Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

ĐÃ THÀNH BIA MIỆNG? 2

-Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ!
-Nhưng mấy ai thoát được sự cám dỗ của danh lợi - quyền lực?

---------------------------------------------

(ĐC sưu tầm trên NET)


Đăng bởi Hai Hoang Van on Thứ Ba, ngày 28 tháng 8 năm 2012 | 28.8.12

Nhà báo Minh Diện bày tỏ bức xúc: "Gần hai mươi năm qua tôi xa làng báo, âm thầm làm một người dân bình thường. Vừa qua thấy Hoàng  Quang Thuận  làm nhiều chuyện quá đáng mà báo chí đã nêu, tôi thử góp một mẩu nhỏ trên trang lethieunhon.com. Tôi tưởng ông Thuận sẽ tiếp thu, không ngờ  ông ta nhắn tin chửi tôi là kẻ lừa thầy phản bạn! Vì vậy tôi  viết tiếp mẩu chuyện này  để mọi người xem ai là  kẻ  phản bạn lừa thầy? Điều cần phải nói thêm, đây cũng vẫn chỉ là một trong nhiều chuyện tôi biết về Hoàng Quang Thuận trong quãng thời gian ông ta làm cố vấn đối ngoại cho Tăng Minh Phụng. Nếu Hoàng Quang Thuân  còn tiếp tục mượn oai hùm chửi bới và đe dọa tôi cũng như những người đã phê phán ông ta, thì buộc lòng tôi phải lên tiếng tiếp".
*
Ai có thể lừa được một siêu lừa ?
               
Tôi có người đồng ngũ thời chống Mỹ  tên  Trạch quê Thanh Hóa - người mà tôi đã sử dụng làm  nhân vật Lão Trạch trong chuyện ngắn cùng tên đăng trong Văn Chương Việt.
Một buổi sang tháng tám năm 1992, Trạch vào nhà tôi với cái dáng liêu xiêu trên đôi nạng gỗ. Trạch kể hai vợ chồng đều là thương binh dồn hết  sức nuôi đứa con, bây giờ nó được vào đại học nhung không có tiền đóng học phí. Tôi đưa cho Trạch một triệu nhưng biết  số tiền đó không làm gì được. Suy nghĩ mãi cuối cùng tôi dìu Trạch lên xe và chở đến gặp Tăng Minh Phụng.
                   
Tôi kể cho Tăng Minh Phụng nghe chuyện của chúng tôi. Tăng Minh Phụng im lặng ngồi nghe và lấy khăn chấm nước mắt. Rồi Bảy Phụng  mở cặp lấy 10 triệu đồng bỏ vào phong bì trao cho Trạch. Bảy Phụng nói: “Sau này nếu có khó khăn gì thì anh cứ cho em biết. …”
Tôi có người bạn đồng nghiệp là Trần Quang - phóng viên báo Lao Động. Vào một buổi chiều 23 tết, Quang gặp tôi với gương mặt hốc hác và rất buồn. Quang tâm sự vợ bị ung thư giai đoạn cuối đang điều trị tại bệnh viên ung bướu . Quang đã hết lòng lo cho vợ, không muốn phiền đến ai, nhưng bậy giờ khó khăn quá. Tôi bấm máy gọi Tăng Minh Phụng, và sau đó cùng Trần Quang đến văn phòng công ty Minh Phụng.
                    
Tăng Minh Phụng chưa biết mặt Trần Quang và phóng viên Trần Quang chưa viết một bài báo nào về công ty Minh Phụng, nhưng thái độ của Tăng Minh Phụng rất thân tình. Anh lấy một bì thư đã chuẩn bị sẵng sau khi nghe điện thoại của tôi trao cho Trần Quang và nói: “Anh cầm tạm lo cho chị , nếu có khó khăn gì anh cứ nói với em, đứng ngai…”. Trong chiếc bì thư ấy có 6 tờ tín phiếu mệnh giá 5.000.000 đồng. Nhờ ba mươi triệu của Minh Phụng giúp, Trần Quang lo được một phần thuốc thang cho vợ trước lúc chị ấy mất.
Cũng tương tự như Trần Quang là  Mai Bá Kiếm-  phóng viên báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thân sinh anh Kiếm từ miền Tây lên thành phố điều trị bệnh đã lâu nhưng không qua khỏi. Kiếm gặp tôi và tỏ ra lo lắng không biết chạy đâu ra tiền để đưa cụ về quê an táng. Tôi lại phải gọi Tăng Minh Phụng và cũng với một thái độ hết sức chân tình, Phụng đã trao tận tay Mai Bá Kiếm số tiền 30 triệu đồng với lời chia buồn sâu sắc, mặc dù Bảy Phụng chưa quen Mai Bá Kiếm và Mai Bá Kiếm chưa viết một chữ nào về công ty Minh Phụng…
Ngày Tăng Minh Phụng bị bắt trong vụ án Minh Phụng – Epco, tôi viết ba bài nói lên sự thật là Tăng Minh Phụng có sai trái trong viêc thành lập công ty con để vay tiền nhưng đều trả nợ ngân hàng song phẳng, chưa có món nợ nào quá hạn thanh toán và đặc biệt  Tăng Minh Phụng có cuộc sống lành mạnh và tấm lòng từ thiên.
     
Tôi không ngờ Hoàng Quang Thuận chộp ngay lấy những bài báo của tôi và nói: “Cụ đã đọc những bài báo cùa ông và cụ rất quan tâm đến Bảy Phụng . Bây giờ cụ rất cần những bài báo như vậy , và cả những lá thư để cụ có cơ sở chỉ đạo xem xét vụ án Minh Phụng…”. Cụ mà Hoàng Quang Thuận gọi là ông Đỗ Mười. Hoàng Quang Thuân  bảo tôi  viết một lá thư cho ông Đỗ Mười, Thuận sẽ chuyển tân tận tay, để góp phần cứu Tăng Minh Phụng. Tôi hỏi làm như vậy có ích không, và đã có ai viết chưa? Thuận nói đó là cơ sở để “cụ” lên tiếng cứu Minh Phụng. Tôi nghĩ đã là bạn bè, hơn nữa đã từng nhờ vả người ta thì phải trả ơn, nhất là lúc người ta gặp hoạn nạn thì phải cứu, dù có bị liên lụy đến bản thân mình. Nghĩ vậy nên tôi viết lá thư kính gửi ông  Đỗ Mười với nội dung như mấy bài báo tôi đã viết, khẳng định Tăng Minh Phụng không lừa đảo mà là một doanh nhân trẻ có hoài bão, có lòng từ thiện và nhân cách.Tôi đưa lá thư cho Hoàng Quang Thuận và nói với Thuận, là lá thư này  không liên quan đến cơ quan báo chí, cũng không phải đơn thư khiếu nại, mà chỉ là thư riêng cùa cá nhân tôi, nên phải được bảo mật theo luật thư tín, tránh lọt ra ngoài  để người ta lợi dụng hại tôi. Thuận nói : “Ông khỏi lo, tôi như người nhà của cụ. Mọi việc tôi sắp đặt trong lòng bàn tay này!”. Nhưng rồi lá thư của tôi đã được đăng trên vài tờ báo , và người ta đặt câu hỏi : “Nhà báo Minh Diện  được trả bao nhiêu tiền để viết thư minh oan cho Tăng Minh Phụng?”
Tôi đọc những dòng báo đó khi đang bệnh thập tử nhất sinh không biết giãi bày với ai? Nhà văn Văn Lê đến thăm  khuyên nên nín nhịn cho qua đi. Một thời gian sau tình  cờ tôi gặp ông Hà Nghiệp – một thư ký của ông Đỗ Mười. Ông Hà Nghiệp khẳng định chẳng có lá thư nào của tôi đến tay ông  Đỗ Mười cả. Vậy thì phải chăng Hoàng Quang Thuận bằng con đường nào đó đã chuyển lá thư của tôi cho báo chí để hại tôi, đổi lấy sự yên lành cho mình?
Gần hai mươi năm qua tôi xa làng báo, âm thầm làm một người dân bình thường .Vừa qua thấy Hoàng  Quang Thuận  làm nhiều chuyện quá đáng mà báo chí đã nêu, tôi thử góp một mẩu nhỏ trên trang lethieunhon.com. Tôi tưởng ông Thuận sẽ tiếp thu , không ngờ  ông ta nhắn tin chửi tôi là kẻ lừa thấy phản bạn! Vì vậy tôi  viết tiếp mẩu chuyên này  để mọi người xem ai là  kẻ  phản bạn lừa thấy?   
                   
Điều cần phải nói thêm , đây cũng vẫn chỉ là một trong nhiều chuyện tôi biết về Hoàng Quang Thuận trong quãng thời gian ông ta làm cố vấn đối ngoại cho Tăng Minh Phụng. Nếu Hoàng Quang Thuân  còn tiếp tục mượn oai hùm chửi bới và đe dọa tôi cũng như những người đã phê phán ông ta thì buộc lòng tôi phải lên tiếng tiếp.

Nhà báo Minh Diện

Nguồn: lethieunhon.com

Dấu hiệu đạo văn của “nhà thơ nhập đồng”?

Một người bạn thân của ông Hoàng Quang Thuận vừa có bài viết về dấu hiệu ông này “đạo văn” để viết nhiều bài thơ trong tập Thi Vân Yên Tử.

Ngày 14.8, trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Nguyễn Minh Tâm, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, cho biết đã quen ông Thuận gần 20 năm, hai gia đình quan hệ khá thân thiết. Khi được ông Thuận tặng tập thơ Thi Vân Yên Tử gồm 63 bài thơ, ông Tâm cũng vô tư quảng bá với bạn bè. Sau đó, tình cờ một dịp viếng thăm Yên Tử, ông Tâm mua được cuốn sách Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng của tác giả Trần Trương, Trưởng ban Quản lý Yên Tử (1992-2003). Đọc xong cuốn sách trên, ông Tâm liên tưởng đến 63 bài thơ “Thiền” của ông Thuận và phát hiện thấy nhiều bài thơ ông Thuận viết, đều lấy từ nội dung cuốn sách này, thậm chí có nhiều bài thơ, câu thơ còn sao chép nguyên xi câu văn của tác giả Trần Trương. Trong bài viết Thi Vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận có phải là thơ nhập đồng?, ông Tâm đã dẫn chứng 16 bài thơ của ông Thuận có dấu hiệu đạo văn từ 16 đoạn văn (từ trang 20 đến trang 143) trong cuốn sách của Trần Trương.
 Cuốn sách độc bản Thi Vân Yên Tử được xác lập kỷ lục là tập thư pháp thơ thiền lớn nhất Việt Nam được ông Thuận trao tặng cho Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử Cuốn sách độc bản Thi Vân Yên Tử được xác lập kỷ lục là tập thư pháp thơ thiền lớn nhất
Việt Nam được ông Thuận trao tặng cho Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử - Ảnh: Tư liệu
Sau khi bài viết đăng trên một số trang mạng, ông Thuận có gọi điện thoại cho ông Tâm để hỏi. Ông Tâm đã xác nhận với ông Thuận rằng chính ông là người viết bài ấy với trách nhiệm của một người làm thơ và trách nhiệm của người phật tử đối với đạo Phật. “Tôi cho rằng tất cả sự mạo danh của người đời thì tội mạo danh đối với tiền nhân là tội rất nặng vì người có thể không biết nhưng trời đất biết hết cả. Tôi muốn giải nghiệp cho ông, muốn ông hồi tâm thôi”, ông Tâm nhắc lại điều đã nói với ông Thuận.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Tâm cho biết không muốn hại bạn mình mà chỉ muốn ông Thuận tỉnh táo lại. Sau khi nghe lời khuyên của ông Tâm, ông Thuận chỉ nói rằng: “Nếu chuyện nhập đồng thơ ngẫu nhiên là có thật thì sao, vì tôi đã có ông Dương Kỳ Anh làm nhân chứng chuyện viết 121 bài thơ trong một đêm ở cố đô Hoa Lư trên những tờ giấy do ông Anh ký xác nhận!”. Ông Tâm lại khuyên: “Tốt nhất lúc này là ông nên im lặng, đừng giải thích nhiều nữa, không có lợi đâu. Vì chuyện ở Hoa Lư tôi không biết. Tôi chỉ biết chuyện tôi với ông liên quan đến tập Thi Vân Yên Tử mà thôi”.
Ông Tâm cũng cho rằng, việc hội thảo thơ của Hội Nhà văn vừa qua là có ý đồ tốt, nhưng lẽ ra phải thẩm định kỹ càng hơn và có khảo sát về hiện tượng này trước hội thảo.
Một số dẫn chứng của luật sư Nguyễn Minh Tâm
Trang 24, cuốn sách Chùa Yên Tử, Lịch sử - Truyền thuyết di tích và danh thắng viết:
Đến hẻm núi kia có ba tên cướp nhảy ra chặn đường, vua Trần khoan thai ra hiệu cho Bảo Sái cho chúng vài lạng bạc, cả suất cơm chay để độ đường. Đoạn ngồi trên mình ngựa, Ngài thuyết giáo, thức tỉnh từ tâm, đoạn trừ tam độc trong lòng chúng... Cả ba quỳ sụp xuống lạy tạ và hứa rằng “sẽ trở về lương thiện làm ăn”. Kể từ ngày đó, chúng bỏ nghề đao búa, chăm chỉ nghề nông, siêng làm công đức xây dựng chùa miếu, trở thành các tín đồ ngoan đạo của Trúc Lâm. Và từ độ ấy, nạn cướp nơi đây được tiệt trừ. Con đường dốc gập ghềnh nơi hẻm núi, kẻ lại người qua được bình an”.
- Trong bài thơ Kẻ cướp chắn đường (trong Thi Vân Yên Tử ), ông Thuận viết:
Ba tên kẻ cướp nhảy chắn đường
Vua Trần cho bạc lẫn phần cơm
Nhẹ nhàng thuyết giáo trừ tâm độc
Cả ba quỳ lạy hứa hoàn lương
Bỏ nghề đao búa thiện giáo đường
Sơn lâm từ ấy hết tai ương
Gập ghềnh hẻm núi người qua lại
Bình an vô sự hết đạo cường”.
Trang 53, cuốn sách viết:
Cá tôm say nước nhảy lia thia. Trăm hoa khoe sắc bên bờ suối… Mới hay chín suối chỉ chung một dòng… Con suối cắt chia tuyến đường Hạ Kiệu - Nam Mẫu thành chín đoạn”.
- Trong bài thơ Chín suối chung một dòng, ông Thuận viết:
Trăm hoa khoe sắc bên bờ suối
Cá tôm say nước nhảy lia thia
Mới hay chín suối chung dòng một
Đường đi Nam Mẫu suối cắt lìa.
Trang 84, cuốn sách viết:
Những đêm trăng sáng, bên tháp ngắm trăng thật thú vị. Trăng treo trên cành Tùng. Trăng rắc vàng trên cánh hoa Đại sực nức hương và đính hạt sương đêm. Trăng gắn vào đỉnh Tháp. Mỗi bước trăng trôi, cảnh vật nơi đây lung linh huyền ảo”.
- Trong bài thơ Trăng Yên Tử, ông Thuận viết:
Trăng treo lơ lửng trên cành Tùng
Trăng rắc vàng lên cánh hoa nhung
Sương đêm sực nức mùi hoa đại
Mỗi bước trăng trôi giữa núi rừng
Lung linh huyền ảo ánh trăng rơi
Tiếng hạc trong đêm tận cõi trời…
 “Từ những so sánh trên, tôi có thể suy luận rằng: Tập thơ Thi Vân Yên Tử của anh Hoàng Quang Thuận không phải là thơ “nhập đồng”, cũng không phải là “thơ Thiền” mà có xuất xứ từ cuốn sách của tác giả Trần Trương. Vì những bài thơ ấy thuần túy chỉ là tả cảnh vật qua con mắt của người phàm trần. Nếu thơ “nhập đồng” sẽ có giọng thơ khác, thâm linh, huyền bí và mang hồn cách của “người nhập”. (Luật sư Nguyễn Minh Tâm)
Nguyễn Việt Chiến

GS.TS. Hoàng Quang Thuận được đề cử giải Nobel Văn học?


#1
Có người quen hỏi tôi có biết GS.TS. Hoàng Quang Thuận, Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông ở thành phố Hồ Chí Minh? Tôi bảo, không quen và cũng chẳng hề nghe về ông ấy hay các công trình khoa học của ông ấy, dẫu viễn thông-công nghệ thông tin là lĩnh vực mà tôi rất quan tâm và để ý theo dõi.

GS.TS. Hoàng Quang Thuận được đề cử giải Nobel Văn học?

Họ bảo ông ấy được đề cử giải Nobel Văn học đấy! Văn học thì tôi mù tịt, nhưng sao nhà khoa học này lại được đề cử giải Nobel Văn học, tôi hỏi lại. Ông đúng là mù tịt về văn học thật, người kia đáp. Ông ấy là nhà thơ nổi tiếng đấy.

Sau lần bay về Hà Nội cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và được rủ đến nghe thơ của một “nữ sĩ” có thể làm lu mờ Đoàn Thị Điểm và Hồ Xuân Hương, ít ra là về tốc độ làm đến mấy chục bài thơ trong một đêm, tôi đã phát hoảng rồi với các “thi sĩ” như vậy. Cho nên cũng chẳng quan tâm đến GS.TS. Hoàng Quang Thuận và thơ của ông ta. Người quen bảo, thì cứ vào mạng mà xem.

Vào Google gõ “Hoàng Quang Thuận” ra ngay khoảng 140 ngàn đề mục. Lướt qua chẳng thấy nói gì về công trình khoa học của ông ta nhưng đầy rẫy các đề mục về thơ, về hội thảo thơ ông trên Sài gòn Giải Phóng, tạp chí Nhà văn, báo điện tử ĐCSVN, Công an Nhân dân với những lời ca ngợi lên tận mây xanh. An ninh Thủ Đô có bài “Hoàng Quang Thuận: Thơ Thiền dự giải Nobel”. Mít đặc về thơ nên tôi không dám lạm bàn về thơ ông, nhưng tò mò muốn biết ông làm thơ ra sao và ông được đề cử giải Nobel Văn học thế nào.

An ninh Thủ đô viết: “Hoàng Quang Thuận, một đêm làm 121 bài thơ đã được nhà thơ Dương Kỳ Anh kể lại rất ly kỳ”. Năng suất viết 121 bài một đêm, gấp hơn ba lần “nữ sĩ” nọ, thật đáng bái phục! Đó là chưa kể đến chuyện “rắn mào”, “nhập đồng”, “tiên giáng”.

Theo An ninh Thủ đô, “cả hai tập thơ của Hoàng Quang Thuận đều đã được gửi đi Thụy Điển tham dự giải Nobel Văn học. Nhưng đơn vị đề cử là… chứ không phải là tác giả. Ông bảo, … nếu được giải Nobel thì cũng thuộc về Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử”. Như thế ông không những biết việc đề cử mà cũng hy vọng được giải Nobel dù cho có “khiêm tốn” coi nó thuộc về Thiền viện!

Hãy xem quy chế đề cử và chọn người được giải Nobel Văn học thế nào?

Không bàn đến quy trình chọn ở đây mà chỉ xét việc đề cử. Theo quy chế này, Ủy ban Nobel gửi thư mời đến các cá nhân có đủ tư cách và mời họ đề cử; những người đủ tư cách nhưng không được mời cũng có thể đề cử. Như thế chỉ các cá nhân mới đủ tư cách đề cử, các tổ chức thì không.

Ai là những người đủ tư cách? Theo quy chế này có bốn loại cá nhân đủ tư cách: (1) viện sĩ của Viện Hàn lâm Thụy Điển và các tổ chức quốc gia tương tự; (2) giáo sư văn chương và ngôn ngữ tại các đại học; (3) những người đã đoạt giải Nobel Văn học; và (4) chủ tịch các hội của các tác giả sáng tác văn học của một quốc gia.

Thông tin về người đề cử và người được đề cử được giữ kín trong 50 năm.

Nếu An ninh Thủ đô đưa tin đúng rằng “đơn vị đề cử là…” nếu có, cũng vi phạm quy chế. Không đơn vị nào có quyền đề cử cả. Các cá nhân đại diện cho hai đơn vị này không đủ tư cách theo quy chế của Ủy ban Nobel. Một sự thiếu hiểu biết vô tình hay cố ý?

Ở Việt Nam chỉ có các giáo sư văn chương và ngôn ngữ (loại thứ 2) và ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN (loại thứ 4) là những người có đủ tư cách mà thôi. Không rõ có ai nhận được giấy mời của Ủy ban Nobel không? Tôi tin là không. Có ai tuy không được mời nhưng vẫn gửi đề cử đến Ủy ban Nobel không? Chỉ họ mới biết và con cháu chúng ta sau 50 năm nữa.

Như thế có thể thấy chuyện ì xèo về việc “cả hai tập thơ… đều đã được gửi đi Thụy Điển tham dự giải Nobel Văn học” là hết sức không bình thường.

GS.TS. Hoàng Quang Thuận không dại để tự đề cử, vì nếu làm thế thì tự động bị coi là không đủ tư cách, cho nên viết “nhưng đơn vị đề cử là… chứ không phải là tác giả” thì cái dốt lộ nguyên hình.

Bài báo còn cho biết, “dù đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng GS.TS Hoàng Quang Thuận chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ. “Tôi là một nhà khoa học”, đó là câu cửa miệng của ông với bạn bè thi hữu”.

Một người thật khiêm tốn!

Tôi phì cười nhớ lại một nhân vật trong bản thảo của tiểu thuyết “Dòng đời” mà tác giả Nguyễn Trung đã cho tôi đọc. Anh hỏi tôi có nhận ra ai không. Tôi quá biết nguyên mẫu của nhân vật đó: một nhà khoa học, giáo sư viện sĩ hẳn hoi, trở thành nhà chính trị. Tác giả mô tả đặc trưng nhân vật ấy thật khéo. Ông ấy cực giỏi: trước các vị lãnh đạo chính trị ông luôn nhận mình là nhà khoa học, dùng công thức toán và sơ đồ chứng minh sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội; trước các đồng nghiệp khoa học ông coi mình là nhà chính trị.

Ngẫm về các “nhân tài” như vậy mà não ruột!

Nguyễn Quang A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét