Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

ĐÃ TỪNG BIA MIỆNG? I0

-Trăm năm bia đá thì mòn 
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ!
-Nhưng mấy ai thoát được sự cám dỗ của danh lợi - quyền lực?
-Và khi đã mù quáng về nhận thức mà lại còn khuếch trương quyền lực thì thật là đáng sợ! 

---------------------------------------------

(ĐC sưu tầm trên NET)

Mộ bà Hoàng Thị Loan

Date: 22-01-2013





Ở phía tây bắc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An có con đường mang tên Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Bác Hồ) rộng 4 làn xe nối liền quốc lộ 46 hướng về quê Bác. Đi được 12km là đến địa phận xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Ở đây có một con đường nhựa rẽ tay phải về phía bắc 4km sẽ gặp núi Động Tranh thuộc dãy Đại Huệ là nơi đặt mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ.

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm 1868, là con gái đầu lòng của ông bà Hoàng Đường - Nguyễn Thị Kép tại làng Chùa, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, ngày nay gọi là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Năm 15 tuổi (1883) bà kết hôn với ông Nguyễn Sinh Sắc (sinh năm 1863) quê ở làng Sen, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, năm 15 tuổi (1878) được ông Hoàng Đường đưa về dạy cho học và khi cưới xong thì làm cho một ngôi nhà tranh 3 gian cạnh nhà mình. Năm 1884 bà sinh con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh. Năm 1888, bà sinh con trai cả là Nguyễn Sinh Khiêm và năm 1890 bà sinh ra Nguyễn Sinh Cung (tức là Chủ tịch Hồ Chí Minh). Năm 1893 bà phải chịu một cái tang lớn: Ông Hoàng Đường qua đời. Năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc thi đậu cử nhân ở trường Nghệ. Năm 1895, bà để con gái Nguyễn Thị Thanh (11 tuổi) cho mẹ già rồi cùng hai con trai là Khiêm và Cung theo chồng vào Kinh đô Huế tiếp tục làm nghề dệt vải nuôi con và nuôi chồng ăn học ba năm tại Trường Quốc Tử Giám (1895 - 1898). Năm 1900, ông Nguyễn Sinh Sắc đưa theo cậu Khiêm đi làm thư ký khoa thi Hương ở Thanh Hóa. Lúc đó tại Huế, bà ở cùng cậu Cung và sinh thêm một người con trai đặt tên là Nguyễn Sinh Nhuận (tên chữ là Tất Danh, gọi là bé Xin). Sau khi bé Xin ra đời, bà bị lâm bệnh nặng và đột ngột qua đời vào trưa ngày 10-2-1901 khi cậu Cung đang đi mua cơm cháo về cho mẹ.
Thi hài bà Loan được những người láng giềng đưa qua cổng Thanh Long vượt sông Gia Hội lên táng ở chân núi Ba Tầng.
Sau tết Tân Sửu (1901), ông Nguyễn Sinh Sắc nhận được tin đau đớn đó liền vội vàng trở vào Huế cảm ơn bà con lao động láng giềng đã mai táng vợ chu toàn và đến bên mộ thắp hương vái lạy linh hồn vợ rồi cùng các con về quê ngoại Hoàng Trù. Mấy tháng sau, kỳ thi Hội đang đến, ông Sắc gửi các con lại cho mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Kép để vào Huế dự thi. Kết quả ông đã giành được học vị Phó bảng và trong lễ xướng danh được vua Thành Thái tặng biển “Ân tứ ninh gia” (ơn ban cho gia đình tốt)…
Năm 1922, cô Nguyễn Thị Thanh (đang bị bọn thống trị quản lý ở Huế) đã tìm mọi cơ hội và bí mật lấy hài cốt của mẹ dùng nước thơm rửa sạch, gói bằng lụa quý cho vào một cái túi đẹp giống như hành lý người đi đường. Với cảnh “thân gái dặm trường” vừa đi vừa nghỉ, khoảng nửa tháng mới về đến quê nhà. Hài cốt bà Hoàng Thị Loan được yên vị trong khu vườn ở quê nội làng Sen.
Chuyện dân gian lưu truyền ở xứ Nghệ có câu sấm: “Đụn Sơn phân giới - Bò Đái thất thanh - Nam Đàn sinh thánh”, (nghĩa là: Núi Đụn nứt làm đôi - khe Bò Đái mất tiếng - ở Nam Đàn sẽ sinh ra bậc thánh nhân).
Núi Đụn chính là núi Hùng Sơn ở phía tây huyện Nam Đàn. Năm 722, Mai Thúc Loan (tức là vua Mai Hắc Đế) xây dựng kho quân lương ở trên núi để chống giặc Đường nên gọi là Núi Đụn. Khe Bò Đái (tên gọi trong dân gian) chảy từ vách đá dựng đứng ở Rú Kia (còn gọi là Cơ Sơn) nước chảy ồ ồ và tung bọt trắng xóa. Trong một trận động đất, núi Đụn bị phân đôi, khe Bò Đái cũng bị rạn nứt, nước chảy nhưng bị thẩm thấu lan toả nhiều vào lòng đất đá nên không phát ra tiếng ồ ồ như trước. Theo thuyết phong thuỷ trong dân gian ở vùng Nam Đàn vẫn truyền tụng câu: “Bạch tượng uyển hồ, Hồ trung nhất huyệt, nhất đại đế vương” (nghĩa là ở trên con voi trắng trong xứ Ao Hồ có một huyệt đạo, phát làm vua một đời). Câu ca phong thuỷ ấy được huyền thoại như sau: “Ở xứ Ao Hồ, có một huyệt đất, phát một con người, đế chẳng phải đế, vương chẳng phải vương, đi khắp tứ phương, về đứng đầu thiên hạ”. Trong vùng đó có hàng chục dòng họ muốn con cháu được làm vua nên đã đưa hài cốt tổ tiên lên táng ở thung lũng Ao Hồ. Có người còn cắm lều trại ngủ trong đó cầu khẩn thổ thần chỉ cho huyệt đất đó nhưng thổ thần ứng mộng báo cho biết sẽ dành cho họ khác nên phải quay về.
Tháng 8/1941, Nguyễn Sinh Khiêm thoát khỏi nhà tù đế quốc đã đi khắp các dãy núi thuộc hai huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên tìm nơi cát táng mẹ. Cuối cùng ông quyết định chọn mỏm núi Động Tranh thấp là nơi hội tụ đủ các tiêu chí về linh địa làm huyệt đạo. Tháng 3/1942, ông dẫn hai người cháu thân tín lên sườn núi Động Tranh thấp đào 9 cái huyệt ở những nơi ông đã đánh dấu. Ông dặn là khi đào xuống gặp phải hòn đó lớn thì dừng lại. Một đêm khuya ông bí mật mang hài cốt mẹ từ vườn nhà làng Sen đến Động Tranh thấp thắp hương khấn vái xin phép thổ thần xứ Ao Hồ rồi đặt hài cốt mẹ vào một cái huyệt và lấp lại. Sau đó ông tiếp tục lấp bằng phẳng số huyệt đã đào. Vì vậy mọi người, kể cả hai người cháu thân tín cũng không biết ông táng mẹ ở đâu.

Ngày chủ nhật 27/10/1946, bà Nguyễn Thị Thanh ra Hà Nội gặp em trai là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 3/11/1946, ông Nguyễn Sinh Khiêm cũng ra Hà Nội gặp em. Khi trở về, ông Khiêm dẫn bà con hai họ Nguyễn Sinh và Hoàng Xuân lên núi Động Tranh thấp chỉ cụ thể vị trí ngôi mộ mẹ mà ông đã táng bằng phẳng hồi tháng 3/1942.
Để trọn tình trọn nghĩa với bà Hoàng Thị Loan, người mẹ kính yêu đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở thiếu thời, ngày 6/7/1983, Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh đã ra Nghị quyết số 03-NQ/TU quyết định xây dựng khu mộ bà Hoàng Thị Loan cho khang trang đẹp đẽ. Đến tháng 7/2010, khu mộ bà Hoàng Thị Loan (1868-1901) được bảo tồn, tôn tạo lại có diện tích 65,2 ha với các hạng mục, như cổng đón và cổng kết, mộ cụ Hà Thị Hy (bà nội Hồ Chủ tịch), mộ bà Hoàng Thị Loan cùng hệ thống các chòi nghỉ và bậc thang đá lên xuống. Đường lên thăm mộ men theo sườn núi phía đông dài 500m với 269 bậc đá. Đường xuống cũng dài 500m ở phía tây với 242 bậc đá. Phía bên phải có một con đường bằng bê tông dẫn đến một cái tháp bằng sắt cao 5 tầng ở trên đỉnh núi. Trèo lên tháp nhìn bằng mắt thường có thể thấy quê hương của Mai Thúc Loan, Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Lý Tự Trọng, Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu và thành phố Vinh, nơi sinh của Nguyễn Thị Minh Khai mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử của dân tộc.
Đứng trên mộ bà nhìn về phía tây - nam 5km là xã Kim Liên có làng Sen quê nội và làng Hoàng Trù quê ngoại của Bác Hồ. Từng đoàn xe từ thành phố Vinh theo quốc lộ 46 hướng về quê Bác và đến viếng mộ bà Hoàng Thị Loan để thăm quan, nghiên cứu và ngưỡng mộ một người mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục thời ấu thơ của một vĩ nhân mà tư tưởng, đạo đức, lối sống đã sáng chói khắp thế gian.

Con trai Sơn Tùng viết tiếp sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau tai biến, nhà văn Sơn Tùng vẫn ngày ngày dậy từ 2h sáng, nghe lại những bài viết con trai Sơn Định đã thu sẵn. Nhiều hôm ông nằm nghe và lặng lẽ khóc.
Nhà văn Sơn Tùng từng thành công với nhiều cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Hoa râm bụt, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác ở nơi đây, Mẹ về...
Tháng 6/2010, vết thương chiến tranh từ năm 1971 với 14 mảnh đạn trên mình đã tái phát, khiến ông bị tai biến mạch máu não. Trước đây Sơn Tùng bị thương nhiều ở bên phải cơ thể, trận đột quỵ làm ông liệt luôn nửa người bên trái. Dù trí nhớ vẫn còn, ông không thể tự dịch chuyển. Trước khi phải nằm một chỗ, ông đang thực hiện dở cuốn sách về Hồ Chủ tịch và ấp ủ viết một cuốn nữa về quê hương Nghệ An.
body-1-7587-1408153971.jpg
Anh Bùi Sơn Định viết tiếp cuốn sách của cha anh - nhà văn Sơn Tùng. Các tư liệu cho cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cha anh thu thập và viết gần hoàn thiện.
Bản thảo có tên Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn, được viết dựa trên nhiều nguồn tư liệu. Trong đó, có tư liệu ghi lại từ cuộc gặp gỡ, trò chuyện của nhà văn Sơn Tùng với bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm (chị và anh ruột của Hồ Chủ tịch).
Anh Bùi Sơn Định - con trai thứ của nhà văn - từ lúc cha bị bệnh - đã tiếp tục tập hợp bản thảo hàng ngày từ các tư liệu nghiên cứu, sổ chép tay của Sơn Tùng. Anh Định cho biết cha anh lưu giữ tư liệu rất cẩn thận. Cả một hòm sắt tây to của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho, nhà văn Sơn Tùng dùng để đựng những trang viết. 
Dù chỉ nằm yên một chỗ và nói được một vài từ đơn giản, trí nhớ của nhà văn vẫn còn khá minh mẫn. Anh Bùi Sơn Định kể trong quá trình thực hiện, có gì khúc mắc, anh thường hỏi cha. Nhà văn tuy không giải thích được tường tận, nhưng ông có thể gật, lắc với những điều đúng sai mà con trai nói. "Viết xong, tôi thường đọc cho cha nghe, hoặc ghi âm lại để ông nghe những lúc sức khỏe cho phép. Trước đây, cha thường dậy từ 2h sáng, ngồi thiền rồi viết lách. Giờ ông cũng dậy từ 2h sáng, nghe lại những bài viết tôi đã thu sẵn. Nhiều hôm ông nằm nghe và lặng lẽ khóc" - anh Sơn Định kể.
Anh Sơn Định còn cho biết, ngày nhà văn Sơn Tùng còn khỏe, ông vẫn thường nói tới một nguyên tắc khi viết về các vĩ nhân: "Viết về Bác và các vĩ nhân, ta có thể thả hồn vào trong đó chứ không được bịa. Bịa là có tội với Bác và các vĩ nhân...". Khi tiếp xúc với các nguồn tin, nhà văn Sơn Tùng có tiêu chí riêng để xác minh: "Một câu chuyện cần phải có ít nhất ba người ở ba nơi khác nhau nói, tuy cách trình bày có thể khác nhau nhưng cùng chung một sự kiện thì mới đủ tin cậy".
Trước khi trở thành nhà văn, Sơn Tùng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tháng 4/1971, ông bị thương nặng trở về với 14 mảnh đạn trên mình: Liệt tay phải, vỡ vai trái, mắt phải còn 1/10, ba mảnh đạn găm trong sọ não không thể mổ gắp ra được. Mất 81% sức khỏe, xếp hạng thương tật 1/4 (hạng thương binh nặng nhất), song ông vẫn cầm bút viết. Từ 1974 đến nay, với bàn tay chỉ còn 3 ngón cầm bút được, ông đã viết hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn, văn xuôi.
body-2-7375-1408153971.jpg
Mọi bản thảo, ghi chép đều được nhà văn Sơn Tùng lưu giữ cẩn thận, là tư liệu chính cho anh Sơn Định hoàn tất cuốn sách. Trong ảnh là bản thảo cuốn "Búp sen xanh".
Giáo sư Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương - đã đọc bản thảo của Những chuyện Bác Hồ - Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn. Ông viết "Lời giới thiệu" cho sách, trong đó đưa ra nhận xét: "Bạn đọc sẽ tìm thấy trong tác phẩm này nhiều tư liệu vô cùng quý giá, xúc động về Bác Hồ; và lại thêm một lần nữa ta kính yêu, thương nhớ Bác, ta cảm ơn nhà văn Sơn Tùng với tất cả tấm lòng".
Cuốn sách dự kiến được gia đình nhà văn phát hành đầu năm 2015. 
Lam Thu

Nhà văn Sơn Tùng và hành trình đi tìm tác giả Quốc kỳ

Nha van Son Tung va hanh trinh di tim tac gia Quoc ky
Nhà văn Sơn Tùng đã phải trải qua một hành trình dài nhiều khó khăn để tìm ra tác giả của lá quốc kỳ thiêng liêng. Đó là nhà cách mạng lão thành Nguyễn Hữu Tiến.
Cuộc thi tìm hiểu 60 năm thành lập Nước đang được hàng triệu người dân quan tâm, trong đó có một câu hỏi “Tác giả Quốc kỳ là ai?”
Nhà văn Sơn Tùng, người chuyên viết về Bác Hồ và các danh nhân cách mạng có một cuốn sách đã xuất bản ngót một phần tư thế kỷ trước đây, tái tạo hình tượng nhà cách mạng kiên trung Nguyễn Hữu Tiến, tác giả Cờ đỏ sao vàng.
Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuộc trò chuyện với ông về quá trình tìm kiếm tư liệu để viết nên cuốn sách này.
Ông có ý định tìm hiểu và viết về tác giả Quốc kỳ từ khi nào? Tại sao ông lại dành nhiều thời gian và công sức cho một công việc hết sức khó khăn này?
Bác Hồ, Cờ đỏ sao vàng, Quốc ca in vào tâm tưởng tôi từ Cách mạng tháng 8/1945. Khoảng năm 1965, tôi bắt đầu tìm hiểu về tác giả Quốc kỳ…
Năm 1946, tôi tìm đến gặp cụ Nguyễn Thị Thanh và cụ Nguyễn Sinh Khiêm - Chị gái và anh trai Bác Hồ. Năm 1948, tôi bắt đầu trăn trở đề tài Bác Hồ với khát vọng tái hiện hình tượng Bác trên những trang viết.
Trong quá trình nghiên cứu đề tài Hồ Chí Minh, khi đã hình thành chân dung lãnh tụ, một nhà khai sáng thời đại, có những câu hỏi được đặt ra hết sức khó khăn: Bác Hồ thành lập Đảng, lãnh đạo Đảng ta từ đầu cho đến thành công ra sao? Và tôi tìm hiểu về những người lãnh đạo Đảng từ buổi đầu… Bác xây dựng lực lượng vũ trang buổi đầu thế nào? Và tôi tìm hiểu người được Bác giao sáng lập ra quân đội… Có Đảng, có lực lượng vũ trang mới có việc giành chính quyền.
Đồng thời, tôi tìm về cội nguồn Bác chuẩn bị tên Nước từ bao giờ? Tìm về Quốc kỳ, Quốc ca, sau mới tìm về Quốc huy. Qua đó, để có những cứ liệu hình dung về một thời đại mới đã được mở đầu như thế nào.
Quốc kỳ được sáng tạo nên trong thời kỳ bí mật, việc xác minh chắc hẳn phải trải qua quá trình tìm hiểu nhiều hướng, suy đoán và lần tìm các đầu mối rất khó khăn?
Thời kỳ hoạt động bí mật, các chiến sỹ cách mạng và cơ sở của Đảng đều trong bóng tối. Không ai có tên họ thật. Họ giấu mật thám, và giấu cả người thân.
Có người đổi tên hàng chục lần, đổi cả nghề nghiệp. Chẳng hạn như đồng chí Ngô Gia Tự đi làm phu khuân vác, đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm nghề kéo xe…
Về lá cờ đỏ sao vàng thì, lần đầu tiên xuất hiện trong khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11/1940, nhưng tác giả của nó là một câu hỏi lớn, phải mất nhiều thời gian và công sức mới có thể lần ra được.
Năm 1965, tôi gặp cụ Đặng Thai Mai, theo cụ kể, nhà báo Thép Mới có nói đồng chí Trần Phú đem mẫu cờ từ Liên Xô về. Nhưng cụ lại bảo: “Tôi không tin. Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) có biết không, tôi không dám chắc”.
Lại có người nói lá cờ đỏ sao vàng do Bác Hồ sáng tạo ra. Khi đọc hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôi được biết: Năm 1940, Bác Hồ mang bí danh Hồ Quang cùng một số cán bộ từ Quế Lâm về làng Nậm Quang, huyện Tĩnh Tây, (Quảng Tây, Trung Quốc), sát biên giới Trung - Việt.
Tại đây Bác mở lớp "Con đường giải phóng" huấn luyện cán bộ từ trong nước gửi sang để chuẩn bị thành lập mặt trận đại đoàn kết dân tộc. Các đồng chí Phùng Chí Kiên (Bí thư hải ngoại của Đảng), đồng chí Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), và đồng chí Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) trực tiếp soạn bài giảng cho lớp này.
Đồng chí Dương Hoài Nam được Bác giao nhiệm vụ phụ trách lớp và Bác trao cho đồng chí Hoài Nam lá cờ đỏ sao vàng treo trên bàn thờ Tổ quốc trong lớp học.
Trong hồi ký Từ Pắc Bó đến Tân Trào của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn: “…Lễ tốt nghiệp tổ chức giữa một khu rừng vắng vẻ. Sau những ngày học tập, mọi người phấn khởi, náo nức hẳn lên. Anh em chúng tôi đứng vây quanh Bác, biết rõ ông cụ mảnh khảnh mặc bộ quần áo Nùng giản dị này là người gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam.
Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh phấp phới bay trong gió lạnh như một ngọn lửa thiêng sưởi ấm lòng chúng tôi, khi đó còn là những người dân mất nước phải sống xa quê hương.
Chúng tôi ngoảnh mặt cả về phía Nam, hoan hô tinh thần khởi nghĩa Nam kỳ, thề sẽ thẳng tiến không lùi trên con đường cách mạng chông gai, một ngày kia sẽ đem lá cờ thiêng liêng này về nêu cao giữa thủ đô” (Sách Đầu nguồn, trang 50 - 51, NXB Văn học 1975).
Lá cờ ấy Bác mang theo về Nước. Ngày 19/5/1941, lá cờ được treo giữa hang Pắc Bó, khai mạc Hội nghị thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh.
Theo lời kể của của cụ Vũ Anh, cụ Lê Quảng Ba: Ngày 22 /12/1944, Bác tín trọng trao lá cờ đỏ sao vàng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp làm lễ khai sinh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Để làm rõ nguồn gốc lá cờ Bác mang từ nước ngoài về, cũng trong năm 1965, tôi tìm gặp được cụ Đặng Văn Cáp, một nhà nho người Hà Tĩnh, hoạt động cách mạng ở Thái Lan (nhân vật được tái hiện trong tập truyện Con người và con đường, tác giả Sơn Tùng) được Bác phân công theo dõi tin tức qua radio để báo cáo lại cho Người từ năm 1940.
Cụ Đặng Văn Cáp kể hồi ấy ở Quế Lâm, qua radio, biết ở Nam kỳ có khởi nghĩa. Bác lặng đi. Rồi Bác nói: “Dậy non rồi, tổn thất lớn”. Bác lại hỏi: “Trong khởi nghĩa Nam kỳ có gì mới nữa?”. Cụ Cáp báo cáo với Bác, trong khởi nghĩa Nam kỳ lần đầu tiên có cờ đỏ sao vàng.
Bác hỏi: “Sao mấy cánh?”. Cụ Cáp trả lời: “Họ không nói”. Bác lại hỏi: “ Sao vàng ở giữa hay ở góc?”. Cụ Cáp lại trả lời: “Cũng không thấy nói”. Bác lặng đi suy nghĩ. Rồi Bác bảo cụ Cáp ra phố mua cho Bác một tấm vải đỏ… Khi cụ Cáp mua về, Bác đã thửa lá cờ đỏ, sao vàng cắt bằng giấy vàng, có 5 cánh, dán ở giữa.
Từ năm 1955, tôi có duyên gặp và trở thành bạn tri kỷ với nhạc sỹ Văn Cao. Có lần tôi hỏi anh Văn Cao: “Khi viết Tiến quân ca, anh đã nhìn thấy cờ đỏ sao vàng chưa?”. Văn Cao trả lời: “Chưa. Mình tưởng tượng ra chứ chưa hề nhìn thấy”.
Vậy là, có một điều kỳ lạ làm tôi suy nghĩ. Bác Hồ chưa nhìn thấy cờ đỏ sao vàng, chỉ nghe cụ Đặng Văn Cáp báo cáo có cờ đỏ sao vàng trong khởi nghĩa Nam kỳ mà Bác đã thửa ra lá cờ.
Còn nhạc sỹ Văn Cao chưa hề nhìn thấy cờ đỏ sao vàng, nhưng đã viết trong Tiến quân ca: “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước… Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phấp phới. Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than”. Dường như ở đây có sự gặp gỡ về mặt tâm linh…
Câu hỏi: Ai đã vẽ cờ đỏ sao vàng tung bay trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ càng lúc càng thúc bách tôi. Nhưng tôi chưa thể có đủ tư liệu để trả lời thì chiến tranh phá hoại của Mỹ ném bom miền Bắc. Tôi trở thành phóng viên chiến tranh vùng Liên khu Bốn cũ, rồi đi B vào năm 1967.
Như có một cơ duyên, năm 1968, tôi gặp được đồng chí Năm Thái, một vị lão thành cách mạng, một chiến sỹ của khởi nghĩa Nam kỳ đang lâm bệnh hiểm nghèo điều trị tại Bệnh viện bà Thúy Ba làm giám đốc, trong rừng miền Đông Nam bộ.
Cùng nằm trong một căn nhà “bán âm bán dương” với ông, những lúc giảm bệnh tĩnh tâm, tôi gợi chuyện được ông kể lại về ký ức của thời Nam kỳ khởi nghĩa.
Chính ông được giao việc in bằng đá ly tô lá cờ đỏ sao vàng, lời kêu gọi của Đảng, truyền đơn và báo Tiến lên của khởi nghĩa Nam kỳ. Ông hé mở cho tôi, tác giả cờ đỏ sao vàng chính là người phụ trách cơ quan ấn loát, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ.
Ông là người Bắc Kỳ, một yếu nhân đã sáng lập chi bộ đầu tiên của tỉnh Hà Nam, bị đày ra Côn Đảo, vượt Côn Đảo về đất liền, hoạt động bí mật ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với tên gọi Hai Bắc Kỳ.
Vì ông thông chữ Tây, chữ Nho, biết sửa chữa đồ dùng có máy nên còn có tên gọi nữa là Hai kỹ sư… Ông thường dạy học. Những nơi ông mở trường dạy học, mọi người gọi ông là thầy giáo Hoài. Ông vẽ truyền thần cho các ông bà già nên được gọi là thầy Hai Họa Sỹ.
Ông thửa một lá cờ đỏ, đính ngôi sao vàng năm cánh chính giữa, viết lời giải thích ý nghĩa lá cờ, đưa cho mấy ông lãnh đạo Xứ uỷ bàn với nhau. Rồi chính ông Hai họa sỹ vẽ lá cờ vào phiến đá, in ra nhiều gói cho chuyển đi xuống các cơ sở bí mật.
Công việc in ấn gần xong thì lính kín ập đến. Không ai trong cơ quan chạy thoát. Ông Hai Bắc kỳ bị xử tử và bị bắn cùng một lúc với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần ngày 28/8/1941 tại Hóc Môn.
Người chiến sỹ của khởi nghĩa Nam kỳ, ông Năm Thái còn đọc cho tôi chép bài thơ “Từ biệt” của ông Hai Bắc kỳ trước khi ra pháp trường:
Vĩnh biệt hôm nay có mấy lời
Nhắn cùng đồng chí khắp nơi nơi
Tinh thần để lại cho non nước
Thù hận ghi sâu giữa đất trời
Án chém Hà Nam đà rũ sạch
Khổ sai Côn Đảo đã qua rồi
Anh em đi trọn con đường nhé
Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai
Năm 1976, khi đất nước vừa mới giải phóng tôi quay trở vào miền Nam tìm tư liệu về Bác Hồ và tác giả Quốc kỳ…
Nha van Son Tung va hanh trinh di tim tac gia Quoc ky
Tác phẩm "Nguyễn Hữu Tiến" của nhà văn Sơn Tùng
Tôi đã lần tìm từng điểm, từng chi tiết sự kiện trong các kho lưu trữ. Trong tay tôi cũng có cả một bức ảnh Nguyễn Hữu Tiến, do mật thám Pháp chụp. Sau khi ghép nối các bí danh của các thời kỳ hoạt động khác nhau…
Đối chiếu công văn số 4685 - S ngày 2/8/1940 của P.Aknoux - Chánh mật thám Đông Dương: “Kính gửi các ông Thống đốc Nam kỳ, Tổng thanh tra liêm phóng Đông Dương, Tổng biện lý bên cạnh toà thượng thẩm, Trung tướng chỉ huy trung đoàn Nam kỳ, Cao Miên, Đô đốc chỉ huy hải quân ở Đông dương; đồng kính gửi các ông Chánh mật thám Hà Nội, Huế, Phnôm pênh, Viên Chăn…”. Tôi thấy có nhiều điều trùng khớp, chính xác.
Tin tức đặc biệt của sở mật thám Sài Gòn cho biết: Hoạt động của cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai (tức cô Dung), Nguyễn Hữu Tiến (tức Giáo Hoài, tức Trương Xuân Chinh)...
Một ổ cộng sản bí mật đã tổ chức ngay cạnh làng Chà Và trong bãi tha ma giáp nội thị Sài Gòn - Chợ Lớn. Tối 30/7/1940, đã bắt được Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Hữu Tiến - người bị toà án thượng thẩm Hà Nội xử ngày 6/6/1932, kết án 20 năm khổ sai, 20 năm quản thúc về mưu đồ xúi giục dân chúng đứng dậy chống nhà chức trách, tham gia cải tổ Đảng Cộng sản Đông Dương vượt Côn Đảo tháng Giêng năm 1935, sau lại bị bắt lần nữa…
Đến năm 1977, tôi tìm về quê ông Nguyễn Hữu Tiến. Tôi lần ra được người em ruột của ông Nguyễn Hữu Tiến là Nguyễn Hữu Uẩn. Ông Uẩn nguyên Phó bí thư tỉnh Thái Nguyên đang giữ chức Vụ trưởng Vụ Tư liệu lịch sử đảng bộ các địa phương.
Tôi chỉ nhờ ông giúp đỡ về quê ông để tìm hiểu thân thế sự nghiệp của ông Nguyễn Hữu Tiến, một nhà lãnh đạo của Đảng thuộc lớp đầu tiên bị thực dân Pháp đày ra Côn đảo đã mất tích. Tôi không hé ra việc tìm tác giả Quốc kỳ.
16 lần tôi đi về làng Lũng Xuyên (Yên Bắc, Duy Tiên, Nam Hà (cũ). Trong đó có nhiều lần tôi đưa nhạc sỹ Văn Cao và nhà thơ Tân Trà, đồng chí Trịnh Chi - Trưởng ban biên tập và đồng chí Đặng Quang Vinh - Biên tập viên NXB Thanh niên cùng về.
Tôi đã ghi chép được nhiều mảng hồi ức về ông Nguyễn Hữu Tiến của những người thân thích, những người học trò và các bạn chiến đấu cùng vào tù ra tội với ông.
Từ những tư liệu đó, tôi lại tiếp tục đối chiếu các tài liệu đã tìm được từ những nguồn khác và thấy các tư liệu trùng khớp, chính xác.
Từ những tư liệu của ông đã sáng tỏ ra một Nguyễn Hữu Tiến, nhà cách mạng lão thành, nhà trí thức tài năng, am hiểu kỹ thuật, có tài làm thơ, có tài vẽ, từng phụ trách cơ quan ấn loát của Đảng trong Khởi nghĩa Nam kỳ. Nhưng còn có thêm chứng cứ nào nữa để ta khẳng định Nguyễn Hữu Tiến là tác giả cờ đỏ sao vàng?
Ông Nguyễn Hữu Tiến còn để lại một bài thơ giải thích ý nghĩa lá cờ đỏ sao vàng. Bài thơ khá dài, ở đây xin trích một số câu tiêu biểu:
Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì Nước
Sao vàng tươi da của giống nòi
Đứng mau lên! Hồn nước gọi ta rồi
Hỡi sỹ nông công thương binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh
Đoàn kết lại sức mình sẽ mạnh
Quyết đánh tan phát xít Nhật Tây…
Lời giải thích ý nghĩa lá cờ đỏ sao vàng này, đối chiếu với các tư liệu, các bài thơ của Nguyễn Hữu Tiến sáng tác từ trước đều nhất quán tinh thần đại đoàn kết dân tộc đấu tranh nhằm chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Những lời giải thích ấy cũng chính là sự triển khai cụ thể những luận điểm về con đường Kách mệnh mà Bác Hồ đã đưa ra từ trước và đang từng bước thấm nhuần vào các tầng lớp cán bộ, nhân dân.
Khi ông đã có đủ bằng chứng để kết luận Nguyễn Hữu Tiến chính là tác giả cờ đỏ sao vàng, có cơ quan nào công nhận kết quả đó?
Khi đã có đủ tư liệu để hình dung ra diện mạo và nhân cách nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến cũng như có bằng chứng để kết luận Nguyễn Hữu Tiến là tác giả cờ đỏ sao vàng (sau là Quốc kỳ), tôi đã viết thành một cuốn truyện danh nhân.
Bản thảo cuốn sách ấy được đưa lên Ban nghiên cứu lịch sử Đảng TW, đồng chí Phạm Bình (tức Thế Tập) - Vụ trưởng Vụ Tư liệu Đảng và Hồ Chủ tịch đã đọc và hoàn toàn nhất trí (thời ấy chưa có Viện Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Sau đó đồng chí Phạm Bình báo cáo lên đồng chí Trường Chinh, lúc ấy kiêm Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương và các đồng chí Phó ban Hà Huy Giáp, Lê Hy.
Các đồng chí ấy đều nhất trí với kết quả nghiên cứu của tôi. Đồng chí Trường Chinh biết rất rõ Nguyễn Hữu Tiến, đồng chí còn nhớ rõ Nguyễn Hữu Tiến bị địch cắt gót chân nên đi thọt, có người vẫn gọi là “Tiến thọt”.
Báo Sài Gòn Giải phóng thời kỳ ấy đã đăng nhiều kỳ bản thảo cuốn sách của tôi với nhan đề Người vẽ cờ Tổ quốc.
Tại huyện Duy Tiên, đã có cuộc hội thảo và tưởng niệm Nguyễn Hữu Tiến -Người vẽ cờ tổ quốc. Cùng đi với tôi có nhạc sỹ Văn Cao, nhà thơ Tân Trà và đồng chí biên tập nhà xuất bản Thanh niên, Đặng Quang Vinh.
Về phía địa phương, có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nam Hà Phan Điền, các đồng chí chủ chốt của tỉnh Nam Hà và cán bộ huyện Duy Tiên, đại diện cán bộ các xã trong huyện và hơn 200 cán bộ xã Yên Bắc về dự.
Tấm chân dung Nguyễn Hữu Tiến, tác giả Quốc kỳ bằng sơn dầu do Văn Cao vẽ đặt trên bàn thờ nghi ngút khói hương. Tôi viết điếu văn cho lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Hữu Tiến và báo cáo kết quả nghiên cứu.
Cả hội trường oà khóc khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mời cụ bà Nguyễn Hữu Tiến cùng người con gái gần 50 tuổi lên nhận bằng Tổ quốc ghi công và tiền tử tuất sau 39 năm ông mất hút trong lịch sử.
Từ phía bàn thờ, cụ bà Nguyễn Hữu Tiến ôm choàng lấy anh Văn Cao và tôi, nước mắt chan vào tiếng nói: “Nhờ có hai ông mà tôi được gặp lại ông nhà tôi đã ly biệt hơn bốn chục năm trời”.
Năm 1981, Nhà xuất bản Thanh niên được sự đồng ý của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương đã ấn hành cuốn sách với tên Nguyễn Hữu Tiến là vì muốn xây dựng một bộ sách mang tên các nhà lãnh đạo của Đảng ta.
Trước đó, năm 1980, Nhà xuất bản Thanh niên đã ấn hành cuốn Trần Phú của tôi cũng được xếp vào bộ sách này.
Tác phẩm Nguyễn Hữu Tiến từ đó đến nay được bạn đọc đón nhận và đã tái bản nhiều lần.
Xin cảm ơn nhà văn!
Thiên Sơn (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét