Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

GIAI THOẠI THIỀN 13

(ĐC sưu tầm trên NET)

Con chó có Phật tánh không

Triệu Châu Tùng Thẩm là một vị thiền sư vô cùng thú vị. Người ta tôn xưng sư là “Triệu Châu Cổ Phật”.
Có người hỏi sư :
- Thế nào là Triệu Châu ?
- Cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc.
Đó là trả lời một câu mà hai ý, nghĩa là nếu người hỏi thành Triệu Châu, thành có bốn cửa, đó là cách trả lời hay nhất. Nếu hỏi về thiền sư Triệu Châu, sư đáp cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc nghĩa là đạo phong của sư hoạt bát và thông suốt, đã có cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc mỗi cửa đều có thể tiến vào.
Có vị học tăng hỏi :
- Con chó có Phật tánh không ?
Sư không cần suy nghĩ đáp :
- Không.
Học tăng nghe xong bất mãn, nói :
- Trên từ chư Phật, dưới đến loài côn trùng đều có Phật tánh, vì sao con chó không có Phật tánh ?
Sư giải thích :
- Vì nghiệp thức che đậy.
Lại có học tăng hỏi :
- Con chó có Phật tánh không ?
Sư đáp :
- Có.
Học tăng không bằng lòng cách trả lời như thế, cho nên phản đối :
- Đã có Phật tánh, tại sao chui vào đãy da hôi thúi ?
Sư giải thích :
- Vì biết mà cố phạm.
Lời bình :
Đây là một công án nổi tiếng. Hai học tăng hỏi cùng một vấn đề mà thiền sư Triệu Châu trả lời hai lối khác nhau, có khi nói không, có khi nói có. Thực ra, có và không chỉ là một nghĩa, một mà là hai, hai mà là một, dù sao cũng không thể đem có, không mà tách rời ra, không thể đem có, không phân làm hai thứ mà giải thích. Bát-nhã Tâm kinh nói : “Vì không có sở đắc, nên Bồ-tát …”. Đó là nghĩa này.
Có và không, không thể dùng ý thức mà hiểu được, như người câm nằm mộng, chỉ tự mình biết chứ không thể nói với ai được. Như nuốt hòn sắt nóng, nhả ra không được, nuốt vào không trôi, sạch hết tình phàm mới chuyển thân được.
Người đời đối với hai chữ có, không đều dùng hai cách phân biệt để giải thích, cho rằng có, không là đối đãi nhau, phải quấy chẳng đồng, phân chia thiện ác, đó là không biết được con đường về nhà, chưa nhận ra cội gốc bản lai diện mục của mình.
Con chó có Phật tánh không ? Phật tánh không thể dùng có không để nói. Thiền sư Triệu Châu bất đắc dĩ nói có nói không, chẳng hay chúng ta có nhận ra nghĩa trung đạo có, không chăng ?

Xin tròng mắt

Thiền sư Vân Nham đang vá giày cỏ, thiền sư Động Sơn đi ngang qua thấy, hỏi :
- Bạch thầy ! Con có thể xin thầy một vật được không ?
- Ông hãy nói xem.
- Con muốn xin tròng mắt của thầy.
- Xin tròng mắt ? Tròng mắt của ông ở đâu ?
- Con không có tròng mắt.
- Giả sử có tròng mắt cho ông, ông để chỗ nào ?
Động Sơn không trả lời được. Khi ấy, Vân Nham rất nghiêm túc nói :
- Ta nghĩ rằng, ông xin tròng mắt, không phải tròng mắt của ta mà là tròng mắt của ông.
- Sự thật không phải con muốn xin tròng mắt.
Vân Nham nghe lời nói trước sau mâu thuẫn, liền hét lớn một tiếng :
- Ông cho ta đi ra !
- Đi ra có thể được, nhưng con chưa có tròng mắt, nhìn không thấy đường trước.
Vân Nham dùng tay sờ lên mình, nói :
- Đó không phải cho ông sao ? Vì sao lại nói nhìn không thấy ?
Ngay lời nói này Động Sơn tỉnh ngộ.
Lời bình :
Thiền sư Động Sơn đến xin tròng mắt của người khác, đó là chuyện hết sức quái lạ, dù cho cao minh như thiền sư Vân Nham cũng chỉ nói rằng tròng mắt của ông ở ngay trán, cớ sao đến người khác xin ? Nhưng sau đó, biết Động Sơn không phải xin mắt thịt, thiền sư Động Sơn chỉ ra diệu đạo nơi mắt tâm, Động Sơn mới được khế ngộ.
Mắt thịt chỉ nhìn thấy hiện tượng sanh diệt đối đãi của thế gian như dài ngắn, vuông tròn, xanh hồng, đỏ trắng, còn mắt tâm mới quán sát được bản thể của vũ trụ vạn hữu. Sự quán sát này trùm khắp, trong ngoài nhất như. Chẳng trách gì Động Sơn tuy có mắt thịt mà nhìn đường trước không thấy rõ ràng. Con đường này tức là bản lai diện mục của mình, chính là mục tiêu thành Phật làm Tổ. Khi Vân Nham nói đến diệu dụng nơi mắt tâm của ông ta, Động Sơn liền tỉnh ngộ.

Chết rồi sống lại

Có lần, trong lúc ngồi thiền, thiền sư Nam Tuyền bỗng dưng la to một tiếng. Thị giả nghe động chạy đến, Nam Tuyền bảo :
- Ông đến Niết-bàn đường xem có ai qua đời không ?
Thị giả đi được nửa đường, chợt gặp Đường chủ, khi ấy hai vị đồng đến báo tin cho thiền sư Nam Tuyền :
- Vừa có một thiền tăng hành cước viên tịch.
Thị giả và Đường chủ nói xong, lại gặp thầy Tri khách chạy đến thưa với thiền sư Nam Tuyền :
- Vị tăng vừa viên tịch đã sống lại rồi.
Nam Tuyền hỏi :
- Vị thiền tăng qua đời đã sống lại bây giờ ra sao ?
Thầy Tri khách thưa :
- Ông ấy rất muốn gặp thầy, nhưng mà không biết tu phước, không chịu kết duyên với người.
Khi ấy thiền sư Nam Tuyền bèn đến Niết-bàn đường để gặp thiền tăng bệnh và hỏi :
- Ông vừa mới đi đâu ?
Tăng bệnh thưa :
- Con đến cõi âm.
- Tình hình cõi âm thế nào ?
- Khi con đi khoảng một trăm dặm thì tay chân đau đớn đi hết được, cổ họng khát nước khô cháy, bỗng dưng có một người gọi con vào một nhà lầu cao. Thực tình con rất mỏi mệt, muốn được nghỉ ngơi, vừa bước lên lầu, liền gặp một lão tăng quát tháo không cho con bước lên và nạt nộ đuổi con xuống. Cho nên, bây giờ con mới gặp lại thầy.
Thiền sư Nam Tuyền trách :
- Đó là một ngôi nhà lầu nguy nga tráng lệ giàu có biết bao ! Nhưng ông không có tích tụ phước đức, làm sao lên được ? Nếu ông không gặp ta, e rằng ông đã chui vào địa ngục thọ khổ rồi !
Từ đó về sau, vị tăng bệnh này ngày đêm siêng năng tích đức tu phước, sống hơn bảy mươi tuổi mới viên tịch. Cho nên mọi người gọi ông ta là Nam Tuyền Đạo giả.

Lời bình :

Thiền sư Nam Tuyền ở trong định, có thể lên trời cũng có thể xuống đất. Ngài ở trong định la to một tiếng làm cho người đã chết sống lại. Các thiền sư thường trái ngược nhân tình, nhưng thiền sư Nam Tuyền là người quan tâm thương đệ tử như thế. Người đã xuống địa ngục, lại cho ông ta một cơ hội sống lại.
Lãng tử hồi đầu vàng chẳng đổi.
Cho nên, thiền cũng có một phương diện vất vả tùy thuận nhân tình.

Hóa duyên độ chúng

Hòa thượng Chiêu Dẫn đi vân du khắp nơi, được mọi người gọi là tăng hành cước. Có tín đồ đến hỏi :
- Nổi giận làm sao sửa ?
- Giận dữ do tâm sân mà ra, như thế tốt thôi. Tôi đến ăn xin ông, ông đem tâm sân cho tôi được không ?
Con trai tín đồ rất ham ngủ, cha mẹ không biết làm sao sửa đổi nó. Hòa thượng Chiêu Dẫn bèn đến nhà họ, kêu đứa con đang ngủ thức dậy :

- Ta đến xin giấc ngủ của con, con cho ta giấc ngủ nhen !
Nghe vợ chồng tín đồ cãi lộn, sư bèn đến xin chuyện cãi lộn. Tín đồ uống rượu, sư đến xin việc uống rượu.

Lời bình :
Hòa thượng Chiêu Dẫn cả đời chỉ lấy hóa duyên để độ chúng. Người nào có thói xấu, sư đều đến hóa duyên cho họ sửa đổi. Đến nơi nào sư cũng cảm hóa tín đồ vô kể.

Khóa trình cần phải tu

Học tăng Nguyên Trì tham học trong pháp hội thiền sư Vô Đức, tuy siêng năng dụng công mà rốt cuộc đối với thiền pháp không cách gì thể ngộ. Cho nên, có lần giờ tham vấn buổi chiều, Nguyên Trì xin thiền sư Vô Đức đặc biệt chỉ dạy : - Đệ tử vào tùng lâm đã nhiều năm, mà vẫn mờ mịt không biết gì cả, luống thọ sự cúng dường của tín thí, ngày qua ngày mà không ngộ, xin thầy từ bi chỉ dạy, mỗi ngày ngoài việc tu trì ra, còn có khóa trình nào cần phải tu thêm không ?
Thiền sư Vô Đức đáp :
- Điều tốt nhất ông hãy trông coi hai con kên kên, hai con nai, hai con nhạn và cột một con trùng trong miệng, đồng thời chiến đấu liên tục với một con gấu và chăm sóc một bệnh nhân. Nếu làm được như thế và tận tình trong nhiệm vụ của mình, ta tin rằng đối với ông có sự trợ giúp rất tốt.
Nguyên Trì không hiểu, thưa :
- Bạch thầy ! Con chỉ có một mình đến đây tham học, bên thân con hoàn toàn không mang theo con vật nào cả, làm sao trông coi ? Vả lại, con nghĩ rằng những động vật ấy đâu có dính dáng gì với khóa trình cần phải tu.
Thiền sư Vô Đức cười, nói :
- Ta nói hai con kên kên, đó là ông thường phải cảnh giác hai con mắt mình - phi lễ chớ nhìn; hai con nai, là ông cần phải giữ gìn hai chân mình, đừng để nó chạy theo đường tội ác – phi lễ chớ làm; hai con nhạn, là hai tay ông phải thường làm công tác, tận tình trong trách nhiệm của mình – phi lễ chớ động; một con trùng là cái lưỡi của ông phải cột chặt lại – phi lễ chớ nói; một con gấu, là tâm ông, ông phải khắc chế cá nhân riêng tư của mình – phi lễ chớ tưởng; người bệnh là chỉ cho thân ông, hy vọng ông đừng để nó vào tội ác. Ta mong rằng trên đường tu đạo, những khóa trình cần phải tu đó không thể thiếu được.

Lời bình :

Trong kinh nói : “Sáu căn – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý – giống như một thôn trang mà không có người ở, đã cho sáu tên trộm bên ngoài xâm chiếm, mỗi ngày nó chạy theo sáu trần tạo ác nghiệp”. Sáu căn độc hại giống như cọp, gấu, lang, sói, kên kên, nhạn. Nếu trông coi cẩn thận, phi lễ chớ nhìn, phi lễ chớ nói, phi lễ chớ động, đó cũng chính là Phật Nho dung hợp.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét