Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

SÂU THẲM TÌNH QUÊ 3

(ĐC sưu tầm trên NET)

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh quê nhà

Cho tôi về với quê hương

Quê mẹ lúc nào cũng in dấu trong tôi với biết bao kỷ niệm thân thương. Dù tôi đã bị cuốn đi với cuộc sống tấp nập, đô hội nơi thị thành, nhưng quê hương luôn thường trực trong trái tim tôi như một tiềm thức mãnh liệt.
    Tôi - một người con đã rời xa quê hương 13 năm tròn. Trong suốt 13 năm ấy, cuộc sống đã xô tôi đi với học tập, làm việc để mưu sinh. Mọi năm, tôi chỉ được một lần về thăm quê vào dịp Tết. Quê tôi là một thôn nhỏ yên bình, nghèo đói, nơi người dân quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất - bán lưng cho trời”, cuộc sống gói gọn trong lũy tre làng, tuy nghèo khổ mà vẫn ấm áp tình người. Tôi vẫn thân thương gọi là quê mẹ.
    Đó là mảnh đất mà tôi đã sinh ra và lớn lên với biết bao kỷ niệm buồn vui. Là nơi tôi đã mấy lần chết hụt vì tập bơi dưới con sông có bến đò mang tên Ông Bổng - người đàn ông ngày ngày chở đò đưa khách qua sông. Con sông thân thương ấy đã mang nguồn phù sa tươi tốt, bồi đắp cho quê tôi những mảnh ruộng màu mỡ. Và cũng chính nó đã lấy đi biết bao sinh mạng của người dân nghèo khổ trong công cuộc mưu sinh. Chú Quý - một người nông dân hiền lành chăm chỉ đã bị chết đuối khi đi đánh cá đêm, thằng An - con cô Thúy bị nước cuốn khi trốn đi tắm sông cùng các bạn… Nhưng chúng tôi ai cũng yêu con sông ấy, nhất là những buổi trưa hè rủ nhau ra sông tắm mát.
    Quê mẹ là nơi tôi và các bạn tụ tập dưới gốc dừa chơi “ô ăn quan”, chơi trò “đi chợ” hay thậm chí là rủ nhau về nhà hái trộm trái cây, rồi mang ra góp chung để ăn. Dưới gốc cây dừa ấy là cả nghìn kỷ niệm của tuổi thơ mà có lẽ đến bây giờ mỗi chúng tôi không ai có thể quên được. Cái Ninh - bạn thân nhất của tôi đã nói: "Nếu có chuyện gì, gốc dừa này sẽ là nơi chúng mình gặp để nói cho nhau biết nhé". Chẳng hiểu sao từ đó nó lại trở thành nơi tâm sự của chúng tôi mỗi khi đi chơi.
    Và cũng hiển nhiên mà nhà tôi, nơi có gốc dừa ấy đã trở thành trung tâm của cả xóm. Có chuyện gì, tôi cũng là người được biết trước, rồi ngồi đợi những đứa khác đến để tán gẫu. Gốc dừa ấy cũng là nơi chứng kiến cảnh chúng tôi ly tán. Cái Tư - đứa bạn thân trong xóm tôi là đứa giã từ tuổi thơ sớm nhất. Nó học kém, lớn nhanh nên sớm có bạn trai và bỏ cuộc chơi khi mới 16 tuổi. Trước khi nó thông báo đám cưới, chúng tôi đã biết vì ngày nào chúng tôi chẳng đi rình tụi nó nói chuyện. Chuyện tình cảm của nó cũng là đề tài bàn luận của chúng tôi hai tháng gần đây. Nhưng tôi không ngờ, nó lại lấy chồng sớm thế. Nghe nó nói mà mấy đứa tôi ai cũng buồn, nhất là tôi và cái Ninh. Ba đứa là bạn thân của nhau từ nhỏ. Sau khi cái Tư lấy chồng, lũ bạn tôi cũng từ từ tan rã, đứa nghỉ học đi làm, đứa lên cấp 3, đứa cưới... Hiếm hoi lắm, tôi mới gặp được mấy đứa đi học còn sót lại để cùng nhau ngồi tâm sự.
    Mấy năm cấp ba là quãng thời gian mà tôi bắt đầu phải rời xa quê hương. Tôi là người duy nhất ở trong thôn đỗ được một trường có tiếng ở thị xã. Sáng 6 giờ tôi phải đạp xe 6 km tới trường, trưa 12 giờ về tới nhà, 13 giờ chiều lại lóc cóc đạp xe đi. Quê hương lúc ấy trong tôi là những trưa hè nóng rát, hay những sớm đông lạnh căm mà vẫn nhầy nhụa mồ hôi vì đạp xe thần tốc đến trường. Chỉ có những chiều thứ bảy rảnh rỗi, tôi mới được một mình lên sân thượng, chìm đắm trong làn gió mát rượi dưới bóng râm của tán dừa ngắm nhìn những đồng lạc xanh mơn mởn, hay cánh đồng lúa mượt mà, dài tít tắp. Chỉ có thế là bao nhiêu căng thẳng, áp lực học hành của tôi biến mất.
    Ngày tôi xa quê đi đại học, bạn bè tôi chỉ còn vài đứa đến chơi. Đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi ngồi dưới gốc dừa tâm sự. Sau bốn năm trở về, tôi chẳng còn gặp ai, đứa lập nghiệp phương xa, đứa theo chồng… Tôi cũng không tránh khỏi vòng cuốn của cuộc sống, cũng đến ngày tôi theo chồng, rời xa quê mẹ. Từ đó, tôi ít khi có dịp trở về thăm quê vì tôi và chồng phải vào Sài Gòn lập nghiệp.
    Thế nhưng, quê mẹ lúc nào cũng in dấu trong tôi với biết bao kỷ niệm thân thương. Mặc dù tôi đã bị cuốn đi với cuộc sống tấp nập, đô hội nơi thị thành. Nhưng quê hương luôn thường trực trong trái tim tôi như một tiềm thức mãnh liệt. Mỗi khi gặp khó khăn, căng thẳng muốn từ giã, buông xuôi, tiềm thức ấy lại bừng tỉnh trong tôi. Nó nói với tôi rằng: “Hãy mạnh mẽ lên, dũng cảm lên, con. Ở quê còn biết bao người gặp khó khăn, vất vả, biết bao nhà tan, cửa nát vì thiên tai, dịch họa. Mà họ vẫn cười, vẫn dũng cảm đương đầu. Vậy tại sao con không thể?”. Ôi quê hương. Cho con xin được cám ơn người. Người đã giữ lại tuổi thơ, giữ lại niềm tin của cuộc đời con, để con có sức mạnh bước tiếp. Vì trong con luôn có những hình ảnh của quê mẹ - nơi con được sinh ra, lớn lên và hạnh phúc bên những người thân yêu của mình.
    Đỗ Thị Phương Mai

    Kết quả hình ảnh cho hình ảnh quê nhà 

    Quê hương

    Quê hương ơi, có phải là mẹ. 
    Tiễn con đi mỗi sớm ban mai. 
    Quê hương ơi, có phải là cha. 
    Nâng con dậy sau mỗi lần vấp ngã.
      Có nỗi nhớ nào giống nỗi nhớ quê
      Để mỗi khi xa ta một mình ngồi khóc
      Quê là mẹ yêu hiền dịu
      Ngóng con về với nỗi nhớ mênh mang
      Quê hương ơi, có phải là cha
      Nâng con dậy sau mỗi lần vấp ngã
      Khi con sống cùng người, con đâu hiểu
      Người luôn bên con trước sóng gió cuộc đời
      Vậy mà...
      Con giận hờn, oán trách đời tệ bạc
      Sinh con ra với đất mẹ khô cằn
      Con trách trời cho con đầu thai vào phận nhà nghèo khó
      Để ngày ngày sống với nỗi lo toan
      Con đâu biết giọt mồ hôi ba mẹ
      Đã nuôi con khôn lớn trưởng thành
      Con đâu biết những trưa hè nóng nực
      Gió từ tay người thổi mát giấc mơ con
      Con đâu biết yêu thương và trân trọng
      Quý củ khoai, hạt thóc mẹ trồng
      Con đâu biết cánh đồng tháng sáu
      Lưng mẹ còng hứng cái nắng chói chang
      Con đâu biết khi mình ốm sốt
      Mẹ và cha thức trắng suốt đêm
      Con đâu biết con đường đến lớp
      Có bóng mẹ hiền che mỗi bước đi
      Và khi lớn...
      Bước vào dòng đời con mới hiểu
      Không nơi nào bằng đất mẹ thân yêu
      Mẹ cho con cơm ăn áo mặc
      Mẹ cho đi mà không cần nhận lại
      Suốt một đời nhận gánh những phiền lo
      Con bật khóc mỗi khi lầm lỗi
      Người lại đón con về, rộng lượng và bao dung
      Quê hương ơi, có phải là mẹ
      Tiễn con đi mỗi sớm ban mai
      Quê hương ơi, có phải là cha
      Nâng con dậy sau mỗi lần vấp ngã
      Chu Thị Mai
      Kết quả hình ảnh cho hình ảnh quê nhà

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét