BẠN BIẾT CHƯA? 39
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
(ĐC sưu tầm trên NET)
Truy ý nghĩa, nguồn gốc của thành ngữ “chân nam đá chân xiêu”
(Kiến Thức) - Câu thành
ngữ quen thuộc "chân nam đá chân xiêu” thường để nói về những trường hợp
nào, ý nghĩa ra sao và nguồn gốc từ đâu?
Bạn đọc Nguyễn Đức Hồng ở Hà Tĩnh hỏi: Nói về người say rượu, người ta hay dùng từ “chân nam đá chân xiêu”. Vậy ý nghĩa, nguồn gốc của câu thành ngữ này như thế nào?
PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, cho hay, trong từ điển Đại Nam quốc âm tự vị
của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895) đã giải nghĩa rất cụ thể như "đăm" là
tay mặt (tay phải), chiêu là tay tả (tay trái). Như vậy đăm/chiêu là tổ
hợp trái nghĩa có nghĩa là phải/trái. Ta còn có thể thấy dấu ấn từ cổ
này lưu giữ trong các sáng tác dân gian xưa: Tay chiêu đập niêu không
vỡ, đánh vợ không đau, bẻ cau không đứt (tục ngữ); Gà kia mày gáy chiêu
đăm/Để chúa tao nằm, tao ngủ chút nao (ca dao)...
Xem ra,
nguyên gốc của thành ngữ trên phải là “chân đăm đá chân chiêu” mới
đúng. Mấu chốt ở đây là ở từ “xiêu”, vốn gắn liền với nghiêng ngả, xiêu
vẹo. Nó hoàn toàn phù hợp dùng để chỉ dáng điệu của ai đó hoặc say xỉn,
hoặc vội vàng tất tưởi, vụng về... mà đi đứng không ngay ngắn, vững
vàng. Anh chàng say “tít cung thang” đó đã “góp phần” làm cho dân gian
nói lệch câu thành ngữ độc đáo này.
PV (ghi)
Nguồn gốc điển tích lạ: “Nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ rỗ”
(Kiến Thức) - Câu nói
“nhất lé nhì lùn tam hô tứ rỗ” hiện vẫn được dân gian sử dụng khá rộng
rãi. Vậy nguồn gốc điển tích này từ đâu mà có
Câu nói “nhất lé nhì lùn tam hô tứ rỗ”
hiện vẫn được dân gian sử dụng khá rộng rãi. Tuy nhiên, ở khía cạnh
khoa học thì nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa còn một số
giải thích không giống nhau về các loại hình tướng người trong thành ngữ
này.
Chỉ là quan niệm của xã hội phương Đông
Trong
cuộc trao đổi khá thú vị giữa TS Hoàng Điệp, Trung tâm Dịch thuật, Dịch
vụ Văn hóa & Khoa học Công Nghệ cho biết: “Thực ra không chỉ có tứ
tướng khác người mà có tới bát tướng dị thường trong xã hội, họ sở hữu
những cá tính rất đặc biệt cả tải giỏi lẫn quái đản, độc ác. Như mọi
người đã biết, thành ngữ là việc đút kết các kinh nghiệm dân gian về
từng loại hình tướng người cụ thể, từ đó mới đưa ra thành ngữ để tổng
kết lại những cái đã được thống kê, kiểm nghiệm. Trong đó, “nhất lé nhì
lùn tam hô tứ rỗ” cũng là một câu như thế.
Theo TS
Hoàng Điệp thì tất cả các tướng người được nhắc đến trong câu thành ngữ
này đều có ý xấu. Tuy nhiên, đó chỉ là kinh nghiệm dân gian đúc rút ra
thế chứ không dựa trên một cơ sở nghiên cứu nào. Từ trước tới nay, việc nghiên cứu về tướng số dựa
vào các tri thức thu thập được trong sách cổ, hoặc căn cứ trên những
quan niệm, triết lý về tướng người chứ hiếm có công trình nào mang tính
“giải phẫu” riêng về loại hình tướng lé. Ví dụ, người ta thường lấy câu
“mắt lé lộ hầu vành tai lộ” để nói về người gian manh, độc ác. Đây là
các đặc điểm để kết hợp nhận diện người tốt, xấu của dân gian ngày xưa,
nhưng họ lấy cơ sở nào để khẳng định đây là người xấu thì ít không có
công trình nghiên cứu khoa học cụ thể mà chỉ là kinh nghiệm dân gian.
Điều
đáng nói là quan niệm về loại hình tướng số kiểu như “nhất lé nhì lùn
tam hô tứ rỗ” chỉ xuất hiện ở xã hội phương Đông chứ phương Tây không
tồn tại quan niêm này. Chính vì lẽ đó, nên trong các tác phẩm văn chương
ở phương Đông thường tập trung xây dựng những nhân vật phản diện thuộc
một trong 4 loại hình tướng khác biệt là lé, lùn, hô, rỗ...
Trong một quan niệm có chiều hướng ngược lại, Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian
Nguyễn Hùng Vĩ, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc
gia Hà Nội cho rằng, thành ngữ “nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ rỗ” muốn
nói: Những người dị tướng thì thường có tài lạ. Đừng coi thường họ. Lé,
lùn, hô, rỗ là những hình dáng không đẹp, thường bị mọi người chê bai,
kỳ thị. Tuy nhiên, để tồn tại, họ vẫn có những năng lực tự thân đáng
quý, đáng ghi nhận, nhiều khi rất thành đạt thậm chí đạt nên kỳ tích.
Đây là kinh nghiệm thực tế như vậy. Thành ngữ này không xuất phát từ
điển tích gì. Nó là tổng kết kinh nghiệm về sự bất tương hợp thường thấy
giữa hình thức và nội dung, giữa vẻ ngoài và phẩm chất.
Cả tốt lẫn xấu
Một số ý
kiến của các nhà văn hóa khác cho rằng: Thành ngữ “nhất lé nhì lùn tam
hô tứ rỗ” chủ yếu nói về những người có tài, tuy nhiên, cũng có trường
hợp gian ngoa độc ác dám dùng mưu chước hại người khác để bước lên đài
danh vọng. Để phân biệt những người như vậy, dân gian dạy nhau cách nhìn
vào tướng diện, đó là"nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ rỗ".
Ở loại
hình tướng thứ nhất là “lé”, dân gian còn có câu “lưỡng mục bất đồng,
tâm can bất chính" với ý nói rằng, hai mắt của người lé không cùng nhìn
về một hướng thì lòng dạ của người đó thường bất chính, ẩn chứa điều độc
ác. Tuy nhiên, ý kiến này có vẻ quá chủ quan, sa đà vào hình thức mà
quên đi cái tốt đẹp của con người. Chưa chắc người lé có hai con mắt
“bất đồng”, không ngay ngắn thì tâm can bất chính. Ngược lại, những
người thuộc loại hình tướng này thường thể hiện thái độ yêu ghét rõ
ràng, khi yêu thì chung thủy nhất mực, khi ghét thì ghét cay đắng, triệt
để...
Ở loại
hình tướng “lùn”, dân gian thường cho rằng người có tướng này thường hay
có tính kiêu căng. Theo kinh nghiệm cho thấy, một số người không được
cao cho lắm rất khôn ngoan lại túc trí đa mưu, có lẽ vì thế nên người
lùn được xếp vào một trong 4 loại hình tướng tài giỏi hơn người.
TS
Hoàng Điệp cho biết: Trong lịch tử phương Đông lẫn phương Tây đã có
nhiều danh tướng sở hữu loại hình tường lùn này. Đó là Napoleon (1769 –
1821), ông ta là người đã bình định nước Pháp, đưa ra các chính sách
pháp luật tiến bộ mà đương thời chưa ai nghĩ ra, giúp Pháp trở thành một
cường quốc của thế giới...
Ở loại
hình thứ ba là tướng “hô” dân gian cũng có thành ngữ rằng "xỉ lộ thần
hân tu phòng dã tử" - răng lộ môi cong đề phòng chết đường. Tuy nhiên,
theo một tài liệu khác mà Báo KH&ĐS khảo được trong Tướng Mệnh Khảo
Luận do Vũ Tài Lục biên soạn thì một trong tướng lục ác là "thần bất hô
xỉ" - Môi không che được răng là người bất hòa. Răng hô phải đầm xuống
đều thì chất phác, răng đâm ngang hay ngưỡng lên, cực đểu giả (trích
Ngân Hà Thư Xã).
Loại
hình thứ tư là “rỗ” cũng được xếp vào hàng dị tướng. Theo TS Hoàng Điệp
thì loại hình này cũng thuộc tướng xấu, tâm địa độc ác, cho nên dân gian
đã dùng một số câu với ý chê bai những người như vậy. Chẳng hạn, “mặt
rỗ như tổ ong bầu, cái răng khấp khểnh như cầu rửa chôn”. Có nghĩa là
tướng mặt rỗ mà kết hợp với răng hô, mọc không đều thì đó là dị tướng.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì trong dân gian, thành ngữ “nhất lé
nhì lùn tam hô tứ rỗ” còn có một số “biến thể” ở loại hình tướng thứ 4
đó là “nhất lé nhì lùn tam hô tứ sún”. Việc sử dụng loại hình “sún” ở
đây với nghĩa tham ăn, thấy gì ăn nấy nên mới sún răng. Tuy nhiên, có vẻ
cách diễn giải này không có căn cứ mà chỉ là biến thể do dân gian nghĩ
ra để hợp với câu nói sao cho có vần, có nhịp chứ không thể chứng minh
người sún là tham ăn...
