Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

KIẾP GIANG HỒ 30

(ĐC sưu tầm trên NET)

Băng cướp khét tiếng nhất đất Cảng: Chuyện giờ mới kể

 
(VTC News) - Trong số những băng cướp làm mưa làm gió đất cảng, nổi bật là “ngũ hổ rặng ổi”, gồm 5 anh em Phạm Văn Động.


Kỳ 1: Băng cướp “ngũ hổ rặng ổi”

Mặc dù băng cướp ở đất Thủy Nguyên đã bị tiêu diệt cách nay 30 năm, nhưng khi nhắc lại, những người lớn tuổi ở đất Thủy Nguyên vẫn không khỏi rùng mình sợ hãi.

Cuộc chiến tranh vệ quốc đã chấm dứt, nhưng người dân vùng đất ven biển vẫn không một ngày được yên, khi những băng cướp hoành hành khắp nơi. Trong số những băng cướp làm mưa làm gió đất cảng, nổi bật là “ngũ hổ rặng ổi”, gồm 5 anh em Phạm Văn Động.

Chuyện cảnh sát, dân quân phải dùng đến B40 để tiêu diệt toán cướp này, đủ biết chúng khét tiếng, tàn bạo, ranh mãnh và nguy hiểm đến mức nào.

Để dựng lại chân dung nhóm tội phạm “ngũ hổ rặng ổi”, được mệnh danh là “phỉ sông nước”, chúng tôi đã về lại Hải Phòng, tìm gặp những nhân chứng sống, cán bộ địa bàn, những trinh sát từng bất chấp tính mạng săn lùng chúng.
giang hồ đất cảng
Làng Kinh Triều, nơi sinh ra nhóm cướp "ngũ hổ rặng ổi" 
Cổng làng Kinh Triều (xã Thủy Triều, Thủy Nguyên) to tướng, nhưng vắng người qua lại. Người dân trong làng chỉ tôi đến ngôi nhà, từng là nơi sinh ra của những tên cướp.

Tuy nhiên, ngôi nhà ấy đã bán cho người khác từ lâu, con cháu nhóm cướp này cũng đã tản mát đi nơi khác. Kẻ tham gia toán cướp thì đã về âm phủ, những người thân chẳng còn mặt mũi, nên cũng rời quê, tìm kế sinh nhai nơi khác. Giờ ở làng chẳng còn con cháu nào của những tên cướp khét tiếng sinh sống nữa.

Đi hết con ngõ nhỏ, xuyên qua những rặng tre, vườn ổi, chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Văn Nhật (SN 1941), nguyên là Chủ tịch UBND xã Thủy Triều.

Ông bỏ dở công việc che chắn nhà cửa chống bão tiếp đón chúng tôi. Ông Nhật làm lãnh đạo xã đúng vào thời kỳ băng cướp “ngũ hổ rặng ổi”, nổi lên như cồn và ông cũng tham gia công tác tiêu diệt chúng, nên ông nắm về toán cướp này rất rõ.

Kẻ cầm đầu toán cướp rạch giời rơi xuống ấy là Phạm Văn Động, con thứ 7 trong gia đình có tới 11 người con. Cha Phạm Văn Động quê ở Yên Hưng (Quảng Ninh), bên kia sông Bạch Đằng. Mẹ là người thôn Kinh Triều.

Khi đó, Kinh Triều vườn ruộng mênh mông, bãi sông cá mú, cuộc sống mưu sinh dễ dàng hơn, nên cha Động ở rể. Cặp vợ chồng nông dân này tính tình thuần phác, chỉ biết làm lụng, nuôi con, nhưng có dựng mồ sống dậy, cũng chẳng thể tin rằng, mấy đứa con của mình lại ngỗ ngược đến vậy.

Sinh ra và lớn lên vào thời chiến, lớn lên, Phạm Văn Động cũng tiếp nối truyền thống cha ông, xóm làng vào Nam đánh giặc. Chàng trai mới lớn ấy vác súng vào Nam với ước vọng trả thù cho người anh cả, đã ngã xuống vì giặc.

giang hồ đất cảng
Ông Đỗ Văn Nhật, nguyên chủ tịch xã Thủy Triều, kể chuyện về nhóm cướp Phạm Văn Động 
Ông Đỗ Văn Nhật buồn rầu bảo: “Anh cả của Phạm Văn Động là một liệt sĩ chống Mỹ. Gia đình ấy cũng là gia đình có công với cách mạng, nhưng tội ác của mấy anh em Phạm Văn Động đã che mờ tất cả”.

Theo ông Nhật, sinh ra ở vùng sông nước, mới chập chững biết đi đã bơi lội bì bõm trên sông Bạch Đằng, rất thành thạo lặn ngụp, nên Phạm Văn Động được tào tạo thành lính đặc công.

Lẽ ra, lính đặc công Phạm Văn Động sẽ có nhiều đóng góp cho Tổ quốc, nếu như bản tính du côn của y không trỗi dậy. Mặc dù được đào tạo bài bản, nhưng gã không đem tài năng của mình phục vụ việc đánh giặc, mà toàn sử dụng để gây lộn với đồng đội, rồi trộm cắp. Chính vì thế, dù đã kinh qua mấy chiến trường, nhưng đã bị quân đội thải hồi.

Giỏi võ, lại sẵn tính côn đồ, nên về làng, Phạm Văn Động trở thành một thanh niên bất trị. Gã giao du với nhóm côn đồ trong vùng, kết bè, kết đảng, rồi tham gia cướp bóc.

Nhóm cướp của chúng gồm 4 anh em Phạm Văn Động, Phạm Văn Đông, Phạm Văn Hoạt, Phạm Văn Bi, cùng một tên nữa là Phạm Văn Tú, anh em họ trong nhà. Tổng cộng là 5 tên, đều thuộc hàng đầu trộm đuôi cướp.

Phạm Văn Hoạt là anh trai của Động, con thứ 6 trong gia đình. Mặc dù Phạm Văn Hoạt là nhân vật ít được nhắc đến trong băng cướp này, nhưng thực ra, Hoạt là một tên cướp có thành tích bất hảo hơn cả Động.

Người dân ở làng Kinh Triều cũng ít biết đến hắn, ngoài việc thấy hắn là kẻ ăn trắng mặc trơn, lười lao động.

Ngày Phạm Văn Động vào quân ngũ, thì Hoạt làm mưa làm gió khắp vùng Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng.

Hoạt có dáng người mảnh khảnh, thường mặc bộ đồ rộng thùng thình, trông phất phơ trước gió, khuôn mặt cũng thư sinh, thế nhưng, khi cầm kiếm, thì ra tay lạnh lùng, tàn khốc.

Theo một cán bộ công an trong Đội hình sự H88, thì thập niên 70 thế kỷ trước, nhắc đến Tiến Khứa, giới giang hồ Hải Phòng đều phải sợ hãi. Người dân Hải Phòng cũng không biết gì về lai lịch tên này, chỉ biết rằng hắn là kẻ thường giết trước cướp sau.

Mãi sau này, khi thanh toán xong băng cướp Phạm Văn Động, người dân vùng Thủy Nguyên mới biết Tiến Khứa chính là Phạm Văn Hoạt. Vì sao hắn lấy biệt danh lạ đó, thì chưa có lời giải.

Phạm Văn Bi là người anh thứ hai, kế sau người anh liệt sĩ. Tên này cũng là kẻ cướp bóc vang trời đất cảng.

Khi Phạm Văn Động bị thải hồi, Động chưa gia nhập toán cướp của mấy người anh. Thế nhưng, sau khi xộ khám, rồi trốn trại, Động mới nhập bọn cùng đàn anh của mình, để trốn tránh sự truy lùng của công an, bảo vệ lẫn nhau.
giang hồ đất cảng
Lãnh đạo xã Kinh Triều hồi tham gia truy bắt băng cướp "ngũ hổ rặng ổi" 
5 tên đầu trộm đuôi cướp hàng đầu đất cảng tụ họp với nhau, tha hồ vẫy vùng, coi càn khôn chẳng ra gì. Số má thì vang danh đất cảng, nhưng hỗn danh thì chưa có.

Ở đầu làng Thủy Triều có rặng ổi hoang, là nơi gắn với tuổi thơ của chúng, nơi chúng leo trèo lúc còn nhỏ, nên chúng bàn bạc rồi quyết định đặt tên cho băng cướp của mình cái biệt danh khá lạ, nửa Hán, nửa Việt, đó là “ngũ hổ rặng ổi”.

Theo các cán bộ xã thời bấy giờ, thì khi đó khắp vùng Thủy Nguyên nổi lên phong trào vượt biên trái phép sang Hồng Kông và các nước châu Âu. Anh em Phạm Văn Động lúc đầu cũng mang khát vọng đó. Để vượt biên được, thì phải có tiền. Chính vì thế, chúng lập băng nhóm để đi cướp.

Thế nhưng, việc cướp bóc ở trong nước kiếm tiền dễ dàng hơn, chúng lại như chúa tể cả một vùng, tự coi mình như hảo hán Lương Sơn Bạc, nên chúng cũng quên luôn việc vượt biên.

Thời kỳ đó, đất nước mới hòa bình, chính quyền còn non trẻ, nên toán cướp “ngũ hổ rặng ổi” thực sự là bọn giặc cỏ gây bất an lớn cho xã hội.

Còn tiếp…

Băng cướp khét tiếng đất Cảng: Dùng B40 tiêu diệt

Thuộc chuyên đề: 
(VTC News) - Biết rằng bọn chúng sẽ cố thủ đến chết, nên ban chuyên án quyết định nổ súng tiêu diệt.


Ông Đỗ Văn Nhật, nguyên Chủ tịch UBND xã Thủy Triều (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, sở dĩ toán cướp “ngũ hổ rặng ổi” hoành hành mấy năm liền không bị tóm, là vì hành tung của chúng xuất quỷ nhập thần, cứ như bóng ma trong vùng.

Ngoài ra, việc không nhận dạng được chúng cũng gây khó khăn cho công tác truy bắt. Một số cán bộ địa phương biết rõ mặt, nhưng không dám ra mặt truy bắt, vì sợ chúng trả thù, giết hại cả nhà một cách tàn độc. Lực lượng chìm tăng cường từ huyện và thành phố thì không biết mặt chúng, nên rất nhiều lần để sống chúng.

Có lần, nhận được tin Phạm Văn Động về làng, trú ẩn tại nhà một người quen biết, các trinh sát đã tiến hành bao vây. Người này vốn qua lại với Động, nhưng đã được chính quyền thuyết phục, cảm hóa thành người cấp tin.

Tuy nhiên, khi lực lượng trinh sát áp sát nhà, thấy chủ nhà thay đổi sắc mặt, Động nảy sinh nghi ngờ. Ngó ra ngoài cửa sổ, thấy trinh sát tiến vào, hắn liền nhanh trí xông ra ngoài hô hoán: “Nó ở trong nhà, vào bắt nó đi”.

Các trinh sát không biết mặt Động, nên xông vào trấn áp chủ nhà. Khi hiểu ra sự việc, hắn đã mất dạng.
Vùng rừng sú vẹt, nơi những tên cướp ẩn náu 
Ông Nhật kể rằng, biết ông tích cực phối hợp với công an thành phố truy bắt băng cướp, tên Phạm Văn Động đã mò về nhà ông lúc nửa đêm để… đưa hối lộ. Hắn giắt theo súng cùng với 2 chỉ vàng. Hắn đưa ra yêu cầu làm ngơ, không giúp lực lượng truy bắt.

Lúc đó, ông Nhật rơi vào cảnh ngàn cân treo sợ tóc. Nếu nhận vàng thì không được, còn không nhận thì hắn có thể giết ông ngay lúc đó. Ông Nhật đã phải mềm mỏng, xuống nước, khuyên hắn nên ra chính quyền trình diện, để hưởng khoan hồng. Không có lý do gì để giết ông Nhật, hắn lủi thủi bỏ đi.

Tuy nhiên, hôm sau hắn bố trí điểm đón lõng để giết hại ông và các cán bộ chủ chốt của xã. Biết rằng, đêm đó ông Nhật, cùng ông Kế (bí thư) và ông Thõng (trưởng công an xã) và các cán bộ họp bàn phương án truy bắt băng cướp này, hắn cùng đồng bọn trèo lên cây thị ở giữa làng, nơi các ông thường đi qua.

Lúc chuẩn bị đi họp ở địa điểm bí mật, không hiểu linh tính mách bảo thế nào, ông Nhật nhất quyết đi đường khác, dù xa hơn và tối hơn. Sau này, khi băng cướp bị tiêu diệt, một tên trong toán cướp đã khai rằng, chính hắn cùng Phạm Văn Động và đồng bọn đã đón lõng ở ngã ba. Bọn chúng ngồi trên ngọn cây, ôm cả túi lựu đạn, chỉ chờ ông Nhật và các lãnh đạo xã đi qua là quăng xuống.

Sau một thời gian nằm im, vào những ngày đầu năm 1984, băng cướp “ngũ hổ rặng ổi” đột nhiên hoạt động mạnh mẽ. Chúng vác súng AK đi gõ cửa từng nhà để tịch thu tài sản. Dọc khu vực bến phà Rừng có mấy chục gia đình bị chúng đột nhập vơ vét.

Ban chuyên án nhận định bọn chúng đang gom tiền bạc một cách liều lĩnh và manh động để trốn ra nước ngoài, nên quyết tâm phải tóm chúng bằng mọi giá. Nếu chúng trốn ra nước ngoài thành công, thì xương máu 5 cán bộ chiến sĩ, và rất nhiều máu, nước mắt của người vô tội đổ xuống một cách vô ích.

Nhận được tin báo đêm giao thừa 1984, Phạm Văn Động sẽ về nhà đón giao thừa, thắp hương cho tổ tiên, ban chuyên án đã quyết định vào cuộc. Một tổ lính đặc công được tăng cường cùng với các trinh sát công an được điều động về làng Kinh Triều bài binh bố trận đón lõng chúng. Vũ khí được trang bị tận răng. Thậm chí, ban chuyên an bố trí cả B40 để quyết tiêu diệt bằng được toán cướp này.
Một tên giang hồ đất Cảng bị tóm 
Đúng như tin báo, vào thời khắc giao thừa, sau khi cho đàn em đi trước thám sát, ba tên Động, Đông và Tú đã về làng. Tuy nhiên, sau chừng một tiếng án binh bất động ở cánh đồng, chỉ có tên Động lầm lũi vào làng. Đông và Tú tản ra xung quanh để cảnh giới.

Chờ tên Động rơi vào ổ phục kích, các đơn vị sẽ chiếu đèn pin kêu gọi hắn đầu hàng. Tuy nhiên, khi đèn pin vừa bật lên, chưa kịp phát lời kêu gọi, hắn đã rút súng. Nhưng súng của hắn chưa kịp rời mạng sườn, một viên đạn đã găm trúng đầu, kết liễu tên ác ôn này.

Biết Động đã mất mạng, hai tên Đông và Tú tìm đường thoát thân. Bọn chúng nhảy lên một chiếc xe tải, uy hiếp lái xe chở chúng ra tận Hạ Long. Chúng cướp thuyền của một ngư dân để trốn ra vịnh Hạ Long.

Hai tên sống trên con thuyền này hai ngày liền. Chúng cưỡng ép chủ thuyền nấu nướng phục vụ chúng. Hai tên này còn sử dụng chiếc thuyền đó đột nhập các con tàu tiến hành cướp bóc trên biển.

Khi đã gom đủ tiền, hai tên tính bài vượt biển sang Hồng Kông. Thế nhưng, phía ngoài vịnh Hạ Long, hàng chục con tàu, ca nô của lực lượng cảnh sát, quân đội, biên phòng tuần tiễu ngày đêm, kiểm tra bất cứ phương tiện đường thủy nào nghi vấn.

Không ra biển được, bọn chúng lần mò ven biển quay lại bãi sú vẹt dọc sông Bạch Đằng, quay về đại bản doanh của chúng. Quá trình lần theo chúng, lực lượng trinh sát phát hiện hai tên này mò đến nhà người quen của tên Tú ở huyện Yên Hưng.

Tuy nhiên, trong nhà có đông người đang ăn uống, nên lực lượng trinh sát không dám tấn công, mà ém quân chờ thời cơ. Khoảng 10 giờ đêm mùng 3 Tết, Đông và Tú đã mò ra ngoài vườn đi tiểu.
Giang hồ Hải Phòng bị tóm gọn 
Đêm đó trời tối như mực, không nhận rõ chúng, nên các trinh sát không dám nổ súng. Bỗng nhiên, một cơn gió thổi đến, khóm cây trong vườn rung rinh. Không cần biết do gió, người, hay thú, hai tên đồng loạt rút súng nã nguyên băng đạn. Rất may là loạt đạn của chúng không trúng ai.

Các trinh sát bố trí ở nhiều điểm bất ngờ trước hành động của chúng, nên cũng đồng loạt nổ súng. Vì đêm tối, nhìn không rõ người, nên đạn cứ vãi bừa bãi.

Bắn xong, không thấy động tĩnh gì, các trinh sát đã tiếp cận mục tiêu. Tuy nhiên, không thấy xác hai tên đâu. Các trinh sát lần theo dấu máu truy kích chúng.

Lần dọc cánh đồng thì dẫn đến một túp lều của người trông coi ao cá. Các trinh sát đang tiếp cận, thì một ông lão đi ra. Các trinh sát đã đã “bắt cóc” được ông lão này.

Theo lời ông lão, thì hai tên vừa đột nhập vào lều. Một tên bị trúng đạn vào đùi, máu chảy rất nhiều. Trời rét quá, lại bị ướt, nên chúng bắt ông lấy rạ đốt lửa sưởi ấm cho chúng. Ông lão vừa ra ngoài thì giáp mặt các trinh sát.

Các trinh sát đã bắc loa gọi chúng đầu hàng để hưởng khoan hồng. Tuy nhiên, đáp lại lời kêu gọi là những loạt đạn khô khốc, khạc lửa từ phía căn lều rách.

Biết rằng bọn chúng sẽ cố thủ đến chết, nên ban chuyên án quyết định nổ súng tiêu diệt chúng. Hai quả B40 chống tăng rít veo véo rồi hạ cánh trúng căn lều. Căn lều bằng gianh bốc cháy ngùn ngụt. Đạn súng và lựu đạn hai tên cướp mang theo nổ đùng đoàng. Hai tên cướp bị ngọn lửa thiêu cháy đen, không còn nhận ra hình hài nữa.

Những tên đầu sỏ của “ngũ hổ rặng ổi” đã bị tiêu diệt. Những tên còn lại, đám lâu la đứa bị bắt, đứa bị bắn chết. Vùng Thủy Nguyên, con sông Bạch Đằng, sông Cấm, cảng Đình Vũ được bình yên một thời gian khá dài.

Dương Thụy Bình

Băng cướp khét tiếng đất Cảng: Sát hại 5 công an


(VTC News) - Hắn đã sử dụng nhuần nhuyễn những kỹ năng của lính đặc công để ăn cắp vũ khí, vượt ngục và sát hại lực lượng công an.

Kỳ 3: Sát hại 5 công an

Nhắc đến giang hồ, người dân cả nước nghĩ ngay đến đất Hải Phòng, nơi sản sinh ra những tướng cướp, băng cướp khét tiếng. Nhưng nhắc đến giang hồ Hải Phòng, thì những cán bộ chiến sĩ từng tham gia bắt cướp, triệt phá các ổ nhóm giang hồ đất Cảng đều lắc đầu ngán ngẩm băng cướp của Phạm Văn Động.


Ngày Thượng tá Dương Tự Trọng còn đương chức Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP. Hải Phòng, tôi có hỏi về giang hồ đất Cảng, anh cũng khẳng định rằng, trong lịch sử tội ác ở Hải Phòng, băng cướp Phạm Văn Động gây ra nhiều mất mát đau thương nhất cho ngành công an. Ngoài việc chúng cướp bóc, giết người không ghê tay, thì chúng đã cướp đi mạng sống cùng lúc 5 chiến sĩ công an.

Thượng tá Nguyễn Trọng Lộ, nguyên Phó phòng Cảnh sát hình sự, Đội trưởng H88 huyền thoại, người từng chỉ đạo và tham gia phá hàng chục ổ nhóm tội phạm, giang hồ khét tiếng như Tuyến “lợn”, Phương “tế”, Cẩm “thi”, Nhật “xoăn”, Cu Nên, Dung “hà”, Lâm “già”… cũng phải rùng mình khi kể về hành trình tiêu diệt băng nhóm của Phạm Văn Động.
giang hồ đất cảng
Thượng tá Nguyễn Trọng Lộ, nguyên Đội trưởng Đội H88, Công an TP. Hải Phòng, kể về băng cướp "ngũ hổ rặng ổi" 
Theo Thượng tá Lộ, băng nhóm Phạm Văn Động như những ác thú sông nước, tha hồ tự tung tự tác. Chúng nhiều vũ khí nóng trong tay, lại sẵn bản tính hung ác, nên coi trời bằng vung.

Phạm Văn Động được đào tạo trong quân ngũ, thành lính đặc công và sử dụng kỹ năng đó vào việc trấn cướp, giết người, thì bản thân những kỹ năng đó đã là một thứ vũ khí vô cùng lợi hại. Hắn đã sử dụng nhuần nhuyễn những kỹ năng đó để… ăn cắp vũ khí của Nhà nước, vượt ngục và sát hại lực lượng công an.

Ngày đó, chiến tranh mới kết thúc, vũ khí, khí tài được tập kết ở nhiều điểm dọc bờ biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Những kho vũ khí này luôn sẵn sàng chi viện cho miền Nam và phía Bắc khi hữu sự. Các kho vũ khí luôn được đảm bảo bí mật, canh giác cẩn thận.

Phạm Văn Động đã cùng các “chiến hữu” đột nhập một kho quân khí ở một hòn đảo ngoài Quảng Ninh và ăn cắp được vô số súng ống, lựu đạn, mìn sát thương.

Ngày đó, thông tin này rất nhạy cảm, không được công khai rộng rãi, nên chẳng ai biết băng cướp của Phạm Văn Động thó được bao nhiêu vũ khí, chỉ biết rằng, tên nào tên nấy súng ống kè kè bên mình, lựu đạn đeo bên lưng lủng liểng, và sẵn sàng nhả đạn cả băng không tiếc.

Tàu bè qua lại sông Cấm, sông Bạch Đằng mà không dừng lại theo hiệu lệnh, chúng nhả đạn thủng lỗ chỗ mạn tàu, và không tiếc tay “tặng” cho vài quả lựu đạn.
giang hồ đất cảng
Một tên giang hồ đất Cảng. 
Sau này, khi băng cướp “ngũ hổ rặng ổi” bị tiêu diệt, người dân đào bới, cuốc đất còn moi được cả ổ súng ống đạn dược chôn dưới lòng đất. Bọn chúng chôn vũ khí nóng khắp làng, cất giấu nhiều nơi ở “đại bản doanh” ngoài xã Lập Lễ, khi nào cần đến thì bới lên dùng.

Ông Đỗ Văn Nhật, nguyên Chủ tịch UBND xã Thủy Triều cho biết: “Ngày đó lẽ ra đã có mấy chục cán bộ, công an, dân quân thiệt mạng trước họng súng của băng cướp Phạm Văn Động, nếu như mọi người… tóm được hắn”.

Chẳng là, hồi đó, Phạm Văn Đông, em trai của Động, còn chưa tham gia băng cướp và đã có mấy lần anh em bắt nhầm. Sở dĩ bắt nhầm là vì Đông giống hệt Động.

Tối đó, nhận được tin báo băng cướp Phạm Văn Động về làng, nên các lực lượng được huy động tổng lực vây bắt chúng. Vòng vây khép chặt ngoài cánh đồng thì tóm được Đông.

Mọi người tưởng đã tóm được Động, nên kéo nhau lộ mặt hết. Tuy nhiên, lúc này mới phát hiện ra đó là Đông, em ruột của Động, kém Động có 1 tuổi và giống nhau y đúc.

Khi đó, Đông chưa tham gia băng cướp, nên phải thả Đông ra, rồi kéo nhau ra chiếc xe ô tô giấu ở rặng tre rậm rạp đầu làng, trở về thành phố.

Sau này, khi tiêu diệt được nhóm “ngũ hổ rặng ổi”, một tên đàn em của chúng khai rằng, khi lực lượng công an, dân quân tập kích, bao vây làng, bọn chúng đã nắm được tin, và bố trí lực lượng đối phó.

Nếu lực lượng này vây ráp và tóm được đại ca, thì bọn chúng sẽ xả đạn tiêu diệt toàn bộ lực lượng công an, dân quân để giải cứu. Khi lực lượng này vào làng, bọn chúng đã ém quân ở nhiều địa điểm. Mấy tay súng cừ khôi, cùng với cả đống lựu đạn đã được bố trí sẵn bên chiếc ô tô giấu ở bụi tre, sẵn sàng nhả đạn, quăng mìn nếu đại ca bị bắt.
giang hồ đất cảng
Làng Kinh Triều, quê hương của băng cướp "ngũ hổ rặng ổi" 
Mặc dù hành tung của chúng như những bóng ma, song trong một lần tổ chức cướp bên Quảng Ninh, chúng đã bị rơi vào ổ phục kích của công an Quảng Ninh và bị tóm gọn.

Ngày đó, cơ sở vật chất tạm bợ, các trại giam không chắc chắn như bây giờ, nên với kỹ năng lính đặc công, Phạm Văn Động đã tổ chức vượt ngục, đào tẩu một cách dễ dàng.

Trước khi thoát khỏi trại giam, bọn chúng còn liều lĩnh đột nhập phòng làm việc của giám thị ăn cắp mấy khẩu súng, cướp một con thuyền rồi tẩu thoát bằng đường biển, vòng vào sông Bạch Đằng, về đại bản doanh.

Khi chúng về đến bãi sú vẹt cửa sông Bạch Đằng, thì lực lượng công an Quảng Ninh trên chiếc thuyền máy đuổi kịp. Tiếng loa gọi hàng chưa kịp dứt, thì chúng nhả đạn tung tóe mặt sông. Lực lượng công an buộc phải nổ súng tiêu diệt chúng.

Tiếng súng chiu chíu, tiếng thuyền máy nổ vang trời khuấy động cả một vùng sông nước. Trận đấu súng trên sông diễn ra khá lâu. Hai bên đều rú ga chạy thuyền thật nhanh, nhưng vẫn giữ khoảng cách để tránh tầm đạn.
giang hồ đất cảng
Công an Hải Phòng bàn phương án tác chiến 
Biết rằng nếu đấu súng lâu ở mặt sông, lực lượng hỗ trợ đến kịp, khó giữ được tính mạng, nên Phạm Văn Động sử dụng kỹ năng của lính đặc công, trốn vào rừng sú vẹt.

Lực lượng công an đánh thuyền vào rừng sú, quần thảo trong đó một lát, thì lại thấy chúng đánh thuyền ra phía ngoài sông. Chúng cố tình chạy thuyền chậm lại, rồi nhảy ra khỏi thuyền, kéo thuyền lật úp.

Lực lượng công an thấy thuyền lật úp, nghĩ rằng chúng đã bị trúng đạn, chết chìm cả, nên tiến lại gần. Thận trọng trước mưu mẹo của chúng, nên mấy đồng chí công an đã giữ khoảng cách nhất định, rồi nhả đạn liên tục vào thuyền, khiến chiếc thuyền nát bươm, chìm lập lờ trong dòng nước đục ngầu.

Tin rằng chúng đã chết, nên anh em cho thuyền tiến lại gần. Tuy nhiên, không thấy có máu me, cũng không thấy cái xác nào. Khi anh em còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, thì một loạt tiếng súng vang lên từ bụi sú gần đó. Cả 5 đồng chí công an đã dũng cảm ngã xuống.

Tên Phạm Văn Động đã nghĩ ra kế hiểm, đó tự làm thuyền lật úp, rồi cả bọn lặn vào bụi sú vẹt gần đó, trát bùi đất lên mặt để ngụy trang dưới lớp rễ cây, bùn lầy. Khi lực lượng công an rơi vào tầm ngắm, thì chúng nhả đạn giết hại.

Còn tiếp…

Dương Thụy Bình

Băng cướp đất Cảng lập bản doanh làm ‘Anh hùng Lương Sơn Bạc’

 
(VTC News) - Chúng tự tung tự ác, coi mình như những anh hùng Lương Sơn Bạc.


Kỳ 2: Đại bản doanh vùng cửa biển

Bị săn lùng ráo riết quá, băng cướp “ngũ hổ rặng ổi” đã kéo về xã Lập Lễ (thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) lập căn cứ. Lập Lễ là xã nằm ven sông Bạch Đằng, chỗ ngã ba sông Ruột Lợn và sông Bạch Đằng. Xuôi sông Bạch Đằng ra phía cửa biển 2 km là ngã ba sông Cấm.

Đây là vùng đất ngập nước, toàn rừng sú vẹt mênh mông, xen kẽ với bãi bồi. Vùng đất này đi lại cực kỳ khó khăn. Thuyền bè không vào rừng sú vẹt được, xe cộ không qua lại được, mà máy bay có càn quét trên đầu cũng chẳng ăn thua khi toán cướp này tản mát vào rừng, lặn ngụp dưới nước, rúc vào gốc sú vẹt tua tủa rễ nằm bất động với cua cáy.
giang hồ đất cảng
Băng cướp "ngũ hổ rặng ổi" đã lấy rừng sú vẹt xã Lập Lễ làm đại bản doanh 
Nếu lực lượng công an, quân đội càn quét vào rừng, chúng sẽ có nhiều đường thoát thân. Chúng chỉ việc bơi sang bên kia sông Bạch Đằng là thoát sang đất Quảng Yên (Quảng Ninh), hoặc xuôi sông Bạch Đằng, sẽ ra biển, rồi lẩn trốn vào khu vực Đình Vũ tấp nập tàu thuyền, hay rẽ sang phía huyện đảo Cát Bà, rồi mất tích trong núi thẳm.

Có thể nói, khu vực rừng sú vẹt thuộc xã Lập Lễ là địa bàn trú ẩn, phòng thủ rất lợi hại. Tuy nhiên, đây cũng lại là địa bàn “làm ăn” cực kỳ thuận lợi. Con sông Bạch Đằng, sông Cấm, cảng Đình Vũ là chốn thuyền bè qua lại tấp nập, là “cửa ra vào” của phần lớn hàng hóa từ Hải Phòng và toàn miền Bắc khi đó.

Toán cướp khét tiếng “ngũ hổ rặng ổi” với vũ khí đầy mình, tha hồ tung hoành khắp sông nước, bến cảng để cướp bóc, thu “thuế”. Chúng tự tung tự ác, coi mình như những anh hùng Lương Sơn Bạc.

Khi đã giết hại nhiều người, cướp bóc tung trời, biết rằng nếu bị bắt, kiểu gì cũng tử hình, nên bọn chúng càng điên cuồng, bấp chấp tính mạng, thách thức công an.

Ông Đỗ Văn Nhật, nguyên chủ tịch UBND xã Thủy Triều cho biết, hồi đó, cứ mỗi đêm, chính quyền lại nhận được 3-4 vụ người dân trình báo bị cướp. Hầu hết các nạn nhân đều trình báo rằng, toán cướp là những kẻ mặc áo mưa kiểu bộ đội, trùm mũ len chỉ hở 2 mắt.

Chúng chạy thuyền máy, hoặc lặn ngụp dưới sông, rồi bất ngờ đột nhập lên tàu, thuyền, gí súng vào đầu khổ chủ cướp bóc sạch sẽ. Đã có nhiều chủ tàu chết mất xác, làm mồi cho cá, thậm chí bị chúng đốt tàu, nếu cố tình chống cự.

Những câu chuyện tàn ác của chúng được người dân nơi đây kể rất nhiều, thậm chí còn được thêu dệt, huyễn hoặc hóa lên.

giang hồ đất cảng
ng Đỗ Văn Nhật, nguyên chủ tịch UBND xã Thủy Triều kể lại chuyện băng cướp "ngũ hổ rặng ổi"  
Chẳng hạn, một đêm đi “săn”, nhưng không thấy “con mồi” nào xuất hiện trên sông, buồn quá, chúng nhảy lên con thuyền của một lão ngư nghèo kiết xác.


Lục tung thuyền chẳng thấy của nả gì đáng giá, chúng quay sang hành hạ lão ngư làm trò vui, xả cơn giận. Thấy đoạn ruột lợn chưa kịp thái, chúng gí súng vào đầu, bắt ông lão nuốt cả đoạn lòng lợn ấy.

Biết rằng không nuốt nổi, nhưng nếu không làm theo thì chúng bắn nát óc, nên ông đành nhắm mắt, nhắm mũi nuốt đoạn lòng. Nuốt mãi, đến giàn dụa nước mắt, nôn thốc nôn tháo mà không được, bọn chúng đạp ông lộn xuống sông, cười rú lên, rồi bỏ đi.

Mặc dù đám giặc cỏ sông nước này lập bản doanh ở rừng sú vẹt, cướp bóc trên sông, nhưng thi thoảng chúng vẫn mò về làng, bất chấp việc công an, dân quân săn lùng, vây bắt ráo riết.

Bà Nguyễn Thị Anh, cán bộ xã Thủy Triều, từng có bố cũng là một cán bộ xã, kể lại rằng, ngày băng cướp “ngũ hổ rặng ổi” hoành hành, làng Kinh Triều, cả xã Thủy Triều, cả vùng Thủy Nguyên lúc nào cũng như có giặc.

Mặc dù dân quân, công an phục kích, tuần tra khắp nơi, song cứ đêm xuống, dân cư trong vùng cửa đóng then cài, đèn thắp sáng choang.

Những gia đình nào nghèo thì sợ chúng “mượn” nhà làm đại bản doanh một vài ngày, còn gia đình nào có của ăn của để thì lo sợ nơm nớp.

Sau này, khi băng cướp “ngũ hổ rặng ổi” bị tiêu diệt, hàng chục gia đình mới thành thật khai báo từng nuôi giấu những tên đại ác này. Tuy nhiên, những gia đình này đều không bị khởi tố tội che giấu tội phạm, bởi họ rơi vào tình thế bắt buộc.

Nhắc lại toán cướp Phạm Văn Động, ông Nguyễn Văn N. (làng Kinh Triều) vẫn còn rùng mình sợ hãi. Ông N. nhớ lại: “Đêm hôm đó, bão chuẩn bị về Hải Phòng, gió rít rặng tre veo véo, vợ chồng con cái tôi tắt đèn ngủ sớm. Tuy nhiên, vừa chợp mắt, thì bọn cướp đạp cửa xông vào trấn áp vợ chồng tôi.

giang hồ đất cảng
Bà Nguyễn Thị Anh, cán bộ xã Thủy Triều cho biết, ngày băng cướp “ngũ hổ rặng ổi” hoành hành, cả vùng Thủy Nguyên lúc nào cũng như có giặc.  
Tôi nhận ra ngay thằng Động. Nhà tôi và nhà nó còn có họ hàng xa, thế nhưng nó cũng chẳng tha. Nó gí súng vào đầu tôi, nhốt cả nhà tôi vào buồng trong. Nó bảo nó mượn nhà vài ngày.


Mấy ngày ấy, cả nhà tôi phục dịch bọn nó như người hầu. Bọn nó thằng nào thằng nấy kè kè súng ống bên mình, thắt lưng đeo lựu đạn lủng lẳng, nên gia đình tôi không ai nghĩ đến chuyện chống cự.

Buổi sáng, nó vẫn thả cho tôi đi làm, bắt vợ tôi đi chợ mua rượu, thịt nấu nướng phục vụ chúng nó. Mấy đứa con tôi chúng nó nhốt trong nhà. Chỉ cần hành tung của chúng nó bị lộ, chúng nó sẽ giết mấy đứa trẻ, vì thế, vợ chồng tôi buộc phải đảm bảo bí mật tuyệt đối cho chúng nó”.

Đã có một người, là ông Nguyễn Văn Được, suýt mất mạng vì “tội” truy hô bọn cướp khi chúng mò về làng.

Theo lời ông Đỗ Văn Nhật, đêm đó, toán cướp mò về làng, tính chọn nhà ông Được làm đại bản doanh, trú ẩn trong những ngày mưa bão. Tuy nhiên, khi tên Động vừa nhảy vào vườn, nhác thấy bóng đen, ông Được đã tri hô.

Tưởng rằng tên trộm sẽ bỏ chạy vì làng xóm và công an sẽ xông đến vây ráp, tuy nhiên, hắn lạnh lùng giương khẩu AK rải nguyên một loạt đạn về phía phát ra tiếng tri hô. Biết không có phục kích và chủ nhà đã trúng đạn, chúng lạnh lùng rút đi, biến mất trong bóng đêm.

Cả làng Kinh Triều bị đánh thức bởi loạt đạn chiu chíu, găm vào tường chát chúa. Tuy nhiên, người dân đóng chặt cửa, không dám ra ngoài, bởi ai cũng biết rằng mấy anh em Phạm Văn Động đã mò về.

Chỉ đến khi không thấy động tĩnh gì, nghe thấy tiếng ông Được kêu cứu, thì xóm làng mới xúm đến đưa ông Được đi cấp cứu. Một viên đạn trúng bụng, khiến ruột ông Được sổ ra ngoài. May mắn là ông Được vẫn giữ được tính mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét