Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

NGÔN VÀ LUẬN 3 (Toàn bài)

NGÔN VÀ LUẬN 3

(Xin kính dâng TỔ QUỐC muôn quí ngàn yêu)


 "Cái quí nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời-sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người"

                                                                                                                        N. A. Ôxtơrốpxki


    LB: -N. A. Ôxtơrốpxki là người toàn tâm toàn ý, hiến dâng trọn đời mình cho cách mạng vô sản Nga và cũng là một nhà văn nổi tiếng thời Liên bang xô-viết. Ô. sinh ngày 29-9-1904 tại làng Vilia thuộc Ucraina. cách mạng Tháng 10 Nga bùng nổ vào năm 1917. Năm đó, Ô. mới 13 tuổi nhưng đã tham gia phục vụ Cách mạng rồi tiếp theo là gia nhập Hồng Quân...Năm 1925, do trước đó từng bị thương và mắc bệnh nặng trong điều kiện sinh hoạt kham khổ nên sức khỏe của Ô. suy giảm mạnh, buộc phải đi điều trị ở Khácốp rồi sau đó, vào tháng 5-1926 thì chuyển sang một khu an dưỡng ở Crimê. Đến tháng 12-1926, bệnh tình của Ô. trở nên trầm trọng đến nỗi hầu như không còn đi lại được nữa. Tuy thế, Ô. vẫn nỗ lực học tập và hoàn thành chương trình bậc đại học vào tháng 6-1929. Bất hạnh thay, đến tháng 8-1929, không những bại liệt, Ô. còn bị mù hoàn toàn nữa. Ấy vậy mà ngay năm sau, tức năm 1930, Ô. đã bắt đầu được việc chấp bút viết tác phẩm để đời của mình-cuốn tiểu thuyết mang tựa đề: "Thép đã tôi thế đấy". Bên cạnh đó, Ô. còn thường xuyên viết bài cho các tờ báo, tạp chí cộng sản cũng như thường xuyên nói chuyện trên đài phát thanh...Tháng 10-1935 Ô. được trao Huân Chương Lênin (là huân chương tôn vinh công trạng cao quí nhất của nhà nước Liên-Xô)...Ô. qua đời trong bệnh tật ngày 2-12-1936.
             -Cuộc đời Ô. tuy ngắn ngủi nhưng đã là một tấm gương sáng ngời về tình yêu mãnh liệt cuộc sống và nghị lực sống phi thường đối với nhiều thế hệ thanh niên trên thế giới. Cuốn "Thép đã tôi thế đấy" đã từng có tác dụng to lớn trong việc động viên tinh thần "phục vụ quên mình" đối với tuổi trẻ theo lý tưởng cộng sản, trong đó có thanh niên Việt Nam ở các thập kỷ 60, 70, 80 của thế kỷ XX...
             -Tại sao trên thế giới có một thời kỳ mà Chủ nghĩa xã hội được đông đảo quần chúng cần lao rất mực ngưỡng mộ, cũng như Lý tưởng cộng sản có được sức lôi cuốn mãnh liệt con người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, còn bây giờ, hầu như mọi người đều thờ ơ với chúng, thâm chí là căm ghét chúng? Phải chăng vì quần chúng và cả tầng lớp trí thức hồi đó nhận thức kém, mê muội trước một sự tuyên truyền mị dân? Không phải! Tại sao hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa (có nhà nước theo thiết chế "tập trung dân chủ", theo đuổi một chế độ mà trên lý thuyết, nếu xét riêng về mặt bác ái, nhân nghĩa, thì ai cũng phải thừa nhận là ưu việt, đáp ứng được nguyện vọng của đại bộ phận dân chúng trong xã hội, và hơn nữa, trong thực tế, số đông những người cộng sản đóng vai trò lãnh đạo ở những mức độ khác nhau trong bộ máy nhà nước vô sản vẫn là những con người có tài năng, liêm khiết, vẫn một lòng một dạ với mục đích xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, vẫn tận tụy vì dân vì nước), lại chỉ tồn tại không quá nửa thế kỷ không lấy gì làm "huy hoàng" cho lắm rồi đổ sụp nhanh chóng (nói đúng hơn là tan rã và biến thái)? Phải chăng là do cái thiết chế độc đảng độc quyền lãnh đạo gây ra? Cũng không phải nốt! Cần phải tìm nguyên nhân của hiện tượng ở nơi thâm thúy hơn nhiều!
             -Hiện nay trên chính trường Việt Nam đã xuất hiện cuộc đấu tranh tư tưởng xoay quanh vấn đề mà  chung qui lại là xét sự đúng-sai của chủ nghĩa Mác- Lênin, và cuộc đấu tranh này đang trở nên ngày một gay gắt. Đúng là khó lòng phủ nhận được, đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam hiện nay đang bộc lộ ra nhiều vấn nạn trong khâu quản lý và điều hành đất nước, trong việc ngăn chặn, trừng trị tệ cường quyền, tệ tham quan lại nhũng cũng như những tệ nạn gây ảnh hưởng xấu đến khối đoàn kết dân tộc và làm suy đồi nền tảng đạo đức khác. Cũng đúng là do có những mặt hoạt động còn yếu kém mà chính phủ và cả Đảng cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm phần lớn khi để xảy ra những tiêu cực có thể đã không xảy ra hoặc xảy ra không đến mức trầm trọng như đã thấy. Nhưng nếu từ đó đi đến qui kết cho rằng chính cái thiết chế nhà nước mang ý thức hệ cộng sản đã đóng vai trò nguyên nhân sâu xa làm xuất hiện các vấn nạn chính trị- kinh tế-xã hội hiện nay, để rồi dựa trên những chiêu bài nhân quyền, tự do, dân chủ, bình đẳng...(những khái niệm tưởng đơn giản nhưng lạ lùng là từ trước đến nay, kể cả ta lẫn tây, kể cả những triết gia được cho là "to đầu" nhất vẫn chưa thực sự tường tận, vẫn mỗi ông một phách, do đó... vẫn đang "cãi nhau chí chóe") mà đòi nằng nặc phải đa nguyên đa đảng, nghĩa là đòi gì thì gì cũng phải lập tức "cách cái mạng" thể chế "này", còn hậu họa ra sao mặc kệ, thì thật là không những nông nổi, thiển cận, bất cẩn mà còn cực đoan, duy ý chí, mang tính ngông cuồng, đầy ác ý (dù có thể chỉ vô tình!), tưởng là phụng sự nhân dân nhưng lại hóa ra vô trách nhiệm trước vận  mệnh dân tộc. Đành rằng, về mặt cấu trúc, không phải cái thiết chế nhà nước đang hiện hành không hàm chứa những bất ổn, khuất tất trong nội tại nó, không phải cái triết thuyết xã hội làm tiền đề tồn tại cho nó đã hoàn hảo (thậm chí là đã bộc lộ ra những nghịch lý và chưa khắc phục được!). Tuy nhiên, nguyên nhân chính yếu, mang tính cốt lõi gây ra tình trạng suy thoái xã hội về cả vật chất lẫn tinh thần hiện nay, xét ở bình diện sâu xa nhất, thực chất nhất, lại không phải là tại điều đó, nghĩa là tại cái thiết chế nhà nước mang ý thức hệ cộng sản. Dù có phản bác đến mấy đi chăng nữa thì cũng phải thừa nhận rằng, qui mô nền kinh tế và kéo theo là mức sống người dân nói chung trong xã hội hiện nay, nếu đem so với thời điểm "đêm trước" đổi mới, đã ở mức phát triển vượt bậc. Không thể phủ nhận được thành tích đó, hơn nữa là thành tích to lớn, của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam khi đã tự thân phá bỏ được cái quan niệm xây dựng kinh tế theo hình mẫu tưởng như duy nhất đúng, tưởng như phải thế chứ không thể khác mới phù hợp với tiến bộ và văn minh nhân loại nhưng thật ra là duy ý chí,khiên cưỡng, siêu hình và do đó mà cũng phi lý, để đưa đất nước đang trong tình trạng lạc hậu đói nghèo, xơ xác sau chiến tranh chống Mỹ xâm lược, rồi chịu thêm tổn thất lớn về người và của bởi hai cuộc chiến tranh cục bộ do các thế lực thù địch gây ra, chịu thêm cú "tự phá phách" của thời đoạn "Đêm trước đổi mới", bên cạnh đó còn bị siết chặt bởi nạn bao vây kinh tế của đế quốc siêu cường kinh tế Mỹ và của cả "ông anh Tàu láng giềng (chỉ chính phủ và giới lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc) tham, thâm, bẩn tính", đến được vị thế ngày hôm nay...
          -Vậy, nếu thiết chế nhà nước cộng sản không phải là nguyên nhân chính yếu và cốt lõi dẫn đến tình trạng suy thoái vật chất-tinh thần xã hội thì do đâu, tại vì cái gì? Khỏi phải mất công suy luận, giải thích dài dòng chi cho mệt xác mà chỉ cần "lướt qua" lịch sử thế giới cũng phần nào suy ra được câu trả lời! Trong suốt hàng ngàn năm tồn tại thể chế quân chủ (đúng nghĩa là thể chế độc tài, toàn trị nhé!), thực trạng của một nước thịnh hay suy hoàn toàn tùy thuộc vào trí tuệ và tâm hồn của ông vua chứ chẳng cần nhờ đến bất kỳ "thứ" đa nguyên, đa đảng nào. Vào thời đó, khi trong một nước bùng lên cái đòi hỏi mang bản chất đa nguyên-đa đảng thì tình trạng xã hội sẽ lâm vào hỗn loạn và tất yếu dẫn đến nạn cát cứ, chia năm xẻ bảy đất nước, để rồi sau một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, đất nước lại thống nhất dưới sự điều hành của một nhà nước theo thiết chế quân chủ y như cũ và (thường là) bước vào môt quá trình đi đến thịnh vượng mới...
         -Ngày nay, nếu không tất cả thì cũng hầu hết các học giả vẫn quan niệm rằng chế độ phong kiến nói chung là bất công, thống trị xã hội một cách độc đoán, hà khắc, hoàn toàn mất tự do dân chủ. Đó là một ngộ nhận! Đúng là có những giai đoạn như vậy và trở nên nổi bật vào giai đoạn tồn tại cuối cùng của thể chế quân chủ thế giới. Song, xen kẽ những giai đoạn ấy (thường gắn liền với trạng thái xã hội suy đồi) lại là những giai đoạn cởi mở, người dân thật sự được sống trong cảnh ấm no sung túc, an bình và tự do. Có rất nhiều ông vua, bà chúa được nhân dân đương thời tôn vinh, nhiều người trong số họ còn được sùng tín ngang với thần thánh. Vì sao???...Và thêm câu hỏi này nữa: nếu sự độc tài-toàn trị là phi lý, xấu xa, phản dân hại nước thì sao hình thức nhà nước với thiết chế quân chủ lại có thể tồn tại trường kỳ suốt hàng ngàn năm một cách phổ biến khắp thế giới như vậy?
            -Hãy tạm "rời mắt" khỏi xã hội loài người mà nhìn vào thế giới động vật-cái nôi tự nhiên sản sinh ra giống loài người! Lối sống bầy đàn (nguồn cội của lối sống xã hội) không phải là kết quả ngẫu nhiên của thiên tạo mà là kết quả tất yếu của quá trình tiến hóa thích nghi sinh vật. Đã bầy đàn thì phải có thủ lĩnh, thường là một cá thể độc quyền. "Đoàn quân" đông hàng triệu con dê rừng thiên cư theo mùa ở châu Phi là có tính bầy đàn, chứ chưa phải là bầy đàn thực thụ theo nghĩa có liên kết nội tại tương đối ổn định, bền vững. "Đoàn quân" ấy có thủ lĩnh chỉ huy không mà răm rắp trường chinh theo "tuyến đường" duy nhất (dù rất "gian nan vất vả và đầy hy sinh", có đến một phần tư số lượng con chết dọc đường) hướng đến nơi phải đến? Có, dù là thủ lĩnh...ẩn, đó chính là Thiên Nhiên vĩ đại, độc quyền và toàn trị! Thêm câu hỏi nữa bật ra: các cá thể trong "đoàn quân" thiên di ấy có tự do không? Khó mà trả lời khẳng định hay phủ định một cách dứt khoát được, nhưng có một gợi ý thú vị: chúng không hề bị ...bóc lột-cái vấn nạn phổ biến, có tính mặc định và là "nơi" phô bày ra mọi bất công, bất hạnh, bất bình trong xã hội loài người!...
           -Nhìn ở góc độ khác, đấu tranh sinh tồn là qui luật cơ bản của thế giới sinh vật. Nhờ có qui luật đóng vai trò quyết định này mà trong thế giới sinh vật mới có quá trình tiến hóa-thích nghi làm xuất hiện đa dạng giống loài sinh vật. Nói chung, tùy thuộc vào thể tạng, lối sống đã định hình trước đó và xu thế biến chuyển có tính trường kỳ của môi trường sinh thái mà hướng ưu tiên tiến hóa-thích nghi ở những giống loài khác nhau là khác nhau. (Hiển nhiên, trong các hướng ấy có hướng làm xuất hiện loài người biết tư duy trừu tượng. Đây là một ngẫu nhiên mang tính tất yếu "may mắn" hay là một tình cờ có tính định mệnh "xui xẻo" của Trái Đất!!!???). Với sự xuất hiện và tồn tại đa dạng giống loài trong thế giới sinh vật, có vẻ như quá trình tiến hóa-thích nghi không hề bị khống chế về kiểu cách biến cải cơ thể sinh vật, miễn không vi phạm các quy luật vật lý (nghĩa là trái với tự nhiên). Không hẳn thế! Ngoài điều kiện tiên quyết là không được vi phạm các quy luật vật lý, quá trình đó còn bị khống chế, giới hạn phạm vi hoạt động bởi ngay chính tính mục đích của nó. Mục đích tối hậu của quá trình tiến hóa-thích nghi ở mọi giống loài sinh vật là để đảm bảo và duy trì sự sống còn của chúng. Theo đó, cơ thể của chúng sẽ dần biến cải trên nguyên tắc kế thừa thực tạng cũng như lối sống sinh học đặc thù đang có nhằm đáp ứng một cách phù hợp với điều kiện sống mới do môi trường sinh thái (không phải chỉ gồm thời tiết, khí hậu, đất, nước, ..., mà bao gồm cả sự hiện diện của các giống loài sinh vật khác)đã biến đổi, thêm nữa, nhằm tăng cường cạnh tranh sinh tồn theo hướng tối ưu hóa trong khả năng có thể. Một trong những đặc trưng cơ bản của tự nhiên nói chung là sự thể hiện đa dạng trong thống nhất của nó. Thiên nhiên của Trái Đất, vì là bộ phận tương đối độc lập của tự nhiên nói chung nên phải bộc lộ đặc tính này. Lệ thuộc vào thiên nhiên đồng thời là bộ phận hợp thành của thiên nhiên, đến lượt thế giới sinh vật cũng vậy nốt...Có thể nêu ra ngay lập tức hàng loạt dẫn chứng về sự bị khống chế trong giới hạn của quá trình tiến hóa-thích nghi bởi tính mục đích của chính nó. Chẳng hạn, tất cả động vật bậc cao trên nấc thang tiến hóa đều có bốn "chi" (hai chi trước có thể là "tay" để cầm nắm hay "cánh" để bay), trong đó, hầu hết động vật chuyên ăn rau, cỏ là có sừng, hình như chỉ loài ngựa (nhờ chạy nhanh), thỏ (nhờ thân hình nhỏ, linh động) và tương tự như thỏ là không có, còn ở động vật chuyên ăn thịt thì hoàn toàn không có sừng mà thay vào đó là có móng vuốt sắc và răng nanh. Hiện tượng phổ biến hơn nữa mà cũng gây ấn tượng rất mạnh là tuyệt đại đa số giống loài động vật kể cả trên cạn và dưới nước đều có hai mắt, không nhiều hơn mà cũng không ít hơn. Xét riêng toàn bộ lớp thú trên cạn thì đầu con vật nào cũng phải có và chỉ có hai tai, hai mắt, một mũi và một mồm, được sắp đặt tại những vị trí tương tự nhau để có những bộ mặt "na ná" nhau...Cuối cùng, hiện tượng có lẽ chung nhất mà cũng điển hình nhất, thể hiện rõ ràng nhất về sự tiến hóa có tính đa phương trong nhất quán tuân thủ ở thế giới sinh vật, đồng thời có mối liên quan "sát sườn" đến bài viết này, đó là ngay từ buổi đầu xuất hiện sự sống, hoạt động sống của một cá thể sống (đơn bào) đã phải tuân theo nguyên tắc (dù thể hiện còn mờ nhạt) thống nhất phối hợp điều hành bởi một trung tâm chỉ huy duy nhất, và trong suốt quá trình tiến hóa sinh vật, dù theo hướng nào, cũng không  vi phạm nguyên tắc đó. Hơn nữa, qui luật đấu tranh sinh tồn đã tạo ra một xu thế tiến hóa củng cố ngày càng hoàn thiện phương thức hoạt động sống tuân theo sự thống nhất phối hợp điều hành bởi một cơ quan duy nhất đóng vai trò chỉ đạo. Cơ quan đó, nói nôm na, đối với thực vật gọi là "cái gốc", đối với động vật gọi là "cái đầu" (mà đối với động vật bậc cao, "chính danh" là bộ não!). Tại sao ở tất cả các giống loài động vật, mỗi cá thể đều chỉ có duy nhất nhưng phải có cái bộ phận (tạm) gọi là "cơ quan đầu não" ấy? Dù có vẻ như không tham gia trực tiếp vào bất cứ "công việc" cụ thể nào để nuôi sống cơ thể nhưng lại là cơ quan tối quan trọng của cơ thể. Mọi hoạt động duy trì cuộc sống ở mọi cá thể động vật đều nhằm ưu tiên trước hết và trên hết cho sự sống còn của cơ quan đầu não bởi không còn nó, con vật cũng không còn "hồn vía", nghĩa là không thể sống được nữa. "Nguy hiểm" cỡ đó nhưng quá trình tiến hóa vẫn tuyệt nhiên không được phép tạo ra giống loài động vật có từ hai cơ quan đầu não trở lên (với mục đích "dự phòng" chẳng hạn!) để tăng khả năng sống còn cho chúng. Tại sao vậy?
            - Ở loài người biết tư duy trừu tượng cũng không khác, mỗi con người cũng chỉ có một cái đầu (gồm một bộ não với những cơ quan chức năng "dưới quyền") đảm nhận một cách (rõ ràng là) độc tài và toàn trị vai trò đề ra "đường lối, chính sách" cũng như trực tiếp "lãnh đạo, chỉ huy" đối với mọi hoạt động sống của cơ thể người đó? Sao tạo hóa không cho con người sở hữu chẳng hạn là ba bộ não để cơ thể được "bảo hộ" trong chế độ "đa nguyên đa đảng" hoặc chí ít cũng có được một "bộ máy lãnh đạo" theo chế độ "tam quyền phân lập", nếu đó là những cách thức làm cho hoạt động sống của cơ thể người dễ dàng hơn, lành mạnh hơn, ít phạm sai lầm hơn và do đó cũng hiệu quả hơn, so với cách thức "lãnh đạo, điều hành" kiểu "độc tài toàn trị" (đương nhiên rồi!) của một bộ não duy nhất? Rất có thể câu trả lời chỉ đơn giản thế này: tạo hóa "rất sợ" phải thấy cảnh một cuộc vận động được điều hành bởi một đầu não "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", hoặc cảnh một máy bay đang bay được lái đồng thời bởi hai phi công (có cách xử lý tình huống khác nhau) với hai hệ thống lái độc lập nhau!
        -Dù còn phải bàn lại nhiều điều để đi đến đồng thuận về mặt triết học trong nhận thức tự nhiên-xã hội, song, về đại thể, có thể nhất trí được rằng: trước một chủ thể quan sát và tư duy (cụ thể ở đây là con người), thực tại khách quan thể hiện ra như một tổng thể "xã hội" thống nhất, được hợp thành một cách hòa quyện bởi hai "lực lượng" không thể tách rời nhau, là lý do tồn tại của nhau, nhưng đồng thời cũng tương đối độc lập nhau, đó là vật chất và tinh thần (trong đó vật chất đóng vai trò tiền đề, "vật mang"). Cũng có thể mường tượng theo một góc độ khác: thực tại khách quan chính là vũ trụ vạn vật-hiện tượng. Trong vũ trụ, vạn vật (chất) tồn tại và vận động một cách phụ thuộc lẫn nhau, có tính phối hợp nhịp nhàng (nếu không thì không thể có vũ trụ!), tuân thủ nghiêm ngặt theo những nguyên lý tự nhiên, hợp thành một quần thể thống nhất (rõ ràng là) mang tính xã hội. Thế thì những nguyên lý tự nhiên đó từ đâu mà có? Đây là câu hỏi cực khó đối với những ai không tin vào sự tồn tại của Thượng Đế (nhưng không phải là không trả lời được!).Hêghen (G. F. Hegel, 1770-1831),nhà triết học kiệt xuất thế giới, người đại diện cuối cùng của Triết học cổ điển Đức, chắc rằng trong khi phát triển tư tưởng triết học của mình đã "đụng độ" với câu hỏi sinh-tử này. Có lẽ vì chưa thấy được nguồn gốc sâu xa của sự vốn dĩ cũng như sự khác nhau giữa vốn dĩ "trần trụi" khách quan và nguyên lý "đẫm màu" chủ quan, hơn nữa là để tiếp tục tiến lên, Hêghen đã không còn cách nào khác, buộc phải thừa nhận, đồng thời cũng thực lòng tin vào sự tồn tại của cái gọi là "ý niệm tuyệt đối" hay "tinh thần tuyệt đối". Điều này đã lý giải vì sao tinh thần triết học Hêghen từ duy vật-vô thần thời kỳ đầu chuyển dần sang duy tâm khách quan. Dù sao, cái quan niệm về sự tồn tại "tinh thần tuyệt đối" không phải là không có lý, và nếu "gột rửa" cái sắc màu huyễn hoặc, kỳ bí của nó đi thì đã rất gần với sự thực khách quan. Có thể thay "tinh thần tuyệt đối" bằng thuật ngữ "tạo hóa", và dù vẫn chưa biết đích xác tạo hóa là gì thì vẫn hoàn toàn xác đáng nếu cho rằng nó chính là nguồn gốc xuất phát của mọi nguyên lý tự nhiên. Nhưng có mấy tạo hóa, một, hai hay nhiều?Con người, dù giàu trí tưởng tượng đến mấy, dù hoang tưởng phiêu lưu đến mấy thì từ xưa đến nay, chưa thấy ai đề xướng ra thế giới tự nhiên có hai (chứ chưa cần nói đến nhiều) thượng đế, hai đấng tối cao hay hai tạo hóa cả. Đơn giản vì "vẽ ra" như thế không thể không phát sinh mâu thuẫn nội tại. Hơn nữa, nếu tạo hóa toàn năng thì chỉ cần một đấng là quá đủ! Còn nếu tạo hóa không toàn năng thì dù có bao nhiêu đấng đi nữa, vũ trụ này cũng không thể tồn tại. Vậy, tạo hóa phải là toàn năng và duy nhất! Dông dài đến đây thì có được hình dung: nếu coi vũ trụ như một quần thể xã hội loài người, những nguyên lý tự nhiên cơ bản là hiến pháp, và tất cả qui luật triển khai ra từ những nguyên lý ấy là luật pháp thì tạo hóa chính là một nhà nước độc quyền toàn trị. Hình dung đó cũng đúng ở phạm vi hẹp hơn: trong cơ thể một con người, chỉ có một "cái tôi" chỉ huy theo lối độc tài và toàn trị, không bao giờ có thể tồn tại đồng thời hai "cái tôi" (con người có thể có đa nhân cách nhưng trong một thời gian chỉ có thể hiện diện một nhân cách!). Phải chăng độc quyền toàn trị là một nguyên tắc có nguồn gốc sâu xa từ tự nhiên?      
        -Trái với tự nhiên là không thể tồn tại. Đây là một chân lý tuyệt đối (hiểu theo nghĩa rộng)! Như vậy, sự tồn tại trường kỳ của hình thức nhà nước theo thiết chế quân chủ (triều đình) trong lịch sử rõ ràng không phải là một cái gì đó khiên cưỡng, được tạo ra bởi ý thích chủ quan và tùy tiện của con người, mà chính là do đòi hỏi bởi thực tại khách quan, và vì thế nên cũng đáp ứng phù hợp đối với thực trạng xã hội (với trình độ cuộc sống,sinh hoạt, lao động và sản xuất) ở những thời đoạn ấy. Có lẽ chính điều đó đã lý giải vì sao trong gần suốt thời gian tồn tại xã hội phong kiến, vấn đề tìm cách thay thế nhà nước quân chủ bằng một nhà nước có thể chế khác nào đó (chẳng hạn như thể chế nhà nước kiểu dân chủ hay cộng hòa đã từng xuất hiện ở Hi Lạp hay La Mã cổ đại) đã hầu như không được đặt ra. Lúc đó, sự quan tâm của các nhà tư tưởng chỉ trong phạm vi tìm kiếm biện pháp, cách thức cai trị cụ thể đối với một chính thể quân chủ, sao cho yên quốc an dân....
         -Do có sự tác động liên tục của tổng hợp nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan (nếu xét cho đến cùng thì đều là tự nhiên), mà xã hội loài người không ngừng biến đổi theo xu thế (qui ước gọi, quen gọi là) phát triển về trình độ sống, chất lượng sinh hoạt cũng như trình độ sản xuất. Châu Âu, với những đặc thù tự nhiên-xã hội của nó, đã có bước phát triển đột khởi về khoa học-kỹ thuật kéo theo sự phát triển đột khởi về trình độ sản xuất, làm xuất hiện hình thức sản xuất công nghiệp tập trung có qui mô ngày một lớn, mở đường cho nền kinh tế lấy cạnh tranh tự do làm lẽ sống còn ra đời mà về sau được gọi là nền kinh tế Tư bản chủ nghĩa. Quá trình đó làm nảy sinh trong xã hội những đòi hỏi ngày càng gay gắt và quyết liệt về những vấn đề liên quan đến những khái niệm (mà ngày nay đã đóng vai trò là những yếu tố hợp thành xuất phát điểm của mọi luận thuyết chính trị, của mọi hiến pháp): tự do, dân chủ, nhân quyền, công bằng, bình đẳng...,tạo tiền đề "truất phế" thiết chế nhà nước quân chủ (đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống kinh tế xã hội), dựng nên một nhà nước mang hình thức mới, có thiết chế tương phản với thiết chế quân chủ, gọi là nhà nước  (cộng hòa) tư sản.
          -Sự xuất hiện nền kinh tế Tư bản chủ nghĩa trong xã hội của giống loài sống theo lý trí trên nền tảng bản năng, là một tất yếu, mà nếu xét về phương diện đạo đức (được xây dựng nên từ cốt lõi là tình yêu thương đồng loại) thì cũng chẳng ưu việt gì hơn nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất phân tán trong xã hội phong kiến, nghĩa là danh lợi vẫn là tiêu chuẩn chủ yếu trong việc xác định phẩm giá con người. Hơn nữa, trong xã hội tư bản thời kỳ đầu, dưới sự bảo hộ của nhà nước tư sản- một nhà nước thực chất là đại diện cho quyền lợi của tầng lớp tư sản giàu có mà phần đông trong số họ thoát thai ra từ giới quí tộc, tăng lữ phong kiến thời mạt vận, suy đồi, với bản chất sống khoa trương, đạo đức giả nhưng đầy vị kỷ và tàn nhẫn-, cuộc cạnh tranh tự do mang tính chất cá nhân, tư hữu được đẩy lên cao trào, tỏa rộng cũng như len lỏi đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế, để rồi làm cho cái tinh thần vị kỷ đến mức nhẫn tâm vốn có nổi bật lên, bao trùm đời sống xã hội và ngày càng "dữ tợn", lấy "mạnh vì gạo bạo vì tiền", "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" làm phương châm sống. Chính cái tinh thần ấy đã thúc đẩy các nhà nước tư sản châu Âu ở thời kỳ đầu tồn tại xã hội tư bản đua nhau xua quân ồ ạt đi xâm lược mọi miền đất trên thế giới để chiếm làm thuộc địa, chà đạp lên mọi ý niệm về quyền sống cơ bản của con người do chính xã hội tư bản nêu ra và cũng là những yếu tố tạo thành lý do tồn tại của bản thân thể chế nhà nước tư sản.
             -Nhà nước pháp quyền tư sản ra đời nhằm đảm bảo cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tồn tại và phát triển. Thuở ban đầu, cạnh tranh tự do là động lực hoạt động cơ bản của nền kinh tế ấy, cho nên đảm bảo quyền cạnh tranh tự do đối với mọi cá thể trong xã hội cũng là mục đích đầu tiên của nhà nước tư sản. Như vậy, nhà nước tư sản, chí ít là vào thời kỳ đầu xuất hiện, không hề "đả động" gì tới đời sống của quần chúng cần lao, tới "những người khốn khổ", nghĩa là không có một biểu hiện có ý chí tự giác và trực tiếp nào thực sự hướng tới "vì dân". Theo tôi, có hai câu nổi tiếng trong lịch sử đóng vai trò hợp thành luận điểm khởi xuất ra hiến pháp của một nước có thể chế nhà nước tư sản. Câu thứ nhất trong Tuyên ngôn Độc Lập của nước Mỹ năm 1776: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", và câu thứ hai trong Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng tư sản Pháp năm 1791: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Từ trước đến nay, ai cũng thừa nhận hai câu nổi tiếng đó là vô cùng chí lý. Thật ra, nếu bình tâm  suy xét kỹ thì chúng là những câu không những tối nghĩa, chứa đựng mâu thuẫn nội tại về mặt nhận thức triết học, mà hơn nữa còn hàm chứa tiềm tàng sự vô cảm, vị kỷ, nhẫn tâm (tức là sự vô đạo đức, xét ở góc độ tình yêu thương đồng loại). Có như thế là vì những khái niệm cơ bản được nêu ra từ hai câu đó, đến tận ngày nay, vẫn chưa được hiểu rõ ràng và đồng thuận, quan trọng hơn, vẫn chưa được định nghĩa trên cơ sở tình yêu thương đồng loại. Chẳng hạn, như thế nào gọi là "quyền được sống", một người có đủ "quyền được sống" chưa khi do hoàn cảnh khách quan gây ra phải sống đói khổ và không được đoái hoài tới, trong lúc người xung quanh sống sung túc, dư dả?...Vì những lẽ đó mà hai câu nêu trên trong thực tế hóa ra lại chỉ là một thứ vũ khí bảo vệ hữu hiệu cho sự cạnh tranh có tính tự phát, mù quáng, vô tổ chức trong hoạt động kinh tế, cho quyền tự do tư hữu (đến vô hạn độ) những gì thu được từ cuộc cạnh tranh đó, và qua đó đồng thời cũng (vô tình) dung túng cho lối sống (biểu hiện nổi trội ở động vật hoang dã) "mạnh được yếu thua", "cá lớn nuốt cá bé", "được làm vua thua làm giặc", mà thực chất là bảo vệ đắc lực cho quyền lợi của tầng lớp giàu có. Tinh thần sống thực dụng đầy vị kỷ và tham lam đến nhẫn tâm kiểu "đồng bạc đâm toạc tờ giấy", trở thành như một đặc tính của tầng lớp tư sản giàu có thời kỳ đầu, cũng từ đó mà ra. Đó cũng chính là nền tảng của đạo đức tư sản (?!)
             -Lịch sử đã ghi nhận sự quá ư tàn nhẫn của chủ nghĩa tư bản (của các nhà nước tư sản) trong thời kỳ đầu tồn tại của nó. Việc áp bức, bóc lột sức lao động của quần chúng cần lao chính quốc bởi các chủ tư bản và nhất là việc xâm chiếm, giết chóc, cướp phá trắng trợn, tàn bạo thuộc địa bởi các nhà nước tư sản thời đó là những sự thực không thể chối cãi được. Theo C. Mác, cha đẻ của học thuyết triết học duy vật biện chứng thì: "Việc tìm thấy những vùng có mỏ vàng và mỏ bạc ở châu Mỹ, việc tuyệt diệt người bản xứ, bắt họ làm nô lệ và chôn vùi họ trong các hầm mỏ, việc bắt đầu đi chinh phục và cướp bóc miền Đông Ấn, Việc biến châu Phi thành khu cấm để săn bắt, buôn bán người da đen-đó là buổi bình minh của thời đại sản xuất tư bản chủ nghĩa", "Những kho tàng trực tiếp chiếm đoạt được ở ngoài châu Âu bằng cướp bóc nô dịch người địa phương, bằng giết người cướp của, được dồn về chính quốc và trở thành tư bản ở đó", và như vậy, quá trình tích lũy ban đầu, dù dưới hình thức nào cũng "được thực hiện với một sự phá phách tàn nhẫn nhất và dưới sự thúc đẩy của những dục vọng thấp hèn nhất, bẩn thỉu nhất và đáng ghét nhất", do đó "nếu tiền, theo lời của Ôgiê: "ra đời với một vết máu ở bên má" thì tư bản mới ra đời lại có máu và bùn nhơ rỉ ra ở tất cả các lỗ chân lông, từ đầu đến chân".

                                                                         ***

-Như đã nói, triết học duy tâm khách quan của Hêghen đã là một bước dài đưa loài người đến gần hơn trong việc nhận chân thực tại khách quan. Trên cơ sở kế thừa có phê phán và sáng tạo triết học cổ điển Đức mà nòng cốt là triết học Hêghen, Mác đã xây dựng nên triết học duy vật biện chứng và qua đó lại giúp loài người nhận thức xác đáng hơn nữa về tự nhiên (tuy vậy, theo tôi, tương tự như cơ học Niutơn trong vật lý học, triết học Mác phải cần đến một bước tiến có tính đột phá, cải cách triệt để mới đến được với chân dung đích thực của thực tại khách quan!). Trên cơ sở triết thuyết về tự nhiên của mình cũng như kế thừa được tinh hoa của các học thuyết xã hội trước đó và đương thời, cùng với khả năng quan sát, phân tích xuất sắc, Mác đã chỉ ra tương đối chính xác bản chất của hiện thực thời đại mình và trong bối cảnh đó, đề xướng ra học thuyết xã hội mang tên "chủ nghĩa cộng sản". Dù ngày nay thời thế đã đổi thay, có thể phải xem xét và nhận thức lại không ít luận điểm của chủ nghĩa cộng sản, thì cũng không thể nói khác được rằng, học thuyết này đã hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh ra đời của nó, không những đã phản ánh đúng cái hiện thực bi thương của "những người khốn khổ" có nguyên nhân từ sự thống trị vô lương tâm của nhà nước tư sản đã bị thao túng bởi thế lực đồng tiền, mà còn chỉ ra con đường duy nhất đúng cho quần chúng cần lao đi đòi lại quyền sống cơ bản và thích đáng cho mình. Hơn nữa, học thuyết ấy, về mặt lý thuyết, đã phác thảo ra một cách có lý luận hình mẫu một xã hội (gọi là xã hội "xã hội chủ nghĩa") tương phản với xã hội tư bản đầy rẫy bất công thời bấy giờ. Trong xã hội ấy, nhà nước tư sản được thay thế bằng nhà nước chuyên chính vô sản (đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo), một nhà nước (được coi là) đại diện cho quyền lợi của dân chúng trong xã hội, đứng về phía nhân dân lao động nghèo khổ, chống áp bức, bóc lột, bạo quyền.
             -Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã là do, không thể nói khác được, đại chúng ở những nước đó đã không còn thiết tha với nhà nước theo thể chế cộng sản nữa. Điều đó có nghĩa nền kinh tế tập trung, bao cấp, thực hiện kế hoạch theo mệnh lệnh (bất chấp qui luật cung-cầu, qui luật cơ bản của nền kinh tế hàng hóa (tạm gọi là) phi kế hoạch) cùng với chế độ công hữu về tư liệu sản xuất của các nhà lý luận mác-xít, đã không phù hợp với đời sống thực tế xã hội đương đại. Như thế, tất nhiên phải dẫn đến nghi vấn rằng nhiều khả năng học thuyết Mác-Lê (gồm triết học Mác và những phát triển làm sâu rộng thêm của Lê-nin) có ẩn chứa "vướng mắc" trong hệ thống lý luận của nó. Có lẽ vì thế mà ngày nay học thuyết Mác-Lê đã và đang phải chịu nhiều phản biện triết học dù chưa hẳn xác đáng về mặt nhận thức nhưng cũng không hẳn là vô lý, thậm chí rất cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc, chuyên sâu. Nhưng nếu phản biện học thuyết đó một cách khích bác, phủ nhận sạch trơn tính chân lý của nó, thậm chí còn buộc tội nó chống nhân loại thì thật là đáng lên án, bởi vì như thế không những sai hoàn toàn mà còn rất bạc bẽo nữa. Không thể phủ nhận được công lao của Mác (và Ănghen) đối với nhân loại! Nhờ sự xuất hiện của triết học Mác mà phong trào đấu tranh đòi quyền sống cơ bản và thích đáng của quần chúng cần lao trở nên sâu rộng hơn, tập trung hơn, mạnh mẽ hơn trong lòng xã hội tư bản. Qua đó, làm cho xã hội tư bản phải tích cực chuyển biến nhanh hơn từ nhẫn tâm hơn, bạo ngược hơn sang "biết điều" hơn, ôn hòa hơn. Nếu không có Liên bang Xô-viết đóng vai trò tiên phong và quyết định đánh tan bè lũ phát-xít cường bạo thì không biết thế giới  có thoát khỏi vòng nô dịch của "phe Trục" không, có được chất lượng cuộc sống như ngày nay không? Nếu không có hệ thống xã hội chủ nghĩa tồn tại ngót 50 năm như một thế lực phản diện đáng gờm thì liệu xã hội tư bản có nhanh chóng chuyển biến để đạt mức độ tương đối hòa dịu như đang thấy không? Cần phải khẳng định rằng học thuyết Mác-Lê đã đóng trọn vai trò cứu cánh một thời của quần chúng cần lao và đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng cao đẹp của nó đối với nhân loại.  
             -Do bị khống chế bởi trình độ nhận thức khoa học nói chung của thời đại về tự nhiên mà dù mang danh là "biện chứng" thì triết học Mác ít nhiều vẫn còn hàm chứa tính bao biện, hình thức,siêu hình (chưa thực sự khách quan). Sinh ra và tồn tại trên nền tảng triết học đó nên tất nhiên hình mẫu xã hội và nhà nước do Mác phác thảo cũng hàm chứa không nhiều thì ít sự khiên cưỡng, chủ quan duy ý chí (dù cũng bởi hạn chế nhận thức thời đại mà rất khó phân tích để thấu tỏ được đích xác vấn đề!). Tuy nhiên, dù có thế thì về mặt lý thuyết, hình mẫu xã hội của Mác đã trưng ra một hoạt cảnh xã hội đầy nhân ái mà cũng đậm nét hiện thực nhất từ xưa đến nay. Tính nhân ái và hiện thực của hình mẫu xã hội ấy "mạnh" đến nỗi làm cho nó trong suốt một thời gian dài kể từ lúc xuất hiện, trở thành niềm khát vọng của quần chúng cần lao, đồng thời cũng là một chân lý bất di bất dịch, là mục tiêu cần phấn đấu đạt tới của phong trào cách mạng vô sản toàn thế giới.  (Tôi cho rằng dù hiện nay hình mẫu xã hội xã hội chủ nghĩa đã bộc lộ không ít khuất tất cả về mặt thực tiễn lẫn lý luận nhưng không phải là hoàn toàn phi lý. Hơn nữa những khuất tất ấy rất có thể là do những hạn chế nhận thức có tính thời đại gây ra. Đến một thời đại nào đó trong tương lai, khi trình độ nhận thức tự nhiên cũng như trình độ sản xuất xã hội của loài người đạt đến trạng thái thích hợp gọi là chín muồi, thì hình mẫu xã hội của Mác, sau khi đã được điều chỉnh, sẽ trở thành một hiện thực hiển nhiên. Trong thời đại ngày nay, dù hình thái xã hội mà Mác mơ ước chưa thực sự xuất hiện, thì do cái tinh thần thấm đẫm tình yêu thương đồng loại của nó, nó vẫn đóng vai trò là một xã hội lý tưởng tuyệt đẹp của con người. Tôi tin chắc rằng nếu các nhà chính trị, tư tưởng, kinh tế trên thế giới có lòng hướng tới lý tưởng ấy một cách sáng suốt, thành tâm và thiết thực trong hoạt động thực tiễn của mình, họ sẽ góp phần đích đáng làm giảm thiểu đến mức tối đa những bất công, những nhẫn tâm đang hàng ngày hàng giờ gây ra biết bao nhiêu khốn khổ, đau thương trong xã hội).     
             -Độc quyền lãnh đạo là một đòi hỏi hợp lý, có tính tự nhiên. Dù ý chí con người có muốn hay không muốn,tự giác hay không tự giác, dù cơ cấu nhà nước có hình thức như thế nào đi nữa thì cũng phải tuân theo nguyên tắc ấy, nếu  muốn hoạt động nhà nước không bị rối loạn và có hiệu quả. (Điều đó đã từng thể hiện rất rõ trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, xảy ra vào khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ XX: nếu không tất cả thì cũng hầu hết nguyên thủ các quốc gia tham chiến đồng thời cũng là tổng tư lệnh quân đội, có quyền uy tối hậu duy nhất). Chính cái nguyên tắc độc quyền lãnh đạo có tính tự nhiên nêu trên đã chỉ ra rằng, nhà nước nói chung mang bản chất độc tài toàn trị. Một nhà nước, dù là theo thể chế nào, trong suốt quá trình tồn tại và hoạt động của nó, đều thể hiện ra cái bản chất ấy dù dưới hình thức này hay hình thức khác. Có hai hình thức độc tài toàn trị là độc tài toàn trị có tính cá nhân và độc tài toàn trị có tính tập thể. Về mặt triết học, đó là hai hình thức có mối quan hệ biện chứng, có thể chuyển biến từ cái này sang cái kia và ngược lại, nghĩa là trong chúng đều hàm chứa "hình bóng" của nhau với những "mức độ đậm nhạt" khác nhau tùy thuộc vào thực trạng cụ thể xã hội và cả nhận thức chủ quan của con người. Trong thực tế hoạt động chính trị, trên phương diện lý thuyết, có thể phân biệt tương đối được hai hình thức đó theo loại hình thể chế nhà nước. Như vậy, nếu nhà nước quân chủ thống trị xã hội theo cách thức độc tài toàn trị cá nhân thì nhà nước tư sản thống trị xã hội theo cách thức độc tài toàn trị tập thể. Cái cấu trúc "tam quyền phân lập" xuất hiện là do ý chí chủ quan tạo ra với mong muốn đảm bảo cho bộ máy độc tài toàn trị tập thể hoạt động một cách "đứng đắn" nhất có thể  mà thôi chứ thực ra chả "đả động" gì tới tính thiện-ác của bộ máy ấy. Trong thực tế, cái cấu trúc ấy cũng gây ra không ít nhiêu khê!
              -Sẽ rất khiên cưỡng nếu so sánh sự xấu hơn hay tốt hơn giữa hai kiểu nhà nước ấy, vì đơn giản, sự xuất hiện hay tiêu vong của chúng là có tính tự nhiên, do đòi hỏi khách quan của tiến trình vận động xã hội và sự tồn tại của chúng chỉ phụ thuộc vào điều kiện phù hợp hay không phù hợp với trình độ hoạt động của cuộc sống xã hội mà thôi. Mặt khác, nếu xét về phương diện đạo đức, tức là về thái độ và hành động đối với quần chúng nhân dân (đối tượng thống trị của nhà nước), thì mức độ tốt-xấu hay hiền-ác của một nhà nước không phải do thiết chế của nhà nước đó qui định, thậm chí không có liên quan gì tới thiết chế nhà nước. Lịch sử vẫn còn tươi rói: nhà nước tư sản thời kỳ đầu (tạm qui ước là từ cuộc Cách mạng tư sản Anh đến cuộc Cách mạng Tháng Tám giành độc lập ở Việt Nam-đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân) và nhà nước tư sản thời kỳ sau (tính cho đến nay), xét ra là cùng một thiết chế, thế nhưng nhà nước tư sản hiện nay đã tốt và hiền hơn nhiều (dù không phải không còn xấu và ác, nhất là tính vụ lợi một cách vô cảm và hiếu chiến thì hình như giảm chưa được bao nhiêu) so với nhà nước tư sản "hồi đó". Tại sao vậy? Phải chăng sự chuyển biến đó là kết quả hợp thành từ những nguyên nhân: phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột của quần chúng cần lao, cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt đến một mất một còn mà chủ nghĩa Mác đã đóng vai phản biện đầy sức thuyết phục, sự hiện diện "sừng sững" Liên bang Xô-viết (nước có thiết chế nhà nước tương phản với thiết chế của nhà nước tư sản và được đông đảo quần chúng đương thời trên thế giới ngưỡng mộ), khủng hoảng kinh tế xảy ra có tính định kỳ, trình độ sản xuất của nhân loại ngày một nâng cao, quá trình tự nhận thức lại bản thân của nhà nước tư sản...?
             -Trên thế giới hiện nay chỉ còn "lèo tèo" vài ba nước tự nhận là xã hội chủ nghĩa và vẫn duy trì thiết chế nhà nước với đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo. Nếu cho rằng hiện nay, nhà nước cộng sản tiêu biểu là nhà nước Trung Quốc và nhà nước tư sản tiêu biểu là nhà nước Mỹ thì hai nhà nước ấy giống và khác nhau ở chỗ nào? Dễ thấy rằng hai nhà nước ấy đều thuộc loại độc quyền toàn trị tập thể và nếu nhìn vào thực trạng kinh tế- xã hội của hai nước ấy thì rất khó phân biệt sự khác nhau giữa chúng, thậm chí là không thể phân biệt được. Nói cách khác, hai nhà nước ấy trong thực tế đã không còn khác nhau về bản chất mà chỉ khác nhau một cách hình thức ở khâu cơ cấu tổ chức. Cũng có thể nhận xét theo một góc độ khác. Đó là hai nhà nước cùng thuộc loại độc quyền toàn trị tập thể, đều bảo hộ quyền bình đẳng trong kinh doanh mà thực chất  vẫn là ưu tiên cho các thế lực giàu có, có tư bản mạnh. Sự khác nhau giữa hai nhà nước ấy mang  tính lịch sử, có nguyên nhân từ tình thế ra đời của chúng, đó là: nếu nhà nước Mỹ giương cao ngọn cờ tự do thì nhà nước Trung Quốc giương cao ngọn cờ dân chủ. Tuy nhiên, sự khác nhau ấy giờ đây chỉ còn là hình thức thuần túy. Sự hạn chế nhận thức có tính thời đại đã dẫn đến cách hiểu siêu hình (nên cũng chưa xác đáng) về hai khái niệm "tự do" và "dân chủ", để rồi cũng xuất hiện quan niệm: thực thi tự do trước hết và trên hết là ưu tiên đảm bảo nhân quyền (có tính cá nhân), còn thực thi dân chủ thì trước hết và trên hết là ưu tiên đảm bảo dân quyền(có tính cộng đồng xã hội). Nếu sự tàn bạo của chế độ tư bản thời kỳ đầu làm cho nó bị lên án và khơi dậy phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột của quần chúng cần lao, thì sự bảo thủ chuyên quyền, sẵn sàng đàn áp không thương tiếc bằng bạo lực của chế độ tư bản chính là nguyên nhân sâu xa đưa phong trào đấu tranh ấy hướng đến mục tiêu quyết liệt hơn: thủ tiêu nhà nước chuyên chính tư sản, thiết lập nên nhà nước chuyên chính vô sản với khẩu hiệu "vì dân". Thuở ban đầu, về mặt lý thuyết và theo quan niệm của triết học Mác-Lê, đó là hai nhà nước đối lập nhau về bản chất, đối kháng nhau về mục đích hoạt động. Ngày nay đã có đủ điều kiện để bình tâm nhìn lại và thấy rằng, thực ra hai "loại" nhà nước ấy chính là hai thể hiện mặt còn khiếm khuyết của nhau.  Sự xuất hiện của nhà nước vô sản, với mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung (dù còn nhiều khiên cưỡng duy ý chí nên cũng chưa phù hợp với tâm lý sống đời thường (nói chung) của con người cũng như với trình độ sản xuất của thời đại) đã tạo ra hai "lực lượng nhà nước" tương phản nhau ở mức đối kháng trên thế giới, tác động nhau quyết liệt đến một mất một còn và nếu muốn sống còn thì đồng thời cũng phải tự chuyển hóa theo hướng duy nhất là tiếp cận lẫn nhau (cũng có nghĩa là theo hướng hợp lòng đại chúng hơn!). Các nước trong phe tư bản chủ nghĩa, có sự vận động xã hội thoát thai ra từ yêu cầu tự nhiên hơn nên uyển chuyển hơn và do đó cũng dễ dàng chuyển hóa hơn. (Chính điều đó đã giải thích vì sao mà các đảng cộng sản ở các nước đó nói chung là đều mất dần "sức chiến đấu"). Sự cực đoan duy ý chí bởi hạn chế nhận thức của thời đại đã làm cho hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trở nên "cứng dòn", không chuyển hóa kịp thời và hợp lý được, đành sụp đổ, dẫn đến đại đa số nhà nước cộng sản biến thái thành nhà nước tư sản, và trong số còn lại thì một vài nhà nước,tiêu biểu là nhà nước Trung Quốc, dù vẫn mang danh cộng sản thì chỉ là hình thức, là sự gắn nhãn mác chứ thực chất cũng có "phong thái" tư sản nốt.
             -Nói thêm,cần nhận thức rằng thực hiện đảm bảo về nhân quyền thì cũng đồng thời đảm bảo ở mức độ nào đó về dân quyền, và thực hiện đảm bảo về dân quyền thì đồng thời cũng đảm bảo ở mức độ nào đó về nhân quyền, vì thực ra nhân quyền và dân quyền chỉ là hai khía cạnh của một vấn đề thống nhất hữu cơ.  Một nhà nước chuẩn mực là nhà nước trước tiên phải hiểu cho đúng vấn đề để "biết cách" đảm bảo được thỏa đáng đồng thời hai quyền ấy trong thực tế, và khi "làm được" như thế thì nhà nước sẽ được toàn thể quần chúng (cả người giàu lẫn người nghèo) ủng hộ và tôn vinh, vì nó đã mang bản chất thực sự do dân và vì dân. Và như thế, có lẽ trong một tương lai không xa, vấn đề xét một nhà nước là tư sản hay cộng sản sẽ không còn cần thiết phải đặt ra nữa, mà chỉ là vấn đề nhà nước đó thiện hay ác đối với quần chúng của nó-cái lực lượng tiềm ẩn sức mạnh vô địch nhưng lành tính, cưu mang nó và tin tưởng ủy thác sinh mạng của mình cho nó- ở mức độ nào mà thôi.
             -Tiến trình vận động của xã hội loài người, do có sự lũng đoạn bởi hành động chủ quan, duy ý chí của chính con người mà thấy có lúc nhanh lúc trì trệ, đầy quanh co khúc khuỷu, nhưng thực ra vẫn luôn theo đúng chiều của nó. Nếu sự xuất hiện chủ nghĩa tư bản là tất yếu thì sự xuất hiện phong trào đấu tranh giành quyền sống cơ bản của quần chúng cần lao thế giới mà phong trào đấu tranh giải phóng đòi độc lập dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa là bộ phận hợp thành của nó, cũng là một tất yếu. Để có thể đối đầu được trước một binh lực tập trung và cường bạo của nền thống trị chuyên chính tư sản, thì yêu cầu bức bách tự nhiên nảy sinh ra đối với phong trào đấu tranh đó là phải có một sự lãnh đạo tập trung , nhất quán về cương lĩnh nhằm thống nhất hành động. Học thuyết Mác ra đời trong bối cảnh đó và các đảng cộng sản được thành lập để đóng vai trò tiên phong lãnh đạo phong trào cũng là vì lẽ đó...Cuộc sống của con người hiện nay trên thế giới, nói chung, "dễ thở" hơn nhiều về mặt tinh thần so với cách đây hơn một thế kỷ, không phải là sự "tình nguyện hiến dâng" của chủ nghĩa tư bản. Hãy nhận thức cho công tâm để biết nhớ ơn sự xả thân của lực lượng cần lao, trong đó có hàng triệu triệu con người cộng sản mà điển hình là nhân vật chính trong "Thép đã tôi thế đấy" thuộc một thời đoạn lịch sử đã qua!
              -Xét riêng trường hợp Việt Nam. Năm 1858, thực dân Pháp nã pháo vào Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Ngay từ đầu, triều đình Huế, đứng đầu là ông vua nhát cáy, tham sống sợ chết Tự Đức, đã không có lòng quyết chiến, và càng về sau càng tỏ ra khiếp hãi, bạc nhược trước đội quân xâm lược không đông nhưng tinh nhuệ hơn và có hỏa lực áp đảo. Trong khi đó, trái lại, tinh thần chống xâm lăng của quần chúng ngày một dâng cao, làm xuất hiện phong trào tự phát vũ trang, đứng lên bảo vệ tổ quốc mà đứng đầu là những sĩ phu, nhà nho yêu nước. Dù tự phát và có tính manh mún thì phong trào ấy (lúc đầu nổ ra ở Nam Kỳ-Lục tỉnh, sau là Bắc Kỳ và Trung Kỳ) không những làm cho thực dân Pháp gặp rất nhiều khốn đốn với những tổn thất không nhỏ, mà còn không chỉ một hoặc hai lần đưa cuộc xâm lược của chúng vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, thậm chí là có khả năng bị thất bại hoàn toàn. Chính cái tư tưởng cầu hòa, chủ bại đầy bạc nhược của triều đình Huế đã làm cho những cơ hội hiếm hoi ấy trôi qua, không trở thành hiện thực được. Đó là một tội rất lớn đối với dân tộc Việt (gồm dân tộc Kinh và mọi dân tộc khác sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam). Nếu xét về trách nhiệm cá nhân thì kẻ gây ra tội ác đó, không ai khác là đích danh Tự Đức-một ông vua giỏi văn chương, thơ phú nhưng bản chất là nhẫn tâm, yếu hèn, đạo đức giả, trong thời trị vì trước khi Pháp xâm lược đã từng bị thần dân của mình nguyền rủa, chẳng hạn: "Bao giờ Tự Đức chết đi / Thiên hạ bình thì mới dễ làm ăn". Vì quá khiếp nhược trước thực dân Pháp, lại coi nhân dân không ra gì và chỉ mong toàn mạng mà Tự Đức đã không hề đếm xỉa đến vận mệnh dân tộc, trở nên phản động, bán dần đất nước, không những tích cực cản trở, ngăn chặn, mà còn đồng thời trực tiếp làm tay sai cho Pháp trong việc đàn áp phong trào đấu tranh vũ trang chống xâm lược của dân tộc Việt. Vì thế mà triều đình Huế nói chung và Tự Đức nói riêng cũng phải chịu trách nhiệm là nguyên nhân sâu xa gây nên hàng loạt cái chết uất ức (nhưng tiết liệt) của nhiều quan lại, sĩ phu yêu nước đương thời đó như: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Võ Duy Ninh, Phan Thanh Giản, Thủ khoa Huân, Nguyễn Trung Trực...Có đủ bằng chứng lịch sử để nói rằng, triều đình Huế thời Tự Đức là triều đình "dở hơi" và phản động nhất trong lịch sử Việt Nam, và Tự Đức là ông vua "sợ dân hơn sợ giặc",đê hèn còn hơn cả sự ươn hèn của Lê Chiêu Thống, kẻ mang danh vua nhưng chưa từng làm vua có thực quyền, thực lực và được cai quản cả một đất nước như Tự Đức. Mặt khác, nếu tiền bối Gia Long là kẻ mở ra "công cuộc" rước voi về dày mả tổ thì hậu duệ Tự Đức là kẻ đã hoàn thành "suất sắc" cái  "công cuộc" ấy!
      Về danh nghĩa, có thể coi ngày ký hiệp ước Patơnốt (6-6-1884) là ngày thực dân Pháp hoàn thành cuộc xâm lược toàn cõi Việt Nam, nhưng trong thực tế phải coi ngày Hoàng Hoa Thám bị sát hại (10-2-1913) mới là ngày thực dân Pháp dập tắt được hoàn toàn phong trào đấu tranh vũ trang thời kỳ đầu của dân tộc ta chống sự xâm lược của chúng. Hiệp ước Patơnốt đã giúp Pháp nhanh chóng hoàn chỉnh, củng cố vững vàng bộ máy thống trị dưới danh nghĩa bảo hộ, tồn tại "bên cạnh" triều đình Huế, một nhà nước "hữu danh vô thực" mà thực chất là làm tay sai đắc lực cho chúng. (Ở đây, cần nhấn mạnh rằng, dù đã bán nước thì không phải vì thế mà triều đình Huế vẫn tồn tại được. Nó được tiếp tục tồn tại là nhờ dã tâm "cáo già" của thực dân Pháp cho phép!). Tình hình đó và ít nhiều có cả sự góp phần của cái ý thức hệ nho giáo còn hằn sâu trong tâm trí người Việt, đã làm suy giảm hẳn khả năng qui tụ lực lượng, tổ chức vũ trang khởi nghĩa với khẩu hiệu chống xâm lược một cách đơn thuần như thời kỳ đầu. Đây là một trong số ít những nguyên nhân chủ yếu làm cho xã hội Việt Nam lắng dịu hẳn xuống kể từ sau phong trào đấu tranh Cần Vương (có thể cho là vào năm 1895 với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa An Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo) đến ít ra là hết thời kỳ "Khai thác thuộc địa lần thứ nhất" của thực dân Pháp (đến năm 1918). Nghĩa là nói chung, không còn hình thức đấu tranh vũ trang nữa mà chỉ còn hình thức đấu tranh chính trị dưới dạng "ngấm ngầm", mà cũng rất manh mún, gói gọn ở một số ít chí sĩ yêu nước và hoạt động tuyên truyền chủ yếu trong giới trí thức, học sinh.
        Phong trào tự phát khởi nghĩa đấu tranh vũ trang, đối đầu trực diện với thực dân Pháp trong thời kỳ đầu, có động lực thuần túy từ lòng yêu nước nồng nàn, được hun đúc thành truyền thống qua hàng ngàn năm chống quân xâm lược phương bắc của dân tộc ta. Mục tiêu duy nhất của phong trào đó đơn thuần là chống thực dân Pháp xâm lược. Sau năm 1895, do tình hình xã hội Việt Nam đã thay đổi nên mục tiêu đấu tranh chống xâm lược đơn thuần không còn phù hợp nữa, làm cho cuộc đấu tranh yêu nước thời kỳ đó cũng lâm vào trạng thái hoang mang, mất phương hướng chủ đạo. Lịch sử đã cho thấy rằng buổi đầu cuộc đấu tranh chính trị chống ách đô hộ của thực dân Pháp với sự tiếp tay và "ăn theo" của triều đình Huế thối nát, cũng đồng thời là cuộc tự đấu tranh tư tưởng để xác định đường lối khả dĩ nhất cho hành động. Cuộc đấu tranh tư tưởng đó làm xuất hiện nhiều trào lưu cách mạng, nhưng bị "rào cản" của nhận thức đương đại mà chung qui lại, không ảo tưởng (Phan Bội Châu), cải lương (Phan Chu Trinh) thì cũng phiêu lưu manh động (Nguyễn Thái Học), và chưa có thời cơ cách mạng (!) nên đều đi đến bế tắc. Biểu hiện chung nhất của phong trào đấu tranh chính trị thời kỳ này là tản mạn, không lôi kéo được đông đảo quần chúng cần lao tham gia. Có như thế là vì một mặt, không có trào lưu cách mạng nào có được một cơ sở lý luận đủ sức thuyết phục, mặt khác là trong thực tế đời sống xã hội chưa xuất hiện hoặc nếu xuất hiện thì chưa rõ rệt  một tình thế có lợi cho cách mạng phát triển.
         Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp tuy là nước thắng trận nhưng do bị tàn phá nặng nề nên đời sống kinh tế-xã hội cũng trở nên tiêu điều. Để khắc phục hậu quả chiến tranh, chính phủ Pháp chủ trương tăng cường khai thác không thương tiếc các nước thuộc địa. Ở Việt Nam, chủ trương đó được hiện thực hóa bằng cuộc "Khai thác thuộc địa lần thứ hai". Qui mô và sự tàn bạo của cuộc bóc lột này làm cho tầng lớp làm công ăn lương (công nhân) tăng lên nhanh chóng về số lượng đồng thời làm cho họ cũng nhanh chóng lâm vào cuộc sống rất cơ cực. Đây là khâu trọng yếu làm xuất hiện tình thế cách mạng mà chính thực dân Pháp với bản chất ăn cướp trắng trợn đã tự gây ra. Tuy nhiên, tình thế cách mạnh chỉ có thể kích thích phong trào cách mạng vốn đang tản mạn về đường lối và lúng túng về lý luận lên mức độ hoạt động nào đó sôi nổi hơn, thậm chí là quyết liệt hơn (để dễ dẫn đến đổ vỡ đau thương hơn?!), chứ không thể đột nhiên làm cho phong trào ấy biến thành một cuộc cánh mạng đấu tranh giải phóng duy nhất, có cơ sở lý luận vững chắc, có tiêu chí và mục đích nhất quán, rõ ràng, cụ thể, thuyết phục và lôi cuốn được đại bộ phận quần chúng cần lao vì cũng thỏa mãn được niềm mong ước của họ.
          Ngày nay, dù vẫn còn là vấn đề bí ẩn đối với khoa học, thì hiện tượng tâm linh đã được thừa nhận rộng rãi. (Từ đó mà nảy sinh luận điểm: một triết thuyết về thực tại khách quan, muốn xác đáng thì không được hàm chứa mâu thuẫn nội tại và đồng thời phải thực sự biện chứng, nhưng muốn thực sự biện chứng thì trước hết không được chối bỏ hiện tượng tâm linh (chứ không phải mê tín dị đoan) mà phải coi đó là biểu hiện một phương thức vận động của tự nhiên, có cơ sở khoa học. Triết học Mác chưa thỏa mãn được yêu cầu đó!). Xét ở góc độ con người sinh học thì sự xuất hiện Hồ Chí Minh là một ngẫu nhiên, nhưng xét ở góc độ tâm linh thì sự xuất hiện đó là một linh ứng. Có thể nói tinh thần Hồ Chí Minh là kết quả được hun đúc nên từ tinh hoa khí thiêng sông núi Việt, từ nguyện vọng được sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc hết mực thiết tha, nung nấu thường trực trong tâm hồn dân tộc Việt, từ nỗi uất ức còn đọng lại thành khối ai oán thiêng liêng và thấu đến trời xanh của những anh hùng, nghĩa sĩ đã bất khuất chọn cái chết chứ không đầu hàng trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Đã là con người thì không thể là thần thánh, nhưng có thể là sự ủy thác của thần thánh và ở mức độ nào đó nhận được sự mách bảo của thần thánh qua con đường linh cảm linh tri. Vì thế mà cuộc đời Hồ Chí Minh là một chuỗi những quyết định và hành động phi thường chỉ có thể có ở những bậc vĩ nhân. Ngay ở tuổi thiếu thời, dù kính trọng lớp cha anh là Phan Bội Châu, thì Hồ Chí Minh vẫn không theo tư tưởng cách mạng của Phan Bội Châu. Bước vào tuổi thanh niên, Hồ Chí Minh đã tự thân quyết định ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Rồi lúc ở Pháp tiếp xúc với bậc yêu nước lão thành Phan Chu Trinh, dù vẫn kính trọng tiền bối nhưng cũng không theo tư tưởng cách mạng của tiền bối mà lại hướng về cách mạng vô sản. Chỉ riêng từng đó thôi, vào thời buổi ấy, có thanh niên hay nói chung là người Việt yêu nước nào có đủ bản lĩnh và sáng suốt làm được như Hồ Chí Minh? Không ai cả! Hồ Chí Minh chính là người được sinh ra để gánh trên vai trọng trách đưa đất nước và dân tộc Việt thoát khỏi vòng đô hộ và nô dịch của ngoại bang và bè lũ ngụy quyền tay sai. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng khó khăn mà tổ quốc Việt Nam giao phó và do đó ông cũng hiển nhiên trở thành vị đại anh hùng dân tộc trong thời đại mình.
         Phong trào cách mạng Việt Nam đang trong "cơn bĩ cực" về tư tưởng và đường lối thì được cuộc khởi nghĩa thắng lợi của cách mạng vô sản Nga (cách mạng Tháng mười Nga, năm 1917) cùng với học thuyết Mác-Lê soi rọi tới. Những năm đầu thập niên hai mươi của thế kỷ XX là khoảng thời gian rộ lên một cách tích cực sự chuyển biến về tư tưởng và đường lối đấu tranh yêu nước, giành độc lập dân tộc trong hàng ngũ các chí sĩ, những trí thức cấp tiến của phong trào cách mạng Việt Nam. Cuộc chuyển biến có tính nhất quán ở chỗ xác định kẻ thù chính (không thể thỏa hiệp) của dân tộc là thực dân Pháp, do đó mục tiêu trọng yếu và trực tiếp của cách mạng là trước sau gì cũng phải đối đầu trực diện, kiên quyết đánh đuổi chúng đi. Lịch sử cho thấy quá trình chuyển biến tư tưởng ấy có xu hướng qui dần đến lựa chọn học thuyết xã hội Mác-Lê và cách mạng vô sản. Phan Bội Châu vào những năm tháng cuối đời (khoảng thời gian bị quản thúc ở Huế) đã hết lời ca ngợi chủ nghĩa xã hội. Phạm Tuấn Tài là người cùng Nguyễn Thái Học sáng lập Việt Nam quốc dân Đảng, tổ chức chính trị tiêu biểu cho xu hướng cách mạng dân chủ tư sản. Sau khi Việt Nam quốc dân Đảng tan rã, trước lúc mất vì bệnh, Phạm Tấn Tài đúc kết: "...Chủ nghĩa quốc gia hiện đã trái mùa, cả đến chủ nghĩa xã hội dân chủ (tư sản-NV) hay chủ nghĩa tam dân cũng chỉ là những cách mệnh cải lương không công hiệu. Nói rõ hơn, chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin mới có thể đánh đổ được chủ nghĩa đế quốc mà giải phóng cho các dân tộc yếu hơn, chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin mới phá tan được xã hội giai cấp mà dẫn nhân loại tới thế giới đại đồng". Theo Lê Duẩn ("Một vài đặc điểm của cách mạng Việt Nam", NXB Sự Thật, Hà Nội, năm 1967) thì: "Từ năm 1930, trên dải đất Việt Nam, phong trào chống đế quốc giành độc lập, giải phóng dân tộc, chỉ là những phong trào do giai cấp công nhân lãnh đạo". Như vậy, tương tự như phong trào cách mạng Nga, sự hướng tới thực hiện cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản đối với phong trào cách mạng Việt Nam chính là lựa chọn có tính tự nhiên của thời cuộc, cũng tức là có hàm chứa tính tất yếu.
         Không đếm xỉa nhưng cũng chấp luôn cả đám mang lòng thù hận cộng sản điên cuồng đến mức hoàn toàn mù lòa và bệnh hoạn, mở miệng ra, không chửi bới thô lỗ cũng trơ tráo đặt điều vu khống trắng trợn, chắc rằng không một ai có thể trưng ra bằng chứng đích đáng và đủ lý lẽ phản biện để phủ nhận được vai trò tiên phong và quyết định của Đảng cộng sản Việt Nam trong việc lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc ta giành lại độc lập, chủ quyền đất nước, đập tan ý đồ nô dịch nước ta lần thứ hai của thực dân Pháp bằng thắng lợi sau chín năm kháng chiến trường kỳ, đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi bờ cõi, đánh đổ ngụy quyền tay sai, thống nhất nước nhà sau ngót hai mươi năm kháng chiến thần thánh và đại thắng. Trong lịch sử nhân loại thời hiện đại chỉ duy nhất có dân tộc Việt Nam, trong suốt cuộc đấu tranh gan góc và bền bỉ nhằm giành lại quyền sống cơ bản và chính đáng của mình trước thực dân, đế quốc, luôn được nhân dân thế giới, trong đó có cả nhân dân Mỹ không những đồng tình ủng hộ mà còn cảm phục và hết lời ngợi ca. Đó chính là niềm tự hào dân tộc của mọi con dân Việt Nam! Và trong niềm tự hào ấy, tất nhiên phải hiện lên rõ nét hình ảnh sống động của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh cùng với những con người tiêu biểu cho tinh thần bất khuất, quả cảm vô song, cho trí tuệ minh triết của dân tộc trong thời đại mới, như: Hồ Chí Minh, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt...Như đã nói, con người không phải là thần thánh và dù là thần thánh thì khi hành động đôi khi cũng vẫn phạm sai lầm cá nhân, thậm chí là sai lầm lớn. Song, không phải vì thế mà chê bai có ý đồ mạt sát, bôi nhọ tài năng và đức độ những con người tiêu biểu đã đi vào lịch sử ấy-những con người là cha anh của thế hệ hôm nay, nhất là phủ nhận công lao thực sự to lớn của họ đối với đất nước, dân tộc. "Người quân tử (trong khi hành hiệp) đôi khi phạm phải điều bất nhân, nhưng chưa từng thấy kẻ tiểu nhân làm được điều nhân nghĩa". Đó là lời của Khổng Tử và ngẫm nghĩ thấy...thật chí lý! Nếu đặt các vị có trình độ giáo sư, tiến sĩ hiện nay đang lớn tiếng chê khinh sự "ít học" của những con người tiêu biểu nêu trên, vào thời cuộc ấy và ở ngay những vị trí của họ, chắc gì các vị đã lập được một "góc nhỏ" công trạng cho đất nước như họ và phạm sai lầm ít hơn họ?

                                                                  ***

  Hiện nay đã hình thành một bộ phận phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bộ phận này tập hợp không ít những nhà trí thức lớn tuổi, có học hàm học vị chuyên môn cao, có tiếng tăm, nên cũng lôi kéo được một số ít người trong giới trí thức trẻ. Phản biện không xấu, phản biện đến mức gay gắt cũng không xấu, thậm chí lại cần thiết, miễn thực tâm muốn xây dựng, bất vụ lợi, biết lắng nghe và tiếp thu lại ý kiến từ phản biện của phản biện, cũng như biết tự phản biện. Thực tế thời gian qua cho thấy có nhiều những ý kiến phản biện xã hội rất chí lý, rất sâu sắc và cũng rất kịp thời (còn chính phủ có nhìn nhận ra điều đó không lại là chuyện khác!). Nhưng dần dà, nhất là trong thời gian gần đây, có thể là do quá bức xúc trước những hiện tượng lợi dụng pháp luật, quyền lực để trục lợi, làm điều trái ngang, thất đức trong xã hội, cũng có thể là do nhà nước thực sự lúng túng, kém năng lực trong việc triệt phá tham nhũng, tiêu trừ nạn hoạnh họe bắt chẹt người dân để "ăn tiền" một cách vô sỉ, nhẫn tâm của nhiều kẻ hành nghề y, nhà giáo, của các nhân viên công lực, tồn tại "nhan nhản" hầu như "bô bô, việc gì mà xấu hổ" ở các cơ quan công quyền tầng địa phương từ tỉnh đến phường xã, nhất là nạn dựa vào luật để "mãi lộ" của lực lượng cảnh sát giao thông trên mọi tuyến quốc lộ, phổ biến đến mức "ai cũng biết"..., lại suy diễn sa đà ra thành chuyện chính trị trong khi trình độ nhận thức triết học còn hạn chế, thiếu tính biện chứng lịch sử, dựa trên những luận cứ mơ hồ, hàm chứa lầm lạc, cho nên bộ phận trí thức phản biện đã đưa ra không ít những nhận định, chỉ trích có phần "quá lố" kiểu "vơ đũa cả nắm", "chụp mũ", "đổ vấy" toàn bộ trách nhiệm cho cái thiết chế cộng sản với Đảng độc quyền lãnh đạo của nhà nước Việt Nam, từ đó nêu ra luận điểm trước mắt phải loại bỏ sự độc quyền lãnh đạo của Đảng rồi tiếp đến là xây dựng một chế độ đa nguyên đa đảng có thiết chế nhà nước kiểu dân chủ hay cộng hòa nào đó coppy (tất nhiên rồi!) từ phương tây. Theo ý chí đó thì cũng coi như mặc nhiên "trở cờ", gia nhập đám nuôi lòng hận thù thâm căn cố đế đến tận xương tủy, đến ngu muội cái khái niệm "cộng sản" mà giờ đây chỉ còn như một thuật ngữ thuần túy hình thức, một nhãn mác "đã gần" mất hết nội dung, thậm chí mù quáng đóng luôn cái vai trò "đội quân tiên phong" trên mặt trận lý luận của đám ấy, vì ít ra, ở mức độ nhất định, đã cùng chung một mục đích với đám ấy, và hơn nữa (vô hình dung) là đồng lòng với đám ấy: kết tội Đảng cộng sản Việt Nam và qua đó, đồng thời cũng hòng bôi xóa  niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà nhân dân thế giới đã thừa nhận. Làm như thế đã có thể gọi là phản động, vong ân bội nghĩa được chưa? Bây giờ mà hỏi bất cứ con dân Việt Nam nào chỉ cần biết sơ bộ về lịch sử nước nhà rằng có khinh ghét những hạng người như Trấn Di Ái, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Tự Đức, ...không(?), thì có lẽ trăm người như một đều trả lời khẳng định. Ấy vậy mà vẫn có những nhà trí thức yêu nước trong số đó đang trên bước đường theo vết xe đổ mà không hay biết, thế mới lạ kỳ! 
         Phải thừa nhận rằng, thực sự tồn tại trong một thời gian dài cho đến tận hiện nay, hiện tượng lạm dụng chức quyền, lợi dụng chủ trương, chính sách, qui định (phần nhiều là đúng nếu công tâm thực thi) của chính phủ để "tham quan lại nhũng", "móc ngoặc tư lợi" đã ở mức độ là vấn nạn của xã hội Việt Nam. Chính vấn nạn này đã trực tiếp vừa làm cho "dân nghèo nước yếu ", vừa bao che, dung túng, hơn nữa là làm nảy sinh thêm những vụ việc, những hoạch định (nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến xây dựng cơ bản, đến đất đai) "núp bóng" dưới danh nghĩa phục vụ lợi ích cộng đồng nhưng thực chất chỉ nhằm "bày ra" với mưu đồ đục khoét, thâu tóm, kiếm lợi để tư hữu một cách bất chính, cho nên cũng phơi bày ra nhiều tàn nhẫn, bất công đối với dân chúng, và thêm nữa, nguy hiểm hơn, đóng vai trò "đầu têu", "khuyến khích", làm tăng tốc độ tích tụ tư bản, tăng tốc độ giãn cách giàu nghèo, đồng thời cũng làm tăng tốc độ băng hoại về đạo đức đang lan rộng trong xã hội.
         Vấn nạn đó có ai biết không? Có! Dù có thể nhiều người chưa thấy hết được nguồn gốc sâu xa phát sinh ra nó cũng như tầm tác hại (ngấm ngầm nhưng) ghê gớm của nó trong không gian và thời gian, thì  người dân Việt Nam nào cũng biết. Vậy thì tại sao quần chúng cần lao, đối tượng đầu tiên và cũng là cuối cùng bị xâm hại quyền lợi bởi vấn nạn đó vẫn tỏ ra im lặng, nhẫn nhịn? Phải chăng là vì họ còn thiếu một đội ngũ tiên phong lãnh đạo? Hoàn toàn không phải! Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam đã thấy, đã rất trăn trở, đã công khai nói ra vấn nạn đó và không hề thờ ơ, vẫn đang nỗ lực suy tư lý luận đồng thời với việc đề ra những biện pháp (được cho là khả dĩ) tiêu trừ vấn nạn đó, làm trong sạch bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương (dù hiệu quả cho đến nay vẫn chưa được như ý muốn!). Không phải chỉ có một động thái đó, nhưng với một động thái đó thôi cũng chứng tỏ được nhiều điều làm cho quần chúng nhân dân nói chung vẫn yên tâm làm ăn, vẫn yên lòng chờ đợi. Thực tế hiện nay cho thấy bộ phận trí thức phản biện theo hướng cực đoan, duy ý chí, tưởng giải quyết vấn nạn nêu trên bằng cách thay đổi thể chế nhà nước hiện hành là chí lý, đã ra sức tuyên truyền, hô hào, lôi kéo đến "rã bọt mép" mà đại chúng hầu như chẳng ai chịu theo, vẫn "hồn nhiên" sống với những hồ hởi, lo toan "sát sườn" của họ, với những vui buồn thường nhật của đời người. Vài trí thức hãnh tiến thái quá trong bộ phận phản biện quá khích, thấy vậy bức bối đổ thừa dân chúng Việt Nam là "ngu lâu dốt bền", là "thùng rác". Phán thế chẳng khác nào chửi dân tộc, dòng giống tổ tiên, ông cha mình. Thật hỗn xược! Nhưng thôi, không nên chấp nê làm gì vì chỉ là chuyện nhỏ. Đây mới là chuyện lớn đầy đau buồn: chỉ vì nhận thức triết học về xã hội còn hạn chế (đây là "lỗi" của thời đại chứ không phải của riêng ai!!!), lại thêm nỗi bức xúc đến độ mất bình tĩnh bởi sự tác động của những hiện tượng tiêu cực, bất nhẫn xảy ra không ít trong xã hội, nên cũng có cái nhìn lệch lạc dần về chính trị mà bộ phận phản biện quá khích, từ những ý kiến đưa ra lúc đầu có tính xây dựng tích cực, hữu ích và cũng đích đáng trong chừng mực, tiến dần đến những ý kiến bài bác, đả phá đầy ác ý toàn bộ chế độ mà ngộ nhận, đinh ninh như thế là đúng, là vì dân. Sự thái quá đó, rất "bất cập", vừa làm giảm tác dụng tích cực của phản biện, vừa làm xã hội phần nào rối loạn thêm. Nhưng dù sao, nói cho cùng thì hầu hết những nhân sĩ, trí thức thuộc bộ phận ấy, nhất là những bậc lớn tuổi, cũng xuất phát từ lòng yêu nước thương dân, thành tâm mong sao cho dân giàu nước mạnh. Xét về mặt nhân cách cá nhân thì các vị nhân sĩ trí thức lớn tuổi ấy cũng là những con người khả kính, đức độ, có lối sống lành mạnh và thực sự là những tài năng đất nước trong chuyên môn của họ. Vô cùng tiếc khi họ tự làm suy giảm thanh danh của mình trước hậu bối, đến nỗi bị bộ phận phản biện của phản biện gọi là "rận chủ, chấy thức". Dù sao thì cũng không nên gọi toàn bộ họ như thế, vì gọi như thế là "đánh đồng", "phủ nhận sạch trơn", thiếu mã thượng và cũng chính là một biểu hiện của sự quá khích, ít nhiều làm sứt mẻ tinh thần tôn sư trọng đạo, làm yếu đi khả năng hòa giải hòa hợp dân tộc. Bài học lớn rút ra từ sự ứng xử sai lầm của Đảng cộng sản Việt nam trong quá khứ vẫn còn đây: trong tình thế "nước sôi lửa bỏng" việc kiên quyết trấn áp lực lượng phản cách mạng nhằm giữ vững chính quyền, củng cố sức mạnh bạo lực để tiếp tục công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là đương nhiên và cũng tối cần thiết, nhưng do nhận thức thiếu tự chủ, cực đoan, duy ý chí, siêu hình về chuyên chính vô sản, về vấn đề giai cấp cũng như về phân biệt bạn-thù, ta-địch mà phần nào đã (vô tình) xa rời truyền thống nhân hậu, vị tha của dân tộc, vì vậy, trong hành động đã tỏ ra có phần quá quắt, bất nhẫn, gây ra không ít oan sai, uất ức và qua đó không nhiều thì ít gây ảnh hưởng trái chiều đối với tinh thần, chủ trương hết sức đúng đắn và sáng suốt được lãnh tụ Hồ Chí Minh nêu ra cũng như đã thực hiện ngay từ buổi đầu giành chính quyền, đó là trấn áp đi liền với vấn an trên nền tảng hòa giải hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc, nghĩa là lấy giáo dục, khuyên răn, thuyết phục trên tinh thần đồng cảm làm biện pháp chủ yếu, trừng trị chỉ là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng. Hiện nay trên mạng Internet đã hình thành tương đối rõ nét sự đấu tranh nội bộ (vì cùng chung một mục đích duy nhất và tối hậu là tìm cách chấn hưng đời sống kinh tế-xã hội, làm cho dân giàu (chứ không phải quan giàu!) nước mạnh(chứ không phải nhóm lợi ích mạnh!)) giữa hai lực lượng biện hộ xã hội và phản biện xã hội, dưới dạng "khẩu chiến", "bút chiến", nghĩa là đã có tính căng thẳng. Nói chung, như thế cũng tốt, thậm chí là rất tốt cho Đảng và Nhà nước, vì từ đó đã và đang xuất hiện những đánh giá tình hình, những góp ý xây dựng có tính lý luận cao, rất sâu sắc, rất thiết thực (không phải chỉ do những bậc trí giả có tiếng tăm mà cả do những "thất phu hữu trách", những "con dân tha hương" đề xuất). Tuy nhiên, dù có căng thẳng và gay gắt đến mấy thì mọi người, những ai tham gia "cuộc chơi" đó nên "thấm thía" và "thấm thía" hơn nữa lời nhắn nhủ chí lý chí tình của tổ tiên ông bà: "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng"...      
         Nhắc lại, "Đấu tranh sinh tồn" là qui luật tự nhiên cơ bản của thế giới sinh vật, trong đó gồm cả xã hội loài người. Đóng vai trò như một hệ quả rút ra từ qui luật này nhưng chỉ thể hiện rõ rệt trong đời sống xã hội loài người nên cũng mang màu sắc đặc thù coi như chỉ ở loài người mới có, đó là nguyên tắc có tính phổ biến: ở đâu có bất công, bóc lột, áp bức, ở đó có bất bình, phản kháng, đấu tranh. Quần chúng nhân dân là nền tảng của một xã hội, là căn bản của một đất nước. Đó là lực lượng to lớn, tiềm ẩn sức mạnh vô địch, nhưng lành tính, ít bị biến động, khích động trước ảnh hưởng của các hiện tượng, sự cố thông thường xảy ra trong xã hội (tương tự như đại dương với những biến cố cục bộ xảy ra trong lòng nó). Lịch sử nhân loại cho phép nhận định rằng dù ở thời nào và ở nước nào cũng vậy, yêu cầu tối hậu duy nhất mà cũng giản dị  của quần chúng nhân dân là được sống trong no đủ nhờ yên ổn làm ăn. Vì thế mà nói chung, dân chúng không mấy quan tâm đến chính trị. Đối với họ, sống dưới thể chế nhà nước nào cũng được, miễn cái yêu cầu sát sườn có tính sống còn ấy được đáp ứng, đảm bảo. Khi cái yêu cầu sát sườn có tính sống còn và đồng thời cũng chính là quyền sống cơ bản ấy đã không được thỏa mãn mà còn bị ngăn trở, bị xâm phạm ngày một nặng nề (nghĩa là bị áp bức bóc lột ngày một thậm tệ), uy hiếp rõ rệt đến khả năng sống còn thì cái khối nền tảng quần chúng ấy mới phản ứng theo trình tự từ ôn hòa (khiếu kiện, nhờ pháp luật giải quyết) đến quyết liệt (chống người thi hành công vụ, chống chính quyền), từ tự phát lẻ tẻ đến tự giác rộng khắp. Đó là quá trình vạn bất đắc dĩ phải tự thân đứng lên hành động của người dân "thấp cổ bé họng" nhằm bảo vệ quyền sống cơ bản, phúc lợi được hưởng từ thành quả lao động chính đáng của mình (nên cũng chứa đựng ở mức độ nhất định tính "có lý"), thế thôi chứ hành động tự thân đó chẳng hề có một mục đích chính trị nào (như nhiều người lầm tưởng hoặc cố ý gán ghép, thổi phồng). Sự hình thành và phát triển cái quá trình bất mãn, đi đòi được đảm bảo quyền sống cơ bản đó đồng thời cũng là quá trình tự phát xuất hiện những con người, những bộ phận thuộc tầng lớp nhân sĩ trí thức có trình độ lý luận nhất định, trên tinh thần yêu thương đồng loại, đứng về phía những người dân "bị xử ép" công khai phản biện, trưng ra những yêu sách (dù có thể hợp lý hay chưa hợp lý, dù thậm chí là sai lầm) nhằm giải quyết bất công. Đối với một nhà nước không những không giải quyết rốt ráo và hợp tình cuộc đi đòi quyền sống cơ bản đó theo hướng ưu tiên vì dân, mà còn bảo thủ, thực thi pháp luật thiếu uyển chuyển, thiếu nhân đạo (nên nhớ: luật pháp bao giờ cũng siêu hình và luôn bị kẻ xấu lợi dụng tính siêu hình ấy, và ở đời, mấy ai được như Bao Công???), tệ hơn nữa, lại chọn cách sử dụng bạo lực, lấy "phạt vạ", cưỡng chế, trấn áp làm phương thức giải quyết chủ yếu và thường xuyên, thì sớm muộn gì nó cũng sẽ làm hình thành nên một đội ngũ tập trung những con người ưu tú của quần chúng gồm phần lớn là nhân sĩ trí thức tình nguyện xả thân, dần  đồng thuận về tư tưởng, thống nhất về mục đích hành động, đóng vai trò tiên phong dẫn dắt quần chúng lên đường tranh đấu với nó. Lúc đó cũng chính là lúc phong trào đấu tranh đòi quyền sống cơ bản có tính thuần túy dân sự bắt đầu chuyển biến lên  thành cuộc đấu tranh chính trị, đòi "cải tổ" và ở mức cao hơn là đòi "giải tán" nhà nước cũ, xây dựng nhà nước mới "biết điều" hơn (hơn nữa,ở mức đòi hỏi cao nhất của ý chí về chính trị thì nhà nước mới cũng có thể được thành lập theo một thiết chế mới, dù chưa chắc "hay" hơn thiết chế cũ!). Hoạt cảnh phổ biến dễ nảy sinh ra từ mối quan hệ giữa thống trị và bị trị, đồng thời cũng là bài học chung nhất, cơ bản nhất đối với mọi nhà nước trong công cuộc "trị vì" sao cho quốc thái dân an, rút ra từ lịch sử nhân loại, có lẽ là như vậy. (Và nếu đúng như vậy thì phải quan niệm lại vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa cộng sản!)
        Nhận định một cách khách quan nhất thì nhà nước nào, theo thiết chế nào, dù "thích" hay không "thích", trực tiếp hay gián tiếp, tự giác hay không tự giác, mức độ nhiều hay ít, nếu muốn duy trì sự tồn tại của bản thân nó, thì trong hoạt động cai trị của nó phải "chừa đường sống" cho quần chúng cần lao. Nghĩa là một nhà nước dù có bạc bẽo đến mấy, ác độc đến mấy, tham tàn đến mấy thì cũng hàm chứa một cách tất yếu trong mục tiêu cai trị của nó tính "vì dân". Bởi vì quần chúng cần lao là nguồn gốc phát sinh ra nhà nước, là bệ đỡ cho nhà nước tồn tại và đồng thời là môi trường dung dưỡng nhà nước. (Một nhà nước, nếu muốn, có thể làm tiêu vong nhân dân của một nước khác nhưng dứt khoát không dám, mà cũng không thể trực tiếp ra tay làm tiêu vong nhân dân của nó!). Cho nên tiêu chí cơ bản, chính yếu và đích đáng để xét một nhà nước là tốt hay xấu, là thiện hay ác đối với nhân dân - lực lượng nền tảng cưu mang nó đồng thời cũng là đối tượng cai trị của nó - không phải là ở chỗ nó có hình thức thiết chế nào mà là tính vì dân của nó được thể hiện ra như thế nào, không phải là ở chỗ nó có mang nhãn mác vì dân hay không mà ở chỗ mức độ và hiệu quả hoạt động vì dân của nó đạt đến đâu trong thực tế. Nói thêm, một nhà nước chủ trương vì dân nhưng trong thực tiễn hoạt động vì dân không hiệu quả thì vẫn chưa thể đánh giá là "nhà nước vì dân" được.
        Xã hội xã hội chủ nghĩa là hình mẫu xã hội được hình dung bởi các nhà lý luận mác-xít hàng đầu. Trong xã hội ấy, với sự điều hành của nhà nước cộng sản (hay còn gọi là nhà nước xã hội chủ nghĩa và hiển nhiên nhà nước này chỉ có mục đích và hành động duy nhất, trực tiếp vì dân, cũng như toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân) sẽ không còn hiện tượng người áp bức bóc lột người và hơn nữa, ai cũng được "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu", được sống hồn nhiên trong một cộng đồng đầy lòng nhân ái (các nhà mác-xít có phân biệt hai hình thức là xã hội xã hội chử nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa, nhưng thực ra, chúng chỉ khác nhau về trình độ sống chứ bản chất thì như nhau!). Hình mẫu đó không phải là kết quả của sự mộng mơ có tính viển vông vô lối và tùy tiện mà là kết quả suy tư logic của những bộ não tư duy triết học thuộc hàng kiệt xuất của nhân loại, nghĩa là hình mẫu đó được "bảo hộ" bởi một hệ thống lý luận vững chắc đến độ ngày nay khó có ai có thể trên phương diện lý thuyết và xét về mặt triết học, phản bác được một cách "gãy gọn", rành mạch và có hệ thống. Thế thì tại sao cái hình mẫu quả thực là tươi đẹp và "rất sát" với thực tiễn nói trên lại không trở thành hiện thực được sau ngót 50 năm ra sức xây đắp của Liên-xô, nước đầu đàn có tiềm lực kinh tế mạnh nhất trong phe xã hội chủ nghĩa? Rất nhiều nhà tư tưởng đã đề cập đến vấn đề này, đã đưa ra nhiều luận giải, đúng có, sai có, nhưng mới chỉ "bó hẹp" trong những phạm vi, mức độ, lĩnh vực nhất định và có lẽ cũng mới chỉ xem xét ở những tầng nấc chưa đủ sâu, còn thuộc phần (tạm gọi là) "bề nổi". Tôi cho rằng dứt khoát phải có một nguyên nhân, đóng vai trò là nguyên nhân của mọi  nguyên nhân, như kiểu "gót chân asin", dẫn đến việc trong thời đại ngày nay, như đã thấy, xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ mới tồn tại dưới dạng hình mẫu lý tưởng chứ chưa thể triển khai thành hiện thực được (có lẽ phải đợi đến chí ít là ba thế kỷ nữa, tức là hiện thực chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xuất hiện, trong trường hợp sớm nhất, đâu đó ở thế kỷ XXIV!).
       Nghiên cứu để thấu tỏ cái nguyên nhân cốt lõi ấy là cả một đề tài rộng lớn, tốn nhiều thời gian và cũng đòi hỏi nhiều công phu, vì phải bắt đầu lại ngay từ những khái niệm cơ bản nhất, những quan niệm nền tảng nhất, đóng vai trò là những viên gạch đầu tiên xây dựng nên hệ thống lý luận của chủ nghĩa cộng sản. Bài viết này không có mục đích ấy, hơn nữa, vì khả năng có giới hạn nên người viết cũng không có tham vọng thực hiện công việc đầy khó khăn đó mà xin nhường lại cho các nhà tư tưởng, các nhà triết học trẻ. Tuy nhiên, người viết cũng mạo muội nêu ra đây vài ý kiến sơ lược nhằm (may ra) góp ích gọi là chút ít gì đó cho việc định hướng nghiên cứu, nhưng quan trọng hơn là trưng ra một phản biện xây dựng nữa, của một "thất phu hữu trách" nữa, cho Tổ Quốc yệu thương, cho Nhà nước Việt Nam hiện hành, một nhà nước, nói theo lời Nguyễn Trãi: "Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu"!

                                                                        ***


Thêm một vài ý nghĩ rời rạc, "không giống ai":
         +Một trong những biểu hiện phổ biến nhất, được rút ra từ vận động vật chất trong thực tại khách quan là tính tương tự. Ví dụ: hầu như tất cả các hệ thống vĩ mô tồn tại độc lập tương đối trong Vũ Trụ đều có dạng dẹt, vận động nội tại theo phương thức xoáy, nghĩa là có một thực thể "đầu đàn" đóng vai trò làm trung tâm cho các thực thể còn lại (gọi là những hành tinh) quay quanh nó (trên (xấp xỉ!) cùng một mặt phẳng quĩ đạo). Người ta gọi đó là những hệ hành tinh mà Hệ Mặt Trời là một trong số đó. Trong thế giới vô cùng nhỏ cũng tương tự như vậy. Điển hình là các nguyên tử: nội tại của chúng gồm hạt nhân (hợp thành từ các nuclêon) đóng vai trò trung tâm và "quay" quanh nó là các điện tử (đóng vai trò là những hành tinh). Dù sự "quay" của các điện tử quanh hạt nhân, do ở tầng không gian vi mô bị hạn chế về số lượng phương chiều và hơn nữa, tính ơclít đã bị vi phạm (đây là ý riêng, suy đoán rút ra từ "báo cáo" của các kết quả thí nghiệm vật lý vi mô, chứ vật lý hiện đại chưa chính thức khẳng định!) nên  không còn thể hiện xác định tính quĩ đạo và đồng thời cũng không thể hiện sự tồn tại mặt phẳng quĩ đạo chung, thì trong một khuôn khổ qui ước mở rộng nhất định, vẫn có thể gọi nguyên tử nào đó là một hệ hành tinh (đúng nghĩa)...Xét về tính lý tưởng thì chủ nghĩa cộng sản cũng tương tự con lắc toán học (đừng vội phì cười vì trong hình học tôpô sự so sánh tương tự còn khập khiễng hơn nhiều nhưng...đố ai cười được!). Nếu lực ma sát đã là nguyên nhân cơ bản "cấm" con lắc toán học xuất hiện trong hiện thực, thì "lực cản" nào đã cấm hình mẫu xã hội cộng sản trở thành hiện thực? Có thể tạo ra trong hiện thực một con lắc (con lắc vật lý) hoạt động điều hòa như con lắc toán học bằng cách bù lực hợp lý cho nó. Vậy, cần phải bổ sung một cách hợp lý cái gì để một xã hội có cấu trúc như hình mẫu xã hội theo lý tưởng cộng sản hoạt động được suông sẻ và lâu bền trong hiện thực?
          +Nhớ lại, Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết đang là một quốc gia hùng cường (thực sự) nhất nhì thế giới thì bỗng "đùng một cái" tan rã nhanh chóng và dễ dàng đến nỗi không một ai, kể cả những nhà phân tích tình hình sắc sảo nhất của đương thời đó có thể ngờ được. Nhưng rõ ràng đó không thể là biến cố thuần túy ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một quá trình tích tụ ngày càng lớn những mâu thuẫn không dung hòa được và cũng không khắc phục được giữa ý chí tạo dựng xã hội xã hội chủ nghĩa trong hiện thực và những vấn nạn nảy sinh, phát tác dai dẳng trong thực tại đời sống xã hội như một căn bệnh không có thuốc đặc trị. Từ ngày Nhà nước (cộng sản) Liên Xô tiêu vong cho tới nay, đã có nhiều công trình lý luận nghiệm túc mổ xẻ, nghiên cứu tỉ mỉ nhằm tìm ra câu trả lời xác đáng nhất vì sao sự sụp đổ đó lại có thể xảy ra và xảy ra theo cái cách "oái oăm" như thế. Trên báo Nhân Dân (điện tử) có bài viết mang tựa đề: "Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng cộng sản Liên Xô". Có lẽ đó là "bản tổng kết" có hệ thống, đầy đủ và súc tích nhất của các nhà mácxít Việt Nam về những nguyên nhân dẫn đến sự tiêu vong nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới. Cụ thể, bài viết đó chỉ ra 4 nguyên nhân cơ bản (tôi tóm lược lại) sau đây:
               *Vi phạm nguyên tắc cơ bản là "Tập trung dân chủ" trong xây dựng đảng và hoạt động của đảng.
               *Phạm sai lầm trong nhận định chính trị-kinh tế dẫn đến sai lầm trong hoạch định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở từng thời kỳ nhất định theo như học thuyết Mác-Lê chỉ ra.
               *Sự tồn tại tầng lớp cộng sản chóp bu được hưởng đặc quyền đặc lợi, nạn tham nhũng, tha hóa đạo đức trong nội bộ đảng, trong bộ máy công quyền làm giảm mạnh lòng tin của nhân dân vào chế độ. 
               *Sự công phá của các thế lực thù địch từ bên ngoài bằng con đường gọi là "diễn biến hòa bình".
          +Quan sát từ góc độ khác, bốn cái gọi là nguyên nhân nói trên cũng chính là những tồn tại có tác động trực tiếp làm lung lạc tinh thần của đại chúng Liên-Xô, làm cho đại chúng Liên-Xô dần trở nên ngày càng chán nản, bất mãn, mất niềm tin vào chế độ trước một thực trạng xã hội đầy ảm đạm đồng thời chứa chấp nhiều khiên cưỡng, khắc kỷ, trái khoáy, bộc lộ ra những hiện tượng phi lý, bất công đến mức độ thành vấn nạn xã hội. Từ đó tất yếu phải nảy sinh trong lòng xã hội Liên-Xô mà chủ yếu là trong tầng lớp nhân sĩ, trí thức, kể cả trong guồng máy lãnh đạo cấp cao, sự nung nấu chín muồi dần về một cuộc cải cách toàn diện xã hội. Mầm mống tạo nên tiền đề của sự nung nấu ấy nếu không xuất hiện từ thời Lênin thì cũng vào thời Xtalin, trong giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ 2. (Cuộc chiến tranh vệ quốc đã xóa nhòa tất cả những mầm mống đã bắt đầu phát lộ ấy!...). Nhưng câu hỏi đặt ra là cải cách toàn diện xã hội theo hướng nào và như thế nào? Quá trình mấy chục năm xây dựng một xã hội theo hình mẫu của chủ nghĩa cộng sản và thực trạng đời sống vật chất- tinh thần xã hội mà công cuộc xây dựng đó đạt được, đã phô bày ra mâu thuẫn lớn, vô hình dung, làm cho lý tưởng cộng sản dần trở thành như một thứ giáo điều mà bộ phận lãnh đạo chóp bu của Đảng cộng sản Liên-Xô hơp thành như một giáo hội độc đoán, chuyên quyền, được điều hành bởi những kẻ đạo đức giả, luôn hô hào, rao giảng những tín điều của thứ giáo điều ấy cho đại chúng sống đạm bạc,  trong khi vẫn giành cho mình những đặc quyền, đặc lợi, cuộc sống trong nhung lụa, vinh hoa phú quí. Chính điều đó đã làm cho đại chúng Liên-Xô không những chán ghét Đảng cộng sản Liên-Xô mà còn mất hết niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, đồng thời lại thấy ở xã hội tư bản phương Tây những điều mà họ mơ ước. Trong bài viết trên báo Nhân Dân (điện tử) đã nêu ở trên, có đề cập đến một sự kiện, đó là trước khi Đảng cộng sản Liên-Xô (chính thức!) tan rã, đã có một cuộc điều tra dân ý với câu hỏi: "Đảng cộng sản Liên-Xô đại diện cho ai?", và kết quả tổng hợp câu trả lời là:
                                       -Đại diện cho công nhân : 4%
                                       -Đại diện cho nhân dân Liên-Xô : 7%
                                       -Đại diện cho toàn thể đảng viên : 14%
                                       -Đại diện cho quan chức, cán bộ và nhân viên nhà nước : 75%
      Như vậy, có thể thấy chính quá trình vận động trong thực tế mấy chục năm của xã hội Liên-Xô đã làm hình thành nên trong tinh thần của đại chúng Liên-Xô nỗi bức xúc ngày càng gay gắt đòi hỏi phải có một cuộc cải tổ xã hội (hoặc có thể dùng thuật ngữ "đổi mới") sâu rộng có tính căn cơ và tất nhiên là theo xu hướng khắc phục tình trạng bao biện, chủ quan duy ý chí, độc đoán, lộng quyền trong sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên-Xô, cũng như tình trạng quan liêu, giáo điều, khiên cưỡng, bảo thủ, cửa quyền trong sự điều hành của Nhà nước Liên-Xô. Đến đây, có thể rút ra nhận định rằng, sự xuất hiện M. Goorbachốp và B. Enxin, hai cá nhân chủ yếu và nổi bật trong việc trực tiếp làm tan rã Đảng cộng sản Liên-Xô cũng như làm sụp đổ nhanh chóng nhà nước Liên-Xô, vừa là một ngẫu nhiên "xui xẻo", vừa là một tất nhiên về mặt tư tưởng, được hun đúc nên từ chính những suy tư, trăn trở trong suốt gần nửa thế kỷ  thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (không thành công) của Đảng cộng sản và Nhà nước Liên-Xô. Nói cách khác, cải cách theo hướng "cởi mở" là yêu cầu bức thiết và cũng (sẽ) là "bước đi" mang tính tất yếu trong sự vận động của xã hội Liên-Xô (và cả hệ thống xã hội chủ nghĩa nói chung!). M. Goorbachép là người thức thời nhận biết được yêu cầu đó và cũng là người được đại chúng Liên-Xô kỳ vọng, giao cho trọng trách trực tiếp thực hiện yêu cầu đó trong thực tiễn. Tuy nhiên, do bị hạn chế bởi nhận thức có tính thời đại và có thể là cả sự lũng đoạn của bầu không khí chính trị đã bị "ngộ độc" ở Liên-Xô, mà Goorbachốp đã không có đủ lý trí để thấu tỏ được bài học quí báu của lịch sử, đã không tỉnh táo để cảm nhận được cái đẹp bản chất của chủ nghĩa xã hội và cái xấu bản chất của chủ nghĩa tư bản, đã không hiểu rằng những hiện tượng tiêu cực, suy đồi đạo đức là có tính phổ biến của xã hội loài người chứ không phải là riêng có của xã hội theo thiết chế nhà nước cộng sản, do đó đã "buông lơi" chuyên chính (thứ mà nhà nước theo thiết chế nào cũng phải chú trọng duy trì để bảo vệ chế độ), "thả rông" tự do, dân chủ quá trớn (những thứ mà nhà nước theo thiết chế nào cũng phải khống chế chúng trong một phạm vi, mức độ hạn định bằng chuyên chính, nếu muốn xã hội ổn định, không xảy ra hỗn loạn, và hơn nữa, có được tự do, dân chủ đúng nghĩa, đích thực!), cho nên đã thực thi "cởi mở" một cách vô lối, "tuốt tuồn tuột" đến độ...vô chính phủ, làm tan rã nhanh chóng Liên-Xô, tạo điều kiện thuận lợi có một không hai cho toàn xã hội Liên-Xô trở lại sống dưới chế độ tư bản chủ nghĩa - cái chế độ (cho đến nay về cơ bản vẫn vậy)  mặc nhiên ưu tiên đãi ngộ, đảm bảo quyền lợi cho cá nhân (nhân quyền), nhất là đối với những chủ tư bản mạnh, hơn hẳn sự đãi ngộ, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng (dân quyền), nhất là đối với những kẻ nghèo hèn, nghĩa là "hô hào" bình đẳng, bác ái nhưng trong thực thi vẫn dựa trên cơ sở...thiếu bình đẳng, thiếu bác ái (nên cũng tạo ra tâm lý xã hội tôn thờ đồng tiền thái quá, coi đồng tiền là chìa khóa vạn năng (mà cũng đúng thật!) giải quyết mọi mưu cầu, mọi vấn đề mắc mứu trong xã hội, từ đó kích thích lòng tham-sân-si của con người lên cao độ (nhiều khi đến mù quáng) và như thế, cũng coi như dung túng tiềm tàng nhiều mầm mống bất công, nhẫn tâm luôn "nảy lộc vươn chồi " ra mọi lúc, mọi nơi), đó là cái chế độ mà nhân dân Liên-Xô đã từng trải nghiệm nên đã tin theo Đảng cộng sản Liên-Xô, tốn biết bao công sức, máu xương chối bỏ nó và xây dựng xã hội theo chế độ cộng sản (có bản chất hoạt động lý thuyết là chủ đích và trực tiếp vì quyền lợi của toàn dân (dân quyền) rồi thông qua đó mà (gián tiếp) cũng vì nhân quyền). Qua đó mà thấy, Goorbachốp đã không những không thỏa mãn được kỳ vọng của đại chúng Liên-Xô để có cơ may là "nhà cải tổ vĩ đại" như ông ta từng "tự sướng", mà còn trở thành tội đồ phá tan mọi thành quả tốt đẹp đã đạt được trong thực tế (dù còn nhiều hạn chế phải khắc phục!) của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (dù chưa thành). Nếu giả sử rằng, Goorbachốp là Lênin, hoặc thấu tỏ được cái ẩn chứa sâu xa có ý nghĩa như một nguyên tắc cơ bản (có tên gọi là "Chủ nghĩa tư bản nhà nước") trong chủ trương "Chính sách kinh tế mới" (gọi tắt là "NEP") của Lênin kiệt xuất (vì chỉ có kiệt xuất mới đủ trí lực hiểu được ý kiến còn khái lược trước đó của thiện tài (của Mác) và đưa ra chủ trương ấy, trong thời buổi bấy giờ!) để lấy đó làm cơ sở vận dụng, đề ra nội dung cải tổ trong tình hình mới, thì sự thể chắc là sẽ rất khác hiện nay, theo hướng tốt đẹp hơn nhiều. Nhưng...than ôi!
            +Sau đây là nhận định trong "Lịch sử thế giới hiện đại" (NXB Giáo Dục-2006, Nguyễn An Thái chủ biên):
     "Với những biện pháp của Chính sách kinh tế mới, Lênin đã chỉ ra sự cần thiết phải thay đổi về căn bản các nhận thức, quan niệm trước đây về chủ nghĩa xã hội. Đó là sự chuyển hướng chiến lược từ quá độ trực tiếp sang quá độ gián tiếp, từ từ, từng bước một, kiên trì tìm tòi những bước đi thích hợp, vừa tầm đi tới chủ nghĩa xã hội. Lênin đòi hỏi phải áp dụng những biện pháp cần thiết là thỏa hiệp với nông dân, tự do buôn bán, mở rộng thị trường, sử dụng quan hệ hàng hóa-tiền tệ...vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội. Phát triển sức sản xuất, chuyển từ ảo tưởng "kế hoạch hóa tập trung, phân phối trực tiếp bằng hiện vật" sang thực thi kinh tế hàng hóa-thị trường, phát triển dân chủ và củng cố vai trò chính trị của Đảng...". (Những chữ in nghiêng, đậm là tôi nhấn mạnh-nv). Ngày nay nhìn lại, chính Lênin là người đầu tiên nêu lên một cách cụ thể ý tưởng "xây dựng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Tiếc rằng Lênin mất quá sớm, và Xtalin đã không thấm nhuần được tư tưởng đúng đắn đó của ông.
            +Như đã nói, bốn nguyên nhân cơ bản nêu trên (có lẽ gọi là bốn duyên cớ trực tiếp nghe hợp lý hơn?) cũng là bốn tồn tại hủy hoại tinh thần xã hội dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Liên-Xô. Theo nguyên lý nhân quả thì bốn tồn tại đó phải có nguyên nhân tạo ra chúng. Trong bốn tồn tại đó, tồn tại thứ tư (tác động "diễn biến hòa bình") có nguyên nhân ngoại lai và thứ yếu (vì đối với một "cơ thể xã hội" lành mạnh thì tác động đó không thể gây nguy hại gì), nên không cần chú ý đến. Ba tồn tại còn lại rõ ràng có nguyên nhân phát sinh ngay trong nội tại xã hội mà chủ yếu là trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng cộng sản và Nhà nước Liên-Xô, Dễ thấy ngay, tồn tại thứ nhất do ý chí cá nhân độc chiếm độc tôn quyền lực lãnh đạo gây ra. Tồn tại thứ hai một phần do tồn tại thứ nhất, phần lớn hơn do chưa nhận thức được luận điểm đóng vai trò là một nguyên lý cơ bản về xây dựng chủ nghĩa xã hội nêu trên của Lênin. Tồn tại thứ ba do ý chí củng cố, tự vệ quyền lực cá nhân, đồng thời với nạn tham quyền cố vị, thèm khát danh lợi gây ra. Như vậy, chung qui lại, cả ba tồn tại, xét cho cùng, đều do ý chí chủ quan của con người, hay nói chính xác hơn, do lý trí bị đầu độc đến mê quáng bởi bản tính tham-sân-si (có nguồn gốc từ tự nhiên, "thường trú" một cách (gần như!) cố hữu trong tâm hồn con người) gây ra.
            +Nói thêm và ngắn gọn về tham-sân-si. Bản năng sinh tồn làm xuất hiện tính tham. Tính tham đã biểu hiện với mức độ mờ-tỏ nào đó ở các giồng loài sinh vật chưa có tư duy, và rõ nhất là ở những động vật có thần kinh bậc cao. Ở loài động vật có tư duy trừu tượng (loài người), sự hồi ức và suy diễn làm cho tính tham trở nên đặc biệt sâu sắc và (tạm gọi là) cuồng nhiệt, "đeo đẳng" dai dẳng trong tâm hồn con người và luôn hối thúc "cái tôi" thỏa mãn nó. Có thể dùng thuật ngữ "thèm khát danh lợi" để nói về cái tham đặc thù, được hình thành nên từ sự "kết hợp" giữa bản năng với ý thức, có gốc tồn tại sâu trong tiềm thức và do đó, chỉ ở loài người mới có. Vì có cái tham và ý chí thỏa mãn cái tham ấy mà cũng "dễ bề" xuất hiện cái "sân" (ích kỷ, ghen ghét, ganh đua, tranh dành...) ở mỗi con người, và mọi bất công, đau thương, khốn khổ do con người gây ra cho con người trong xã hội ( nghĩa là trong cả tình cảm máu mủ ruột thịt, trong cả tình yêu lứa đôi) đều từ đó mà ra cả. Vì tham-sân "dính líu" đến bản năng (có tính tự phát, mù quáng) nên không thể tiệt trừ tuyệt đối được, nhưng vì "dính líu" đến cả ý thức (có tính tự giác, tỏ tường) nên có thể tiêu trừ tương đối được. Tuy nhiên, muốn tiêu trừ tham-sân hoặc chế ngự tham-sân ở mức độ (nào đó được qui ước là) hợp lý thì ý thức phải thực sự thông tuệ, thực sự thấu suốt về nhân tình thế thái (cực khó để đạt được như thế đấy nhé!!!), mà trong Đạo Phật trạng thái ý thức ấy được gọi là "giác ngộ", hơn nữa là "đại ngộ". Ý thức khó  đạt đến chí lý, chí tình được là vì sự ngăn cản, "quậy phá" (ngay từ đầu!) của hai yếu tố chính yếu: trình độ nhận thức về tự nhiên-xã hội-nhân sinh và chính cái tham cố hữu trong lòng người. Một ý thức chưa thực sự giác ngộ thì có nghĩa vẫn còn mê muội, lầm lạc, hay nói như Đạo Phật là còn bị "si". Vậy thì cái si cũng là vốn có ở mỗi con người nhưng nó ở trạng thái "yếu" hay "mạnh" lại là do tình thế cuộc sống và tinh thần xã hội chi phối. Chẳng hạn, trong xã hội có năng lực chế tác to lớn, tự do sản xuất hàng hóa (xã hội tư bản), tất yếu dẫn đến cạnh tranh thị trường với mọi thủ đoạn có thể để tiêu thụ mà phương thức cơ bản nhất, chính yếu nhất là kích thích tiêu dùng, nghĩa là khuyến dụ ý thức đã si càng...si hơn nữa (!) bằng quảng cáo (quảng cáo tràn lan rõ ràng là lợi bất cập hại!). Ý thức như thế nào thì ý chí (chủ đích tự giác của trí não về chân lý, về đúng-sai, muốn đạt tới) như thế. Nếu quan niệm lý trí là tư đuy đã đạt đến thuần túy khách quan (nghĩa là chí lý) thì ý chí là lý trí vẫn còn bị lũng đoạn bởi nhận thức còn hạn chế bởi cảm tính chủ quan, "vướng víu" bản năng đầy bảo thủ của con người. Mức độ si của ý thức qui định mức độ tham-sân và khi ý thức lạc đến si cuồng thì tham-sân sẽ bùng phát vô lối đến cao độ, thậm chí đến...vô độ lượng. Lúc đó, ý chí sẵn sàng bất chấp luân thường đạo lý, sẵn sàng thực hiện mọi thủ đoạn đê hèn cũng như độc ác nhất. Và một khi ý chí ấy ở địa vị lãnh đạo (nghĩa là nắm được quyền lực nhất định) thì...thôi rồi!!! Như vậy, qui kết lại, con người gây ra khốn khổ, đau thương cho đồng loại trong xã hội là tại tham-sân-si thái quá với vai trò "đầu tàu" là "đồng chí" si - sự mê muội, lầm lạc, và sự mê lầm này rốt cuộc, theo Đức Phật là do vô minh (không biết, chưa "đốn ngộ"). 
            +Theo truyền thuyết, có lần một người hỏi Đức Phật Thích Ca về nguồn gốc của vô minh, ngài đã im lặng, không trả lời. Lúc đó ngài biết nhưng không muốn trả lời hay thực ra là ngài cũng không biết? Nghi vấn đó còn tồn tại đến ngày nay. Không nên hiểu khái niệm vô minh của Đức Phật chỉ theo nghĩa hẹp như là sự ngu dốt, thiển cận thông thường mà phải hiểu như là sự hạn chế về khả năng nhận thức nói chung, có tính phổ biến của con người về tự nhiên-xã hội-nhân sinh, và khả năng nhận thức này là có tính thời đại, tùy thuộc vào mức độ tri thức của xã hội ở từng thời đại. Phải chăng vì chưa thấu tỏ được nguồn gốc của sự vô minh về cõi nhân sinh, về bản chất chung của con người cho nên lý tưởng của Phật Giáo về một xã hội không còn tham- sân- si, nghĩa là mọi khổ đau cũng không còn, dù có vẻ rất đẹp đẽ và giàu tình nhân ái, vẫn chỉ là ảo tưởng hão huyền? Và tương tự, cũng vì lý do đó mà dù vạch ra con đường chủ động hơn, sát thực hơn thì lý tưởng cộng sản cùng với hình mẫu xã hội xã hội chủ nghĩa của nó cũng chưa thể thành hiện thực được trong thời đại ngày nay, thậm chí là trong một tương lai không gần (không có nghĩa là xa!)? Nhưng không phải vì thế mà chối bỏ lý tưởng cộng sản trong việc định hướng xây dựng và phát triển xã hội!!!
             +Tiền đề lý luận của chủ nghĩa cộng sản là triết học duy vật lịch sử và học thuyết về giá trị thặng dư của Mác. Nếu cho rằng có một nguyên nhân sâu xa duy nhất- nguyên nhân tối hậu của mọi nguyên nhân- làm cho hình mẫu xã hội cộng sản còn lâu nữa mới có cơ may trở thành hiện thực được, và muốn phát hiện ra nó, thì khả năng duy nhất là phải xem xét kỹ lại hai luận thuyết đó, mà bước đầu tiên tất nhiên là phải xác định lại tính thỏa đáng (mức độ đúng-sai) của những khái niệm, quan niệm nền tảng như: nhà nước, giai cấp, bóc lột thặng dư sức lao động...Dưới đây là vài suy lý phản biện (nêu ra làm thí dụ để tham khảo chứ chưa chắc đã đúng!).
               +Một trong những nguyên lý cơ bản nhất của tự nhiên là nguyên lý nhân-quả. Nội dung của nguyên lý này nôm na là, không gì có thể xuất hiện ra được từ sự không có gì (!), nghĩa là cái gì đó sinh ra sau bao giờ cũng là thành tạo thông qua quá trình vận động, tương tác, chuyển hóa, đúc kết của những cái có liên quan và đã được sinh ra trước đó. Xét về mặt vật chất và vận động thì "máu thịt" và "sự sống" của cái mới chỉ có thể là sự "tích hợp", "cấu thành" nào đó từ "máu thịt" và "sự sống" của những cái cũ. Chính vì thế mà quá trình nhân-quả cũng đồng thời là quá trình mang tính kế thừa-tân tạo (gọi chung là sáng tạo cho gọn!): kế thừa để sáng tạo và sáng tạo trên cơ sở kế thừa. Quá trình nhân-quả là quá trình tự nhiên (dù có nhân tạo đến mấy thì xét cho cùng tận vẫn là thiên tạo!!!), xét ở góc độ khách quan nhất là không phát triển mà cũng không suy tàn. Chỉ khi qua tư duy nhận thức và chủ quan qui ước dựa trên một cơ sở nhất định nào đó mới có thể đánh giá một quá trình nhân-quả nào đó là đúng hay sai, tốt hay xấu, phát triển hay suy tàn (mà thực ra cũng tương đối thôi chứ không thể dứt khoát được!). Suy ra từ luận đề đó sẽ có nhận định: lịch sử xã hội loài người là một quá trình luôn đổi mới trên cơ sở kế thừa, và sự đổi mới ấy cho đến nay là luôn trong xu thế phát triển nếu xét về trình độ nhận thức, năng lực chế tác cũng như mức độ tinh vi của những thành quả nhân tạo ( còn nếu xét về mặt tiến hóa sinh học hay về mức độ đày đọa, giết chóc lẫn nhau trong nội bộ loài...thì chắc gì đã phát triển(?), thậm chí nhiều khi chỉ có thể nói không suy tàn thì cũng...suy đồi!). Mác là người trên cơ sở kế thừa và sáng tạo quan niệm về tự nhiên của Hêghen, đã đề xướng ra ba qui luật cơ bản của vận động vật chất (qui luật lượng đổi thì chất đổi và ngược lại, qui luật mâu thuẫn, qui luật phủ định của phủ định) và cho rằng mọi quá trình nhân- quả đều vận động tuân theo ba qui luật này. Trong ba qui luật đó, qui luật mâu thuẫn (hay còn gọi là qui luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập) đóng vai trò "xương sống", nòng cốt. Theo Hêghen, mâu thuẫn là một tồn tại vốn dĩ (sẵn có "từ trước"), đóng vai trò là nguồn gốc bên trong của sự vận động và phát triển. Ông khẳng định: "Mâu thuẫn là cái làm cho thế giới vận động", "là nguyên tắc của mọi sự tự thân vận động", hơn nữa, "một cái gì đó là có sự sống, chỉ bởi vì và chỉ trong chừng mực cái đó chứa mâu thuẫn trong bản thân nó, đồng thời, nó là một lực lượng có khả năng can thiệp vào mâu thuẫn đó trong bản thân nó, và có khả năng chịu đựng cũng như vượt qua mâu thuẫn đó". Nếu thừa nhận rằng (và không thể không thừa nhận được!), mọi quá trình vận động (được thấy!) có khởi đầu và kết thúc đều phải tuân theo nguyên lý nhân-quả, và ngược lại, sự qui định của nguyên lý nhân-quả làm cho mọi tồn tại (được thấy!) xuất hiện (trong vũ trụ) trước sau gì cũng phải tiêu vong, thì cũng phải thừa nhận rằng, quan niệm nêu trên của Hêghen là chưa thỏa đáng, thậm chí là hoàn toàn sai lầm, vì đã vi phạm nguyên lý nhân- quả. Nếu quả thực đó là sai lầm thì khả năng chủ yếu là vì Hêghen đã không vượt qua được phạm vi nhận thức khoa học còn hạn chế của thời đại mình, và đã rút ra kết luận từ sự quan sát, suy diễn mang nặng cảm tính trực giác, kinh nghiệm chủ quan, dẫn đến quan niệm siêu hình, ẩn chứa mâu thuẫn logic. Cụ thể ở đây, Hêghen đã ngộ nhận, "đề cao" vận động tự thân của sự vật đến mức tuyệt đối. Thực ra, ngoại trừ bản thân Vũ Trụ, còn lại không thể có bất cứ một sự vật nào có thể vận động tự thân một cách tuyệt đối được. Bởi vì nếu có tự thân vận động tuyệt đối thì cũng phải có tự thân xuất hiện tuyệt đối và tự thân mất đi tuyệt đối, và như thế không những là vi phạm nguyên lý nhân-quả mà còn "dẫn đến" triệt tiêu tuyệt đối mâu thuẫn - cái đóng vai trò là tiền đề làm nên sự (tự thân) vận động. Khi nói  một vật nào đó tự thân vận động thì nên hiểu rằng sự tự thân ấy chỉ là tương đối, trong một phạm vi nhất định, theo một mức độ qui ước hạn định mà thôi. Ngay cả sự suy nghĩ của một con người cũng vậy! Rất dễ thấy rằng vận động nội tại của một vật là có tính tự thân. Nhưng đồng thời (dù khó thấy), vận động nội tại ấy cũng có mối quan hệ tương tác thường xuyên liên tục với môi trường bên ngoài. Có thể nói, sự vận động nội tại của một vật quyết định sự tồn tại của vật đó, tính tự thân của vận động này thể hiện ra (tạm coi như là) làm cho nội tại vật có xu thế "trở về" trạng thái cân bằng tĩnh tại (bất động, chết), còn tác động của môi trường thì thể hiện ra ở chỗ (cũng tạm coi như là) làm cho vận động  nội tại vật được duy trì lâu dài ở (những) trạng thái cân bằng động nào đó mà (sự biến đổi của) môi trường qui định. Chung qui thì tùy thuộc vào cách thức, mức độ, sự biến đổi tác động của mội trường đối với vận động nội tại của một vật mà vật đó có thể được duy trì, tăng cường hơn, suy yếu đi, hay thậm chí là bị chấm dứt đột ngột sự tồn tại của nó. (Nói ngoài lề: phải chăng đó cũng là căn nguyên sâu xa nhất về sự tồn-vong tất yếu của vạn vật vô sinh cũng như về sự sống-chết định mệnh trong giới hữu sinh???)...Đến đây, có thể khẳng định, nếu nguyên lý nhân-quả đích thực là chân lý, thì qui luật mâu thuẫn phải là "phiếm chân lý" (từ dùng của Hêghen) và do đó chắc chắn hai qui luật về tự nhiên còn lại của Mác nhiều ít gì cũng "phiếm chân lý"...
+ Rõ ràng một quá trình xảy ra trong tự nhiên chỉ là...một quá trình đơn thuần là kế thừa và biến đổi, có (những) mặt này mặt khác hay toàn bộ được thêm vào hay bớt đi về lượng vật chất, thế thôi, chứ không thể "khơi khơi" cho rằng đó là quá trình (tổng thể hoặc bộ phận) phát triển hay suy tàn, là tốt hơn hay xấu hơn, nếu không dựa vào tiêu chí qui ước nào, nghĩa là chỉ sau khi có sự đánh giá trên cơ sở nào đó của tư duy nhận thức, mà cũng...chưa chắc đã đúng thực. Hơn nữa, không thể duy ý chí (nghĩa là cực đoan) cải tạo xã hội bằng cách xóa bỏ "ngay lập tức" tất cả những tồn tại thực tế đang vận động để thay vào đó những tồn tại còn trên lý thuyết (những tồn tại ảo!). Không thể có xã hội lý tưởng mà chỉ có thể có xã hội gần lý tưởng. Không thể xây dựng được xã hội gần lý tưởng nếu trước hết không tạo ra được những con người lý tưởng hay gần lý tưởng đến mức "sát sườn" hợp thành một khối lãnh đạo gần lý tưởng đến mức sát sườn...

                                                                     ***

      Trên đây là quan niệm của tôi và ý kiến xây dựng của tôi mà tôi đã rút ra từ tâm can gan ruột mình gửi đến những con người đang phụng sự cho dân giàu nước mạnh, đến những con người đang trăn trở với nặng lòng yêu thương Tổ Quốc, và cả đến những con người đã lầm lạc đặt tình cảm của họ trong thường trực oán ghét, hận thù Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh, cũng như mang ác ý khi "gán" tất cả hiện tượng xấu xa xảy ra trong xã hội cho sự tồn tại của đảng ấy.
Thay cho lời kết luận, tôi lại trích dẫn lời của N. A. Ôxtơrốpxki ở đầu bài: "Cái quí nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời-sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người", và xin nhắn nhủ thêm rằng nên hiểu mở rộng ý nghĩa của "...sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người" là sự nghiệp hành động vì một xã hội chân-thiện-mỹ đích thực nói chung, chứ không cứ gì vì chỉ xã hội XHCN nói riêng!...

                                                                                                                      
                                                                                                                                 Đại Chúng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét