AN CHI GIẢI ĐÁP 17
(ĐC sưu tầm trên NET)
Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người
62. (KTTN 110, ngày 01-6-1993)
Tại sao bộ đồ tắm hai mảnh lại được gọi là bikini? Nếu bi là hai thì kini là gì?
AN CHI: Ở đây, bi không có nghĩa là hai mà chỉ là một âm tiết vô nghĩa trong địa danh Bikini, tên một hòn đảo nhỏ trong quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương, nơi đã trở thành bãi thử vũ khí hạt nhân của Mỹ từ năm 1946. Những vụ thử này đã từng gây chấn động mạnh trong dư luận nên nhắc đến Bikini là nhắc đến những vụ gây chấn động như thế. Khi bộ đồ tắm hai mảnh cực nhỏ của phái đẹp ra đời thì nó cũng gây chấn động không kém gì những vụ Bikini vì với nó, lần đầu tiên, các tòa thiên nhiên của tạo hóa, trong đó có nhiều tòa tuyệt tác, đã được phô bày nơi công cộng (bãi biển, hồ bơi) một cách gần như trọn vẹn đến mức mãn nhãn, ngoại trừ mấy trọng điểm được che phủ một cách quá thiếu thốn. Do sự so sánh có tính chất ẩn dụ này mà bộ đồ tắm hai mảnh cực nhỏ đã được gọi là bikini.
Người ta còn chơi chữ bằng cách ngầm hiểu bi là hai để tạo thành danh từ chỉ “bộ đồ tắm” một mảnh của phái nữ (chỉ “gồm có” cái slip lẻ loi) là monokini (mono = một). Nhưng xin nhớ rằng đây chỉ là tên “bộ đồ tắm” một mảnh của phái đẹp chứ cái slip của nam giới nơi bãi biển hoặc hồ bơi thì lại chẳng được vinh dự mang tên đó mặc dù các đấng mày râu chẳng bao giờ mặc … soutien!Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người
63. (KTTN 110, ngày 01-6-1993)
Từ “mafia” do đâu mà có? Nó có ý nghĩa gì?
AN CHI: Mafia cũng viết là Maffia, là tiếng Ý. Theo Dominique và Michèlle Frémy, trong Quid 1986, thì từ này có thể có một trong ba nguồn gốc sau đây:
1. Do tiếng Ả Rập mu’afah, có nghĩa là sự che chở cho những người yếu kém.
2. Do phương ngữ Toscan maffia có nghĩa là sự khốn khổ.
3. Năm 1800, vua xứ Napoli là Ferdinand IV, lưu vong ở đảo Sicilia, đã lập ra một đội cảnh sát ngầm để có thể ngăn chặn một sự đổ bộ bất ngờ của quân đội Pháp. Người ta cho rằng ông đã lấy những chữ đầu của năm tiếng trong khẩu lệnh hồi 1282 mà đặt tên cho tổ chức này. Câu đó là Morte Alla Francia; Italia Anela có nghĩa là nước Pháp phải chết, nước Ý muốn như thế. (Trong trận đánh ở Sicilia năm 1282, quân Ý đã giết chết đến 8.000 quân Pháp). Ráp 5 chữ đầu đó lại thì sẽ có từ MAFIA.
Nhưng dù thuộc gốc nào thì danh từ Mafia ngày nay cũng không còn được hiểu theo nghĩa xưa của nó nữa. Ngày nay Mafia là con bạch tuộc khổng lổ và ghê gớm kiểm soát từ sản xuất nông nghiệp cho đến mua bán bất động sản, cờ bạc, buôn bán vũ khí, buôn bán ma túy, v.v… trên đảo Sicilia của nước Ý. Là chân rết của nó hoặc tương tự như nó, còn có các tổ chức như N’dranghetta ở Calabria (Ý), Camorra ở Napoli (Ý) và Cosa Nostra ở Mỹ.Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người
64. (KTTN 110, ngày 01-6-1993)
Xin cho biết xuất xứ của mấy tiếng mã tà (lính cảnh sát thời trước).
AN CHI: Mã tà là do phiên âm từ tiếng Mã Lai manta-mata có nghĩa là cảnh sát. Hình thức gốc ban đầu là ma tà, theo ghi nhận của Huình-Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quốc âm tự vị. Về sau, ma đã được phát âm thành mã. Xin nhớ rằng tiếng Việt, nhất là địa phương Nam Bộ, có nhiều từ gốc Mã Lai. Thêm một ví dụ: xà ích, người đánh xe ngựa, là do tiếng Mã Lai saïs.Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người
65. (KTTN 110, ngày 01-6-1993)
Xin cho biết sự tích “kết cỏ ngậm vành”.
AN CHI: Thành ngữ tiếng Việt kết cỏ ngậm vành là dịch từ tiếng Hán kết thảo hàm hoàn, bắt nguồn từ hai sự tích riêng biệt. Ngụy Vũ Tử đời nhà Tấn rất yêu quí người vợ lẽ nên khi hấp hối thì dặn con trai là Ngụy Khỏa hãy chôn người vợ lẽ với mình. Ngụy Khỏa không đành lòng nên sau khi cha chết thì cho vợ lẽ của cha đi lấy chồng khác. Về sau, Khỏa đi đánh giặc, sắp thua tướng nhà Tần là Đỗ Hồi thì bỗng dưng thấy Hồi bị vướng cỏ mà ngã. Nhờ thế, Ngụy Khỏa bắt được Đỗ Hồi. Đêm về, Khỏa nằm mộng thấy có một ông già đến nói: “Cảm vì ông đã không chôn sống con gái tôi nên tôi đã kết cỏ làm vướng chân giặc để cứu ông”. Đó là chuyện kết cỏ.
Sau đây là chuyện ngậm vành: Đời nhà Hán có Dương Bảo mới lên chín tuổi đi chơi ở phía Bắc núi Hoa Âm, thấy một con chim sẻ vàng bị chim cắt cắn gần chết. Bảo đem về nuôi gần một trăm ngày chim mới khỏe lại rồi bay đi. Đêm ấy có đồng tử áo vàng miệng ngậm bốn chiếc vòng ngọc đến bái tạ mà nói: "Ta là sứ giả của Tây Vương Mẫu, trước đã nhờ người cứu vớt nên nay đến đền ơn người đây. Cầu cho con cháu người sau này cũng sẽ vinh hiển”. Người ta kể rằng quả nhiên về sau con của Bảo là Chấn, cháu là Bỉnh, chắt là Tứ và chít là Bưu đều được vinh hiển.
Thành ngữ kết cỏ ngậm vành về sau thường được dùng như một lời nguyền đền ơn đáp nghĩa trọng hậu.Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người
66. (KTTN 111, ngày 15-6-1993)
Tại sao Phi-líp-pin (Philippines) là một nước Đông Nam Á mà lại có một tên rất Tây? Người Phi-líp-pin nói tiếng gì?
AN CHI: Nguyên Phi-líp-pin là thuộc địa của Tây Ban Nha từ năm 1565, dưới triều vua Phi-líp đệ nhị. Để đánh dấu rằng đây là đất đai họ đã chiếm được dưới triều của Phi-líp (đệ nhị), tiếng Tây Ban Nha là Felipe, người Tây Ban Nha đã gọi đó là Islas Filipinas, nói tắt thành Filipinas. Đây là số nhiều của Filipina, giống cái của Filipino, nghĩa là thuộc về Felipe. Islas Filipinas là các hòn đảo của Phi-líp, người Pháp dịch thành Iles philippines, rồi nói tắt thành Philippines.
Người Phi-líp-pin nói tiếng Tagal (cũng gọi là Tagalog) là thứ tiếng được chọn làm ngôn ngữ quốc gia. Đây là một ngôn ngữ thuộc họ Mã Lai – Đa đảo (malayo-polynésien). Giành được độc lập năm 1946 từ tay Mỹ (Tây Ban Nha đã nhượng đảo quốc này cho Mỹ từ năm 1898), người Phi-líp-pin vẫn dựa theo tiếng Tây Ban Nha là Filipinas mà gọi tên nước mình là Pilipinas (tiếng Tagal không có âm f nên đã thay thế âm này bằng p).Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người
67. (KTTN 111, ngày 15-6-1993)
Từ điển Pháp Việt của Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam (1981) đã giảng Cauris là “ốc tiền (vỏ ốc xưa dùng làm tiền ở châu Phi) còn Từ điển Anh Việt cũng của Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam (1975) thì giảng Cowrie là: 1. Ốc tiền, 2. Tiền vỏ ốc (ở Nam Phi và Nam Á)”. Không thấy nói đến Trung Quốc. Vậy Trung Quốc xưa có dùng vỏ ốc làm tiền hay không?
AN CHI: Người Trung Hoa thời xưa vẫn có dùng vỏ ốc để làm tiền (dụng bối xác tác hóa tệ). Sò, ốc tiếng Hán gọi là bối, chữ Hán viết là 貝.
Các nhà khảo cổ học về Trung Hoa đã thống kê được trên 100 loại sò, ốc từng được dùng làm tiền nhưng chính con ốc tiền mới là phổ biến và thông dụng hơn hết. Con ốc này, tiếng Hán gọi là mã não bối. Vì nó được dùng làm tiền nên người ta gọi nó là hóa bối (ốc tiền). Do công dụng đặc biệt này mà người ta còn gọi nó là bửu bối (ốc quý). Lối nói này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và được dùng theo phép ẩn dụ để chỉ vật quý hiếm, vật hàm chứa phép lạ hoặc điều mầu nhiệm. Tiếng Pháp gọi ốc tiền là cauris, tiếng Anh là cowrie hoặc cowry, tiếng Nhật gọi là tử an bối (koyasugai); tên khoa học là Cypreae moneta. Bản thân chữ bối 貝 khi nó còn ở giai đoạn thực sự tượng hình, chính là hình một con ốc thò râu (xúc tu) ra khỏi vỏ. Hai nét làm thành chữ bát 八 ở phía dưới của chữ bối chính là hai cái râu đó. Quách Mạt Nhược còn khẳng định dứt khoát rằng chữ bối đích thị là tượng hình con ốc tiền nữa (X. Nô lệ chế thời đại, Bắc Kinh, 1973, tr. 280).
Chính vì con “bối” đã từng được dùng làm tiền cho nên trong chữ Hán, những chữ ghi lại các khái niệm có liên quan đến tiền đều thuộc bộ bối, như bần (nghèo), tiện (hèn), quý (sang), trữ (chứa), tham (ham tiền), mãi (mua), mại (bán), đổ (đánh bạc), v.v…
Vì nhu cầu trao đổi càng ngày càng phát triển mà ốc tiền lại càng ngày càng khó tìm nên về sau người ta phải nung ốc bằng gốm (đào bối), gọt ốc bằng xương (cốt bối), mài ốc bằng đá (thạch bối) thậm chí bằng ngọc (dao bối) mà làm tiền để đáp ứng nhu cầu đó. Cuối cùng người ta đã đúc ốc bằng đồng (đồng bối). Việc này đánh dấu sự ra đời của tiền bằng kim loại trong lịch sử tiền tệ Trung Hoa. Tiền đồng bắt đầu có từ đời Chu nhưng thời đó vỏ ốc vẫn còn tiếp tục được dùng để làm tiền. Chỉ đến đời Tần Thủy Hoàng thì việc này mới bị cấm hẳn.Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người
68. (KTTN 111, ngày 15-6-1993)
Người ta nói rằng con cù là một loại rồng có thể chui dưới đất mà ngủ hàng trăm năm, mỗi lần nó thức dậy, chuyển mình thì trời long đất lở, sập nhà đổ cửa. Do đó mới có câu cù dậy, đúng không?
AN CHI: Quả thật mỗi lần cù dậy là một lần dông to gió lớn, có thể gây ra đổ cửa sập nhà. Nhưng cù dậy chỉ là một cách diễn đạt theo quan niệm và ngôn ngữ dân gian để chỉ hiện tượng thời tiết nói trên mà thôi. Sự thật thì chẳng có con cù nào đã dậy sau một giấc ngủ hàng trăm năm cả. Cũng như khi người ta nói gấu ăn trăng là người ta muốn chỉ hiện tượng nguyệt thực, nghĩa là hiện tượng mặt trăng bị tối một phần hoặc toàn phần trong một lúc vì đi vào vùng tối của trái đất. Chứ sự thật thì chẳng có chú gấu nào đã lấy mặt trăng làm đồ nhắm mà nhậu với ba xị đế cả. Hoặc nữa, khi người ta nói rồng hút nước thì cũng chẳng có con rồng nào bị cơn khát hành hạ. Đó chẳng qua là cột nước hoặc cột hơi nước chuyển động thành cơn xoáy do gió gây ra mà thôi.Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người
69. (KTTN 111, ngày 15-6-1993)
Hình như theo xu hướng gần đây, có người trong giới nghiên cứu lại cho rằng con voi đã từng sinh sống ở lưu vực sông Hoàng Hà của Trung Hoa. Điều lạ lùng này có thể nào đúng hay không?
AN CHI: Không phải là có người, mà là có nhiều người thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, đã khẳng định điều đó bằng những cứ liệu chắc chắn.
Về khảo cổ học, người ta đã nhiều lần đào được xương voi ở lưu vực sông Hoàng Hà. Điều này chứng tỏ rằng con voi đã từng sinh sống tại đây. Giáp cốt học (nghiên cứu nội dung những lời bói khắc trên yếm rùa hoặc xương thú thuộc đời nhà Thương, đào được ở An Dương, Hà Nam) cũng góp phần khẳng định điều này. Thí dụ trong một lời bói, người ta đã đọc được câu: “Đêm nay phải săn cho được một con voi”. Nếu giống voi đã không sinh sống tại đó thì người đời Thương lấy gì mà săn? Vật hậu học (phénologie) cũng góp phần của nó vào sự khẳng định trên đây. Người ta đã chứng minh rằng đời Thương (tk XVI đến tk XI tr.CN) khí hậu tỉnh Hà Nam thích hợp với các động vật nhiệt đới và á nhiệt đới. Nhiệt độ trung bình hàng năm tại đây lúc bấy giờ cao hơn ngày nay 2°C còn mức chênh lệch của nhiệt độ trung bình trong tháng Giêng dương lịch là 3° đến 5°C. Bấy giờ cây tre đã mọc ở Hà Nam và con trâu cũng đã từng sống tại đó. Vậy không phải là lạ nếu bấy giờ ở đó có … voi. Về văn tự học, chữ Hán 爲 mà hiện nay đọc theo âm Hán-Việt là vi và có nghĩa là làm, chữ Hán đó ở trong giáp cốt văn đời Thương lại chính là hình một con voi. (Chữ này ngày nay chỉ còn được dùng theo lối giả tá, nghĩa là mượn âm và tự dạng của chữ sẵn có để ghi một từ có nghĩa khác). Ta không nên tưởng tượng rằng con vật đã làm “hình mẫu” cho cái chữ giáp cốt kia là con (hoặc những con) vật được tiến cống từ phương Nam nhiệt đới xa xôi mà nên bình tâm thừa nhận rằng đó phải là những con vật đã từng sinh sống tại nơi đã đào được xương của chúng. Tất cả những cứ liệu tóm tắt trên đây đều góp phần khẳng định rằng điều lạ lùng mà ông thắc mắc chính lại là chuyện có thật. Duy có điều là do khí hậu đã thay đổi cho nên ngày nay con voi không còn sống được ở Hà Nam – thuộc lưu vực sông Hoàng Hà – nữa mà thôi.Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người
70. (KTTN 112, ngày 01-7-1993)
Con lợn của Epicure nghĩa là gì? Và chữ Epicure là tên của ai?
AN CHI: Epicure là một triết gia người Hy Lạp, sinh tại Samos (có thuyết nói là tại Athènes) năm 341 tr. CN. Cha ông, Néaclès, là một nhà giáo. Nối nghiệp cha, năm 311 ông mở trường dạy học ở Mytilène(*), trên đảo Lesbos. Năm 310, ông dời đến Lampsaque. Năm 306, ông đến Athènes. Tại đây ông đã tậu một khu vườn để mở trường. Do đó mà trường phái của Epicure đã được gọi là trường phái Vườn tược (tiếng Pháp: école du Jardin). Ông mất năm 270, thọ 71 tuổi. Epicure đã từng viết đến 300 chuyên luận nhưng tất cả đều đã thất truyền, ngoại trừ một vài bức thư và một số câu trích dẫn.
Con lợn của Epicure – dịch từ tiếng Pháp pourceau d’Epicure – là một danh ngữ dùng để chỉ đồ đệ của chủ nghĩa khoái lạc, nói nôm na là kẻ đam mê tửu sắc. Sở dĩ có lối nói này là vì người đời, khởi đầu là người đồng thời với Epicure, đã cho rằng ông rao giảng sự tận hưởng niềm vui xác thịt và những khoái cảm do giác quan đem lại. Có kẻ như Timocrate còn nói vu rằng Epicure đã mửa một ngày hai lần vì ăn uống quá no say, lại còn kể rằng ông đã tiêu xài cả một kho báu cho mỗi bữa ăn.
Thực tế thì lại khác hẳn. Ngày nay các nhà nghiên cứu đã đánh giá đúng con người và tư tưởng của Epicure. Jean Brun chẳng hạn, nhấn mạnh rằng một người đã biết hài lòng với chỉ bánh mì và nước lã, đã viết thư bảo môn đệ gửi đến cho mình một hũ nhỏ pho-mát để “chè chén”, đã sống đạm bạc đến mức gần như khổ hạnh thì làm sao có thể rao giảng chủ nghĩa khoái lạc được (X. L’épicurisme, Paris, 1974, p. 27). Còn chính Epicure thì đã nói về học thuyết của mình như sau: “Khi chúng tôi nói rằng niềm khoái lạc là điều thiện tối thượng, chúng tôi không nghĩ đến những sự thỏa thuê của những kẻ trụy lạc, cũng không phải những sự thỏa thuê liên quan đến sự thụ hưởng vật chất như một vài người đã nói vì họ không đồng ý với học thuyết của chúng tôi hoặc vì họ hiểu sai nó. Niềm khoái lạc mà chúng tôi nói đây liên quan đến sự bất tồn tại của nạn đau đớn thể xác và nỗi xáo động tâm hồn” (Dẫn theo J. Brun, sđd, tr. 94).
Nói về vai trò của Epicure, J. Brun viết: “Đó là một con người đã từng chiêm nghiệm sâu sắc về sự suy đồi và về các dạng khác nhau của chứng cuồng loạn tập thể (…) Ông muốn chỉ rõ cho con người rằng vì họ là những kẻ tác tạo ra sự sụp đổ của bản thân cho nên họ phải có khả năng trở thành những người làm chủ vận mệnh của chính mình” (Sđd, tr. 95).
Cá nhân chúng tôi thì lại rất tâm đắc với câu sau đây của Epicure: “Tôi hởi lòng hởi dạ vì khoái cảm xác thịt khi tôi tự nuôi sống mình bằng bánh mì và nước lã” (Dẫn theo J. Brun, sđd, tr. 95).Re: Chuyện Đông - Chuyện Tây: Huệ Thiên/An chi: Giải thích những vấn đề của mọi người
71. (KTTN 112, ngày 01-7-1993)
Ông Tôn Thất Thuyết, chống Pháp, đã chạy qua Tàu và chết ở bên ấy. Người Tàu có viếng ông một đôi câu đối. Xin cho biết hai câu đối ấy.
AN CHI: Phong Châu đã ghi về đôi câu đối đó như sau:
“Thù Tây bất cộng đái thiên, vạn cổ anh hồn quy Tượng Quận;
Hộ giá biệt tầm tỉnh địa, thiên niên tàn cốt táng Long Châu”.
Dịch:
Thù Tây không đội trời chung, muôn thuở anh hồn về quận Tượng;
Giúp chúa riêng tìm cõi thác, ngàn năm xương nát gởi Long Châu”.
Có quyển viết là phương danh quy Tượng quận và tàn cốt ký Long Châu. (Câu đối Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 93).
Chúng tôi cho rằng chữ thứ 11 của câu sau có lẽ phải là ký (đối với quy ở câu trước), do lấy ở thành ngữ sinh ký tử quy (sống gởi thác về). Còn ở câu trước thì chúng tôi cho rằng anh hồn hợp và hay hơn là phương danh.Khuất Quang Thìn
Nhận xét
Đăng nhận xét