Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

CÂU CHUYỆN VỤ ÁN 11 (Lệ Chi viên)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Vụ án Lệ Chi Viên

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vụ án Lệ Chi Viên, tức vụ án vườn vải, là vụ án mà đại thần Nguyễn Trãi bị vu oan và bị tru di tam tộc thời Lê sơ trong lịch sử Việt Nam.

Vụ án

Ngày 27 tháng 7 (âm lịch) năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng 8 (âm lịch) vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40 được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sự xinh đẹp, có tài văn chương, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà, lúc này ông mới 20 tuổi. Các quan bí mật đưa về, ngày 6 tháng 8 (âm lịch) mới đến kinh sư, nửa đêm vào đến cung mới phát tang. Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi và gia đình bị án tru di tam tộc và bị giết ngày 16 tháng 8 (âm lịch) năm này. Đến tháng 7 (âm lịch) năm Giáp Thân (1464), vua Lê Thánh Tông đã rửa oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù bá và bổ dụng người con còn sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ.

Giai thoại

Có giai thoại nói rằng lúc cha Nguyễn Trãi (có bản ghi Nguyễn Phi Khanh) còn dạy học có dự định cho học trò phát hoang khu vườn, đến đêm nằm mơ thấy một người đàn bà với bầy con dại tới xin ông cho thư thả ít hôm mới dọn nhà vì con mọn, sáng ra khi học trò của ông phát cỏ vườn nhà thì đánh chết một bầy rắn, lúc đó ông mới hiểu ra ý nghĩa giấc mơ, ông than thở, cho chôn bầy rắn và cho học trò biết là loài rắn thường hay thù dai, thế nào cũng trả thù ông. Đêm đó, lúc ông đọc sách thì có con rắn bò trên xà nhà nhỏ một giọt máu thấm vào chữ "đại" ("đời") qua ba lớp giấy ứng với việc gia tộc ông bị hại đến ba đời. Ngày sau con rắn hóa ra bà Nguyễn Thị Lộ dụ dỗ ông, hại ba đời nhà ông và biến thành rắn bò đi khi bà Nguyễn Thị Lộ bị dìm xuống sông.
Nhiều người tin rằng giai thoại này nhằm đổ tội cho bà Nguyễn Thị Lộ, giải thích nguyên nhân tiền định về cái chết của vua Lê Thái Tông và Nguyễn Trãi, xoa dịu lòng tiếc thương Nguyễn Trãi và chán ghét nhà Lê nhỏ mọn đối với công thần. Họ cho rằng đây là thuật tuyên truyền của tầng lớp thống trị hồi đó lợi dụng lòng mê tín của nhân dân. Ngày nay giai thoại này bị bác bỏ và không được xác chứng.

Nguyên nhân

Đến nay, một số nhà nghiên cứu sử Việt Nam, như Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ (trong tác phẩm "Nhìn lại lịch sử"), cho rằng chủ mưu vụ án chính là Nguyễn Thị Anh, vợ thứ vua Lê Thái Tông.

Ngôi thái tử

Ngoài các suy đoán căn cứ vào sử sách, gần đây các nhà nghiên cứu nói trên đã tham khảo gia phả dòng họ Đinh là con cháu của công thần Đinh Liệt nhà Hậu Lê và phát hiện nhiều bài thơ của chính Đinh Liệt để lại (được công bố trong "Nhìn lại lịch sử" của họ). Bài thơ được viết bằng chữ Hán nhưng viết theo kiểu ẩn ý, dùng phép nói lái để người đọc suy đoán rằng: Thái tử Lê Bang Cơ (tức vua Lê Nhân Tông) không phải là con vua Lê Thái Tông.
Vua Lê Thái Tông lúc mất mới 20 tuổi nhưng trước khi mất vua đã có 4 con trai. Con lớn nhất là Lê Nghi Dân, con thứ hai là Khắc Xương, con thứ ba là Bang Cơ (Lê Nhân Tông sau này), con thứ tư là Tư Thành (Lê Thánh Tông sau này). Vì các hoàng tử đều còn quá nhỏ (chỉ chênh nhau một vài tuổi) nên việc tranh chấp ngôi thái tử xảy ra giữa các bà vợ vua Thái Tông. Nguyễn Thị Anh là mẹ của Bang Cơ.
Nghi Dân là con lớn nhất vốn đã được lập làm thái tử dù còn rất nhỏ. Nhưng sau đó Nguyễn Thị Anh được vua sủng ái nên năm 1441 vua truất ngôi của Nghi Dân mà lập Bang Cơ. Bà mẹ của Khắc Xương vốn không được vua sủng ái nên không thể tranh chấp ngôi thái tử. Tuy nhiên, nhiều người trong triều dị nghị rằng, Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ không phải là con vua Thái Tông. Cùng lúc đó, một bà phi khác của vua là Ngô Thị Ngọc Dao lại có mang sắp sinh. Nguyễn Thị Anh sợ chuyện bại lộ thì ngôi lớn sẽ thuộc về con bà Ngọc Dao nên tìm cách hại bà Ngọc Dao. Bà này được vợ chồng Nguyễn TrãiNguyễn Thị Lộ hết sức che chở, mang đi nuôi giấu và sinh được hoàng tử Lê Tư Thành năm 1442.
Biết bà Ngọc Dao đã sinh con trai mà ngày càng nhiều người đồn đại về dòng máu của Bang Cơ, nhân lúc con mình còn đang ở ngôi đương kim thái tử, Nguyễn Thị Anh chủ động ra tay trước. Nhân dịp vua Thái Tông về thăm Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha mình và nói tốt cho Tư Thành nên bà sai người sát hại vua Thái Tông rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi.
Sau khi vua mất, Bang Cơ lên ngôi, Nguyễn Thị Anh được làm thái hậu, nắm quyền trị nước. Nguyễn Trãi không thể biện bạch cho sự oan uổng của mình và phải chịu án tru di tam tộc.
Theo sử sách, ngày 9 tháng 9 (âm lịch) năm Nhâm Tuất (1442), chỉ vài ngày sau khi hành hình gia đình Nguyễn Trãi, triều đình (thực ra chính là thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính thay con), ra lệnh giết hai hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng vì trước khi chết Nguyễn Trãi có nói là "hối không nghe lời của Thắng và Phúc". Các nhà nghiên cứu nói trên cho rằng chính Đinh Phúc, Đinh Thắng là những người khuyên Nguyễn Trãi sớm tố cáo Nguyễn Thị Anh với vua Thái Tông. Do đó để diệt khẩu, bà sai giết hai người này.
Chính bởi thân thế của Lê Nhân Tông có phần "không chính" nên sau này, năm Kỷ Mão (1459), con trưởng của vua Thái Tông là Lê Nghi Dân lấy lý do để làm binh biến giết hai mẹ con Nguyễn Thị Anh. Trong bài chiếu lên ngôi, Nghi Dân nói rõ: "... Diên Ninh [Nhân Tông] tự biết mình không phải là con của tiên đế [Thái Tông]..."
Dù sao đi nữa, chuyện Bang Cơ có phải con vua Lê Thái Tông thực hay không nhưng cũng như Tần Thủy Hoàng, ngôi chính của ông đã định, bởi thế những người phản lại như Lê Nghi Dân nhà Lê hay tướng Phàn Ô Kỳ nước Tần vẫn bị coi là "nghịch", là trái lẽ.

Về các bài thơ của Đinh Liệt

Trong cuốn "Ngọc phả họ Đinh" do công bộ thượng thư Đinh Công Nhiếp, con trai đầu của thái sư Đinh Liệt, có một số bài thơ do Đinh Liệt viết có liên quan đến vụ án Lệ Chi Viên.
Bài thơ Nôm nhận xét về Lê Thái Tông:
Tống Thai dáng dấp một anh quân
Đắc sắc say chơi biếng kiệm cần
Hoạ tự trong nhà nhô đầu mọc
Di căn bệnh hoạn hại cho thân
Trong bài này Đinh Liệt buộc phải dùng phép nói lái: Tống Thai tức là Thái Tông Lê Nguyên Long. Vua là một "anh quân" khi vì ông biết ngăn ngừa cường thần, dẹp phiên trấn, sùng nho, mở thi cử, song lại quá ham tửu sắc. Về "hoạ tự trong nhà", Đinh Liệt có bài thơ:
Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa
Bất thức hà nhân chủng bảo đa
Chủ kháo Tống khai vi linh dược
Cựu binh tân tửu thịnh y khoa
"Nhông tân" đọc lái là Nhân Tông, tức là Bang Cơ, con Nguyễn Thị Anh, "thạnh i" là "thị Anh". Bài này có thể tạm dịch:
Nhân Tông sáu tháng đã ra hoa
Dòng máu ai đây quý báu à?
Núp bóng Thái Tông làm linh dược
Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha
Trước khi vào cung, Thị Anh đã gian díu với Lê Nguyên Sơn, một người thuộc họ xa của dòng dõi Lê Khoáng (cha Lê Lợi). Một bài thơ khác, Đinh Liệt viết:
Tống Thai mạc kiến nguy ký hiện
Nịch ái Thịnh y nhật nhật tăng
Mỹ sắc điềm ngôn gia phỉ báng
Cơ đồ sự nghiệp hải hà băng
Dịch là:
Thái Tông chẳng thấy nguy đã hiện
Say đắm Thị Anh cứ mãi tăng
Sắc đẹp lời ngon kèm phỉ báng
Cơ đồ sự nghiệp có ngày băng
Việc Thị Anh giết hai hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng được Đinh Liệt viết trong bài thơ mà nhiều người cho rằng vì chính hai người này đã mật báo cho ông và Nguyễn Trãi biết:
Nhung Tân hà hữu Tống thai tinh
Lục nguyệt khai hoa quái dị hình
Niên nguyệt nhật thời Thăng Đính ký
Hoàng bào ô nhiễm vạn niên thanh
chữ Thăng Đính đọc ngược là Đinh Thắng.
Dịch là:
Nhân Tông không phải máu Nguyên Long
Sáu tháng hoài thai cảnh lạ lùng
Năm, tháng, ngày, giờ Đinh Thắng chép
Hoàng bào dơ bẩn tiếng ngàn năm
Với cách gọi các vua bằng miếu hiệu như Thái Tông, Nhân Tông, chắc chắn các bài thơ này Đinh Liệt viết vào thời Lê Thánh Tông. Dù Nhân Tông và thái hậu Nguyễn thị đã chết nhưng việc này vẫn không thể nói công khai, vì trên danh nghĩa, ngôi vua của Nhân Tông vẫn là hợp pháp. Có như vậy, việc cướp ngôi của Lê Nghi Dân mới là "phản nghịch" và việc lên ngôi của Thánh Tông mới là hợp lẽ. Đây chính là nguyên nhân khiến Đinh Liệt phải dùng phép nói ẩn ý để truyền lại cho đời sau. Sau này tới đời vua Lê Thánh Tông, vua Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi.

Trong văn học nghệ thuật

Vụ án Lệ Chi Viên từng được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật trong đó có các tác phẩm được báo chí đánh giá cao như vở cải lương Rạng ngọc Côn Sơn của Sân Khấu đoàn cải lương Trần Hữu Trang, vở chèo Oan khuất một thời của nhà hát chèo Hà Nội. Đặc biệt vở kịch Bí mật Lệ Chi Viên của Công ty Thái Dương (sân khấu IDECAF) từng được báo chí hết lời ca ngợi  đã giành được ba giải Mai Vàng (năm 2007) (giải Đạo diễn sân khấu cho Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc, giải Nam diễn viên kịch nói cho Hữu Châu (vai Nguyễn Trãi), giải Nữ diễn viên kịch nói cho Thanh Thủy (vai Nguyễn Thị Anh) Ngoài ra phim tài liệu Bí mật vụ án Lệ Chi Viên từng được chiếu trên VTV1.. Gần đây nhất, bộ phim Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ cũng lấy bối cảnh là 12 năm sau khi Nguyễn Trãi chết, các thế lực vương tôn tranh giành nhau, trong đó có Tuyên Từ Thái Hậu.
Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 05:03, ngày 23 tháng 6 năm 2014.

Nguyễn Cẩm Xuyên – VỤ ÁN LỆ CHI VIÊN: MỘT THỦ ĐOẠN, MỘT ÂM MƯU TÀN BẠO

NHỮNG CÁI CHẾT OAN NGHIỆT
Ngày 27 tháng 7 năm nhâm tuất (1442),  vua Lê Thái Tông tuần du, duyệt binh ở Chí Linh. Đầu tháng 8 vua ghé thăm chùa Tư Quốc, Côn Sơn, Chí Linh nơi Nguyễn Trãi về ẩn dật sau khi bị thất sủng. Sau khi viếng thăm, vua yêu cầu Nguyễn Thị Lộ là thứ thiếp của Nguyễn Trãi cùng theo về kinh. Trên đường về, ngày mồng 4 tháng 8 âm lịch Lê Thái Tông chết đột ngột tại vườn vải (lệ chi viên) vốn là một ly cung được xây cất từ triều Lý trong một trại trồng vải thuộc làng Đại Lại, huyện Gia Định (nay là Gia Bình), tỉnh Bắc Ninh. Trước khi Thái Tông mất chỉ một mình Nguyễn Thị Lộ hầu bên cạnh, “bọn thái giám Tạ Thanh, Lương Dật chạy biến đi mất, nói là đi tìm thầy thuốc địa phương, sáng mới về, vua đã tắt thở” (1). Viện cớ này, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cho bắt Thị Lộ tra tấn dã man nhằm bức cung khép tội cùng Nguyễn Trãi đồng mưu giết vua. Chịu không nổi cực hình, Nguyễn Thị Lộ phải khai nhận. Án được thi hành ngay: Nguyễn Thị Lộ bị bỏ vào cũi sắt dìm xuống sông cho chết, Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc.
Ngày 16 tháng 8 năm nhâm tuất, những  người thuộc họ Nguyễn của Nguyễn Trãi, họ Trần của bà Trần Thị Thái, mẹ Nguyễn Trãi, họ Nhữ của vợ thứ Nguyễn Phi Khanh (cha Nguyễn Trãi) và họ tộc của tất cả 5 người vợ Nguyễn Trãi, từ ông già đầu bạc đến đứa bé mới khóc chào đời bị chém đầu một loạt.(2)
Nhận xét về cách gấp rút kết thúc vụ án của triều đình nhà Lê dưới quyền nhiếp chính của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh lúc bấy giờ, Giáo sư Đinh Xuân Lâm viết:  ”Trước hết là Nguyễn Trãi không có mặt tại nơi xảy ra vụ án, lúc này ông lui về ở ẩn tại Côn Sơn để tránh những phiền toái nơi triều chính, thế thì muốn kết tội ông có liên quan đến việc giết vua với Nguyễn Thị Lộ thì phải có chứng cớ cụ thể, cần tiến hành điều tra xét xử công khai, không thể làm án ngay được. Thế mà tới ngày 16 (nghĩa là chỉ 12 ngày sau đó), cũng nên nhớ lúc này triều đình còn bận rộn việc làm tang cho vua Lê Thái Tông, bản án hành hình Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ đã được thi hành! Sự hấp tấp vội vã trong việc kết án đối với Khai quốc công thần Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ cùng vợ con họ hàng quả là có gì bất thường, lộ rõ ý định xấu của bọn thù địch với Nguyễn Trãi muốn kết thúc vụ án có nhiều nghi vấn để bịt đầu mối. Đó là chưa nói tới ý định xấu xa của chúng là bằng cuộc tàn sát lớn này muốn đàn áp dư luận dân chúng vô cùng thương xót và căm phẫn bất bình trước cái chết oan ức của vị anh hùng dân tộc và toàn gia.” (3)
NHỮNG GHI CHÉP MẬP MỜ CỦA CHÍNH SỬ VÀ NHỮNG TRUYỀN THUYẾT HOANG ĐƯỜNG.
Sau cái chết của Thái Tông, Đại Việt Sử Ký toàn thư, bản kỉ thực lục, quyển XI do Ngô Sĩ Liên chủ biên đã ghi lại vắn tắt và khá mập mờ như sau :
“…Tháng 8, ngày mồng 4, vua đến vườn vải, huyện Gia Định, bỗng bạo bệnh rồi băng. Trước đây vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi Học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền đông, xa giá  về đến vườn vải xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 về tới kinh sư, nửa đêm đem vào cung rồi mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua
Nhiều thế kỉ qua, cho mãi đến gần đây nhiều người đọc Đại Việt sử kí toàn thư, vẫn tin là giữa Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ có quan hệ ân ái. Họ nghĩ rằng đây là nguyên nhân dẫn đến thảm án Lệ chi viên mà không biết rằng tất cả chỉ là âm mưu tàn độc của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh nhằm trả thù riêng, giết người diệt khẩu, bảo vệ ngôi báu cho con mình là Thái tử Bang Cơ lên ngôi ngay sau khi Thái Tông mất.
Ngoài những chi tiết của chính sử triều Lê còn có các truyền thuyết lưu truyền và ghi chép nhiều nơi:  truyền thuyết “rắn báo oán”  trong dân gian có mấy chuyện kể khác nhau, khi thì kể là Nguyễn Phi Khanh, khi lại kể là Nguyễn Trãi lúc còn là thầy đồ dạy học, cho học trò phát cỏ  khu vườn quanh nhà. Đêm trước Nguyễn có nằm mơ thấy một người đàn bà với bầy con dại đến xin ông vì con mọn cho thư thả ít hôm để dọn nhà… Sáng ra không nhớ, mãi khi học trò phát xong cỏ vườn vào báo là có đánh chết một bầy rắn con, lúc đó Nguyễn mới băn khoăn nhớ ra và hiểu ý nghĩa giấc mơ. Đêm ngồi khêu đèn đọc sách thì bỗng đâu một giọt máu từ trên rơi xuống đúng ngay vào chữ “đại” (代: đời ), thấm qua ba lớp giấy (ứng với việc gia tộc sau này bị hại đến ba đời), ngẩng lên chỉ thấp thoáng thấy một con rắn trên xà nhà bò đi.
Nhiều dị bản lại bịa thêm nhiều chi tiết hoang đường khác như: trong đêm nghỉ tại vườn vải, vua đau lưỡi, Thị Lộ xin vua thè lưỡi ra để chữa. Lộ cắn vào lưỡi vua, vua chết ngay. Khi Thị Lộ bị dìm chết dưới sông thì bỗng có con rắn trắng lớn hiện hình bơi đi….(4)
Các chi tiết của chính sử triều Lê cũng như truyền thuyết là do phe Nguyễn Thị Anh dựng nên nhằm mập mờ lí giải bằng nguyên nhân tiền định, nhân quả, xoa dịu lòng tiếc thương Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ, lòng chán ghét việc nhà Lê tàn sát công thần.
GẦN 600 NĂM, SỰ THẬT ĐƯỢC TRẢ VỀ ĐÚNG NGUYÊN BẢN.
Nhà Lê  tuy có công lớn đánh thắng quân Minh giúp đất nước thoát ách nô lệ nhưng lại là triều đại có các khai quốc công thần bị nghi kị, giết hại nhiều nhất: Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lê Sát, Lê Ngân, Nguyễn Trãi, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục…Riêng vào thời Lê Thái Tông, nhiều án oan khiến bao nhiêu người bị thảm sát. Tất cả đã xuất phát từ những mâu thuẫn khốc liệt giữa hậu và phi làm phát sinh những âm mưu tàn độc chốn cung đình:
Lê Thái Tông lên ngôi 11 tuổi và mất năm 20 tuổi; khi ấy vua đã có được 04 hoàng nam, sinh bởi 06 người  vợ :
  1. Lê Thị Ngọc Dao (bị phế làm dân thường sau khi cha là công thần Lê Sát bị giết năm 1437)
  2. Lê Thị Lệ (bị truất xuống làm Tu Dung sau khi cha là công thần Lê Ngân bị giết sau Lê Sát.)
  3. Dương Thị Bí (Nguyên là Hoàng hậu bị phế xuống làm Chiêu Nghi,  mẹ của Lệ Đức hầu Nghi Dân);
  4. Bùi Quí Nhân  (Thần phi; mẹ của Cung vương  Khắc Xương);
  5. Nguyễn Thị Anh (mẹ của Thái tử Bang Cơ, được phong: Tuyên Từ Hoàng hậu sau khi Dương Thị Bí bị phế truất);
  6. Ngô Thị Ngọc Dao (Tiệp dư, mẹ của Hoàng tử Tư Thành; lúc có mang vì sợ bị giết hại, phải trốn khỏi cung, cải trang làm ni cô).
Nhiều vợ, nhiều hoàng nam chính là đầu mối của bất hòa, nguyên nhân của bao nhiêu toan tính để rồi sinh ra bao nhiêu thủ đoạn, âm mưu tàn độc. Sơ khởi cuộc cạnh tranh khốc liệt chốn hậu cung ấy, Nghi Dân và Khắc Xương đã bị Thái Tông phế truất; lúc này Nguyễn Thị Anh đã sinh được Bang Cơ và mong cho con mình được kế nghiệp, lại rất lo lắng, sợ lộ một tội tày đình là Bang Cơ chẳng phải là con Thái Tông (trước đó, Thị Anh đã gian díu, có mang với Lê Nguyên Sơn, người thuộc dòng dõi Lê Khoáng) (5) .
Sự thực này gần đây đã được công bố trong tác phẩm “Nhìn lại lịch sử” của Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ. Công trình nghiên cứu đã vận dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhiều gia phả họ tộc, đặc biệt là Ngọc phả họ Đinh ở làng Đông Cao, Nông Cống, Thanh Hóa thuộc họ tộc công thần Đinh Liệt (hiện có bản lưu trữ tại Viện Hán Nôm).  Trong Ngọc phả họ Đinh“Bút kí Hồng Mai” chép mấy bài thơ do chính Đinh Liệt để lại, chứng minh được điều mờ ám của Nguyễn Thị Anh; sau đây là một bài khá tiêu biểu:
Nhung tân hà hữu tống thai tinh,
Lục nguyệt khai hoa quái dị hình,
Niên nguyệt nhật thời thăng đính ký,
Hoàng bào ô nhiễm vạn niên thanh.
Sợ vạ gió khôn lường, trong bài thơ, Đinh Liệt đã phải nói trại Nhân Tông thành “nhung tân”, Thái Tông thành “tống thai”, Đinh Thắng thành “thăng đính”. Bài thơ có thể dịch ra như sau:
Nhân Tông chẳng phải máu Nguyên Long (6)
Sáu tháng mang thai thật lạ lùng,
Năm, tháng, ngày, giờ Đinh Thắng chép,
Hoàng bào nhơ bẩn tiếng ngàn năm.
Sở dĩ Đinh Liệt viết “năm tháng, ngày giờ Đinh Thắng chép” là vì mỗi khi vua nhập phòng với hoàng hậu hay phi tần, hoạn quan có trách nhiệm ghi lại ngày giờ, năm tháng và Đinh Thắng đã tính được: từ khi Nguyễn Thị Anh chăn gối với  Thái Tông đến ngày sinh Bang Cơ  chỉ 6 tháng.  Lo sợ lộ bí mật, Thị Anh đã cho giết ngay 2 hoạn quan Đinh Thắng, Đinh Phúc sau khi Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị hành hình bởi vì bà hiểu rằng Thắng và Phúc biết bí mật tày đình trên.
Đinh Thắng biết thì Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi cũng biết vì Thi Lộ ở ngay trong cung và được Thái Tông có cảm tình. Vì lí do này, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh đặc biệt căm ghét Nguyễn Trãi và Thị Lộ. Nỗi căm ghét này được nhân lên bội phần sau khi Thị Lộ theo kế của Nguyễn Trãi vô hiệu hóa âm mưu phế bỏ Ngô Thị Ngọc Dao. Nguyên Ngô Thị Ngọc Dao là vợ cuối của Thái Tông, lúc này đã có mang. Nguyễn Thị Anh sợ Ngọc Dao sinh hoàng nam có thể chiếm ngôi thái tử, bèn vu cho Ngọc Dao tham dự việc làm bùa ngãi hại Bang Cơ, xui Thái Tông khép Ngọc Dao vào tội “voi giày”. Nguyễn Trãi biết chuyện, ngầm cho Thị Lộ khuyên Thái Tông đừng nghe lời xúc xiểm mà làm việc thất đức. Vua đồng ý, cho phép Thị Lộ đem Ngọc Dao giấu ở chùa Huy Văn.
Căm thù, rắp tâm thi hành độc kế; thời cơ đến, nhân khi Thái Tông nghỉ đêm tại vườn vải, Nguyễn Thị Anh cho tay chân hạ độc vua (7) đồng thời mật lệnh cho bọn hoạn quan tản mác hết vào làng chỉ để một mình Thị Lộ hầu bên cạnh. Thái Tông chết, Bang Cơ đương nhiên nối nghiệp. Một mũi tên bắn trúng hai đích. Nguyễn Thị Anh đồng thời lại giết được Thị Lộ, Nguyễn Trãi, Đinh Thắng, Đinh Phúc…diệt khẩu trừ hậu hoạn. Việc Thái Tông bị Nguyễn Thị Anh hạ độc chắc chắn Ngô Sĩ Liên biết rõ; vậy nhưng Đại Việt sử kí toàn thư do Ngô Sĩ Liên chủ biên lại giấu đi, cố ý thay bằng những chi tiết rất hàm hồ về mối quan hệ giữa Thái Tông và Thị Lộ ngầm cho người đọc hiểu đây là nguyên nhân cái chết của Thái Tông:
“ Trước đây vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi Học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền đông, xa giá  về đến vườn vải … vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng.”…
Cách viết của Ngô Sĩ Liên đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng Thị Lộ trẻ gần bằng Thái Tông và Nguyễn Trãi thì già lão; giữa Thái Tông và Thị Lộ chắc có quan hệ ái tình.
Sự thật hoàn toàn khác. Nguyễn Thị Lộ, sinh năm 1390 (8) trong gia đình nền nếp. Cha là Nguyễn Mỗ, thầy thuốc ở làng Hải Triều, tục gọi làng Hới (còn gọi là Hải Hồ), tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà), sớm được học chữ, lại thông minh, từ bé đã thuộc Tứ thư, Ngũ kinh, Nam sử… lại giỏi thơ văn… Bà nổi tiếng là người đẹp nhất vùng. Xuất thân nông dân, giỏi nghề làm chiếu truyền thống của làng, Nguyễn Thị Lộ tần tảo nuôi dạy các em, thường phải đi bán chiếu (9) gặp Nguyễn Trãi lúc đang làm quan nhà Hồ; bấy giờ Nguyễn Trãi mới 26 tuổi Nguyễn Thị Lộ 16 tuổi (trăng tròn lẻ). Cuộc tình đẹp được lưu truyền qua giai thoại bài thơ bán chiếu (10). Vợ chồng chỉ chênh nhau 10 tuổi, độ chênh tuổi tác rất bình thường trong cuộc đời… Riêng đối với Thái Tông thì Thị Lộ lớn hơn Thái Tông đến 30 tuổi (11) nghĩa là lúc Thái Tông lên ngôi 11 tuổi, Thị Lộ đã 41 tuổi. Giỏi văn chương chữ nghĩa, được tuyển vào cung làm Lễ nghi học sĩ.
Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo luận, Paris 1988, Tập 4, Đoạn 69-D có trích dẫn Toàn Thư tục biên: “…Lê Sát thấy Thái Tông còn nhỏ, thích chơi bời, lười biếng học tập, liền lập một ban văn thần, trong số đó có Nguyễn Trãi, để thay phiên vào tòa Kinh Diên dạy vua. Cả bọn đều bị Thái Tông đuổi về. Sau đó, Lê Sát bị khép vào tội lộng quyền, vua cho được tự tử tại nhà.
Trước tình trạng ấy, năm 1438, Thái bảo Ngô Từ đưa ra ý kiến có lẽ Thị Lộ dịu dàng khéo léo, học giỏi, văn hay, may ra có thể giúp nhà vua chăm chỉ học hành. Sau khi hội ý với Nguyễn Trãi, Thị Lộ, Ngô Từ đưa Thị Lộ vào chầu Thái Tông, được vua nhận, phong làm Lễ Nghi học sĩ, ngày đêm giảng sách cho Thái Tông và được Thái Tông tin dùng. Dù ở cương vị vua-tôi, Thị Lộ là cô giáo lớn tuổi như mẹ…; vậy mà Ngô Sĩ Liên lại viết “ vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ…” là có ý gì? Thế nào là “thích” ? Phải chăng đây là cái thích, cái cảm tình của một bé trai đối với một phụ nữ luống tuổi chăm chút mình như nhũ mẫu?
Có một sự việc được chép trong Lam Sơn thực lục:  “Năm 1425, trong thời gian đang đánh nhau với quân Minh, Lê Lợi nằm mộng thấy thần “Cá Quả” đến nói “Xin tướng quân cho một người thiếp thì nguyện giúp tướng quân đánh được giặc Ngô mà thành nghiệp đế”. Ngày hôm sau, Lê Lợi gọi các thiếp đến hỏi ai bằng lòng làm vợ của thần “Cá Quả”, ta được thiên hạ sẽ truyền cho con của người ấy làm vua. Bà Phạm Thị Ngọc Trần (mẹ của Thái tông, lúc đó mới 2 tuổi) thưa: “Nếu ngài giữ lời ước thì thiếp xin nhận. Ngày sau xin đừng phụ mẹ con thiếp”. Lê Lợi giao ước với các quan văn võ y lời ấy. Ngày 24 tháng 3 âm lịch 1425, sai lập đàn tế thần, dâng bà phi họ Phạm làm tế vật. Bà mặc áo quần lộng lẫy, bịt mắt lại, lên ngồi trên chiếc thuyền nan. Thuyền được thả theo dòng sông Lam và chìm dần dần, trong tiếng khóc nức nở của mọi người. Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ cũng chứng kiến việc này. Về sau, giữ lời ước ấy, Lê Lợi truyền ngôi cho Nguyên Long (Lê Thái Tông)…” . Từ đó Thái Tông mồ côi mẹ, thiếu tình mẫu tử, gặp Nguyễn Thị Lộ là người từng chung sống với mẹ mình, tình cảm giữa hai người không thể không quyến luyến; ngoài ra nhờ có khuyên bảo của Thị Lộ, mà Thái Tông đã từ một thiêu niên ham chơi trở thành một vì vua mẫn cán. Sử thần Vũ Quỳnh(12)  trong Bản kỉ; Việt giám thông khảo đã từng khen: “Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước. Cậu bé bất trị nay đổi thành một “minh quân” khác hẳn trước ”.
Lại có thêm một chi tiết nữa chứng minh tuổi tác giữa Nguyễn Thị Lộ và Lê Thái Tông chênh lệch khá xa: Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn có chép: “năm 1416, có tin Lê Lợi ở Thanh Hóa chuẩn bị mộ quân đánh giặc Minh, Nguyễn Trãi đến ra mắt, chuyến nầy có Nguyễn Thị Lộ cùng đi, phong cách lúc nào cũng tươi cười, nhẫn nại, hoạt bát, đoan chính, được mọi người kính nể…” (Việt Sử đại cương của Phạm Ngọc Huyến, chép lại; trang 75). Lúc này, Thái Tông chưa chào đời. Thái Tông chỉ đáng tuổi con cháu của Thị Lộ. Những việc này Ngô Sĩ Liên đã lập lờ bỏ qua, không bàn đến.
Về chi tiết “về đến vườn vải…, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng, mọi người nói là Thị Lộ giết vua” Ngô Sĩ Liên đã có ác ý mập mờ buộc tội; nếu đọc và suy xét kĩ thì phi lí: Một vị vua trẻ có chung quanh vô số mĩ nữ lại thức suốt đêm với một bà già 50 tuổi để làm gì? Phải chăng Ngô Sĩ Liên không dám viết rõ là khi này Thái Tông đã mệt nặng (vì trúng độc), các hoạn quan theo mật kế tản mác hết vào làng lấy cớ tìm lương y, một mình Nguyễn Thị Lộ phải hết lòng với vua, chăm sóc suốt đêm. Sở dĩ khẳng định được việc này là vì về sau vào đời Lê Thánh Tông, khi thuật lại chuyện cũ, Ngọc Dao có dặn vua Thánh Tông rằng: “Chính Nguyễn Thị Anh đã ngầm sai hoạn quan Tạ Thanh bỏ thuốc độc cho Thái Tông chết, nhưng con nên giữ kín việc ấy”. (13) .
Chuyện Hoàng hậu Nguyễn Thi Anh hạ độc vua, Ngô Sĩ Liên không thể không biết nhưng lại viết “Mọi người nói là Thị Lộ giết vua”. Tại sao không nói là Ngô Sĩ Liên nói mà lại nói là mọi người? Mọi người ở đây là ai? Chữ dùng hàm hồ vì “mọi người” đây không thể là quần chúng đông đảo, cũng không phải là văn võ bá quan; đêm khuya, nơi vua ngự mấy ai được lai vãng? vậy phải chăng “mọi người”  đây chính là những kẻ cùng cánh với Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh?
Giáo sư Đinh Xuân Lâm trong bài viết “Nhân một vụ án, suy nghĩ về trách nhiệm người viết sử” cũng nêu quan điểm: “… đối với Nguyễn Thị Lộ thì thái độ của người chép sử ra sao? Rõ ràng đây là một thái độ không khách quan, thiên vị, có dụng ý, ngay từ đầu đã lộ rõ ý định bằng bất cứ giá nào cũng phải giết cho được người phụ nữ mà chúng buộc phải công nhân là “người đẹp, văn chương hay”, khi chúng tung ra một dư luận ác độc có ý áp đặt, cả vú lấp miệng em mà thiếu một cơ sở điều tra cần thiết rằng “mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”…(14)
Đọc kĩ Bản kỉ thực lục của Đại Việt sử kí toàn thư người ta còn nhận thấy vận dụng cách ghi vắn tắt, Ngô Sĩ Liên đã cắt đi nhiều sự kiện, nhất là đã không ghi lại quãng thời gian sau khi Nguyễn Trãi bị thất sủng, lui về Chí Linh ở ẩn, Nguyễn Thị Lộ cũng về quê mãi đến 1442 mới theo xa giá hồi cung theo lệnh vua.

LÍ GIẢI NGUYÊN NHÂN – NHỮNG CHIÊM NGHIỆM CHO CUỘC ĐỜI.
Tại sao Ngô Sĩ Liên lại chép sử như thế? Điều này dễ lí giải; trước hết là thời phong kiến, quan chép sử  do nhà vua bổ nhiệm, chuyên chú ghi việc theo lệnh vua. Nguyễn Thị Anh lúc này thế đã mạnh, tay chân đã nhiều, sau khi hạ độc vua liền dùng thủ đoạn tàn độc giết Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ nhằm bịt đầu mối. Ngô Sĩ Liên chỉ mới đỗ tiến sĩ trước khi Thái Tông mất được vài tháng bỗng chốc được tin dùng, Hoàng hậu nhiếp chính (lúc này Nhân Tông mới 2 tuổi) đã cho Ngô Sĩ Liên làm đến chức Đô ngự sử. Ngô Sĩ Liên lại chẳng là người trung trực, nghĩa khí gì vì dù được cho chức quan to mà khi Thái hậu và Nhân Tông  bị Nghi Dân giết ông ta cũng không hề phản ứng (về sau Lê Thánh Tông đã quở trách, giáng chức Ngô Sĩ Liên vì lỗi này).
Trong sử học, bộ Đại Việt sử ký toàn thư được đánh giá cao. Tác phẩm có thể là khách quan đối với các triều đại khác nhưng vì phục vụ quyền lợi riêng triều Lê nên chắc chắn phải uốn ngòi bút khi viết về vụ án Lệ chi viên:  có nhiều chỗ ghi chép méo mó, sai sự thực; vậy mà về sau (khi Nguyễn Thị Anh đã chết) Ngô Sĩ Sĩ Liên cũng có trung thực chép lại một đoạn của Trung hưng kí:
“Nhân Tông mới lên hai tuổi đã sớm nối ngôi vua, thái hậu Nguyễn Thị là gà mái gáy sớm, đô đốc Lê Khuyển như thỏ khôn giữ mệnh. Vua đàn bà quáng mắt buông rèm ngồi chốn thâm khuê, bọn họ ngoại lòng tham, khoác lác hoành hành khắp cõi, kẻ thân yêu nắm quyền vị, nạn hối lộ được công khai, việc Văn giáo lặng lẽ như băng tan, người hiền từ phải bó cánh. Bậc túc nho như Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du thì đẩy vào chỗ nhàn, phường dốt đặc ồn ào như ong đàn nổi dậy, như chó chuột nhe răng. Tề thần như Lê Sùng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt sáu loài súc vật…” .
Đoạn văn trên nói lên tính cách Nguyễn Thị Anh. Con người này phe đảng nhiều sẵn sàng thi hành độc kế tày đình để bảo vệ quyền uy tột đỉnh của mình.
Thời gian gần đây các nhà sử học Việt Nam cũng đã thống nhất về nguyên nhân đích thực của thảm án Lệ chi viên. Chủ mưu vụ án chính là Nguyễn Thị Anh, vợ thứ vua Lê Thái Tông; Nguyễn Trãi, Nguyễn thị Lộ là nạn nhân của âm mưu tàn độc ấy. Trần Huy Liệu trong Nguyễn Trãi, một nhân vật vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, năm 1962 đã viết: Ngày nay chúng ta chẳng những phải làm sáng tỏ khí tiết của Nguyễn Trãi mà còn phải minh oan cho Nguyễn Thị Lộ nữa” (15).
Tháng 12/2002, Nhân kỷ niệm 560 năm ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, tại thôn Khuyến Lương, Thanh Trì, Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam mở hội thảo khoa học về Nguyễn Thị Lộ. Hội thảo đã đánh giá với cái nhìn khách quan. Bà được tôn vinh như một nữ sĩ tài hoa, một nhà giáo nữ văn chương và phẩm hạnh tuyệt vời, người bạn đời tâm đầu ý hợp của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Năm 2004, NXB Văn Hóa đã xuất bản cuốn Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ chi viên do Hoàng Ðạo Chúc biên soạn cùng một số sử gia.  Nhà văn nữ người Pháp Yveline Féray cũng đã viết Dix mille printemps (“Vạn Xuân”; Gs. Nguyễn Khắc Dương dịch)-NXB Picquier 1996; 1136 trang về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Trong lời giới thiệu đầu sách, Huy Cận đã nhận xét: “Tác phẩm của Yveline Féray đã phục hiện cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, tâm trạng và tâm tình của Nguyễn Trãi với một sự thấu hiểu tâm lý sâu sắc”. Trước đó, Yveline Féray đã gặp gỡ  nhiều người, từ Pierre Richard Féray (sử gia chuyên về Đông Á), Paul Schneider (chuyên gia Việt Nam học), Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận… để tìm tư liệu. Bà đã viết về Nguyễn Trãi: “Độc giả sẽ say sưa kinh ngạc trước tài năng đa dạng của kẻ sĩ Việt Nam này vì ông vừa là một thi hào, một nhà viết văn cừ khôi, vừa là một chiến lược gia có tầm mắt nhìn thấu suốt, một nhà ngoại giao tài tình, một nhạc sĩ lịch lãm, một nhà địa lý thông thái, một nhà sư phạm tuyệt vời…”.
Dix mille  printemps cũng đã dành đến 211 trang viết về “Tấn bi kịch vườn Lệ chi”. Theo bà, đó là bi kịch của một vĩ nhân sống trong một xã hội quá ư bé nhỏ và chật hẹp.
Điều đáng buồn là gần đây, một số nhà văn nước ta lại chỉ căn cứ Đại Việt sử kí toàn thư, tưởng tượng nên cảnh chồng già vợ trẻ, tưởng tượng ra sự sung mãn của Nguyễn Thị Lộ đang mơn mởn xuân sắc (!) ngã vào vòng tay của nhà vua trẻ…rồi gây nên thảm án Lệ chi viên (16). Viết truyện sử mà lẫn lộn đúng sai, không phân biệt được phải trái, tưởng tượng hồ đồ thì không thể chấp nhận.
Hôm nay, nhà nước đã xây đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, tôn tạo và xây dựng lại đền thờ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ-Nguyễn Trãi ở Tân Lễ (Thái Bình), Khuyến Lương (Hà Nội) và Đại Lại (Bắc Ninh).
Thảm án Lệ chi viên bao năm chìm trong tăm tối của ngộ nhận, hàng mấy trăm năm cái ác đã hả hê cười trên thành tích chiến thắng cái thiện; mãi hôm nay người ta mới đủ điều kiện để biết được sự thực bàng hoàng. Sự thật được trả lại đúng nguyên bản của sự thật. Không có gì mãi giấu mãi được với thời gian và cũng không gì đánh lừa được lịch sử. Dù dụng tâm bưng bít bằng chính sử thì chẳng qua cũng chỉ như mũi dùi Mao Toại: cái kim trong bọc lâu ngày phải lộ ra; thời gian có khi là 20 năm, 50 năm… thậm chí như thảm án LỆ CHI VIÊN: vết nhơ lớn của cung đình phong kiến triều Lê lộ mặt sau hơn 5 thế kỉ. Đây cũng là điều đáng quan tâm của nhà văn, nhà sử học hôm nay.
CHÚ THÍCH:
(1) Vụ án Lệ chi viên; Gs.Võ Thu Tịnh; 04/04/2007; http://vietsciences.free.fr/vietnam/sudia/vuan-lechivien.htm
(2)Theo gia phả họ Nguyễn, Nguyễn Trãi có 5 người vợ sinh được nhiều con. Sau vụ án Lệ chi viên, gia tộc bị thảm sát gần hết, có môt số ít thoát nạn là: Nguyễn Phi Hùng (em thứ ba của Nguyễn Trãi, chạy về Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh); Nguyễn Phù (con Nguyễn Trãi, chạy lên Cao Bằng, đổi họ sang họ Bế Nguyễn); Phạm Thị Mẫn (vợ thứ tư, có mang ba tháng, được người học trò cũ của Nguyễn Trãi là Lê Đạt đưa chạy trốn vào xứ Bồn Man, phía Tây Thanh Hóa) và vợ thứ năm họ Lê cũng đang mang thai, chạy về Phương Quất, huyện Kim Môn, Hải Dương về sau sinh được khá nhiều con cháu.(http://vnlisting.homelinux.com/vietnam).
Hương Giang Thái Văn Kiểm; Năm Tỵ Nói Chuyện Rắn. (http://www.quangduc.com/xuan/32namty.html) căn cứ trên Chrestomathie Annamite (Quảng Tập Viêm Văn) của Edmond Nordemann (Ngô Đề Mân), ấn hành ở Hà Nội năm 1898 và Les Familles Illustres de l’ Annam: S.E.Nguyễn Hữu Độ của L.Sogny, đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hue, năm 1924, lại cho rằng vua Gia Long về sau chính là cháu nhiều đời của Nguyễn Trãi bởi vì Châu Thị, vợ cả của Nguyễn Trãi, đã trốn thoát được bản án tru di năm 1442, chạy vào Nam Hà, đem theo được nhiều con trong đó có Nguyễn Công Duẫn, rồi Duẫn sinh ra Nguyễn Đức Trung,  Trung sinh ra Nguyễn Văn Lãng, Lãng sinh ra Nguyễn Hoằng Dụ, Dụ sinh ra Nguyễn Hoằng Kim, tức là Nguyễn Kim (1500-1545), Kim sinh ra Nguyễn Hoàng (1525-1613), tức là chúa Tiên, chúa đầu tiên của nhà Nguyễn.
(3) “Nhân một vụ án, suy nghĩ về trách nhiệm người viết sử”;  http://bach-khoa.org.
(4)Truyện “Rắn báo oán” nhằm lập lờ lí giải thảm án Lệ chi viên. Truyện cũng chẳng có sáng tạo gì mới mà chỉ là mô phỏng từ các truyện truyền thuyết Trung Hoa như truyện Phương Chính Học giết rắn sau khi nằm mơ, rồi bị vạ diệt tộc do đàn rắn báo thù; truyện Ngô Trân, làm quan đời Tống, ra lệnh đốt khu rừng rậm ở Kim Bình thì có một bà già dắt con đến cửa dinh kêu xin cho thư thả để kịp dời chỗ; Ngô Trân mắng đuổi, giục quân cứ đốt rừng bỗng có một luồng hắc khí bay vào, con dâu Ngô Trân có mang rồi đẻ ra Ngô Hy. Về sau Ngô Hy bị án diệt tộc; truyện Chu Tuệ và Kiều Oanh, cũng có nội dung tương tự: Chu Tuệ, một đại học sĩ đời Minh, bị vua không tin dùng, trở về quê Hàng Châu; một hôm nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp đến xin hoãn việc dọn vườn để mẹ con kịp thu xếp. Tỉnh dậy thì đầy tớ đã giết mất 5 con rắn. Một đêm Chu Tuệ đọc sách, một con rắn bò trên xà há mồm nhỏ một giọt máu lên sách, thấm qua 3 trang giấy. Một hôm du ngoạn bên sông, Chu Tuệ gặp Kiều Oanh, một cô gái bán hoa xinh đẹp, cùng xướng họa rồi cưới Kiều Oanh làm thiếp. Một hôm tình cờ Thái tử đi qua ghé thăm, Chu Tuệ mở tiệc, Kiều Oanh hầu rượu. Đêm ấy, Thái tử ở lại với Kiều Oanh; sáng hôm sau Thái tử đã chết cứng. Chu Tuệ bị tru di tam tộc, 100 năm sau được minh oan.
Có lẽ phe cánh của Nguyễn Thị Anh lúc gấp chẳng nghĩ ra được chuyện gì mới bèn dùng ngay các truyền thuyết cũ của Trung Hoa.
(5) Giết được Nguyễn Thị Anh và Lê Nhân Tông rồi, Nghi Dân đã viết trong Đại xá thiên hạ khi nói về Nhân Tông như sau:
“Diên Ninh (Nhân Tông) tự biết mình không phải là con của tiên đế…” (Đại Việt sử kí toàn thưĐại Việt thông sử có ghi lại chi tiết này).
(6) Nguyên tác “Tống thai tinh” – nói lái là tính Thái Tông nghĩa là họ của Thái Tông. Lê Thái Tông có tên là Lê Nguyên Long – “tính Thái Tông” dịch thoát là “máu Nguyên Long”
(7) Từ thực tế này, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của triều Nguyễn về sau đã nhầm mà cho rằng Lê Thái Tông mất tại vườn vải vì bệnh sốt rét.
(8) Vụ án Lệ chi viên; Gs.Võ Thu Tịnh; http://vietsciences.free. & Đinh Công Vỹ – Bên lề chính sử; NXB Văn hóa Thông tin 2005.
(9)  Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh Thái Bình.
(10)  Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ lúc gặp nhau đã có 2 bài thơ xướng họa :
Ả ở đâu ta bán chiếu gon,
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi;
Đã có chồng chưa được mấy con?
Nguyễn Thị Lộ ứng khẩu họa ngay:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ sao ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ;
Chồng còn chưa có, có chi con.
(11) (15) Theo Đinh Công Vỹ; Bên lề chính sử; NXB Văn hóa Thông tin 2005.
(12) Vũ Quỳnh : Binh bộ thượng thư, Quốc tử giám tu nghiệp kiêm Sử quan Đô tổng tài đời vua Lê Tương Dực, tác giả bộ Việt giám thông khảo gồm 26 quyển.
(13) Vụ án Lệ chi viên; Gs.Võ Thu Tịnh; 04/04/2007; http://vietsciences.free.fr/vietnam/sudia/vuan-lechivien.htm
(14) GS. ĐINH XUÂN LÂM, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam;
(http://bach-khoa.org/forum/showthread.php?t=6624&page=2.)
(16) * Phan Tình; truyện ngắn Đêm Lệ chi viên : “… Rượu say thì ít mà tình say thì nhiều, lòng xuân phơi phới giữa cảnh trăng thanh gió mát, khiến lòng quân vương không tài nào kềm hãm, dục tình trào dâng trước một mỹ nhân thân vóc cực kỳ khiêu gợi, và chừng như cũng có ý hiến dâng lên hoàng thượng một mời mọc đồng cảm ái ân. Đứng trước tình cảnh lòng xuân ngùn ngụt chứa chan, nhà vua không tài nào cưỡng nỗi …” ( http://vantuyen.net )
* Nguyễn Thúy Ái, truyện ngắn Trở về Lệ chi viên (NXB Trẻ) :”… Qua khe của chiếc cửa sổ tròn nhỏ, bằng gỗ chạm trổ hình chim hạc rất tinh xảo, nhìn vào (…) mình rồng đang ở trần trùng trục, phủ lên thân thể ngọc ngà của Thị Lộ, cũng không một mảnh vải che thân. Cả hai người ra sức tận hưởng lạc thú …”
* Hà Văn Thùy, tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thị Lộ (NXB Văn Học) cũng tưởng tượng những chi tiết tương tự.
(http://khoahocnet.com)

Mổ xẻ vụ án đầu độc vua Lê ở "Lệ Chi Viên"

Sử sách chép rằng, Lê Thái Tông (14231442) đã thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi đột ngột qua đời. Vào thời điểm đó, vua còn rất trẻ, mới 20 tuổi. Đây chính là vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Triều đình đã quy tội cho Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi giết vua và bị xử tru di tam tộc. Sau này, vua Lê Thánh Tông minh oan cho Ức Trai Nguyễn Trãi nhưng không đề cập tới việc điều tra cái chết và nguyên nhân tử vong của vua Lê Thái Tông. Đến nay, vụ án Lê Chi Viên nổi tiếng ấy còn nhiều bí ẩn và tranh cãi.
Đền thờ vua Lê Thái Tông
Tài nhân gặp họa
Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận định về vua Lê Thái Tông: "Vua thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình; bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài đánh dẹp Di địch. Trọng đạo sùng nho, mở khoa thi chọn hiền sĩ; xử tù, xét án phần nhiều tha thứ khoan hồng. Cũng là bậc vua tài giỏi biết nối giữ cơ đồ, song đam mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài cũng là tự mình chuốc lấy tai họa.
Ngày 27/7/1442 (năm Nhâm Tuất), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quan ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4/8 cùng năm, vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, là vợ thứ của Ức Trai Nguyễn Trãi. Tương truyền, năm 1406 khi Nguyễn Trãi (26 tuổi) đang làm quan nhà Hồ, gặp Thị Lộ đang ở tuổi trăng tròn -16 tuổi ở Vũ Lăng. Mới gặp lần đầu sau cuộc mạn đàm thi ca, cả hai nhanh chóng đã tở thành tri kỷ. Tuy nhiên về làm bạn thơ thiếp với Nguyễn Trãi nhiều năm, Thị Lộ vẫn không có con. Họ nhận một người cháu của Ngô Từ là Ngô Chi Lan làm con nuôi.
Trong thời gian Lê Lợi đứng lên khởi nghĩa, Nguyễn Trãi cùng em họ Trần Nguyên Hãn đồng tâm ra giúp sức tụ nghĩa chống quân Minh. Mỗi khi Nguyễn Trãi thảo thư từ, chiếu hịch đều có Thị Lộ ở bên giúp việc sửa chép. Lúc nào, Thị Lộ cũng cần mẫn tươi cười, nhẫn nại, hoạt bát, đoan chính làm việc thông thái nên được mọi người yêu mến, kính nể. Họ sống với nhau hòa thuận đến khi ấy đã vào tuổi 40. Vốn Nguyễn Thị Lộ rất được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sắc đẹp, văn hay, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng hà. Các quan bí mật đưa xác vua về, ngày 6/8 mới đến kinh sư, nửa đêm vào đến cung mới phát tang. Và mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.
Mổ xẻ bi kịch Lệ Chi Viên
Dựa vào truyền thuyết trên, các nhà sử học đã mổ xẻ, phân tích chi tiết mọi hành động, động cơ dẫn tới cái chết của vua Lê Thái Tông. Nhiều câu hỏi được đặt ra: vua chết ở đâu? Ai chứng kiến? Có bắt được hung thủ ở ngay hiện trường không?...
Nơi vua chết là ở chùa Côn sơn như lời mời của Nguyễn Trải, hay tại nhà riêng của Nguyễn Trãi - Thị Lộ? Theo nghi lễ của bậc thiên tử khi ra khỏi cung, vua không bao giờ ở nhà dân, cho dù đó là nhà cha mẹ vợ mà chỉ ở hành cung là nơi đã được sửa soạn trước trong các chuyến vi hành, hoặc ở một nơi tôn nghiêm như đình, chùa. Do vậy, thông thường khi muốn thăm một ai, vua sẽ cho triệu người ấy đến chỗ vua ở, chứ không bao giờ vua đến nhà của họ, trừ trường hợp đi thăm viếng để tìm hiểu dân tình làm ăn sinh sống hoặc các vị đại công thần đau yếu sắp chết không đi được vua mới đến nhà. Vì vậy, có thể loại trừ giả thuyết vua chết ở bên ngoài, tức nơi ở không do triều đình sắp đặt.
Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ
"Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua nhưng trên thực tế, lại chẳng hề có người nào chứng kiến lúc vua hấp hối, băng hà; và đồng nghĩa, cũng chẳng có ai dám khẳng định nhìn tận mắt Nguyễn Thị Lộ giết vua.
Vậy, mọi người ở đây phải chăng là ám chỉ những người có thù hằn với Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ? Chưa kể, cùng thời điểm đấy, trong dân gian lan truyền rằng, bà Nguyễn Thị Lộ là một con rắn biến thành người, dụ dỗ Nguyễn Trãi và hại ba đời nhà ông. Con rắn thành tinh ngầm mang thù oán, mới đầu thai thành Thị Lộ. Nàng sinh ra dưới sườn có vảy..., Lịch triều hiến chương loại chí viết.
Theo nhiều sử gia, mặc dù câu chuyện được nhiều sách cũ chép lại, nhưng tất cả chỉ nhằm giải thích nguyên nhân tiền định về cái chết của vua Lê Thái Tông và Nguyễn Trãi, xoa dịu lòng tiếc thương Nguyễn Trãi và chán ghét nhà Lê nhỏ mọn đối với công thần. Đây là thuật tuyên truyền của tầng lớp thống trị hồi đó lợi dụng lòng mê tín của nhân dân, là mô phỏng từ các truyền thuyết xa xưa của Trung Quốc, nên ngày nay truyền thuyết bị bác bỏ và không được xác chứng.
“Lộ diện” hung thủ
Trong cuốn Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên, các nhà sử học và một số nhà khoa học đã chỉ rõ, chủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, mẹ vua Lê Nhân Tông. Về động cơ, thứ nhất là do bà rất căm oán Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ - hai người đã giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ Lê Thánh Tông, thoát khỏi âm mưu sát hại của bà ta. Thứ hai là do thời đó, nhiều người trong triều dị nghị rằng, bà Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ (Lê Nhân Tông) không phải là con vua Thái Tông, nên nhân lúc vua về thăm Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha và nói tốt cho Tư Thành (Lê Thánh Tông), nên bà Nguyễn Thị Anh đã sai người sát hại vua Thái Tông, rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi.
Theo sử sách, vài ngày sau khi hành hình gia đình Nguyễn Trãi, triều đình thực ra chính là Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính thay con, ra lệnh giết hai hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng vì trước khi chết Nguyễn Trãi có nói: "Ta hối không nghe lời Thắng, Phúc". Các nhà nghiên cứu cho rằng chính Đinh Phúc, Đinh Thắng là những người khuyên Nguyễn Trãi sớm tố cáo Nguyễn Thị Anh với vua Thái Tông. Do đó, để diệt khẩu, bà sai giết hai người này. Sâu xa hơn, thảm án Lệ Chi Viên còn là sự ghen ghét, đố kỵ của một số không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng lỗi lạc và tính tình ngay thẳng, cương trực của Nguyễn Trãi - được cho là luôn cản trở những việc làm mờ ám của họ.
Như vậy, oan khuất của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ trong nghi án đột tử của vua Lê Thái Tông đã trải qua mấy trăm năm, mới được các nhà sử học minh oan. Đánh giá về bà, GS Vũ Khiêu khẳng định: "Ít nhất, bà cũng là người tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa. Bà đã dâng trọn cuộc đời phục vụ cho sự bền vững của Vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông ại Việt". GS Đinh Xuân Lâm cũng cho rằng, cần có sự công khai chiêu tuyết cho bà Nguyễn Thị Lộ. Chế độ phong kiến cũ đã không làm được việc đó thì ngày nay chúng ta phải làm được.
Liên Thạch Bích
(nguoiduatin.vn) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét