GIAI THOẠI THIỀN 3

(ĐC sưu tầm trên NET)

Sát na chẳng lìa

Thiền sư Động Sơn đắp y đến từ giã thiền sư Vân Nham ra đi. Vân Nham hỏi :
- Ông định đi đâu ?
- Con muốn đổi chỗ đi tham học.
Một bát cơm ngàn nhà, du tăng muôn dặm xa (nhất bát thiên gia phạn, cô tăng vạn lý du), nhưng bây giờ con chưa biết mình phải đi đâu.
- Có phải ông muốn đi Hồ Nam không ?
- Không !
- Hay là ông muốn về nhà ?
- Cũng không.
Thiền sư Vân Nham hỏi không ra nguyên nhân, cho nên đổi vấn đề :
- Bao giờ ông trở lại đây ?
- Đợi khi nào con tìm không được chỗ ở, con sẽ trở lại đây ngay !
Vân Nham cảm được tâm Động Sơn đã có chủ tể, nếu cứ ở trên vấn đề bàn luận tới lui sẽ kẹt trên phương diện đối đãi, cho nên cảm khái nói :
- Ông rời chỗ này, pháp giới rộng thênh thang, nếu muốn trở lại gặp ta, thật không phải là chuyện dễ !
Động Sơn chấp tay thưa :
- Trọn ngày gặp nhau, thực ra sát-na chưa từng đối diện; ức kiếp cách nhau mà sát-na chẳng lìa nhau.
Động Sơn nghe xong, không thèm xoay đầu nhìn lại, ra đi ngay, Vân Nham lặng lẽ nhìn theo lưng ông ta đến khi khuất bóng.
Lời bình :
Đệ tử từ giã muốn đổi chỗ đi tham học, đó là chuyện bình thường, nhưng không có mục tiêu mà muốn du phương đó là điều không hợp lý. Nhưng Động Sơn ở chỗ Vân Nham mấy mươi năm tham học tìm một chỗ ở, chỗ ở ấy là cảnh giới tịch diệt vĩnh hằng. Cho nên thiền sư Vân Nham nói rằng từ nay về sau gặp nhau không phải dễ, nhưng Động Sơn không cô phụ công sức của Vân Nham, cuối cùng ngài kết luận : “Dù cho ức kiếp không gặp nhau mà một phút giây chưa từng lìa nhau !”

Không ở chỗ khác

Có lần, Động Sơn hỏi thiền sư Vân Nham :
- Bạch thầy ! Nếu sau khi thầy trăm tuổi, có người hỏi con, tướng mạo của thầy thế nào ? Con phải trả lời ra sao ?
- Ta không ở chỗ khác.
Vân Nham đáp như thế làm cho Động Sơn suy nghĩ mãi. Vân Nham bảo :
- Thượng tọa Lương Giới ! Đối với vấn đề ấy, ông phải càng dè dặt !
Động Sơn vẫn còn hoài nghi, không hiểu vì sao thiền sư Vân Nham chỉ mình như thế, chẳng lẽ vấn đề ấy phạm điều húy kỵ gì ?
Sau đó, có lần khi Động Sơn đi qua sông, thấy bóng mình dưới nước, mới tỉnh ngộ lời nói của Vân Nham lúc trước, do đó liền làm một bài kệ :
                Rất kỵ tìm nơi khác,
                Bấy lâu xa cách ta.
                Hôm nay ta tự đến,
                Chốn chốn gặp được va.
                Va nay chính là ta,
                Ta nay chẳng phải va.
                Phải nên hiểu như thế,
                Mới khế hợp như như.
Động Sơn trở về chỗ Vân Nham trụ, thưa :
- Bạch thầy ! Bất cứ lúc nào, dù trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp về sau, con đã biết tướng mạo của thầy rồi.
- Ta không ở lúc đó.
- Không ở chỗ khác, không ở lúc đó.
Lời bình :
Tướng mạo của một người tu hành, sau trăm năm, chúng ta làm sao hình dung được hình dáng của ngài. Giả sử hình dáng ấy hình dung được, có thể nói rằng đó là tướng mạo giả, vì tướng mạo là giả tướng vô thường, làm sao nhận giả làm chơn được ? Người tu đạo thật hay giả, không tìm nơi người khác, không cần hình dung, không ở chỗ khác, không ở lúc đó, vượt tất cả thời gian, vượt tất cả không gian, pháp thân vô tướng mà nơi nào cũng có tướng, đó chính là tướng mạo chân chánh của thiền sư Vân Nham.

Xin tròng mắt

Thiền sư Vân Nham đang vá giày cỏ, thiền sư Động Sơn đi ngang qua thấy, hỏi :
- Bạch thầy ! Con có thể xin thầy một vật được không ?
- Ông hãy nói xem.
- Con muốn xin tròng mắt của thầy.
- Xin tròng mắt ? Tròng mắt của ông ở đâu ?
- Con không có tròng mắt.
- Giả sử có tròng mắt cho ông, ông để chỗ nào ?
Động Sơn không trả lời được. Khi ấy, Vân Nham rất nghiêm túc nói :
- Ta nghĩ rằng, ông xin tròng mắt, không phải tròng mắt của ta mà là tròng mắt của ông.
- Sự thật không phải con muốn xin tròng mắt.
Vân Nham nghe lời nói trước sau mâu thuẫn, liền hét lớn một tiếng :
- Ông cho ta đi ra !
- Đi ra có thể được, nhưng con chưa có tròng mắt, nhìn không thấy đường trước.
Vân Nham dùng tay sờ lên mình, nói :
- Đó không phải cho ông sao ? Vì sao lại nói nhìn không thấy ?
Ngay lời nói này Động Sơn tỉnh ngộ.
Lời bình :
Thiền sư Động Sơn đến xin tròng mắt của người khác, đó là chuyện hết sức quái lạ, dù cho cao minh như thiền sư Vân Nham cũng chỉ nói rằng tròng mắt của ông ở ngay trán, cớ sao đến người khác xin ? Nhưng sau đó, biết Động Sơn không phải xin mắt thịt, thiền sư Động Sơn chỉ ra diệu đạo nơi mắt tâm, Động Sơn mới được khế ngộ.
Mắt thịt chỉ nhìn thấy hiện tượng sanh diệt đối đãi của thế gian như dài ngắn, vuông tròn, xanh hồng, đỏ trắng, còn mắt tâm mới quán sát được bản thể của vũ trụ vạn hữu. Sự quán sát này trùm khắp, trong ngoài nhất như. Chẳng trách gì Động Sơn tuy có mắt thịt mà nhìn đường trước không thấy rõ ràng. Con đường này tức là bản lai diện mục của mình, chính là mục tiêu thành Phật làm Tổ. Khi Vân Nham nói đến diệu dụng nơi mắt tâm của ông ta, Động Sơn liền tỉnh ngộ.

Phất trần thuyết pháp

Thiền sư Động Sơn Lương Giới lúc tham học tại chỗ thiền sư Quy Sơn Linh Hựu, xin Quy Sơn chỉ dạy :
- Bạch thầy ! Công án “Vô tình thuyết pháp” của Quốc sư Huệ Trung – Nam Dương con chưa hiểu, hữu tình thuyết pháp con công nhận điều đó, nhưng vô tình làm sao thuyết pháp được ? Chẳng hạn như cái bàn cái ghế làm sao biết thuyết pháp ? Xin thầy phương tiện chỉ dạy cho.
Quy Sơn dựng phất trần lên, nói :
- Ông hiểu cái ấy không ?
- Không, xin thầy từ bi chỉ dạy.
- Cái miệng của ta do cha mẹ sanh, tuyệt đối bí mật không nói cho ông.
- Phật pháp cũng có bí mật sao ?
Quy Sơn lại dựng phất trần lên, nói :
- Đó là bí mật.
- Nếu thầy không nói bí mật trong ấy cho con, vậy con có thể hỏi bạn đồng tham của thầy được không ?
- Tại huyện Du – Lễ Lăng, trong hang đá nối liền nhau, có một đạo nhân tên Vân Nham, nếu ông tìm được, ông ấy sẽ nói cho ông.
- Chẳng hay ông ấy là người thế nào ?
- Ông ấy từng tham học trong pháp hội của ta.
- Ông ấy tham học với thầy cái gì ?
- Ông ấy hỏi ta phải đoạn trừ phiền não bằng cách nào mới có hiệu quả ?
- Thầy trả lời thế nào ?
- Ta nói với ông ấy rằng ông phải thuận theo tâm ý của thầy mới được.
- Ông ấy có thuận theo ý thầy không ?
- Ông ấy rất thuận theo ý ta, ông ấy hiểu được thế nào là vô tình thuyết pháp. Ông hãy xem ! Phất trần đang thuyết pháp.
Ngay lời nói này Động Sơn đại ngộ.
Lời bình :
Vô tình thuyết pháp đó là một sự thật. “Vô tình thuyết pháp, hữu tình gật đầu”, chẳng hạn như thấy hoa nở, liền khởi nghĩ hoa tươi đẹp; khi thấy hoa tàn rụng, chợt khởi nghĩ vô thường, khổ, không. “Hữu tình thuyết pháp, vô tình gật đầu”. Trong lịch sử có chuyện Sinh Công thuyết pháp, đá gật đầu. Có thể nói rằng đó là một minh chứng hay nhất.
Pháp là chân lý; khi thuyết pháp, chân lý không thêm chút nào; khi không thuyết, chân lý cũng không giảm mảy may. Dù cho chúng ta thuyết pháp được trời mưa hoa, cũng đâu can hệ gì chân lý ? Cho nên kinh nói : “Ta thuyết pháp, pháp ấy là dụ cho chiếc bè, pháp còn phải bỏ, hà huống phi pháp ?”.

Tìm không ra

Chu Từ Mục là một cư sĩ tu theo pháp môn Tịnh độ. Một hôm đến trình bạch với thiền sư Phật Quang :
- Thiền sư ! Con niệm Phật, lạy Phật đã hơn hai mươi năm rồi, gần đây khi con trì danh hiệu Phật, dường như không được chuyên nhất lắm.
- Cớ sao không được chuyên nhất ?
- Lúc trước, khi con trì danh hiệu Phật, trong tâm lúc nào cũng có danh hiệu Phật, dù miệng không niệm mà tâm vẫn biết được tiếng Phật hằng không gián đoạn. Mặc dù con không muốn niệm mà âm thanh tự động tuôn ra như suối nguồn.
- Vậy là tốt lắm ! Để nói lên rằng ông niệm Phật đạt đến tịnh niệm liên tục, tương ưng với Phật, tìm được chơn tâm mình rồi đó.
- Cảm ơn thầy khen ngợi, nhưng bây giờ con quá khổ não, con không thể hành được nữa, vì chơn tâm của con mất tiêu rồi.
- Chơn tâm sao lại mất đi ?
- Vì tâm con không còn tương ưng với Phật, tịnh niệm liên tục không còn và tiếng Phật hằng không gián đoạn cũng mất luôn, muốn tìm lại cũng tìm không ra. Thiền sư ! Bởi thế cho nên con khổ não, xin thầy dạy con, con phải tìm chơn tâm ở đâu ?
- Ông nên biết rằng chơn tâm không ở nơi nào cả, mà ở ngay bên thân ông đó.
- Ở bên thân sao con không biết ?
- Vì ông một niệm bất giác chạy theo vọng tưởng cho nên chơn tâm cách xa ông rồi.
Chu Từ Mục nghe xong liền được tỉnh ngộ.
Lời bình :
Chơn tâm không có, đó cũng như nói bỏ mất mình, tìm không được gia môn của mình. Vì sao chúng ta bị mê ? Vì vọng tưởng che đậy chơn tâm. Đại sư Vĩnh Gia nói :
            Anh thấy chăng,
            Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân,
            Không trừ vọng tưởng chẳng cầu chơn.
           Thật tánh vô minh tức Phật tánh,
           Thân không huyễn hóa tức pháp thân.
            Pháp thân giác ngộ không một vật,
            Cội nguồn tự tánh thiên chân Phật.
Đó là nghĩa ấy vậy.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH