Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

NHỚ MỘT THỜI 35

(ĐC sưu tầm trên NET)


Chiến tranh biên giới 1979:Ký ức đau đớn về những quan tài rỏ máu
Hoàng Đan
[​IMG]


- Tác giả bài thơ "Bình độ 400" chia sẻ, sau 20 năm xuất ngũ, những hình ảnh về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn ám ảnh, đi vào cả những giấc mơ của ông...
Lời tòa soạn: Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979 do Trung Quốc phát động xâm lược Việt Nam đã qua đi được 35 năm. Dù Trung Quốc đã rút quân vào đầu tháng 3/1979 nhưng những hy sinh mất mát của người Việt Nam chỉ kết thúc thực sự vào năm 1989, sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Để giúp bạn đọc có những góc nhìn đầy đủ hơn về cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương của quân và dân Việt Nam cũng như bản chất của hành động gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” từ Đặng Tiểu Bình, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Chiến tranh biên giới phía Bắc.

Gặp chúng tôi trên con phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), sau hơn 35 năm đã trôi qua nhưng trong ký ức của cựu binh, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là giảng viên của trường Đại học Phương Đông), những hình ảnh ác liệt, tang thương của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn còn đọng lại rất rõ ràng.

Ông Hùng cũng chính là tác giả của bài thơ "Bình độ 400" nổi tiếng ghi lại trận đánh ác liệt ở địa danh này thuộc tỉnh Lạng Sơn vào năm 1981.

Theo lời kể của ông Hùng, tháng 8/1978, khi vừa tròn 18 tuổi và đang là sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ông lên đường nhập ngũ, tham gia huấn luyện tại Ninh Bình. Khoảng 8 tháng sau, ngày 4/3/1979, ông được điều về đơn vị thông tin thuộc trung đoàn 2, sư đoàn 3 Sao Vàng, trấn thủ biên giới phía Bắc.

Đơn vị ông lên đến Lạng Sơn cũng là lúc Trung Quốc bắt đầu rút quân nhưng như ông kể lại: “Mọi người thường tưởng quân Trung Quốc rút ồ ạt về nước nhưng không phải. Chúng rút từ từ và vừa rút vừa phá hoại, trong lúc rút vẫn bắn phá các công trình của ta. Tôi chứng kiến thị xã Lạng Sơn bị phá hủy hết. Những tòa nhà lớn xây từ thời Pháp, lính Trung Quốc cứ ốp bộc phá ở hai đầu và một quả ở giữa. Khi bộc phá nổ, tòa nhà không sập hẳn nhưng cũng tan hoang không thể sửa chữa được nữa. Rồi đến các nhà máy cũng bị đặt bộc phá để phá hủy tạo ra cảnh hoang tàn, khói lửa...”.

Những ngày sau đó, tình hình rất căng thẳng, quân Trung Quốc áp sát biên giới và tiếng súng, tiếng bom vẫn vang lên từng ngày.

Đến năm 1981, trên mặt trận Lạng Sơn mới lại diễn ra trận giao tranh ác liệt tại địa điểm bình độ 400 thuộc xã Thanh Hòa, huyện Cao Lộc mà ông là một trong những người lính trực tiếp tham gia.

[​IMG]
Ông Hùng, người áo đen, đứng ngoài cùng bên trái trong buổi kỷ niệm 30 năm nhập ngũ

"Trận Bình độ 400 có nhiều trung đoàn tham gia nhưng trung đoàn 2 của chúng tôi lúc bấy giờ được thiếu tướng Hoàng Đan trực tiếp đến tận sở chỉ huy động viên chiến đấu. Khu vực này có đặc điểm là sườn phía mình dốc còn phía bên Trung Quốc thì thoải hơn nên lính Trung Quốc đào hầm bê tông trú ẩn và làm được cả đường cho xe chạy.
Lúc đó Trung Quốc xua quân chiếm giữ điểm cao này còn ta đưa quân lên phản kích lấy lại. Quân Trung Quốc có lợi trên cao và có công sự vững chắc cho nên mình chỉ pháo kích và dùng đặc công đánh thôi chứ không ào ào đánh cả trung đoàn được. Chúng tôi ở tuyến sau cứ áp sát vào là pháo bắn như mưa lại phải bò xuống không tiến lên được
”, ông Hùng nhớ lại.

Cũng theo ông Hùng, dù Trung Quốc có rất nhiều súng đạn và bắn sang ta không hề tiếc nhưng xét về kỹ, chiến thuật thì hoàn toàn thua xa so với lính Việt Nam.

"Nếu đụng độ thuần bộ binh thì lính Trung Quốc kém xa lính mình. Về sau chúng tôi phát hiện ra là lính Trung Quốc không phải tất cả được trang bị vũ khí, nhiều tên chỉ đi tay không. Mà những loại đấy chúng tôi cho chỉ là bọn đi đánh hôi. Có nhiều tên khi bị quân ta tiêu diệt tay vẫn còn ôm một bao khoai lang. Chúng chỉ ào ào xông lên nhưng hễ gặp hỏa lực mạnh là bỏ chạy.

Thêm nữa, sau này có lần chúng tôi gặp một quả đồi mà Trung Quốc từng đóng thì thấy có mặt đất chi chít hầm hàm ếch tránh pháo, hướng tránh thì đúng nhưng mật độ thì dày như tổ ong. Về nguyên tắc, đào dày như thế dễ thương vong lớn nếu chẳng may trúng pháo. Điều đó cho thấy lính Trung Quốc không tinh nhuệ”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Hùng cũng khẳng định, lúc bấy giờ, ngoài tinh thần chiến đấu rất cao thì chính sự có mặt, giúp sức của những người lính già, vị tướng lão luyện đã giúp Việt Nam bảo vệ vững chắc biên cương.

"Như ở biên giới phía Bắc thời đó có tướng Hoàng Đan nổi tiếng với câu nói “sống, chết, thời, vận, số”. Có câu chuyện nói rằng khi ông đi thị sát gặp lúc địch bắn pháo như mưa nhưng ông vẫn ngồi yên quan sát. Hay, ông thường lấy một câu chuyện ngụ ngôn để động viên lính. Câu chuyện là có một ông bị thầy bói bảo là số bị hổ vồ cho nên không sống gần rừng, không dám vào vườn bách thú. Nhưng một hôm vào chùa nhìn thấy tượng con hổ hoảng quá đập đầu vào tường mà chết.

Chính nhờ những người chỉ huy như ông mà dải biên cương của chúng ta đã được bảo vệ vững chắc, toàn vẹn trước quân thù đông đảo", ông Hùng nhắc lại trong sự hào hứng.

Những giấc mơ đeo đẳng sau cuộc chiến

Và giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhưng những nỗi ám ảnh của cuộc chiến, về sự hy sinh của đồng đội của nhân dân vẫn cứ mãi đeo đẳng mãi trong ông.

[​IMG]
Những tấm hình trong ba lô của người lính Nguyễn Mạnh Hùng khi trở về.

"Tôi còn nhớ khi tôi hành quân trên đường gặp những chiếc xe quan tài chở tử sĩ từ mặt trận về tuyến sau và những chiếc xe quan tài không từ hậu phương tiếp tục chạy lên biên giới. Hồi ấy cũng chu đáo hơn trước, bộ đội hy sinh có quan tài để khâm liệm. Nhưng đang thời chiến, khâm liệm chỉ sơ sơ, vì thế nên khi xe chạy, máu từ trong quan tài chảy ra nhỏ xuống đường.

Nhưng chúng tôi còn sợ hơn khi nhìn thấy xe chở quan tài trống từ hậu phương đưa lên. Tất nhiên những xe quan tài ấy thỉnh thoảng mới gặp nhưng mà mỗi lần nhìn thấy là hãi lắm. Điều đó cho thấy chiến sự ác liệt lắm. Những hình ảnh đó đã ám ảnh tôi mãi và cho đến 20 năm sau khi xuất ngũ thì nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy rất nhiều bóng đen. Tôi đã cố xua, cố làm mọi cách để nó đi nhưng không được, nó cứ lởn vởn quanh tôi. Và nói thực, đến giờ, nghĩ lại những hình ảnh về cuộc chiến vừa đi qua, tôi vẫn có cảm giác hãi hùng..", ông Hùng trầm ngâm nói.

Cùng với giấc mơ, phía sau cuộc chiến, những người lính như ông Hùng cũng còn đó những nỗi khó khăn, cực nhọc của cuộc sống mưu sinh.

"Những người lính như tôi trở về cuộc sống đời thường rất khó khăn để mưu sinh. Cá nhân tôi trở về lại đi học đại học thì thấy bình thường nhưng nhiều anh em khác vất vả lắm, phải đi bơm xe, chạy chợ rất vất vả.

Sự đãi ngộ cho anh em tuy có nhưng cũng hạn chế thôi, giá như không có chiến tranh thì cuộc sống họ sẽ khác đi nhiều. Nhiều người sẽ không phải chết, không bị thương tật và sẽ có công ăn việc làm tốt hơn vì họ không mất những năm tháng tuổi trẻ.

Chiến tranh là mất mát đau thương nên cần tìm mọi cách để tránh. Nhưng nếu khi hết mọi cách thì phải dũng cảm chiến đấu để trước hết bảo vệ cuộc sống của mình”, ông Hùng tâm sự.

Cũng chính từ những cảm xúc, nỗi niềm sau cuộc chiến này đã thôi thúc ông Hùng viết lên bài thơ "Bình độ 400" nổi tiếng:

"Đêm tháng Năm vào Bình độ Bốn Trăm

Đoàn xe trôi êm êm, tầm đại bác

Thuốc súng tanh, lá rừng kêu xào xạc

Chúng no máu rồi không cắn nữa đâu?

Lắc lư xe quan tài vượt về sau

Máu rỏ xuống đường cuốn vào cát bụi

Lại xe quan tài vượt lên lầm lũi

Tốp thương binh bê bết máu mặt, mày

Đám cướp kia Thánh, Phật dạy ăn chay

Chẳng kiêng gì ngày Rằm, mồng Một!

Đạn cày xới đất tơi trồng cây tốt

Tưới máu người cướp, giữ đất biên cương.

Tư lệnh Hoàng Đan trận này cầm quân

Ông bảo rằng: Sống, chết, thời, vận, số!

Cả Trung đoàn ào ào như thác lũ

Bình độ Bốn Trăm bình địa trận người.

Những chàng trai sống, chết trận này ơi!

Mưa đổ xuống ông Trời tuôn nước mắt

Ơn nhớ mãi thân người đi giữ đất

Người trở về ăn, sống, ở ra sao?" 


"Lá đơn đặc biệt" 2 ngày sau khi TQ xâm lược VN năm 1979
Hoàng Đan
[​IMG]
- Sau chỉ một đêm nộp đơn xin chiến đấu, người chiến sỹ từ Hà Nội vượt hàng trăm km lên chiến trường đã mãi mãi ra đi...
Lời tòa soạn:Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979 do Trung Quốc phát động xâm lược Việt Nam đã qua đi được 35 năm. Dù Trung Quốc đã rút quân vào đầu tháng 3/1979 nhưng những hy sinh mất mát của người Việt Nam chỉ kết thúc thực sự vào năm 1989, sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Để giúp bạn đọc có những góc nhìn đầy đủ hơn về cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương của quân và dân Việt Nam cũng như bản chất của hành động gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” từ Đặng Tiểu Bình, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Chiến tranh biên giới phía Bắc.

Trong câu chuyện với chúng tôi, cựu binh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là giảng viên trường ĐH Phương Đông), tác giả bài thơ Bình độ 400 nổi tiếng còn cung cấp một lá đơn xin chiến đấu được chép lại mà ông cất giữ như một kỷ vật hết sức thiêng liêng.

Theo lời ông Hùng kể, chập tối ngày 22 tháng 2 năm 1979, những người lính Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn An Lão, Sư đoàn Sao Vàng, mặt trận Lạng Sơn, đang chiến đấu lấy lại đồi Thâm Mô (gần thị xã Đồng Đăng) thì "tóm" được một thanh niên nhỏ nhắn, da đen, nhanh nhẹn tên Thành, mang theo lá đơn xin chiến đấu.

"Anh Thành cho biết đã bắt tàu từ Hà Nội lên và đưa cho chỉ huy đơn vị một lá đơn xin cầm súng chiến đấu "Kính gửi các thủ trưởng đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam". Trong đơn, anh Thành bày tỏ không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của anh đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu. Và anh khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho anh sống, chiến đấu tại nơi đây... Sau khi xem xét đơn các thủ trưởng đã đồng ý với lá đơn đề nghị của anh.

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như không có sự việc chỉ sau vài tiếng đồng hồ nộp đơn từ đêm hôm đó đến sáng hôm sau, anh Thành đã không còn nữa. Những người đồng đội đã xác nhận, anh ấy đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh tại mặt trận...", ông Hùng bùi ngùi kể lại

[​IMG]
Lá đơn xin chiến đấu chỉ một đêm của liệt sỹ Thành cách đây 35 năm
Năm 1980 nhận hồ sơ, khi lập danh sách đề nghị tiểu đoàn chuyển trung đoàn công nhận liệt sỹ Phạm Quang Thành, đơn vị đã xác định được quê quán của anh ở xóm 2, thôn Mỹ Bổng, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình..

Trong di vật còn lại được gửi về lên cấp trên bao gồm một số ảnh tập thể sinh viên, thư của người bạn gái, bản chính đơn xin chiến đấu...

[​IMG]

Cũng theo ông Hùng cho biết, liệt sỹ Thành từng tham gia chiến đấu và là thương binh chống Mỹ nhưng vẫn quyết tâm, tự nguyện xung phong lên chiến đấu, anh dũng ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc.

Ông Hùng tâm sự: "Anh Thành nộp đơn xong rồi cầm súng chiến đấu luôn cùng đơn vị và hy sinh ngay trong đêm ác liệt đó nên nhiều anh em vẫn còn chưa biết rõ mặt mà chỉ biết qua những tấm ảnh trong di vật còn lại.

Hơn 35 năm rồi nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên về anh, một trường hợp rất đặc biệt, đi hàng trăm km lên nộp đơn, chiến đấu và hy sinh chỉ vài giờ sau đó. Tuy nhiên, chỉ có điều canh cánh đến giờ là không biết biết gia đình đã tìm và đưa anh về với quê hương chưa. Thực sự, chiến tranh quá ác liệt và nếu không có nó, có lẽ, anh Thành đã có thể sống và cống hiến cho đất nước nhiều hơn..."

Nội dung lá đơn của Phạm Quang Thành:

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập -Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN XIN CHIẾN ĐẤU

Kính gửi các thủ trưởng trong đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam

Tên tôi là: Phạm Quang Thành, là học sinh năm thứ nhất khoa toán trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi xin trình bày một việc sau đây:

Sau khi nghe sự kiện 4 giờ sáng ngày 17-2-1979 bọn ********* Trung quốc đã xâm phạm lãnh thổ nước ta, lòng tôi như lửa đốt. Tôi không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của tôi đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu. Tôi đã làm đơn xin đi chiến đấu, nhưng vì tôi là một người lính đã trở về trường học tập nên việc xin nhập ngũ là rất khó. Chính vì vậy tôi đã đi từ Hà Nội lên đây và sẽ xin vào công tác ở bất cứ đơn vị cầm súng đánh giặc. Tôi biết đó là một khuyết điểm của mình, nhưng đánh xong giặc tôi sẽ xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân với khuyết điểm của mình. Là một đoàn viên thanh niên cộng sản mang tên Bác Hồ vĩ đại. Tôi càng tự hào bao nhiêu thì tôi càng hiểu trách nhiệm của mình bấy nhiêu. Trong khi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang vọng trong lòng. Vậy, tôi khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho tôi sống và chiến đấu tại nơi đây. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ gì cấp trên giao phó. Được như vậy tôi chân thành cảm ơn

Hà Nội ngày 19/2/1979

Người làm đơn

(ký tên)

Phạm Quang Thành​

"Triệu Tử Long của Việt Nam" và chuyện đánh Trung Quốc năm 1979
Hồng Chính Quang
[​IMG]


Đại tá Trần Minh Vân – nguyên Sư trưởng Sư đoàn 312,Quân đoàn 1 (Ảnh: Tuấn Nam)

- Đại tá Trần Minh Vân cho hay: “Quân Việt Nam không bao giờ sang trận địa quân TQ. Chỉ sau này sang mới biết quân TQ tử trận khá nhiều".
Lời tòa soạn: Báo điện tử Trí Thức Trẻ xin tiếp tục giới thiệu tới độc giả loạt bài về Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

Qua sự giới thiệu của Anh hùng, Viện sỹ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và Quân đoàn 1, chúng tôi tìm đến nhà của Anh hùng, Đại tá Trần Minh Vân – nguyên Sư trưởng Sư đoàn 312 (quân đoàn 1) ở Thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Vốn là người con đất võ Bình Định, Đại tá Trần Minh Vân đã từng ở chiến trường Quảng Trị, tham gia chiến đấu trên 300 trận đánh, lập nhiều chiến công oanh liệt, bị thương 14 lần và được mang biệt danh “Triệu Tử Long”.

Là một vị sư trưởng của một sư đoàn tiếng tăm lừng lẫy nên không khó để chúng tôi có thể hỏi thăm đến nhà ông. Căn nhà tình nghĩa của Đại tá Trần Minh Vân được Bộ Tư lệnh Binh đoàn Quyết Thắng xây tặng nằm cạnh một con suối gần Quốc lộ 1A, trên khu vực Quân đoàn 1 đóng quân. Hẹn qua điện thoại, sợ phóng viên trẻ không biết nhà, phải đi tìm giữa trời nắng, ông ra tận cổng đón tôi.

Sau khi nghe ý định viết bài về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của chúng tôi, ông đồng ý rồi trầm ngâm nhìn ra cây sung ven suối. Ông kể: “Ngày 31/3/1987, nhận được lệnh của Bộ Tổng tham mưu, Sư đoàn 312 lên Vị Xuyên (Hà Giang) từ ngày 25/6/1987 đến ngày 2/7/1988. Quân số của Sư đoàn khi đó khoảng gần 10.000 người. Nơi chúng tôi đóng quân ngày đó là ở xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Ngày đó chúng tôi phải đối diện với Trung đoàn 241, Trung đoàn 24 của Sư đoàn 79 thuộc Tập đoàn quân 27”.

[​IMG]
Xẻ núi đưa pháo lên điểm tựa (Ảnh: Nhà báo Đào Văn Sử/báo QĐND)
Nhớ lại khu vực đóng quân năm xưa, người lính già chia sẻ: “Cùng đóng trên 2 quả núi nhưng quân Trung Quốc ngày đó ở vị trí cao hơn, còn ta ở vị trí thấp hơn. Tuy nhiên, khoảng cách tương đối xa (khoảng 200-300 mét), muốn đánh được ta, địch phải vượt qua một vực. Địa hình của bên ta khi đó là nửa đất nửa đá, còn bên địch hoàn toàn là đá”.
Theo Đại tá Trần Minh Vân, trong chiến thuật phòng ngự thì yếu tố quan trọng nhất là công sự. Nếu công sự vững chắc thì trận địa vững chắc. Công sự vững chắc sẽ làm cho tư tưởng của bộ đội an tâm hơn, khi nghỉ ngơi cũng đàng hoàng hơn, tránh bom đạn của địch, giảm thiểu thương vong . Với địa hình nửa đất, nửa đá thì chúng ta có thể đào công sự dễ dàng hơn so với địa hình chỉ có đá. Địa hình chỉ có đá thì khó cải tạo làm công sự nhưng đất thì dễ sạt lở vì đất đó là đất pha cát sỏi.

Đại tá Trần Minh Vân tự hào: “Trong thời gian khoảng 7 tháng, Sư đoàn 312 đã làm 937 công sự và cũng khá tốn kém. Cho đến thời điểm đó, Sư đoàn 312 là Sư đoàn đào được nhiều công sự nhất trong số các đơn vị đã chiến đấu ở Vị Xuyên.

Địch đánh nghi binh nhiều nên trước khi mình xây dựng trận địa thì mình phải căn cứ vào cách đánh và địa hình để xây dựng công sự làm sao để có thể hỗ trợ lẫn nhau và chi viện cho nhau. Còn bên địch, họ bố trí nhiều trận địa cối hướng sang bên ta. Đồng thời, do địa hình toàn là núi đã nên họ đã lợi dụng các điểm cao, các hang đá để xây dựng hệ thống công sự trận địa kiên cố vững chắc cùng với các bãi mìn phía trước”.

Với tình hình chiến sự khi đó không dồn dập như tháng 2/1979, Đại tá Trần Minh Vân chia sẻ thêm về cách đánh địch: “Cách đánh là mình phải lợi dụng thời cơ bất ngờ nhất để đánh địch. Khi địch tấn công ta sẽ lộ sơ hở và chúng ta phải tận dụng sơ hở đó để tấn công lại chứ không đánh phủ đầu. Chính vì thế, anh em rất tự tin tổ chức chiến đấu trong thế phòng ngự và luôn sẵn sàng tấn công khi có thời cơ. Với chiến thuật như vậy, chúng ta đã hạn chế được thương vong và rút kinh nghiệm được nhiều.

Với trận địa phòng thủ - tấn công đó, khi chiến đấu, công tác hậu cần rất quan trọng: chuẩn bị vũ khí, đạn dược. Chúng tôi không những phải đào hầm dự trữ cho lương thực mà còn phải đào hầm cho vũ khí đạn dược. Thời kỳ đó ở Vị Xuyên mưa gió thất thường với độ ẩm rất cao nên không cẩn thận thì sẽ ẩm hết cả đạn dược. Tôi còn nhớ ngày đó, nhiều khi không chỉ phải hong khô người mà còn phải hong khô cả đạn dược”.

Suốt câu chuyện với ông, chúng tôi được nghe ông nhắc rất nhiều về những người lính bị thương và công tác cứu chữa cho thương binh. Vị Đại tá già nhớ lại: “Một công tác vô cùng quan trọng là đảm bảo cho thương bệnh binh. Vì mình và địch ở gần, địa hình rất phức tạp nên việc vận chuyển thương binh ở địa hình đó không hề đơn giản. Địa hình phòng ngự là núi đá nên khi chiến đấu phòng ngự, các chiến sỹ phải leo lên các vị trí cao.

Tôi còn nhớ, có những chiến sỹ bị thương trên các mỏm đá cao như ngọn cây nên việc đưa thương binh xuống rất khó khăn. Đầu tiên là phải ròng dây như ròng rọc, sau đó 2 người phải đẩy cáng ra rồi thả dần, thả dần để cho thương binh nằm đúng vào chiếc cáng rồi khiêng đi. Công việc này không như ở đồng bằng”.

Theo Đại tá Trần Minh Vân, ngày đó chiến đấu, quân Trung Quốc dùng hỏa lực bắn phá ác liệt về phía ta rồi tổ chức lực lượng bộ binh tấn công ta thành nhiều hướng. Tuy nhiên, nhờ thế trận bố trí phòng ngự nên dù có một số lính Trung Quốc tấn công ta nhưng đã bị ta phục kích và tiêu diệt. Chính vì sợ bị phục kích nên họ chủ yếu bắn pháo sang.

“Trong thời kỳ tôi ở đó, họ tấn công bằng bộ binh khoảng 5 - 6 lần nhưng lần nào cũng bị quân ta chặn đứng. Quân ta ở trong công sự bắn ra khiến họ sợ mà phải bỏ chạy. Nhưng chúng ta cũng không ra khỏi công sự để truy kích được bởi nếu ra khỏi công sự là ngay lập tức bị bắn ngay. Pháo binh của Trung Quốc bắn rất chính xác.

Mình phòng ngự gần với quân Trung Quốc, nhưng quân Việt Nam không bao giờ sang bên trận địa của quân Trung Quốc. Sau này hòa bình rồi, anh em tôi sang cửa khẩu Thanh Thủy, thấy nghĩa trang bên đó thì mới biết quân Trung Quốc tử trận cũng khá nhiều”, Đại tá Trần Minh Vân nói.

Đại tá Trần Minh Vân cũng cho hay: “Ở trận địa ở Hà Giang không có hiện tượng lính Trung Quốc ôm cột mốc di chuyển sang bên Việt Nam và hôm sau, quân Việt Nam lại ôm cột mốc chôn lại vị trí cũ bởi trận địa bên Vị Xuyên Hà Giang có địa hình rất khó di chuyển mà chỉ có ở trận địa bên Lạng Sơn bởi bên đó trận địa bằng phẳng hơn”.
Chiến tranh biên giới 1979: Đổi tên Cối Xay Thịt, Thác Gọi Hồn...
Hồng Chính Quang
[​IMG]
- Đại tá Trần Minh Vân cho hay chính Sư đoàn ông đã đổi tên cho những địa danh có tên kinh khủng như Cối Xay Thịt, Lò Vôi Thế Kỷ, Thác Gọi Hồn, Ngã Ba Cửa Tử…
Lời tòa soạn:Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979 do Trung Quốc phát động xâm lược Việt Nam đã qua đi được 35 năm. Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về Chiến tranh biên giới phía Bắc.
Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, “tướng Triệu Tử Long” của Việt Nam nhớ lại: “Hỏa lực của địch rất mạnh. Pháo của Trung Quốc ngày đó mạnh hơn của Việt Nam. Pháo Việt Nam bắn ngắn hơn và tần suất bắn ít hơn rất nhiều. Quân Việt Nam bắn 1 nhát thì địch bắn 20 – 30 nhát. Với điều kiện khi đó, chúng ta chỉ dùng pháo khi phát hiện vị trí họ tập trung”.

[​IMG]

Bức huyết thư xin đi chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của cựu sinh viên khoa lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1979 (Ảnh: Phạm Cường)
“Tôi còn nhớ, trận chiến khốc liệt nhất là trận chiến ở cao điểm 1100. Ngày đó, do tình hình chiến sự nên chúng tôi đã phải nhờ đến sự tăng cường của Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 390 do Thượng tá Nguyễn Khắc Nghiên (sau này là Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên – nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) chỉ huy.

Lúc đó, địa hình bên ta núi có đất hoàn toàn, còn bên địch là núi đá. Địch bắn pháo để mở rào rồi dùng bộ binh để tấn công. Ban đầu chúng ta dùng pháo để tấn công khiến địch bị tổn thất nặng nề nhưng chúng ta cũng gặp phải một số vấn đề. Nguyên nhân là địch ở trên cao, còn chúng ta ở vị trí thấp hơn. Khi pháo của chúng ta bắn ra thì bị lộ mục tiêu và ngay sau đó, quân Trung Quốc dùng pháo binh để bắn vào vị trí phát hiện mục tiêu có pháo.

Rút kinh nghiệm, chúng ta sử dụng chiến thuật là ở chắc trong công sự tấn công ra và dùng mìn. Trận ấy, địch bị thương khá nhiều. Quân ta phòng ngự tại vị trí đó là một tiểu đoàn (khoảng hơn 400 người). Số lượng địch phải hơn 1 tiểu đoàn (khoảng 600 quân).

Họ quyết chiếm cao điểm 1100 nên đã tấn công 2 lần nhưng lần nào cũng bị quân Việt Nam đánh bật ra. Đây cũng là trận mà họ đánh dài ngày nhất: họ bắn pháo trong khoảng 1 ngày rưỡi nhưng công sự của ta chắc chắn, không bị sập chiếc nào, các chiến sỹ của ta vẫn an toàn. Sau khi bắn pháo , đến ngày thứ 2, địch dùng hỏa lực bắn dồn dập rồi mới đưa bộ binh tấn công. Chúng ta đã biết thủ đoạn đó nên dã có biện pháp để đánh chặn.

Đánh xong trận đó, anh Nghiên nói với tôi: “Em đã hoàn thành nhiệm vụ”. Tôi đáp lại anh Nghiên là: “Sư đoàn đánh giá trung đoàn của đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ””.

[​IMG]
Lính Trung Quốc bị bắt tại Cao Bằng (Ảnh tư liệu)

Trong khoảng thời gian ở Vị Xuyên, có lẽ kỷ niệm khó quên nhất đối với Đại tá Trần Minh Vân là việc ông cùng Sư đoàn đã đổi tên một loạt các địa danh mà ai mới nghe lần đầu hẳn cũng sẽ phải rùng mình.

“Ở Vị Xuyên ngày ấy, tại các giao thông hào đi xuống các đơn vị, một số được các chiến sỹ đặt nhiều tên nghe rất kinh khủng như Cối Xay Thịt, Lò Vôi Thế Kỷ, Thác Gọi Hồn, Ngã Ba Cửa Tử… Đó chính là những địa điểm trước đây đã xảy ra những trận chiến khốc liệt và đã có những hy sinh tại đó.

Lúc đó, tôi nghĩ rằng, nếu để nguyên những tên gọi như vậy thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các chiến sỹ. Vì thế, sư đoàn đã phát động phong trào thanh niên thi đua đặt lại tên cho những địa danh đó”.

Sau khi đã đặt lại tên và có những tổng kết, đại tá Trần Minh Vân cho hay: “Việc đặt tên đó có tác động rất lớn: tác động tư tưởng làm cho anh em khi đi qua đó thì đỡ ngại hơn, tinh thần anh em hăng hái hơn, không có cảm giác rợn người, tránh việc làm cho anh em hoang mang, dao dộng”.

Nhớ về kỷ niệm khiến ông xúc động nhất ở chiến trường Vị Xuyên, người lính già kể lại: “Hình ảnh khiến tôi cảm động nhất là khi xuống thấy các anh em vận chuyển thương binh về hầm. Một chiến sỹ bị thương khi đó thì cần phải có nhiều người mới đem xuống được bởi việc đưa từ trên núi xuống rất khó. Có những chỗ anh em phải cõng nhau để chạy chứ không bò hay khiêng được.

Có những lúc địch bắn rát quá thì mình phải chờ thời cơ khi địch dừng bắn thì mình mới vận chuyển được anh em. Những khi phải để anh em chịu đau chờ thời cơ để vận chuyển xuống công sự như vậy tôi rất đau lòng nhưng cũng không thể làm gì hơn bởi tôi không thể để anh em bị thương 2 lần được.

Tôi luôn đau đáu về việc cứu thương. Khi nhìn những thương binh dưới công sự để cứu chữa, tôi rất thương anh em. Những hình ảnh đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và phải rút kinh nghiệm từng ngày, từng tuần, từng tháng để hạn chế những hy sinh của anh em. Chỉ cần anh em báo lên có người bị thương thì ngay lập tức tôi phải tìm hiểu nguyên nhân. Nếu là do di chuyển thì phải củng cố công sự và tổ chức di chuyển như thế nào để giảm thiểu thương vong. Còn nếu là do quân địch tấn công thì phải tìm cách để củng cố trận địa.

Nhiều anh em bị thương khi đang làm nhiệm vụ cứu thương và vận tải chứ anh em chốt ở phía trên thì ít bị thương. Đó là những người vận chuyển đạn dược và cứu thương. Đó là những người không ở dưới công sự nên dễ bị thương nhất. Từ đó, rút kinh nghiệm, chúng tôi đào hào để di chuyển nhưng pháo bắn mạnh thì giao thông hào chưa chắc đã chịu nổi”, đại tá Trần Minh Vân xúc động mạnh.

Một trong những kỷ niệm khiến ông xúc động không kém chính là hình ảnh những người phụ nữ không quản hiểm nguy đã lên tận chiến trường để thăm hỏi và động viên các chiến sỹ trong các đơn vị chiến đấu ngày ấy. Đại tá Vân kể: “Phía sau chúng tôi, thị xã Hà Giang thì đã hòa bình nhưng trước mặt chúng tôi là quân lính Trung Quốc. Chỉ có hơn chục cây số mà phía sau là hòa bình, phía trước là chiến tranh ác liệt, hy sinh.

Có một lần chị em Hội phụ nữ tỉnh Sông Bé ra thăm. Những người lính khi đó rất quý những chị em phụ nữ đã không quản bom đạn lên thăm hỏi. Ngày ấy, được các chị em tặng quà và động viên nên tinh thần anh em rất phấn chấn. Các chị em hỏi chúng tôi: “Các anh, các em cần gì?”. Các anh em bảo rằng: “Các bác, các má, các chị lên động viên là tốt lắm rồi, không cần chi viện gì thêm”. Với chúng tôi, sự động viên của những người phụ nữ chẳng sợ bom đạn đó là quá đủ rồi…

Câu chuyện của về cuộc chiến tranh biên giới của đại tá Trần Minh Vân – vị dũng tướng trong các trận chiến khốc liệt - chỉ kết thúc khi trời đã về chiều. Tiễn tôi ra tận đường cái với lời dặn dò nếu có thời gian rảnh lại về thăm ông, tôi không khỏi xúc động trước hình ảnh về người lính già trong cái nắng chiều xiên của một ngày cuối tháng 7 trên mảnh đất nhiều dấu ấn lịch sử này.
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Nếu lấy thang điểm 10 thì quân Trung Quốc được 5 điểm, quân Mỹ được 9 điểm. Sự so sánh này không hẳn là quá khập khếng bởi bộ đội ta thấy rất rõ điều đó. Quân đội Mỹ thiện chiến bởi họ được cọ xát trên khắp các chiến trường từ năm 1945 hoặc trước đó với các căn cứ quân sự được lập khắp thế giới. Tính cơ động và sự đảm bảo về mặt hậu cần và tính chiến thuật của quân Mỹ rất thực dụng. Nếu họ thua trận này mà trận sau ta vẫn áp dụng cách đánh đó với quân Mỹ thì ta sẽ thua bởi họ rút kinh nghiệm rất tốt. Thứ hai là tính kỷ luật của quân Mỹ cao hơn Trung Quốc rất nhiều, còn quân Trung Quốc thì như một đội quân ô hợp, không có tính kỷ luật cao. Cũng vì lý do này mà chất lượng chiến đấu của quân đội Trung Quốc rất thấp.

Tuy nhiên, cũng có một điều phải thừa nhận là pháo binh của Trung Quốc bắn rất chính xác dù mật độ dày. So với pháo binh của Mỹ thì pháo binh Trung Quốc không kém.

Còn về mặt không quân thì không quân Trung Quốc rất kém. Vì sao năm 1979, Trung Quốc không dám đem máy bay đánh Việt Nam? Đó là Trung Quốc biết không quân Việt Nam rất tinh nhuệ. Lực lượng không quân của Việt Nam vào những năm 1979 – 1980 rất mạnh so với không quân Trung Quốc bởi ngoài lực lượng máy bay ta tiếp nhận được của Liên Xô, Trung Quốc thì còn một lượng máy bay lớn ta thu được từ quân Mỹ giao cho Ngụy trong đó có loại F5, A37. Vì thế Trung Quốc ý thực được rằng nếu đưa không quân lên để đối chọi với không quân Việt Nam thì chắc chắn họ sẽ thất bại thảm hại. Lúc đó các phi công của Việt Nam như Mai Văn Cương, Nguyễn Văn Cốc, Phạm Tuân, Đỗ Văn Lanh… còn rất trẻ . Đó là các quân át chủ bài trong không quân Việt Nam.

PV: Vậy còn hiện nay, 35 năm sau cuộc chiến năm 1979, quân đội Trung Quốc ngày nay đã phát triển như thế nào, thưa thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Mã Lương: Đến nay quân đội Trung Quốc đã có bước tiến dài vì họ ý thức được, muốn thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”, muốn trở thành đế quốc biển thì Trung Quốc phải gồng lên để trang bị cho lực lượng hải quân và không quân, lục quân. Sự đầu tư đó đã làm cho sức chiến đấu của quân đội Trung Quốc tăng lên rõ rệt. Vì vậy, nếu so sánh về sức mạnh quân sự thì quân đội Trung Quốc hiện nay chỉ đứng sau quân đội Mỹ, quân đội Nga.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét