Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

NHỚ LÊ VŨ CẦU 3

(ĐC sưu tầm trên NET)


Lê Vũ Cầu: "Nếu không có sân khấu, tôi sẽ là kẻ vứt đi"

Le Vu Cau Neu khong co san khau toi se la ke vut di
Diễn viên Lê Vũ Cầu.
Không được học hành, mồ côi từ năm lên 9, Lê Vũ Cầu phải đi đánh giày, làm thuê. Có lần, nghe bạn bè rủ rê, anh dính vào "nàng tiên nâu". Thế nhưng nhờ ý chí và được các cô chú trong đoàn cải lương Minh Cảnh giúp đỡ, anh đã không trở thành kẻ bỏ đi như nhiều người nghĩ.
Để từ bỏ nàng tiên nâu, Lê Vũ Cầu đã phải trải qua những cơn đau đớn khủng khiếp khi đói thuốc. Thể xác anh oằn oại như có hàng nghìn con sâu bọ rỉa vào tận da thịt. Nhưng rồi anh đã chiến thắng được bản thân mình. Anh tự nhủ: "Mình không còn cha mẹ, nếu sa chân vào sâu hơn nữa con đường ma quỷ này thì càng nguy hiểm, lỡ mệnh hệ thì biết kêu ai?".
Thế là từ một đứa trẻ chuyên bị sai vặt sau hậu đài, nhờ nỗ lực phấn đấu, Lê Vũ Cầu đã trở thành diễn viên đứng trên sàn diễn. Không được đào tạo chính quy như các đồng nghiệp, nhưng bù lại, gần 5 thập kỷ lăn lộn ở trường đời, anh có được vốn sống khá phong phú để mang vào nghề diễn. Anh nói: "Sân khấu đã mở rộng tấm màn nhung cho tôi được đổi đời. Tôi cũng may mắn được những người đi trước dạy bảo và thấm thía những điều hay trong chính những kịch bản mà tôi tham gia diễn. Nếu không có sân khấu thì tôi là kẻ vứt đi rồi".
Năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh cộng với ý chí rèn luyện đã giúp Lê Vũ Cầu trở thành nghệ sĩ thực thụ. Mỗi nhân vật anh diễn đều mang một số phận, tính cách khác nhau. Với những vai chính kịch, anh nghiêm túc khai thác tận cùng tâm trạng nhân vật để tạo nên sức truyền cảm cho người xem. Anh diễn khá chân thực và không quá lạm dụng kỹ thuật.
Tuy nhiên, sau mỗi lần đóng phim, mỗi đêm diễn tặng cho khán giả những trận cười nghiêng ngả, lúc về nhà, ngả lưng xuống giường, anh lại cảm nhận sâu sắc sự cô độc của chính mình. Thời gian gần đây, anh buồn lo nhiều hơn. Đầu tháng 3 năm nay, khi đang dựng vở Con gái ngài giám đốc cho sân khấu 5B Võ Văn Tần, anh đột ngột ngã bệnh, phải nằm cấp cứu ở bệnh viện Bình Dân cả tháng trời. Trước đó, năm 2002, vì bệnh gan mà anh đã suýt phải từ giã cuộc đời.
Đạo diễn Thế Ngữ nói về Lê Vũ Cầu: "Các vai kịch, phim của Vũ Cầu đều tạo cho khán giả lòng tin với cuộc đời. Có lẽ bởi những nỗi truân chuyên đeo đẳng, buồn nhiều, vui ít nên anh đã đem cả nước mắt trong đời thường vào sân khấu. Vị chát của cuộc sống, của thân phận con người đã khiến anh tạo ra tiếng cười mang đậm màu sắc riêng của nghệ thuật sân khấu".
(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)

Lê Vũ Cầu chỉ mong được ra đi thanh thản

"Lúc nào tôi cũng khao khát có một gia đình. Trong phòng, TV luôn sáng dù tôi ngủ hay thức, xem hay không xem, chỉ để nghe được tiếng người nói. Tuy vậy, ngay cả lúc ốm thập tử nhất sinh, tôi cũng không bao giờ ân hận về quyết định sống một mình", nghệ sĩ Lê Vũ Cầu tâm sự khi sức khỏe đang yếu dần vì bệnh xơ gan.
- Có một người phụ nữ chiếm vị trí rất đặc biệt trong trái tim anh. Cô ấy là tình đầu hay tình cuối?
Le Vu Cau chi mong duoc ra di thanh than
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Ảnh: Mỹ Thuật
- Trước năm 1975, tôi sống không nghĩ tới ngày mai. Nhưng sau khi gặp cô ấy, tôi đã biết thế nào là yêu và hạnh phúc. Năm đó tôi 20 tuổi, tay trắng, một mình đi theo đoàn hát cho thỏa kiếp giang hồ. Còn cô ấy là con một gia đình trí thức nhưng lại đam mê ánh đèn sân khấu.
Từ nhỏ, tôi đã thiếu thốn đủ thứ về tình cảm và vật chất nên mỗi khi ở bên cô ấy, tôi đều cảm thấy ấm lòng trở lại. Đối với tôi, cô vừa là người yêu, vừa là mẹ, là bạn. Nhưng cả hai chúng tôi đều không vượt qua được rào cản gia đình khi ba mẹ cô ấy phản đối vì không môn đăng hộ đối. Cô ấy buộc phải lựa chọn: một là tôi, hai là gia đình. Phần vì bản tính tôi ương ngạnh, tự ái, phần vì cô ấy là đứa con có hiếu nên cuối cùng chúng tôi chấp nhận chia tay.
Tưởng thời gian sẽ giúp cả hai nguôi ngoai, nhưng không ngờ nỗi mất mát quá lớn khiến tinh thần kiệt quệ đến mức tôi đã có suy nghĩ không hay là sẽ giết chết cả hai. Cũng may tôi bình tâm lại và suy cho cùng, cái chết của tôi chẳng gây đau khổ cho ai vì tôi chỉ có một mình, còn cô ấy có cả gia đình.
Lúc cô ấy đi lấy chồng, tôi đã tìm đến rượu, mong uống cho tới chết mà không được. Cô ấy là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng tôi yêu. Tôi tin chắc rằng ngay cả khi tôi nằm xuống thì tình cảm đó vẫn còn mãi.
- Phải chăng vì thế mà đến giờ, anh vẫn một mình?
- Anh Thế Ngữ (đạo diễn) coi tôi như anh em ruột thịt, là chứng nhân cho quãng đời của tôi trên sân khấu đã nói thẳng: "Chú là người sống bản năng chứ không có bản lĩnh". Nghe ngậm ngùi nhưng tôi thấy đúng. Từ nhỏ tới lớn, tôi đều sống vì bạn, rủ đi đâu tôi cũng đi. Chất giang hồ lãng tử đã ăn sâu vào máu nên không người phụ nữ nào chịu nổi tôi. Có lúc tôi thấy mình không hơn một đứa trẻ. Họ càng chiều chuộng, chăm sóc, tôi càng đòi hỏi. Đối với phụ nữ, tôi mang ơn họ nhiều lắm. Sợ họ khổ nên tôi thà sống một mình.
- Ngoài người phụ nữ đặc biệt còn bao nhiêu người phụ nữ khác đi qua cuộc đời anh?
- Do tính tôi đa cảm nên nhìn người phụ nữ nào tôi cũng thấy rất đẹp. Chỉ cần một bàn tay, ánh mắt, nụ cười, sợi tóc bay bay... là tôi đã có những suy nghĩ lãng mạn và cảm thấy ấm áp lắm rồi. Mà cái số tôi cũng ngộ. Một thân một mình, không giàu có, không quyền lực nhưng lúc nào cũng có phụ nữ ở bên cạnh. Bây giờ cũng thế. Họ không ngại tôi bị bệnh tật hiểm nghèo. Họ chấp nhận tất cả để được ở bên tôi, chăm sóc, an ủi những phút cuối đời. Nhưng tôi không thể vì căn bệnh xơ gan biến chứng rất nhanh, không biết trước ngày nào mình sẽ nhắm mắt, xuôi tay.
- Thời gian trước khi anh bị bệnh, người ta đồn anh và diễn viên Thanh Thúy có "gì đó" với nhau. Anh nói gì về mối quan hệ này?
- Tôi đồng cảm với Thúy vì Thúy cũng mất cha từ nhỏ. Thúy là cô gái thông minh, sống có trách nhiệm, ngoan đạo và có hiếu. Trong từng vở diễn, tôi đều tập trung lo cho Thúy vào vai như thế nào, thể hiện cử chỉ, ngôn ngữ nhân vật ra sao. Có thể nói, vai diễn chính của Thúy trong vở Chuyện lạ do tôi dựng lại đã đưa Thúy lên đỉnh cao về diễn xuất sân khấu. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ là anh em thân thiết, quý mến chứ không có chuyện gì với nhau như tin đồn.
- Trước giải phóng, anh nổi danh là Cầu "Sài Gòn", chuyên cầm đầu một băng nhóm trẻ lang thang ở thành phố Quy Nhơn, dám làm những chuyện động trời như đánh Mỹ để bảo kê cho gái giang hồ. Chuyện này thực hư thế nào?
- Lúc đó tôi mới 11-12 tuổi, có biết gì đâu mà làm bảo kê. Chẳng qua thấy một số lính Mỹ nhậu xỉn, quậy phá, chòng ghẹo chị em phụ nữ nên tôi tìm cách đánh lén. Vì buổi tối đi chơi, lính Mỹ không được mang vũ khí, nên tôi và nhóm bạn mới thoát chết. Lên 16-17 tuổi, tụi tôi cũng chẳng biết yêu là gì. Khi phát hiện được kho hàng của căn cứ Mỹ, cả hội mò vào gặp gì vác nấy, đem về bán cho bà con quanh vùng. Kiếm được đồng nào là tiêu xài hoang phí, rồi dính vào cờ bạc, ma túy lúc nào không hay.
- Thế nghĩa là anh từng nghiện ma túy?
- Khi có 6 người bạn trong nhóm bị lính Mỹ bắn chết cũng là lúc tôi nghiện nặng. Suốt 4 năm trời, tôi sống trong tủi nhục, ê chề, người không ra người, thú không ra thú vì đói thuốc. Sau đó, tôi quyết tâm cai nghiện vì mình nghĩ chỉ có một thân một mình, phải tự cứu lấy đời mình. Một anh trong đoàn hát thương tôi, khuyên tôi nên tập tạ, uống rượu để đè cơn nghiện xuống mỗi khi thèm thuốc. Trải qua một năm vật vã, khổ sở, tôi mới từ từ dứt hẳn. Tôi biết mình vẫn còn may mắn chán.
- Lúc đó, vì lý do gì mà anh đi theo đoàn hát?
- Vì lâu lắm rồi kể từ khi lưu lạc, tôi mới gặp những người nói giọng Sài Gòn giống mình. Không ngờ rằng, sân khấu là nơi đã cứu đời tôi. Nếu không có nó, tôi đã chết vì chiến tranh, ma túy hay đâm chém. Trải qua đủ thứ việc như kéo micro, làm nhân viên hậu đài, soát vé... dần dần tôi được giao vai phụ, vai chính và cảm thấy mê nghề, yêu nghề từ lúc nào không hay.
- Bao nhiêu phen tự tử, nằm hấp hối trên giường bệnh mà kỳ diệu là anh vẫn sống. Anh có nghĩ mình là người cao số?
- Tôi cũng chịu, không lý giải nổi chuyện này. Lúc đau đớn quá, tôi chỉ mong cái chết đến nhanh với mình. Lần tôi thắt cổ bằng dây cáp truyền hình, chẳng hiểu sao sợi dây dày và to như thế lại bị đứt như có một phát dao chặt ngang. Trong giờ phút hấp hối, tôi tưởng đã chết rồi khi nhìn thấy rõ ràng mình đang nằm trong quan tài, vây xung quanh là kèn trống, bạn bè đến tiễn đưa. Sợ quá, tôi không dám nhúc nhích. Tỉnh dậy, việc đầu tiên tôi làm là chạy ra cửa xem đám tang có tổ chức không. Không thấy gì, tôi mới tin mình đang nằm mơ.
- Sinh ra trong thời chiến, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lưu lạc giang hồ, tình duyên trắc trở, đến cuối đời vì bệnh tật hiểm nghèo phải chia tay với một thứ mà anh quá thương yêu - sân khấu. Đúng là số phận đã quá khắc nghiệt với anh. Cảm giác của anh khi nghĩ về cuộc đời thế nào?
- Nếu nhìn lại quãng đời đã qua thì tôi chỉ khổ lúc mồ côi cha mẹ. Còn sau này, dù khó khăn rất nhiều nhưng tôi vẫn thấy cuộc đời ưu ái, bù đắp cho mình. Những người khác thường than khổ vì họ muốn nhiều quá. Riêng tôi chỉ muốn đủ. Tôi đã có người phụ nữ để yêu thương suốt cuộc đời này, được công chúng ít nhiều biết đến qua các vai diễn, được đi đó đi đây, được sống cạnh những người bạn tri âm, được thực hiện ước mơ mở quán từ thiện.
- Khách quan mà nói, người làm từ thiện có 2 dạng. Thứ nhất là bản chất người ấy vốn có tính hướng thiện. Thứ hai là họ sám hối vì mắc phải nhiều tội lỗi trong quá khứ. Anh thuộc dạng nào?
- Tôi không thuộc dạng nào cả. Tự hào mà nói, nếu không kể vài ba điều nhỏ nhặt làm mất lòng bè bạn, tôi chưa bao giờ mắc lỗi lầm với ai. Như tôi đã nói, công việc từ thiện là ước mơ từ lâu của tôi. Bởi khi xưa tôi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người. Dù không hề quen biết nhưng khi tôi nằm bệnh viện, có người biết tin, sắc thuốc mang đến cho tôi uống, có người hái lá cây này, cây kia... Hay lúc tôi đang nằm nhà dưỡng bệnh, có cụ già ghé quán ăn xong vào đưa tôi tờ báo: "Báo mới bữa nay, chú coi đi" khiến tôi rất cảm động.
Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Biết đâu trong số những người đến bếp cơm chay từ thiện trong quán Gà vườn vợ thằng Đậu lại có con cháu của những người từng giúp đỡ tôi. Tôi luôn tâm niệm, của cho không bằng cách cho nên nhân viên của tôi luôn tế nhị trong cung cách phục vụ.
- Vậy anh đã tính đến chuyện khi anh nằm xuống, bếp cơm từ thiện này sẽ ra sao?
- Nó sẽ vẫn tiếp tục hoạt động. Tôi đã họp tất cả nhân viên lại, nói họ cứ yên tâm ở lại đây vì tôi đã chuẩn bị mọi thứ. Những ai có nhu cầu muốn học nghề, học văn hóa phổ thông, học tiếng Anh đều được đáp ứng. Tôi có nhận một đứa con nuôi. Nó là người rất có tâm với bếp cơm chay này nên tôi tin nó sẽ đảm nhận tốt công việc mà tôi giao phó.
- Nếu có một điều ước cuối cùng cho riêng mình, anh sẽ ước gì?
- Tôi ước sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Chỉ tiếc một điều tôi học ít quá mặc dù lúc nào cũng thèm học. Tôi không muốn bị mang tiếng là nghệ sĩ mà không được học tới nơi tới chốn. Nhưng có lẽ bây giờ không còn kịp nữa rồi.
(Theo Mỹ Thuật)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét