AN CHI GIẢI ĐÁP 9
(ĐC sưu tầm trên NET)
Khuất Quang Thìn
khuatquangthin@hokhuatvietnam.org
Khuất Quang Thìn
khuatquangthin@hokhuatvietnam.org
Thực, thật và thiệt
Bạn đọc: Trước đây, có lần ông đã trả lời rằng, “thực”
và “thật” là hai chữ riêng biệt nhưng do kiêng húy nên mới đọc “thật”
thành “thực”. Vậy “Lam Sơn thực lục” trước đây cũng đọc là “Lam Sơn thật
lục” chăng? Rồi “thực” và “thật” trong “thực sự” - “thật sự”, “thực ra
mà nói” - “thật ra mà nói”, v.v… có phải cũng chỉ là một hay không? Cuối
cùng, chữ “thật” còn đọc là “thiệt” nữa (“thật lòng = thiệt lòng). Vậy
đảo ngược lại, chữ “thiệt” trong “thua thiệt”, “thiệt thòi”, “thiệt
mạng” có thể do một chữ “thật” gốc nào đó mà ra hay không? Sao mà rắc
rối thế! Mong ông An Chi gỡ rối… tơ lòng thòng. Xin cảm ơn ông. Nhóm bạn
Bùi, Nguyễn, Trần
Học giả An Chi: Trên Kiến thức Ngày nay số 283 (10/6/1998), chúng tôi đã viết:
“Tuy có thể “thông” với nhau, nghĩa là dùng thay cho nhau trong một số
trường hợp nhất định nhưng “thực” và “thật” là hai chữ riêng biệt. Chữ
“thực”, Hán tự là [寔], có thiết âm là “thường chức thiết (= th[ường] +
[ch]ức = thực). Còn chữ “thật” thì Hán tự là [實] và có thiết âm là “thần
chất thiết” (= th[ần] + [ch]ất = thật). Đây là hai chữ riêng biệt muộn
nhất cũng là từ thời Thuyết văn giải tự của Hứa Thận (đời Hán) theo sự
ghi nhận của sách này. Vậy, khi người Việt chính thức tiếp xúc với tiếng
Hán thì đó đã là hai chữ riêng biệt mặc dù ở thời viễn cổ thì chúng có
thể đã chỉ là một.
“Chữ “thật” bị đọc trại thành “thiệt” là do kiêng tên của bà Hồ Thị
Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm, về sau là vua Minh Mạng. “Thật” là tên
do vua Gia Long đặt cho bà. Tiếng “hoa” cũng vì kiêng húy của bà mà bị
đọc trại thành “huê”.”
Cách đây 15 năm, chúng tôi đã viết như thế còn lần này thì xin nói thêm
như sau. “Thực” [寔] và “thật” [實] vốn là hai điệp thức (doublet),
nghĩa là hai đồng nguyên tự (chữ cùng gốc), như Vương Lực đã chứng minh
và khẳng định một cách rõ ràng và đầy sức thuyết phục trong Đồng nguyên
tự điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.115). Nhưng nếu căn
cứ vào những cứ liệu đáng tin, chẳng hạn những tự dạng của “thực” [寔] và
“thật” [實] như có thể thấy trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993,
tr.396 & 400), thì tuy cả hai đều được ghi nhận trong Thuyết văn
giải tự của Hứa Thận nhưng trước đó thì chỉ có chữ “thật” [實]. Vậy
“thật” [實] là chữ tiên phát còn “thực” [寔] chỉ là chữ hậu khởi.
Tên của tác phẩm Lam Sơn thực lục viết bằng chữ Hán là [藍山實錄], trong đó
âm chính thống và chính xác của chữ thứ ba là THẬT chứ không phải
“thực”. Vậy nó phải được đọc thành “Lam Sơn thật lục” mới đúng. Ở nước
ta, vua Bảo Đại đã thoái vị từ 1945 nên chuyện kiêng húy đối với hoàng
tộc cũng không còn ý nghĩa và tác dụng trong xã hội. Hai tiếng “thật” và
“thực” cũng đã trở nên bình đẳng với nhau, không còn nhất bên trọng,
nhất bên khinh. Nhưng người ta vẫn cứ theo cái quán tính nặng nề của ý
thức hệ quân chủ mà đọc nó thành “Lam Sơn thực lục”, ngay cả ở thời cộng
hòa xã hội chủ nghĩa nữa!
