Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

NHỚ LÊ VŨ CẦU 2

(ĐC sưu tầm trên NET)


Lê Vũ Cầu - gã giang hồ lương thiện

Một ngày cuối năm 1963, chiếc máy bay bị trúng đạn bay vòng vèo qua thị xã Cà Mau, bất thần nó lủi vào một ngôi nhà bên bờ sông, cạnh cầu sắt Phán Tề làm hai vợ chồng người chủ nhà bị vùi trong đất, bỏ lại 6 đứa trẻ mồ côi, trong đó có Lê Vũ Cầu vừa lên 8 tuổi.
Nhà cửa không còn, cha mẹ không còn, chị em Cầu được bà con thân tộc chia nhau mỗi người nuôi một đứa. Cầu theo bà nội về Tây Ninh được một năm thì bỏ nhà đi bụi. "Ở nhà nội, mình hay bị mấy ông anh con của người bác ăn hiếp, vừa tủi thân, vừa tức giận. Một hôm giành nhau trái vú sữa sau vườn, không nhịn nữa mình thoi vào mặt ông anh, chảy máu mũi. Hoảng quá, nghĩ mình phận mồ côi, người ta có cha có mẹ, về nhà chắc chắn sẽ bị ăn đòn, rồi sẽ bị mấy anh hành hạ dài dài, càng nghĩ mình càng sợ không dám về nhà", anh kể lại.
Lê Vũ Cầu nhảy lên xe đò đi Sài Gòn, lang thang mấy ngày ở bến xe Pétrus Ký. Một hôm, anh xin làm lơ cơm cho chiếc xe đò chạy tuyến miền Trung mà chẳng biết điểm dừng của nó ở đâu. Cầu ngơ ngác trước những làng mạc, đồng quê, núi đồi, đèo cao và biển cả. Anh cũng chẳng hiểu sao mình lại chọn thành phố Quy Nhơn làm điểm dừng chân để bắt đầu một kiếp sống bụi đời. Quê hương, nhà cửa, người thân, chén cơm, manh áo và những câu hỏi về cuộc mưu sinh với cậu bé 8 tuổi như Cầu chỉ là những khái niệm rất mơ hồ. Chẳng bao lâu, Cầu nổi danh là Cầu "Sài Gòn" trong những băng nhóm trẻ lang thang ở thành phố Quy Nhơn. Từ ăn xin, đánh giày đến chôm chỉa, cướp giật ở nhà ga xe lửa, đánh Mỹ để bảo kê cho gái giang hồ... chuyện gì cũng làm được nếu nó mang lại miếng cơm.
Cuộc sống trở nên sang trọng hơn khi Cầu phát hiện kho hàng của căn cứ Mỹ. Ban đêm, 7 đứa trẻ, mỗi đứa một cây kìm cắt hàng rào kẽm gai mò vào kho, gặp cái gì vác ra cái nấy, có khi là bơ sữa, thịt hộp... có khi là cả một thùng lựu đạn hay súng Colt 45. Ăn quen bắt bén, một đêm nọ vừa qua lớp hàng rào thứ ba thì bị lính canh phát hiện, đèn pha sáng một vùng trời, đạn bắn xối xả như mưa. Cầu chạy bán mạng xuống bờ sông, chui vào chiếc tàu cá. Sáng ra thấy chỗ hiện trường người ta bu đông nghẹt. Cầu lọ mọ đến xem. Một thảm cảnh kinh hoàng: 6 đứa bạn của anh bị bắn chết đêm qua nằm xếp hàng trên vũng máu, ngực mỗi người mang hai chữ VC (Việt cộng).
Cú sốc về cái chết của sáu người bạn đã làm cho Lê Vũ Cầu trở nên bấn loạn, khi thì âm thầm lặng lẽ với công việc đánh giày, lúc lại nổi cơn điên lao vào dao búa. Hồi ấy, những đứa trẻ đánh giày ở Quy Nhơn đều phải chịu sự chăn dắt và quản lý của một tên trùm anh chị gọi là đại ca, nghĩa là chiều về phải nộp hết tiền cho đại ca mới được hành nghề. Hôm nào nộp ít thì bị nghi ngờ là gian lận, giấu tiền, bị hạch sách, bị chửi mắng, thậm chí bị ăn đòn. Buổi sáng hôm nọ, vì không kiềm chế được, Cầu ném nguyên cái hộp đồ nghề bằng gỗ vào mặt hắn, máu tuôn xối xả. Từ hôm ấy, đại ca biến mất, trả lại tự do cho nhóm trẻ đánh giày ở Quy Nhơn.
Le Vu Cau ga giang ho luong thien
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. (Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị)
Rồi có một đêm nọ đoàn cải lương Minh Cảnh ra hát ở Quy Nhơn, Lê Vũ Cầu cảm thấy lòng dạ bồi hồi khi nghe câu vọng cổ, cảm thấy lạc lõng, chơi vơi nơi đất khách quê người. Và, dường như điệu đàn vọng cổ đã làm cho anh chạnh lòng khao khát một quê hương dù quê hương trong anh không có một hình ảnh rõ ràng, không một địa danh nào cụ thể. Chỉ biết một cách mơ hồ rằng nơi đó có những dòng sông, những bến nước xuồng ghe dập dìu tấp nập, những cánh đồng xanh biếc, những buổi chiều quê ngân nga tiếng vọng cổ u buồn.
Được nhận vào đoàn cải lương Minh Cảnh để làm nhân viên hậu đài và soát vé, Lê Vũ Cầu cảm thấy quá khủng khiếp khi nhìn lại 5 năm sống ở Quy Nhơn. Anh cũng chẳng hiểu sao mình đến đó, chẳng ai ép, cũng chẳng ai mời, cứ như từ trên trời rớt xuống để rồi cho và nhận từ mảnh đất này trăm thứ đắng cay.
Cứ nghĩ, đi theo đoàn hát cho thoả mãn kiếp giang hồ. Từ đoàn Minh Cảnh sang Mây Tần, Hương Mùa Thu, Kim Chưởng, Phước Chung, Bông Hồng, Cửu Long Giang... đi lưu diễn khắp miền Trung đến miền Tây. Từ một nhân viên hậu đài, soát vé, kéo micro, kéo màn, đấm bóp cho kép chính rồi được đóng vai quân sĩ câm, quân sĩ cấp báo, dần dần lên vai phụ, kép độc rồi kép chính. Từ cải lương sang kịch nói, Lê Vũ Cầu chẳng bao giờ hy vọng mình trở thành một nghệ sĩ nổi danh. Ngay cả bây giờ cũng thế, chưa bao giờ anh tự cho mình là một danh hài. Kiếp giang hồ đã tạo cho anh thành kẻ khinh tài trọng nghĩa, sống hết mình, sống bản năng và hoang dã. Trường học lớn nhất của Lê Vũ Cầu là sân khấu, là chuyện nhân tình thế thái trên sàn diễn. Những nhân vật giang hồ hảo hớn sống bất cần đời trong những vở tuồng kiếm hiệp đã tạo thêm chất hoang dã trong con người đã trót giang hồ từ tấm bé của Lê Vũ Cầu. Sân khấu đã biến anh thành kẻ giang hồ lương thiện, nếu không, chẳng biết cuộc đời sẽ đưa anh vào ngã rẽ nào.
Khi hài kịch bắt đầu lên ngôi thì diễn viên hài cũng bắt đầu có của ăn của để, nhưng Lê Vũ Cầu dường như không có khái niệm tích luỹ, hễ có tiền là anh đi tìm bạn để nhậu đến đồng bạc cuối cùng. Anh nói cuộc đời mình đã nhận nhiều hơn cho thì hà tất gì phải tích luỹ, đồng tiền để trong túi chỉ làm anh day dứt.
Lê Vũ Cầu mở quán Vợ Thằng Đậu để làm một chốn đi về, làm nơi hội ngộ những bạn bè thân hữu, để những đứa cháu ở thôn quê có công việc làm ăn. Nhưng không ngờ cái thương hiệu Lê Vũ Cầu với chùm hài kịch Vợ thằng Đậu đã làm nên thương hiệu quán. Có đất đai mênh mông, có tiền dư dả, Lê Vũ Cầu nghĩ đến một cuộc chơi: Miếng đất hơn một mẫu ở ngã ba Vũng Tàu, anh sẽ cắt ra chia cho những bạn bè chí cốt mỗi đứa một cái nền rộng chừng vài trăm mét vuông để xây dựng nhà vườn, gom lại dăm bảy thằng thành một khu nhà nghệ sĩ, cuộc đời như thế là quá đủ, anh chẳng cần gì ngoài tình nghĩa bạn bè. Lê Vũ Cầu lặn lội ra Quảng Nam tìm mua nhà cổ để chuẩn bị cho một cuộc chơi thì đùng một cái anh nghe cơ thể mình đau đớn với những triệu chứng khác thường.
"Khi biết mình bị xơ gan không còn cách nào chữa trị, lẽ ra phải bỏ rượu thì tôi lại nhậu nhiều hơn, nhậu để chết sớm cho rồi. Mà thật ra tôi đã chết từ lâu nếu không có anh Thế Ngữ. Trong một cơn đau bất tỉnh, anh Ngữ đã đưa tôi vào Bệnh viện An Bình. Nằm ở đó một thời gian, bạn bè xúm lại chuyển tôi qua Bệnh viện Việt Pháp với hy vọng được điều trị tốt hơn. Nhưng ở Việt Pháp họ quản lý quá nghiêm ngặt, không cho thân nhân vào chăm sóc. Một đêm nọ nằm một mình buồn quá, tôi nghĩ đến cái chết. Nhưng sợi dây cáp truyền hình không treo nổi thân tôi", anh nhớ lại.
Một ngày cuối năm 2004, báo chí đưa tin Lê Vũ Cầu đang hấp hối, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, khán giả ùn ùn kéo đến. Hội Sân khấu thành lập ban tang lễ, người lo điếu văn, người lo mua hòm, người lo nhà tang lễ, người đi chùa nghệ sĩ xin đất nghĩa trang. Nhiều khán giả ngưỡng mộ Lê Vũ Cầu kéo nhau đi nhà thờ cầu nguyện, những gia đình Phật tử tổ chức cầu an.
Nhưng sau ngày thứ ba, chẳng hiểu phép mầu nào đã vực Cầu sống lại.
Sống! Tại sao mình lại sống? Sống bao lâu nữa? Và sống như thế nào? Đó là những điều mà Lê Vũ Cầu luôn tự hỏi. Phải chăng có sự nhiệm màu từ những lời cầu nguyện hay từ những liều thuốc gia truyền mà khán giả đã cho anh? Anh mở quán cơm từ thiện để giúp trẻ mồ côi, những người thất cơ lỡ vận, những hành khất qua đường, nhưng phải bằng tấm lòng, bằng sự trân trọng thật sự như những tình cảm mà bạn bè và khán giả đã giúp cho mình. Chính vì lẽ ấy, anh dạy nhân viên phục vụ không được phân biệt đối xử giữa khách ăn cơm từ thiện và thực khách bình thường. Thức ăn từ thiện phải sang trọng, sạch sẽ và thay đổi thực đơn liên tục, phải bảo đảm chất lượng như sản phẩm kinh doanh.
Bây giờ, nếu có ai hỏi rằng anh có dự tính gì không, anh chỉ trả lời gọn: "Nếu bán được đất, mình sẽ tiếp tục đầu tư cho quán cơm từ thiện, thế thôi. Nhìn người ta ăn thấy thương lắm, chỉ tiếc rằng mình chưa đủ sức để làm cho nó đàng hoàng hơn nữa".
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét