy. Hơn nữa, những quan điểm chính trị của anh ngày càng khác biệt với những quan điểm của những giới mà anh phải giao thiệp.

Năm 1930, Harro chuyển tới Berlin và sống tại khu lao động Wedding mà người Nga gọi là “vùng Vyborg của Đức”. Những cuộc tiếp xúc với những người công nhân đã làm quan điểm Shulze-Boysen trở nên thiên tả. Vào năm 1932, anh trở thành tổng biên tập của tạp chí “Gegner”, nghĩa là “Đối thủ”, tạp chí phản ánh quan điểm của tất cả những người Đức bất bình. Harro vẫn còn khá xa lạ với những người cộng sản, anh đang đi tìm “con đường thứ ba”, song từ khi về làm ở tạp chí, định hướng xuất bản đã thay đổi đột biến, thái độ đối với chủ nghĩa xã hội-quốc gia (ta quen gọi là quốc xã) trở nên cứng rắn và không khoan nhượng hơn bởi lẽ người tổng biên tập này ngày càng hiểu rõ rằng việc cứu thoát châu Âu khỏi ách phát xít sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào Liên Xô.

“Gegner” tiếp tục cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít kể cả sau khi Hitler lên nắm chính quyền, cho đến tận năm 1933, khi cuối cùng chính quyền đã đóng cửa tạp chí. Cũng trong ngày đó, khi thanh tra cảnh sát trao cho Shulze-Boysen và hai cộng sự gần gũi của anh, Turel và Erlanger, lệnh tịch biên trụ sở toà soạn, bọn lính SS  (SS (Schutzstaffel) - Lực lượng cảnh vệ hay Đội quân áo Đen - là lực lượng bán quân sự của đảng quốc xã, do trùm phát xít Heinrich Muller cầm đầu - ND)mặc đồng phục cũng chìa cho họ lệnh bắt. Turel là một công dân Thuỵ Sĩ nên mau chóng được thả. Còn Shulze-Boysen và Erlanger bị tống vào một trong các trại “cải tạo”. Chín năm sau, trước khi Shulze-Boysen bị đưa từ nhà tù ở Prinz-Albrehtstrasse sang Pletzenzee để thi hành án tử hình, anh đã viết bài thơ ngắn và giấu nó trong khe buồng giam. Sau này, khi chiến tranh đã kết thúc, người ta đã tìm thấy tờ giấy này trong đống đổ nát của cái nhà tù Gestapo ấy.

“Ai nói dây thừng và máy chém
Là những lý lẽ hùng hồn nhất
Ai nói những quan toà hôm nay -
Là những quan toà của lịch sử?
Lịch sử sẽ đưa ra lời phán xét cuối cùng...”

... Còn khi đó, năm 1933, mẹ của Harro đã tận dụng hết mọi quen biết của mình để giải thoát người con trai và “đăng ký” anh vào đảng quốc xã. Shulze-Boysen trở lại ngôi nhà ruột thịt ở Bunsberg. ở đó, ngày 14 tháng 5 năm 1933, anh nhận được lá thư bảo đảm của các chỉ huy SS cùng với chùm chìa khoá trụ sở tạp chí Gegner. Nhưng Harro không còn cần các chìa khoá ấy nữa. Bây giờ anh đã biết phải đấu tranh và chiến thắng như thế nào. Anh đã gia nhập được vào không quân, nơi mà nhờ khả năng nổi bật và giỏi bảy ngoại ngữ, anh bắt đầu được giao những nhiệm vụ đặc biệt và rất bí mật...

Harro trở thành một sĩ quan danh giá. Quá khứ của anh đã được quên đi, quyết tâm báo thù, như anh thường thích nói thế, được chôn sâu vào góc sâu thẳm nhất của tâm hồn. Anh thường xuyên qua lại trong giới quyền lực nhất Berlin, tham gia vào các cuộc đua thuyền ở hồ Wanzee. Chính trong những cuộc thi đấu ấy, vào năm 1935, anh đã làm quen với Libertas Haus Heis, cháu gái của một sủng thần và thành viên tích cực của đảng quốc xã Wilhelm P. Libertas. Chị lúc đó còn mải mê làm thơ và vẫn chưa quyết định sẽ làm gì, làm phóng viên hay diva điện ảnh. Mẹ Libertas, nữ bá tước Tora von Oilenburg, có quan hệ bạn bè với Thống chế Goering  (Hermann Wilhelm Goering (1893-1946), Thống chế Đức phát xít, Tư lệnh không quân Đức, nhân vật số hai của nước Đức quốc xã. Đầu hàng lực lượng Mỹ vào năm 1945 và bị Toà án Quân sự Quốc tế Nuremberg kết án tử hình bằng treo cổ, nhưng đã tự vẫn bằng thuốc độc ngày 15 tháng 10 năm 1946 để tránh bị hành quyết - ND) và bà đôi khi còn chơi piano cho hắn nghe. Vào tháng 7 năm 1936, Harro và Libertas làm đám cưới. Goering với tư cách cha đỡ đầu đại diện cho nhà gái đã dự đám cưới. Sau này, chính hắn đã mở cho Shulze-Boysen cánh cửa vào Bộ không quân và “Phòng Liên Xô” ở “Viện Nghiên cứu mang tên Hermann Goering, cơ quan phản gián trong Luftwaffe. Đã đến lúc cho Harro bắt đầu hành động...

Vào 3 giờ 58 phút đêm 26 tháng 7 năm 1941, một trong những nhân viên chặn thu vô tuyến ở predmestie Koenigsberg đã bắt được tín hiệu gọi lạ. Tiếp sau các tín hiệu gọi: “K K RTH. 2606, 03, 3032 14” là bức điện mã hoá gồm 32 nhóm năm chữ số. Phiên liên lạc chấm dứt bằng tín hiệu: “AR 50385 K K RTH”. Tên nhân viên vô tuyến điện này vào giờ khuya như thế chỉ  thường bắt chặn được các bức điện mật mã của các điện đài của du kích Nauy gửi sang London, đã viết báo cáo cho cấp trên về sự xuất hiện một đài phát mới, trước đây chưa được biết đến.

Cấp trên của hắn lập tức gửi báo cáo đó về Berlin. Chiều hôm đó, bộ tham mưu Abwher đã gửi cho tất cả các đài chặn thu vô tuyến của Wehrmacht: “Xác định giờ phát RTH. Tần số phát ban đêm 10.363. Tần số phát ban ngày chưa biết. Độ khẩn: 1A. Tối khẩn”.

Vụ việc này đã phá tan giấc ngủ ngon của Adolf Hitler và đã biến thành bóng ma khủng khiếp đối với đô đốc Canaris, chỉ huy Abwehr, cũng như chỉ huy cảnh sát mật của Đệ tam đế chế, Thống chế Himmler  (Heinrich Himmler (1900-45), một trong những tội phạm chiến tranh chủ yếu của Đức quốc xã, Thống chế tư lệnh Schutzstaffel (SS) (1929), chỉ huy cả Gestapo (1934), cầm đầu toàn bộ cảnh sát quốc xã (1936-1945). Sau khi bị quân Anh bắt tháng 4 năm 1945, hắn đã tự sát để tránh phải ra toà - ND).

Các chuyên gia giải mã không thể giả mã được các bức điện gửi từ Koenigsberg. Nhưng họ khẳng định chắc chắn các bức điện đó được gửi cho Moskva. Theo lệnh Canaris, tất cả các trạm chặn thu đã ráo riết làm việc. Sau hai tuần, dã phát hiện được 78 đài phát bí mật liên lạc với các nước đồng minh. Thêm 10 đài nữa bị phát hiện trong tháng 10, còn đến cuối năm 1942, số đài đã lên tới 325. Phản gián của Abwehr và cảnh sát mật có thể nghe nhưng không tài nào giải mã được các bức điện phát đi. Trong lúc đó, điện đài RTH vẫn tiếp tục làm việc. Các phiên liên lạc đôi khi kéo dài tới năm giờ đồng hồ, đôi khi nó lại im bặt mấy ngày liền. Tính không thường xuyên của lịch liên lạc làm cho cơ quan phản gián Đức không thể định vị được đài phát bí mật. Mặc dù bọn phản gián của Hitler cuối cùng vẫn biết được rằng, “người chơi đàn piano” hay “những người chơi đàn piano” đang ở ngay trong trái tim của nước Đức - ở Berlin... Lúc đó đại uý Pipe mới nảy sinh ý nghĩa gọi mạng lưới hoạt động bí mật chống phát xít là “Dàn hợp xướng đỏ”.

Hitler, khi được Goering và Himmler báo cáo rằng, ngay dưới mũi hắn, ngay tại thủ đô, có một nhóm bí mật nào đó đang hoạt động thì hắn đã nổi trận lôi đình. Hắn hạ lệnh lập tức phát hiện và xoá sổ “lưới gián điệp” này. Nhưng đó đâu phải là chuyện dễ...

Bởi vì đến những chuyên gia giải mã giỏi nhất của Abwher cũng đã phải bó tay với “Dàn hợp xướng đỏ” nên phản gián Hitler bắt đầu săn tìm “người chơi đàn piano” bằng các xe đặc chủng lắp máy định vị vô tuyến.

Nhưng ta hãy trở lại năm 1938. Harro Shulze-Boysen giữ cương vị quan trọng trong Bộ không quân, làm việc tại “Phòng Liên Xô” của “Viện Nghiên cứu mang tên Hermann Goering”...

Nhiều khi anh còn nhận những nhiệm vụ riêng của Thống chế Goering, làm những bản tổng quan phân tích về trang bị vũ khí và sức mạnh hoả lực của Hồng quân... Tóm lại, Harro đã hoàn toàn hoà nhập với môi trường xung quanh và bắt đầu cuộc đấu tranh bí mật. Dần dần anh phục hồi lại quan hệ với những bạn cũ để tiến tới thành lập một tổ chức kháng chiến chống phát xít.

Trung uý Shulze-Boysen, theo tính chất công việc của mình, có quyền tiếp cận đến những tài liệu chính trị, ngoại giao bí mật nhất của đế chế. Ngày càng trở nên rõ ràng hơn đối với anh là viễn cảnh những hậu quả thảm khốc mà đường lối phiêu lưu của tên độc tài quốc xã có thể dẫn nước Đức và nhân dân Đức đến.

Harro không chỉ thấy trước cuộc chiến tranh thế giới mà còn hiểu rõ cuộc chiến ấy nhất định sẽ dẫn đến sự thay đổi về tương quan lực lượng trên vũ đài thế giới, đặc biệt là trên lục địa châu Âu. Anh đang từ một người theo chủ nghĩa lý tưởng-lãng mạn biến thành một chiến lược gia sáng suốt. Không có điều gì đáng ngạc nhiên ở đây cả. Phép biện chứng là như thế, cuộc sống là như thế. Mối quan tâm chủ yếu của anh lúc này là không được để mình không được chuẩn bị cho cuộc đấu tranh khi mà thảm hoạ chiến tranh xảy ra vì anh tin tưởng chắc chắn rằng, chỉ có đập tan hoàn toàn đế chế mới có thể đoạn tuyệt được Hitler và đám tay chân thân tín của hắn.

Sau khi ra khỏi trại “cải tạo” của SS, Shulze-Boysen một lần đã gặp với những người quen cũ của mình là nhà điêu khắc Kurt Schumacher và vợ ông - Elizabeth. Cả hai người là đảng viên cộng sản. Lọt vào giới bạn bè thân thiết của Harro còn có Walther Kuchenmeister, cựu chủ bút tờ báo cộng sản Rureho vừa mới ra khỏi trại tập trung, bác sĩ Elfrid Paul, đảng viên cộng sản từ năm 1923, không lâu sau là con gái của nhà ngoại giao Đức nổi tiếng Gizel von Pellnize đang làm việc ở chi nhánh Berlin của hãng thông tấn United Press và nhà văn Gunter Waisenborn. Như vậy là đã hình thành hạt nhân của “Dàn hợp xướng đỏ”, trong đó mọi người đã nhất trí bầu trung uý Không quân Đức phát xít Harro Shulze-Boysen làm người cổ vũ tư tưởng, nhà chiến lược và chiến thuật của tổ chức.

Arvid Harnack
Không, nhóm của Shulze-Boysen không phải là nhóm bí mật chống phát xít duy nhất xuất hiện ở thủ đô của “đế chế thứ ba” (tức nước Đức phát xít). Gần như đồng thời, còn có hai tổ chức yêu nước khác hoạt động ở Berlin. Một trong hai tổ chức đó do Arvid Harnack, một công chức của Bộ Kinh tế, lãnh đạo, tổ chức thứ hai - do nhà văn cộng sản Adam Kukhof. Cả hai tổ chức sau này sẽ trở thành phần không thể tách rời của “Dàn hợp xướng đỏ”, còn lúc đó các tổ chức này vẫn hoạt động độc lập...

Arvid Harnack, một đại diện điển hình của giai cấp tư sản. Ông là tiến sĩ triết học và tiến sĩ luật, một con người có học vấn sâu sắc và uyên bác. Và tất nhiên ông không thể bỏ qua các công trình của Marx, Engels, Lenin. Việc nghiên cứu một cách sâu sắc các nhà tư tưởng này đã làm thay đổi toàn bộ thế giới quan chính trị của vị tiến sĩ triết học, khiến cho ông trở thành một nhà marxist kiên định, một nhà cách mạng-chiến sĩ quốc tế, một chiến sĩ bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Từ trước khi Hitler giành chính quyền, Harnack đã đọc các bài giảng và báo cáo về chủ nghĩa xã hội khoa học, đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa phát xít đang phôi thai và đấu tranh cho tình hữu nghị với Liên Xô. Ông tổ chức các seminar và các nhóm khoa học. Xung quanh ông dần tạo nên một hạt nhân của các chiến sĩ chống phát xít, những người cùng chung chiến hào. Đó trước hết là vợ Harnack là Mildred, kỹ sư một hãng Đức Karl Berent, các nhà báo cộng sản Ion Zig và Wilhelm Guddorf, nữ thư ký-nhân viên máy chữ Rosa Schlesinger và nhiều người khác.

Arvid Harnack hiễu rõ để đấu tranh thì chỉ có sự kiên định tư tưởng thì không đủ. Cần phải giành vị trí trong đế chế để có khả năng nắm được những toan tính của bọn phiêu lưu Hitler, còn bản thân hoạt động chống phát xít phải không được để bọn chó săn Gestapo nghi ngờ. Harnack đã không hề ngần ngại gia nhập đảng quốc xã, năm 1935 đã được bổ nhiệm làm vụ trưởng một vụ của bộ kinh tế đế chế. Tất nhiên, không ai có thể tưởng tượng được một quan chức mẫu mực ấy, người đầy tớ “trung thành” của đế chế đã có quan hệ mật thiết với nhà văn cộng sản Ađam Kukhof và nhóm của ông, rằng cả hai nhà ái quốc cùng với những người cùng chí hướng đã bắt đầu cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. 

Adam Kukhof... Con trai của một chủ xưởng Đức giàu có. Trong gia đình ngự trị một không khí của lợi nhận, tiền, tiền và lại là tiền. Bằng mọi phương tiện, bằng mọi cách. Chàng trai không phải là người bổ sung cho hàng ngũ những kẻ bóc lột. Nhưng anh nghĩ về một vấn đề khác. Về khoa học nhân văn, thơ ca. Anh muốn trở thành nhà văn. Trong gia đình, người ta không hiểu anh, cô lập anh bằng sự khinh ghét. Và anh đã bỏ nhà. Vĩnh viễn. Những năm phiêu bạt, mất mát và suy tư. Không, không chỉ về số phận của mình. Cần làm gì để một nhóm những kẻ giàu đã giàu lại giàu thêm và hàng triệu con người bình dị đã nghèo lại nghèo thêm, những con người đưa mà bằng bàn tay lao động đã kiến tạo nên những ngôi nhà, đường sắt, khai thác quặng và than, luyện thép, trồng lúa mì.
Phép biện chứng của những tìm kiếm đã dẫn Kukhof đến với những người cộng sản.Vào năm 1932, anh gia nhập đảng cộng sản. Sau đó ít lâi đã diễn ra cuộc gặp đầu tiên của anh với Harnack. Nhà văn cộng sản đến không chỉ một mình. Cùng đi với anh là các bạn anh là: nhân viên tiếp thị Johannes Graudenz, diễn viên balê Oda Schottmuller, kỹ sư Hans Heinrich Kummerow, trợ lý giám đốc một xí nghiệp ở Berlin Erhard Tomfor, nữ nhân viên đánh máy chữ Erika von Brockdorff và cuối cùng là Horst Halman, người sau khi được gọi nhập ngũ đã lọt vào cơ quan phản gián Gestapo.

Những người đồng chí hướng chống phát xít tất nhiên là không thể không tìm đến nhau. Vào năm 1939, ngay trước khi chiến tranh xảy ra, cả ba nhóm hoạt động bí mật đã hợp nhất. “Dàn hợp xướng đỏ” ra đời.

Ngay trong những năm 1937-1938, khi Shulze-Boysen đang công tác tại bộ tham mưu đặc biệt của tướng Wildberg, kẻ điều phối các hoạt động ủng hộ cuộc nổi loạn của Franco ở Tây Ban Nha, Harro đã thực hiện bước đi đầu tiên của mình. Những tin tức tuyệt mật về việc tung gián điệp của Gestapo vào hàng ngũ các lữ đoàn quốc tế đã lọt vào tay viên trung u
Mildred
ý của Luftwaffe. Và anh đã làm tất cả những gì có thể để những người cộng hoà Tây Ban Nha biết được danh sách những kẻ khiêu khích trong hàng ngũ của mình... Với việc hợp nhất các nhóm bí mật chống phát xít tản mát vào trong một tổ chức thống nhất, hoạt động tuyên truyền và hoạt động chống Hitler đã được mở rộng đáng kể.

Cùng với sự mở màn chiến tranh và nhất là sau khi nước Đức Hitler tấn công Liên Xô, sức mạnh tố cáo của những tờ truyền đơn và khẩi hiệu xuất hiện hàng đêm trên những tường nhà cũng ngày càng gia tăng. Các giao liên của tổ chức thiết lập quan hệ với tổ chức chống phát xít bí mật ở Hamburg. Shulze-Boysen và các bạn anh đã thể hiện sức sáng tạo vô tận trong hoạt động tuyên truyền và tiến hành công việc này liên tục, hàng ngày bất kể nguyu cơ đối với mạng sống. Trong lời tuyên án của toà án binh có đề cập đến trường hợp Harro mặc quân phục và súng ngắn cầm tay để “đã yểm hộ một nhóm người dán truyền đơn”.

Không lâu sau khi Hitler tấn công Liên Xô, khi mà men say của những thắng lợi quân sự bước đầu còn đang làm mờ mắt những kẻ thiển cận thì các chiến sĩ bí mật đã rải tờ truyền đơn của Shulze-Boysen “Nhân dân lo lắng cho tương lai của nước Đức”. Theo khẳng định của các quan toà phát xít, “tờ truyền đơn này đã tuyên truyền chống chính phủ Đức với giọng điệu cực kỳ gay gắt, cuộc chiến tranh bị coi là đã thất bại, tương lai tràn đầy tuyệt vọng”. Không lâu sau đó, ở Berlin đã lan truyền tờ truyền đơn “Chúng tôi tổ chức cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng”. Các công nhân của các nhà máy Berlin và binh lính của các đơn vị dự bị đóng ở Berlin và Potsdam đã đọc lời hiệu triệu hành động tích cực chống Hitler này.

Cái ý nghĩa mà Shulze-Boysen, Harnack, Kukhof và các chiến hữu rất chú trọng công tác tuyên truyền, một hình thức đấu tranh chính trị tích cực chống chũ nghĩa quốc xã, tổ chức kháng chiến bí mật mà họ lập ra đã liên tục đẩy mạnh hoạt động trên hướng này gần như đến những ngày sống còn cuối cùng và ngày càng mở rộng tuyên truyền những truyền đơn tài liệu chống phát xít bị cấm.

Những thông tin mà Harnack nhận được ở bộ kinh tế cũng có giá trị lớn. Lưới quan hệ mật của tổ chức ngày càng mở rộng. Đến đầu năm 1942, tổ chức đã có những nghuồn tin ở đa số các bộ, ngành quân sự, chính trị và kinh tế của đế chế Hitler. Trong những tháng chiến đấu này của đời mình, các chiến sĩ anh hùng chống phát xít đã nhận được nhiều tin tức đặc biệt quan trọng về những loại binh khí kỹ thuật mới của Đức. Trong việc này, tổ chức cần nhìn nhận công lao trước hết của Graudenz và kỹ sư Kummerow. Graudenz, một đại diện được uỷ nhiệm của một hãng hàng không, có mối quan hệ rộng rãi trong giới công nghiệp quốc phòng và bộ hàng không. Với sự giúp đỡ của anh, các chiến sĩ bí mật đã nhận được tin tức về tình hình bố trí các xí nghiệp quân sự, những đơn đặt hàng vũ khí trang bị. Nhà bác học tài năng Kummerow cũng thu được không ít tin tức về những phát minh trong lĩnh vực sản xuất chất nổ và chất độc.

Biết rõ tâm trạng bí ẩn trong giới quân sự và quan chức cap cấp, Harro đã giao cho nữ bá tước Anna Krauss, người đã gia nhập tổ chức, đóng vai thày bói-tiên tri. Người phụ nữ trung niên này đã vào vai đó rất tài tình: hàng chục sĩ quan đang khát khao được biết tương lai đường binh nghiệp của mình đã đến thăm bà. Từ chúng, Anna Kraus, nữ anh hùng hoạt động bí mật đã biết được rất nhiều bí mật quan trọng....

Shulze-Boysen và các bạn anh hiểu rõ rằng, những thông tin trọng yếu nhất lọt vào tay họ sẽ không phát huy được tác dụng nếu không đến được Moskva, nếu như những người đang gánh vác sự nghiệp chống Hitler không biết được chúng. Cần phải có khâu liên lạc. Cần phải có điện đài, cần có nhân viên điện đài. Và cuối cùng họ cũng đã tìm ra người đó...

Khi mà nhân viên theo dõi của đài chặn thu vô tuyến của Abwehr ở Koenigsberg bắt được bản điện mật mã lạ và sau đó “cuộc săn tìm quy mô lớn” đối với “người chơi đàn piano” của Abwehr và Gestapo bắt đầu, hiển nhiên là không ai có thể nghĩ rằng người ấy là anh thợ tiện Berlin tên là Hans Koppy. Đó là chàng thanh niên bé nhỏ, gầy gò, tóc hung, vui vẻ  yêu đời với cặp kính lúc nào cũng kè kè trên chiếc mũi dài. Anh, khi còn là một đứa bé đã chứng kiến tận mắt hai tên sát nhân đã tấn công giết chết cha mình, một nhà cách mạng già.

Hans lớn lên trong khu công nhân của Berlin. Vào năm 1935, anh đã phải ngồi tù một năm trong nhà tù vì rải truyền đơn chống phát xít. Cuộc gặp gỡ với Shulze-Boysen đã chuyển thành một tình bạn bền vững và anh đến giây phút cuối cùng cuộc đời đã là người trợ thủ gần gũi và trung thành nhất của người chỉ huy “Dàn hợp xướng đỏ”. Khi tình thế đòi hỏi, Hans mau chóng nắm vững công việc của một nhân viên điện đài vốn còn xa lạ với mình và trở thành “người chơi đàn piano” của nhóm. Tên nhân viên trinh sát kỹ thuật lần đầu tiên đã chạm trán trên làn sóng với chính anh ở ngoại ô Koenigsberg. Chính anh là người mà bọn chó săn của Abwehr và Gestapo trên những xe ôtô định vị điện đài đã săn tìm vô vọng trong nhiều tháng ròng. Hans lần nào cũng thay đổi vị trí đài phát, thay đổi ngày giờ các phiên liên lạc.

Một lần vào cuối tháng 9 năm 1941, khi Koppy xách chiếc valy điện đài vào một trong những nơi trú ẩn bí mật, anh đã phát hiện cách không xa anh có một nhóm người mặc đồ bán quân sự đang đào đường. Nghi ngờ vì cách ăn mặc “của đám công nhân”, Hans đã lên tàu điện và đi đến đầu kia thành phố nơi có địa điểm phát dự bị. Cách không xa vị trí này, anh lại chạm trán với các “thợ sửa chữa”. Lần này, khi đi ngang qua, anh đã thoáng nghe thấy một “công nhân: nói với một người khác: “Vâng, thưa ngài thiếu tá”. Nhân viên điện đài Hans lại gần một “công nhân” đứng gần chiếc lều bạt và xin hơi thuốc. Lập tức anh nghe thấy ngay tiếng tít tít quen thuộc của máy vô tuyến điện vang lên từ dưới mái bạt. Không còn nghi ngờ gì nữa, bọn mật thám đã lần ra dấu vết điện đài của “Dàn hợp xướng đỏ”. Koppy vội vã đến địa điểm liên lạc quy ước với Koro, bí danh mà các chiến sĩ bí mật đặt cho Shulze-Boysen.

Cuộc gặp gỡ này diễn ra tại nhà của Erika von Brokdorf-Rantzau. Harro hạ lệnh cho anh tạm thời ngừng liên lạc cho đến khi tìm hiểu rõ được tình hình... RTH im lặng. Nhưng Abwehr và Gestapo vẫn tiếp tục tìm kiếm anh. Chúng bắt được những tín hiệu gọi của các điện đài xin liên lạc với RTH, nhưng điện đài của “Dàn hợp xướng đỏ” vẫn không lên tiếng... Bọn phản gián của Hitler kết luận “người chơi đàn piano” đã phát hiện ra các trạm chặn thu cùng các “công nhân” và rút vào bí mật...

Abwehr đã đặt hãng Lele-Opata chế tạo các máy định vị vô tuyến tiểu hình có thể giấu dưới áo bành tô. Hàng chục nhân viên Abwehr và Gestapo cải trang được trang bị khí tài mới đã được rải khắp Berlin. Còn Hans Koppy, sau một thời gian không còn trông thấy những đám đông đáng nghi ở những địa điểm đài phát, đã nối lại các phiên liên lạc. Anh không biết rằng, kẻ thù đã lần ra anh và đang để cho anh tiếp tục làm việc là để phát hiện tất cả những quan hệ của “người chơi đàn piano”.

Nhóm chống phát xít của Shulze-Boysen, Harnack, Kukhof và các đồng chí của họ chỉ trong năm đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại đã thu thập được và chuyển về Moskva rất nhiều tin tức quý giá. Nhưng những hành động dũng cảm và cuộc chiến đấu ngoan cường của họ ngay tại sào huyệt của Hitler dĩ nhiên không thể giữ kín được, nhất là khi những chiến sĩ bí mật này không có kinh nghiệm hoạt động bí mật. Người được cử đến hỗ trợ họ là chiến sĩ chống phát xít người Đức, một người lưu vong chính trị Albert Hassler đã đến quá muộn để khôi phục liên lạc điện đài bị đứt đoạn và giúp đỡ cho “Dàn hợp xướng đỏ” trong công tác tổ chức. Abwehr và Gestapo đã bám được theo dấu vết của các chiến sĩ kháng chiến, Albert Hassler cũng đã bị chúng bắt cùng với họ và đã anh dũng hy sinh trong lao tù của Gestapo.

Nhưng sự giúp đỡ của nhóm các chiến sĩ chống phát xít đối với Quân đội Xôviết đã đem lại kết quả. Trong cuốn sách nhiều tập “Lịch sử tình báo” của Viện Địa lý Agostini của Italia đã dẫn một số bức điện của Shulze-Boysen mà Abwehr đã giải mã và được lưu giữ tại kho lưu trữ của Gestapo.

“Koro báo cáo. Nguồn Maria. Pháo hạng nặng đang được điều từ Koenigsberg về hướng Moskva. Các khẩu đội pháo bờ đã được rút khỏi Pilau và cũng được tung về hướng đó...”

“Koro báo cáo. Nguồn Gustav. Tổn thất của các binh đoàn xe tăng Đức, về mặt số lượng, đã tương đương với 11 sư đoàn”.

“Koro báo cáo. Nguồn Arvid. Hitler đã hạ lệnh phải đánh chiếm Odessa không muộn hơn 15 tháng 9. Hành động chậm trễ của mặt trận phía nam buộc bọn phát xít phải thay đổi kế hoạch tiến công”.

“Koro báo cáo. Nguồn Mortiz. Kế hoạch số 2 bắt đầu được thực hiện từ 3 tuần trước. Mục tiêu dự doán: tiến đến tuyến Arkhangenlsk-Moskva-Astrakhan trước cuối tháng 11. Toàn bộ việc di chuyển quân được tiến hành theo kế hoạch nói trên”.

“Koro báo cáo. Nguồn O.K. thông qua Arvid. Mặt trận phía Đông. Đa số cá sư đoàn Đức bị đánh thiệt hại nặng đã mất tinh thần. Số sư đoàn được biên chế đầy đủ còn rất ít. Lực lượng bổ sung là các tân binh mới chỉ được huấn luyện 4-6 tháng”.

Những bức điện như vậy có đến hàng trăm. Đó là những bức điện chứa đựng những tin tức cực kỳ quan trọng về những chiến dịch đang được chuẩn bị của các binh đoàn Đức, về dự trữ vật chất và tinh thần của quân lính, về tiềm năng kinh tế, về dự trữ và việc sản xuất nhiên liệu cho máy bay, xe tăng...

 .... Ngày 30 tháng 8 năm 1942. Chủ nhật. Một ngày đẹp trời rực rỡ ánh nắng ở Berlin. Cư dân thành phố đổ đến các công viên và những cánh rừng ven thành phố, dường như họ đã quên đi những khủng khiếp của chiến tranh mà họ vẫn chưa còn thấy hồi kết. Các thành viên của “Dàn hợp xướng đỏ” dưới hình thức một buổi liên hoan tại nhà đang tiến hành cuộc họp tiếp theo. Shulze-Boysen giao những nhiệm vụ thu tin mới, đưa ra kế hoạch hành động cho giai đoạn sau trận Stalingrad. Nhưng giai đoạn đó sẽ không thể có được nữa.... Trong vòng 24 giờ nữa, tất cả những thành viên chủ chốt của tổ chức bí mật sẽ lọt vào tay Gestapo.

Bọn phản gián của Gestapo và Abwehr đã xác định được các địa chỉ cho điện đài phát của Koppy.... Cơ quan mã thám Đức đã huy động nhà toán học Đức nổi tiếng Wilhelm Fawk vào việc và với sự trợ giúp của ông này, bọn phát xít đã đọc được một trong những bức điện “Dàn hợp xướng đỏ” bị chúng chặn thu được. Trong bức điện có 3 địa chỉ ở Berlin. Bọn phản gián dễ dàng xác định được các địa chỉ ấy tương ứng với địa chỉ của trung uý Harro Shulze-Boysen, quan chức cao cấp của bộ kinh tế Arvid Harnack và nhà văn Adam Kukhof...

Tại một cuộc họp cực kỳ bí mật do đô đốc Canaris chủ trì, bọn chỉ huy Abwehr và Gestapo đã thông qua quyết định thành lập một nhóm đặc biệt của Gestapo để điều tra ba chiến sĩ chống phái xít đó. Chỉ huy nhóm này là Fridrich Pantzinger, trưởng phòng an ninh của đế chế. Từ đó, điện thoại của các chiến sĩ hoạt động bí mật bị theo dõi suốt ngày đêm, họ bị bám theo từng bước chân.

Phố Prinz-Albrehtstarasse. Thiếu tướng Johann Schtubing đang tìm kiếm trong kho lưu trữ hồ sơ vè Shulze-Boysen từ thời năm 1933. (Sau này, Himmler định lợi dụng hồ sơ này để nói xấu Goering với Hitler). Làm cùng cơ quan với Schtubing có một thành viên của “Dàn hợp xướng đỏ” là Horst Hailman. Vào cái ngày Schtubing tìm thấy hồ sơ của Shulze-Boysen, ngày thứ bảy 19 tháng 8 năm 1942, Hailman đã hiểu ngay mối đe doạ nào đang chờ đợi người chỉ huy của các chiến sĩ hoạt động bí mật và gọi ngay về nhà anh. Người hầu gái đến nghe điện thoại và thông báo Harro không có nhà vì đang dự cuộc đua thuyền buồm diễn ra trong ngày đó ở Wanzee.

Sáng thứ hai, sau khi trở về nhà, Harro tìm thấy mẩu giấy của người hầu gái. Không có tên người cần gọi lại. Shulze-Boysen quay số điện thoại. Schtubing nhấc ống nghe.

- Alô, tôi nghe đây...

- Tôi là Shulze-Boysen đây.

- Ai, ai cơ?

- Shulze-Boysen. Xin lỗi, có lẽ tôi nhầm số máy. Có thể người hầu gái của tôi đã nhầm lẫn.

Schtubing lập tức báo cáo về câu chuyện vừa rồi với Pantzinger. Cùng ngày, sau khi đã gọi Shulze-Boysen ra khỏi toà nhà của bộ hàng không với lý do hợp lý, Pantzinger cùng bọn SS mặc quân phục đã bắt giữ nhà lãnh đạo của “Dàn hợp xướng đỏ” ngay trên phố. Người ta thông báo cho các đồng nghiệp trong bộ của Harro là anh phải đi công tác khẩn cấp để thực hiện nhiệm vụ bí mật ở nước ngoài. Vợ của Shulze-Boysen bị bắt muộn hơn, khi chị trở về Berlin từ Bremen. Arvid Harnack và vợ anh bị bắt ba ngày sau đó.

... Từ ngày 30 tháng 8 đến 26 tháng 9 năm 1942, những chiếc xe ôtô đen kịt của Gestapo hối hả chạy khắp các đường phố Berlin và các thành phố Đức khác để truy tìm các thành viên của “Dàn hợp xướng đỏ”.

Chiến sĩ bí mật Horst Hailman, cho đến tận giờ phút cuối cùng còn chưa bị bọn SS bắt giữ, đã làm mọi việc để báo động cho các đồng chí còn chưa bị bắt về sự nguy hiểm chết người đang đổ xuống như một trận cuồng phong. Bản thân anh đã chuyển cho một bà láng giềng cùng nhà, nữ nghệ sĩ Riva Holsi chiếc valy chứa truyền đơn và tờ rơi chống phát xít. Nữ nghệ sĩ này là người bạn cũ và trung thành của Hailman, bà hiểu tất cả và đã không phản bội anh.... Mẹ và vợ Hans Koppy đã kịp lặng lẽ di chuyển chiếc điện đài khỏi nhà, đập nát nó và ném các mảnh vỡ giữa những đống đổ nát của ngôi nhà bị trúng bom. Chiếc điện đài dự phòng được anh ném bỏ ở Schpree.

Nhưng người thoát khỏi những chứng cứ rõ ràng về sự dính líu với nhóm bí mật ở Berlin tạm thời có thể thở phào. Nhưng hy vọng tránh khỏi bắt giữ là viển vông. Gestapo và Abwehr đã tóm tất cả họ hoặc gần như tất cả. Cùng với các thành viên của “Dàn hợp xướng đỏ”, bị túm vào lò sát sinh Pletzenzee còn có cả những người chỉ là quen biết với người lãnh đạo tổ chức bí mật. Không thể chạy thoát khỏi nước Đức. Chỉ có Horst Hailman, người tạm thời vẫn nằm ngoài vòng nghi vấn, là có trong túi tấm hộ chiếu nước ngoài. Nhưng anh đã bỏ qua cơ hội duy nhất này để cứu giúp các đồng chí của mình.

Ngày 27 tháng 9 trong các xà lim của Gestapo đã có mặt 118 người có liên quan trực tiếp hay gián tiếp với “Dàn hợp xướng đỏ” trong hoạt động chống phát xít.... Nhưng hiện thời thì chẳng một ai biết gì cả. Shulze-Boysen dạo khắp hành lang nhà tù trong bộ quân phục trung uý không quân Đức đeo đầy huân, huy chương. Bá tước tiểu thư Erika von Brokdorf vẫn kể những chuyện tiếu lâm để cho các đồng chí trong cùng buồng giam duy trì tinh thần tỉnh táo. Nữ diễn viên balê Oda Schottmuller vẫn thực hiện những bài tập hàng ngày và nhảy trong buồng giam để không mất phong độ nghề nghiệp....

Khi mà toàn bộ tổ chức bí mật ở Berlin đã nằm trong nhà tù Gestapo thì Goering đã hạ lệnh cho công tố viên đế chế Reder tiến hành phiên toà trong vòng bí mật tuyệt đối và thậm chí còn nhắc nhở rằng Hitler giữ cho mình quyền quy định hình phạt cho những người lãnh đạo chủ chốt của “Dàn hợp xướng đỏ”.

Một phiên toà chớp nhoáng xét xử các thành viên của tổ chức bí mật ở Berlin đã kết thúc ngày 19 tháng 12. Reder đề nghị hình phạt tử hình đối với tất cả bị cáo. Các quan toà đã kết án tù dài hạn đối với 4 chiến sĩ chống phát xít. Nhưng Hitler đã xoay ngược bản án mà Hitler cho là quá “nhẹ” của các quan toà và yêu cầu phải xem xét lại. ý chí của quốc trưởng được thực hiện tức thì. Lúc này, toàn bộ các nhà lãnh đào của “Dàn hợp xướng đỏ” bị kết án tử hình. Đối với ba người trong số đó là Shulze-Boysen, Harnack và Koppy, quốc trưởng đòi phải treo cổ - lối hành quyết nhục nhã và đau đớn nhất. Trên các giá treo cổ của nhà tù Pletzenzee, con người chết chậm rãi hơn là chết vì lưỡi máy chém... Hitler biết rõ điều đó.

Vậy là, phiên toà kết thúc ngày 19 tháng 12. Nhưng từ ngày 24 tháng 12 đến 6 tháng 1, theo truyền thống của đế chế Đức, người ta không thi hành các án tử hình. Lễ giáng sinh mà. Các đao phủ của Hitler cũng đa cảm ra trò. Nhưng không phải là trong trường hợp này. Quốc trưởng và những kẻ tay chân không thể chịu được ý nghĩ các chiến sĩ bí mật sẽ nhìn thấy bình minh của năm mới. Ngày 21 trháng 12, Hitler từ chối ân xá cho những người bị kết án và công tố viên trưởng đã ra lệnh chuẩn bị xử tử tất cả “những tội phạm đặc biệt nguy hiểm”. Giữa ngày 21 tháng 12, những tử tội bị chuyển từ xà lim của Gestapo về nhà tù Pletzenzee.

Cách các buồng giam tử tội ba nghìn mét, mấy người thợ mộc đang dựng cái gì đó giống như giá treo cổ. ở đế chế Đức, người ta thường dùng máy chém. Bởi vậy, kiểu tử hình mới của Hitler đã buộc người ta phải tìm kiếm khẩn cấp một đao phủ biết cách sử dụng dây thừng có xát xà phòng. Trong các buồng giam giành cho tử tội, các chiến sĩ chống phát xít đang viết những lá thư cuối cùng cho người thân và bạn bè của mình. Adam Kukhof không từ chối trò chuyện với giám đốc nhà tù. “Tôi không tiếc nuối điều gì cả - ông bình thản nói với hắn. - Tôi chết với tư cách một người cộng sản chân chính”. Nghệ sĩ balê Oda Schottmuller nói với các bạn mình: “Chết thì sao nào? Tôi chẳng bao giờ muốn già. Có gì hay trong việc dần dần biến thành xác ướp chứ?” Bá tước tiểu thư Erika von Brokdorf đáp lại đề nghị của cha tuyên uý Om của nhà tù sám hối và chấp nhận làm lễ trước khi chết, đã tươi cười trả lời: “Để làm gì chứ, thưa đức cha thiêng liêng? Cái đó thì có nghĩa gì nếu như sau vài giờ nữa thân xác con sẽ biến thành một cục xà phòng...”.

Việc hành quyết được ấn định thi hành vào lúc 5 giờ sáng ngày 22 tháng 12 năm 1942. Đèn bật sáng suốt đêm trong các buồng giam tử tội. Vào lúc 4 giờ sáng, các đại diện của toà án binh, bọn Gestapo, bọn SS và công tố viên Reder  tới nhà tù Pletzenzee. Vào lúc 4 giờ 10 phút, các trợ thủ của đao phủ thủ mà ở đây người ta gọi là “trợ lý”, đang tiến hành việc vệ sinh cuối cùng cho các phạm nhân: họ cắt tóc quanh cổ các phạm nhân và thay cho họ những chiếc áo xám dài. Vào lúc 4 giờ 45 phút, các chiến sĩ hoạt động bí mật bị dẫn vào hành lang và sắp hàng thành hai hàng, nam đứng riêng, nữ đứng riêng. Đoàn người bắt đầu di chuyển tới nơi hành hình. Kiêu hãnh ngẩng cao đầu đi đầu đoàn người là Harro Shulze-Boysen, giám đốc nhà tù lại gần anh và nói những lời an ủi. Harro nở nụ cười và lắc đầu phản đối. Sau đó, ghé sát tai vị cha cố và thì thầm với ông bài thơ tứ tuyệt mà anh vừa kịp giấu trong buồng giam của mình:

“Ai nói dây thừng và máy chém
Là những lý lẽ hùng hồn nhất
Ai nói những quan toà hôm nay -
Là những quan toà của lịch sử?
Lịch sử sẽ đưa ra lời phán xét cuối cùng...”

Bên cạnh cánh cửa dẫn vào phòng hành quyết, có một cánh cửa khác hé mở dẫn ra cái sân nơi đang ngổn ngang những chiếc quan tài gỗ thông giành cho những con người còn đang sống ấy. Trên nắp các quan tài có viết tên họ bằng sơn đen. Trật tự Đức mà... Chánh án toà án binh đọc lời tuyên án, Harro Shulze-Boysen là người đầu tiên. Anh tiến lại gần ba “quý ông” mặc đồ đen, đội mũ lễ và găng tay trắng. Anh hỏi bọn đao phủ: “ở đâu?”. Chúng hất đầu chỉ về phía tấm màn màu đen. Harro phải đi qua chiếc máy chém. ở đó đã có chiếc giỏ mà chỉ một lát nữa thôi chiếc đầu với mái tóc vàng của vợ anh, Libertas, sẽ rơi vào đó. Cùng đi với Shulze-Boysen là Harnack và Koppy. Trên chiếc giá treo cổ chế tạo tình thế này - một thanh xà nằm ngang, có ba cái móc treo thịt. Trên đó có ba dây thòng lọng. Các chiến sĩ hoạt động bí mật từ chối bịt mắt và tự leo lên những chiếc kế đẩu mà lát nữa bọn “trợ lý” đao phủ sẽ đá ra khỏi chân họ....

Khi Libertas bị dẫn ra máy chém thì thân người chồng thân yêu của chị vẫn còn đang giãy giụa trên dây thòng lọng. Nhưng chị chẳng kịp nhận thấy gì nữa. Cái lưỡi máy chém sáng loáng nặng năm mươi kilôgam sẽ rơi từ độ cao ba mét và cái đầu tóc vàng xinh đẹp của Libertas sẽ lăn vào chiếc giỏ.

... Cuộc hành quyết kết thúc. Tử thi của các chiến sĩ hoạt động bí mật được đặt vào quan tài. Một chiếc xe ôtô chạy đến. Thi thể của những người anh hùng bị đưa đi đâu không rõ.

***

Chúng còn lại rất nhiều, những bức thư và mẩu giấy cuối cùng - những bằng chứng bất tử về lòng dũng cảm phi thường và sự kiên cường gang thép của những chiến sĩ bí mật người Đức anh dũng chống phát xít.

Ba mươi mốt người đàn ông và mười tám phụ nữ đã bị hành quyết tại nhà tù Pletzenzee, ở Halle, Brandenburg và tại trường bắn ở khu Tegel thuộc Berlin. Bảy chiến sĩ bí mật đã bị bọn Gestapo giết hại dã man trong quá trình điều tra. Còn bảy người khác bị tống vào trại “cải tạo”. Hai mươi lăm chiến sĩ chống phát xít của “Dàn hợp xướng đỏ” bị bọn đao phủ Hitler kết án hơn 130 năm tù, tám người bị đưa ra mặt trận để “lập công chuộc tội”..

Marilyn Monroe là điệp viên Liên Xô?

VietnamDefence - Marilyn Monroe có mật danh là “Masha”, một cựu điệp viên KGB cho hay
Marilyn Monroe (Global Look Press)
Cựu tình báo viên Liên Xô Lyudmila Temnova (cinema-rp.com)
Bộ phim tài liệu “Monroe ở đất nước của Dostoyevsky” của cựu tình báo viên KGB Lyudmila Temnova được chiếu ở Nga cuối năm ngoái (cinema-rp.com) 
Trong bộ phim tài liệu “Monroe ở đất nước của Dostoyevsky” của cựu tình báo viên KGB, bà Lyudmila Temnova được trình chiếu lần đầu tiên ở Nga vào cuối năm ngoái và nay là ở phương Tây, có khẳng định rằng, nữ minh tinh điện ảnh lừng danh Marilyn Monroe từng có liên hệ với tình báo Liên Xô và thậm chí có quan hệ thân thiết với một cán bộ tình báo Liên Xô, nhà báo Antonella Colonna Vilasi tiết lộ trên blog của tuần báo Italia Panorama.

Bài viết cho hay: “Theo lời cựu nữ cán bộ KGB Lyudmila Temnova, Marilyn Monroe đã có quan hệ với các cơ quan mật vụ Soviet. Cô ấy thậm chí còn có mật danh là Masha”.

Theo bài báo, một điệp viên Liên Xô hoạt động dưới vỏ bọc tại cơ quan đại diện Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng, ông ta tình cờ gặp nữ diễn viên này tại bữa tiệc tại Đại sứ quán Liên Xô nhân dịp Nikita Khrushchev thăm Mỹ. Rất nhanh chóng, tình bạn của họ lớn lên thành “cảm xúc nhất định”. Bà Temnova khẳng định rằng, KGB rất quan tâm đến Marilyn”.

Sắp tới, sẽ ra mắt bộ phim tài liệu “Monroe ở đất nước của Dostoyevsky” nói về thời gian ngắn ngủi mà Marilyn có mặt ở Liên Xô.

Trong phim không có những bằng chứng trực tiếp mà chỉ là những câu chuyện kể. Chẳng hạn, một người đàn ông không muốn tiết lộ tên tuổi khăng khăng nói rằng, ông đã có quan hệ đặc biệt với Marilyn. Ông ấy đã mời Monroe đến Moskva thăm mình, đã đón cô ở sân bay, đưa đến khách sạn nhìn ra Điện Kremlin, sau đó họ cũng nhau đến nhà nghỉ ngoại ô.

“Đó là hai ngày không thể nào quên. Nhưng trong quan hệ của chúng tôi cảm thấy có sự căng thẳng nhất định, chúng tôi hiểu rằng, việc chúng tôi chỉ có hai người ở riêng với nhau không có nghĩa là không có ai nhìn thấy hay nghe thấy gì”, cựu điệp viên Liên Xô này, lúc đó 27 tuổi, nói ám chỉ đến các con rệp nghe lén. Sau cuộc gặp này, họ không bao giờ gặp lại, quan hệ của họ bị đứt đoạn hoàn toàn.

Mấy ông người Nga không phải lần đầu kể với các nhà báo nước ngoài về các chuyện tình bí mật của họ với các phụ nữ nước ngoài nổi tiếng. Nhưng nổi bật nhất là Aleksandr Gavrilov từ thành phố Cheboksary. Năm ngoái, ông ta khẳng định mình là cha đẻ của con gái của nữ siêu mẫu nổi tiếng thế giới Claudia Schiffer.

Theo ông Gavrilov, tháng 6/2009, ông đã làm quen trên mạng xã hội với một phụ nữ nước ngoài xinh đẹp. Sau một thời gian, cô ta đến Moskva 5 ngày. Gavrilov đã thuê một căn hộ để tiện gặp gỡ cô nàng. Họ ở cùng nhau 4 ngày. Sau đó, cô nàng bay về nhà và không bao giờ liên lạc lại. Nhưng khi báo chí đưa tin Schiffer có bầu, Gavrilov đinh ninh người phụ nữ đã đến Moskva với anh ta và siêu mẫu Schiffer chính là một người.

Gavrilov đã đệ đơn đến tòa án quận Kalinin ở thành phố Cheboksary yêu cầu giám định gen. Tòa khuyên ông ta gửi đơn sang Anh, nơi siêu mẫu đang sinh sống.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH