NGÔN & LUẬN 6
(ĐC trích từ TT&HĐ)
ĐẠO ĐỨC CHÂN CHÍNH
ĐẠO ĐỨC CHÂN CHÍNH
Có
đa chiều về thị phi bởi có đa tạp về quan niệm; có đa tạp quan niệm là
bởi vì con người có trí khôn nhưng vẫn còn mù quáng vì duy ý chí đã
không biết mình mù quáng; mù quáng là vì còn nhận thức mơ hồ về bản thân
cũng như về Tự Nhiên và chưa thấy được viên ngọc quí sau manh áo vải
thô, trong lòng Lão Tử. Chỉ khi nào nhận thức được đến tận cùng căn
nguyên của Tự Nhiên Tồn Tại, một cách triết học, lý trí con người mới
được cho là thông tỏ. Nhờ nhận thức xác đáng Tự Nhiên Tồn Tại mà con
người biết rằng chính áp lực của quy luật đấu tranh sinh tồn đã tạo ra
tất cả những suy nghĩ cũng như những hành động trái chiều nhau ở loài
người. Tình cảm là cảm giác bản năng được trang bị tư duy. Nhờ có tình
cảm mà lý trí được hun đúc nên và trái lại lý trí làm cho tình cảm thêm
sâu sắc và mạch lạc. Hai cái đó hòa quyện vào nhau, tương hỗ nhau
làm nên nhân tính. Từ nhận thức về có - không, còn - mất, sinh - tử và
sự mách bảo bản năng phải ưu tiên sống còn mà lý trí đã lựa chọn, phân
biệt những suy nghĩ và hành động trái chiều nhau nói trên ra thành hai
lực lượng ưu tiên - không ưu tiên, đúng - sai, tốt - xấu, có lý - vô lý,
chính nghĩa - phi nghĩa, thiện - ác…, để rồi trên phương diện tình cảm,
những cái như đúng, tốt, chính nghĩa… hay đại loại là những hành động,
suy nghĩ phụng sự cho sự sinh tồn (từ đó mà cho những nhu cầu của sinh
tồn) trước hết là của con người, đều được qui về một cái gọi là Đạo Đức;
số còn lại được gọi là phi Đạo Đức.
Khi
lý trí còn mù quáng thì tình cảm còn nặng bản năng và trở nên ích kỷ;
bởi vì thông thường và cũng tự nhiên, con người bao giờ cũng ưu tiên cho
sự sống còn của bản thân mình trước tiên, rồi mới đến người thân, cộng
đồng, chỉ có lý trí mới “nhắc nhở” đến sự nhường nhịn, hy sinh.
Trong
một xã hội còn đầy ắp bạo lực với vô vàn lý trí mù quáng làm cho tình
cảm thiên vị như thế thì quan niệm thị phi không thể không hỗn tạp được
và dẫn đến đủ mọi cách hiểu về đạo đức. Mặt khác, tuân theo tự nhiên, bị
chi phối bởi tính nước đôi của Tự Nhiên (thể hiện ra trước quan sát) mà
cái gọi là đạo đức đôi khi cũng chưa hẳn đạo đức, ở đây gọi là đạo đức
thì chưa chắc ở kia gọi là đạo đức, ở phạm vi này gọi là đạo đức thì ở
phạm vi khác biết đâu chừng bị gọi là phi đạo đức…
Tuy
nhiên, xã hội không đến nỗi siêu hình đáng sợ như thế. Cũng như Vũ Trụ,
xã hội loài người hỗn độn mà hài hòa. Xã hội tồn tại là vì nó phù hợp
đạo lý, có một vận động nội tại thống nhất, tuân theo nguyên lý Tự
Nhiên. Cái “đống” hỗn độn đủ kiểu đạo đức ấy cũng phân ra tương đối
thành hai lực lượng quan niệm có tính xã hội là Đạo Đức Xã hội và Phi
Đạo Đức Xã hội.
Đạo
Đức Xã hội là tập hợp tất cả những quan niệm đạo đức phụng sự cho sự
sống còn của toàn xã hội trên cơ sở đảm bảo sự sống còn của từng cá thể,
thành viên hợp thành xã hội và vì thế mà cũng đòi hỏi xóa bỏ những cản
trở, những tác hại đến sự tồn tại xã hội. Nhân dân là nền tảng xã hội và
Đại Chúng là đại diện của nhân dân nên Đạo Đức Xã hội cũng chính là Đạo
Đức của nhân dân và có thể gọi là Đạo Đức Đại Chúng.
Đạo
Đức Nhân Dân không phải tự dưng mà có, mà là sự nhận thức, kế thừa, hun
đúc từ đời này sang đời khác, từ thời đại này sang thời đại khác về một
quan niệm sống mà nó cho là đúng đắn (vì có tính phụng sự toàn xã hội
nên phải là đúng nhất!) như: yêu hòa bình, đoàn kết, tương thân tương
ái, ghét áp bức cường quyền… Có thể nói Đạo Đức Nhân Dân (nói chung!) là
có tính chân lý và là bộ phận của (hay chính là) truyền thống dân tộc.
Vì cùng xuất phát từ mục đích phụng sự sống còn xã hội nên Đạo Đức Nhân
Dân của các nước trên thế giới là tương đối tương tự nhau. Vậy Đạo Đức
Nhân Dân có phải là Đức Huyền Diệu mà Lão Tử đã “sáng tạo ra” và chúng
ta đã mượn “xài” thoải mái từ trước tới giờ không? Đạo Đức Nhân Dân là
tấm gương soi chân lý về thị phi nên có thể cho nó là Đức Huyền Diệu.
Nhưng vì nó mang cả tính thời đại, bị “vướng víu” ít nhiều bởi những
quan niệm còn hạn chế của thời đại nên chưa thể là Đức Huyền Diệu đích
thực. Đức Huyền Diệu đích thực là Đạo Đức của toàn Nhân Loại khi lý trí
Nhân Loại đã thông tỏ và không còn tính thời đại.
Tuy
nhiên, để bám vào hiện thực, chúng ta tạm cho rằng Đạo Đức Nhân Dân
chính là Đức Huyền Diệu và tiếng nói của Đại Chúng là đại diện cho Đức
Huyền Diệu, hành động của Đại Chúng là phụng sự cho Đức Huyền Diệu.
Cũng
vì lẽ đó mà một tư duy lành mạnh là “trùng” với tư duy Đại Chúng, quan
niệm thị phi của nó là trùng với quan niệm thị phi của Đại Chúng và đạo
đức của con người mang tư duy ấy là có bản chất của Đạo Đức Đại Chúng,
tức là thuộc về Đức Huyền Diệu. Khi đã có một tư duy lành mạnh thì tình
cảm và lý trí cũng lành mạnh. Một lý trí lành mạnh bao giờ cũng đánh giá
thị phi theo quan niệm thị phi của Đức Huyền Diệu và nhờ thế trước
những sự vật - hiện tượng xuất hiện và tồn tại trong xã hội, trước sự
lựa chọn hành động cho mình, một lý trí lành mạnh, thông thường, xác
định được đúng - sai, thiện - ác… một cách rõ ràng, mạch lạc và đích
xác, phù hợp với thời đại.
Thế
nhưng, như đã nói, bản năng sinh tồn luôn “bắt” con người phải ưu tiên
lựa chọn hành động cho bản thân mình và vì bản thân mình, do đó mà tình
cảm và lý trí cũng trở thành ích kỷ: yêu mình trước, thậm chí là chỉ
biết yêu mình thôi; vì mình trước và thậm chí chỉ biết vì mình thôi, làm
xuất hiện một đạo đức trái ngược với Đạo Đức Đại Chúng, không thuộc Đức
Huyền Diệu. Một hành động trên nền tảng đạo đức ấy, vì nặng tính mù
quáng nên chúng ta tạm gọi là hành động theo bản năng lý tính (xin nhắc
lại rằng những điều chúng ta vừa nói, nên hiểu một cách biện chứng, bởi
vì tùy góc độ qui ước mà có thể nói khác đi và vẫn đúng hoặc có thể còn
đúng hơn do sự chi phối của nguyên lý “nước đôi”).
Thật
ra, Đức Huyền Diệu đâu có loại bỏ tình cảm yêu mình và hành động vì
mình! Mục đích tối hậu của Đức Huyền Diệu là bảo đảm sự sinh tồn xã hội.
Vì mục đích ấy mà trong những trường hợp nhất định, buộc nó phải hy
sinh (hoặc thậm chí phải ra tay tiêu diệt) một bộ phận sinh tồn xã hội
nào đó (đã cản trở hoặc định tiêu diệt sinh tồn xã hội) để ưu tiên lựa
chọn, để bảo vệ đa số sinh tồn xã hội - sinh tồn của Đại Chúng. Nhưng
bảo đảm sinh tồn trên bình diện xã hội thì cũng có nghĩa phải đảm bảo
sinh tồn được ở bình diện cá thể, ở từng thành viên làm nên xã hội (hoặc
Đại Chúng), vì nếu từng cá nhân không thể sinh tồn được thì xã hội
(hoặc Đại Chúng) cũng còn đâu nữa mà nói đến sinh tồn.
Rốt
cuộc lại, Đức Huyền Diệu dạy rằng: phải ưu tiên cho sinh tồn xã hội,
nhưng đảm bảo được sinh tồn xã hội thì cũng là đồng thời đảm bảo sinh
tồn ở mỗi cá nhân, miễn sự đảm bảo sinh tồn cá nhân của mỗi cá thể không
gây cản trở, tác hại đến sự đảm bảo sinh tồn toàn xã hội, nghĩa là hai
sự đảm bảo sinh tồn ấy phải cùng chiều: Sống vì mình thì cũng chính là
vì cộng đồng xã hội và sống vì cộng đồng thì cũng chính là vì mình; bảo
vệ cộng đồng chính là bảo vệ mình và bảo vệ mình phải trên cơ sở bảo vệ
cộng đồng.
Khi
đã thấu tỏ được Tự Nhiên Tồn Tại thì cũng phải thấu tỏ Đức Huyền Diệu.
Nhưng nếu phân Tự Nhiên Tồn Tại ra thành tự nhiên và xã hội; Tồn Tại ra
tồn tại và sống còn thì thấu tỏ tự nhiên thôi là chưa hoàn thiện mà còn
phải thấu tỏ xã hội nữa. Thấu tỏ được xã hội thì cũng là thấu tỏ được xã
hội và cá nhân. Loài người sống còn được là do con người liên tục được
sinh ra thay thế con người đã chết đi, và đó là đạo lý. Con người được
sinh ra để “chờ” ngày chết đi, cũng là đạo lý. Cái khoản “chờ” ấy được
gọi là sự sống, hay cuộc sống hay cuộc đời của mỗi con người. Có thể nói
con người sinh ra là để sống trước khi để chết. Con người suy nghĩ,
trước sau gì cũng đặt ra câu hỏi : tại sao lại được sinh ra để rồi phải
chết đi, và sống để làm gì? Bởi vì đạo lý đã định đoạt như vậy: đã có
sinh thì phải có tử, là sự ngẫu nhiên trong cái tất yếu, tưởng ưu tiên
mà chẳng phải ưu tiên, tưởng rất quan trọng nhưng chẳng là cái quái gì
cả. Thế nhưng, đối với loài người thì cuộc sống con người có tầm quan
trọng bậc nhất: duy trì sự sống còn cho nó. Nếu thế thì con người sống
chỉ là vì loài người? Đúng, nhưng chưa đủ! Con người sống trước tiên là
cho nó chứ chẳng cần biết đến loài người nhưng nhờ thế mà loài người duy
trì được sống còn. Mặt khác, trong quá trình sống, con người suy nghĩ
thấy sống “một mình” thì “khó quá” nên nó phải liên kết với những con
người khác để “chung lưng đấu cật” cùng sống cho dễ dàng hơn và qua đó
mà “vô tình” phụng sự cho sự sống còn của loài người. Bản năng sinh tồn
nói chung là “bắt” mọi sinh linh phải “cố gắng” đến tận cùng khả năng
để… sống. Ở con người suy nghĩ, bản năng sinh tồn ấy đã ngấm sâu trong
tim, óc, xương, tủy làm cho nó ghê sợ cái chết hơn bất cứ con vật nào
khác và do đó mà cố gắng hơn cả con vật, đem tất cả tài năng và nghị lực
ra để duy trì cuộc sống, kéo dài cuộc sống, ghê sợ cái chết làm thiết
tha cuộc sống, tôn vinh cuộc sống và làm xuất hiện một tình cảm gọi là
Tình yêu cuộc sống.
Yêu
cuộc sống của mình thì cũng là yêu mình, mà yêu mình thì phải ưu tiên
cho mình. Nhưng ưu tiên cái gì? Đó là khi có khả năng (khi tạo được khả
năng) thì ưu tiên cho mình sống bớt đói khát, khổ đau hơn người khác, ưu
tiên cho mình được sống sung túc hơn, hạnh phúc hơn, được hưởng khoái
lạc nhiều hơn. Đến đây, để trả lời câu hỏi: sống để làm gì?, chúng ta
nói: sống là để hưởng thụ cuộc sống, nhưng không có sẵn cái để hưởng thụ
nên phải làm việc mà tạo ra. Nếu có sẵn cái để hưởng thụ rồi thì chẳng
ai thèm làm việc, nếu đã thỏa tò mò rồi thì chẳng ai thèm nghiên cứu cho
mệt xác, nếu đã biết tỏng “cái gì đó” là cái gì rồi thì chúng ta chẳng
dại gì mà cặm cụi viết nhăng cuội cho đến ngày hôm nay làm “lãng phí”
cuộc đời mình, trong khi “em út ngoài kia” đang thiếu một tay chơi có
hạng. Hay trong tục ngữ Việt nam có câu:
“Có ăn vất vả đã cam
Không ăn ta ngủ, ta làm làm chi”
Đã
là con nguời thì từ người khôn cho đến kẻ ngu, từ bậc có học cho đến mù
chữ, từ đấng minh quân cho đến thằng thất phu… đều thích hưởng thụ như
nhau và nếu trong cuộc sống không kiếm chác được gì để hưởng thụ cả thì
nói chung, cũng “ngại” làm việc như nhau. Trong một xã hội còn hỗn mang
và ai ai cũng muốn mình được hưởng thụ tối đa thì số hưởng thụ được tạo
ra sẽ chẳng bao giờ đủ. Tình hình ấy gây ra tình cảm ích kỷ, xui khiến ý
chí mù quáng làm những việc bất chính như trộm cắp, tước đoạt… đồng
loại để có cái mà thỏa mãn hưởng thụ (một cách không chính đáng). Từ đó
mà bạo lực chiến tranh nổi lên, đày đọa và giết chóc lẫn nhau tràn lan
khắp xã hội, đe dọa đến tồn tại xã hội và dẫn đến đe dọa luôn sự sống
còn của loài người. Mặt trái của đạo lý đã trở nên nổi trội!
Khi
mặt trái của đạo lý đe dọa làm tiêu vong xã hội (và loài người) thì mặt
phải của nó sẽ ra tay ngăn chặn, trấn áp để bảo vệ và trong những
trường hợp cực đoan, nó sẽ thông qua Đại Chúng tiêu diệt thiểu số sống
còn để duy trì đa số sống còn. Mặt trái của đạo lý được gọi là vô đức và
mặt phải của nó được gọi là có đức hay đức độ. Một hành động muốn làm
đức thì trước hết nó phải hiện hữu được trong hiện thực và
muốn vậy nó phải phù hợp đạo lý. Do đó mặt phải của đạo lý được gọi là
đạo đức. Khi cách gọi tổng quát của đạo lý là Đạo Tự Nhiên thì lúc đó,
đạo đức sẽ được gọi là Đức Huyền Diệu.
Trong
xã hội loài người, Đức Huyền Diệu là mặt có tính nền tảng, cơ sở, và
cũng là kết quả ưu tiên của Đạo Tự Nhiên, đồng thời cũng phù hợp với
nguyện vọng thiết tha của nhân dân là được yên ổn làm ăn, no đủ và hạnh
phúc.
Một
nhận thức đã thấu tỏ xã hội thì không thể không thấu tỏ Đức Huyền Diệu.
Thấu tỏ Đức Huyền Diệu và biết nghe theo lời khuyên dạy của Đức Huyền
Diệu thì gọi là giác ngộ. Khi nhận thức chưa giác ngộ thì lý trí và tình
cảm còn tương đối tách biệt nhau. Lúc này, một hành động tự do thường
là nghe theo sự mách bảo của con tim chứ không phải bài giáo huấn của
khối óc. Bởi vì một hành động tự do (tự giác) sẽ không bao giờ biết đến
chia sẻ, nhường nhịn, hy sinh (chưa nói đến sự hy sinh thân mình) nếu nó
không có cái động lực cao cả, thiêng liêng là tình yêu thương đồng
loại, yêu thương quê hương, tổ quốc. Yêu thương mình đồng thời với yêu
thương đồng loại là sự đảm bảo tự nhiên cho loài người sống còn và chính
vì thế mà nó là nội dung cốt lõi, cơ bản nhất của Đức Huyền Diệu. Suy
ra, một nhận thức đã giác ngộ thì cũng phải thấm nhuần cái nội dung ấy
và cái nội dung ấy là tiên quyết không thể thiếu được đối với một con
người có đạo đức chân chính nào.
Đức Huyền Diệu của dân tộc Việt đã có những lời nhắn nhủ cực hay:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
“Thương người như thể thương thân”
“Dẫu xây chín bậc phù đồ
Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người”
Khi
nhận thức đã giác ngộ thì lý trí và tình cảm trở nên lành mạnh, hòa hợp
và nhất trí. Lúc này, hành động theo con tim thì cũng là theo khối óc
và vì thế mà nó cũng trở nên đích đáng.
Đạo
đức nhà Phật cũng đề cao tình yêu thương chúng sinh nhưng không phải là
Đức Huyền Diệu như chúng ta quan niệm. Tình yêu thương chúng sinh mà
Phật Giáo rao giảng cũng có một phần đúng và trong suốt quá trình tồn
tại của nó, nó đã có công lao to lớn trong việc ru ngủ, xoa dịu nỗi đau
khổ triền miên của tâm hồn con người, của tâm hồn quần chúng cần lao,
cũng như đã có tác dụng nhất định trong việc thu phục ác tâm, “cải tà
qui chính”. Lịch sử đã cho thấy rằng Đại Chúng yêu mến nhà Phật vì tấm
lòng từ bi hỉ xả, vì lời khuyên chí tình là sống cho lương thiện và nhân
ái của nhà Phật. Thế thôi chứ Đại Chúng không đi theo nhà Phật mà vẫn
đi theo con đường thiết thân vì quyền sống cơ bản của mình - con đường
của Đức Huyền Diệu (mà trong một xã hội thanh bình yên vui, nó có vẻ
đồng điệu, thậm chí là trùng với con đường của đạo đức nhà Phật).
Đạo
đức nhà Phật dù có cái đúng như đã nêu nhưng cũng có cái sai. Cái sai
của nó là cơ bản. Cái sai đó chính là cái mà nhà Phật đã cố thoát ra và
tưởng đã thoát ra được: sự vô minh, mê lầm. Sự vô minh, mê lầm đã làm
cho quan niệm yêu thương chúng sinh của nhà Phật bị bao trùm bởi tính mù
quáng.
Vì
bị sự mù quáng thao túng nên tình yêu thương kiểu nhà Phật trở nên nhạt
nhòa, bi lụy, cải lương, ảo tưởng và vô tình dung túng cái ác; đã không
giúp được gì mà còn cản trở Đại Chúng trên bước đường đi đòi lại quyền
lợi sống còn cơ bản và chính đáng của mình. Chính vì vậy mà lịch sử phát
triển Phật Giáo - bộ phận của lịch sử phát triển triết học thế giới -
cũng đầy những trăn trở, dằn vặt, đầy những bất đồng dẫn tới không ngừng
phân ly phe phái, tan rồi hợp, hợp rồi lại tan. Chỉ riêng khái niệm
“Niết bàn” thôi đã có vô kể lý giải nhưng chưa có lý giải nào, kể cả của
những Phật gia thâm hậu nhất, được lên ngôi độc tôn, bởi vì không có lý
giải nào mà không mâu thuẫn (không phải là loại mâu thuẫn do nguyên lý
nước đôi, mà do “kỹ thuật” và có tính “cơ học”) với chính cái nền tảng
lý luận đã sinh ra nó. Để rồi, trước nguy cơ “dễ gây rạn vỡ lòng tin”
phiền toái, người ta đã phải mở một lối để “giải thoát” cho nó: Niết bàn
là “bất khả thương nghị” vì nó ở bên ngoài, vượt lên trên khái niệm,
chỉ có thể “ngộ” được nó qua con đường tu tập Phật Giáo mà thôi (!). Vì
bị bao phủ bởi mù quáng như thế và là bộ phận của “xã hội ngoài đời”,
nên xã hội Phật Giáo cũng không thoát khỏi sự phân hóa trên - dưới,
trước - sau làm xuất hiện sự đua tranh mang bản chất danh lợi và vì danh
lợi, cũng xuất hiện đủ những cao thượng - thấp hèn, quân tử - tiểu nhân
(tuy nhiên, có thể là do mức độ không quá gay gắt, có phần ngấm ngầm
nên cũng không bộc lộ ra một cách rõ ràng, quyết liệt nhờ ở trong sự phủ
dụ của tình yêu thương nhà Phật, trong sự răn đe ân oán kiểu nhà Phật
và cũng vì sợ làm hoen ố tấm gương mẫu mực của lối sống chay tịnh, không
thị phi, bất vụ lợi mà Phật Giáo đã trưng ra trước bá tánh). Nếu ngày
xưa vua chúa lấy lộc nước làm nguồn thu để sống và làm giàu thì ngày
nay, có thể nói sự tồn tại, sung túc, và công việc từ thiện của các chùa
chiền Phật Giáo đều dựa vào nguồn thu chủ yếu từ công quả đóng góp,
hiến dâng của bá tánh. Đây là điều rất đáng phải suy nghĩ!
Đức
Huyền Diệu có bản chất ưa chuộng hòa bình vì mục đính tối hậu của nó là
phụng sự cho xã hội loài người được sống còn một cách tốt đẹp. Nhưng
mặt trái của đạo lý, trong xã hội còn hỗn mang, làm xuất hiện những bộ
phận người lấy giết chóc, cướp bóc đồng loại làm lẽ sống. Muốn giết
chóc, cướp bóc thì phải có quyền lực. Thoạt kỳ thủy, quyền lực đó có
được là do lạm dụng, “ăn cắp” cái quyền lực của nhân dân đã tín nhiệm
trao cho, dùng vào việc phụng sự nhân dân, phụng sự xã hội. Dần dần,
quyền lực ấy trở thành sở hữu riêng của bộ phận người chuyên đi cướp bóc
và giết chóc (không thể cướp bóc được mãi mà không giết chóc!). Khi đã
giàu có của cải rồi thì phải dùng một phần của cải cướp bóc được để nuôi
dưỡng quyền lực, sử dụng bạo lực nhằm bảo vệ của cải đã cướp bóc được
và tiếp tục những cuộc cướp bóc, giết chóc mới. Tình hình đó gây nên nạn
đối xử với nhau bằng bạo lực và bạo lực tràn lan trong xã hội; làm cho
xã hội bị tàn phá ngày một ghê gớm, cuộc sống xã hội trở nên ảm đạm,
ngày một ngột ngạt, thê lương đến độ đe dọa bản thân sự sống còn của
chính xã hội. Lúc này, Đức Huyền Diệu bị đặt trước một thách thức nghiêm
trọng: hoặc là phải chịu khuất phục, rời bỏ cái sứ mạng thiêng liêng
của nó hoặc phải chiến đấu. Vâng theo Tạo Hóa, nó chọn con đường chiến
đấu và Đại Chúng, như một thiên sứ của nó, sẽ thực hiện trong thực tế
nhiệm vụ mà nó đã lựa chọn ấy bằng bạo lực và tột đỉnh của bạo lực là
đấu tranh vũ trang.
Trong
xã hội, khi một bộ phận người đã trở nên phản động, ra sức bóc lột, đàn
áp, giết chóc bộ phận đa số còn lại thì coi như nó đã không xem số còn
lại đó là đồng loại của nó nữa. Do đó, Đại Chúng cũng coi đám thiểu số
ấy là lạc loài, là như một kẻ ngoại bang tàn bạo đến xâm lược và đô hộ.
Vì vậy, để sống còn, để tránh bị tiêu diệt, Đại Chúng chỉ còn cách tiêu
diệt cho bằng được quyền lực của kẻ lạc loài đó và buộc phải giết chóc
sinh linh.
Đức
Phật không khuyên Đại Chúng làm như thế mà khuyên nên cam chịu, bất bạo
động. Lời khuyên ấy có thể là đúng trong sinh hoạt dân sự bình thường
giữa các cá thể với nhau và câu “Lấy oán báo oán, oán oán chất chồng”
của nhà Phật cũng đúng trong trường hợp này. Nhưng sẽ trái đạo lý trong
trường hợp Đại Chúng phải đứng lên giành lại quyền sống cơ bản đã bị
tước đoạt của mình trước mũi tên, hòn đạn của cường bạo. Đây chính là
điểm khác biệt cơ bản, có tính nguyên tắc giữa hai quan niệm về tình yêu
thương đồng loại: đạo đức nhà Phật và Đức Huyền Diệu.
Mục
đích của Đức Huyền Diệu là phụng sự sự sống còn của nhân loại, mong
muốn của Đức Huyền Diệu là xã hội thanh bình, tươi vui. Vì lẽ đó mà Đức
Huyền Diệu rất ghét chiến tranh nhưng cũng vì lẽ đó mà trong những
trường hợp vạn bất đắc dĩ, nó cũng không chối bỏ và thậm chí là đi gây
chiến tranh. Tuy nhiên, Đại Chúng tiến hành chiến tranh chỉ là nhằm đánh
tan cái quyền lực đè đầu, cưỡi cổ, bóp nghẹt cuộc sống họ để tự giải
thoát và hơn nữa đó là cuộc chiến đấu vì sự sống còn xã hội, có tính
chính nghĩa, nhân đạo cao cả nên trước khi phải giết chóc, nó luôn cân
nhắc, không để xảy ra nạn giết chóc bừa bãi, vô cớ.
Chúng
ta cho rằng Lão Tử là nhà hiền triết sớm nhất và cũng là người duy nhất
cho đến nay thấy được căn nguyên đích thực của Tự Nhiên Tồn Tại, giải
thích nhất quán được một cách triết học những hiện tượng tự nhiên cũng
như xã hội trên cùng một cơ sở duy nhất là Đạo Tự Nhiên (vì đúng là như
thế thật, xét cho cùng thì chúng đều có cùng nguồn gốc, vận động theo
cùng một nguyên lý cơ bản và duy nhất với những biểu hiện đặc thù để
phân biệt được mà thôi). “Đạo Đức Kinh” là tác phẩm triết học vô giá của
loài người đồng thời cũng là một pho giáo huấn bất hủ về lẽ sống con
người và ứng xử xã hội. Do lối hành văn hết sức “kiệm lời” bởi hạn chế
thời đại và của văn tự tượng hình mà đám hậu thế chúng ta, dù đã hơn
2500 năm trôi qua vẫn chưa hiểu đúng và hiểu hết được ý tình Lão Tử gửi
gắm trong kiệt tác này. Chúng ta sẽ lại trích vài lời bàn luận về xã hội
và chiến tranh của nhà hiền triết số một này để… đỡ nhớ lão:
“Hết
sức giữ cho (tinh thần) cực hư, cực tĩnh, để quan sát vạn vật sinh
trưởng, ta sẽ thấy được luật phản phục (qui luật tuần hoàn).
Vạn
vật phồn thịnh rồi thì đều trở về căn nguyên của chúng (trạng thái cân
bằng, tĩnh tại). Trở về căn nguyên (qui căn) thì tĩnh, để lại (bắt đầu
làm) theo mệnh. Theo mệnh là luật bất biến. Nhận thức được luật bất biến
(qui luật) thì gọi là sáng tỏ, không nhận thức được luật bất biến thì
vọng động mà gây họa.
Nhận
thức được luật bất biến thì bao dung, bao dung thì công bằng, công bằng
thì vẹn toàn, vẹn toàn thì phù hợp tự nhiên, phù hợp tự nhiên thì phù
hợp đạo, hợp đạo thì bền vững lâu dài, cả đời không nguy”.
“Cai
trị thiên hạ bằng cưỡng bức là điều mà ta thấy không thể (thành công)
được. Thiên hạ (nhân dân) có thần khí (linh diệu) nên không thể cưỡng
bức, khống chế họ bằng bạo lực. Cai quản bằng bạo lực sẽ thất bại, thống
trị bằng áp chế sẽ bị lật đổ.
Mọi
người trong thiên hạ (là không giống nhau), có người đi trước có kẻ
theo sau, có người thở chậm có kẻ thở nhanh, có người mạnh khỏe có kẻ ốm
yếu, có người yên ổn có kẻ hoạn nạn. Cho nên thánh nhân (cai trị thiên
hạ) phải loại bỏ những hành xử thậm tệ, từ bỏ xa hoa, không đòi hỏi quá
quắt (như tăng cường bóc lột chẳng hạn)”.
“Người
giữ đạo mà phò vua thì không dùng binh lực ức hiếp thiên hạ. Vì làm như
vậy sẽ có tác dụng ngược (làm cho binh lực thiên hạ mạnh lên).
Chiến
trận xảy ra ở đâu, ở đó tan hoang, gai góc mọc đầy. Vì vậy mà sau những
cuộc chiến tranh lớn thường xuất hiện mất mùa, đói kém.
Người
khéo dùng binh, khi đạt được kết quả, mục đích thì thôi, không huênh
hoang mạnh hơn thiên hạ. Đạt được mục đích không lấy làm tự phụ, không
khoe công lao, không kiêu hãnh, mà phải cho đó là việc bất đắc dĩ. Đạt
được mục đích rồi thì không thể hiện sự hùng mạnh nữa (bãi binh).
Vật gì cũng vậy, đạt đến cường tráng thì sẽ già suy. Như vậy cương cường là không hợp đạo, không hợp đạo thì sớm bị diệt vong”.
“Binh
khí là vật bất tường (nguy hiểm, gây họa) ai cũng ghét nên người giữ
đạo không thích dùng nó. Người quân tử khi ở nhà thì trọng bên trái
(dương, sự sống), khi dùng binh thì trọng bên phải (âm, sự chết).
Binh
khí là thứ bất tường, không phải là của người quân tử, cho nên chỉ bất
đắc dĩ mới dùng đến, mà dùng đến thì nên điềm đạm (bình tĩnh, cân nhắc
kỹ càng) là hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là
thích giết người. Kẻ nào thích giết người thì không thể vui sống, đắc
chí với thiên hạ được.
Lúc
yên lành (cát) thì trọng bên trái (quan tâm, chú ý nhiều hơn đến sự
sống), lúc nguy nan (hung) thì trọng bên phải (quan tâm, chú ý nhiều hơn
đến cái chết). Phó tướng ở bên trái, thượng tướng ở bên phải để (tỏ rõ
rằng) coi việc dùng binh như tiến hành tang lễ. Giết hại nhiều người thì
nên lấy lòng bi ai mà khóc; chiến thắng rồi thì nên lấy tang lễ mà xử”.
Nhận xét
Đăng nhận xét