Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

BÍ ẨN LỊCH SỬ 103

(ĐC sưu tầm trên NET)

Cẩm y vệ-Đông xưởng: 200 năm "sóng ngầm" đẩy Minh triều diệt vong

Hải Võ | 22/04/2015 19:55
Cẩm y vệ-Đông xưởng: 200 năm "sóng ngầm" đẩy Minh triều diệt vong
Ảnh minh họa.

Sự sụp đổ của Minh triều đến từ chính những tổ chức mật vụ như Cẩm y vệ, Đông xưởng... vốn được xem là công cụ đắc lực để bảo hộ sự thống trị của nhà cầm quyền.



"Thủ đoạn tàn bạo, điên đảo thị phi, lạm sát trung thần..." đã trở thành nhận thức chung của dư luận đối với các tổ chức mật vụ rất nổi tiếng của triều Minh. Nổi bật trong số đó là Cẩm y vệ và Đông xưởng.
Công cụ đặc đù của nhà thống trị
Chuyên gia về lịch sử triều Minh Ngô Hàm viết trong "Chu Nguyên Chương truyện" năm 1949 rằng - "Trước đám tướng lĩnh kiêu hùng bất trị và đám văn thần xuất thân cao sang, có thế lực địa phương, có danh vọng, Hoàng thái tử nhu nhược làm sao đủ khả năng đối phó?
Sau khi Thái tử của Chu Nguyên Chương qua đời, Thái tôn của ông (Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn) chẳng những tuổi trẻ non dại, mà còn yếu đuối hơn cha, cả ngày chỉ biết đọc sách thánh hiền với đám hủ nho, thuyết giảng đạo lý, hoàn toàn không phải là kẻ có tài trị quốc.
Chu Nguyên Chương buộc phải giúp cháu mình diệt trừ hậu hoạn, đồng thời giúp chính ông an lòng sau khi qua đời. Chính vì vậy, mới có những cuộc lạm sát khủng bố, phạm pháp hay không phạm pháp cũng bị giết, có lý hay vô lý cũng giết.
Sự ra đời của Cẩm y vệ, không ngoài việc tiếp tay cho Hồng Vũ Đế Chu Nguyên Chương vu khống, đổ họa, đấu tố ngầm... thậm chí hình thành cả một 'hệ thống vu cáo có mục đích, mục tiêu'. Đặc biệt, Cẩm y vệ vô cùng thích hợp 'hoạt động ngoài vòng pháp luật'.
Trọng phạm từ địa phương đều phải giải về kinh thành, giam tại Bắc Trấn phủ ti (trực thuộc Cẩm y vệ), nơi mà các hình cụ tàn khốc luôn sẵn sàng 'tiếp đón'.
Cáo trạng thường được sắp xếp trước, khẩu cung cũng được viết sẵn. Không có trình tự khởi tố, không qua xét xử. Quyền lợi duy nhất của phạm nhân là... ký tên nhận tội sau khi bị tra tấn.
Bất kể là ai, đã bước qua cửa Cẩm y vệ thì đừng mong có 'điều thần kỳ' là được bước chân ra khỏi đây một lần nữa."
Học giả Ngô Hàm nhấn mạnh chức năng chính của Cẩm y vệ: Đường dây vu cáo "có kế hoạch", "có hệ thống" và không ngần ngại sử dụng các biện pháp tra tấn "ngoài pháp luật".
Trước khi Đông Xưởng ra đời, Cẩm y vệ là cơ quan mật vụ rất quyền lực.
Trước khi Đông Xưởng ra đời, Cẩm y vệ là cơ quan mật vụ rất quyền lực.
Văn nhân nổi tiếng đời Gia Tĩnh Vương Thế Trinh từng viết riêng một bộ sách tiêu đề "Cẩm y chí" nói về cơ quan mật vụ này.
Trong sách, Vương Thế Trinh giải thích - "Cẩm y vệ ra đời dưới thời Thái Tổ (Chu Nguyên Chương), là thân quân trong cung cấm, cảnh vệ của riêng Hoàng đế, không trực thuộc Đô đốc phủ (các Vệ đội khác đều thuộc Đô đốc phủ).
Dưới Cẩm y vệ có Nam - Bắc Trấn phủ ti. Nam trấn phủ ti phụ trách hình pháp trong nội bộ Vệ, Bắc trấn phủ ti chưởng quản tù chính trì, trực tiếp hành động theo khẩu dụ Hoàng đế, không qua trình tự Tam pháp ti (Hình bộ, Đại lý tự, Đô sát viện)."
Sách "Minh sử" do Thanh triều biên soạn cũng chép - "Đương thời, các vụ án 'băng đảng Hồ Duy Dung', 'băng đẳng Lý Thiện Trường' và 'băng đảng Lam ngọc' chấn động toàn quốc, số người chết kỷ lục lên tới 40.000 người. Tất cả đều do một tay Cẩm y vệ thực hiện."
Cuối đời, Hồng Vũ Đế ý thức được vấn đề "khủng bố ngoài pháp luật" không phải hướng đi lâu bền để giữ cơ nghiệp, nên ông ra lệnh giải tán các Trấn phủ ti, tiêu hủy hình cụ, chuyển các phạm nhân về Hình bộ để tố tụng theo thủ tục thông thường.
Tuy nhiên, sau khi con trai thứ của Chu Nguyên Chương là Yên Vương Chu Đệ (Lệ) phát động chính biến - sử gọi là loạn Tĩnh Nan - lật đổ Kiến Văn Đế, ông bị đám cựu thần của Kiến Văn phản đối kịch liệt, trong khi bản thân cũng "danh bất chính, ngôn bất thuận".
Vĩnh Lạc Đế Chu Đệ buộc phải tái sử dụng các Trấn phủ ti của Cẩm y vệ nhằm kiểm soát và kềm hãm dư luận và thanh trừng các đối thủ chính trị.
Những năm đầu đời Vĩnh Lạc, "bầu không khí khủng bố thời Hồng Vũ" lại được tái hiện trên toàn bờ cõi Trung Quốc. Thậm chí, khung hình "tru di 9 họ" đã được Chu Đệ "nâng tầm" thành... "tru di 10 họ".
Thời kỳ này, chỉ cần 1 người dính líu vào tội danh chống phá chính quyền cũng có thể khiến cho toàn bộ họ hàng trực hệ, nội ngoại, xa gần... mang họa diệt môn.
Kinh khủng hơn, Cẩm y vệ dưới tay Vĩnh Lạc Đế còn xuất hiện hình thức "thanh tẩy" toàn bộ nhân khẩu... cùng quê với tội phạm.
Những "kiệt tác" của cơ quan này đã gieo nỗi kinh hoàng lên hàng trăm năm lịch sử của Minh triều, bất chấp Vĩnh Lạc là thời kỳ thống trị mà phương Tây đánh giá là "giai đoạn cực thịnh của chế độ phong kiến Trung Quốc".
Vĩnh Lạc Đế Chu Đệ là người mở ra Đông Xưởng - cơ quan tình báo quốc gia đầu tiên trong lịch sử thế giới.
Vĩnh Lạc Đế Chu Đệ là người mở ra Đông Xưởng - cơ quan tình báo quốc gia đầu tiên trong lịch sử thế giới.
Cẩm y vệ và Đông xưởng
Các cơ quan "na ná" như Cẩm y vệ vào thời Minh không thiếu, ngoài họ ra còn có Đông xưởng, Tây xưởng, Nội hành xưởng...
Sự ra đời và mục đích ban đầu của các cơ quan này cũng nhằm phục vụ cho một cá nhân vào thời điểm đó - chính là đương kim Hoàng đế. Ví dụ mục đích ra đời của Cẩm y vệ là để thực hiện những nhiệm vụ mật của cá nhân Chu Nguyên Chương.
Trên thực tế, dù nói Cẩm y vệ và Đông xưởng là 2 cơ quan khác nhau, song mối quan hệ giữa 2 tổ chức này lại vô cùng mật thiết, thậm chí có thời điểm Cẩm y vệ "chơi tốt" với Đông xưởng tới mức đôi bên "cùng hợp tác làm việc gian".
Về cơ cấu, Xưởng đốc Đông xưởng luôn là một thái giám thân tín với Hoàng đế, trong khi Cẩm y vệ là cơ quan cảnh vệ.
Vì vậy, ở một mức độ nhất định, Cẩm y vệ vẫn phải chịu sự thanh tra và kiểm soát của Đông xưởng. Các vị trí quan trọng của Cẩm y vệ thường do các thân tín của Tư lễ thái giám Đông xưởng đảm nhiệm.
Đông xưởng là tổ chức mật vụ do chính Minh Thành Tổ Chu Đệ thành lập năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420), được ghi nhận là "cơ quan tình báo cấp quốc gia đầu tiên trong lịch sử thế giới" - theo Baidu.
Chức năng chính của Đông xưởng là "đề phòng, ngăn chặn kẻ gian và ngôn luận phản nghịch, quyền lực không kém Cẩm y vệ".
Ban đầu, Đông xưởng chỉ phụ trách công tác điều tra, bắt giữ các nhà đối lập chứ chưa có quyền thẩm vấn. Phạm nhân do Đông xưởng bắt được đều chuyển sang Cẩm y vệ Bắc Trấn phủ ti.
Tuy nhiên, đến cuối triều Minh, Đông xưởng cũng có nhà tù của riêng mình. Thủ lĩnh của cơ quan này là Xưởng đốc - nhân vật số 2 sau Tư lễ thái giám trong cung và phải là thân tín của người này.
Bên dưới, Đông xưởng cũng có các chức danh Thiên hộ, Bách hộ, chưởng ban, lĩnh ban, tư phòng... giống như Cẩm y vệ.
Tạo hình Xưởng đốc Tây Xưởng trong phim điện ảnh Long môn phi giáp (2011) của đạo diễn Hồng Kông Từ Khắc.
Tạo hình Xưởng đốc Tây xưởng trong phim điện ảnh "Long môn phi giáp" (2011) của đạo diễn Hồng Kông Từ Khắc. Tây xưởng là một trong 4 cơ quan tình báo lớn của Minh triều.
Sau khi ra đời, phạm vi hoạt động của Đông xưởng ngày càng mở rộng và thường "giẫm chân" lên nghiệp vụ vụ Cẩm y vệ.
Khi Bắc Trấn phủ ti thẩm vấn trọng phạm, Đông xưởng cũng cử người tới... nghe. Trong các nha môn triều đình đều có mật vụ Đông xưởng công khai giám sát quan lại. Một số văn kiện quan trọng như báo cáo của Binh bộ cũng bị cơ quan này tra xét.
Ngoài ra, cuộc sống của người dân từ "cân đường lọ muối" cũng nằm trong phạm vi theo dõi của Đông xưởng.
Nói về cuộc tranh đấu giữa Đông xưởng và Cẩm y vệ, cuốn "Những chuyện triều Minh" của Đương Niên Minh Nguyệt mô tả hóm hỉnh - "Trước khi có Đông xưởng, Cẩm y vệ là một nghề nghiệp đầy hứa hẹn.Vô số 'thanh niên có chí' lũ lượt gia nhập sự nghiệp đặc vụ.
Nhưng sau khi Đông xưởng xuất hiện, quyền lực của họ vượt qua Cẩm y vệ, khiến Cẩm y vệ 'mất uy'.
Nguyên nhân rất đơn giản, Đông xưởng trực tiếp nghe lệnh Hoàng đế, trong khi thủ lĩnh của họ lại là một thái giám thân cận của vua, có thể nói là quan hệ 'trên cả mật thiết'. Điều này không có được ở quan hệ giữa Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ và Hoàng đế.
Vì vậy, trong giai đoạn lịch sử về sau của Minh triều, Cẩm y vệ - vốn là cơ quan ngang hàng Đông xưởng - dần 'lép vế' và trở thành 'sân nhà' của Đông xưởng. Một số Đô chỉ huy sứ của Cẩm y vệ diện kiến Đông xưởng Chưởng ấn thái giám còn phải... khấu đầu."
Những "con sóng ngầm" trong quan hệ Đông xưởng - Cẩm y vệ kéo dài tới gần 200 năm, kết quả khiến cả 2 phe đều "đắm thuyền".
Bị Đông xưởng át vía, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ đôi khi phải... khấu đầu trước Chưởng ấn thái giám của Xưởng này.
Bị Đông xưởng "át vía", Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ đôi khi phải... khấu đầu trước Chưởng ấn thái giám của Xưởng này.
Cái kết của "thời đại mật vụ"
"Ân oán giang hồ" của Cẩm y vệ với Đông xưởng có thể nói là xuyên suốt cả triều đại nhà Minh, và cuộc đấu giữa 2 tổ chức mật vụ này vô cùng quyết liệt.
Tới triều Minh Hy Tông, sự hoành hành của các Xưởng Vệ đã lên tới đỉnh điểm. Tư lễ thái giám Ngụy Trung Hiền trực tiếp nắm quyền Tổng đốc Đông xưởng.
Ngụy Trung Hiền lợi dụng sự bất tài của Hy Tông Chu Do Hiệu để chuyên quyền làm loạn, thủ hạ có 10 tên thân tín gọi là "ngũ hổ" và "ngũ báo", thao túng từ nội chính đến quân đội.
Cuối triều Minh, việc làm dụng tư hình, sát hại trung lương không còn phục vụ mục đích chính trị của Hoàng đế, mà đã trở thành "công tác nội bộ" của chính các mật vụ. Các cuộc tàn sát, thanh trừng diễn ra "như cơm bữa".
Theo mô tả, phạm nhân bị tra khảo bên trong Trấn phủ ti "kêu khóc rầm trời, khiến quỷ thần phải run sợ, nhưng ở phòng bên cạnh... không nghe thấy một âm thanh nào".
Càng về cuối thời Minh, nhà tù Hình bộ thậm chí được ví với "thiên đường" nếu đem so với Trấn phủ ti của Cẩm y vệ.
Sau khi Sùng Trinh Đế Chu Do Kiểm kế vị, ông đã triệt hạ Ngụy Trung Hiền và đưa toàn bộ bè đảng của tên này lên đoạn đầu đài. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, tình trạng các Xưởng Vệ "đâu lại vào đấy".
Đến năm Sùng Trinh thứ 4, trung thần Hứa Quốc Vinh đứng ra khuyên vua hạn chế hoạt động của Xưởng vệ - "Hoàng thượng tưởng rằng có Xưởng Vệ thì thiên hạ không còn gì bí mật, nhưng thần cho rằng thiên có càng nhiều điều che giấu.
Chỉ có Xưởng Vệ thanh tra người khác mà không ai thanh tra Xưởng Vệ, đây chính là vẽ đường cho kẻ tham nhũng. Bọn họ có thể điên đảo thị phi mà không ai dám phán xét.
Đến nay, các Xưởng Vệ đã lộng hành đến mức ngông cuồng, đại nghịch vô đạo."
Tuy nhiên, Sùng Trinh đã là vị vua thứ 17 và cũng là Hoàng đế cuối cùng của triều Minh. "Di sản mật vụ" mà ông tiếp quản từ tay các bậc cha ông đã thối nát đến mức không thể cứu chữa được nữa.
Xét toàn bộ 276 năm chiều dài lịch sử Minh triều, dù họ cũng có được vài Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ có thể gọi là chính trực như Viên Bân, Mưu Bân, nhưng về tổng thể, chức năng của họ vẫn không gì ngoài "kẻ tiếp tay" cho chế độ chuyên chế đầy cực đoan của triều đại này.
Có trong tay những công cụ tình báo hiệu suất cao như Cẩm y vệ, Đông xưởng... các Hoàng đế triều Minh dễ dàng áp chế các tầng lớp trí thức hay dân thường.
Thế nhưng, cái giá họ phải trả là sự suy giảm nghiêm trọng "sức sống của xã hội". Trung Quốc triều Minh gần như không có một bước tiến nào đáng kể, thậm chí suy thoái nặng nề cả về kinh tế, chính trị, xã hội và quân sự.
Ngày nay, ấn tượng của mọi người về Minh triều chỉ là những câu chuyện bi tráng về các tổ chức mật vụ khủng bố như một đặc trưng thời đại, sự tinh xảo trong chế tác gốm sứ hay "tứ đại danh tác" nổi tiếng khắp thế giới.
theo Trí Thức Trẻ

Giải mật tổ chức đặc vụ thần bí nhất trong lịch sử

Hải Võ | 17/04/2015 20:00
Giải mật tổ chức đặc vụ thần bí nhất trong lịch sử
Poster bộ phim điện ảnh "Cẩm y vệ" (2010) của đạo diễn Hồng Kông Lý Nhân Cảng.

Trung Quốc triều Minh được ví như "thời đại của các tổ chức đặc vụ", Cẩm y vệ là một trong số những tổ chức tình báo nổi tiếng nhất thời kỳ này.

Tên đầy đủ của Cẩm y vệ là "Cẩm y thân quân đô chỉ huy sứ ti", tiền thân là "Củng vệ ti" do Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lập ra, sau đổi thành "Thân quân đô úy phủ", chưởng quản nghi trượng và thị vệ của Hoàng đế.
Năm Hồng Vũ 15 (1382), Chu Nguyên Chương bỏ Thân quân đô úy phủ và Nghi loan ti, đổi thành Cẩm y vệ.
Trong vai trò cơ quan cảnh vệ quân sự của Hoàng đế Minh triều, Cẩm y vệ được Chu Nguyên Chương cấp quyền chưởng quản hình ngục, tuần sát và bắt giữ, nhằm tăng cường quyền lực thống trị của trung ương.
Cơ cấu trực thuộc Cẩm y vệ có Trấn phủ ti phụ trách công tác trinh sát, bắt giữ, thẩm vấn...
Một đặc vụ Cẩm y vệ
Một đặc vụ Cẩm y vệ
Bối cảnh lịch sử
Kể từ khi Tần Thủy Hoàng lập quốc, các triều đại trong xã hội phong kiến Trung Quốc đều sử dụng các biện pháp nhằm bảo hộ và duy trì lợi ích của nhà thống trị. Mục tiêu của bọn họ về cơ bản giống nhau, chỉ khác ở phương thức.
Tần Thủy Hoàng tin tưởng vào đường lối cứng rắn "dĩ bạo trị quốc", tôn thờ biện pháp cai trị bằng vũ lực. Kết cục là Tần triều chỉ đến Tần Nhị Thế là bại vong.
Hán, Đường tôn sùng Nho giáo, đi theo đường lối cai trị ôn hòa, song không loại bỏ được nạn hoạn quan, ngoại thích lộng triều, cuối cùng vẫn không thoát được "bánh xe lịch sử".
Sau khi đánh đuổi Nguyên Mông khỏi lãnh thổ và lập ra triều Minh, Chu Nguyên Chương đã phát triển một loại hình "vũ khí" thống trị nhân dân cực lợi hại, đó là hình thức "đặc vụ thống trị".
Minh triều là thời đại cực thịnh của các loại tổ chức mật vụ mà không một triều đại nào trong lịch sử Trung Quốc có thể so bì.
"Đấu tố lẫn nhau, người người hoang mang sợ hãi" dường như đã trở thành bản sắc chủ đạo của Trung Quốc trong giai đoạn thống trị của Minh triều.
Giống như nhiều Hoàng đế trong lịch sử Trung Quốc, Chu Nguyên Chương xuất thân bình dân, trải qua "một cuộc bể dâu" mà cùng các huynh đệ "hoàn thành đại nghiệp".
Xã hội phong kiến Trung Quốc có một cái "dớp" kỳ lạ. Phàm là những "chiến hữu đánh thiên hạ, đồng cam cộng khổ" với Hoàng đế, đều không có kết thúc tốt đẹp sau khi "đại sự đã thành".
Kẻ nắm giữ quyền thống trị cuối cùng - tức Hoàng đế - vì muốn bảo vệ quyền lực bản thân, hoặc để "mở đường" cho thế hệ tiếp nối, thường lựa chọn thanh trừng những khai quốc công thần từng vào sinh ra tử cùng mình, để phòng ngừa xảy ra hiện tượng thần tử "công cao át chủ".
Chu Nguyên Chương tin tưởng mạnh mẽ vào câu thành ngữ "ngọa tháp chi trắc, khởi dung tha nhân điềm thụy" (Bên giường của mình, làm sao có thể để kẻ khác ngủ ngon).
Sau khi Minh triều lập quốc (1368), Chu Nguyên Chương dường như "triệt để rút kinh nghiệm" từ liệt đại Hoàng đế. Những chiến hữu năm xưa càng là kẻ có năng lực càng khiến ông không yên lòng.
Thời Tống, Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn cũng không yên tâm với những khai quốc công thần, song cách làm của ông nhẹ nhàng hơn. Triệu Khuông Dẫn mời các công thần ăn uống no say, yêu cầu họ trao trả quyền lực và cho cáo lão về quê.
Đường lối của Minh Thái Tổ trái ngược với Triệu Khuông Dẫn. Các nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng nguyên nhân chủ yếu do ông e sợ nguy hại đến đời con, ảnh hưởng đến cơ nghiệp Đại Minh của ông.
Vì vậy, tổ chức đặc vụ Cẩm y vệ được ra đời với quyền lực "sinh sát" không cần thông qua các cơ quan tư pháp. Nói cách khác, Cẩm y vệ không khác một cơ quan tư pháp - hành pháp độc lập.
Cẩm y vệ nắm quyền lực như một cơ quan tư pháp - hành pháp.
Cẩm y vệ nắm quyền lực như một cơ quan tư pháp - hành pháp.
Bóng đen "Cẩm y vệ"
Có tổ chức mật vụ Cẩm y vệ trong tay, Chu Nguyên Chương nhắm tới Thừa tướng Hồ Duy Dung đầu tiên. Hồ bị thanh trừng năm Hồng Vũ 12.
Số người liên đới trong vụ Hồ Duy Dung lên tới 10.000 người - một con số khủng khiếp trong lịch sử các cuộc thanh trừng. Thậm chí đến cuối cùng, Thái sự Lý Thiện Trường cũng bị cuốn vào vụ án và bị giết cả nhà năm ông 77 tuổi.
Trong lịch sử Trung Quốc, chưa khi nào bầu không khí chính trị trở nên u ám và đáng sợ như giai đoạn cai trị của Chu Nguyên Chương.
13 năm sau vụ đại án Hồ Duy Dung, Hồng Vũ Đế tiếp tục "giá họa" và thanh trừng công thần Lam Ngọc.
Các học giả hiện đại bình luận, Lam Ngọc là vị đại thần "trung can nghĩa đảm" đối với Chu Nguyên Chương. Cái chết của ông khiến người trong thiên hạ ai oán.
Dưới bàn tay Cẩm y vệ, vụ Lam Ngọc khiến cho hơn 10.000 người nữa gặp họa sát thân. Sau vụ án này, các công thần của Minh triều hầu như đã "rơi rụng" hết.
Hành động của Hồng Vũ Đế khiến ngay cả Thái tử Chu Tiêu cũng cảm thấy bất mãn, từng can gián - "Bệ hạ lạm sát vô số, e rằng làm tổn hại hòa khí triều đình".
Chu Nguyên Chương không nói gì, ngày hôm sau ông đem một sợi dây dài đầy gai góc bắt Thái tử... luyện tay. Chu Tiêu sợ đứt tay nên không làm theo.
Lúc này Chu Nguyên Chương mới nói - "Con sợ đứt tay mà không dám tập. Nay ta loại bỏ hết gai góc mà đưa lại cho con, như vậy không tốt hay sao?
Những kẻ ta giết đều là nhân vật nguy hiểm cho quốc gia. Diệt trừ họ đi, con mới ngồi vững được giang sơn này."
Thiên hạ Minh triều: Mật vụ trà trộn khắp trong dân
Cẩm y vệ không chỉ kiểm soát quan lại triều đình, mà còn chiếu theo lệnh Hoàng đế liên tục do thám và thu thập quân tình cũng như ý dân.
Cơ quan này hoạt động hiệu quả đến mức chỉ cần là những ngôn luận gây bất lợi cho chính quyền đều không thoát khỏi tai mắt của Cẩm y vệ.
Cái tên "Cẩm y vệ" gần như trở thành một dạng đặc quyền. Quan lại địa phương cũng không dám tùy tiện chất vấn nhiệm vụ của họ.
Thậm chí, chỉ cần tỏ thái độ bất mãn với đặc vụ Cẩm y vệ cũng có khả năng bị bắt về thẩm vấn với một tội danh "vu vơ".
Các nghiên cứu hiện đại đều khẳng định, những người bị Cẩm y vệ "đưa đi phục vụ điều tra" thì chắc chắn là thập tử nhất sinh. "Nhẹ nhàng" nhất cũng là... tàn phế cả đời.
Chu Nguyên Chương phái Cẩm y vệ "nằm vùng" tại khắp các địa phương. Bọn họ không bỏ qua bất kỳ thông tin "vỉa hè" nào, từ việc quan lại mời khách nào, làm thơ gì... Hoàng đế nều nắm rõ như lòng bàn tay, khiến triều thân vô cùng e sợ. Đây cũng chính là hiệu quả mà Hồng Vũ Đế mong đợi.
Cẩm y vệ hình thành từ sự ám ảnh chính trị của Hồng Vũ Đế Chu Nguyên Chương
Cẩm y vệ hình thành từ sự ám ảnh chính trị của Hồng Vũ Đế Chu Nguyên Chương
Sự ám ảnh của Chu Nguyên Chương
Minh sử ghi chép lại, Cẩm y vệ thường dùng 18 loại hình cụ, trong đó có một loại gọi là "trượng hình" được các đặc vụ Cẩm y vệ sử dụng vô cùng tinh tế.
Trong lịch sử các vương triều phong kiến Trung Quốc, Minh là triều đại mà các tổ chức đặc vụ khủng bố nhất. Chu Nguyên Chương xuất thân áo vải, ông hiểu rất rõ các hoạt động trong dân gian, đồng thời nhận thức được sức mạnh khổng lồ của quần chúng.
Chính vì vậy, khi ngồi lên ngai vàng, Chu càng lo sợ sức mạnh của dân sẽ có ngày khiến ông "lật thuyền". Trong lý luận của Chu Nguyên Chương, bản thân ông có khả năng leo lên ngai vàng từ một kẻ bình dân thì người khác cũng có khả năng đó.
Một số học giả cho rằng, Chu Nguyên Chương có phần "tự ti" về thân phận của mình, đồng thời lúc nào cũng nơm nớp lo bị triều thần bán đứng. Trong mắt ông, "hiểm họa không lúc nào không tồn tại", buộc Chu phải không từ thủ đoạn kiểm soát các mối đe dọa.
Sau khi Minh triều thành lập, ban đầu họ cũng thi hành chế độ giống triều Nguyên, tại trung ương bố trí tả hữu Thừa tướng và Trung thư tỉnh.
Tuy nhiên, do ám ảnh quyền lực Trung thư tỉnh quá lớn, Chu Nguyên Chương đã phế bỏ cơ quan này năm Hồng Vũ thứ 9, thiết lập Bố chính ti. Theo đó, quyền hành pháp được trao cho đơn vị này, còn quyền quyết sách hoàn toàn quy thuộc Hoàng đế.
Đồng thời với việc thâu tóm quyền lực, Hồng Vũ Đế lại bắt đầu phân tán quyền lực của quân đội. Ông cơ cấu Đại đô đốc phủ ban đầu thành 5 Đại đô đốc phủ khác, nhằm thực hiện chính sách "chia để trị", không cho quân đội cơ hội hình thành thế lực chống đối.
Những chính sách kiểm soát, giám sát quá hà khắc, thậm chí khủng bố của Minh triều xuất phát từ Chu Nguyên Chương về sau đã khiến triều đình Trung Quốc rơi vào sự hỗn loạn bởi chính các tổ chức tình báo đó.
Cuối cùng, Minh cũng không thoát khỏi kết cục diệt vong (1644), "để lại tiếng xấu muôn đời"!
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét