NHỚ LÊ VŨ CẦU 4
(ĐC sưu tầm trên NET)
Những
buổi tiếp chuyện như vậy cũng thường nhanh kết thúc, vì ngại anh mệt.
Chia tay, lại nhớ dáng anh quay lưng, một mình lặng lẽ trở về phòng nghỉ
trên lối nhỏ rợp bóng cây. Những bước chân yếu ớt bước đi qua con đường
lốm đốm ánh nắng xuyên qua kẽ lá.
Những ngày cuối cùng của Lê Vũ Cầu
Lê Vũ Cầu vẫn còn ham sống, còn vững tin,
nhưng có lẽ qua bao lần thập tử nhất sinh, lá gan mang bệnh của anh
không còn đủ sức chống chọi nữa...
Đầu
tháng 9, khi bệnh tình trầm trọng, người nhà và đạo diễn Thế Ngữ đòi Lê
Vũ Cầu phải nhập viện. Thế nhưng Lê Vũ Cầu không muốn. Anh sợ bệnh
viện. Lê Vũ Cầu một mực: "Em khỏe, em khỏe mà...", đến lúc Thế Ngữ ẵm ra
xe thì anh mới chịu đi.
Còn nhớ từ sau cơn bạo bệnh năm
2004, Lê Vũ Cầu về sống hẳn ở quán Vợ thằng Đậu, quận Thủ Đức (TP.HCM). Ở
đây, anh mở một bếp cơm chay miễn phí vào những buổi trưa như một việc
thiện cầu an cho tâm hồn. Có những buổi sáng thấy Lê Vũ Cầu ghé sân khấu
5B Võ Văn Tần hàn huyên đôi chút với bạn bè. Đó là những lúc anh khỏe,
muốn đi chơi đâu đó một chút cho đổi gió. Những lúc ấy Lê Vũ Cầu vẫn còn
đấy vẻ phong trần, đôi mắt long lanh những niềm vui bình dị.
Có
lúc ghé thăm anh ở quán Vợ thằng Đậu, ngồi nói chuyện dưới tán cây, Lê
Vũ Cầu kể chuyện lúc này ngoài việc điều trị thuốc thang, chăm nom sức
khỏe anh còn đi chơi đây đó với bạn bè, với những văn nghệ sĩ mà anh quý
trọng. Anh nói: "Đời tôi lúc nhỏ đã lang bạt, có những chỗ tối, nhưng
nhờ gặp được nhiều bậc đàn anh, bạn bè văn hóa, trí thức nên tôi cũng
sáng ra nhiều điều". Những lúc đó ánh mắt Lê Vũ Cầu lại xa xăm. Một quá
khứ tuổi thiếu niên lang bạt đã dứt. Một quá khứ vinh quang dưới ánh đèn
sân khấu giờ cũng không còn đủ sức. Lê Vũ Cầu giờ đây là người đàn ông
sống chiêm nghiệm, cầu an cho tâm hồn.
Có lẽ điều công chúng
nhớ đến Lê Vũ Cầu cuối cùng là bếp cơm chay từ thiện của anh. Trước
đây, cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ Lê Vũ Cầu từng có thời gian niên thiếu
lang bạt trên đất Quy Nhơn, sống bằng nghề đánh giày, bảo kê, ăn cắp kho
Mỹ... Tuổi thiếu niên lang bạt khiến anh sa vào sự cám dỗ của nàng tiên
nâu. Chàng trai Lê Vũ Cầu sau đó theo đoàn cải lương Minh Cảnh rồi
nhiều đoàn nghệ thuật khác như Kim Chưởng, Hương Mùa Thu, Bông Hồng, Cửu
Long Giang...
Từ một người nghiện, Lê Vũ Cầu đã chiến
thắng bản thân để trở thành một người có ích cho xã hội. Từ một chân hậu
đài soát vé, chạy màn, kéo micro, đóng vai quân sĩ... Lê Vũ Cầu bước
sang sự nghiệp diễn viên với những vai diễn đáng nhớ trong phim Ông cá Hô, vở Người đàn bà đức hạnh, Chí Phèo, Khuất Nguyên, Vũ Như Tô, Chuyện lạ... Đó là những vai diễn đã đem đến cho người nghệ sĩ Lê Vũ Cầu lòng yêu mến và trân trọng của khán giả.
Nổi
tiếng trên sân khấu, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu còn nổi tiếng cả về những giai
thoại anh thoát lưỡi hái thần chết. Nhiều phen anh mắc bệnh thập tử nhất
sinh, có lúc đã đưa quan tài về nhà, đã gọi tất cả người thân từ hải
ngoại về mà anh vẫn sống. Lần này, trở về từ Bệnh viện Quân dân miền
Đông (TP.HCM), Lê Vũ Cầu nằm điều trị tại nhà lúc tỉnh lúc mê. Đến lúc 4
giờ 40 phút ngày 23.9 thì anh mất.
Một cuộc đời với
tuổi xuân phiêu bạt đã tạo nên một cá tính "giang hồ" Lê Vũ Cầu khảng
khái, biết trọng tình nghĩa và lẽ phải, được lòng yêu mến trên sân khấu
lẫn trong bạn bè, đồng nghiệp. Lê Vũ Cầu đã ra đi với sự hụt hẫng, tiếc
thương...
Theo Thanh Niên
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đã ra đi
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đã mất lúc 4 giờ 40 sáng nay, 23/9 do bệnh nặng, hưởng dương 53 tuổi.
Nghệ
sĩ Lê Vũ Cầu thành danh trong làng diễn viên sân khấu cùng thời với thế
hệ Thành Hội, Thành Lộc, Hồng Vân… Ông được yêu mến và gắn liền với
hình ảnh nghệ sĩ Hồng Vân trong Vợ Chồng Thằng Đậu.
Ông
còn là một gương mặt nghệ sĩ giàu tâm huyết với nghề, giúp đỡ và tạo
điều kiện cho rất nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ tồn tại và thành danh
trong nghề như: Thanh Thúy, Cát Phượng…
Lê
Vũ Cầu còn là một nghệ sỹ có tấm lòng vàng và trái tim nhân hậu với
những mảnh đời bất hạnh. Ông mở quán Vợ Thằng Đậu để kiếm tiền giúp đỡ,
lo lắng cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu trong một chương trình truyền hình |
Trước
đây khi trả lời phỏng vấn một tờ báo, khi được hỏi:“Nếu có một điều ước
cuối cùng cho riêng mình, anh sẽ ước gì?”, Nghệ sỹ Lê Vũ Cầu từng nói:
“Tôi ước sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Chỉ tiếc một điều tôi
học ít quá mặc dù lúc nào cũng thèm học. Tôi không muốn bị mang tiếng là
nghệ sĩ mà không được học tới nơi tới chốn. Nhưng có lẽ bây giờ không
còn kịp nữa rồi”.
Lễ viếng bắt đầu lúc 10
giờ ngày 24/9 tại Nhà Truyền thống Ban ái hữu Nghệ sĩ TPHCM (133 Cô
Bắc, quận 1, TPHCM). Lễ truy điệu được tổ chức lúc 10 giờ 30 ngày 27/9
sau đó an táng tại Nghĩa trang Nghệ sĩ Gò Vấp – TP HCM.
Nhận xét
Đăng nhận xét