Huyền Vũ
Điển tích độc lạ “ăn hại đái nát” bắt nguồn từ đâu?
(Kiến Thức) - Mắng một
người vô tích sự, chẳng được việc gì, người ta thường dùng câu “ăn hại
đái nát”. Nhưng ít ai biết thành ngữ “đái nát” liên quan đến việc đi đòi
nợ.
Mắng một người vô tích sự, vô dụng chẳng được việc gì, người ta thường dùng câu “ăn hại đái nát”. Ăn hại thì ai cũng biết, nhưng ít ai biết “đái nát” liên quan đến việc đi đòi nợ.
Mắng người vô tích sự
Trong
cuốn Từ điển Bách khoa Tri thức, “ăn hại đái nát” chỉ một người vô tích
sự, chỉ biết ăn không biết làm mà lại còn gây ra nhiều điều tệ hại cho
người khác. Trong cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học thì định
nghĩa “đã không làm gì có ích mà lại còn làm hại đến lợi ích của người
khác”.
PGS.TS
Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cho biết, khi
chê trách, mắng mỏ một người mà được đánh giá là một kẻ vô dụng, đã
chẳng làm được một việc gì có ích mà còn lại làm phương hại đến lợi ích
của người khác, người ta hay dùng thành ngữ "ăn hại đái nát" để
ám chỉ. Ví dụ: "Tao là tao từ cái mặt bọn bay. Nhờ bao nhiêu việc mà
chả được tích sự gì. Đúng là một lũ ăn hại đái nát". Người mà được ví
như vậy quả là xấu, xấu lắm, chẳng có gì để mà trân trọng, kể cả tư cách
và nhân cách.
Một
người bị mắng là “ăn hại đái nát” thường là không còn từ nào để diễn tả
cái sự kém cỏi, không làm nên công trạng gì của người đó nữa. Bản thân
người phải nhận câu mắng đó cũng cảm thấy ê chề, xấu hổ vì sự kém cỏi
của bản thân mình, chỉ biết ăn tàn phá hại. Theo PGS.TS Phạm Văn Tình,
hình ảnh so sánh “ăn” – “đái” ở đây là hai quá trình đối ngược. Khi đã
là người vô tích sự, người “ăn hại” thì đương nhiên hệ quả sẽ là “đái
nát”. Nhiều ý kiến cho rằng “đái nát” nghĩa là đái nát nhà, nát cây cối,
ý nói người chỉ biết “ăn” và “đái” mà chẳng biết làm gì khác, không
khác gì các loài động vật bậc thấp.
Nhưng
về mặt ngôn ngữ, hai chữ "đái nát" ở đây có nghĩa thế nào? Đái đến nỗi
nát cây, nát cối, nát nhà, nát cửa người khác sao? Hay chỉ là một lối
nói cốt cho hiệp vần với hai chữ "ăn hại"? Trong các thành ngữ, thường
xuất hiện tình trạng “nói cho có vần có điệu”, còn xét về ngữ nghĩa thì
gần như không có hoặc lặp lại nghĩa của thành tố đứng trước hoặc sau nó.
Truy nguyên gốc tích từ “đái nát” cho chúng ta một kiến giải khá thú
vị.
Chiêu đòi nợ độc đáo
“Đái
nát” nghĩa là gì, tìm hiểu qua nhiều tài liệu nghiên cứu, PGS.TS Phạm
Văn Tình cho biết một câu chuyện trong dân gian gắn liền với từ này. Dân
gian kể rằng, ngày xưa, có nhiều chủ nợ cho vay nhưng mãi không đòi
được. Con nợ cứ chây ì, giục năm lần bảy lượt cũng không trả. Chuyện
khất nợ cũng có nhiều hoàn cảnh. Có người cố tình tính chuyện chây ì,
"chạy làng trốn nợ" thực. Song cũng có gia đình nghèo túng, làm ăn thất
bát mà chưa có tiền, có thóc trả cho chủ nợ (chứ thâm tâm họ đâu muốn
thế). Tuy nhiên, nợ nào cũng là nợ. Vay thì phải trả, đó là lẽ đời. Có
chủ nợ nhờ người đi bắt nợ, xiết nợ cốt đòi cho bằng được những gì mình
cho vay, cho mượn. Cảnh bắt nợ ngày xưa xảy ra ở nhiều nơi rất thương
cảm. Anh Dậu trong truyện Tắt đèn của Ngô Tất Tố đã bị bọn cai lệ đến
bắt ra sân đình trói, cho đến khi trả xong nợ mới thôi.
Lại có
nhiều chủ nợ sai gia nhân, đầy tớ đến tận nhà con nợ để nằm vạ đòi nợ
theo kiểu "giang hồ". Họ kéo quân đến ở, chầu chực ngay tại gia. Dĩ
nhiên gia chủ phải nuôi cơm họ. Mọi sinh hoạt như ăn ở của họ (như ăn
uống, bài tiết, tiểu tiện...) đều diễn ra ngay trong nhà, rất bệ rạc và
bẩn thỉu. Để làm cho nhà con nợ xơ xác, hôi thối, đám đầy tớ này thi
nhau ăn uống, đại tiểu tiện, bạ đâu tiểu đó, đến mức nát nhà, nát cây,
nát đất. Mục đích của đám người xiết nợ này là làm cho gia chủ phải chịu
đựng, tới mức "đau đớn ê chề cho coi". Đến nước phải mau mau tìm đủ mọi
cách mà trả nợ cho xong. Quả là một "chiêu" đòi nợ độc đáo, chỉ còn kém
mỗi anh chàng Chí Phèo đến gây sự, sẵn sàng đâm chém ở nhà Đội Tảo
(theo lệnh của Bá Kiến) trong truyện của Nam Cao ngày trước. Chính từ sự
tích dân gian này mà tiếng Việt có thêm thành ngữ "ăn hại đái nát" với
những ngữ nghĩa mà ta đã biết: Chỉ vì món nợ cần đòi/Ăn hại đái nát
người đời cười chê...
Khi môi
trường sống bị “hủy hoại” như vậy, rất ít con nợ nào có thể chịu đựng
nổi nên việc đòi nợ đa phần là thành công. Ngày nay, có lẽ “chiêu” đòi
nợ này đã biến mất khỏi đời sống do các điều kiện kinh tế xã hội, nhận
thức, công cụ pháp lý đã khác. Thế nhưng, thành ngữ “ăn hại đái nát” vẫn
cứ được sử dụng một cách phổ biến, dễ hiểu, dễ nhớ.
Văn hóa gắn với miếng ăn
Sự “tra
tấn” của hình thức đòi nợ này đa phần khiến các con nợ cảm thấy ngột
ngạt không thể chịu đựng nổi, ăn không ngon ngủ không yên trong môi
trường đầy xú uế ấy. Bởi thế mà dân gian cũng có hình ảnh ví von “nhất
tội nhì nợ”. Có tội thì van lạy, nói khó nói khăn thế nào cũng vẫn phải
đền tội. Có nợ thì van lạy, nói khó nói khăn cũng vẫn phải trả nợ. Cho
nên người ta cho ở đời khổ nhất là bị tội, rồi đến mắc nợ. Câu này ngụ ý
than phiền về nỗi khổ sở của người vay nợ. Đồng thời có ý khuyên người
ta không nên làm điều bậy bạ để khỏi mắc tội, không nên ăn tiêu phung
phí để khỏi mang nợ. Vướng vào tội, nợ thì khó mà sống yên ổn được và
đương nhiên cũng sẽ trở thành người “ăn hại đái nát”, vô tích sự, làm
khổ người thân, gia đình.
Để chỉ
người vô tích sự, dân gian cũng dùng từ “ăn hại đái khai”, “ăn không
ngồi rồi”, “ăn dầm nằm dề”... Theo TS Đinh Đức Thành, Viện Hán Nôm, hình
ảnh miếng ăn trong ca dao, tục ngữ, trong văn hóa dân gian Việt Nam khá
phổ biến. Điều này được lý giải ở nhiều luận cứ khác nhau, trong điều
kiện sống khó khăn, miếng ăn, nước uống là nhu cầu cơ bản hàng ngày, lại
không mấy khi được thỏa mãn, nên tâm lý coi trọng miếng ăn thể hiện khá
rõ. Ăn Tết, ăn cưới, ăn giỗ, ăn hỏi... đều gắn với “ăn”, các thói hư
tật xấu hay ngợi ca cổ vũ gắn liền với miếng ăn cũng rất nhiều. Nếu ví
với một cái gì đó khác, người nghe sẽ vừa khó hình dung, lại khó phổ
biến, truyền miệng. Vì thế, qua “miếng ăn” để thể hiện sự cổ vũ hay chê
trách là cách chọn lựa dễ hiểu.
Theo các chuyên gia, những thành ngữ được sử dụng phổ biến vì đa phần
chúng dễ hiểu. Nhiều khi việc truy nguyên nghĩa gốc chỉ là một kênh để
tham khảo, không làm thay đổi nghĩa tường minh của thành ngữ. Khi sử
dụng các thành ngữ này, cũng không nên căn vặn việc sử dụng trong văn
cảnh có đúng với nghĩa gốc ban đầu hay không vì rất có thể các hình ảnh
ví von đã không còn phổ biến, dễ hiểu ở hiện tại.
Bảo Khánh
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét