Thậm chí, qua kiểm tra thực tế mới đây của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM cho thấy, 54% số mẫu nước đá thành phẩm được lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên bị nhiễm vi khuẩn gây các bệnh đường ruột, tiêu chảy. 43% cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn
Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở sản xuất nước đá phải đảm bảo các quy chuẩn về nguồn nước với 109 chỉ tiêu hóa lý và vi sinh. Quy định là vậy, nhưng thực tế còn quá nhiều bất cập về nguồn nước từ cơ sở sản xuất nước đá hiện nay tại TPHCM.
Theo giám sát an toàn thực phẩm của Chi cục ATVSTP TPHCM vừa qua, có 43% cơ sở sản xuất nước đá không đảm bảo một số quy định về an toàn thực phẩm đối với việc sử dụng nguồn nước, điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất… Theo ThS - BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP, nguồn nước sản xuất nước đá không đảm bảo là một điều đáng lo ngại nhất hiện nay. Máy làm nước đá không thể nào loại bỏ được các chất lơ lửng hoặc hòa tan trong nước. Do đó, nếu nguồn nước không đảm bảo đồng nghĩa với việc người tiêu dùng “hứng trọn” những tạp chất độc hại vào cơ thể.
TPHCM hiện có 193 cơ sở sản xuất nước đá. Trong số các cơ sở này, có 49 cơ sở cho biết sử dụng nước máy và 114 cơ sở sử dụng nước giếng để sản xuất nước đá. Tuy nhiên, trong số 49 cơ sở sản xuất nước máy có 27 cơ sở không có gì chứng minh được nguồn nước đang sử dụng ngoài… hóa đơn tính tiền nước.
Bên cạnh đó, trong số 114 cơ sở sử dụng nước giếng cũng có đến 64 cơ sở không thực hiện bất kỳ một xét nghiệm nào theo quy chuẩn sử dụng nguồn nước.
Thực tế, mới đây trong một đợt kiểm tra ngẫu nhiên của Chi cục ATVSTP TPHCM, lấy 22 mẫu kiểm nghiệm từ các cơ sở sản xuất nước đá thì có đến 12 mẫu chưa đạt các chỉ tiêu vi sinh theo quy định như: Nhiễm Clo, nhiễm một số vi sinh vật như E.Coli, Coliforms, Feacal Streptoccoci, Pseudomonas aeruginosa (nhóm vi khuẩn gây các bệnh đường ruột, tiêu chảy).

Một vựa đá nhếch nhác trên vỉa hè tại quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh CÔNG BẰNG 
“Đá sạch” chất đống trên lề đường
Trong khi việc kiểm soát an toàn vệ sinh đối với các cơ sở sản xuất nước đá hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại thì ở khâu phân phối, phương tiện vận chuyển sản phẩm nước đá từ nơi sản xuất đến các cơ sở kinh doanh cũng đáng báo động về vấn đề an toàn thực phẩm.
Nhằm đảm bảo chất lượng nước đá đến tay người tiêu dùng, Chi cục ATVSTP TP yêu cầu, doanh nghiệp sản xuất nước đá phải chuyển đổi bao bì từ PP (polypropylen) sang bao PE (polyetylene). Tuy nhiên, khi đề cập đến chuyển đổi bao bì cho nước đá hầu hết DN không đồng tình, thậm chí phớt lờ quy định này. Bên cạnh bao bì không theo quy định, nước đá dù được cho là “tinh khiết” thì người tiêu dùng cũng không thể an tâm khi chứng kiến cảnh dơ bẩn trong quá trình vận chuyển nước đá đến địa điểm kinh doanh ăn uống.
Ghi nhận của phóng viên ngày 22.7 tại một cơ sở sản xuất nước đá ở P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức. Đá viên vẫn được đặt trong các bao tải, bao bố. Đá cây thì trong tình trạng không che đậy. Cũng tại cơ sở này, các bao bố còn được giặt đi giặt lại rất nhiều lần trong một bồn nước đã chuyển sang màu đen.
Còn ngay tại trung tâm TPHCM, phần lớn các đại lý phân phối nước đá đều được bố trí ở các lề đường dơ bẩn, nhếch nhác. Ngay trước số nhà 97 đường Nguyễn Thái Bình, P. Nguyễn Thái Bình Q.1, một đại lý đặt hàng tấn nước đá dưới một gốc cây, sát miệng cống và cạnh xe rác bốc mùi hôi nồng nặc.
Tương tự, trên lề đường Lê Quý Đôn (gần giao lộ Nguyễn Đình Chiểu, Q.3), gần cả trăm cây đá, bao đá viên cũng tập kết chất thành đống trên nền vỉa hè, nước đá tan chảy hòa lẫn bùn đất bẩn thỉu. Hằng này, tại khu vực này có khoảng 4-5 thanh niên, trực chiến tiếp nhận điện thoại và đi giao đá cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Q.1, Q.3. Những cây nước đá, bao đá viên được cho là đá tinh khiết được phủ lên bằng những cái mền, bao tải cũ lâu ngày ngả màu đen mà bất cứ ai nhìn thấy cũng ớn lạnh.
Tại một số quán nước vỉa hè, càphê lề đường ở khu vực quận 9, Thủ Đức và Dĩ An, Bình Dương, đá cây được chất thành đống và đặt dưới mặt sàn gạch, thậm chí một số nơi đá cây, đá “tinh khiết” được thảy ra các bãi cỏ, nền đất và phủ lên lớp bao bì che chắn sơ sài.
Từ những tồn tại trên, ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, thời gian tới bên cạnh các chế tài về xử phạt hành chính, Chi cục ATVSTP TPHCM sẽ công khai danh sách các cơ sở sản xuất nước đá vi phạm quy định an toàn thực phẩm để người tiêu dùng tự động “tẩy chay”. Đồng thời, chi cục cũng sẽ lưu ý để các đoàn thanh tra, kiểm tra chú trọng kiểm soát nguồn nước, thành phẩm và bao bì chứa đựng, vận chuyển nước đá.
Hàng ngàn người Việt mắc ung thư mỗi năm do ô nhiễm nguồn nước
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, tại Việt Nam, mỗi năm có đến 9.000 trường hợp tử vong, 200.000 người mắc bệnh ung thư có nguyên nhân chính bắt nguồn từ nguồn nước ô nhiễm.
ThS Dương Phát Chiếu - Chi cục ATVSTP TPHCM cho biết: Các kim loại nặng có trong nước (bạc, thủy ngân, chì, asen, kẽm…) có thể gây ngộ độc cho con người, các chất này còn là nguyên nhân gây nên các bệnh hiểm nghèo như ung thư, đột biến. Các hợp chất vô cơ tổng hợp: Chất màu, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, chất phụ gia nhiễm trong nước là nguyên nhân gây nhiễm độc mạn tính và ung thư bàng quang, ung thư phổi. Phổ biến hơn, các vi khuẩn trong nước có thể gây bệnh tả, thương hàn, bại liệt…
Khương Quỳnh