VĂN MINH HÓA 8 (Arập)
(ĐC sưu tầm trên NET)
III. Văn minh Arập
3.1. CƠ SỞ HÌNH THÀNH NỀN VĂN MINH ARẬP:
3.1.1. Điều kiện tự nhiên, dân cư:
Bán đảo Arập phần lớn là núi và sa mạc, chỉ có một
ít đồng cỏ thưa thớt. Tại bán đảo này chỉ có vùng Yêmen ở tây nam bán
đảo là có nguồn nước. Chính vì vậy, thời cổ đại, khi hai vùng lân cận là
Ai Cập, Lưỡng Hà đã bước vào xã hội văn minh thì ở bán đảo Arập, với
dân cư thưa thớt vẫn sống theo chế độ bộ lạc quanh các ốc đảo.
Dân cư ở đây là các bộ lạc có nguồn gốc người Sêmít,
một tộc người chuyên sống bằng nghề săn bắn, du mục cuối thời nguyên
thuỷ, đầu thời cổ đại.
Do nằm ở trên con đường buôn bán Á - Phi - Âu, những
người dân ở bán đảo Arập thời cổ đại, với khả năng chịu khổ cực trên sa
mạc, thuộc đường đi nên họ đã trở thành những người chuyên chở hàng
thuê trên những con đường sa mạc. Tới thế kỉ VII, nhờ kết hợp chăn nuôi
với buôn bán nên ở bán đảo Arập kinh tế đã khá phát triển. Một số thành
phố đã xuất hiện như Mecca, Yatơrip. Nhưng
nhìn chung, cả bán đảo Arập còn đang bị chia xẻ bởi hàng trăm bộ lạc với
những phong tục, tôn giáo khác nhau. Vấn đề đặt ra lúc này là cần phải
thống nhất toàn bộ bán đảo để tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, điều
đó đã được thực hiện bởi một người có tên là Môhamét.
3.1.2. Sự hình thành và tan rã của đế chế Arập:
Môhamét suy nghĩ, muốn thống nhất toàn bộ bán đảo
Arập thì phải có một hệ tư tưởng thống nhất, từ đó ông đã đề xướng ra
đạo Hồi (Islam).
Xuất thân từ một cậu bé chăn cừu cực khổ, chuyên đi
theo những đoàn lái buôn xuyên qua các sa mạc khắp vùng Tây Á, Môhamét
đã học được nhiều điều.
Năm 610 ông bắt đầu truyền đạo ở Mecca. Số tín đồ theo ông ngày càng đông nên ông đã bị các tăng lữ, quí tộc ở Mecca truy nã gắt gao.
Năm 622 ông bỏ chạy từ Mecca lên phía bắc tới
Yathrib, cách Mecca 400km. Thành phố Yathrib sau này được đổi tên là
Medina, có nghĩa là thành phố của nhà Tiên tri.
Từ năm 622 đến năm 630 Môhamét xây dựng lực lượng. Đến năm 630 ông kéo 10 000 tay gươm về vây thành Mecca. Liệu sức chống không nổi, giới quí tộc Mecca
mở cửa xin hàng và chấp thuận tin theo đạo Hồi. Môhamet phế bỏ tất cả
các biểu tượng của tôn giáo đa thần trước kia, chỉ giữ lại tảng đá đen
trong ngôi đền Kaaba và ông giải thích đó là biểu tượng của thánh Ala.
Đầu năm 632, đại hội Hồi giáo đầu tiên đã diễn ra ở Mecca. Tháng 6/632 Môhamet qua đời và được an táng tại Medina.
Sau khi Môhamet qua đời, những người kế tục Môhamet (
gọi là Khalif ) tìm mọi cách mở rộng lãnh thổ chịu ảnh hưởng của đạo
Hồi. Từ thế kỉ VII tới cuối thế kỉ VIII, Arập từ một quốc gia đã phát
triển thành một đế quốc bao trùm toàn bộ vùng đất từ lưu vực sông Ấn qua
Tây Á, Bắc Phi, tới bờ Đại Tây Dương.
Nhưng từ giữa thế kỉ VIII,
đế chế Arập đã bị chia rẽ thành nhiều dòng quí tộc, sự thống nhất không
còn như trước. Năm 1258, quân Mông Cổ đánh chiếm Batđa (Bagdad), kinh đô của đế quốc Arập lúc đó. Đế quốc Arập bị diệt vong.
3.2. NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ YẾU CỦA VĂN MINH ARÂP:
3.2.1. Tôn giáo:
Điểm đáng chú ý nhất của văn hoá Arập là đạo Islam.
Đạo Islam ta thường hay gọi là đạo Hồi vì hầu hết dân tộc Hồi ở Trung
Quốc theo đạo này.
Islam theo ngôn ngữ Arập có nghĩa là “phục tùng”,
“tuân theo”. Giáo lí của đạo Islam nằm trong bộ kinh Koran, gồm tất cả
30 quyển, 114 chương.
Trong kinh Koran, luân lí và luật pháp, hoà trộn làm một . Theo Môhamet, kinh Koran là ghi lại những lời truyền dạy của thánh Ala.
Giáo lí của đạo Hồi gồm có 6 tín ngưỡng lớn ( Lục tín ), đó là:
Tin chân thánh: Chỉ tin duy nhất một thánh Ala. Ngoài thánh Ala, không công nhận một đấng thiêng liêng nào khác.
Tin thiên sứ: Theo kinh Koran thì thiên sứ do thánh Ala
tạo ra từ ánh sáng . Có nhiều thiên sứ, mỗi thiên sứ cai quản về một
công việc, và ghi chép về tất cả những hành vi tốt, xấu của con người.
Tin kinh điển: Bộ kinh điển duy nhất đáng tin, lấy đó làm thước đo mọi sự việc, đó là kinh Koran.
Tin sứ giả: Mohamet là sứ giả của thánh Ala phái xuống để truyền giảng những điều dạy của thánh Ala. Mọi điều truyền giảng của Môhamet đều là chân lí.
Tin tiền định: Các tín đồ của đạo Hồi tin rằng số phận của mỗi con người đều do thánh Ala an bài, con người không thể cưỡng lại được, đó là định mệnh.
Tin kiếp sau: Các tín đồ Hồi giáo tin rằng, sau khi chết đi con người sẽ sống ở một thế giới khác và chịu sự phán xét của thánh Ala vào ngày tận thế.
Về nghĩa vụ, đạo Hồi còn qui định:
Chỉ thừa nhận có thánh Ala và tuyệt đối tin tưởng vào thánh Ala. Môhamet là sứ giả của thánh Ala và là vị tiên tri cuối cùng.
Hàng ngày phải cầu nguyện 5 lần vào sáng, trưa, chiều, tối, và nửa đêm.
Hàng năm tới tháng Ramadan phải trai giới một tháng.
Trong tháng này, từ lúc mặt trời mọc tới lúc mặt trời lặn, tuyệt đối
không được ăn, uống. Nhưng những người già, người bệnh, phụ nữ có thai,
trẻ em dưới 10 tuổi thì được miễn.
Phải làm việc thiện, bố thí cho người nghèo và trẻ
mồ côi. Khalifa thứ hai là Omar có nói “Nhờ cầu nguyện chúng ta đi đến
được nửa đường tới Thánh, nhờ trai giới, chúng ta tới được cửa Thiên
cung của Ngài, nhờ bố thí, chúng ta sẽ vào được Thiên cung.”
Nếu ai có điều kiện, ít nhất trong đời phải hành hương về Thánh địa Mecca
một lần. Người nào hoàn thành công cuộc hành hương này được coi là đã
đắc đạo và được trao danh hiệu “Hadia” . Những Hadia được cộng đồng Hồi
giáo ở quê hương rất kính nể. ( Có lẽ xưa kia đi bộ qua sa mạc để hành
hương về Thánh địa Mecca không dễ dàng như đi ôtô, máy bay như bây giờ ).
Ngoài ra đạo Hồi còn có một số qui định như: cấm ăn
thịt heo, cấm uống rượư, không thờ các tranh, tượng Thánh. Đàn ông ai
cũng phải lấy vợ, ít nhất một lần, nhiều là bốn lần.
3.2.2. Văn học nghệ thuật:
Bộ kinh Koran không chỉ là một bộ kinh thánh mà còn
là một tác phẩm văn hoá đồ sộ. Trong kinh Koran chứa đựng những truyền
thuyết, những câu chuyện lịch sử, những lời truyền giảng của Môhamet, cả
một số cách chữa bệnh... Chính nhờ bộ kinh Koran mà chữ viết của các
quốc gia theo đạo Hồi ở Tây Á và Bắc Phi được thống nhất.
Một nghìn lẻ một đêm là một
tác phẩm văn học vĩ đại của thế giới Arập. Tác phẩm này còn là một tác
phẩm văn học vĩ đại của văn học thế giới. Chính vì vậy, dù là nước theo
Hồi giáo hay không, tác phẩm Một nghìn lẻ một đêm vẫn được người dân ưa
thích. ( 1001 còn chứa đựng một tính chất toán học dí dỏm, nó chia hết
cho cả 7, 11, và 13 ; đó là những số nguyên tố )
Về nghệ thuật, do đạo Hồi cấm vẽ tranh, tạc tượng
nên những tài hoa của nghệ thuật Hồi giáo chỉ còn đất thể hiện qua các
công trình kiến trúc và các tấm thảm.
Nghệ thuật kiến trúc Hồi giáo cũng tạo ra nhiều công
trình kiến trúc độc đáo, có giá trị cao trong kho tàng những công trình
kiến trúc nhân loại. Nhiều cung điện, thánh đường với những mái vòm,
tháp nhọn, những hàng cột mảnh, ở trong được trang trí bằng những đường
hình học ( vì không được vẽ tranh, tạc tượng. )
3.2.3. Khoa học tự nhiên:
Trong quá trình mở rộng lãnh thổ đế quốc của mình,
những người cầm đầu đế quốc Arập cũng rất có ý thức lưu giữ, thu thập và
phát triển những giá trị tinh thần. Nhờ đó mà rất nhiều tác phẩm có giá
trị của nhân loại có từ thời cổ đại lại được lưu giữ dưới những dòng
chữ Arập. Kinh Cựu ước, nhiều tác phẩm của Arixtôt, Platôn... cũng được
các nhà thông thái Arập dịch ra. Khi còn sống, Môhamet cũng đánh giá rất
cao những giá trị tinh thần, Ông đã từng nói “Mực của nhà thông thái
còn quí hơn máu của kẻ tử vì đạo”. Các tác phẩm dịch thuật hồi đó được
trả bằng vàng theo trọng lượng cuốn sách.
Về Toán học, người Arập tiếp tục phát triển môn đại
số, hình học, lượng giác và hoàn thiện hệ thống chữ số thập phân mà họ
đã tiếp thu được từ người Ấn Độ. Các khái niệm sin, cosin, tang ,
cotang, là do chính các nhà toán học Arập đặt ra.
Về Vật lí, nhà thông thái Al Haitham của Arập đã
viết ra cuốn “Sách quang học” được coi là cuốn sách có tính chất khoa
học nhất thời trung đại.
Về Hoá học, người Arập đã biết chế tạo ra nồi nước
cất để tạo ra nước tinh khiết sử dụng trong các thí nghiệm hoá học. Họ
cũng biết nấu rượư Rum từ đường mía.
Về Sinh học, họ đã biết ghép cây để tạo ra những giống cây trồng mới.
Về Y học, họ đã biết chữa nhiều loại bệnh nội, ngoại khoa nhưng đặc biệt họ chú ý về nhãn khoa.
3.2.4. Giáo dục:
Người Arập cũng rất chú trọng đến giáo dục. Môhamet
đã từng nói “ Tìm hiểu và mở mang tri thức là đang đi trên con đường tới
với ThángAla.”
Trong thời kì hùng mạnh của mình, những người cầm
đầu đế quốc Arập đã xây dựng 3 trường đại học lớn ở Cairo (Ai Cập),
Baghdad (Irăc), và Cordou (Tây Ban Nha).
Họ tập trung những thanh niên ưu tú trên toàn đế
quốc về đây học tập. Trường học không phải chỉ dạy kinh Koran mà còn dạy
cả lịch sử, đạo đức, pháp luật, văn học, toán học và thiên văn...
Ngoài ra còn phải kể đến vai
trò trung gian của họ. Chính nhờ người Arập mà những kĩ thuật làm giấy,
thuốc súng, la bàn, nghề in của Trung Hoa mới được truyền sang Châu Âu;
nhiều tác phẩm triết học của Hy Lạp, La Mã đã được truyền sang phương
Đông; chữ số Ấn Độ, kĩ thuật dệt thảm, thuộc da của Siria thông qua các
lái buôn Arập mà truyền bá khắp Á - Âu.
(ĐC chép từ epubbud.com)
Nhận xét
Đăng nhận xét