Tuy nhiên, trở lên là nói về cách đọc chính xác đối với chữ [實] trong
[藍山實錄], chứ “thực” và “thật” trong “thực sự” - “thật sự”, “thực ra mà
nói” - “thật ra mà nói”, v.v… thì lại là chuyên khác. Ở đây, ta đang đối
diện với sự tồn tại của hai từ, tuy cùng gốc ở thời viễn cổ nhưng nay
đã trở thành hai từ riêng biệt và độc lập với nhau. Chúng đồng nghĩa
đấy, nhưng không phải có thể thay thế cho nhau trong mọi trường hợp.
“Thực sự” có thể nói thành “thật sự, “thực ra” có thể nói thành “thật
ra”, v.v… nhưng “thị thực” thì không nói thành “thị thật”, “hiện thực”
không nói thành “hiện thật”, v.v… Trong Nam thì “thật” có một biền thể
ngữ âm là “thiệt”, do kiêng tên bà Hồ Thị Hoa (Thật) về mặt phát âm (còn
trên văn tự thì thay [實] bằng [寔], như đã nói). Còn về chữ “thiệt”
trong “thua thiệt”, “thiệt thòi”, “thiệt mạng”,v.v… thì trên Kiến thức
Ngày nay số 297 (1/11/1998), chúng tôi đã viết:
“Thiệt trong “thiệt thòi”, “thiệt mạng” không phải là biến âm của chữ
“thật” nào cả vì đó là âm Hán Việt chánh cống của chữ [折], có nghĩa là
gãy, là hao tổn. Chữ [折] này thường chỉ được biết đến với âm “chiết”
(trong “chiết tự”, “chiết khấu”, “khuất chiết”, v.v...) nhưng âm “thiệt”
của nó đã từng được ghi nhận trong các quyển Đường vận, Tập vận, Vận
hội, Chính vận, mà Khang Hy tự điển đã dẫn lại. Đó là [食列切,音舌ä] “thực
liệt thiết, âm thiệt” (th[ực] + [l]iệt = thiệt). Hán ngữ đại tự điển
(Thành Đô, 1993) cũng có ghi nhận âm này với những nghĩa đã nói. Các
quyển từ điển như Từ nguyên, Từ hải (là những công trình thời nay) đã
hỗn nhập hai âm làm một nên đã góp phần làm mất tung tích của âm
“thiệt”, khiến ngay cả một số người biết chữ Hán cũng có thể ngộ nhận mà
cho rằng “thiệt” là một từ “thuần Việt”.
A.C
"Vũ trụ" và "thế giới"
07:00 | 19/01/2013
(Petrotimes) - Bạn đọc: Kính gửi bác An Chi! Xin bác cho biết nguồn gốc của từ “vũ trụ” và tại sao lại gọi là “thế giới”? Xuân Lan (Viện Dầu khí)
Học giả An Chi: Ở bên Tàu, người ta cho rằng, có thể
hai chữ “vũ trụ” [宇宙] kết hợp với nhau để chỉ khái niệm triết học xuất
hiện lần đầu tiên trong thiên “Tề vật luận” của sách Trang Tử. Quả
nhiên, nếu đọc bản dịch của Nguyễn Hiến Lê (NXB Văn hóa - Thông tin,
1994), ta sẽ thấy nó xuất hiện ở nhiều chỗ trong thiên này, đặc biệt là ở
đoạn:
“Một người bảo rằng, vũ trụ có khởi thủy; một người khác bảo không có
khởi thủy, một người nữa bác thuyết người thứ nhì dùng để bảo vũ trụ
không có khởi thủy. Nói cách khác: một người bảo mới đầu vũ trụ có cái
gì đó (hữu), một người khác bảo mới đầu vũ trụ không có cái gì cả (vô);
một người nữa bác thuyết lúc đầu vũ trụ không có cái gì cả; lại một
người thứ tư khác nữa bác cái thuyết người thứ ba dùng để bác cái thuyết
mới đầu vũ trụ không có cái gì cả. Khi thì là có (hữu), khi thì là
không (vô). Mà không biết cái “có”, cái “không” đó có thực là “có”, có
thực là “không” không” (tr.167).
Tuy nhiên, trên đây dù sao cũng lại là chuyện cao sâu về nguồn gốc của
chính vũ trụ, còn điều bạn muốn biết thì lại là nguồn gốc của hai
chữ/tiếng dùng để diễn đạt khái niệm phức tạp đó. Xin phân tích từng chữ
như sau:
Chữ “vũ” [宇] có nghĩa gốc là mái nhà, thềm nhà, chái nhà; rồi nghĩa
phái sinh là buồng, phòng và nghĩa rộng hơn nữa là chỗ ở; rồi lại là
cương vực, lãnh thổ và cuối cùng là “không gian” mà các từ điển xưa
thường hay giảng là “tứ phương thượng hạ vị chi vũ” [四方上下 谓 之宇] (bốn
hướng và trên dưới gọi là vũ). Chữ “trụ” [宙] vốn có nghĩa là “cột,
rường” (đống lương), như đã giảng trong Thuyết văn giải tự Đoàn (Ngọc
Tài) chú. Vì vậy nên chúng tôi cho rằng, nó là đồng nguyên tự của chữ
“trụ” [柱] là cột (nhà) nhưng đã bị “hình nhi thượng hóa” để chỉ “thời
gian” mà các từ điển xưa giảng là “cổ vãng kim lai viết trụ” [古往今来曰宙]
(xưa qua nay đến gọi là trụ).
Còn “thế giới” [世界] thì, nói chung, trong tiếng Hán, nó vốn đồng nghĩa
với “thiên địa”, “thiên hạ”, “nhân gian”, “thế gian”, v.v… Trong ngôn
ngữ chính trị hiện đại thì nó đồng nghĩa với “toàn cầu”, “hoàn cầu”,
“hoàn vũ”, rồi trong nhiều trường hợp, cũng đồng nghĩa với “quốc tế”.
Chữ “thế” [世] vốn có nghĩa là “đời” với cái nghĩa khá rộng rãi mà ta sử
dụng trong tiếng Việt như trong “suốt đời”, “đời cha, đời con”, “đời
vua, đời tổng thống”, “đời Lý, đời Trần”, v.v... Chữ “giới” [界] có một
hệ nghĩa khá phong phú mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã cho
như sau: – ranh giới đất đai (nghĩa 1); – giới hạn (nghĩa 2); – tiếp
giáp (nghĩa 3); – phân ranh (nghĩa 4); – chia cắt (nghĩa 5); – phạm vi
nhất định (nghĩa 6); – tầng lớp những người cùng chức nghiệp hoặc loại
hình hoạt động trong xã hội (nghĩa 7); v.v...
Riêng chữ này lại có duyên nợ đặc biệt với tiếng Việt liên quan đến từ
“kẻ” đứng trước địa danh mà nhiều người cho là “thuần Việt” còn chúng
tôi thì luôn luôn duy trì quan điểm cho rằng, nó là một từ gốc Hán, như
chúng tôi đã trình bày vài lần, chẳng hạn tại mục “Chuyện Đông chuyện
Tây” của tạp chí Kiến thức Ngày nay số 229 (1/12/1996), với đoạn sau
đây:
“Kẻ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 界 mà âm Hán
Việt thông dụng hiện đại là “giới”, âm Hán Việt hiện đại ít thông dụng
hơn là “giái” còn âm Hán Việt chính thống hiện đại thì lại là “cái” vì
thiết âm của nó trong Quảng vận là “cổ bái thiết”. “Giới/cái” có nghĩa
gốc là lằn ranh giữa hai (hoặc nhiều) vùng đất, rồi có nghĩa phái sinh
theo hoán dụ là vùng đất giới hạn trong lằn ranh đó; cuối cùng mới có
cái nghĩa rộng là một vùng đất nhất định. Đây chính là nghĩa của từ
“cái” trong thành ngữ “lạ nước lạ cái” (= lạ nơi lạ chốn) và nghĩa của
từ “kẻ” trong “kẻ Chợ”, “kẻ Noi”, “kẻ Sặt”, v.v...
“Giới/cái” 界 là một chữ thuộc vận bộ “quái” 怪, tức vận –ai [aj] mà cách
đọc xưa là “e” [ɛ], không có âm cuối vần [Viết thêm ngày 15/1/2013: Âm
Hán Việt xưa của chữ này là “qué” trong “mách qué” - Thêm xong], giống
với vận bộ “quái” 卦 mà âm xưa là “quẻ”, như Vương Lực đã chứng minh
trong Hán ngữ sử luận văn tập (Bắc Kinh, 1958, tr.365-367). Vậy “kẻ”
(vùng đất nhất định) ~ giới/cái 界 cũng giống như: – quẻ (bói) ~ (bát)
quái; – khỏe (mạnh) ~ khoái (hoạt); – ghẻ (chốc) ~ giới/cái 疥 (= ghẻ), –
đặc biệt hoàn toàn giống như kẻ (trong kẻ ở người đi) ~ giới/cái 介 (=
người. Từ hải: 一介á nhất giới/cái = 一人 nhất nhân). Nhưng đặc biệt hơn hết
là liên quan đến chữ “giới” 界 đang xét, chúng ta còn có: (thước) kẻ ~
giới/cái (xích) vì “giới/cái” còn có nghĩa là kẻ hàng, gạch hàng nữa:
“giới xích” là thước kẻ, “giới chỉ” là giấy có kẻ hàng, v.v…”
Lần này, xin nói thêm rằng, “giới/cái” và “kẻ” còn có một điệp thức
(doublet) nữa là “cõi” trong “bờ cõi”, “cõi trần”, v.v... Và với điệp
thức vẫn thông dụng trong tiếng Việt hiện đại này, ta có thể dịch hai
tiếng “thế giới” [世界] theo nghĩa đen thành “cõi đời”; rồi từ đây ta có
thể suy diễn một cách hoàn toàn tự nhiên, vì hoàn toàn hợp luận lý, theo
phái sinh bằng ẩn dụ: “cõi đời” → “cõi người” → “cõi con người trên
trái đất” → “thế giới”, là cái tương ứng với tiếng Pháp “monde” và tiếng
Anh “world”, tức khái niệm mà bạn đã hỏi.
A.C
Khuất Quang Thìn
khuatquangthin@hokhuatvietnam.org
A.C
Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người
21- (KTNN 100, ngày 15-01-1993)
Tại sao lại nói "ngày tư ngày tết" và “tư niên" (là quanh năm). Hai tiếng "tư” này có liên quan gì với nhau hay không?
AN CHI: Hán ngữ có một từ ghi bằng chữ 玆 , mà âm Hán Việt là tư, có nghĩa là năm, là mùa. Mathews' Chinese-English Dictionary (p.1023. ch.6935) giảng là: "A year, a season”. Sách Lã thị xuân thu có câu: “Kim tư mỹ hòa, lai tư mỹ mạch” nghĩa là mùa này tốt lúa gạo, mùa tới tốt lúa mì. Vì nó cùng một trường nghĩa với tết nên người ta đã ghép nó với từ này thành tư tết, rồi lại xen ngày vào mà nói thành ngày tư ngày tết.
Còn tư trong "tư niên” thì lại không liên quan gì đến tư trong "ngày tư ngày tết" cả. Nó là tư trong tư bề, tư mùa, nghĩa là một biến thể ngữ âm của tứ là bốn. Tư bề là bốn bề, nghĩa là mọi phía; tư mùa là suốt bốn mùa, nghĩa là quanh năm. Sự di chuyển tự nhiên và hợp lý từ bốn sang mọi, sang quanh trong nghĩa của tư bề, tư mùa đã dẫn đến cách hiểu sai lệch rằng tư có nghĩa là quanh, là khắp, là cả, v.v.. Với cách hiểu sai lệch này, người ta đã nói tư niên mà hiểu là quanh năm.
khuatquangthin@hokhuatvietnam.org
Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người
22. (KTNN 100, ngày 15-01-1993)
Con lân là con gì? Có phải đó cũng là con kỳ lân hay không? Tại sao ngoài Bắc gọi là "múa sư tử" mà trong Nam lại gọi là "múa lân"?
AN CHI: Con lân cũng gọi là con kỳ lân. Nguyên kỳ là tên của con đực, còn lân là tên của con cái. Người ta ghép lại mà gọi chung là kỳ lân. Ngày nay lân hoặc kỳ lân chỉ cả con đực lẫn con cái. Tiếng Pháp dịch là unicorne, tiếng Anh là unicorn. Lân là con vật đứng hàng thứ hai trong tứ linh: long (rồng), lân, qui (rùa), phụng (phượng hoàng). Nó là một con vật thần thoại thân hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng, lông trên lưng thì ngũ sắc mà dưới bụng thì màu vàng. Tục truyền rằng nó là một con vật hiền lành (nhân thú), không đạp lên cỏ tươi và không làm hại các vật sống. Tục còn truyền rằng vì nó là một con thú có nhân như thế cho nên vua chúa ai là người có nhân thì mới được nhìn thấy nó. Múa lân tức là múa kỳ lân. Sở dĩ trong Nam gọi múa lân mà ngoài Bắc gọi là múa sư tử là vì nhác trông thì con lân giống con sư tử (Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-tịnh Paulus Của cũng giảng lân là một "con thú giống con sư tử"). Vì vậy, người ta đã nhầm múa lân thành "múa sư tử” rồi cứ thế mà gọi lâu ngày thành quen. Nhưng cứ nhìn vào cái đầu lân (để múa) với cái miệng rộng, cái mũi to và cái sừng nổi cộm thì biết ngay đó không phải là con sư tử rồi.
khuatquangthin@hokhuatvietnam.org
Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người
23. (KTNN 100, ngày 15-01-1993)
Tại sao lại gọi là "con giáp"? Mỗi con giáp có bao nhiêu năm?
AN CHI: Hai tiếng con giáp là một lối nói của phương ngữ Nam Bộ. Trong phương ngữ này con giáp là một chu kỳ 12 năm âm lịch gọi bằng tên của 12 địa chi từ Tí đến Hợi. Nghĩa này đã cho ra một nghĩa rộng là chu kỳ thời gian từ một năm đã cho đến năm cùng một tên chi với nó sau đó 12 năm, chẳng hạn từ năm Nhâm Thìn 1832 đến năm Giáp Thìn 1844, hoặc từ năm Đinh Hợi 1947 đến năm Kỷ Hợi 1959, v.v.. Do đó mà người sanh năm Nhâm Thìn 1832 lớn hơn người sanh năm Giáp Thìn 1844 một con giáp, còn người sánh năm Kỷ Hợi 1959 thì nhỏ hơn người sánh năm Đinh Hợi 1947 một con giáp. Ngoài ra, trong khẩu ngữ của tiếng địa phương Nam Bộ, con giáp còn có nghĩa là con vật tượng trưng của mỗi chi trong 12 địa chi nữa (chẳng hạn con chuột cho năm Tý, con trâu cho năm Sửu, v.v… Do đó mới có câu "Mười hai con giáp không giống con nào”.
Vậy tại sao lại gọi là con giáp? Nguyên ngày xưa người ta đã theo thứ tự trước sau của thập can và thập nhị chi mà phối hợp các can và các chi với nhau sao cho có được một chu kỳ gồm 60 đơn vị bắt đầu từ Giáp Tí cho đến Quý Hợi, trong đó mỗi đơn vị được gọi bằng một tên kép gồm có một tên can và một tên chi. Chu kỳ này được trình bày thành một bảng gồm có 60 ô. Bảng này gọi là hoa giáp. Trong phương ngữ Bắc Bộ, hoa giáp đã được nói tắt thành giáp. Giáp thoạt đầu vẫn được hiểu là một chu kỳ gồm 60 năm, về sau lại được linh động hiểu thành một chu kỳ 12 năm như cách hiểu thong thường hiện nay. Tuy cũng cùng một cách chuyển nghĩa như trên nhưng trong phương ngữ Nam Bộ thì hoa giáp lại trở thành con giáp vì hai lý do. Một là người ta vẫn bị ám ảnh bởi các con vật tượng trưng cho mỗi chi khi nói đến hoa giáp. Hai là tiếng con vừa có tác dụng nhắc nhớ đến các con vật như đã nói ở trên, lại vừa đồng âm với con là một từ chỉ chu kỳ như trong con nước, con trăng v.v. mà hoa giáp thì rõ ràng là một chu kỳ. Vì hai lý do đó mà con đã thay thế cho hoa.
khuatquangthin@hokhuatvietnam.org
Nhận xét
Đăng nhận xét